Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2025

Nhà văn thì đọc gì

Nhà văn thì đọc gì?

“Nhà văn” trong tiểu luận này được dùng theo nghĩa rộng nhất của từ này: chủ thể sáng tạo mọi thể loại văn chương nói chung, bao hàm cả thể loại phê bình.
Nhà văn đương nhiên là đọc mọi thứ. Bởi văn chỉ tràn ra trong nhà văn khi mà cái sống đã thật đầy. Mà lưng túi vốn sống của nhà văn thì phải là một khối tổng hòa nhuyễn gộp: vốn trải nghiệm thực tế, sức hư cấu tưởng tượng, và vốn đọc. Ở đâu có chữ viết (và cả những ký hiệu phi ngôn ngữ), ở đó có thông tin, tri thức. Đọc là con đường ngắn nhất, là phương cách tối ưu để bổ khuyết những hụt lẹm, để vượt thoát những giới hạn nơi cái sống của một chủ thể sống. Thông tin, tri thức, nếu lắng lọc, thì không gây bội thực, mà chuyển hóa thành sự uyên bác, thông tuệ, sự hiểu biết, lịch duyệt, đẩy xả những u tối vô minh. Có nghĩa, đọc để thanh tẩy, để nới giãn, để được trong sạch và phong phú hơn.
Một chủ thể sống bất kỳ đều thế, huống gì là một nhà văn – chủ thể sống đồng thời là chủ thể viết. Pablo Neruda (Nobel văn chương 1971) tuyên bố: “Tôi ăn tạp mọi thứ. Tôi muốn nuốt chửng quả đất. Tôi muốn uống cạn biển cả”. Lê Quý Đôn xác quyết, trong bụng không có ba vạn quyển sách, trong mắt không có núi sông kỳ vĩ thì không thể làm thơ được. Trong Kafka bên bờ biển, Murakami để cho một nhân vật phát biểu, dù muốn hay không, tốt nhất là cứ hấp thu bất cứ điều gì có thể khi có cơ hội, hãy trở thành giống như tờ giấy thấm và thấm hết vào, để rồi sau này có thể hình dung ra cái gì nên giữ và cái gì nên trút bỏ. Roz Morris ví đọc sách giống như nhìn vào kính thiên văn, giúp con người khám phá toàn bộ vũ trụ, có thể leo lên đỉnh núi cao nhất, lặn xuống biển sâu nhất.
Nhà văn phải thâu nạp bách khoa tri thức đông tây kim cổ, để có thể trở thành một người chữ, nơi mà đến lượt, từng con chữ được chiết xuất ra đều đẫm trĩu hàm lượng thông tin, tri thức. Thứ chữ như thế được gọi là sinh ngữ, đầy sức sống, sức tác động, mê dụ, công phá… Lúc này, nhà văn thành nhà thông thái. Bởi văn chương đòi hỏi kiến thức toàn diện, đặc biệt là về văn cảnh và văn hóa. Không ai lại cho phép nhà văn ngô nghê mơ hồ về bất cứ một thông tin, tri thức nào được nhà văn đưa vào tác phẩm. Umberto Eco nghiêm khắc tự thú, trong một số tiểu thuyết của mình, ông có nhầm lẫn lịch sử nho nhỏ mà chỉ những nhà khoa học chuyên sâu mới moi ra nổi; chẳng hạn ở cuốn Baudolino ông có viết về một cái lẫy gì đó trên một khẩu súng trường dây cháy chậm, nhưng trong thực tế thì phải ba mươi năm sau cái lẫy ấy mới xuất hiện trên loại súng đó.
Nhà văn đọc cả thế giới nói chung, đọc thế giới các loại hình nghệ thuật nói riêng, nhưng, như một tất nhiên tất yếu, lực hấp dẫn thường hút cái đọc của họ về phía văn chương. Olga Tokarczuk (Nobel văn chương 2018) phát biểu, văn chương là phương cách an toàn để vượt qua mọi ranh giới, mà đời người tựa hồ cuộc hành trình đến tận cùng thế giới. Phải, không gì có thể làm thoả mãn cái ham hố phiêu lưu, khám phá, cái thèm khát được đi xa hơn ra khỏi chính mình của nhà văn bằng văn chương. Văn chương với họ là ma lực, đọc văn chương với họ là lạc thú. Nhà văn đọc văn, sống văn, để viết văn. Orhan Pamuk (Nobel văn chương 2006) chia sẻ, để vui sống, hằng ngày ông phải dùng một liều văn chương; không gì làm ông vui sướng hơn, không gì ràng buộc ông vào cuộc đời chắc chắn hơn bằng việc đọc một đoạn văn sâu sắc và cô đọng trong một cuốn tiểu thuyết, bằng việc bước vào thế giới đó và tin rằng nó là thực. Mario Vargas Llosa (Nobel văn chương 2010) nói, văn chương trở thành phép màu khi nó tặng cho ta hy vọng sở hữu cái mà chúng ta không có, thành người mà chúng ta không là, sống cuộc đời chưa ai từng sống; đấy là lý do chúng ta phải tiếp tục ước mơ, tiếp tục đọc và tiếp tục viết – biện pháp tốt nhất giúp làm nhẹ bớt gánh nặng của cuộc đời hữu sinh hữu tử của chúng ta, giúp chúng ta chiến thắng sự gặm nhấm của thời gian và biến cái không thể trở thành có thể. Theo quan sát của Paul Auster, ngay từ bé, các nhà văn đã bị mê hoặc bởi thế giới quá đỗi phong phú và quyến rũ mà các tác phẩm mở ra, để rồi tạo sinh trong họ ước muốn mãnh liệt là được làm việc này, được thành nhà văn. Stephen King quả quyết: “Tôi thật khó tin rằng những người đọc ít hoặc hoàn toàn không đọc văn lại có thể cho ra những tác phẩm xuất sắc và mong đợi mọi người thích những gì họ viết. Hãy nhớ rằng, đọc văn chính là trung tâm sáng tạo trong cuộc đời các nhà văn”.
Nhà văn đọc văn là đọc thế giới từ bản chất bên trong, từ tầng đáy rộng rinh và thẳm sâu nhất của nó, để kháng cự lại cái thế giới nóng vội, nông cạn bề ngoài mà ồn ào này. Ngôn từ là tấm lụa bạch đón hứng và lưu giữ ký ức linh hồn nhân loại, là chứng nhân cho hành trình truy cầu tinh thần của lớp lớp thế hệ nhà văn. Đọc văn là chìm đắm tuyệt đối vào tâm hồn của tác phẩm, là đọc tha nhân, là gặp nhân quần, để tự huyễn hoặc, rằng thì ra ta không hề cô đơn. Dăm pho sách cũ bên đầu/ Ngỡ như còn gối mối sầu cổ nhân (Hồng Nguyên). John Updike nói, một cuốn sách (giấy) thật kỳ diệu vì nó chứa đựng bao nhiêu sự ly kỳ và cảm xúc, nó có thể theo chúng ta lên giường, gần gũi và tin cậy, nó mở ra cả một nền văn minh. Orhan Pamuk chia sẻ, một mùa hè khi mang cuốn Tu viện thành Parme của Stendhal theo người, ông cứ tự hỏi tại sao chỉ cần biết có cuốn sách ở bên đã thấy khoái như vậy; khi thâm nhập vào nó, ông thấy tác giả như thể thầm thì toàn bộ sự thông thái vào tai ông, chỉ cho riêng ông, ông cảm giác nhiều đoạn, nhiều chi tiết tác giả chia sẻ với riêng ông; được chạm gặp trí óc và tinh thần của một nhà văn lớn đã giúp ông tự tin, và nhờ đó, như mọi người hạnh phúc khác, niềm tự tôn trong ông dâng trào.
Nhà văn đọc văn cũng là đọc thông tin tri thức, nhưng không phải là thông tin tri thức kiểu thông tấn, mà là thông tin tri thức thẩm mỹ, đã được cá thể hóa cao độ thông qua những chỉnh thể nghệ thuật tác phẩm. Có nghĩa, nhà văn đọc văn là để học hỏi cái cách mà nhà văn khác xử lý thông tin tri thức, hay nói cách khác là để học bài học về nghệ thuật nghe nhìn, thưởng thức và tái sáng tạo, tái cấu trúc thế giới. Bởi, đúng như Orhan Pamuk nói, tác phẩm văn chương không phải kể về thế giới, mà là nhìn thế giới bằng ngôn từ; chủ thể sáng tạo đã đào sâu vào ngôn từ để tìm ra giọng điệu của riêng họ. Tựu trung, nhà văn đọc văn là để học viết văn.
Trịnh Y Thư giãi bộc, đối với riêng ông, Kundera là người thầy dạy ông viết văn, mặc dù ông chưa bao giờ có cơ hội gặp Kundera ngoài đời; ông sẽ không cảm thấy một chút mặc cảm nào nếu có ai đó bảo ông viết giống Kundera, lý do dễ hiểu, ông đọc gần như toàn bộ sáng tác của Kundera, tiểu thuyết cũng như tiểu luận, và đã bỏ thời gian dịch ra Việt ngữ hai tác phẩm của Kundera là Đời nhẹ khôn kham và Cái cười & sự lãng quên cùng nhiều bài tiểu luận khác của Kundera. Đến lượt, lại dễ nhận ra, tính bi-hài nhiều phần đen tối trong văn của Kundera là do nhà văn này yêu mến và ảnh hưởng Kafka; còn thủ pháp “tiểu thuyết tư duy” (không miêu thuật một câu chuyện từ đầu chí cuối, mà đưa ra một ý tưởng rồi bịa một hay nhiều tình huống để triển khai ý tưởng đó) là Kundera chịu ảnh hưởng nhiều từ hai nhà văn kiệt xuất người Áo của nửa đầu thế kỷ XX là Robert Musil và Hermann Broch.
Với Orhan Pamuk thì cuốn Âm thanh và cuồng nộ của William Faulkner rất quan trọng với ông, khi ông hai mốt hai hai tuổi, nó để lại trong ông một dấu tích, đấy là cái giọng mà ông phát triển. Murakami thì lần đầu đọc cuốn Coin Locker Babies của Ryu đã bị sốc, ông quyết định sẽ viết một cuốn tiểu thuyết mạnh mẽ như vậy, và thế là ông bắt đầu viết Cuộc săn cừu hoang. Tương tự, Márquez kể, thời đại học, một đêm, được bạn cho mượn tập truyện ngắn của Kafka, ông quay về phòng và bắt đầu đọc Hóa thân; dòng đầu tiên sốc đến nỗi khiến ông suýt văng khỏi giường; nếu biết có người từng viết thế, ông đã bắt đầu viết từ lâu; thế là ngay lập tức ông khởi bút viết truyện ngắn.
Như vậy, nhà văn đọc văn không chỉ để thưởng văn đơn thuần, mà còn là để làm nghề, tức đọc để viết. Vậy nên, càng ngày, khi mà phông nền chung trong họ đã đủ rộng dày, thì họ thiên về cái đọc vị lợi. Nguyễn Hưng Quốc chia sẻ, hồi nhỏ, ông đọc tất cả những gì ông có; lớn lên, ông đọc những gì ông thích; sau này, khi ông viết nhiều, hầu như ông chỉ đọc những gì mình cần. Ông tường giải: “Đọc cái mình có là cái thú của người thưởng ngoạn nhưng nghèo; đọc cái mình thích là cái thú của người thưởng ngoạn khá dư dật; còn đọc những thứ mình cần là cái thú của người nghiên cứu, ở đó, lạc thú có khi không nằm ở việc đọc mà nằm chủ yếu ở việc viết, ở việc chuyển hoá cái của người khác thành cái của mình; một thứ lạc thú khá thực dụng”. Jon Fosse (Nobel văn chương 2023) cho hay, thường khi đọc một cuốn sách, ông dùng bút chì đánh dấu những ý tưởng quan trọng và ghi chép bên lề sách; những ghi chú này đến một lúc nào đó sẽ rất được việc; chẳng hạn như tập thơ mới đây của ông – Thơ. Theo mô-típ của Henrik Wergeland được hình thành từ những ghi chú như vậy bên lề tập thơ của chính Henrik Wergeland.
Nhà văn đọc văn vị lợi, thực dụng, ấy là chỉ chọn đọc những thứ văn đáng đọc, tức là những tác phẩm lớn, những tác phẩm được xem như những điển phạm trong phạm vi toàn cầu. Nguyễn Hưng Quốc nói, đọc Shakespeare chẳng hạn, người ta có thêm một cái gì đó có thể sử dụng cả đời, còn đọc những thứ văn nhạt nhẽo nông cạn thì chỉ mất thì giờ. Đúng vậy, sự tiến bộ của các nhà văn phụ thuộc rất nhiều vào việc họ đọc những cuốn sách tốt. Ta dễ nhận ra, các tác phẩm của các nhà văn lớn như Fitzgerald hay Carver có ý nghĩa nâng đỡ cho sáng tác của Murakami rất nhiều. Jon Fosse thì cảm thấy “vui mừng và biết ơn” tất cả những tác phẩm văn học thực sự có giá trị mà những người khác đã viết, vì chúng mở rộng và làm giàu cuộc sống của ông và của tất cả những người quan tâm tới văn học.
Dạ Ngân cũng “đội ơn” Nguyễn Quang Thân, vì lần đầu gặp nhau ở trại sáng tác Vũng Tàu năm 1982, biết trong văn bà không nhiều kiến văn do sự đọc hạn chế (bởi chiến tranh và đời sống xã hội tỉnh lẻ), Nguyễn Quang Thân cho bà một danh sách gồm tất cả tác gia Nobel từng khu vực của thế giới; khi về lại Cần Thơ, bà ngưng viết hai năm chỉ để đọc tác phẩm của các tác giả ấy, từ thư viện công và các tủ sách gia đình bạn hữu vốn là người của chế độ cũ mà bà kết thân được; và rồi Con chó và vụ ly hôn viết cuối năm 1985 là minh chứng cho bước nhảy về chất sau thời gian tích lũy về lượng của bà.
Nhà văn đọc văn vị lợi, thực dụng, ấy là không chỉ đọc văn sáng tác, mà còn đọc cả văn phê bình. Bởi, càng ngày, nhà văn càng bớt cả tin vào cái gọi là tài năng thiên bẩm, hay cái gọi là cơn lên đồng trời cho. Thay vào đó, họ quan tâm nhiều hơn đến các phạm trù như nghệ thuật viết, kỹ thuật viết, chiến lược viết, quy hoạch sự viết. Nguyễn Thị Từ Huy cho rằng: “Nếu nhà văn coi viết là một nghề, một nghề chuyên môn hóa như bất kỳ nghề nào khác, họ sẽ coi trọng tất cả những gì liên quan đến kỹ năng nghề nghiệp, và lúc đó họ sẽ có nhu cầu tìm đọc các nhà phê bình”. Phê bình là sự tự ý thức của văn học, là thước đo độ trưởng thành của một nền văn học. Nhà văn muốn giảm thiểu sự cảm tính, bản năng, ăn may để hướng đến phẩm tính, trình độ chuyên nghiệp thì trước hết phải là một nhà phê bình: biết tự phê bình về cái viết của mình. Georges Poulet từng nói về trường hợp cuốn Chống Sainte-Beuve của Marcel Proust, rằng đây là ý thức của một nhà phê bình tương lai, nói cách khác, Proust, trước khi có hành động sáng tạo, đã có một suy nghĩ về sáng tạo, về cái gì hình thành nên sáng tạo, về nguồn gốc, về bản chất, và cứu cánh của sáng tạo.
Khi đồng thời là một nhà phê bình, tức một “người đọc lý tưởng”, thì đến lượt, nhà văn sẽ có khả năng rẽ văn để thâm nhập vào tác phẩm của người khác, tức có khả năng đọc vỡ chữ, đọc thủng văn, tiệm cận “hồng tim” tác phẩm, kể cả đó là tác phẩm được coi là khó đọc. Dương Tường chia sẻ, sau khi bản dịch Cái trống thiếc của Gunter Grass do ông thực hiện ra mắt, có nhà văn trẻ nói với ông là “đọc nặng quá”, lại có nhà văn khác điện cho ông nói “lạ quá, mới quá”, ông đi đến cảm thán: “Thật là buồn, một cuốn sách ra đời ngót nửa thế kỷ mà nhà văn Việt Nam vẫn còn thấy mới, thấy lạ!”. Thật vậy, nói như Phạm Thị Hoài thì ở thời đại toàn cầu hóa hiện nay, một nhà văn không có quyền cáo lỗi với độc giả về việc không biết các đồng nghiệp của mình trên thế giới nghĩ gì và viết gì. Mới hay, đọc và không ngừng nâng cao trình độ đọc, đó là cách để nhà văn có thể trưởng thành kịp so với sự tiến hóa của văn chương nhân loại. Thuỵ Khuê xác quyết, khi cả người viết lẫn người đọc cùng hiểu rõ hành động viết và tác động của chữ nghĩa, thì con đường phát triển văn chương nghệ thuật sẽ trở thành đại lộ.
Càng ngày nhân loại càng chứng kiến nhiều nhà văn tự khám phá, cơi nới mình, để trở thành những tay bút đa năng, không chỉ là theo nghĩa viết được đồng thời nhiều thể loại văn chương, mà còn là theo nghĩa viết được thứ văn chương tích hợp nhiều tri thức liên ngành. Alexandra Huỳnh, đến từ Sacramento, California, Mỹ, nữ sinh gốc Việt thắng giải Nhà thơ thanh niên quốc gia của Mỹ năm 2021, là một ví dụ. Cô chia sẻ, thơ đối với cô như một sự sinh tồn; cô dành rất nhiều thời gian để tư duy về thơ; cô muốn học kỹ thuật thay vì văn chương; cô sẽ thử thách bản thân để suy nghĩ theo những cách mà cô chưa từng làm và đưa ra các ý tưởng “xuyên suốt các lĩnh vực”.
Harold Pinter (Nobel văn chương 2005) nói, thế giới của ông luôn được bao bọc bởi các tác giả khác – đó là một điều tuyệt vời. Phải, các nhà văn thường chịu ảnh hưởng qua lại theo cách này hay cách kia, như không khí chúng ta thở không bao giờ đứng im ở một nơi, như lửa không bao giờ bất động tại một chỗ. Auguste Rodin mặc dù có phần cường điệu khi phát biểu, rằng ông chẳng sáng tạo ra cái gì cả, tất cả chỉ là ông tái phát hiện mà thôi, nhưng đã phơi lộ một sự thực: đằng sau một tác giả là điệp trùng các tác giả, mỗi văn bản là chịt chằng liên văn bản. Phải vậy chăng mà Raymond Carver chân thành: “Chúng ta viết và hy vọng sách của mình tìm đến độc giả tốt. Nhưng tôi còn nghĩ mình viết là để cho những nhà văn khác đọc – cho những nhà văn quá cố đã từng là thần tượng của mình, cho những nhà văn còn sống mà tác phẩm của họ mình yêu quý”.
Nhà văn đọc thiên kinh vạn quyển, sống chữ, sống văn, để viết văn, điều này là hiển nhiên, tất yếu. Song, lý tưởng nhất có lẽ là, đọc để… quên. Có nghĩa, khi viết thì mọi cái đọc đều đã chuyển hóa tan hòa vào cái sống, thành hơi thở, thành máu thịt của người viết. Lúc này, nói như Lão Tử là, “khoáng hề kỳ nhược cốc”. Trống không như hang núi. Hang núi trống không nhưng mang đội cả ngọn núi.
Mỗi nhà văn đều có hàng tá nhà văn khác ảnh hưởng lên, nhưng họ không viết cuốn sách của bất kỳ nhà văn nào cả, mà là tự viết cuốn sách của mình. Viết là sáng tạo. Sáng tạo ra tác phẩm. Sáng tạo ra thế giới. Và sáng tạo ra chính nhà văn.
24/5/2024
Hoàng Đăng Khoa
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuyện Xưa Cầu Cá “Tôi viết lên đây với tất cả chân thành của lòng tôi trao em. Ngày nào đã quen nhau, vì chung hướng đời, mình trót...