Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2025

Niềm tin xanh mát trong lửa đạn

Niềm tin xanh mát trong lửa đạn

Kịch bản “Đinh Bộ Lĩnh” là một trong số ít ỏi tác phẩm của nhà viết kịch Lộng Chương viết cho thiếu nhi. Đây là vở kịch rối, ít được nhắc đến trong gia tài của ông. Và vì ít được nhắc đến nên “Đinh Bộ Lĩnh” cũng là tác phẩm ít người biết đến. Điều này thật là thiệt thòi. Thiệt thòi cho một tác phẩm có giá trị và thiệt thòi cho chính những độc giả chúng ta!
Cho đến tận bây giờ, kịch rối vẫn ít nhiều xa lạ với số đông khán giả. Nói đến rối, thông thường khán giả chỉ nhớ đến nghệ thuật rối nước truyền thống với những màn, những tích trò dân gian có sẵn. Ít nhà viết kịch thử sức ở mảng kịch bản rối. Bởi lẽ rối trong suy nghĩ mặc định của số đông chỉ mang tính giải trí (dẫu trong rối nước truyền thống, tính giáo dục và tinh thần đấu tranh rất cao), thậm chí chỉ gắn với trẻ em (cũng từ tính giải trí cao). Cộng thêm một loạt những hạn chế của loại hình này (về những nghệ nhân thực hiện nghệ thuật rối, sự kén khán giả…) khiến cho kịch bản rối trở thành “của hiếm”. Đó phải chăng cũng nên được nhìn nhận là mảng khuyết trong nghệ thuật sân khấu của Việt Nam?
Đọc kịch bản “Đinh Bộ Lĩnh” của tác giả Lộng Chương, niềm say mê, hứng khởi của tôi được khơi lên từ những tác phẩm tiếp cận trước của ông  vẫn tiếp tục cháy lên rực rỡ. Có thể nói luôn, đây là một kịch bản hay. Viết cho thiếu nhi, nhưng tôi tin đối tượng hướng đến của “Đinh Bộ Lĩnh” không chỉ là thiếu nhi. Ra đời năm 1973, thời điểm khốc liệt của dân tộc, khi cả đất nước vẫn chìm trong những ngày kinh hoàng của chiến tranh chống Mỹ, như mạch chung của văn học nghệ thuật Việt Nam giai đoạn ấy, kịch bản hướng đến việc giáo dục lòng yêu nước, khơi dậy tinh thần dân tộc quật cường và bồi đắp niềm tin vào chiến thắng ngày mai. Nhưng không chỉ có thế!
Đinh Bộ Lĩnh là nhân vật lịch sử mà bất kể người Việt Nam nào cũng thuộc nằm lòng những giai thoại về ông, từ khi còn là cậu bé chăn trâu ở đất Hoa Lư (Ninh Bình) đã có những thiên tư đặc biệt, cùng đám trẻ mục đồng chơi trò trận giả, lấy hoa lau làm cờ khởi nghĩa, xưng vương cho đến khi lên ngôi vương thực sự. Đinh Bộ Lĩnh là niềm tự hào của mỗi người dân đất Việt. Giáo dục truyền thống yêu nước cho thiếu nhi bằng hình ảnh Đinh Bộ Lĩnh thuở ấu thơ đã sớm nuôi chí giết thủy quái, trừng trị kẻ cai trị độc ác, tham lam để bảo vệ cuộc sống dân lành, nhà viết kịch Lộng Chương đã chọn được hình ảnh vừa thiêng liêng, cao cả lại vừa thân thương gần gũi với lứa tuổi thiếu nhi. Bởi vậy, ngay từ đầu, tác phẩm đã có sức hấp dẫn đối với các em!
Nhưng nếu chỉ đơn thuần là viết lại lịch sử, thì e kịch bản “Đinh Bộ Lĩnh” lại trở thành nhàm chán. Vẫn có cái cốt là sự kiện lịch sử và những chi tiết trong truyền thuyết dân gian (mổ trâu khao quân, chống chế với chú ruột chuyện giết trâu, cùng đám trẻ mục đồng chơi trò trận giả, thắng trận và được suy tôn làm vua…), nhưng tác giả Lộng Chương khéo léo “chế biến” những nguyên liệu sẵn có, cộng thêm với sáng tạo sắc sảo để kịch bản tránh được việc minh họa cho sự kiện lịch sử. Chuyện về giết thủy quái, về con trâu trắng có chữ “Vương” trên trán từ đâu xuất hiện, chịu hàng phục trước cậu bé chăn trâu tài ba Đinh Bộ Lĩnh… đều là những sáng tạo của nhà viết kịch Lộng Chương. Những chi tiết này vừa phủ lên cốt truyện một màn sương kỳ bí của  huyền thoại (điều rất hấp dẫn trẻ em), vừa một lần nữa nhấn mạnh việc lên ngôi vương của Đinh Bộ Lĩnh vừa thuận lòng dân, vừa hợp lẽ Trời!
Tôi không nhấn lại ý nghĩa giáo dục tinh thần đấu tranh, khơi dậy truyền thống anh hùng của dân tộc trong “Đinh Bộ Lĩnh”, mặc dù đây là cảm hứng chủ đạo của tác phẩm này. Bởi lẽ, đọc qua tác phẩm một lần, người đọc dễ dàng tiếp cận. Điều tôi muốn nói ở đây chính là bên cạnh hào khí “giết thủy quái, đạp bằng mọi bất công” hừng hực trong kịch bản, tác giả Lộng Chương còn rất kín đáo bày tỏ thái độ của mình về một lớp người trong xã hội, những con người ba phải, những con người luôn run sợ trước bạo lực, cường quyền, không dám đấu tranh, chỉ dám van xin và cầu khẩn. Đó là hai nhân vật: Lão nông và Ông chài trong kịch bản. Hai nhân vật này không có tên (những nhân vật con người khác trong  kịch bản đều có tên cụ thể) mà tên gọi chỉ là danh từ chung phiếm chỉ. Điều đó thể hiện: trong mỗi chúng ta, mỗi con người cụ thể, sẽ có lúc xuất hiện ông chài, xuất hiện lão nông. Nếu không cẩn thận, sẽ có lúc chúng ta cũng run sợ, hèn nhát hay ba phải trước cái xấu, cái ác. Sẽ có lúc chúng ta không dám ngẩng cao đầu, không dám đấu tranh, thậm chí còn tỏ thái độ sợ hãi khi có người dám đấu tranh, như lão nông từng quát Đinh Bộ Lĩnh khi cậu bé cùng đám bạn chăn trâu hò nhau đi giết thủy quái: “Láo! Bọn mày tóc chưa đủ búi trên đầu…  miệng vừa rời vú mẹ… bạo thiên nghịch địa, không được phạm đến ngài Thủy tề Long vương”. Khi xuất hiện thủy quái trên sông “quấn cả lưới cả thuyền của vạn chài Hoa Lư xuống đáy sông”, thì thái độ của lão nông chỉ là run rẩy, kêu than:
“ Lão trượng: Tai họa rồi! Tai họa rồi!
Kéo ông chài và Bộ Lĩnh đứng cạnh quỳ xuống.
Quỳ! Quỳ cả xuống! Tạ tội ngài “Cloong” đi! Vái lia lịa ra phía sông. Ông chài quỳ theo và định kéo Bộ Lĩnh quỳ. Nhưng Bộ Lĩnh vẫn đứng.
Lão trượng: Trăm lạy ngàn lạy… ngài “Cloong”.
Ngài xá tội, dân động chúng tôi xin dâng lễ tế ngài!…”
Và khi chứng kiến Đinh Bộ Lĩnh khẳng định không có thủy quái nào cả, chỉ là con thuồng luồng rất to, cần phải diệt trừ ngay, thái độ của lão nông vẫn không bớt phần run rẩy:
“Lão trượng:Vái trời vái đất lia lịa. Lạy Ngọc hoàng Thượng đế!… Lạy Thủy tề Long vương!… Lạy Sơn thần… Thổ địa! Lạy Tây thiên Vương mẫu…
Vừa lúc ấy Đàm Thị và Đào Nương gánh củi đi tới, Lão trượng vấp phải Đàm Thị.
Đàm Thị: Đứng sững, ngạc nhiên. Kìa… Trưởng lão!… Tôi đây mà…
Lão trượng: Ối trời!… Bà Đàm ơi! Con trai bà, thằng Bộ Lĩnh kéo bè kéo lũ làm loạn thôn loạn động kìa. Dân động dân thôn đến chết hết, chết tiệt với nó thô…ôi…”
Còn ông chài, tuy không quá run rẩy như lão nông, nhưng cũng không dám lên tiếng. Ông cũng hớt hải sợ hãi khi thấy giao long, nhưng khi thấy Đinh Bộ Lĩnh cùng đám trẻ chiến đấu với thủy quái dưới sông, ông cũng nhấp nhổm theo dõi, vừa tấm tắc khen lũ trẻ lại vừa lo lắng trong lòng “Bọn trẻ to gan thật! Khéo… khéo không giao long nuốt chửng cả lũ!”. Lúc thì ông có vẻ cổ vũ bọn trẻ, lúc lại đế theo lão nông: “Tôi lo là giao long nuốt chửng ráo cả bọn rồi!”. Nếu lão nông là hình ảnh của những con người vì đã quen với địa vị thấp cổ bé họng, cả đời bị áp bức bóc lột nên luôn run sợ, luôn âu lo, chỉ biết van vỉ mỗi khi gặp họa thì lão chài là hình ảnh của những người ba phải, không có lập trường, lúc ngả bên này, lúc nghiêng bên kia. Lo sợ và run rẩy thế, nhưng khi chứng kiến Đinh Bộ Lĩnh làm những việc “tày trời” không những không “làm loạn thôn loạn động”, không làm cho “dân động dân thôn đến chết hết, chết tiệt” mà còn được chứng kiến cảnh tượng huy hoàng đến khó tin: “Con trâu trắng liền phủ phục xuống. Bộ Lĩnh nhìn nó thân thiện rồi cưỡi lên lưng trâu. Nó thong thả đứng lên, tiến về phía bãi trâu. Đinh Điền, Nguyễn Bặc và mấy trẻ đi kèm hai bên. Lưu Cơ dắt con “Mun” theo sau. Tiếng trống mồm của lũ trẻ nổi lên vang dội. Đàm Thị cũng vừa ra tới nơi”, ông bèn thay đổi ngay thái độ, nói với mẹ của Đinh Bộ Lĩnh: “ Đất Hoa Lư ta xem ra có… Vương khí. Rõ ràng là họ Đinh nhà ta vốn có huyết thống… Con trai bà thật có nghi vệ khác thường. Ban nãy đuổi giao long, giờ lại khuất phục “Vương ngưu”… Hẳn cháu Bộ Lĩnh sau này… sẽ làm nên nghiệp lớn”; “Cháu Bộ Lĩnh quả thật khác thường. Tuổi tuy còn nhỏ nhưng làm việc gì cũng nghĩ làm lợi cho dân thôn trang, dân động. Cháu đã cùng bạn bè một lòng diệt loại thúy quái, đoạt được ngọc dạ quang, quý vật xưa nay chỉ là của quý nhân. Thế đã là dũng cảm! Lại khuất phục được uy thế của Trang trưởng Đinh Dự, mở lối sinh tồn cho thiên hạ… Thế là trọn điều nhân nghĩa! Sớm biết hợp lực, quây quần mục đồng bốn cõi. Trí lực đó phải là của người có tài tóm thâu thiên hạ… Sự nghiệp sau này hẳn sẽ lớn lắm!… Xin chúc mừng bà!”. Rõ ràng, hình ảnh cậu bé chăn trâu Đinh Bộ Lĩnh đã làm thay đổi nhận thức của chính ông trưởng lão, người luôn nhận được sự tôn kính của tập thể nhân dân vì tuổi tác và kinh nghiệm sống.
Nhân vật Đinh Bộ Lĩnh trong tác phẩm được tác giả dày công xây dựng. Đinh Bộ Lĩnh vừa mang vẻ ngây thơ, lém lỉnh của một cậu bé thông minh, dĩnh ngộ, vừa mang khẩu khí của một anh hùng “chọc trời khuấy nước” sớm phát lộ. Những đoạn đối thoại giữa Đinh Bộ Lĩnh với đám bạn chăn trâu và người mẹ đã thể hiện rất rõ điều này:
“ Nguyễn Bặc: Trang trưởng trang Bông cho bọn thằng Trịnh Tú chặn đường đánh thuế cắt cỏ đồi của họ!
Bộ Lĩnh: Đồi nào của họ? Cây rừng, cỏ đồi từ đất mọc lên, là của chung dân trang dân động. Châu Đại Hoàng, không ai có quyền ngăn cản, cấm đoán… Giữ làm của riêng, bắt người ta nộp thuế là không được!
Đàm Thị: Bộ Lĩnh! Con không được nóng nảy càn rỡ. Đất trang Bông là đất chú Đinh Dự con cai quản…
Bộ Lĩnh: Cai quản có phải là ăn cướp đâu, thưa mẹ!
Đàm Thị: Bộ Lĩnh! Con không được sàm sỡ nói phạm đến người trên…
Bộ Lĩnh: Thưa mẹ! Thế người trên muốn làm gì sai trái cũng được hay sao?
Đàm Thị: Nghiêm giọng. Bộ Lĩnh! Bộ Lĩnh chịu phép, sợ mẹ, đứng yên.
Lão trượng: Hỏi Bặc.Thế Trang trưởng Đinh Dự có ở đấy không?
Nguyễn Bặc: Thưa Trưởng lão… Chính ông ta đốc thúc trang đinh đoạt củi, đoạt măng của mọi người đi kiếm về, nói là phải nộp vào thuế rừng!
Bộ Lĩnh: Được, để ông chú tôi đấy. Mai tôi sang hỏi ông ấy xem… Ai trao quyền cho ông ta thu thuế?
Đàm Thị: Bộ Lĩnh! Mẹ đã bảo, không được bất kính với chú.
Phải nhớ mình là phận cháu con…
Bộ Lĩnh: Thưa mẹ… phận cháu con là phải về hùa với cha chú để làm hại dân, có phải không ạ?” (…)
“Trịnh Tú: Lệnh của Trang trưởng Đinh Dự bảo: Đất đồi rừng rậm trang Bông là của người trang Bông cai quản. Sông Hoàng Giang đã là ranh giới rõ ràng . Hoa Lư muốn lấy sức cướp đoạt đồi cỏ, thì trang Bông sẵn sàng nghênh chiến!…
Tiếng reo hò “Đánh đi!” rộn lên từ phía trang Bông. Bên Hoa Lư vẫn bình tĩnh thả trâu ra khắp các triền đồi, càng làm cho trang Bông uất ức.
Bộ Lĩnh: Đồi núi là của chung mọi người. Đất trang Bông cũng là đất châu Đại Hoàng. Như vậy là rừng núi, đồi cỏ, sông đồng là của chung dân Đại Hoàng. Dân Đại Hoàng chỉ nộp thuế cho Ngô Vương để lo toan việc chung cho cả nước; còn không ai có quyền chiếm đoạt làm của riêng!
Trịnh Tú: Chuyện đó là của người già, Trang trưởng!
Bộ Lĩnh: Đất đai sông núi này rồi sẽ do lứa trẻ chúng ta cai quản, nên ta cần bàn bạc đồng lòng ngay từ bây giờ, để gây dựng cuộc sống thanh bình cho dân châu, dân động. (…)
Đinh Dự: Ai cho phép trâu Hoa Lư ăn cỏ của tao?
Bộ Lĩnh: Cỏ nào của chú? Chú trồng cỏ trên các triền đồi này à?
Đây cũng là đất châu Đại Hoàng, thì trâu các trang, các sóc, các động thuộc châu Đại Hoàng đều đến ăn cỏ được chứ sao!
Đinh Dự: Mày dám cãi lý với tao hả, thằng cháu bất kính kia?
Bộ Lĩnh: Tôi kính chú không bằng tôi kính dân. Chú ức hiếp dân, tôi không nể chú!
Tôi cứ suy nghĩ mãi về kịch bản rối “Đinh Bộ Lĩnh” ở góc độ thể loại. Tại sao không phải là kịch bản sân khấu như biết bao kịch bản trước của tác giả Lộng Chương? Thực ra với thời điểm mà kịch bản này ra đời, năm 1973, điều kiện vật chất giữa lúc chiến tranh đang khốc liệt thật khó đáp ứng cho việc dựng một kịch bản rối (đòi hỏi phải có nghệ nhân chế tạo con rối, nghệ nhân điều khiển rối, thủy đình để biểu diễn…), không thể “cơ động” như sân khấu truyền thống, có thể biểu diễn ở bất cứ địa điểm nào, diễn viên có thể là bất kỳ ai, chuyên nghiệp hoặc không chuyên…Phải chăng do sinh ra từ mảnh đất xứ Đông văn hiến (thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) và giàu trầm tích văn hóa; quê hương của chiếng chèo Đông nổi tiếng, của những đêm hội trống quân rộn ràng, của những phường rối nước lôi cuốn (phường rối nước Thanh Hải, huyện Thanh Hà; phường rối nước Hồng Phong huyện Ninh Giang…) nên “chất dân gian” đã trở thành máu thịt của nhà viết kịch Lộng Chương. Trong suốt cuộc đời cầm bút, ông luôn tâm niệm hai điều cốt yếu nhất: gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác để khơi lên những điều thiện lương, đẹp đẽ của cuộc đời. Bản sắc văn hóa đó thể hiện ngay trong thể loại những tác phẩm của ông. Ông viết nhiều kịch bản chèo để lưu giữ “hồn chèo dân tộc”. Và ngay cả trong những thể loại khác, ông cũng thể hiện “chất chèo” rất rõ. Kịch bản rối “Đinh Bộ Lĩnh” ra đời, phải chăng nhà viết kịch Lộng Chương cũng muốn nhắn nhủ: rối nước là loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống cần được lưu giữ và phát triển? Và dù là vở rối, nhưng “chất chèo” vẫn vô cùng đậm đặc và độc đáo trong “Đinh Bộ Lĩnh”, từ lời mào đầu tự giới thiệu của nhân vật ở mở màn và ở đầu mỗi hồi, mỗi cảnh cho đến hệ thống những nhân vật phụ mang dáng dấp nhân vật hề chèo của nghệ thuật chèo truyền thống như Đào Xó, con chim Yểng… Chim Yểng thực sự là một sáng tạo độc đáo trong kịch bản này. Nó vừa đóng vai trò là một vật nuôi thân thiết, được thuần hóa của Đinh Bộ Lĩnh, khiến cho hình ảnh cậu bé chăn trâu Đinh Bộ Lĩnh rất gần gũi với trẻ em nông thôn Việt Nam thời điểm đó (bắt chim, bẫy chim về nuôi, về thuần hóa thành người bạn thân là việc mà bất cứ cậu bé nông thôn nào cũng đã từng làm, từng ao ước. Trong văn học nghệ thuật, hình ảnh người anh hùng nhỏ tuổi Kim Đồng cũng luôn gắn liền với con chim sáo thân thiết). Bên cạnh đó, chim Yểng của Đinh Bộ Lĩnh còn mang dáng dấp nhân vật hề chèo với những lời nói nhại rất ngộ nghĩnh, tưởng như bột phát, dại khờ mà sâu sắc vô cùng; nhắc lại những điều cần nhấn mạnh, cần khẳng định một cách đanh thép mà vẫn mang nét ngộ nghĩnh, hồn nhiên thơ trẻ.
Thời điểm mà kịch bản rối “Đinh Bộ Lĩnh” ra đời là lúc đất nước đã dốc đến cái vốn cuối cùng vào cuộc chiến. Những sinh viên đang ngồi trên ghế giảng đường – “của để dành” của Tổ quốc để sau chiến tranh, lực lượng tinh hoa này sẽ là nòng cốt để dựng xây đất nước – đã phải giã từ sách vở để ra trận. Những Hoàng Thượng Lân, Nguyễn Văn Thạc… đã phải gác lại giấc mơ hoa (vâng, tôi dùng từ “phải gác lại” bởi họ không hề ao ước làm người lính, giấc mơ rất thực của họ là được học hành, trở thành những kỹ sư, nhà văn, họa sỹ, bác sĩ… cống hiến cho Tổ quốc trên lĩnh vực khoa học, tri thức và nghệ thuật. Nhưng sự thật chiến tranh bạo tàn đã cướp đi giấc mơ ấy của họ). Những cậu bé chưa qua tuổi học trò cũng viết đơn xin nhập ngũ. Cuộc chiến ngày càng khốc liệt hơn. Trong bài thơ “Nói với con chiều cuối năm” (sáng tác năm 1972) của Lưu Quang Vũ cũng có những câu thơ khắc khoải đến xót xa về tình cảnh nước nhà lúc đó: “Biết nói gì với con/ Đôi mắt trẻ đen tròn ngơ ngác thế/ Tia nắng sớm mong manh chùm lá mới/ đêm của đời bão gió đã dài lâu”. Trong “bão gió dài lâu” của chiến tranh, khi những hy sinh mất mát đã quá nhiều, không tránh khỏi sự hoài nghi, mỏi mệt ở một số người, ở lúc này, lúc khác. Kịch bản “Đinh Bộ Lĩnh” thực sự là cốc nước mát lành làm dịu đi cái bỏng rát của sa mạc chiến tranh; là niềm tin xanh mát nảy lên từ lửa đạn. Kịch bản “Đinh Bộ Lĩnh” không chỉ giáo dục thế hệ trẻ, thế hệ sẽ tiếp bước cha anh để bảo vệ nước nhà về lòng yêu nước, ý chí và tinh thần quật khởi mà còn tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho quân và dân cả nước trong những tháng ngày khó khăn và đau đớn của toàn dân tộc.
Vì thế, tôi tin là dù tài năng của nhà viết kịch Lộng Chương đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận bằng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng cao nhất về VHNT của Việt Nam tính đến thời điểm này (năm 2020), nhưng tầm vóc của ông, chắc chắn chúng ta chưa hình dung trọn vẹn. Bởi lẽ, vẫn còn nhiều tác phẩm của ông đang khuất lấp, chưa được khai thác và sử dụng một cách đúng tầm!.
Hà Nội, 13/11/2020
Nguyễn Thị Việt Nga
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Năm mươi bước chân của biển Chiều nay em ra biển bằng chiếc xe đạp ngày xưa thường dùng. Biển vắng. Con đường xuống biển trơ trọi những ...