Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2025

Đèn dầu - Truyện ngắn của Trần Phan Đinh Lăng

Đèn dầu - Truyện ngắn
của Trần Phan Đinh Lăng

“Chà, mới đó mà đèn đã hụt dầu rồi! Mai bây đi mua thêm dầu châm vào nghe chưa.”
Má nói phong long vậy đó nhưng tôi biết má muốn đuổi khéo ảnh về. Cái gió hiu hiu của buổi đêm khiến người dưng thấy chột cái dạ.
“Cũng trễ rồi, anh về ngủ mai ra rẫy sớm.”
“Dạ, anh về.”
Anh đứng dậy, tìm đôi dép kẹp quai đen nằm dưới chiếc bàn tròn bằng gỗ. Đôi dép chà sát trên nền đất phát ra âm thanh sột soạt.
Má “ừ” gọn lỏn rồi vào kéo mùng đi ngủ. Ngọn lửa trong chiếc đèn dầu cứ yếu dần đi. Tôi lấy tay vặn cho tim đèn nhô lên một chút, một chút nữa. Đèn sáng lên một hồi, lập lòe rồi tắt ngủm.
Má nằm quay mặt vào bức tường được ba xây bằng đất, lâu lâu lại với tay đập con muỗi kêu bem bép dưới chân. Má là người phụ nữ giỏi giang, món gì cũng biết làm, lại chịu khó ruộng nương. Phải chăng cái chân chất, thẳng thắn của một người làm nông đôi khi dễ thấm nhuần trong từng lời nói.
Có những nỗi lo, dần già khiến con người ta trở nên ích kỷ và họ biện hộ đó là sự “ích kỷ tốt”. Có nhiều điều nói về sự yêu thương, có nhiều điều nói về số phận nhưng ít ai nói về quả ngọt nếu một lòng một dạ bảo vệ tình yêu đã mình chọn lựa. Ba má thích anh Sang, con ông Bảy Xé ở tận huyện trên. “Thằng Sang nó có nhà có cửa, có công ăn việc làm. Bây có thấy ba má đã khổ thế nào khi không có tiền mà nuôi bây ăn học cho đến tận bây giờ chưa? Sao giờ còn muốn làm những điều giống như vậy. Giờ chưa ưng, về ở với nhau riết cũng ưng thôi, lo gì.”
Tôi ngồi nhìn ngọn lửa nhỏ trong cây đèn dầu, nó lập lòe, lung lay, dù đã được cho thêm dầu. “Má, cho dầu ít hay nhiều thì lửa nó vẫn cứ lập lòe má ha. Ai biết khi nào thì tắt mất?”
Chiều tối, anh Hân hay đem cây đàn ghi ta gỗ ra ngồi dưới gốc cây điều cạnh hiên nhà, hát bâng quơ mấy tình khúc của Ngô Thụy Miên … Tui hay cầm chổi ra quét cái hiên cả trăm lần chỉ để nghe cho rõ phải giọng điệu hờn giận đó có phải là giành cho tui.
“Anh hát cho em bài tình ca thiết tha
Anh hát cho em dù lòng nghe xót xa
Một lần gặp gỡ đã là bao thương nhớ
Thương dáng em cười nhớ nụ mắt bờ môi…”
Có phải yêu càng nhiều thì hờn giận càng nhiều?
Một sớm tháng 4, khi tiết trời còn man mát, nhỏ Tý chạy sang bảo “Cô Vân ơi, chú con lên phố rồi, mốt về chú làm thợ may đó cô. Chú nói sẽ may cho con thật nhiều áo đầm đẹp.”
Có những âm thầm như cào xé, tủi thân, trách cứ và cả hy vọng. Tôi mong anh sẽ hờn giận tôi, anh đi không phải vì tôi mà tất cả là vì anh.
“Chú Hân có viết gì cho cô hông Tý?”
“Dạ hông, mà đêm qua dậy đi tè con vẫn thấy chú hông có ngủ. Má con la chú quá trời.”
Ngày qua ngày, những mối nhân duyên gán ghép vẫn cứ thế. Tôi giận nhưng chẳng thể trách ba má vì vốn dĩ họ luôn mong những điều tốt đẹp nhất đến với con cái. Có những đêm, tôi giật mình nhận ra mình đã viết thật nhiều lá thư cho anh Hân nhưng không gửi. Chúng nằm ngay ngắn trong hộc bàn. Những chiếc phong thư cũng trở nên mạnh mẽ hơn khi chúng luôn bảo vệ tốt những dòng chữ trong đó, cũng không hẳn chỉ có chữ, chúng còn gói cả niềm nhớ thương.
213 ngày
214 ngày

285 ngày

Thật tốt biết mấy nếu tôi biết mình sẽ “được đợi” đến khi nào. Tôi sẽ chuẩn bị, sửa soạn cho hạnh phúc nhưng rồi cũng giận mình vì biết đâu người ta đã quên mất con bé nhà quê này rồi.
Chờ đợi chẳng bao giờ là hạnh phúc, khoảng thời gian kết thúc chờ đợi mới là hạnh phúc nhất. Nhưng tiếc thay tôi không biết đến bao giờ.
Đã gần một năm trôi qua, tôi thấy mình đã mạnh mẽ hơn khi đã dám “bày ra nhiều trò” để không cho nhà anh Sang sang dạm Hỏi. Những lá thư cho anh Hân vẫn ở đó, trong hộc bàn và liệu anh có dành lời nào cho tôi trong những lá thư gửi về nhà đều đặn.
Sau giờ cơm tối, ba má bảo tôi sang ngồi nói chuyện. Ba đăm chiêu lắm, những nếp chân chim đã nhiều lên ở khóe mắt. Tôi rất sợ khi mỗi lần ngồi đối diện với ba vì tôi biết bản thân sẽ trở nên mềm yếu hơn bao giờ hết.
“Nhà của thằng Sang tháng sau qua Hỏi bây. Ba má định rồi, đừng cãi lời.”
“Ba má có thương con không ba má?”
“Tao thương nhưng bây không hiểu được.”
“Ba ma thương con, thì cho con đợi người ta một đoạn nữa.”
Nhưng rồi má vẫn một mực dẫn tôi ra tiệm may áo dài của dì Thắm. Má chọn xấp vải màu đỏ tươi, dặn dò kỹ lưỡng chỗ dì thêu thêm con phượng thật đẹp ngay ngực áo, chỗ cổ áo đinh thêm hạt cườm cho lấp lánh. Cứ đêm, ba lại ngồi lên danh sách những vị khách sẽ mời cho lễ cưới.
Tôi vẫn tự hỏi, bất cứ thứ gì cũng có giới hạn hay sao? Nhà anh Sang sang Hỏi tôi rồi vậy sao vẫn chẳng có ai chạy đến ngăn cản những điều này. Chiếc áo dài màu đỏ mặc dù vừa vặn nhưng tôi lại thấy chật chội vô cùng. Người đàn ông trước mặt đây lại là người tôi sống cả đời hay sao? Mắt tôi nhòe đi trong chính ngày vui của mình.
Tôi mong lắm tiếng bước chân thật nhanh của những ngày ngóng đợi.
Tôi sẽ được thấy anh bằng da bằng thịt.
“Cô Vân ơi, chú Hân về rồi nè.” Mắt bé Tý sáng rực lên, nó quên hẳn có cả người lớn rồi kéo tôi chạy ra khỏi “chiếc khung” của mình.
Tôi thấy anh với xấp thư tay ghi dòng chữ “Gửi em Vân…”
Thật vui khi chúng tôi quá giống nhau. Thích ích kỷ với bản thân mình. Rồi 20 năm, 30 năm sau,… tôi sẽ kể cho những đứa cháu của mình nghe về ngày “cướp dâu” của ông chúng nó.
Hãy để bản thân nếm trải nỗi đau, nỗi nhớ để rồi yêu thương đong đầy cho hiện tại và mai sau.
19/7/2021
Trần Phan Đinh Lăng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Sự hình thành và phát triển của thể thơ lục bát trữ tình trong văn học Việt Nam Ngày nay có nhiều nhà thơ hứng thú với thể thơ lục bát, ...