Thứ Hai, 6 tháng 1, 2025

Tiếng vọng ngàn xưa

Tiếng vọng ngàn xưa

Cụ Đồ Giản muốn có một cái ao nhỏ để ngày ngày ngồi câu cá cũng là thời giờ tĩnh tại để chiêm nghiệm lại cuộc đời. Những tưởng vào cái tuổi xưa nay hiếm con người ta đã tỏ mệnh trời, nhưng ai dè chính từ cái nhát cuốc đầu tiên bổ xuống góc vườn để đào cai ao nhỏ ấy đã làm đảo lộn phần đời còn lại của cụ và tai hoạ cứ bám riết lấy cô người con gái nết na duy nhất tên Xoan.
Nơi Thanh đến xin việc là một bảo tàng nằm khiêm tốn ở một góc thị xã tỉnh lẻ. Nói bảo tàng cho oai chứ thực ra đó là ngôi chùa bỏ phế nhiều năm không có sư sãi tu hành, ẩn mình dưới bóng đa cổ thụ xanh um. Nếu không có tấm bảng đề "Bảo tàng -Museum" bằng sơn đỏ gắn bên hông cổng tam quan chắc ít ai nghĩ đây là một bảo tàng. Phía trên chính điện lưa thưa dăm ba tủ kính dùng làm phòng trưng bày. Hiện vật sưu tầm về đành phải chất đống trong dãy nhà trai của chùa. Bảo tàng suốt ngày vắng hoe, thỉnh thoảng có vài vị khách tây ba lô đến chỉ trỏ xì xồ chụp ảnh một lúc bên chiếc trống đồng sứt quai rồi lại vội vã ra đi. Người ta bảo Việt Nam là nơi hội tụ của ¾ trống đồng đẹp nhất thế giới. Ở bảo tàng tỉnh lẻ này có được một chiếc trống đồng thì đúng là bảo vật số một rồi còn gì. Nhưng dân chúng ở cái thị xã bé tẹo này thì lại háo hức chờ đón mấy cô ca sĩ trên bìa tạp chí về gào hét điên cuồng cho thay đổi không khí tẻ nhạt ở chốn nửa quê nửa phố này hơn là quan tâm đến cái bảo tàng cũ mèm và  những món đồ đem ra trưng bày ấy.
Cảnh vắng người buồn khiến Thanh thấy chạnh lòng. Cũng cầm mảnh bằng Đại học nhưng học trường khác giờ này bạn bè của Thanh có đứa làm ở công ty liên doanh nước ngoài lương hàng trăm đô. Còn Thanh lương hợp đồng hơn ba trăm ngàn đồng chỉ đủ tiền thuê nhà trọ, ngày làm đủ tám tiếng đồng hồ. Công việc quanh quất là lau chùi hiện vật với mấy khẩu súng máy hoen gỉ rồi chán rồi thì nhâm nhi chén trà tàu hoặc làm ván cờ tướng giết thời gian với ông thủ từ coi chùa cũng là bảo vệ của cơ quan.
Từ dạo đến đây làm Thanh ít nói hẳn. Thanh nhớ nhà, nhớ mẹ. Quê Thanh làng nhỏ nằm bên sông Hồng. Những ngày ấu thơ trên lưng trâu bãi mía như một bàn tay âu yếm cứ vuốt ve mãi hồi ức của Thanh. Mẹ kể hồi cải cách có phong trào xoá tàn dư phong kiến. Ông nội là đội trưởng đội sản xuất nằm trong ban chỉ đạo dỡ bỏ ngôi đình cổ có niên đại cả trăm năm của làng để làm khu chăn nuôi của hợp tác xã. Sau đận ấy ông cứ day dứt mãi, sinh bệnh, rồi mất trong thời kỳ sửa sai. Trước lúc nhắm mắt ông gọi cha Thanh lại bên giường nói lại điều tâm nguyện lớn nhất của ông là quyên tiền phục dựng ngôi đình cổ để những đứa trẻ trong làng như Thanh sau này lớn lên có mái đình làng để mà nhớ, mà thương, mà tự hào về nơi chôn nhau cắt rốn. Nhưng rồi chiến tranh đã cướp mất mất người cha thân yêu của Thanh. Mãi sau này trong dịp giỗ ông, mẹ lấy đưa cho Thanh tờ giấy Pôluya ngả màu rút từ ống quyển để trên bàn thờ. Trong ấy đựng điều tâm nguyện của ông mà cha chưa kịp thực hiện. Khi mùa phượng năm cuối cấp phổ thông năm ấy rực đỏ, bạn bè nô nức nộp đơn dự thi vào các trường Đại học danh tiếng thì Thanh nộp đơn thi vào khoa Bảo tồn-Bảo tàng trường Đại học Văn hoá Hà Nội. Mặc cho cô bạn thân cùng lớp phụng phịu phản đối, Thanh tin quyết định của mình là sáng suốt vì Thanh không chỉ muốn thực hiện tâm nguyện của ông nội mà còn mơ ước được góp công sức cuả mình bảo tồn những di tích qúi giá và nét đẹp cổ kính của biết bao làng quê khác. Vậy mà bây giờ ra trường, đi làm Thanh lại thấy ngán ngẩm.
Thanh lấy chổi lông phủi bụi trên tủ kính bên trong bày chiếc trống đồng. Dĩ nhiên đây là hiện vật cậu thích  nhất trong cái nơi gọi là bảo tàng này. Những đường nét hoa văn tinh xảo, sống động vừa lạ vừa quen nhanh chóng hút hồn Thanh. Chị Hằng làm ở tổ sưu tầm hơn Thanh năm tuổi đã có lần kiểm tra trình độ "chú út" bằng câu hỏi "Đố Thanh đây là trống đồng loại mấy? Nếu trả lời được chị sẽ đãi một chầu chè!" Những câu hỏi kiểu thế này dân trong ngành nhiều lúc cũng phải bó tay vì những cổ vật có niên đại gấp hàng trăm, hàng nghìn tuổi mình để trả lời chính xác không phải là đơn giản. Căn cứ vào hình dáng các loại trống năm 1902 nhà sử học F. Heger người Đức đã chia trống đồng thành 4 loại H1, H2, H3, H4… Trong đó loại trống H1 có niên đại cổ xưa và quí giá nhất. Bên dưới lớp kính dày kia là chiếc trống đồng có hình dáng chia làm ba phần cân đối: tang phình, thân thon hình trụ, đế choãi. Nếu là trống H2 thì hình dáng không được cân đối thế này. Nếu là trống H3 thì thân trống hình trụ. Còn trống H4 hình dáng chỉ có hai phần. Quan sát kỹ một chút thì mặt trống trong tủ có đường kính khoảng 45 cm có những vành hoa văn đều đặn với ngôi sao 5 cánh ở chính giữa, hình người, hình chim, thú, nhà sàn… rất sinh động. Trống có 4 quai hình bông lúa thì hai quai đã bị sứt gãy từ bao giờ.  Vậy mà dựa vào kiến thức môn giám định cổ vật Thanh đã trả lời chị Hằng một câu chắc nịch: "Đây là loại trống đồng Hêger I cỡ trung bình thuộc dòng trống Đông Sơn. Chủ nhân là người Lạc Việt sống thời Hùng Vương dựng nước có niên đại vào khoảng thế kỷ 7 trước CN đến thế kỷ 6 sau công nguyên". Hai chi em lục tìm bản lý lịch hiện vật thấy trúng phóc. Đọc lại lý lịch hiện vật có một chú thích nhỏ cho biết chủ nhân hiến tặng hiện vât cho bảo tàng là một phụ nữ có tiền sử mắc bệnh tâm thần. Linh cảm nghề nghiệp mách bảo cho Thanh có gì đó không bình thường. Thanh tự nhủ cuối tuần này phải rủ chị Hằng về ngoại thành một chuyến xem sao.  
Làng Sơn Tịnh nổi tiếng là đất học của một vùng quê giàu truyền thống văn hiến. Cổng làng phong rêu dưới bóng đa cổ thụ. Thi thoảng vào những buổi chiều người làng thấy cụ Đồ Giản phe phẩy chiếc quạt nan ra cổng làng ngắm nghía câu đối với hàng chữ Hán đắp nổi bằng vữa theo lối thảo triện :      
"Muôn thuở công thành danh hiển đạt,
Nghìn thu đức sáng họ phồn vinh".
Học trò bốn năm thế hệ ở cái làng nhỏ bé này đều là học trò của cụ. Đã thành nếp nghĩ của dân làng, ai muốn thành đạt khi bước chân ra khỏi làng và khi trở về đều phải ngẩng đầu chiêm bái cổng làng có hàng câu đối phong rêu. Cả đời cụ Đồ Giản chỉ chăm lo vào việc trồng người nên dân làng ai cũng kính trọng. Người áo nâu, râu trắng ấy hồi trẻ từng dạy chữ nho, chữ pháp, thời bình dân học vụ dạy chữ quốc ngữ về già lại làm bạn với chim muông cây cảnh. Tuổi già có thú điền viên. Cụ Đồ Giản muốn có một cái ao nhỏ để ngày ngày ngồi câu cá cũng là giành thời giờ tĩnh tại để chiêm nghiệm lại cuộc đời. Những tưởng vào cái tuổi xưa nay hiếm ấy con người ta đã tỏ mệnh trời nhưng ai dè chính từ cái nhát cuốc đầu tiên bổ xuống góc vườn để đào cai ao nhỏ đã làm đảo lộn phần đời còn lại của cụ và tai hoạ cứ bám riết lấy cô người con gái nết na duy nhất tên Xoan.
Thanh ngắm nghía mãi bức chân dung treo tạm bợ trên vách nứa của căn chòi lá nằm chơ vơ giữa đồng không mông quạnh. Người trong khung ảnh là một cô thôn nữ đang độ tuổi trăng tròn khá xinh, da trắng tóc dài, khuân mặt bầu bĩnh. Thanh không tin nổi người đàn bà dáng nhỏ gầy, gương mặt khắc khổ có mái tóc lốm đốm sợi bạc đang ngồi trước mặt Thanh lại có thể là cô gái trong ảnh mấy chục năm về trước. Thanh rụt rè lên tiếng:
-Thưa cô Xoan, cháu tên là Thanh, còn chị Hằng đây đã xuống thăm cô nhiều lần chắc cô vẫn còn nhớ ! Các chú lãnh đạo Sở Văn hoá và Bảo tàng tỉnh có gửi lời chúc sức khoẻ cô và mời cô lên tham quan bảo tàng ạ!
-Ừ, các cháu từ Bảo tàng tỉnh thỉnh thoảng lặn lội xuống đây thăm cô thế này là quí lắm! -Bà Xoan kéo gấu áo chấm nước mắt- Ông nhà cô bị chúng nó hại chết đã mấy năm rồi. Nhà cửa thì bán sạch. Cô giờ không người thân thích phải ở tạm trong túp lều thế này. Nhưng mà cô vui vì đã làm được một việc có ích cho nhà nước các cháu ạ!
Thanh đề nghị:
-Nếu có thể được hôm nay cô kể cho chúng cháu nghe về hành trình phát hiện và bảo vệ chiếc trống đồng được không hả cô? Để chúng cháu ghi chép lại thật tỷ mỷ, biết đâu sau này lại chẳng có ích cho khoa học?
Bà Xoan kể bằng giọng trầm buồn:
-Các cháu biết không, buổi sáng hôm ấy sau khi soạn mâm ngũ quả cách giấy kim ngân khấn vái thủ công, cha cô bổ nhát quốc đầu tiên động thổ thì cán quốc gãy làm đôi. Bỗng nhiên ông cụ thấy chóng mặt, mồ hôi vã ra, chân tay run lẩy bẩy. Đoàn biết ý lo của cha, cô đỡ ông vào nhà nghỉ rồi đi gọi mấy người bạn trong làng tới đào ao giúp. Đất gan gà thắn từng miếng ngon lành sang ngày thứ hai chiếc ao nhỏ đã hình thành. Chỉ còn đào sâu xuống một thâm xẻng nữa là tới lớp cát . Cô bỗng thấy lưỡi xẻng của mình khựng lại chạm vật cứng nghe khục, khục… Moi lên khỏi lớp bùn đất lấm lem mới biết là trống đồng. Dân làng kéo đến xem rất đông. Ban đầu cha cô rất vui cho mổ lợn khao làng. Họ còn đồn ầm lên là nhà cô đào được cả hũ vàng. Cả tháng trời khách khứa ra vào đông nườm nượp. Lúc đầu thì ông cụ nhà cô vui, nhưng sau đấy phải gánh chịu bao nhiêu là phiền toái. Không ít kẻ nịnh bợ bề ngoài thì tươi cười nhưng mắt mũi săm soi xông cả vào buồng nhà cô xục xạo cót thóc, chân giường, nền nhà xem vàng dấu ở đâu. Lão trưởng họ thì bám riết lấy cha cô viện lý do đất ông cha để lại, có lộc cùng hưởng, nếu không nghĩ đến tình anh em trong họ thì cũng phải có nghĩa vụ với tổ tông mà chiết một "thỏi" xây lại cái nhà thờ họ cho khang trang. Nếu không xây nhà thờ thì thì phải đem chiếc trống đồng sang nhà tổ để thờ. Biết rõ dụng ý tham lam của ông trưởng họ nên cha cô không đồng ý. Mặc cho hai cha con cô có giải thích thanh minh thế nào dân làng cũng không tin. Họ bảo cha con cô dấu vàng đi ăn mảnh.Tình cảm dòng họ bắt đầu rạn vỡ, thù oán lẫn nhau. Những gia đình gần nhà cô thì bỏ bê công việc cày cấy suốt ngày đào xới vườn nhà nhưng chẳng thấy gì ngoài mấy cái be vỡ. Cuộc sống của cha con cô cũng chẳng yên ổn với họ được các cháu ạ.
Hằng không dấu nổi tò mò:
-Rồi sau đó thì sao hả cô?
-Đêm xuống bọn người xấu tụ tập rình mò nhà cô. Cây trong vườn nhà quả non cũng bị thảy ném la liệt trong sân, bể nước, lẫn với phân người. Nhà chỉ có một ông già với một đứa con gái, chả làm gì được. Ông cụ tức quá cho thay hàng rào dâm bụt bằng tường gạch cắm mảnh chai nhưng chỉ tổ làm cho bọn chúng thêm ghét. Tối xuống lũ thanh niên vô công rồi nghề đội mũ len kín mặt đu cành ổi nhảy qua tường vào đào bới tung cả nền bếp lên tìm của. Công an xã xuống nằm vùng được mấy hôm mọi chuyện lại như cũ. Lo lắng cho sự an toàn của đứa con gái, ông cụ nhờ người chăng dây điện quanh nhà và viết thông báo dán ở cánh cổng: "Xung quanh ngôi nhà này có điện xin đừng bước vào". Ông cụ cắm điện nhưng suốt đêm không ngủ vì lo nhỡ có chuyện thật. Tưởng mẩu giấy trên cánh cổng nhà cô là đùa, vào một đêm mưa to gió lớn chúng nó lại mò vào nhà cô. Lần này thì án mạng xảy ra thật. Khi mò vào vườn bị ông cụ hô hoán chúng xô ông cụ ngã gãy xương. Một đứa trong lúc hoảng loạn mắc vào dây điện bị điện giật chết. Kẻ đáng thương hơn đáng tội đau xót thay lại chính là người học trò cũ của cha cô, người mà cô thầm yêu trôm nhớ. Xe cảnh sát hình sự xuống lập hồ sơ đo vẽ mấy ngày. Không biết vì lo nghĩ hay vì vết thương quá nặng ông cụ nhà cô mấy hôm sau qua đời.
Bà Xoan nhấp giọng bằng ngụm trà nguội ngắt. Thanh nãy giờ ngồi chăm chú ghi chép vào cuốn sổ nhỏ. Anh thầm nghĩ câu chuyện này đáng để các nhà điện ảnh dàn dựng thành một bộ phim hấp dẫn về đề tài tình trạng quản lý và chảy máu cổ vật của nước ta chí ít cũng vài ba tập. Thanh hỏi:
-Thưa cô, cháu hỏi chuyện này thật không phải nhưng sao cô không lập gia đình ạ?
- Chẳng dấu gì các cháu, sau cái đận ấy cô suy sụp hoàn toàn, tự nhiên mất cha rồi kẻ mình chớm thương yêu thì lại như vậy nên sau này cô cứ bị ám ảnh và rất sợ đàn ông. Chẳng ai giám yêu con gái một ông già cố ý giết người như người ta kết tội cha con cô. Hơn nữa trái tim cô hoàn toàn chai cứng các cháu ạ?
-Thưa cô, vậy còn chiếc trống?
- Sau đận ấy cô nghĩ vật báu không thể để rơi vào tay những kẻ có tâm địa tham lam bỉ ổi nên đã bí mật gửi sư cụ trên chùa làng cất giữ vào hậu cung. Phần đất cha ông cô cũng bán đi lấy tiền trang trải ma chay cho cha. Một phần đem sang gia đình người thiệt mạng để người thân của họ nhang khói. Để đánh lạc hướng dư luận cô nhờ người tung tin chiếc trống đã bị đánh cắp rồi giả vờ mắc bệnh tâm thần suốt ngày lên sân chùa nhặt rồi vãi lá đa tung chơi như trẻ con ấy. Thương cảm cho hoàn cảnh của cô nhà chùa cho mượn một vạt ruộng chùa này để cô cất lều lên làm nhà ở cho đến tận bây giờ. Mãi đến mấy năm trước sư cụ trọng bệnh biết không qua khỏi gọi cô lên và sư khuyên cô nên hiến chiếc trống cho nhà nước quản lý. Và cô đã hiến nó cho bảo tàng.
Thanh nắm lấy bàn tay gầy guộc của cô Xoan nói trong xúc động:
-Chúng cháu xin lỗi vì đã khơi dậy nỗi đau của cô! Cho đến nay chiếc trống đồng mà cô hiến tặng cho bảo tàng vẫn là hiện vật có giá trị nhất. Không, mà phải nói là vô giá cô ạ. Nó không chỉ đơn thuần là một bảo vật của quốc gia, mà còn phải trả giá bằng máu và nước mắt của ông và cô….
Chỉ nói được có vậy mà nước mắt Thanh cứ trào ra, lăn xuống môi mằn mặn. Trước người đàn bà nhỏ yếu khắc khổ và rất đỗi bình thường này Thanh thấy mình thật nhỏ bé vì đã có lúc Thanh trót có những suy nghĩ thực dụng và không nghiêm túc với nghề nghiệp. Cơn mưa rào bất chợt ào về trắng xóa cánh đồng trứơc mặt. Ngôi nhà nhỏ cô đơn và liêu xiêu nhưng vẫn kiên cường chống chọi trong gió mưa như thân phận người đàn bà mà Thanh đang gặp. Những âm thanh ùng oàng bên tai thanh không còn là tiếng sấm nữa mà nó như tiếng trống đồng âm vang từ ngàn xưa vọng lại trầm hùng. Tiếng trống ấy có trong niềm kiêu hãnh ở tiềm thức mỗi người.   
30/10/2005
Bùi Công Ba
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhà văn Phạm Duy Nghĩa và lối tắt vào thơ Trong làng văn, Phạm Duy Nghĩa được biết đến như một cây viết truyện ngắn đã có nhiều thành tự...