Thứ Hai, 20 tháng 1, 2025

Mơ về gà Quang Trung

Mơ về gà Quang Trung

Mùa Xuân cho không gian tươi thắm, mùa Xuân cho thời gian mang tâm tư chan hòa bao khúc hát, và mùa Xuân cũng cho dân gian những cảm nhận mới mẻ, những nỗi lòng phơi phới. Để đón Xuân về tôi xin kể các bạn chuyện một thuở làm nhi đồng. Với nhà văn Duyên Anh chúng ta không quên tác phẩm "Mơ làm người Quang Trung", một chuyện vui nhi đồng, với những mộng mơ của tuổi nhỏ. Tương tự, VH xin kể "Mơ về Gà Quang Trung", cũng một chuyện nhi đồng, mơ vui Xuân với những ngày tháng không quên một Nã Phá Luân của nước Đại Việt và chiến thắng hiển hách của mùa Xuân Kỷ Dậu 1788 đã đi vào quân sử Việt Nam.
Ngày của tuổi nhỏ tôi thường theo anh tôi đi ra Chợ Cũ trên đại lộ Hàm Nghi nơi đây có những gian hàng bán cá lia thia đủ loại. Nhưng anh tôi thích loại cá đá, nên chỉ dán mắt vào những chú cá xiêm màu xanh lam lục hay xanh sóng biếc hay những chú cá phướng tím, phướng đỏ mà chỉ cần chỉ ngón tay bạn vào là chú cá sừng sộ, phùng mang, trợn mắt nổi cơn thịnh nộ muốn ăn thua đủ vói bạn. Từ khoảng dãy bán cá bạn đi ngược con lộ Hàm Nghi hướng về chợ Sài Gòn là khu chợ trời bán thú vật, nơi đây người ta bán chim chóc, chó mèo, thỏ chuột, ố là la... và gà đá, loại mà anh em chúng tôi hay săn tìm để mua.
Dịp Tết về theo phong tục cổ truyền người ta lắc bầu cua cá cọp có con gà trống gáy trên mặt bàn bầu cua, người ta cũng có thú vui đá gà hay chọi gà. Năm nay Tết con gà trống gáy để nhớ về 216 năm qua có chiến công hiển hách của Quang Trung đại đế hay để tôi nhớ về những chú gà oai vệ ghi bàn thắng trong dĩ vãng không quên của một thuở "Mơ về gà Quang Trung". Do đó thú chơi gà đá thì phải nuôi loại chiến như đá đâu là thắng đó. Chúng tôi có nhóm bạn trẻ cùng trang lứa, cùng sở thích nuôi gà đá. Chúng tôi thường đặt cho những chú gà thuộc loại chiến kê này bằng những tên thật kêu như anh Dũng tôi nuôi chú gà tre mà bề ngoài nó có vành lông trắng mượt quanh cổ, thân hình dưới mang lông đen mướt và gà tre lại là giống gà có chiều cao khá khiêm nhường, y như chủ tịch Đặng Tiểu Bình của xứ Trung Cộng. Nó được người anh bà con thân với chúng tôi mua từ Cần Thơ lên cho. Anh Dũng đặt cho nó cái tên Âu Dương Phong, một tay thao lược võ hiệp, nghe âm thanh như trong truyện chưởng, vì anh vốn ghiền các tác phẩm của Kim Dung. Một hôm Tết nhất đến, người bà con từ Long Xuyên lên cho nhà tôi một cặp gà. Mà con gà trống bị chị người làm nấu cháo và làm món gỏi gà xé phay. Nên thím gà mái vô hình chung được gả cho Âu Dương Phong. Thím gà này được cậu tôi đặt cho cái tên thật đẹp là Kiều Giang. Ông đọc bản dịch quyển tiểu thuyết "Jane Eyre" của Charlotte Bronte mà dịch giả nào đó cho tên Việt ngữ vô cùng đẹp đẽ là Kiều Giang. Từ ngày thím gà Kiều Giang sanh ra được bảy nhi đồng, mà chú mèo đã vật ngã và xơi tái ba nhi đồng, làm anh tôi nổi giận đuổi chú mèo đi luôn khỏi nhà.
Luật thiên nhiên ở đâu cũng vậy, sau khi sanh con, Kiều Giang hết còn thân hình thon thả của gà trinh nữ, ngược lại thím trở nên đô con, bụ bẫm, mông ngực to hơn xưa và sồ sề trông thấy rỏ. Một ngày kia hạnh phúc của thím lâm nguy khi cậu Lộc của tôi từ Phú Lâm đến chơi và biếu một cặp gà mà giống từ Cầu Tre. Tương tự, chị người làm nhà tôi thấy chú gà trống gốc Huê mập mạp, phương phi, dáng đi xì thẩu, trong khi thím gà mái gốc Huê Cầu Tre lại mảnh mai, liễu yếu đào tơ và thục nữ đức hạnh. Loại gà vốn nổi tiếng thịt ngon nhất miền nam nước Việt, mọi người đều biết đất Chợ Lớn miệt Phú Lâm, phần lớn gà mang DNA nửa Huê nửa Việt. So sánh giữa hai gà Cầu Tre chị người làm quyết định cho gà xì thẩu vô nồi nước sôi nấu cà ri. Nàng tơ liễu kê còn lại buồn so bị nhốt riêng trong chuồng trông như tháp ngà hoa lệ. Từ chuồng bên cạnh Âu quân vương cười mím chi cọp, đá lông nheo thả dê cứ mãi kêu "cúc...cúc". Tôi còn nhớ tơ liễu có dáng bước kiêu sa, ngọc ngà và vốn là gà thuần thục trinh nữ. Nên chị Út người làm bèn đặt nó tên vô cùng đẹp, nàng chính là nữ diễm kê "Giáng Ngọc". Điều tốt của nàng Giáng Ngọc có tánh rất bác ái, từ bi, thục hạnh, dịu dàng, mỗi khi nàng đào mồi tìm được chút mồi ngon nào thì thường kêu gọi mấy cô chú gà nhi đồng con cưng của Âu quân vương lại ăn cùng. Điều này làm gà Âu quân vương cảm động muốn dọn nhà sang chuồng bên cạnh, tức tháp ngà láng giềng nhưng hoàng hậu Kiều Giang lại ghét cay ghét đắng thường lại rượt đuổi gà Giáng Ngọc chạy thục mạng, chạy trối chết. Những phút giây Âu quân vương tìm được mồi ngon thường âu yếm kêu Giáng Ngọc lại là bị thím Kiều Giang mổ nàng Giáng Ngọc te tua tưa lông đầu vì tội chia duyên rẽ thúy gia đình thím, vì thím vốn là hiền nội hợp pháp, chính thức của Âu quân vương từ xưa đến nay. Thế là gà trống tham lam nhà ta nhào vô binh Giáng Ngọc mổ lại Kiều Giang, gà mái dầu Kiều Giang chẳng vừa chống trả, mổ lại me-sừ hôn phối vốn thích làm phản, bội bạc, có mới bỏ cũ. Do đó gà trinh nữ Giáng Ngọc luôn luôn được giam lỏng trong khuê phòng láng giếng để bảo toàn tiết hạnh. Mà càng nhốt cấm cung trong tháp ngà bên cạnh thì Âu quân vương càng thèm thuồng hơn, cứ mãi bám quanh tháp ngà của nàng và đá lông nheo như rủ rê Giáng Ngọc hãy sổng chuồng ra hò hẹn với quân vương. Bây giờ nghĩ lại Âu quân vương quả là trai khôn trấn một sơn hà có hai tháp ngà yêu đương, một bên là Kiều Giang, bên kia là Giáng Ngọc. Riêng bên tháp ngà của mẫu hậu Kiều Giang còn có bốn nhi đồng ngủ chung gồm ba hoàng nam và một công chúa. Gà Kiều Giang cho là cuộc sống bị thiệt thòi, hạnh phúc bị đe dọa vì từ khi có sự hiện diện của người đẹp Giáng Ngọc thì quân vương bớt o bế như xưa khi chia mồi mà còn dành phần ngon cho nàng Giáng Ngọc. Trong khung cảnh đơn chiếc khuê phòng như vậy, nhất là từ khi chàng kép xì thẩu đất Cầu Tre bị gia đình tôi xơi tái trong món cà ri gà, Giáng Ngọc cảm thấy bớt cô liêu, bớt lẻ loi trong đơn phòng khuê các mỗi khi Âu quân vương theo săn đón, an ủi. Bù lại như đã kể Giáng Ngọc cũng khôn khéo chiều chuộng quân vương bằng cách chia miếng mồi ngon cho con chàng, chứng tỏ nàng là người kế mẫu phúc hậu. Những lúc như vậy Âu quân vương vỗ cánh cất tiếng gáy và kêu "cúc, cúc,... cúc". Nếu tôi phải diễn dịch ra Việt ngữ có thể là: - "Nè tiểu thư à, qua thấy em lo cho con qua là qua mừng, tiểu thư mà gả cho qua thì quả là lời chán, không có lầm đâu, vì tiểu thư mua một trống được tặng bốn nhi đồng free, hỏng trả thêm xu teng nào hết nghen!".
Từ đó tôi nghiệm ra rằng xã hội của loài gà cũng như xã hội loài người, vẫn có những bà kế mẫu tốt bụng, rộng lượng, bao dung có những bà mẹ ghẻ vô cùng thương con riêng của chồng.
Sau này anh Dũng mang về thêm chú gà khác là gà nòi rất hung hãn, lông đen lánh mượt có tên là Bảy Hynos, và có cái đầu nhẵn nhụi như ngọn đồi trọc lóc vì bom đạn chiến chinh, như Hamburger hill lửa đỏ chói chan như loài kên kên vốn kỵ tóc. Bảy Hynos được người bạn mua từ Tây Ninh về, nghe nói chủ trước của nó đem về từ Battambang bên Kampuchia, đất yêu dấu của thiên đàng gà chọi. Dĩ nhiên gà Miên thì phải nói tiếng Miên. Ngôn ngữ bất đồng, dị biệt mà lại hay dòm ngó thê thiếp của Âu quân vương là những xích mích dằn co nặng nề giữa Âu quân vương và Bảy Hynos. Những cuộc va chạm thư hùng, ấu đã dử dội đã diễn ra hầu tranh chức bá chủ sơn hà làm cho hai nàng gà mái và bốn nhi đồng khiếp vía. Trong tâm tư gà trống nhà ta, trước đây chỉ có một hoàng đế Âu Dương Phong Tây Độc sống chung hạnh phúc biết bao với một thê, một thiếp và đàn con nhi đồng, nay tự dưng Bảy Hynos nhảy bổ vô phá đám, và thả dê đòi làm hỗn thê thiếp của Âu quân vương. Đây là một sự nhục mạ và khiếm nhã đối với Âu quân vương. Vì tiền đồ, vì uy tín, vì danh dự hôm dó gà Âu quân vương bèn thách thức Bảy Hynos ra chiêu đánh tay đôi, hai chú gà được thả ra phùng xòe gân cổ trông dễ sợ. Anh Dũng dặn tôi không được can thiệp cho đôi bên chơi xã láng, mạnh được yếu thua. Bảy Hynos ỷ thế cao ráo hói đầu như thống chế De Gaulle hay nóng nẩy đầu trọc như thống chế Tưởng Giới Thạch của xứ Trung Hoa, là hai vị lãnh đạo bị căn bịnh hói đầu như Bảy Hynos, dáng thì lại dong dỏng buông lời thề ăn thua đủ khi hai me-sừ này bị địch thủ cho đi lưu vong, Bảy Hynos kêu khiêu khích "cúc, cúc,...", tôi bèn diễn nghĩa ra Việt ngữ:
- "Ê, chú lùn, có giỏi thì nhào dzô, chơi liền".
Phe đối phương Âu nhà ta lùn tè thiếu thước tất của gà tre phùng mang lại cũng chẳng chịu thua kêu: "cúc, cúc,...", tôi tiếp tục làm thông dịch viên, Âu tiên sinh ngụ ý nói: - "Ê, Bảy đừng khi dễ nhen, có cha lùn nào hong ngon lành đâu nà, nhà ngươi coi như Nã Phá Luân, Đặng Tiểu Bình hay Ross Perot của bang Texas đều là loại lùn mã tử mà vẫn ngon lành danh trấn thiên hạ. Hôm nay ta dạy mi một bài học nghen".
Đến đây thì thú thật tim tôi thấp thỏm từng hồi khi nhìn Bảy Hynos tung thế chodomaki chẻ cổ khá nguy hiểm cho Âu quân vương. Phải công nhận Bảy Hynos kinh nghiệm cùng mình vì được lưu truyền từ đất chọi Battambang phản đòn chính xác ghi điểm làm bàn. Mấy lần tôi muốn nhảy vô đá gà Battambang của Cao Miên để trả đòn binh phe ta, nhưng anh tôi quát tháo không đồng ý cho can thiệp vì trước sau gì chúng cũng có đứa đạt ngôi vị chúa trùm. Bây giờ chúng tôi nên trung lập, không thiên vị như thiên chức của những trọng tài cho chúng tranh chức ai sẽ làm "Đường Sơn Đại Huynh" của cái thế giới gà nhà tôi. Bảy Hynos dáng cao nghệu như sếu vườn nên chỉ dùng các thế công phá liên hoàn của võ phái không thủ đạo và thái cực đạo đá cao, bủa mạnh bằng mỏ tương ứng đỡ đòn với bên đối phương tung chiêu khi dùng thế hổ quyền hay báo quyền, Âu quân vương lùn tí tè tung võ thiếu lâm đánh thế xà quyền sà xuống thấp nhắm vào hạ bộ và hay độc hại hơn tại chấn thủy của đối phương hầu đánh nốc ao địch thủ. Song Âu tiên sinh xoay người xuống tấn đánh hổ trảo bạt sơn ngàn cân mỗi cú đá, trước khi tung ra ngón đòn kế tiếp vô cùng lợi hại "độc cô cầu bại, lưỡng cô cầu tình" khi trấn áp đối thủ. Vì Âu quân vương dùng tiêu phi cước đá hụt mục tiêu nên mất thăng bằng, Bảy Hynos chợt dang cánh đại bàng kẹp cổ và mổ mạnh như bổ búa lên đầu Âu địch thủ bằng thế võ thái cực đạo chundangsaki. Quân vương ăn đòn thê thảm te tua lông vũ trên thân thể, đầu rướm máu, Bảy Hynos cũng trúng đòn độc địa không kém. Thấy Âu quân vương mang đầu máu đầm đìa, Bảy Hynos lúc lắc cái đầu kên kên của nó và kêu lên "cúc, cúc..", diễn nghĩa ra Việt ngữ như những lời thơ của thi hào Nguyễn Du trong quyển "Bắc Hành Thi Tập": - "Ôi, như thử anh hùng, thả như thử", nghĩa là Bảy Hynos chọc quê, "Ồ, anh hùng như thế mà bảo anh hùng, dở ẹc".
Tình cờ Âu quân vương tung thế lại nhắm đá hạ bộ, dù Bảy Hynos bị trúng đòn đau thốn chổ kín, nhưng Bảy ráng gồng mình tung hết chưởng lực đá quân vương cú đá nặng ngàn cân khiến quân vương bị hất tung vào gốc cây xoài, quân vương ngã quỵ vì đòn nốc ao chí tử không đứng dậy nổi, vì què chân và vết thương trên cổ và mắt phải bị tét phơi bày da thịt đáng sợ, thương tích khá nặng, nếu còn sống sót thì quân vương chỉ có nước hát bài tình ca muôn thuở "Hàn Mặc Tử" hay "Kỷ Vật Cho Em" thu ngắn tuổi thọ.
Qua sáng hôm sau anh em chúng tôi thấy Âu quân vương quéo đầu băng hà nơi góc trái của cung điện chính và hoàng hậu Kiều Giang mắt lệ tình buồn cùng bốn nhóc tì nhìn ngơ ngác, hoang mang từ nay chẳng còn ai bảo vệ chống lại quân Miên hung hãn của xứ Battambang. Tôi đoán thầm trong bụng là mẫu hậu Kiều Giang đang ca khúc hát "tiếc thương" khi chàng trai ra đi không lời giả biệt, mà chẳng để lại nụ hôn gởi nào hết trơn, nàng buồn là phải, chiếc radio của chị Út bổng vang dội lời tiễn đưa chàng trai bằng lời ai oán khi chinh nhân đã lìa bỏ cõi đời ô trọc này:
"Ánh đèn vàng hiu hắt
Khói trần cay đôi mắt
Anh nằm đó sao không cười không nói?
Dáng buồn còn vương nét
Mắt huyền giờ đã khép
Anh nằm đó như đang mơ mộng gì
Anh theo mây mây bay quên cuộc đời
Đời đầy nghĩa thương đau
Mây đưa anh bay đi tìm trời
Và nơi đó anh có nhớ tôi
Anh ơi anh ơi! anh hỡi người yêu dấu
Sao anh yêu vội sớm ra đi
Anh ơi anh ơi! anh hỡi người yêu dấu
Đau lòng thay phút giây chia lìa
Tiếng đàn ai buông lơi
Tiếng đàn như tiếng khóc
Ru từng phím tơ não nùng ai oán
Khiến lòng tôi thổn thức
Khiến lòng tôi ray rứt
Môi mặn đắng nước mắt thơ tiếng kèn
Anh theo mây bay quên tình già
Người đầy những dối gian
Mây đưa anh bay đi về trời
Và nơi đó anh có nhớ tôi
Anh ơi anh ơi! anh hỡi người yêu dấu
Sao đôi ta vội sờm chia ly
Anh ơi anh ơi! anh hỡi người yêu dấu
Biết rồi tôi mất anh suốt đời
(bài "Tiếc Thương")
Chị Út vốn là thính giả trung thành với chương trình nhạc yêu cầu trên đài phát thanh Quân Đội trước năm 75 do nhạc sĩ Đào Duy đảm trách, chị vốn rất tốt bụng của sự san sẻ với chòm xóm láng giềng về cải lương và âm nhạc khi mở radio thì từ đầu xóm đến cuối xóm đều nghe rỏ, huống chi từ cung điện thứ, tức tháp ngà bên kia không xa chiếc radio là bao, thiếp Giáng Ngọc buồn hiu trong vẻ mặt đưa đám khi chia sẻ nhạc phẩm chia ly kế tiếp cùng chị Út:
"Anh ơi áp đầu vào em,
Má kề bên nhau ta nhắc chuyện ngày qua
Cho mối duyên thêm mặn mà
Anh ơi nếu mà sau này giấc mộng không thành
Thì đành đôi ngã chia ly
Chớ đừng u sầu làm chi
Anh ơi, anh hỡi duyên tình dù lắm thương đau
Nhưng lòng ta mãi yêu nhau, cho thời gian không úa màu
Anh ơi, anh hỡi xuân về nào có đâu xa
Nếu mà mỏi gót bôn ba
Anh về nối lại tình ta
Anh ơi, nếu còn yêu nhau
Nhớ đừng gặp nhau cho luyến lưu khi biệt ly
Thêm vấn vương làm gì
Anh ơi, có ngờ đâu rằng
Duyên nợ chưa tàn, mà vội xa cách anh ơi
Đôi ngã biết tìm về đâu?
ú ù u ủ ù u..."
(bài "Đôi Ngã Chia Ly")
Vợ chồng sống vì tình nghĩa, bầu bạn cũng vì tình nghĩa, cái mà người Annamta quan niệm lối sống đạo đức khi nói là "Nghĩa tử, nghĩa tận", khi người bạn đời ra đi, nếu không ngâm thi phú huhuhu... thì cũng ứa ra những dòng lệ buồn đôi ngã chia ly.
Sau biến cố này tôi đâm ra ghét gà Battambang của xứ Chùa Tháp, tức Bảy Hynos thậm tệ, tôi phạt trọng cấm Bảy Hynos hai ngày không cho cơm gạo, Bảy chiến thắng thì Bảy phải tự đi bươi mồi chỉ vì bị kết tội là giặc ngoại xâm có máu du côn, "bá quyền", đã phạm thượng giết gà quân vương Annamta.
Thời gian bay qua khung cửa, Bảy Hynos đăng quang lên ngôi vua, làm bá chủ giang sơn gà. Những khi buồn tình hay hứng tình thì Bảy Hynos lại thường theo rượt đuổi hai nàng giai kê yêu kiều hòng làm hỗn thê thiếp của cố Âu quân vương. Có lần tôi mục kích khó chịu khi Bảy Hynos đè ái hậu Kiều Giang ra làm hỗn mà ba hoàng nam cùng công chúa kêu la cầu cứu khi mẹ bị xâm phạm tiết hạnh, tôi phang khúc củi làm què chân Bảy Hynos vì tội dê xồm 35 mà không có sự đồng ý của đương sự. Chiều hôm đó Kiều Giang chui vào tháp ngà đi ngủ sớm, nàng mang dáng vẻ tư lự mệt mỏi, vẻ bi quan yếm thế, tôi hiểu tâm trạng của nàng lắm:
"Thân em như tấm lụa đào
Để cho thằng Mán thằng Mường nó dê"
Với sự mất thiện cảm của tôi đối với Bảy Hynos như chú Mán đen đúa hắc quẩy như cột nhà cháy mà đòi đèo bồng lên cành vàng lá ngọc của đất Annamta, dĩ nhiên những thảm trạng giặc Battambang Cao Miên giầy xéo, quấy nhiễu hai nàng giai kê Annamta mãi tiếp tục như thế này thì hương hồn quá cố của Âu quân vương khó lòng mà siêu thoát được. Tôi buồn lắm, anh tôi nói luật đá gà cũng như khi thi đấu ở các võ đường đều giống nhau, hễ ai võ nghệ cao cường là người đó thắng. Tôi nói với anh tôi là Bảy Hynos có thể đăng quang, nhưng chỉ làm quan Thái Giám thôi, tức không được có hành động "bá quyền", thả dê lộ liễu, nham nhở hay xàm xỡ khi không có sự ưng thuận của kẻ khác. Theo ý nghĩ công bằng của tôi thì Bảy Hynos nên chọn lối sống đạo hạnh tu hành, phải ăn chay trường, tức không được dê suốt kiếp này khi nằm trong tay tôi như lá số tử vi đã chấm Bảy Hynos thiếu sao đào hoa, và sao thiên quý có quới nhân cưu mang làm mai, gả vợ.
Muà Xuân năm đó tôi được chú Đảnh, một nhân viên thuộc cấp của ba tôi về Qui Nhơn thăm gia đình, khi chú về lại Sài Gòn chú tặng tôi một chú gà rừng lông vàng xẩm óng ả, mào thấp như đội chiếc mũ bê rê đỏ uy nghi của lính dù vang danh muôn thuở, trên lưng có áo choàng lớp hoàng vũ lợt làm nổi bật vẻ điển trai bên ngoài như chàng hiệp sĩ ngự lâm quân có dáng đi oai vệ, hùng dũng, quắc thướt, đúng là gà rừng này sinh ra chỉ làm quân vương hay hoàng đế mà thôi. Gà có tiếng gáy trong trẻo, vì giống gà rừng nên chú gà này bay như thần ưng, như linh điểu. Chú Đảnh trao tôi chú gà này mà chú đặt tên cho nó rất cao quý là "Gà Quang Trung" ghi nhận sự oai nghiêm, nét hiển hách của chú gà vốn có nguyên quán Qui Nhơn, cũng là đất của vua Quang Trung, cũng bởi vì Qui Nhơn là nơi gà đưọc bắt từ vùng núi rừng cao nguyên ngoài đó. Nếu nhà văn Duyên Anh thích thú khi kể về "Mơ làm người Quang Trung" trong tác phẩm của ông thì bây giờ tôi đang mang giấc mơ một tác phẩm từ rừng núi linh thiêng của Qui Nhơn cho tôi "Mơ về Gà Quang Trung".
Gà Quang Trung của Qui Nhơn sẽ phải thư hùng với Bảy Hynos của xứ Chùa Tháp, Thủy Chân Lạp. Vì Bảy Hynos bị tôi phang khúc củi bị trọng thương, chân còn yếu đi khập khiễng, anh tôi chăm sóc nó mỗi ngày kỹ lưởng, cho ăn bồi bổ sợ Bảy Hynos bị Gà Quang Trung hạ đo ván. Dĩ nhiên luật giao đấu cần phải phân minh, công bằng. Mỗi ngày Gà Quang Trung bị buộc vào gốc cây bưởi cô lập ở khu vực riêng, Bảy Hynos bị buộc vào gốc xoài nơi Âu quân vương băng hà. Một tháng trời trôi qua để dưỡng quân vì Bảy Hynos cần lành vết thương và Gà Quang Trung đi đường xa thay đổi phong thổ, cần dưỡng sức lại. Như các võ sĩ khi thượng đài Gà Quang Trung tuyệt đối không được ở cùng khu vực có đàn bà con gái, nghiã là phải ở xa những cám dỗ tục lụy, nói toạt móng heo nghĩa là ở xa hai nữ mỹ kê Kiều Giang và Giáng Ngọc.
Khoảng tháng sau đó như dự định chân cẳng Bảy Hynos lành lặn đi bươi thức ăn và chạy nhảy trở lại như trước. Anh tôi cho giao đấu, hôm đó vào sáng thứ Bảy đẹp trời được nghỉ học, cả đám bạn nhóc tì kéo vào sân nhà tôi chiêm ngưỡng trận thư hùng giữa Gà Quang Trung của đất Qui Nhơn và Bảy Hynos, đại diện cho xứ Chùa Tháp, Thủy Chân Lạp. Hai chú gà đấu thủ được thả ra so tài mọi ngưòi thấy rỏ mỗi bên đều có ưu điểm là Bảy Hynos đá vũ bão, đòn mạnh, trong khi gà Quang Trung bay nhảy né tránh đòn nhanh nhẹ như chim ưng hay linh điểu, nó bay lên và tấn công ngay trên đầu kẻ địch, nó mổ liên hồi như chim gõ mỏ thì địch nào chịu thấu, bọn nhóc tì reo hò cổ võ, đứa thì thích thú vỗ tay hả hê, đứa thì hừng chí phê điểm. Sau 15 phút sang hiệp hai trận giao đấu thư hùng tranh phân thắng bại thì điểm thắng nghiêng hẳn về Gà Quang Trung, máu tuôn ướt đẩm đầu hói của Bảy Hynos, Bảy Hynos bỏ của chạy lấy người anh tôi chạy theo cản Gà Quang Trung vẫn bay theo tấn công vũ bão mổ trên vai, trên đầu Bảy Hynos. Thế là mọi bạn bè chúng tôi trầm trồ công nhận gà Qui Nhơn bảnh hơn gà Cao Miên. Tiếng đồn gần xa sân sau nhà tôi là đấu trường cho những giải kê chiến kế tiếp, những tuần sau đó bạn bè mang đủ loại địch thủ từ gà tre, gà nhạn, gà ác, gà Mỹ, gà Tây (gà lôi), gà ri lông xám gốc Úc châu, gà trĩ dáng đẹp như con chim trĩ cũng bay nhảy, nhưng đều thua, bị gà rừng Qui Nhơn mổ trên đầu cổ như giáng những trận đòn chí tử, te tua khi lông vũ rơi rụng, máu đào tuôn ra. Bạn bè lối xóm ai nấy quen gọi "Gà Quang Trung" như tên chính thức của đại đế Nã Phá Luân Annamta vì lối đấu ngoạn mục của nó. Bạn bè đề nghị anh tôi cho lấy giống, bao nhiêu bạn bè đem các trinh nữ mơn mỡn xuân thì dâng tình cho không biếu không, có bạn sẵn lòng trả tiền mỗi khi Gà Quang Trung chịu mái. Tôi lo sợ lỡ đại đế của tôi ham vui non-stop, trác táng quá độ thì lấy sức đâu mà bảo vệ sơn hà. Tôi từ chối mọi đề nghị mà chỉ gả Đại đế cho hai thím gà nhà, sản phẩm nội hóa nhưng vệ sinh, bảo đảm không bị sida hay siêu vi H5N1 cúm gia cầm ám ảnh và khước từ hàng ngoại nhập cho Đại đế. Có lẽ chỉ vì bản tính tôi khi đó ích kỹ chỉ chủ trương giang sơn này của ta, ông cố ông sơ lập ra, cháu con hãy gìn giữ nó, không nên mua bán giống nòi. Từ đó trở đi Đại đế phải theo kế hoạch dựng vợ gả chồng của tôi vì:
"Ta về ta tắm ao ta
Dù sao đi nữa hai bà vẫn hơn"
Thật ra Đại đế chả lỗ tí nào vì em Giáng Ngọc vẫn còn là trinh nữ đào nguyên si, tiết hạnh khả phong đầy đủ chưa một lần va chạm với nam phái, nàng là gà yé yé mơn mỡn mùi hương trinh nguyên hoa đồng cỏ nội, còn thím Kiều Giang chỉ đẻ có một lứa chứ mấy như "gái bốn con trông mòn con mắt" và thím tuy có sề bề thế tí ti, nhưng thân hình trông vẫn mát da mát thịt, trong khi nàng Giáng Ngọc thì là gái tơ chắc da chắc thịt. Gia đình Đại đế sống vui vẽ từ đây...
° Quân Nhà Thanh Xâm Lấn Biên Cương:
Bên cạnh nhà tôi có chú Mừng nuôi gà giống lấy lông vũ, nghe chú nói những lông đẹp người ta kết vào mũ, thêu vào áo hay làm quạt cho những mặt hàng xịn. Chú nuôi bằng thức ăn công nghiệp chứa nhiều đạm chất và hoọc-môn tăng trưởng cho chúng mau lớn lấy lông bán. Gà chú Mừng nuôi là giống gà tàu chọn lọc, lông mượt, nhánh dài có loại lông màu nâu, loại lông vàng và loại trắng lườn dướ thường màu đen, nói chung là màu sắc sặc sỡ hạp nhãn, đẹp mắt, tốt cho mục tiêu thương mại. Đàn gà của chú chừng 20 con trống và 10 con mái, tức nam đa nữ thiểu, một nguyên cớ chính khiến cho những chú gà ít hưởng tình yêu nội địa thêm máu dê xồm phải đi tìm kiếm bôn ba ở những nơi phương xa hơn biên cương của chúng.
Một hôm hai nàng kiều nữ Giáng Ngọc và Kiều Giang dẫn bốn nhóc tì nhi đồng lang thang dạo trong vườn thì sáu quân xung kích gà tàu Mãn Thanh lân bang của chú Mừng vượt rào sang sách nhiễu tình dục và cưỡng bức ái tình. Hai nàng mỹ kê và các nhóc tì chạy la thất thanh, từ trên nhánh cao của cây xoài thanh ca Gà Quang Trung bay sà xuống như trực thăng chiến lược tối tân nhất, hiệu Super Cobra AH-1 của quân đội Huê Kỳ rượt đuổi theo trừ giang diệt bạo quân gian hắc ám Al Qaeda hay Talibans, gà Qui Nhơn tung chưởng theo thế tấn công đá song phi quân xâm lăng Mãn Thanh dê xồm, y chang như Bruce Lee hay Jackie Chan đang diễn phim quyền cước trên vòm trời điện ảnh Hollywood. Có điều là Gà Quang Trung chỉ dùng võ Bình Định Tây Sơn Nhạn của rừng núi Qui Nhơn, trong khi gà Mãn Thanh quen võ kung fu thiếu lâm Vịnh Xuân quyền ra chống chọi.
Gà Quang Trung một đánh sáu, quân xâm lăng bị tưa lông vũ, đổ máu đầu, la cầu cứu quân tăng viện, từ bên kia biên giới thêm sáu xung kích quân khác lại vượt hàng rào bay qua. Trận thư hùng vẫn tiếp diễn, thấy quân ta chiến thắng đá đẹp mà hậu quả kinh tế của chú Mừng có phần thê thảm làm chị Út người làm kêu anh tôi cho ngưng cuộc đấu, nhưng tụi tôi nói xin thêm 5 hay 10 phút nữa quyết định chung cuộc của giải vô địch kê chọi và chúng tôi đủ khôn chờ đợi khi nào quân ta thấm mệt hay lâm nguy thì sẽ can thiệp. Càng đấu Gà Quang Trung càng hăng tiết vịt, ngủ quên trên chiến thắng, lông vũ của gà Mãn Thanh rơi rụng vung vãi rải rác đó đây trên chiến trường, tôi thầm nghĩ nếu quân xung kích dê xồm không thua trên chiến trường khi giao đấu thì chú Mừng cũng thua về trị giá kinh tế. Bổng từ bên kia rào tám xung kích khác bay sang tăng viện đánh thế biển người dồn dập, lấy thịt đè người. Nhìn vào quanh cảnh Đại đế Quang Trung dùng võ Tây Sơn Nhạn dẹp tan quân xung kích Mãn Thanh xâm lăng, bây giờ thì thật sự hơi lâm nguy vì là một ta giao đấu với 20 xung kích ác ôn Tàu phù có máu dê xồm. Lịch sử Việt Nam ghi dấu muôn năm khi vua Quang Trung đánh bại hai mươi vạn quân xâm lăng bắc phương. Tôi có cảm tưởng như trận đấu banh bầu dục trước mắt, quang cảng thật hổn loạn gà Tây Sơn và gà Mãn Thanh quần thảo đè chồng chất lên nhau trong thế biển người hội đồng. Tôi thấy Gà Quang Trung luồn mình lách khéo léo để chui ra ngoài đám gà xung kích ác ôn Tàu phù Mãn Thanh và tung mình bay cao giáng những đòn đá móc yết hầu bằng cựa nhọn, rồi mổ liên hồi lên đầu đối phương, cùng lúc đó chị Út nhảy ra cứu bồ với cây chổi chà trên tay, chị quất túi bụi lên mình đạo xung kích dê xồm "bá quyền" Mãn Thanh. Song song Đại đế nhà ta không bỏ lỡ cơ hội khi được đồng minh Út cứu bồ bèn rượt theo đánh tập hậu, quân Mãn Thanh trúng đòn chổi chà la inh ỏi, chúng đua nhau xổ tiếng Quan Thoại trên đường bôn tẩu, bỏ của chạy lấy người bay về hàng rào bên kia biên giới.
Chiều hôm đó thấy gà mình bị thương xơ xát, chú Mừng nghĩ gà bên nhà tôi gây chiến mới gây ra nông nổi này. Chú vác sang 2 chú gà Mãn Thanh chết queo râu và 5 chú khác lông mào tả tơi như gà hôm-lét nuốt dây thun. Chú hỏi sự thể đầu đuôi như thế nào. Anh em chúng tôi kể mọi diễn tiến là gà chú vi phạm hiệp định biên giới của nước láng giềng. Rồi sáu con du kích quân chạy rượt ép tình gà mái nhà tôi, khiến gà Quang Trung nhà tôi ra tay bảo vệ bờ cõi, cứu nguy gia đình nên đánh đuổi giặc ngoại xâm và rồi võ Bình Định Tây Sơn Nhạn ăn bứt võ thiếu lâm kung fu.
Bài viết này xin kết thúc ở đây trong tinh thần năm Gà nói chuyện Gà của mùa Xuân Ất Dậu 2005 đang về. Mùa Xuân Kỷ Dậu 1788 vua Quang Trung cầm quân đánh đuổi giặc Mãn Thanh xâm lăng bờ cõi Việt Nam, quân ta phản công tại trận thư hùng quyết liệt Gò Đống Đa, khiến quân của hai viên tường Hứa Thế Thanh và Sầm Nghi Đống bị thua trận thảm bại. Viên tướng đầu não Tôn Sĩ Nghị đã nhục nhã bỏ cả ấn tín chạy thoát thân về Tàu. Mùa Xuân năm xưa con Gà Qui Nhơn của tôi giao chiến với nhóm gà tàu láng giềng đông hơn gấp bội đã gây hấn bờ cõi, rồi đã thua trận tả tơi lông rụng, máu rơi, bỏ của chạy lấy người về bên kia biên giới.
Gà Annamta Muôn Năm!!!.
Việt Hải
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôtem sói - Chiếc gương đạo sĩ

Tôtem sói - Chiếc gương đạo sĩ Trong Hồng lâu mộng có chuyện cái gương một vị đạo sĩ tặng cho nhân vật Giả Tường. Anh ta đưa gương lên soi...