Thứ Hai, 6 tháng 1, 2025

Sách giáo khoa ngữ văn 12, trời ơi!

Sách giáo khoa ngữ văn 12, trời ơi!

Thầy cô dạy Văn 12 năm nay sẽ phải kêu trời với chương trình và Sách giáo khoa (SGK). Thật khó có thể thực hiện được mục tiêu cải cách của Bộ Giáo Dục.
Lấy đâu ra thời gian!
Hãy nói về thời lượng. Xin đơn cử, tuần thứ tư có 4 bài phải dạy: Nguyễn Đình Chiểu, Ngôi Sao Sáng Trong Văn Nghệ của Dân Tộc (2 tiết), Nghị luận về một hiện tượng đời sống (1 tiết) còn hai bài Mấy Ý Nghĩ về thơ của Nguyễn Đình Thi và bài Đô-xtôi-epxki của Têfan Xvaigơ, không biết lấy đâu ra thời gian để dạy, vì phân phối chương trình môn Ngữ Văn mỗi tuần chỉ có 3 tiết! Riêng hai bài Mấy Ý Nghĩ về thơ và Đô-xtôi-epxki mỗi bài phải mất 2 tiết học sinh mới có thể hiểu được những nội dung cơ bản, Cũng vậy, giới thiệu tác gia Hồ Chí Minh chỉ dạy một tiết, tác phẩm Tuyên Ngôn Độc lập chỉ dạy 1 tiết thì không thể giúp học sinh nắm được những kiến thức cần thiết về tác gia và tác phẩm. Không biết khi thiết kế chương trình, các chuyên gia của Bộ GD đã dạy thử chưa?.
Giảng dạy hay trả lời câu hỏi?
Dạy một tác phẩm văn chương, thầy cô phải phân tích tác phẩm như một chỉnh thể thẩm mỹ, đó là nguyên tắc. Nhưng Sách Giáo Viên (SGV) trong phần Phương pháp và tiến trình tổ chức dạy học, lại yêu câu thầy cô hướng dẫn học sinh trả lời câu hỏi của SGK (Xem SGV tr.104 dạy bài Việt Bắc, tr.117 bài Đất Nước...). Nghiã là xé tác phẩm ra thành những mảnh, làm mất cấu trúc hoàn chỉnh của tác phẩm. Thầy cô sẽ thực hiện phương án nào đây?
Xin nhớ rằng câu hỏi hướng dẫn học sinh học bài chỉ là một cách tiếp cận tác phẩm của người soạn SGK, không thể bao quát hết mọi giá trị của tác phẩm. Để hiểu thấu đáo một tác phẩm văn chương thì cần nhiều cách tiếp cận. Nếu thầy cô chỉ hướng dẫn học sinh trả lời câu hỏi trong SGK thì đó là cách làm thủ tiêu tính sáng tạo trong giảng dạy của người thầy, thủ tiêu tính sáng tạo trong học tập của học sinh. Phần soạn bài của HS thường là copy lại phần trả lời trong các sách Học tốt ngữ văn 12 có rất nhiều ở các hiệu sách.
Phải chăng là một sự đổi mới nửa vời?
Lại nói về phương pháp dạy Văn, Bộ GD yêu cầu sử dụng tích hợp các phương pháp giảng dạy, Nhưng SGV (tr 44) lại ghi chung chung thế này: “GV căn cứ vào đặc điểm bài học, kết hợp với tình hình thực tế của học sinh ở lớp mình để tìm tòi, sáng tạo những biện pháp phù hợp và hiệu quả theo phương hướng: phát huy tính chủ động, tích cực, tinh thần độc lập suy nghĩ của HS..”…
Định hướng chung là như vậy, nhưng trong từng bài giảng cụ thể, SGV chỉ có một phương pháp: Chẳng hạn dạy bài Tây Tiến (tr 84,88,90). SGV chỉ nêu: “GV hướng dẫn cho học sinh cảm nhận tác phẩm”, Cũng vậy, trong bài Chiếc Thuyền Ngoài Xa, phần thiết kế giáo án trong sách Hướng Dẫn thực hiện chương trình SGK 12 môn Ngữ Văn (SHD)(phương án 2, trang104), chỉ có một phương pháp là  GV nêu câu hỏi rồi bình. (Tôi đếm được trong giáo án mẫu ấy có 25 câu hỏi). Ở phương án 1 (tr 92), tuy có các tiêu đề như: GV dẫn dắt, GV gợi mở, GV nêu tình huống, GV tổ chức làm việc theo nhóm, kể cả phần chiếu Slide và phần trò chơi đóng kịch, thực chất cũng chỉ là trả lời câu hỏi. (tôi đếm được 26 câu hỏi và phần trả lời áp đặt của người soạn sách). Thế nghiã là sự đổi mới phương pháp dạy Văn của Bộ, trong thực tế chỉ là trên lý thuyết,  trong thực tế soạn giảng, SHD của Bộ GD cũng chưa thực hiện được. Bài dạy Chiếc Thuyền Ngoài Xa, trong 2 tiết, trừ đi phần tổ chức lớp và kiểm tra, củng cố, thời gian thực dạy bài chỉ còn 70 phút. Với 26 câu hỏi cộng với chiếu slide và  thời gian cho học sinh đóng kịch (với điều kiện HS đã được học trước kịch bản) liệu có thầy cô nào có thể thực hiện nổi một phương án như thế trên lớp? Với những lớp học ở nông thôn và các lớp  ở các trường tư thục đa số học sinh có sức học trung bình, và yếu, thầy cô thực hiện phương án ấy thế nào?
SGV nói nhiều đến việc sử dụng phương pháp  thảo luận ( dù chỉ hai người). Sách Hướng Dẫn trình bày phương pháp này như sau: “Hai hoặc nhiều người trao đổi ý kiến, ta nói họ đang thảo luận... GV là người nêu vấn đề, khích lệ người học thảo luận nhắm đạt mục đích của bài học…” (Tr 11). Trong thực hành, theo như cách hướng dẫn trên, thì phương pháp thảo luận chẳng khác gì phương pháp vấn đáp, phương pháp nêu vấn đề (xin xem giáo án dạy bài Chiếc Thuyền Ngoài Xa ở trên) . Thực ra thảo luận, hội thảo là sự đóng góp ý kiến, tranh luận của nhiều người về một vấn đề. Mỗi người trước khi tham gia thảo luận đã nghiên cứu và chuẩn bị kỹ những nội dung cần trao đổi. Việc tổ chức thảo luận muốn có kết quả, đòi hỏi phải có một lượng thời gian nhất định. Không thể tổ chức thảo luận một vấn đề chỉ trong một vài phút như trong giáo án dạy Ngữ Văn. Tôi nghĩ, muốn tập cho HS thảo luận, nhất thiết phải thiết kế những tiết học chỉ dành để thảo luận.
Một vòng lẩn quẩn!
Phân môn Tập Làm Văn, ngay từ đầu năm, HS đã phải làm dàn ý, rồi làm bài viết, vậy mà đến tuần 26 mới học làm Mở bài, Kết luận, tuần 28,29 mới học Diễn đạt trong văn nghị luận . Không biết người sắp xếp chương trình có suy nghĩ gì khi sắp xếp một chương trình luẩn quẩn như thế. Mãi đến cuối năm 12, HS mới học Mở bài, Kết luận, Diễn đạt, lẽ ra kỹ năng ấy học sinh đã phải thành thục từ khi vào lớp 10. Thực ra ở lớp 8 các em đã phải làm hoàn chỉnh bài văn nghị luận tại lớp rồi (SGK Ngữ Văn 8, tập 2, tr85) Những bài TLV về một vấn đề tư tưởng, đạo lý (SGK 12, tr 20), về một hiện tượng đời sống (SGK Văn 12, tr66) chỉ là lặp lại sơ lược bài TLV ở lớp 9, không hề có nâng cao tư duy, kiến thức hay kỹ năng gì. Xin so sánh TLV về một vấn đề tư tưởng, đạo lý (SGK 9, tập 2, tr36), TLV về một hiện tượng đời sống (SGK Văn 9, tập 2, tr 22)
Phải chăng người soạn chương trình tỏ ra không am tường về phương pháp dạy Tập làm Văn? Dạy TLV là dạy theo kiểu bài từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Chẳng hạn các bài Nghị luận về một tư tưởng, đạo lý, Nghị luận về một hiện tượng xã hội, thực chất là kiểu bài trình bày. Văn Nghị Luận xã hội còn nhiều kiểu bài khác, như kiểu bài Giải thích, kiểu bài Chứng minh, kiểu bài Bình Luận  (thí dụ xã luận). Có sự khác biệt xa giữa các thao tác nghị luận và các kiểu bài nghị luận. Ở mỗi kiểu bài, chỉ dùng một số thao tác nào đó. Điều cốt yếu khi nghị luận là lập trường tư tưởng, nhưng SGK lại không nói đến.(xin xem đề: “Ôi! Sống đẹp là thế nào hỡi bạn” (SGK tr 20).
Phần nghị luận Văn học, các kiểu bài cũng khác nhau ở cấp độ huy động tư duy,  kiến thức và cách triển khai vấn đề,  như phân tích nhân vật, phân tích tác phẩm, phân tích trào lưu văn học, phân tích một giai đoạn văn học, lý luận văn học.., kiểu bài phân tích thơ văn khác với Bình giảng thơ văn, kiểu bài lý luận phê bình...  SGK đã không xác lập chương trình các kiểu bài để nâng năng lực tư duy và tầm kiến thức của HS lên, thay vào đó là một chương trình có vẻ như rất lộn xộn và pha tạp. Hơn thế, giữa học và hành không đồng bộ. Chẳng hạn, suốt chương trình TLV từ lớp 10 đến 12, không hề có tiết dạy nào về kiểu bài “Cảm nhận về hình tượng văn học“? Nhưng đề vẫn cứ ra: “Cảm nhận của anh chị về hình tượng thiên nhiên và con người..” cảm nhận của anh chị về hình tượng người lính..”(SGK tr. 133,134). Dường như chữ “cảm nhận“ là chữ thời thượng  nên ngay trong đề thi ĐH vừa qua, cả đề khối C và Khối D, đều có khá nhiều chữ “ cảm nhận “. Có thí sinh đọc đề xong thì bị choáng bởi chữ này!
Trong nhà trường  nên chọn tác phẩm văn chương nào?
Về chương trình học tác phẩm văn chương, có những thay đổi cũng cần xem lại. Thí dụ bỏ Mảnh Trăng Cuối Rừng (MTCR) và Thay bằng Chiếc Thuyền Ngoài Xa (CTNX). Tuy cùng là tác phẩm của  Nguyễn Minh Châu, nhưng ở góc độ giáo dục, thì MTCR hay hơn và phù hợp hơn với tâm lý lưá tuổi. Hơn nưã CTNX để lại những ấn tượng nặng nề về nạn bạo hành trong gia đình và tư tưởng cam chịu của người phụ nữ. Thà chịu bạo hành để có chồng, có nơi nương tưạ hơn là tự giải phóng mình. Tư tưởng ấy không phải là không có mặt tiêu cực. Thay Mùa Lạc của Nguyễn Khải bằng Một Người Hà Nội, có vẻ như Một Người Hà Nội thoáng hơn Mùa Lạc, nhưng nếu đọc kỹ, chưa hẳn Một Người Hà Nội đã để lại cho HS những ấn tượng tốt vế Cách mạng. Có những câu Nguyễn Khải viết lấp lửng, có những chỗ Nguyễn Khải giả vờ, dễ gây ngô nhận cho học sinh, vì các em chưa có nhận thức đầy đủ như người lớn, chẳng hạn: “Cách mạng gì toàn để ý đến những chuyện lặt vặt” (SGK tr 93) , “xã hội nào cũng phải có một giai tầng thượng lưu của nó để làm chuẩn mực cho mọi giá trị, theo anh, ở xã hội ta là tầng lớp nào? (tr 95)…
Đã có Những Đứa Con Trong Gia Đình thì nên bỏ Rừng Xà Nu (điều này có thể làm nhà văn Nguyên Ngọc buồn lòng) vì cả hai tác phẩm này đều nói về CM miền Nam, mà không có tác phẩm nào nói về cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân miền bắc. Hơn nưã RXN được hư cấu không thuyết phục, gây phản cảm. Chẳng hạn, địch bắt Mai tra tấn để làm mồi bắt Tnú, vậy mà Tnú lại xông ra nạp mạng. Mai và Đứa con bị giặc đánh bằng cây sắt đến chết, Tnú bị bắt, bị đốt 10 đầu ngón tay. Trong thực tế chiến đấu, không người chiến sĩ cộng sản nào lại hành động như thế. Nếu có phải chấp nhận hy sinh, cũng phải có lợi cho CM, không để bị tổn thất như Tnú. Hình ảnh Tnú xông ra, ôm mẹ con Mai rồi nói với kẻ thù: “Đồ ăn thịt người, tau đây, Tnú đây “ chỉ có thể diễn trên sân khấu Cải lương, không thể thuyết phục được người đọc trẻ hôm nay.
Mùa Lá Rụng Trong Vườn tuy là tác phẩm được giải của Hội Nhà Văn 1986 nhưng nay đọc lại, người đọc vẫn nhận ra cách miêu tả của Ma Văn Kháng là gượng gạo, áp đặt. Nhân vật chỉ như những người máy diễn theo những ý đồ nghệ thuật chủ quan của tác giả. Nhân vật Đông, một trung tá về hưu lại hết sức ngờ nghệch trước cuộc đời. Lý là nhân vật nưả vời, không được lý giải thấu đáo. Luận và Phượng lại như những vị thánh, bao dung nhân ái. Cùng một lúc Chiếc Thuyền Ngoài Xa và Mùa Lá Rụng Trong vườn để lại những ấn tượng nặng nề trong tâm hồn học sinh về đới sống thực tại, điều ấy có ích gì trong việc giáo dục thế hệ trẻ?
Nhặt sạn
Cũng nên nhặt vài hạt sạn trong SGK. Ngay bên canh bài Giữ Gìn Sự Trong Sáng của Tiếng Việt là một tiêu đề không chuẩn: Nghị luận về một tư tưởng, đạo lý. Nên viết là Nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lý.(SGK Ngữ Văn lớp 9, tập2, tr 34 đã viết như vậy). Trích dẫn thơ Tố Hữu mà nêu không đúng xuât xứ. Câu “Ôi! Sống đẹp là thế nào hỡi bạn “ trong bài Một Khúc Ca Xuân, không phải bài Một Khúc Ca (SGK tr 20). Có cả những kiến thức không chuẩn. Giảng bài Tây Tiến, SGV dùng lẫn lộn các khái niệm : cảm hứng lãng mạn ( tr 83), chất lãng mạn (tr 83) và bút pháp lãng mạn (tr 82, 91).Vậy bút pháp của Tây Tiến là bút pháp gì? HS và thầy cô sẽ “bó tay“ với SGK và SGV ! Thực ra Bút pháp của Tây Tiến là sự tổng hợp  bút pháp hiện thực,  với cảm hứng lãng mạn (có yếu tố của bút pháp lãng mạn) và tinh thần bi tráng.
Bài tập Tiếng Việt về dùng tiếng nước ngoài (tr45, BT2) theo tôi, từ Valentine là cần thiết, vì đó là từ quốc tế thông dụng. Điều gây “sốc” là trong bài tập này là SGK quảng cáo không công cho hai ca sĩ: “Ca sĩ Quang Vinh, chàng “hoàng tử sơn ca” và “nàng Bảo Thy-‘ công chuá bong bóng‘ “. HS có thể tưởng lầm rằng đây là hai thần tượng về nghệ thuật và đạo đức được đưa làm mẫu trong SGK. Than ôi! Trong thực tế có không ít ca sĩ, nghệ sĩ gây ra những “ xì-căng-đan “ tồi tệ về đạo đức trong thời gian qua…
Chương trình và SGK có đổi mới, nhưng với sự đổi mới như vậy  (tuy mới chỉ nhìn thoáng qua) chắc chắn thầy cô dạy Ngữ Văn 12 sẽ rất vất vả. Các em học 12 năm nay là lớp phải chịu thử nghiệm “đổi mới“ chương trình suốt từ cấp 2 trở đi. Năm nào cũng học sách giáo khoa mới, không biết các em sẽ phải nỗ lực thế nào để đáp ứng yêu cầu của Bộ Giáo dục và đáp ứng được kỳ thi Tú Tài 2009?.
19/6/2008
Bùi Công Thuấn
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thuyền độc mộc, nét đẹp văn hóa của hồ Lắk Thuyền gắn bó với người dân Tây Nguyên đời đời, kiếp kiếp. Du thuyền đ...