Thứ Hai, 6 tháng 1, 2025

Đối thoại với người viết văn làm thơ trẻ

Đối thoại với người
viết văn làm thơ trẻ

Một giọt nước trong đại dương.
Một giọt nước biển chứa trong nó cả đại dương. Một nhân tế bào chứa trong nó gene di truyền giống nòi của cả nhân loại. Hạt photon bé nhỏ nhưng nó là ánh sáng của cả vũ trụ.
Người viết văn làm thơ trẻ hãy là giọt nước tinh tuyền rạng rỡ tài năng, hãy là một gene di truyền của trí huệ, tâm linh và lương tri nhân loại vô thủy vô chung, hãy là một hạt ánh sáng của Sáng Thế Ký, sáng tạo  nên những kỳ công của vũ trụ nghệ thuật.    
Phạm Ngũ Lão lúc 30 tuổi, đã là một vị tướng tài trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai 1285. Bài thơ Thuật Hoài của ông xứng đáng lưu truyền ngàn đời, bởi vì đó là tầm vóc con người Việt Nam, là khí phách, tinh thần của một thời đại lẫy lừng  trong lịch sử dân tộc.
“Hoành sóc giang san cáp kỷ thu
Tam quân tỳ hổ khí thôn ngưu
Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu"
Người viết văn làm thơ trẻ hãy kế thừa cái tài trí ấy của Phạm Ngũ Lão, hãy vượt qua sự kỳ vĩ nhân nghĩa của Nguyễn Trãi, hãy gánh lấy chữ Tâm của Nguyễn Du, hãy mang lấy ánh sáng  mù lòa của Nguyễn Đình Chiểu, hãy dìm mình trong vũng huyết  đau thương của Hàn mặc Tử để sáng tạo…
“Phong vận kỳ oan ngã tự cư“ (Nguyễn Du)
Nguyễn Ngọc Tư tâm sự về việc viết văn như thế này: “lâu lâu mình đánh ùm một cái cho người ta nhớ mình.” “… có những người sùng bái văn chương nhưng với Tư văn chương có quan trọng gì đâu, cuộc đời mình còn nhiều thứ khác chứ. Nói thiệt, văn chương không là gì để cho mình đánh đổi tất cả“. Nguyễn Ngọc Tư còn tỏ ra có kinh nghiệm sống: “...Tư thấy nhiều người bị nạn rồi. Mình có cách để lựa chọn chứ. Hãy làm những cái sức mình chịu đựng được“ (Tuổi Trẻ Chủ Nhật, ngày 4/12/2005)  
Nguyễn Du đã chứng nghiệm điều này:
“… Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư...” (Độc Tiểu Thanh Ký)
 
Sau Cánh Đồng Bất Tận, có lẽ Nguyễn Ngọc Tư đã ngộ ra nỗi kỳ oan của người phong vận rồi. Rất tiếc, ngòi bút Nguyễn Ngọc Tư bây giờ đã chẳng “có gì cho người ta nhớ mình“ nữa. Ngay cả đến một địa danh hư cấu, Nguyễn Ngọc Tư cũng phải dấu diếm (xin đọc: X - năm một ngàn chin trăm năm xưa – Tuổi Trẻ Chủ Nhật 24/9/2006 ).
Phan Huyền Thư dường như đã chín chắn hơn: “Văn chương sẽ vực người ta dậy sau khi vấp ngã, và chỉ có những người từng vấp ngã mới có thể nói về cách họ đứng dậy. Thế hệ tương lai của văn chương chưa biết vấp ngã, và phải chờ thôi.” (Ngô Thị Kim Cúc - báo Thanh Niên Chủ Nhật 2/7/06)
“Câu chuyện chú mèo và cuộn len“ (Chữ của Nguyễn Thanh Sơn)
Nguyễn Thúy Hằng  phát ngôn như thế này: “Cho dù tôi không đọc văn của lớp nhà văn đi trước nhưng tôi thẩm định họ qua những giá trị khác. Tôi đâu cần phải đọc từng câu từng chữ của họ? Tôi chỉ cần đọc một hay hai cái truyện là biết cả tập thế nào rồi!… Có những tác giả tôi không đọc, nhưng khi trao đổi về nghệ thuật, chúng tôi gặp nhau trong nghệ thuật. Đâu nhất thiết là phải đọc từng câu từng chữ, nếu cứ ép nhau đọc thì hóa ra là mất dân chủ (!?) (VietnamNet – 13/5/06)
Xin hỏi Nguyễn Thúy Hằng điều này, nếu một nhà phê bình nào đó, anh ta không đọc tác phẩm của Nguyễn Thúy Hằng, nhưng lại hăng say ca ngợi văn chương Nguyễn Thúy Hằng, thì Thúy Hắng có cảm thấy mắc cỡ không? Thúy Hằng từng chê rằng: ”Các nhà phê bình hưởng lộc văn chương nhưng không biết làm cái gì trong khi văn chương có quá nhiều cái để bàn đến. Họ rất yếu, thụ động và không kịp thời đã vậy lại còn hay tỏ thái độ ‘’xoa đầu con trẻ’’.
Gorky từng có ý kiến này: “Văn học là nhân học“ Nguyễn Huy Thiệp đồng ý với ý kiến ấy. Ông khẳng định: “Tôi lấy làm ngạc nhiên vì thấy nhiều nhà văn trẻ quá tự tin về thiên tài, về năng khiếu đã coi thường việc học tập bài bản những kinh nghiệm của người xưa mà chỉ ỷ lại vào “sự mơ mộng bay bổng của tâm hồn” (!) vào tưởng tượng… (VietnamNet 27/4/06)
Có người ta bảo thơ Nguyễn Thúy Hắng mới lạ. Nguyễn Thúy Hằng chủ trương: “Văn chương cần kết hợp nhiều hình thức mang tính toàn cầu: Như trình diễn thơ, âm thanh, ánh sáng.... Vì tôi thấy văn chương không cần thiết phải thẩm bằng mắt và trong không gian tĩnh lặng, văn trẻ hiện nay nó vượt qua điều này lâu lắm rồi“
Đối với người đọc, điều quan trọng không phải là ở những gì nhà văn phát ngôn, mà ở giá trị tác phẩm  của nhà văn ấy. Nguyễn Thúy Hằng viết như đố chữ người đọc (Ân Nam – Evan 06/04/06) nhưng Hà Hữu Nga đã có một bài tụng ca tuyệt vời ( talawas, tháng 4-2006), đấy là bài ca của  người mù dắt người mù đi trong đêm. Có lẽ nhờ Từ Huy, mà Hà Hữu Nga sẽ sáng mắt ra chăng. (Từ Huy – Đọc và phê bình – Talawas 4/06 )
Arthur Schopenhauer (1788-1860) có kinh nghiệm này: “không có gì dễ hơn là viết khiến cho không ai hiểu gì cả, ngược lại, không có gì khó hơn là diễn tả những điều sâu xa bằng một cách mà tất cả mọi người, từ ngu phu ngu phụ, đều nhất thiết phải hiểu được.” “Minh triết là khởi nguyên và nguồn gốc của văn hay” (Con Đường sáng Tạo – Nguyễn Hữu Hiệu dịch và giới thiệu)
Hãy thử đọc “Thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý “của Nguyễn Thúy Hằng: ‘“Lạ thay khi nút báo của nồi cơm điện nhảy tách từ màu đỏ sang màu xanh thì tôi lại nghe tiếng rống nho nhỏ từ bên trong, mở ra thì thấy một chú bò bé bằng con chuột nhắt đang bơi lội giữa hành, tỏi, dấm và vài con tôm nhỏ. Chú bò nhỏ bỗng cựa quậy và nhảy phắt ra khỏi nồi, đi lung tung, sục sạo khắp nơi trong nhà. Cuối cùng, chú bò đến chân tôi, cạ cái mõm vào cổ chân, rồi cứ đứng nhìn tôi chờ đợi.” (Do đó, nó lại đến, trang 65).
Đó là một trò chơi chữ hay một ẩn dụ? Một sự hoang tưởng ẩn ức hay sự trộn lẫn thực tại và tiềm thức? sự lạ hóa ngôn ngữ hay chỉ là trò lắp ghép các hình ảnh các từ ngữ thuộc về những trường ngữ khác nhau đặt bên cạnh nhau? Và dù có bao gồm tất cả những hình thức đó lại thì cũng chẳng có gì là mới lạ ghê gớm cả! Nguyễn Thúy Hằng đưa chất liệu đời thường vào thơ  (như: nồi cơm điện, hành, tỏi, dấm, con tôm). thì Ca dao, Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Trần tế Xương đã làm lâu rồi (“Anh đi anh nhớ quê nhà/ nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương” – Ca dao;  hoặc“ Tối rượu sâm banh sáng sữa bò“ – TTX). Nguyễn Thúy hằng viết  thơ văn  xuôi thì L. Aragon đã là bậc thầy của thể thơ này từ thế kỷ trước. Sáng Thế Ký và  Kinh Thánh Tân Ước của Thiên Chúa Giáo đã viết những dụ ngôn tuyệt vời hàng mấy nghìn năm rồi. S.Freud (1856-1939) đã nói đến những ẩn ức hàng trăm năm rồi. Nhóm Xuân Thu Nhã Tập cũng đã thử nghiệm trò đố chữ từ những năm 1939 (xin đọc bài Buồn Xưa). Các cụ Đồ nhà ta đã có những tuyệt chiêu trong trò chơi chữ nghĩa  từ đời nào rồi. Có lẽ Nguyễn Thúy Hằng chưa đọc  nên không biết đấy thôi.
Arthur Schopenhauer nói thế này: Những nhà văn nào tạo ra những câu văn khó hiểu, tối tăm, rắc rối và mơ hồ đa số chắc chắn không hiểu đúng điều họ muốn nói là điều gì: họ chỉ một ý thức mờ tối về điều đó,…” (đã dẫn)
“Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp“ (Chế Lan Viên)
Hãy đọc số 35, Thời Hôm Nay, Khóai cảm và Điên Rồ Hợp Lý của Nguyện Thúy Hằng:
“Ăn cắp được 7 nắp cống 1 và 2  3 và 4  5  6  và 7; mở nắp cống lên tôi thấy tôi nằm dưới lỗ“
Phan Huyền Thư:
”Tôi nằm mơ một đám ma mà người chết là tôi, tôi là người đã chết.
Những người tình của tôi xếp hàng lần lượt, những người không hề biết nhau và những người đã từng định giết nhau. Họ đến xếp hàng rồi gật đầu chào mời nhau hút thuốc, đồng loạt thở dài rồi lần lượt đi vòng quanh tôi. Từng người vòng quanh, họ cam đoan không bao giờ quên tôi được. Rồi nghe chừng hơi sốt ruột trong khi xếp hàng họ hỏi nhau xem hoa hậu năm nay mới đăng quang là ai… Mua phim sex lậu ở đâu rẻ nhất…
(Phan Huyền Thư, “Giấc mơ” Nằm nghiêng)
Vi Thùy Linh: .
Bởi vì trong đêm
Em bùng lên nỗi nhớ, khát khao và cả những điều thầm kín nhất
Bởi vì trong đêm, em là em toàn vẹn nhất
Anh hiểu không?
Cái lạnh ngấm dần, em tự ôm em
Em tự sát thương vết thương đau đang rỉ ra
nơi cắt rốn cô đơn bằng những giọt lòng
và lần cởi từng chiếc cúc …
Vi Thùy Linh, “Tiếng đêm”  trong Khát, Nxb. Thanh Niên, Hà Nội, 1999.
Nguyễn Thị Hoàng Bắc:
tiếng nước đái
nhỏ giọt
trong bồn cầu tí tách
thứ nước ấm sóng sánh vàng
hổ phách
trong người tôi tuôn ra
phải rồi
tôi là đàn bà
hạng đàn bà đái không qua ngọn cỏ
bây giờ
được ngồi rồi trên bồn cầu chễm chệ
tương lai không chừng tôi sẽ
to con mập phệ
tí tách như mưa
ngọn cỏ gió đùa 
(Nguyễn Thị Hoàng Bắc – “Ngọn cỏ” - 26 nhà thơ Việt Nam đương đại, Tân Thư xuất bản, Hoa Kỳ, 2002.)
Lynh Bacardi (Hậu sản): “Tôi ném thân thể tôi lên giường của gã, vồ lấy thân thể gã như một con hổ đói, mặc cho gã run rẩy, ngơ ngác, sợ hãi trước sự trơ trẽn mạnh bạo của tôi. Tôi vục mặt mình vào gã bú ngấu nghiến, bú để hiểu rằng nếu hôm đó má không ra Mang Vàng chơi trò liệng đá, nếu hôm đó má không nhặt đứa bé gái bị bỏ rơi ở bờ hồ đem về, thì hôm nay tôi sẽ không cố hết sức để tìm cách rời khỏi má. Và chắc chắn tôi cũng không cầm cu của Hữu tự bỏ vào mình, để sau cùng nhận ra gã vừa ở trong mình vừa đái vừa ỉa với tất cả khoái cảm đột ngột được tôi khai phá. Đột ngột đến điên cuồng, gã đã tru rú vì sung sướng cho đến hết đêm hôm đó. Vậy ra tất cả chỉ là mơ sao?!“
Chẳng lẽ những người viết trẻ, chỉ có thể viết được về  cái tôi trên giường?, cái tôi trên bàn cầu? cái tôi dưới lỗ cống, cái tôi mơ ngủ trong áo quan? Không thể viết được gì khác sao?.
Thế giới rộng mênh mông, các dân tộc đang ào ạt tiến về phía trước. Dân tộc Việt Nam đang hối hả hội nhập với thế giới toàn cầu hóa, đang vươn dậy những tiềm năng và sức lực Phù Đổng, vậy mà “cái tôi“ của người viết văn làm thơ trẻ lại chui rúc trong một không gian chật hẹp nhơ nhớp tăm tối và thiếu văn hóa đến thế sao?
Ánh sáng còn mù mờ
Ở Những nhà văn nhà thơ lớn, ngòi bút của họ luôn được dẫn dắt bởi một thứ ánh sáng mới lạ, mạnh mẽ của ý thức sáng tạo, của cá tính sáng tạo và tài năng. Không có thứ ánh sáng ấy văn chương không thể tỏa hào quang được. Nguyễn Du có ánh sáng của “con mắt nhìn sáu cõi thế gian, có tấm lòng thấu suốt nghìn đời“. Nam Cao phân biệt được thứ nghệ thuật “ánh trăng lừa dối “với nghệ thuật chân thực, ý thức được sự “đê tiện“ trong văn chương, để vươn tới viết những tác phẩm “làm cho người gần người hơn“.
Rất may trong những người viết  văn làm thơ trẻ, cũng có vài người đã có được một chút ánh sáng mơ hồ nào đó, nhưng ánh sáng ấy chưa chuyển hóa thành sáng tạo nghệ thuật của họ.
Nguyễn Hoài Nam nhận ra điều này: “… viết văn mà cứ hình dung là cuộc chơi, là lỡ chân và phụ thuộc vào cảm hứng, thì mãi mãi một thời đại trong thi ca chỉ là quá khứ đẹp không bao giờ trở lại!“
Phạm Hương Giang, một tác giả trong tập Truyện Ngắn 8X có lời trần tình: “Tôi và một số người trong thế hệ chúng tôi đã mắc phải căn bệnh mắt hẹp. Đối với việc viết văn, vốn sống vô cùng cần thiết. Và trí tưởng tượng lại càng cần thiết hơn nhiều. Không có trí tưởng tượng, dù người viết có chịu khó quan sát đến mấy thì trang viết vẫn cứ vặt vãnh khô cằn, thiếu sức tưởng tượng, những trang văn sẽ thiếu đi sự thăng hoa lãng mạn vốn rất cần cho mỗi tác phẩm văn chương. Vậy mà hỡi ôi, phần đa các tác giả thế hệ 8x đều rất trẻ, từ bé đến giờ chỉ quẩn quanh với sách vở, với máy tính, vốn sống thực tế hạn hẹp. Có những tác giả chưa bao giờ ra khỏi thành phố, không phân biệt được con trâu với con bò, lúa với mạ...” (Văn Nghệ Trẻ số 32/ 2006)
Phan Huyền Thư tỏ ra dấn than: “… với tình yêu dành cho văn chương và cuộc đời này, tôi sẽ dâng hiến mà không cần đòi lại gì.”
Nguyễn Thị Châu Giang biết dừng lại để ngẫm nghĩ, "Nếu trước đây tôi nghĩ viết văn là viết cho bản thân mình, nói những điều của cá nhân mình, thì giờ đây tôi đã nghĩ khác. Tôi nghĩ, tôi phải quan tâm những vấn đề lớn hơn, những vấn đề của con người xung quanh mình. Tôi nhận thấy tôi viết không vượt qua việc viết cho riêng mình nên tôi dừng lại. Thực ra là dừng lại để suy nghĩ".
Lê Thiếu Nhơn dường như đã vượt qua được “lỗ cống“ của “cái tôi“ hôm nay: “… chấp nhận dấn thân vào vòng quay sáng tạo, nhà thơ thế kỷ 21 phải biết nhìn xa hơn, phải biết nghĩ lớn hơn, mới mong cùng đất nước này hội nhập với thế giới. Theo tôi cái kiểu nói “tôi làm thơ cho riêng tôi” tưởng rằng cao đạo lắm, nhưng thực chất bộc lộ sự yếu hèn trong tư cách một người cầm bút chuyên nghiệp.“ (Văn Nghệ Trẻ 17/9/06)
Có một thực tế này: Rất nhiều nhà văn nhà thơ,  ngay từ thời  còn rất trẻ, tài năng của họ đã tỏa những ánh sáng rực rỡ, mới lạ;  tác phẩm của họ đã đem đến cho văn chương những giá trị không thể thay thế, họ đã tạo nên những đỉnh thi sơn của lịch sử phát triển  văn chương. Tôi cầu mong cho những người viết văn làm thơ trẻ hôm nay đạt được những vinh quang ấy, dẫu biết rằng trên con đường sáng tạo thăm thẳm, rồi ra sẽ chẳng còn được bao người.
Lúc sinh thời, suy gẫm về việc viết văn,  nhà văn quá cố Nguyễn Đức Thọ (tác giả Hồi Ức Làng Chè) đã dẫn lời Nguyễn Du: “Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh“. Tôi xin mượn lời Cao bá Quát để chia xẻ với người viết văn làm thơ trẻ hôm nay:
“... Bãi cát, bãi cát dài!
Mỗi bước lại như lùi
Mặt trời đã lặn đi chưa nghỉ,
Khách bộ hành nước mắt tuôn rơi...”
(Sa Hành Đoản Ca, Cao Bá Quát - Huệ Chi dịch).
24/9/2006
Bùi Công Thuấn
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Vùng đồi ký ức Có một chuyện đã xảy ra cách đây 17 năm, à không, nói chính xác hơn là đến mùa thu này nữa mới tròn 17 năm, cho dù tôi đã...