Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2025

Thư tình gởi muộn

Thư tình gởi muộn

Ngày ấy mỗi sáng em đi học. Một sáng chớm hè, lạc bước vào mảnh vườn cháy nắng đời anh. Nhờ bóng mát em, mảnh vườn lên mầm sống. Chim bướm rủ nhau tha mộng ước bay về. Anh căng võng hồn bên cây hạnh phúc suốt mùa hè mộng mị ấy, nhìn thế giới hiu quạnh cũ mới lên, lạ đi, đầy kỳ tích. Để biết vạn vật có linh hồn. Chính em, ngừời “phiên dịch” cho anh hiểu những bí ẩn của Trời đất:
Nắng hạ vàng em mặc áo xanh
Phủ xuống đời tôi bóng mát
Tiếng chim hót tôi làm sao hiểu đươc
Khi không có lời phiên dịch của riêng em.
Có “lời phiên dịch của riêng em” là có tất cả, là hiểu được tất cả. Người ta ví tình yêu như ngôn ngữ của nhân lọai. Theo anh, tình yêu, hơn thế, là tiếng nói của muôn lòai. Nhờ nó, những kẻ yêu nhau hiểu được ‎‎y nghĩa khúc hoan ca của giòng sông, bản hòa tấu nơi cánh rừng cùng lời thì thầm giữa cỏ cây hoa lá.
Một thi sĩ anh không nhớ tên, nhưng chắc có khiếu ẩm thực, viết rằng:
Dăm lít gạo với vài cân muối
Nấu với tình em ăn rất ngon.
Anh, tên tục tử dốt thơ, cả đời hì hục chưa làm nổi một câu thơ, nên chả rõ y thơ hay chỗ nào. Chỉ biết đọc lên thấy sướng đã. Là vì tự nhiên có người đi nói hộ cái điều mình vẫn bàng bạc cảm nhận nhưng không biết phát biểu thế nào cho nó phải, vậy còn gì mà không sướng đã?
Thực thế hễ có tình yêu, ai cũng đủ khả năng gia nhập phái dưỡng sinh. Ngày hai bữa “thôn tính” cơm gạo lức muối mè đã đành khó nhá như nhai k‎y‎ ninh. Nhưng thêm tí tình em vào. Và chỉ thế. Là chưa nuốt đã trôi xuống củ tỉ. Tình em, một “gia vị” trên mọi gia vị. Có tình em, giềng mẻ mắm tôm… vứt đi.
Nhưng bên cạnh tình là đời. Không ai sống bằng dư luận, sống nhờ dư luận, nhưng rõ ràng không ai sống không có dư luận. Lưỡi dao đồn đãi, lơ lửng trên đỉnh đầu, sắc và vô tình hơn ta tưởng.
Em biết thế. Nên giữa phẩm hạnh, sương khói, em mê đắm tình nhưng vẫn sợ tiếng đời. Em muốn chúng ta hòa tình vào đời thì anh lại nghĩ em mang đời vào tình. Nên gạt phắt.
Ngày ấy còn trẻ, gàn bướng, lại ngộ nhận vũ trụ vói chiếc miệng giếng, anh không biết cũng chẳng muốn biết, ngòai tình em còn có đời em. Nên cứ đứng nhìn con đê tình bị song đời lấn tới. Cứ thản nhiên lúc mây thương yêu bị gió cuốn đi. Bây giờ già, thấm mệt, ngồi ngẫm lại để thương người, thương mình, thì tình đã xa, hồn đã úa, than thể đã lỗ chỗ đạn đời.
Anh ngày ấy:
Vốn là người lãng đãng mau quên
Hoa về đủ còn chưa tin xuân đến.
Nên phải:
Chờ tới lúc tay em xòe năm ngón
Rất vội vàng anh mới hiểu qua đông.
Chiếc nhẫn đính hôn trên tay em đồng nghĩa với qua rồi mùa dấu ái. Anh chỉ biết điều ấy, chợt biết điều ấy khi em ghé báo tin vu quy vào một chiều mưa lạ cuối năm:
Em đến nhà tôi he hé cửa
Đôi mắt mơ buồn dưới mấy hàng mưa
Tay bối rối nón hờ ngăn gió thổi
Bay suốt đời thương nhớ xuống tim tôi.
Em trao thiệp cưới viết bằng nỗi buồn. Anh nhận, buồn hơn. Chẳng ai bảo ai,cả hai đều vờ vui vẻ.. Nên chẳng ai bảo ai, chúng ta cùng biết mình là diễn viên tồi của màn kịch đắng cay.
Tự ái tuổi trẻ bị thương tổn, cả anh lẫn em quyết gỡ thể diện bằng mọi giá. Nhưng hạnh phúc, thứ ân sủng Tạo hóa đặc tặng cho một số người làm sao lại có thể biến thành cái giá đem ra đổi chác, gỡ gạc được nhỉ? Như hai tên giác đấu say đòn chúng ta cố tìm mọi câu mỉa mai và mọi lời cay độc để đâm nát hồn nhau. Cuộc quyết đấu vô l‎y‎, vô nghĩa, và ngu xuẩn đó làm sao có kẻ thắng?
Chỉ đến khi bước chân em lùi sát khung cửa, anh mới nhớ Trời đang mưa. Ánh chớp lóe lên soi rọi mọi vật nhòa nhạt trong phòng. Chúng ta, cùng lúc nhìn thấy thương tích của nhau. Đôi mắt em chùng xuống, thăm thẳm, rét mướt, chờ đợi. Thay vì ôm chòang em vào lòng, xé nát tấm thiệp mời, và giữ em mãi mãi của anh, thứ tự ái ngựa non háu đá khốn kiếp lại kéo môi anh dãn ra thành một nụ cười. Nụ cười hẳn là mỉa mai, khinh bạc! Vì mắt em chợt thẫm lại, héo úa, tuyệt vọng. Như chiếc lá tưởng hương xuân tới vừa nhú mầm, bỗng quắt queo khi trận gió đông ập qua.
Thể diện được ve vuốt, anh giả vờ bình thản tiễn em ra cổng. Em quay lại. Trong mưa chúng ta nhìn nhanh vào mắt nhau. Trong mưa chúng ta xa nhau.
Tiếng bước chân hối hả, hờn giận của em khua tren vỉa hè sũng nước. Bắn xuống hồn anh những âm vang tan tác, lạnh buồn:
Em đi về đâu chiều cuối năm
Cười chia tay mà mắt khóc âm thầm.
Quay vào phòng, thôi cười gượng, thôi đóng kịch bất cần, bắt chước một thi sĩ lớn‎‎, anh tắt đèn, tập tành hút thuốc, uống rượu:
Mỗi đêm một gói thuốc
Hút nhiều nứt cả môi
Nỗi buồn không nói được
Nỗi buồn ăn vào tôi.
Nỗi buồn không nói được nhưng chỉ cần tác giả câu thơ dám nhận là mình buồn, nỗi buồn ấy kể như sớm muộn cũng tan chảy được. Chứ còn đã sầu nẫu người mà lại cứ cố dối người, dối mình bằng tiếng cười gượng gạo, thì bảo đảm sầu phải nhân lên và buồn sua là ở lại.
Khói thuốc không giúp anh khơi gợi được tí ti kỷ niệm nào cả. Chiếc đáy cốc cũng không mời được em về. Thay vào rượu, thuốc lá hợp đồng mơn man tính hăng tiết vịt khờ dại của tuổi trẻ nới anh. Và nhấc nó lên, quay tít. Giống con dế “ngâm tim mình trong miệng” lúc rơi xuống, anh cũng vểnh râu, giương càng:
Em u mê không nhận ra ta một thiên tài chưa gặp vận
Nên em bỏ ta gá nghĩa với cuộc đời.
Anh nhận vơ mình là thiên tài. Anh quai xanh vành chảo lên xỉ vả em thiếu mắt xanh. Có rượu pha lẫn phẫn nộ xằng, người ta thích và dễ tưởng tượng. Như anh lúc ấy tưởng tượng em về.
Một thi sĩ, đón người yêu quay lại, ngơ ngẩn:
Quan họ em về
Một miếng trầu cơi
Duyên thì thắm tình người có thắm
Leo lẻo mắt ai giữa chiêu xuân hanh nắng
Quan họ em về anh hóa ngẩn ngơ.
Một thi sĩ khác tìm em gái đi lạc dài cổ không gặp. Một sáng chim bụi mỏi cánh bay về. Thi sĩ mừng quá, thơ thẩn bay đi đâu hết nên dụi mắt, hỏi một câu mê sảng: “Em về đây chăng?”
Anh khác họ. Ngày ấy, dù em về thật, chứ không phải chỉ nuớc mũi nhễ nhại trở về trong trí tưởng, có lẽ anh vẫn khinh khỉnh đọc thơ Nguyễn Đình Tòan:
Khi em về bước chân chừng xa lạ
Và cỏ hoa tất cả đã vắng im.
Truớc khi cóc mở miệng an ủi em một câu đãi bôi:
Em đừng khóc, đừng buồn, đừng nhìn nữa
Cứ cúi đầu cứ thế mà ra đi
Trời sẽ tối ước mơ rồi sẽ hết
Và dấu giày mai sẽ lá sương che.
Bờ nhớ bên giòng chảy đời mỗi ngày một rõ thêm nhờ lớp lớp phù sa kỷ niệm thơm ngát.
Viết những giòng này khi tuổi trẻ không còn, anh mới đủ thành thực tự nhận điều đó. Điều mà hai mươi năm xưa anh không nhận, không bao giờ muốn nhận:
Mùa thôi biếc chim thôi về tha hạt
Em vẫn về xao xác khoảng Trời tôi.
Hai mươi năm đủ dài cho anh thâm thía bốn chữ ngày xưa và bây giờ.
Ngày xưa, anh để tự ái hão, thể diện bậy che mắt, xỏ mũi dẫn đi. Con ngựa non sống cho thiên hạ hơn cho chính mình. Nó tưởng cuộc đời là khỏanh đường thẳng truớc mặt. Nó từ khước thảm cỏ xanh mởn sát cạnh. Bên kia đồi, nó tưởng, cỏ phải xanh hơn. Chưa qua đồi, nó nào biết mình thả mồi bắt bóng? Nhưng tới khi thảm cỏ trong tầm với bị lấy đi, con ngựa non phẫn nộ‎ và tìm cách trút phẫn nộ một cách ti tiện.
Khi dẫn người bạn gái lạ đến dự đêm em thành hôn, anh chỉ có mục đích trả hận. Anh nốc rượu tì tì. Trơ trẽn ôm siết cô bạn. Anh huyên thiên cười nói và huyên thiên pha trò. Anh xẹt tới góc này anh lao sang phía hia. Giống hệt con thú vuớng lưới phung phí sức lực vô vọng tìm cách thóat lưới, anh cố dấu nỗi buồn đùn lên từ đáy tim mình. Nhưng buồn như khói. Càng che đậy, khói càng bay lên.
Rồi người ta dẫn em đến nơi anh ngồi, chào hai họ. Chúng ta đứng cách nhau một mặt bàn. Chúng ta đứng cách nhau cả cuộc đời. Anh say quá nên:
Anh muốn cắn một miếng vào quá khứ
Cho hồn sực tỉnh lại cơn say.
Đột ngột căn phòng đầy ắp người cơ hồ không còn ai. Đột ngột mọi tiếng động như con nước xuôi vào lòng rạch im lắng. Chỉ còn đôi mắt lạnh giá, thất thần của em giữa cõi tịch mịch khôn cùng của đất Trời. Chúng ta mê sảng nhìn nhau. Mê sảng nhìn nỗi đau trong mắt nhau vỡ thành muôn mảnh sắc cứa nát hồn đời.
Rôi đêm tân hôn tàn. Những người khách cuối lục tục dời nơi hành lễ. Người đàn ông đứng tuổi chải chuốt đưa em về trên:
Con đường buồn rụng tím một bài thơ
Đêm ngự xuống tìm em ru thân xác.
Chỉ anh còn lại. Đếm cô đơn và gặm nhấm nỗi buồn:
Ta sót lại cuối hành lang vắng ngắt
Nửa vầng trăng nhòa nhạt cõi xuân người.
Hai mươi năm không gặp em không có nghĩa hai mươi năm anh xa em. Không gian, thời gian vô nghĩa trước kỷ niệm. Luôn luôn chúng ta có môt khung Trời:
Chúng mình tưởng ngăn cách thế
Vẫn riêng có một khung Trời.
Văn An
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một cách tiếp cận thơ Thiền

Một cách tiếp cận thơ Thiền Thơ ca dân tộc có một bộ phận thơ Thiền đặc sắc. Nhiều bài thơ của các Thiền sư từ  thời  Lý (1010-1225) - Trần ...