Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2025

Thơ 1-2-3 của Phan Hoàng, đôi điều cảm nhận

Thơ 1-2-3 của Phan Hoàng,
đôi điều cảm nhận

Nhà thơ Phan Hoàng từng được mệnh danh là “Giáo chủ” của cách viết (lối viết thì đúng hơn) thơ 1-2-3 . Ấy là tiếp nhận ban đầu của tôi về anh qua một bạn văn nổi tiếng. Thoạt nghe có vẻ kỳ bí, thậm chí hơi ma mị, điều đó thôi thúc tôi tìm đọc thơ anh, cho thỏa sự hiếu kỳ, đồng thời cũng là người ham học hỏi và nghiên cứu nên tôi nung nấu ý tưởng sẽ đọc, sẽ viết.
Đọc chùm 10 bài thơ 1-2-3 của Phan Hoàng, có thể thấy, lối thơ 1-2-3, mỗi bài thơ gồm 3 đoạn, 6 câu.
Đoạn thứ nhất chỉ một câu gồm tối đa 11 chữ, đồng thời cũng là nhan đề bài thơ. Đoạn thứ 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ. Đoạn thứ 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ với nội dung đi từ hướng ngoại dần vào hướng nội. “Đây là một cố gắng thể nghiệm mới trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Phan Hoàng”. Với tôi, khi đọc anh, thấy không còn là thử nghiệm, mà là đã đủ độ chín cho người tiên phong lối viết này tại Việt Nam. Mới nghe thơ 1-2-3 tôi từng nghĩ có chăng giống thơ Hai cư Nhật Bản. Nhưng khi đọc chùm 10 bài thơ của nhà thơ Phan Hoàng, tôi mới thấy thật có lý khi Tạp chí Đất Việt nói Phan Hoàng thử nghiệm cách viết thơ 1-2-3.
Hoàn toàn mới mẻ, hoàn toàn sáng tạo, thực sự hấp dẫn khi đọc từng bài trong chùm thơ 10 bài của anh “Sống lại giấc mơ trên đồi chim sẻ”, “Moskva chiều thanh vắng xa em”, “Dưới ánh trăng Sergei Yesenin bỗng hiện về”, “Hải âu độc thoại điều gì bên vịnh Phần Lan?’, “Giữa bình minh mưa rực sáng bông hồng vàng”, “Dostoevsky chẳng quan tâm tượng mình đứng hay ngồi”, “Trái tim thơ Olga Berggolts toả ấm nghĩa trang”, “27 tuổi đời bay tìm tự do và tĩnh lặng”, “Hoàng hôn phương bắc mắt khuya phương nam” và “Có phải Tchaikovsky hoà tấu cùng Mozart?”.
Tên gọi của mỗi câu thơ thứ nhất trong từng bài thơ cũng chính là nhan đề mỗi bài thơ ấy; nhan đề cuốn hút, như lôi, như buộc, khiến bạn đọc yêu thơ không thể không chú ý. Mỗi bài thơ gắn với ít nhất một câu chuyện về tác giả hoặc tác phẩm, hoặc cả hai, của các danh tài văn học nghệ thuật: thơ, truyện, tiểu thuyết, kịch, âm nhạc… nước Nga. Ai yêu văn học Nga sẽ thấy thật sự xao xuyến khi gặp các các danh tài Lomonosov,  Sergei Yesenin, Pushkin, Gogol, Paustovsky, Dostoevsky , Olga Berggolts, Lermontov, Mozart và Tchaikovsky trong chùm thơ 1-2-3 của Phan Hoàng.
Viết được như Phan Hoàng, ngoài năng khiếu còn là vốn kiến thức phong phú và sự trải nghiệm thực tế đến độ chín. Chẳng phải thế sao? Ai đọc chùm thơ 1-2-3 của anh mà chỉ đọc một lần đã thâu tóm ý, tứ, nghĩa và thông điệp nhắn nhủ? Tôi dám chắc không có ai hoặc đó phải là người đọc nhiều, hiểu rộng, lại hiểu Phan Hoàng như tri kỷ. Còn không, nhất định phải đọc đi đọc lại. Không phải đó là sự khó hiểu của ngôn từ. Không, ở đây không có chuyện gò câu, ép chữ, không có “làm xiếc ngôn từ”. Mấu chốt bởi thơ anh cô đọng, giàu sức gợi và hàm chứa một trường liên tưởng vừa rộng vừa sâu.
Paustovsky là một trong những gương mặt tiêu biểu của nền văn học Nga đầu thế kỉ XX. Và tác phẩm nổi tiếng nhất của ông “Bông hồng vàng và bình minh mưa” lấy bối cảnh nước Nga trước thế chiến thứ II, một cuốn sách êm đềm, nhẹ nhàng viết về thế giới của những người con nước Nga bình dị, đôn hậu và lóng lánh chất thơ. Đọc bài thơ: “Giữa bình minh mưa rực sáng bông hồng vàng” thử xem, sẽ không hiểu nếu chưa đọc “Bình minh mưa và Bông hồng vàng” của Paustovsky?
Giữa bình minh mưa rực sáng bông hồng vàng
Bông hồng Paustovsky nở từ cuộc sống cô đơn sáng tạo
cái đẹp và sự tự do kết tinh từng hạt bụi vàng
Tiếc thương Pasternak và những ngôi sao chói rạng bốn phương
Paustovsky thảng thốt trước bóng tối uy quyền lãng quên báu vật
ánh sáng bông hồng vàng hướng tôi về Tâm hồn Nga – Tarusa
Ở đó có bông hồng vàng theo nghĩa đen và theo nghĩa bóng, bông hồng vàng là biểu tượng của cái đẹp, “Bông hồng Paustovsky nở từ cuộc sống cô đơn sáng tạo” là một sự ngợi ca bằng chính ngôn ngữ nhà văn dành tặng cho nhà văn. Biểu tượng trở nên sống động hơn và giá trị ngợi ca, giá trị nhân văn cũng từ đó mà nhân lên gấp bội. Không ngoa ngôn, không dùng đại ngữ, cứ nhẹ nhàng như phong cách nhẹ nhàng của Paustovsky khi viết nên tác phẩm nổi tiếng mà ai cũng nên ít nhất một lần đọc trong đời.
Một bài nữa tôi đặc biệt yêu thích “Moskva chiều thanh vắng xa em”
Moskva chiều thanh vắng xa em
Trỗi dậy trong ta lời ca ngân nga thân quen
giai điệu mơ màng đôi mắt xanh nâu thiếu nữ
Tình nhân thắm nồng cỏ biếc hồn nhiên công viên
vi vu gió gọi trăng trắng đêm bạch dương tình tự
hiện lên gương mặt rằm trăng em thuở mới tượng tình.
Chưa một lần được đến nước Nga nhưng tôi đặc biệt yêu thích quê hương và con người Nga, âm hưởng câu ca “Chiều thanh vắng là đây âm thầm gió rì rào” cứ ngân nga trong tâm trí sau khi nghe hoặc hát ca khúc Chiều Moskva. Và đọc thơ Phan Hoàng thấy giai điệu ấy, âm hưởng ấy càng da diết.
Chiều thanh vắng là đây âm thầm gió rì rào
Rừng cây chim muông lắng suốt canh thâu
Hỡi em thấu chăng tình trong lòng bao triều mến
Matxcova bên chiều vắng thanh bình.
Khi yêu nhau, xa là nhớ, nhớ trong chiều thanh vắng càng đằm sâu, Phan Hoàng viết “Moskva chiều thanh vắng xa em”, không một từ nhớ mà nỗi nhớ cứ tràn đầy, Sức gợi ấy thực sự rất rộng, rất sâu. Nhớ về đôi mắt “xanh nâu’ của thiếu nữ, nỗi nhớ ấy lồng trong cảm xúc tưởng tượng trên nền nhạc du dương, thanh bình. Bối cảnh quen thuộc ấy giờ xa em, xung quanh là công viên với những đôi lứa hồn nhiên tình tự “Tình nhân thắm nồng cỏ biếc hồn nhiên công viên”, gió cũng đồng điệu cảm xúc khi “vi vu gió gọi trăng trắng đêm bạch dương tình tự”. Khung cảnh ấy không nhớ cồn cào mới là lạ, và “hiện lên gương mặt rằm trăng em thuở mới tượng tình” như một lẽ tự nhiên, như quy luật muôn thuở của tình yêu đôi lứa. Có một từ dùng rất sáng tạo “tượng tình”, phải chăng đó là cách nhà thơ muốn nói: khuôn mặt em đẹp tựa trăng rằm, và câu thơ nói tới tình yêu thuở ban đầu, mới chớm nở, mới thành hình tượng.. em và trăng đồng hiện, em và trăng đều đẹp, đều đáng yêu?
Các từ láy ngân nga, mơ màng, trăng trắng khiến cho cảnh trở nên thơ mộng và ảo huyền. Tất cả để chuyển tải một nỗi nhớ đằm sâu, chân thực…
Đêm bạch dương thực sự đánh thức khát vọng và gọi mời du khách 4 phương. Nếu điều ước thành hiện thực, tôi muốn được đến với nước Nga, vì sức hấp dẫn tưởng thưởng qua phim ảnh, qua thơ ca của các thi sĩ Nga và thêm một lý do chính đáng, vì chùm thơ 1-2-3 của Phan Hoàng!.
Việt Trì, 21/5/2024
Đỗ Nguyên Thương
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những khám phá, đóng góp không ngừng về nghệ thuật biểu cảm và tư tưởng thời cuộc trong văn học của thơ Trần Quang Quý

Những khám phá, đóng góp không ngừng về nghệ thuật biểu cảm và tư tưởng thời cuộc trong văn học của thơ Trần Quang Quý Nhà thơ Trần Quang ...