Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2025

Về thu xếp lại - Vitamin tâm hồn

Về thu xếp lại - Vitamin tâm hồn

Tôi biết đến bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc từ nhỏ, khi mà tuổi học sinh không bị những nền tảng mạng xã hội Facebook, Tiktok, YouTube có mặt khắp mọi ngõ ngách, mọi không gian giao tiếp, từ gia đình tới hàng xóm, bè bạn, đi đâu cũng theo những trào lưu chưa được kiểm chứng có ích, có hại như thế nào, đối với tư tưởng, cảm xúc, hành động của con người, nhất là cái tuổi cần thông tin chính xác nhất cho sức khỏe, cũng như là vitamin cho tâm hồn con người. Bác sĩ Nguyễn Hồng Ngọc khi đó, được giao phụ trách hẳn một chuyên mục định kỳ: Phòng Mạch Mực Tím để trả lời về các vấn đế tâm sinh lý, sức khỏe của tuổi mới lớn.
Cái thời tuổi mới lớn ấy, với sự ham hiểu biết về bản thân, với mong muốn được khám phá và có được những kiến thức đúng nhất, nên tôi khi đó là một độc giả trung thành của báo Mực Tím, khi đó bản thân được đọc các tư vấn dí dỏm, vui tươi, dễ gần và thân thiện của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, và cứ thế, tuổi ô mai của tôi lớn lên, trưởng thành một cách có ý nghĩa, dễ thương đến lạ kỳ, cho đến bây giờ tôi còn cảm nhận được, cái tuổi đẹp mộng mơ ấy đã nuôi lớn thể chất, trí tuệ và lý tưởng, tâm hồn tôi một cách không uổng công cha mẹ đã sinh ra mình trong cuộc đời này. Cảm ơn người thầy, người cô đã giúp tôi tiếp cận với báo Mực Tím, với phòng mạch bác sĩ Chim, và sau này tôi mới biết vị bác sĩ vui tính, dí dỏm ấy là bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc sinh năm 1940 tại Phan Thiết, Bình Thuận. Ông tốt nghiệp tiến sĩ y khoa quốc gia, Y khoa Đại học đường Sài Gòn năm 1969. Ông đã xuất bản hơn 30 tác phẩm với nhiều chủ đề như viết cho tuổi mới lớn, viết cho các bà mẹ, tùy bút, tạp văn, thơ… Nhiều tác phẩm của ông được công chúng yêu thích như: Già ơi chào bạn, Gió heo may đã về, Thư gửi người bận rộn, Về thu xếp lại,… Tưởng chừng như khó có mối liên hệ nào giữa thầy thuốc và nhà văn. Nhưng bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã cho ra lò gia tài cuốn sách ghi lại những cảm xúc chân thành của một người thầy thuốc luôn muốn sẻ chia những điều lợi ích cho đời, cho người”.
Tôi là một người cũng đã bước vào tuổi mà người ta gọi là U50, cái tuổi mà cảm xúc, sức khỏe cũng có những chuyển biến rõ rệt. Thì vậy, người bệnh nào mà không phải đến bác sĩ, tâm bệnh nào, mà không cần một kỹ sư tâm hồn, phải đi tìm thì mới gặp, phải yêu quý những giá trị tinh thần thì giá trị tinh thần mới đến. Thế là, trong một lần ra đường sách Nguyễn Văn Bình, tôi ghé vào gian hàng sách của Nhà Xuất Bản Tổng Hợp, nhìn thấy những tập sách của Bác sĩ, tôi đã không ái ngại mà cho hết vào giỏ hàng để tính tiền, lúc đó chẳng chờ đợi sách giảm giá nữa, mà bằng tấm lòng yêu quý, như người bệnh bắt gặp thuốc trị, người đang tương tư tìm được lá diêu bông. Tôi về và ngấu nghiến từng dòng chữ trong cuốn về thu xếp lại, đúng thật bắt đầu trên đầu có những sợi bạc là bắt đầu thu xếp dần dần cuộc đời của mình. Và để tôi kể các bạn nghe, trong Về thu xếp lại có những dòng chữ rung động đến mức nào, giản dị, thiện lành ra sao…
“Không có hơi thở nào của hôm qua. Không có hơi thở nào của ngày mai. Hơi thở chỉ có hôm nay. Ở đây và bây giờ. Cho nên biết thở và biết sống ở đây và bây giờ.”.  Đọc lời văn trên trang sách Về thu xếp lại, chúng ta cảm thấy như rất nhẹ nhàng trong cái minh triết, vốn rất khó chịu với người không thể tiếp nhận những điều phải tư duy, phải ưu tư, nhưng ở đây, chúng ta thấy, cái sự truyền tải thông điệp của một bác sĩ như đi vào chính hơi thở của mình, như cái mình đang thở. Một hơi thở để cầm chừng khi mắc bệnh hô hấp, chúng ta nhận ra rằng những lúc như vậy hơi thở nó quan trọng tới mức nào. Vậy cho nên kết cho bài tản văn mà Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc mượn lời nhạc của Trịnh Công Sơn, “Đôi khi thấy trên lá khô, như một dòng suối”. Mở đầu cho bài tản văn “Đôi khi bước qua phố xưa lòng tôi nhớ. Đôi khi thấy như trăm vết thương rồi như đá ngây ngô”. Sự kết hợp giữ nhạc Trịnh, trong nhạc Trịnh đã có minh triết, có thiền, và trong tản văn, bác sĩ với kiến thức khoa học ở trình tiến sĩ, với rất nhiều năm kinh nghiệm thì sự vận dụng nhuần nhuyễn trong con chữ thật sự trách nhiệm. Bởi bác sĩ sẽ biết, cái thể chất con người cần gì, và tâm hồn con người cần gì để nương náu vào trong đó. Vì hơn tất cả, con người sống trên cõi đời này đều vì cảm xúc, vì tình yêu thương, vì trách nhiệm với gia đình, vì xã hội mà chúng ta nỗ lực và phấn đấu. Tuy nhiên, trong cái sợ ấy, chúng ta sợ cả những cái, mà chúng ta không hề biết sẽ khiến tất cả chúng ta phải trầm luân trong bể khổ, chúng ta làm sao đây để đến với nó. Như chính trong tâm cảm, cuộc sống của một người mẹ, người vợ, người con dâu, người con ruột, một cô giáo, một nhà văn, nhà thơ, và một cô giáo, và một người rất đỗi bình thường, tôi phải tự giải quyết cảm xúc cùng những trở ngại của chính mình, tì mới có thể mang điều tích cực đến cho người khác, cho cộng đồng, cho bài giảng và cho sự sáng tạo một tác phẩm đến với cộng đồng. Cho nên, cũng là con người như nhau, cũng có vô vàn cảm xúc hỉ, nộ, ái ố, cũng có sai lầm, cũng có chông chênh thì tôi sẽ phải tìm nguồn kênh nào để gỡ rối những nút thắt đó, với tôi chỉ có thể là sách, và sách mang tính chất, nội dung phù hợp với điều tôi cần, thì đúng y như rằng tìm được tiên đơn. Ngộ ra, à đúng rồi, mình đã tìm đúng bệnh và thuốc giải.
Trước những thay đổi của xã hội, trước những biến cố của dịch bệnh, trước những nguy cơ của tệ nạn xã hội, bệnh nan y, bệnh lạ, tai nạn giao thông, cùng với rất nhiều những chuyển biến không ngừng cứ thời cuộc. Chúng ta sợ hãi, chúng ta sẽ run sợ, đó chính là cái chết, nên chắc là bác sĩ cũng nhận ra điều đó, phải chăng, càng sợ hãi thì càng đưa bản thân mình vào ngõ cụt, là điều tuyệt vọng, cho nên tác giả về thu xếp lại đã đúc kết “Người nào luôn nhớ đến cái chết thì sống hạnh phúc’’. Bởi rằng, khi nhận biết điều đó, bản thân tôi cảm nhận không biết ngày mai sẽ ra sao, nên phải sống trọn vẹn từng ngày, từng thời gian mà thượng đế đã ban tặng, đã đến với cuộc đời này, chi bằng hãy trọn vẹn với nó, mỗi hơi thở là mỗi niềm vui, là hạnh phúc.
Trong cuốn sách còn rất nhiều bài tản văn đi vào trong tận cõi lòng, mà tôi nghĩ rằng phải trân trọng từng câu chữ. Ai trong chúng ta, cũng từng chăm lo cho từng bữa ăn giấc ngủ, chúng ta chi rất nhiều tiền cho những thú vui, từ món ăn, từ du lịch, từ trải nghiệm trò chơi mới lạ, bia rượu, cà phê hàng quán, nhưng rất ít khi chúng ta tìm kiếm một vitamin cho tâm hồn, cho sự giác ngộ chính mình. Tôi là một người cũng gọi là bận rộn, bận với vô vàn nhựng lý do không tên, bù khú, với bạn bè, với những cuộc vui, với những ham muốn sân si, tham lam, đố kỵ, ganh đua, rất đời rất người. Tôi phải liên tục đấu tranh cho chính cá nhân tôi, cho gia đình, cho xã hội, thì trong sự ấy, tôi cũng luôn có những giằng xé nội tâm, giữa được và mất, giữa cho đi và nhận lại.
Tuổi nào, thời nào cũng giống nhau, đầy nhiệt huyết, năng động, lý tưởng, nhiều hoài bão, ước mơ. Tuổi nào cũng đầy ưu tư, đầy những trăn trở, căng thẳng. Nhưng hình như thời của cái thời chưa có internet, cái thời người ta chưa bị nhiễu nhương những thông tin chưa được chọn lọc, mở mắt ra phải xử lý biết bao nhiêu thông tin đúng sai chưa biết. Cái thời đó sống đơn giản hơn, nhiều lý tưởng hơn, lãng mạn hơn. Con người bây giờ tất bật mà hạnh phúc hiếm hoi, lúc nào cũng căng thẳng, thậm chí va chạm lặt vặt trong mối quan hệ làm việc, gia đình. Chúng ta biết quá nhiều chuyện xa vời, chuyện trên cung trăng, nhưng bản thân mình thì ít biết, bạn bè xung quanh cũng ít biết nhau vì ta không quan tâm, lơ là. Còn có thể nào hơn, chúng ta cần một điều gì đó để chữa lành, để mỗi cuối tuần như xếp lại tủ quần áo, xếp lại ngăn bếp, dọn cái tủ lạnh, dọn dẹp cái máy tính, và cần thiết nhất là sắp xếp lại tâm hồn, quên đi những tổn thương. Cái điều mà tôi muốn chia sẻ, cái điều mà tôi muốn, mang đến gác sách, với văn hóa đọc, là cuốn sách Về thu xếp lại của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, các bạn tìm đọc để cảm nhận giá trị của món quà vitamin tâm hồn.
15/6/2024
Hồ Xuân Đà
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuyện Xưa Cầu Cá “Tôi viết lên đây với tất cả chân thành của lòng tôi trao em. Ngày nào đã quen nhau, vì chung hướng đời, mình trót...