Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2025

Cao Thanh Mai trằn trọc với Ngày ấy chưa xa

Cao Thanh Mai trằn trọc
với Ngày ấy chưa xa

Ngày 27/7/2024, Nhà văn, Thượng tá Cao Thanh Mai tổ chức ra mắt tập truyện ngắn vừa xuất bản “Ngày ấy chưa xa” tại quán cà phê mang tên thơ mộng “Cầm Thi”  với các bạn văn, độc giả tham dự và nhiều tham luận đáng chú ý. Văn chương phương Nam xin giới thiệu tham luận của Nhà lý luận phê bình Lê Xuân về tập truyện ngắn Ngày ấy chưa xa – Cao Thanh Mai.
Cao Thanh Mai – nguyên Thượng tá, giáo viên Văn trường Quân sự QK9, đã nghỉ hưu, rất đam mê văn chương, đã có nhiều truyện, ký đăng báo, tạp chí Trung ương và địa phương. Chị đã đoạt giải Tư với tác phẩm đầu tay “Trầu không xanh lá” (NXB Hội Nhà văn – 2015), giải thưởng viết về đề tài nông nghiệp, nông thôn, nông dân do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với  Hội nhà văn Việt Nam tổ chức, năm 2015).
Từ 2018 đến nay chị đã xuất bản 6 đầu sách về truyện, ký, tản văn, như: “Trầu không xanh lá” (NXB Hội Nhà văn – 2015), “Chim cánh cụt biết bay” (NXB Văn học, 2018), “Biển về bên sông” (NXB Hội nhà văn- 2018). “Về miền xa lắc” (NXB QĐND – 2022), “Tự tình với quê” (NXB Hồng Đức – 2023), và “Ngày ấy chưa xa” (NXB Hồng Đức – 2024). Có thể nói trong vòng chín năm mà xuất bản được sáu tác phẩm như vậy là sức viết rất khỏe và bút lực dồi dào, thật đáng nể. Và tập nào cũng chững chạc, để lại được ấn tượng trong lòng bạn đọc.
Đề tài những truyện ngắn của chị phần lớn đều xoay quanh số phận những con người trong cuộc sống đời thường, trong hòa bình, hoặc trong chiến tranh. Nhân vật phần lớn là những phụ nữ, người lính, người bất hạnh ở nhiều miền quê hay phố thị khác nhau. Con người, cảnh vật trong truyện được hiện lên dưới ngòi bút rất sống động qua cách kể, cách tả, cách dẫn truyện khá hấp dẫn nhiều lớp lang, nhiều tình tiết gay cấn, mâu thuẫn…
Đến tập truyện thứ sáu này thì bút pháp của chị khá chững chạc, tạo được phong cách riêng không lẫn với tác giả nào và không lặp lại chính mình. Chị đã khéo vận dụng các thủ pháp nghệ thuật theo “thi pháp truyện ngắn hiện đại”. Ở tập “Ngày ấy chưa xa” tất cả cái thật và cái đẹp, niềm vui và nỗi buồn, cái thiện và cái ác luôn hiện lên rõ nét qua hình tượng nhân vật. Đúng như nhà văn Thạch Lam đã nói: “Công việc của nhà văn là phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, để cho người đọc một bài học trông nhìn và thưởng thức”.
Trước hết tôi muốn nói đôi điều về cách đặt tên truyện. Mỗi tên truyện ở đây gợi lên nhiều vẻ, có tên truyện mang tính biểu trưng đậm chất thơ, như: Bìm bịp kêu chiều trong giấc mơ xưa, Đầu súng trăng treo (tên một câu thơ trong bài “Đồng chí” của Chính Hữu), Vầng trăng gửi lại chiến trường, Dưới bóng cây Thốt nốt, Mùa hạ cuối. Có tên truyện đặt trực diện như: Giáo Nghị, Út Mận vườn trầu, Má ơi ba à, Dạ thưa em ở miền Tây. Hoặc tên truyện mang tính triết lý như: Một góc sân đời, Điều kỳ diệu có xảy ra…
Việc đặt tên truyện sao cho gợi cảm, gợi tả, gây ấn tượng ban đầu và phản ánh sát nội dung là rất quan trọng. Nó có thể gây hứng thú hoặc giảm sự yêu thích của đọc giả, điều này do tài năng của mỗi tác giả quyết định. Ví dụ nhà văn Nam Cao thường chỉ dùng hai từ: Chí Phèo. Trăng sáng, Đời thừa… Nhà văn Vũ Trọng Phụng thì Giông tố, Số đỏ, Làm đĩ…, Nguyễn Trí dùng một từ: Khùng, Say…
Về bố cục truyện, chị rất chú ý lối bố cục mang tính hiện đại, đôi khi có “truyện lồng trong truyện” (nghĩa là trong một cốt truyện lớn có những cốt truyện nhỏ, nó như một lát cắt mỏng phụ trợ cho cốt truyện chính), khác với bố cục truyền thống (các sự kiện, sự việc bố trí theo trật tự thời gian, theo tuyến nhân vật đối lập: thiện-ác, đẹp-xấu, cao-thấp và đi từ lung khởi, dẫn dắt đến đỉnh điểm, xung đột và thường kết thúc có hậu. Thi pháp truyện hiện đại mở rộng biên độ cho người sáng tác tự do lựa chọn thời gian, không gian, tuyến nhân vật, có thể đảo lộn nhưng phải theo một tư duy logic hợp lý, chị đã dẫn dắt diễn biến câu chuyện theo hướng ấy. Ví dụ ở truyện “Bìm bịp kêu chiều trong giấc mơ xưa”. Mở đầu truyện như một đoạn thơ văn xuôi đã cuốn hút người đọc “Ninh Kiều một chiều lộng gió, hít thật sâu cái mát dịu của hoàng hôn tôi mĩm cười cùng đám bồ câu đang sãi bước tung tăng. Phía xa dáng thuyền nhấp nhô theo những con sóng hiền hòa, mặt nước cứ lung linh. Nhìn mấy cặp đôi đang vô tư ôm eo tình tứ thấy cuộc đời thật đẹp. Dù tôi chẳng mua gì thế mà mấy em bán hàng rong cứ nhoẻn miệng cười, đáng yêu làm sao? Nơi băng đá dưới gốc dương xanh rì, hai mái đầu bạc trắng ngã về phía nhau, thật hạnh phúc. Hơi hớm một cơn gió quen thuộc tìm về, tôi nghe thẫn thờ, nhói lòng một ký ức chẳng ngủ yên” (trang 5). Từ đó tác giả dẫn dắt câu chuyện theo hướng bất ngờ giữa nhân vật Tôi (nhân vật Thu Bình), anh Mận và vợ chồng anh thương binh về vùng đất Mũi hoang sơ ở miệt Cà Mau. Thu Bình gặp lại Anh (người yêu cũ) trong hoàn cảnh trớ trêu khi ván đã đóng thuyền rồi. Nhiều tình tiết do chiến tranh gây nên được diễn tả bằng lối “độc thoại nội tâm” rất cảm động khi trong lòng nhân vật Tôi đang bị giằng xé: “Tại sao tôi lại gặp anh trong tình cảnh này? Tôi có được quyền nói lên nỗi đau của mình suốt mấy chục năm qua cho anh hiểu khi không có mặt chị ở đây? Lúc vừa thấy tôi anh đừng bật dậy như cái lò xo trên cái chân còn lại và chới với. Hình ảnh ngày xưa, ký ức của những ngày tháng yêu nhau cứ thé ùa về…. Tôi muốn chạy lại anh thật gần để được ôm anh vào lòng. Nhưng một tấm chắn vô hình ngăn cách hai chúng tôi” (trang 18). Những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống hôm nay đều có mặt trong truyện. Đó là sự hy sinh thầm lặng của người phụ nữ trong cuộc chiến mà ít người biết đến, những vết thương lòng khó giám định. Chỉ có những người trong hoàn cảnh ấy mới cảm thấy hết sự hy sinh cao đẹp và thầm lặng của họ.
Hoặc ở truyện “Ngày ấy chưa xa”, có những đọan kể xen tả cảnh để khắc họa sự chết chóc rùng rợn trong chiến tranh qua hình ảnh những con quạ ăn xác chết: “… Những ngôi nhà xác xơ, những chiếc cầu thang cong vênh, mục nát, im lìm. Không bóng người qua lại. Một không gian đặc mùi tử khí. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp những xác người nằm chất đống… Lũ quạ đen kéo nhau đến đen kịt lên tiếng kêu báo hiệu cho sự đau thương chết chóc… cặp mắt hắc ám, cái mỏ nhọn, những móng sắc chúng cào cấu, cắn xé thi thể người …” (trang 57). Trong miêu tả tâm lý nhân vật chị luôn tạo được những tình huống bất ngờ, có xung đột, kịch tính, miêu tả khi trực tiếp, khi gián tiếp qua ngoại cảnh, hoặc nhân vật khác nhận xét,  không sa vào thuyết minh nói hộ cho nhân vật.
Cách kết thúc truyện thường theo hướng mở, tạo một chiều kích về không gian, thời gian khác nhau với biên độ rộng để người đọc “đồng sáng tạo” liên tưởng, như truyện: “Vầng trăng ở lại chiến trường”, liệu nhân vật Thành có gặp lại người con gái Khmer lai mà anh yêu hay không để bạn đọc tự trả lời “… Kỳ lạ hơn bốn mươi năm qua, Thành vẫn còn cảm giác đau đáu muốn gặp lại cha con cô gái năm nào…. Hình ảnh cô gái Khmer lai có mái tóc óng mượt , dôi mắt đen láy, long lanh dịu dàng ngồi nắn nót từng chữ viết thư tình gửi anh bộ đội trong một đêm trăng sáng vẫn luôn sống trong tâm trí anh. Đó là ánh trăng đẹp nhất anh đã gửi lại chiến trường để khắc ghi, để nhớ mãi” (trang 85).
Tóm lai, ở mỗi truyện chị vận dụng bút pháp khá linh hoạt khi nghe, khi nhìn, khi kể, khi tả, những cảm nghĩ, nhận xét đan xen cùng sự hư cấu logic tạo nên được những “điểm sáng” thẩm mỹ, điểm nhấn trong mỗi truyện. Dưới góc nhìn “thi pháp học”, tôi chỉ điểm một chút về mặt hình thức tác phẩm qua một số truyện để thấy thêm sự thành công của chị trong việc chuyển tải nội dung, đề tài. Đúng như nhà Phê bình văn học Nicolai Eva (người Nga) đã nói: “Không có một nội dung nào tồn tại ngoài hình thức. Và không có một hình thức nào thức lại không chứa đựng nội dung. Nếu ta phá bỏ hình thức là phá bỏ nội dung”.
Với 14 truyện ở tập sách này chị đã cho người đọc thấy được nhiều cảnh đời của cuộc sống, làm hiện lên vẻ đẹp nhân sinh cao cả qua giọng kể nhỏ nhẹ rất có duyên của người con gái mang hai dòng máu Nam – Bắc. Con người và thiên nhiên trong mỗi truyện mang đậm tính cách con người Nam Bộ, được diễn tả qua sự kết hợp hài hòa giữa tính hiện đại và tính dân tộc, tạo được những lớp sóng ngầm cho người đọc khám phá phần “tảng băng chìm”. Những truyện viết về cuộc chiến giữa lính tình nguyện Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế ở Cam pu chia chống bọn diệt chủng Pôn pốt luôn thôi thúc ta phải làm gì để sống tốt hơn, đẹp hơn, biết ơn sự hy sinh cao đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ, để ta đẩy lùi cái ác, cái xấu như những thứ rác rưởi đang lấn vào cuộc sống hiện nay trong thời hội nhập. Vì thế tính tư tưởng của tác phẩm được nâng cao. Đúng như nhà Phê bình văn học người Nga, Biêlinxki viết: “Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu hỏi hoặc trả lời những câu hỏi đó” (Lý luận văn học- NXB Giáo dục -1993).
       Đọc “Ngày ấy chưa xa” với nhiều kỷ niệm vui buồn của nhân vật ta còn bị ám ảnh văn mạch, ngôn từ khá chuẩn mực, vì bản thân tác giả là một giáo viên dạy Văn. Lời văn của chị khi trong trẻo cuốn hút, thỏ thẻ ngọt ngào như “nước dừa xiêm”, khi triết luận sâu sắc của một người từng trãi. Chị có một nghĩa cử rất cao đẹp là với tập sách này, nếu bán cho bạn đọc được bao nhiều tiền, chị sẽ hỗ trợ hết cho các cựu chiến binh đang có hoàn cảnh khó khăn. Tôi tin rằng, đường đời, đường văn của Cao Thanh Mai ngày càng khởi sắc với niềm tin và nghị lực của người phụ nữ giàu lòng nhân ái và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng.
28/7/2024
Lê Xuân
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuyện Xưa Cầu Cá “Tôi viết lên đây với tất cả chân thành của lòng tôi trao em. Ngày nào đã quen nhau, vì chung hướng đời, mình trót...