Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2025

Khát khao tiếng nói cõi thiêng liêng tình mẫu tử trong thơ Nguyễn Ngọc Hưng

Khát khao tiếng nói cõi thiêng liêng tình
mẫu tử trong thơ Nguyễn Ngọc Hưng

Có thể nói, chùm thơ 1-2-3 của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng viết về mùa Vu Lan đã làm xong công việc rất khó là chinh phục được độc giả bằng một lối diễn ngôn mới lạ và đẫm đầy xúc cảm; nó vừa bảng lảng khói sương của màu sắc siêu thực vừa chan chứa và khát khao tiếng nói cõi thiêng liêng là tình mẫu tử…
Xét cho cùng thì thơ mới hay cũ cũng đều phải cần đọng lại ở hai chữ thơ hay. Thơ hay là thơ đọc rồi người ta bị ám ảnh về nó. Đọc xong mà không ám ảnh, không có chi để nhớ về nó cả thì nhất quyết nó không phải là thơ hay. Thơ 1-2-3 cũng không nằm ngoài suy nghĩ ấy. Chúng tôi thiết nghĩ, cái hay của thơ 1-2-3 trước hết phải là do cái tứ thơ ở từng bài quyết định. Bởi thế cho nên có thể nói một khi đã xác định được tứ thơ thì người viết xem như đã yên tâm được năm mươi phần trăm rồi, phần còn lại là trông chờ vào cảm xúc và sự xếp đặt con chữ trong phần diễn ngôn mà thôi.
Chùm thơ 1-2-3 viết về mùa Vu Lan của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng là một chùm thơ đặc sắc.
Hình ảnh “chuồn chuồn bay cuống quýt” như chuẩn bị sẵn cho bài thơ mở ra một miền tâm trạng đầy những xốn xang và âu lo. Đó phải chăng là sự dự báo tạo đà để nhân vật trữ tình bộc bạch?
Tháng Chín heo may chuồn chuồn bay cuống quýt
Có gì đó thoắt chích thoắt không khắp đường gân thớ thịt
Chớp thấp chớp cao như cợt trêu như đe dọa đánh lừa
Xưa sấm động gió tan giờ sấm động gió càng tăng động
Nơi mẹ nghỉ tít lưng đồi thông thống
Khô ráo chỗ con nằm mắt lại ướt nhòe mưa
Hiện thực và siêu thực đan cài trong kiểu thơ vụt hiện. Sự day dứt trăn trở của đứa con trưởng thành khi mỗi năm đến mùa báo hiếu, cứ trở đi trở lại trong chùm thơ 1-2-3 của nhà thơ. Nó vừa là nút thắt nhưng cũng lại vừa như là nút mở. Thắt lại trong suy tư và mở ra trong hối lỗi ngậm ngùi.
Sự pha trộn cảm xúc để cất vó nỗi niềm. Thoạt nhìn bên ngoài vỏ ngôn ngữ thì cứ tưởng bài thơ chỉ là tiếng nói của sự vô tư – hối hận. Nhưng nhìn kỹ một chút thì lại thấy ẩn phía dưới câu chữ là cả một quá trình trưởng thành nhìn nhận cuộc đời của nhân vật trữ tình là đứa con. Câu đầu tiên đã gieo mầm tâm trạng “hoang mang”, và sự “hoang mang” đó lại được mọc lên từ “mùa báo ân báo hiếu” mới là điều cần nói. Tại sao lại có một trạng thái “hoang mang” lạ lùng như thế? Hai câu thơ kề sát phía dưới (câu 2, 3) đã giải thích lý do tại sao nhân vật trữ tình lại có sự “hoang mang” ấy: Lúc mẹ còn sống con làm những chuyện khiến cho mẹ khổ “vô tri báo đời đủ kiểu”; khi con trưởng thành có tri giác thì mẹ không còn. Thế thì “con trưởng thành” để báo hiếu ai? Trong khi, trước đó“ngực áo ngày xưa chưa một lần thiết tha hoa đỏ”? Hình ảnh “hoa đỏ” biểu tượng cho sự trân trọng báo hiếu cha mẹ ngay lúc cha mẹ còn hiện hữu trên cõi đời này thì con lại chưa một lần thật lòng tha thiết. Cái gút mắc nó nằm ở chỗ này. Sự thật đó đã làm cho nhân vật trữ tình hối hận. Sự hối hận trào lên bằng chính tiếng nói tự phản biện day dứt. Cái hay ở đây là tiếng nói nội tâm bùng dậy, y như một sự truy vấn đến tận cùng của sự thật. Tại sao lại như thế? Tại sao lại như thế? Cho nên ý ở câu thơ cuối cùng nhà thơ đành buông ra như một tiếng thở dài đầy đau xót “Ối a hồng trắng bây giờ… con bỗng sợ Vu Lan”. Sự chiêm nghiệm nặng tính truy xét cũng là lúc hồn người thức dậy. Bây giờ, khi mẹ không còn nữa, thì có cần thiết phải rùm beng cho thiên hạ thấy rằng đứa con đang báo hiếu cho mẹ chăng “Ối a hồng trắng”? Ý thơ cắt cứa, nỗi lòng con cắt cứa…
Hoang mang quá mùa báo ân báo hiếu
Khi mẹ còn con vô tri “báo đời” đủ kiểu
Lúc con trưởng thành mẹ đã biệt trần gian
Thiên địa mang mang ai biết đâu địa ngục thiên đàng
Ngực áo ngày xưa chưa một lần thiết tha hoa đỏ
Ối a hồng trắng bây giờ… con bỗng sợ Vu Lan!
Ba dòng thơ đầu là ba câu tả cũng là cái nhìn khái quát nhân sinh. Kiểu tả cảnh để tả tình. Ba câu là ba thái độ khác nhau. “Vênh vang” là hào hứng hy vọng đầy tự tin, nội dung là dâng lễ cầu phúc, một sự trao đổi cực kì thực dụng của con người gán cho thế giới tâm linh, tưởng vui tươi nhưng lại là giễu nhại. Vì liền kề phía sau là câu thơ có ẩn chứa hai chữ “cúi đầu”. Câu thơ chứa đựng cả sự lắng lòng và lắng nghe, có cả tiếng nói từ bên trong vọng ra, rồi như từ cả bên ngoài vọng lại. Đó là một sự đồng cảm trái ngược với thái độ câu thơ trên, một sự phân thân độc đáo. Ý thơ chùng lại một chút tưởng sẽ bị chao đảo nhưng cũng may phía dưới đã có ngay hình ảnh “ngẩng mặt”. Lại là một sự hoán đổi tâm trạng rất nhanh. Điều đó chứng tỏ, ngôn ngữ biến hóa linh hoạt, nhanh vừa như đối lập mà lại như thống nhất vậy: “Vênh vang” – “Cúi đầu” – “Ngẩng mặt”, “thắm tươi” – “than khóc” – “mỉm cười”. Những câu thơ còn lại như được đẩy hẳn về phía cuộc đời đầy suy ngẫm. Tưởng lên chùa cầu phúc tìm được hạnh phúc, thoát tục… mà thực tế thì có thoát được đâu! Cuộc đời vẫn là sự xoay vòng triền miên trong thế giới đối cực: Ác – Thiện. Chất triết lí ẩn vào câu chữ, khiến câu chữ căng lên mà lại rất đời. Đâu đó là ta, là người.
Vênh vang đội lễ lên chùa cầu phúc thắm lộc tươi
Cúi đầu xuống nghe não nùng chúng sinh than khóc
Ngẩng mặt lên thấy an nhiên chư Phật mỉm cười
Như bất ngờ bị ai đó vỗ vai hắn giật mình ngoái lại
Thêm một lần lạnh sống lưng rợn gáy
Mắt ông Ác trợn trừng mắt ông Thiện trầm nghiêm!
Kiểu thơ vụt hiện lại lấp lánh trong ngôn ngữ đầy ám ảnh, một sự xếp đặt tréo ngoe của tạo hóa “họ đã từng hẹn biển thề non” nhưng rồi “không cùng nhau ăn đời ở kiếp”. Lời thơ tự sự đóng vai dẫn dắt câu chuyện, dẫu chỉ thoáng qua cũng đã cho người đọc một dự cảm rằng có gì đó day dứt phía sau. Cha mẹ luôn có ở trong con cái từ góc độ di truyền lẫn tâm linh “Trong từng phân tử tôi luôn có họ đồng hành”. Sự tri ân báo hiếu của con được thể hiện rất rõ qua hai từ “nhất nguyện” và “nhị nguyện”, đấy là tấm lòng của đứa con ngày đêm mong cầu cho cha mẹ sớm siêu sinh, mau qua khỏi kiếp nạn. lời thơ đẫm chất từ hiếu và tâm linh. Nỗi niềm mong cầu oằn cong từng con chữ. Khát khao đó là khát khao hiếu đễ báo ơn. Câu thơ cuối bật ra một hình ảnh nói lên sự chân thành mong cầu tha thiết “Nguyện chưa thành ngực trái con còn gai buốt đóa hồng xanh”. Câu thơ lạ đem đến cho độc giả một sự chia sẻ bởi sự nhói buốt cảm giác kiên gan trong cầu nguyện. Nếu không đủ cái tâm rộng thoáng, sự từ hiếu lớn thì sao có được cách nói như gai đâm dao cắt như vậy? Lời nói đọi máu chứ có phải chi đơn giản. Con nguyện cầu cho cha mẹ là từ ở tấm lòng, nơi đó cũng chính cha mẹ đã cho con tình thương yêu trân quý, lời thơ phía trên phảng phất ngầm chỉ lối như một minh chứng xác quyết vì “trong từng phân tử tôi luôn có họ đồng hành”. Lời thơ còn như ẩn chứa cả quy luật nhân quả ở bên trong.
Họ đã từng hẹn biển thề non chung tên hồng thiệp
Cho dù cặp đôi ấy không cùng nhau ăn đời ở kiếp
Trong từng phân tử tôi luôn có họ đồng hành
Nhất nguyện Vu Lan đưa hồn mẹ ra hỏa ngục an lành
Nhị nguyện Vu Lan độ vong cha sớm qua cầu giải nghiệp
Nguyện chưa thành ngực trái con còn gai buốt đóa hồng xanh
Đến bài thơ cuối, câu thơ đầu đã mở ra một thế giới siêu thực đẫm chất tâm linh ảo diệu, một sự kết hợp từ ngữ rất lạ tạo cảm giác đan cài những cung bậc cảm xúc khác nhau. Những từ ngữ xa lạ bỗng dưng đứng gần bên nhau để cùng chuyển tải một tâm tình rất gợi, từ âm thanh buông vọng chất chứa vẻ đẹp siêu thực, một sự chuyển đổi cảm giác rất ấn tượng: nghe (nghé nhà ai nửa khuya ọ sữa), thấy trong mùi vị (thoảng mùi trăng non). Để từ đó mở ra một không gian u tịch của tâm linh (nấm đất tròn, hai linh hồn quạnh quẽ) và cũng để rồi một sự khát khao tình mẫu tử vô biên được bung ra nhưng lại cũng đẫm đầy ngậm ngùi “con khát như cào như xé” và mang đậm màu sắc cổ tích hoang sơ “ngàn lẻ một đêm”. Sự kết hợp nhiều cảm giác biến hóa ở bài thơ tựu trung cũng chỉ muốn giãi bày ước vọng được có mẹ gần kề “Mẹ ơi sao mẹ không là trâu mẹ/ Cho con làm một chú nghé con?”
Nghé nhà ai nửa khuya ọ sữa thoảng mùi trăng non
Tít đỉnh đồi cao lặng câm một nấm đất mòn
Mấy ngọn cỏ khâu ngăn cách hai linh hồn quạnh quẽ
Ngàn lẻ một đêm rồi con khát như cào như xé
Mẹ ơi sao mẹ không là trâu mẹ
Cho con làm một chú nghé con?
Có thể nói, chùm thơ 1-2-3 của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng viết về mùa Vu Lan đã làm xong công việc rất khó là chinh phục được độc giả bằng một lối diễn ngôn mới lạ và đẫm đầy xúc cảm; nó vừa bảng lảng khói sương của màu sắc siêu thực vừa chan chứa và khát khao tiếng nói cõi thiêng liêng là tình mẫu tử. Một tiếng nói hiếu đạo ấm áp rất đáng cho chúng ta trân trọng.
Sài Gòn, 12/7/2021
Khang Quốc Ngọc
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hoài Thanh và phương pháp phê bình ấn tượng Phê bình văn học Việt Nam, sau sự khởi nguồn của Thiếu Sơn với Phê bình và Cảo luận (1933) c...