Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2025

Môi trường sinh thái với người Nam bộ xưa

Môi trường sinh thái
với người Nam bộ xưa

Về lẽ phải trong cách sống với người, cư dân Nam bộ học được trong cách sống với tự nhiên và đời này sang đời khác với quan niệm “Sống với người có nghĩa, thì sống với thiên nhiên tạo vật cũng phải có nghĩa”. Ăn biết ăn để dành chứ không phải ăn sạch sành sanh, ăn tận diệt…
1. Biến đổi khí hậu, cuộc sống con người cũng biến đổi. Nhiều người bỏ quê lên thành, tìm công việc sinh nhai. Ắt hẳn có những biến đổi đến nao lòng, sự tiêu biến của đời sống sinh hoạt đậm đà nghĩa tình. Ruộng hoang hóa là đất hứa cho cỏ dại ngẩng cao đầu, còn bông lúa vàng rơm trĩu hạt cúi đầu chờ người gặt hái thì đã biệt tăm. Nông dân đồng ruộng vùng nước nổi buồn bã bởi họ tiếc nuối cảnh chiều về đầm ấm bên mùi vị cá kho, canh chua bông điên điển… và ngồi quây quần bên nhau uống chung rượu tình nghĩa, hò điệu hò xứ sở hoặc hát vài câu vọng cổ quê nhà sau một ngày giăng câu thả lưới, bắt cá tôm giữa trời quê hương nước tràn đồng trắng ruộng. Mùa cá linh cũng chỉ còn là dư vị của trí nhớ, thành ra ký ức trong tâm hồn của nhiều người (hỏi những nông thôn xa quê, chẳng mấy người nhớ…). Cuộc sống người nông dân Nam Bộ vì vậy ngày càng vừa cực vừa khổ và họ rơi vào cảnh ngộ “chẳng đặng đừng” phải nghĩ tới cách mưu sinh khác, khiến mối liên hệ buộc ràng máu thịt với đồng ruộng xưa nay của họ đã tuột mối sút dây.
Cuộc sống của người Nam Bộ xưa gắn liền với sông nước, kế sinh nhai cũng cần có nước, tự khắc phải nắm bắt quy luật vận động của nước mới mong có cuộc sống tốt đẹp hơn:
Sông sâu nước chảy
Mùng bảy kém rồi
Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi…
(Ca dao)
Chỉ cần bấm đốt tay là họ có thể tính ra được thời khắc nước lớn nước ròng:
“Mùng mười nước chảy
Mùng bảy nước rong
(Ca dao)
Giả tỷ, có người cho rằng nông dân Nam Bộ còn hạn chế kỹ thuật canh tác nên lệ thuộc vào con nước mà không biết làm “thủy lợi”. Nhưng, xét ra, cái ý làm thủy lợi kia có khi “lợi bất cặp hại” và cũng có lúc, đi ngược lại quy luật tự nhiên (chinh phục thiên nhiên/cưỡng bức và xâm lược thiên nhiên) bắt thiên nhiên phục vụ lợi ích con người hay sao. Cũng có một thời kỳ bao cấp, người kiêu ngạo “Vắt đất ra nước, thay trời làm mưa” hoặc độc đáo hơn “Dẹp thằng trời đứng một bên/ Để cho thủy lợi đứng lên làm trời”. Người Nam Bộ xưa, nếu buộc phải kiêu ngạo thì họ chỉ “kiêu” nhưng không “ngạo” với lẽ tự nhiên trong thiên nhiên. Bởi, đời sống của họ dài ngắn, sướng khổ… tất tất đều thuận theo con nước hai buổi lớn ròng và biết lấy đó, làm lợi cho cuộc sống cá nhân, gia đình, cộng đồng; tuyệt nhiên không phạm kỵ nghịch ý tự nhiên. Ấy là quan điểm “vừa nước vừa cái/vừa người vừa mình” chẳng rúng mà cũng chẳng ép ai, kể cả môi trường sinh thái tự nhiên. Sự phải lẽ đó, khiến người Nam Bộ xưa không đành lòng và cũng cũng không dám ngông cuồng kiêu ngạo làm những điều trái với trời đất.
Nhận thức vấn đề sinh thái, cho đến tái kết nối sinh thái, nhiều người xa quê vẫn không thể quên, thậm chí thèm một cơn gió sau vườn, nhớ con cá dưới sông, nhớ tiếng trâu kêu nghé ọ trên đồng, luyến tiếc mùa gặt lúa trĩu hạt vàng rơm rực nắng trời quê…Và, không ít người háo hức trở về chốn quê xưa, không ngần ngại bỏ lại sau lưng thành phố nhộn nhịp bộn bề. Sự thực này, cho thấy trong sâu thẳm tâm hồn mỗi con người dù xa xứ bao nhiêu năm vẫn không quên được con nước phù sa màu son trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn. Nhận thức sinh thái đó, thật bền thật chặt và rất sâu kín dù có thể ẩn tàng nhưng không mất đi. Du lịch sinh thái hiện nay ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã nói lên đầy đủ điều đó và vấn đề được nhận thức sâu sắc, mở rộng, phổ biến với sự kết nối đa chiều tạo thành một “hệ sinh thái du lịch”.
Lấy “chủ nghĩa nhân văn mới” như cách nói Tây phương, song theo lời ăn tiếng nói của người dân Nam Bộ thì ấy là hàn gắn vết thương lòng của mẹ quê và biết trả lại cho mẹ quê vẻ đẹp hồn hậu tự nhiên vốn có và cũng nhờ đó, con người sống được bằng chính vẻ đẹp thuần khiết chất phác của từng cây mận, cây quít, cây cam, cây ổi…, từng con cá, con chim, con gà, con vịt… thấm đẫm tình quê, đong đầy nhung nhớ! Nhìn lu “mái vú” da trơn đựng nước mưa, bất chợt nhớ chái bếp sau hè; ngó giàn bầu bí trổ bông bên bờ, bỗng dưng thấy nhớ cầu ao mẹ tắm con những ngày trưa hè đầy hoa nắng… Người thành phố dẫn con trẻ về lại quê nhà, chỉ tay cho con biết cây ra hoa kết trái như thế nào; dẫn con ra thăm cánh đồng để con trẻ ngó biết đồng ruộng Cửu Long; cho con bước xuống khoan xuồng tát nước để con trẻ cảm nhận được cái mát ngọt phù sa trong dòng nước sông quê… Những trải nghiệm đó, đánh thức sự biết thấy của con trẻ và sau nữa, sẽ trở thành vốn liếng cho con mai này sống với nhân quần khắp cõi thế gian. Chẳng những vậy, chính những người trưởng thành xa quê, luân lạc mưu sinh khắp các bờ bến cũng bỗng dưng chợt nhớ ra hình bóng tổ tiên, ông bà, cha mẹ với nhà cửa vườn tược thời thơ ấu, gắn kết lại phần tâm hồn tưởng đã bị bụi đường sinh thái phủ mờ.
Nhận thức sinh thái môi trường mà con người Nam Bộ – nhất là ở miền Tây Nam Bộ – đang gìn giữ (thông qua du lịch) thực chất mang ý nghĩa giáo dục. Mô hình này, vô hình trung cho thấy căn bản tâm hồn con người miền Tây Nam Bộ vẫn còn đó lòng tôn trọng trân quý tự nhiên. Mỗi địa phương mang phong cách, nét thú vị riêng và miền Tây sông nước không chỉ có sông nước mà nó còn ẩn chứa nhiều điều bất ngờ đầy thú vị. Trở lại với thiên nhiên môi trường, con người bỗng ngỡ ngàng nhận ra và luống những mong gầy dựng lại cuốc sống hài hòa trời đất mà trước đây người đời trước đã từng sống, từng chắt chiu vung đắp với hoài bão để lại di sản thiên nhiên cho người đời sau.
2. Từ buổi khẩn hoang với trình độ canh tác hạn chế, việc lao động sản xuất của người Nam Bộ xưa còn rất nhiều lệ thuộc vào thiên nhiên. Việc này, đưa lại bất lợi và gây không ít khó khăn nhất định. Do vậy, cũng như mọi người nông dân khác trên khắp miền đất nước, họ cầu mong mưa thuận gió hòa để công việc đồng áng thuận lợi, sản vật phong phú tốt tươi:
“Nhờ trời mưa thuận gió hòa
Nào cày, nào cấy, trẻ già đua nhau”
(Ca dao)
Và, họ không chỉ biết ơn đất trời đã hiểu tấm lòng của họ làm cho “mưa nắng phải thì” để họ biết “nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu”, mà còn biết ơn hạt lúa do chính bàn tay cần cù của họ làm ra:
“Cảm ơn hát lúa nàng co
Nợ nần trả hết, lại no tấm lòng”
(Ca dao)
Thiên nhiên tạo vật mang lại cuộc sống cho con người. Trời đất nuôi người và ban cho món ăn thức uống. Người đáp nghĩa lớn, đền công “dưỡng nhơn” bằng tấm lòng ghi ơn, gìn giữ. Người nhà quê suy nghĩ rất đơn giản “ăn cây nào, rào cây nấy”. Môi trường tự nhiên ban tặng sản vật cho người – đó là ơn. Người bảo vệ tự nhiên môi trường – đó là nghĩa. Ơn nghĩa là nguyên tắc sinh thái mà người dân quê bấy lâu hằng gìn giữ, cho dù vật đổi sao vời đến giờ, họ vẫn không hề đơn sai.
Về sau này, các loại cây trồng, vật nuôi đều được người lai tạo và phun thuốc kích thích ra hoa đậu trái nghịch mùa, biểu hiện của sự ngược lại tự nhiên. Trước mắt và tức thời, có thể đạt được mục đích lợi ích dồi dào nhưng trong lợi ích dồi dào đó, tàng ẩn biết bao điều tai ương và hậu quả khôn lường về sau. Việc lai tạo gây ra cuộc khủng hoảng gien di truyền, hoặc các loại thuốc hóa học tạo kích thích ra hoa đậu trái nghịch mùa liệu có thể ảnh hưởng gì đến sinh quyển hay không; đó là chưa kể đến nhiều chứng bịnh nan y rất lạ ở thú vật và người; những virus cực độc xuất hiện và âm thầm phát tán lây nhiễm phá hủy đường hô hấp giết người hàng loạt mà không phải dễ dàng gì, một sớm một chiều con người tìm ra được thuốc chữa trị. Sức khỏe con người đang đứng trước thảm họa do chính con người tạo ra. Thật ra, chẳng phải con người ngu dốt đến nỗi không hiểu biết, nhưng con người chủ quan những tưởng rằng có thể dùng trí khôn hạn hẹp để đánh lừa được trời đất, tạo vật, nhầm chiếm đoạt thu lấy lợi ích cho bản thân. Song, “đấm” vào tự nhiên, con người hẳn sẽ nhận lại cú đấm phản hồi nghiệt ngã gấp bội lần và các thế hệ tiếp nối sẽ là ngượi nhận lãnh đủ hậu quả. Ông bà xưa chẳng phải đã dạy con cháu “ăn theo thuở, ở theo thời”: Thời – thuở trong tự nhiên đặt để thời – thuở trong mối quan hệ xã hội. Hai thiết chế “tự nhiên” và “xã hội”, tưởng chừng cách biệt như hai sinh giới”hữu sinh” và “hữu tình”. Thế nhưng, hữu sinh và hữu tình không cách biệt mà ngược lại bao hàm lẫn nhau. Người xưa vô tình hay hữu ý lại ý thức được chỗ này, nên dựa trên thời – thuở trong tự nhiên mà bày ra lễ tiết tập tục trong xã hội. Hài hòa là đạo thường và biết sống phối ứng với tự nhiên chính là lẽ tự nhiên của sinh hiện con người.
Quả là tình người đáng trân quý trước vẻ hung hiểm của thiên nhiên trời đất. Từ xa xưa, ở Nam Bộ, người Việt cũng như người Khmer đều biết sống chan hòa. người Khmer quen sống trên đất gò; người Việt thích sống nơi đất sậy đế, lau lách, đầm lầy và nhất là cận sông, cuối rạch. Lợi ích không đụng chạm, thường hay qua lại, giao lưu và giúp đỡ. Tính người mỗi khác, song họ biết tôn trọng nhau để sống chan hòa, không ưa tranh đoạt. Với thiên nhiên cũng vậy, người Nam Bộ không đối đầu với tự nhiên. Quan sát và đúc kết tập tính loài vật để cả người và vật có phương cách chung sống:
“U Minh, Rạch Giá thị quá sơn trường
Dưới sông sấu lội trên rừng cọp đua”
(Ca dao)
Trong quá trình sinh sống, họ hiểu tập quán từng loài và hạn chế triệt phá để thiên nhiên hòa hợp. Họ không giành giựt không gian sinh tồn của người lẫn thú, dù đó là thú dữ. Điều này, trở thành nguyên tắc sống và bảo vể môi trường sinh thái lâu đời. Nhưng, con người ngày càng thay tâm đổi tính do lây nhiễm chủ nghĩa vị kỷ dưới áp lực “phát triển, tích lũy vật chất”, từng bước tàn phá và tận diệt môi trường sinh thái tự nhiên.
3. Nhìn chung, giàu có cái hay của giàu và nghèo, cũng có cái hay của nghèo. Người Nam Bộ xưa, phần lớn là những người cơ cực đi khai hoang, mở đất. Cùng cảnh khổ, cùng phận người hạ bạc lênh đênh sông nước, nên trong tâm khảm họ sinh ra lòng tương trợ, “hụ hợ” giúp nhau trong lúc tối lửa tắt đèn. Đối diện thiên nhiên hoang sơ và còn cơ cực, con người trở nên nhỏ bé trước thiên nhiên, trời đất. Do vậy, phải kết đoàn, đùm bọc, chia sẻ với nhau, chẳng phải vì người Nam Bộ quen lối “trọc phú” hay trời đất ưu đãi mà có tính rộng rãi. Sự rộng rãi ấy, xuất phát từ tinh thần trượng nghĩa, từ tấm lòng chơn tình nhơn hậu mà sinh ra lối sống khẳng khái, phóng khoáng, hào sảng và cũng vì vậy, nó khác hẳn với lối sống chiều lòn tỏ vẻ phong lưu, hào hoa. Thực ra, bản thân họ cũng nghèo, nhưng không vì nghèo mà họ không sẵn lòng cứu giúp người sa cơ lỡ vận. Điều gì, thúc bách họ hành động như vậy? Có lẽ, điều thúc bách họ hành động như vậy bắt nguồn từ cuộc sống và ý nghĩ liền mạch với thiên nhiên: được mất, đầy vơi… nên không đành lòng thấy người chết mà không cứu, thấy người đói mà không cho ăn, thấy người đau mà không xót…và không vừa bụng thấy việc nghĩa mà không làm. Họ sợ làm điều quấy, nhưng càng xấu hổ nếu từ chối việc nghĩa. Bao đời qua, người Nam Bộ nào cũng thuộc nằm lòng, và thực hành câu nói của người xưa: “Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả/Lâm nguy bất cứu mạc anh hùng”(Thấy việc nghĩa trước mắt mà không làm thì không phải người anh dũng), hoặc:
“Nhớ câu kiến nghĩa bất vi
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”
(Truyện thơ “Lục Vân Tiên”, Nguyễn Đình Chiểu)
Về lẽ phải trong cách sống với người, cư dân Nam Bộ học được trong cách sống với tự nhiên và đời này sang đời khác với quan niệm “Sống với người có nghĩa, thì sống với thiên nhiên tạo vật cũng phải có nghĩa”. Ăn biết ăn để dành chứ không phải ăn sạch sành sanh, ăn tận diệt. Ví như ăn bông, họ hái lựa những bông đực và chỉ hái tỉa, vừa đủ ăn không hái trụi cả cây(bông điên điển, bông bí, bông bầu, bông so đũa, bông súng…) cho tới ngắt đọt; tưởng ngắt đọt phá hoại cây trồng, kỳ thực để đánh thức bản năng sinh sôi nảy nở của cây, ngắt đọt cây tức là tạo điều kiện cho cây đâm chồi tươi tốt thêm(đọt bầu, bí, rau lang…). Bắt còng, bắt cua cho đến bắt các loài vật khác, dù biết là “vật dưỡng nhơn” nhưng không vì vậy mà lạm sát nhằm thỏa mãn cái “lỗ miệng” của người. Người miền Tây Nam Bộ biết rằng cái ăn để sống mà cũng là cái nguy cơ chết. Bởi, người xưa đã dạy bịnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra. Biết tự răn mình và phải biết kiềm chế chừng mực với những gì không thuộc về mình. Bắt lấy mật ong ở rừng U Minh Thượng thì cũng phải biết trả nghĩa cho ong, để bầy đàn ong còn cơ may gầy dựng lại tổ. Đó là thái độ nghĩa tình với tạo vật của cư dân vùng U Minh Thượng sống bằng nghề bắt lấy mật ong. Chụp đìa, người nông dân Cà Mau biết chọn lưa lưới phù hợp, kẽ lưới vừa phải để bắt những con cá đủ lớn, chừa lại những con cá nhỏ và cá con cho mùa sau. Biết ơn và tôn trọng, trở thành nguyên tắc sống của cư dân Nam Bộ xưa trong việc bảo tồn gìn giữ tự nhiên để đời mình hưởng, và để dành cho con cháu đời sau tiếp tục được hưởng.
Trong sách Luận ngữ, thiên “Vi chính”, Khổng Tử, viết: “Ôn cố nhi tri tân, khả dĩ vi sư hĩ” (Ôn cái cũ mà biết cái mới, thì có thể làm thầy được rồi). Nhưng, với tôi, ôn lại chuyện cũ mà không vui cùng cái mới nên chẳng làm thầy được ai, và cũng chẳng dám làm thầy ai. Cái mới, người khai thác và tàn sát rừng. Rừng chết! Đàn voi rừng mất rừng không còn nơi sống đã liên tục kéo đến các vườn rẫy của người dân ở xã Thanh Sơn (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai), phá hoại cây trồng, chòi rẫy. Ở Cà Mau, tuyến ven biển (ven biển Đông và ven biển Tây) dài 252 km đều bị xâm nhập mặn từ một đến hai cây số, thậm chí có nơi tới ba cây số. Đặc biệt, việc chuyển đổi cấp tập đất trồng lúa sang nuôi tôm không theo quy hoạch chắc chắn làm suy thoái môi trường đất và đồng thời, rừng tràm U Minh có thể sẽ tàn lụi nếu cư dân cứ tự ý tiếp tục đưa nước mặn vào nuôi tôm… Và, vì thế nên tôi ôn lại chuyện cũ “Môi trường sinh thái với người Nam bộ xưa” cũng chỉ là tự dặn lòng mình, vậy thôi!.
16/7/2021
Trần Bảo Định
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thuyền độc mộc, nét đẹp văn hóa của hồ Lắk Thuyền gắn bó với người dân Tây Nguyên đời đời, kiếp kiếp. Du thuyền đ...