Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2025

Chạy trốn - Truyện ngắn của Mai Thị Hồng Quế

Chạy trốn - Truyện ngắn
của Mai Thị Hồng Quế

Khi áp lực sống đè nặng lên vai người, người cần lắm một điểm tựa, có điểm tựa nào bình yên và vững chãi hơn gia đình. Người sẽ phải làm gì, sẽ đi đâu về đâu nếu gia đình không còn là điểm tựa khi người yếu lòng, không còn là nơi trở về sau ngày dài xuôi ngược mưu sinh, không còn là đích đến cho giấc mơ sống đời hạnh phúc… Chạy trốn có phải là lựa chọn, có nên là lựa chọn, có cần là lựa chọn? Mai Thị Hồng Quế đã bày ra một cuộc trốn chạy nửa mê nửa tỉnh để phác thảo hồi sau của những tham lam lọc lừa dối trá trong ô cửa hẹp bệnh viện tâm thần. Và để bạn đọc tự trả lời cho những trăn trở về con đường kiếm tìm hạnh phúc của mỗi người…
VŨ THANH LỊCH giới thiệu
CHẠY TRỐN
Mình ngồi trên bờ ao, soi vào bóng nước thấy hiện nguyên ngôi nhà quen thuộc. Lão Chiến đang ôm chăn ngủ, các con mừng rú reo hò vì bỗng dưng tất cả các mật khẩu máy tính, điện thoại bị vô hiệu. Cây hồng trước cửa héo rũ.
Một con mèo chạy qua, vú dài thõng thượt. Đuổi theo sau nó là lốc nhốc lũ mèo con, con nào con nấy béo tròn như hạt mít. Mình nhận ra ánh mắt cầu cứu của con mèo mẹ đã chết vì đẻ khó.
Những đám mây tan tác dưới lòng ao. Bỏ lại tất cả xống áo, buông mình và lần đầu tiên mình chui qua được giới hạn đen ngòm của đáy ao, xuyên sang khoảng không thăm thẳm xanh biếc bồng bềnh những áng mây màu mỡ gà.
Mình lại mơ mình chết.
Nhưng mà chả sợ. Giấc mơ vào cõi tử lần nào cũng có dư vị rất ngọt ngào.
– Cô bắt buộc phải nhập viện để điều trị.
Ông bác sĩ gầy gò trễ cặp kính xuống mũi. Cái sống mũi ông ta tẹt dí nên không thể giữ được cái gọng kính bình thường. Mình cố gắng kiềm chế cho tiếng cười không bật ra khỏi vòm họng.
– Ha ha ha
Cuối cùng thì không giữ được rồi. Tiếng cười đã phi ra khỏi miệng và không kìm được. Thì cười nốt vậy.
– Cho bệnh nhân nhập viện.
Tiếng ông bác sĩ khô khốc. Một cô y tá bước tới, cầm xấp giấy tờ từ tay bác sĩ, ngoắc tay vẫy. Ơ cái cô này buồn cười, y tá bác sĩ là hành động như con nít
– Chị cho tôi số điện thoại người thân!
– Để làm gì ạ? Tôi có số điện thoại trong phiếu khám bệnh – mình chống chế. Ngoài số điện thoại của hiệu trưởng, mình chịu không nhớ nổi số điện thoại của ai cả, kể cả số của mình.
– Thì phải gọi để thông báo cho người nhà của chị đến cho chị nhập viện chứ.
Xem nào, điện thoại gọi đến, lão Chiến sẽ cau mặt, sẽ cáu lên trong điện thoại. Đợi lão chải chuốt xong vào đến đây thì cũng khuya.
– Thế này, bác sĩ ơi, chồng em đang ở nước ngoài. Ở nhà có mỗi bà già giúp việc với hai đứa trẻ. Bác sĩ cho em về thu xếp đồ đạc, đầu giờ chiều em sẽ vào nhập viện.
Cô y tá ngước lên nhìn thẳng vào mắt mình, cứ như ngạc nhiên lắm. Ha ha ha, không tin người ta bình thường à?
Ra khỏi cổng viện, mình phi xe như bay ra chợ. Tiền lương trong tài khoản đã rút sạch rồi, đi chợ, nộp viện phí thoải mái. Cũng chỉ cần mua đồ ăn đầy đủ cho một tuần, chế biến sẵn, chia đều vào các túi, các hộp cất vào tủ lạnh. Tủ lạnh chật, phải ném hết các chai lọ trong tủ ra ngoài thôi. Đó là các chai lọ đó đựng siro, nước ngâm hoa quả mà mình đã hì hục làm suốt mùa hè, “đằng nào cũng chẳng ai uống”
Lau dọn nhà cửa xong, vừa ngả lưng xuống ghế thì chợt nhớ ra chưa viết đơn xin nghỉ. Nghỉ dạy không có lí do, xếp loại cuối năm cao nhất là trung bình. Loại trung bình không được tiền thưởng, không có cơ hội tăng lương sớm, lại còn bị bêu đi bêu lại trong các phiên họp. Nhất định phải viết đơn, dù bận đến mấy. Mình bật máy tính, đánh máy cẩn thận một tờ đơn xin nghỉ với một lí do đầy sức thuyết phục “ đi viện điều trị rối loạn tâm thần”. À, rồi sẽ phải có chứng nhận của bác sĩ, giấy tờ của bệnh viện. Nhưng mặc kệ, lần này mình sẽ viết mỗi đơn không rồi kí một cái tên chòng chọc xem hiệu trưởng sẽ làm gì. Thử một lần không sợ hiệu trưởng xem nào. Phải rồi, mình sẽ quẳng tờ đơn này ở phòng bảo vệ và sẽ biến mất. Hiệu trưởng sẽ phải tường trình với cấp trên về việc nhân viên bỗng dưng biến mất. Ha ha ha, thú vị phải biết.
– Sao hẹn đầu giờ chiều cơ mà. Bây giờ mới có 11 giờ.
Cô y tá tròn xoe mắt nhìn. Ờ nhỉ, mình định đến trường gửi giấy phép xong rồi về, thế mà sao lại đi thẳng vào viện. Mà thôi, việc nhà cũng xong rồi, nhập viện luôn cho xong việc.
Một thằng cu con đang ngồi trên chiếc ghế trắng kê bên hành lang. Ghế xanh, tựa trắng, thằng bé ngoẹo ngoẹo đầu nhìn mình rồi nhoẻn miệng cười. Mình mỉm cười với nó, định bước qua thì phát hiện bàn chân cu cậu đang thò ra, chắc định ngáng chân mình đây. Đợi cu cậu hất cẳng chân lên, mình lấy đà nhảy phốc lên cao, khiến mặt cu cậu châng hẩng. Ha ha ha.
Cô y tá đi sau, giơ tay xoa xoa đầu cu cậu ngoẹo. “Cô giáo đấy, Dũng có thích đi học không?” Đang nhe nhe răng cười, cu cậu rụt cổ lại mặt nhăn nhó. “Trầm cảm vì học nhiều đấy cô giáo ạ”
Chả biết nói thế là có ý gì nhỉ. Học là tốt mà, giờ này mà mình không vào cái viện chết tiệt này thì cũng vừa dạy xong tiết 5 đấy. Trống hết giờ vang lên, học trò không ùa ra sân trường như văn miêu tả của cu Bin mà đứa nào đứa nấy lê bước ra khỏi lớp, mặt xám ngoét. Mình sẽ khoác cái cặp nặng trĩu một bên vai, bàn chân lặc lè vì đôi giày 7 phân. Cô giáo là phải dịu dàng, yểu điệu. Ha ha ha
– Cô giáo đang tập đi cát – guốc đấy à?
– Điệu không? – mình nháy mắt với y tá – Ai lại đi dép lê ở công sở thế kia. Phải dịu dàng, yểu điệu chứ
Ha ha ha
Lần này thì y tá bật cười. Cái đứa này rõ vô duyên, trước bệnh nhân mà cười nhe hết cả hai hàm răng.
Phòng bệnh nhân trắng toát. Bốn cái giường từng cặp kê song song, nhìn thẳng vào nhau. Tám cặp mắt nhìn nhau. Đôi phía ngoài cửa sau khi hờ hững nhìn mình rồi lại tiếp tục trò chơi chiếu tướng. Cặp mắt đối diện thì đang nhìn mình bằng đôi mắt ngược. Cô ta đang trồng cây chuối trên giường.
– Dẻo nhỉ! – mình chào cô ta khi cô ta hạ người xuống
– Hì hì – cô ta nhe răng cười. Chao ôi, cái mặt nhìn đã xấu, hàm răng bổ củi nhe ra khiến cô ta giống một con ngáo ộp.
– Dáng người đẹp thế – mình vớt vát. Kiểu gì mình cũng là ma mới
Cô ta bỗng nhiên sưng vù mặt, gườm gườm mắt nhìn mình vừa lẩm bẩm
– Đẹp, đẹp cái lờ!
Ha, ha, ha.
Mình lại không kiềm chế được tiếng cười rồi. Trời ơi, sao có thể văng tục được ngon ơ như thế nhỉ.
– Thích cười không? – Ngáo ộp cầm cái gối phi sang giường mình – Thích khen đểu giống thằng Thành không?
– Thằng Thành nào?
– Thằng Thành khốn nạn, thằng Thành mất dạy, thằng Thành Sở Khanh ấy.
Cô ta ném tung đồ đạc sang giường mình. Ném hết thì òa khóc. Thấy cô ta khóc rưng rức, mình phát hoảng, chạy sang hai bà ngồi phía ngoài. Thấy mình chỉ tay về phía ngáo ộp, hai bà ngừng chiếu tướng, quay ngoắt về phía cô ta:
– Khóc đéo gì mà khóc!
Như có phép màu, ngáo ộp im tắp. Mặt giàn giụa nước nhưng tỉnh bơ như chưa có chuyện gì xảy ra.
– Ừ, khóc đéo gì mà khóc. Ngu thì chết – cô ta lẩm bẩm – Đã xấu lại còn đòi yêu thương.
Cô ta không lẩm bẩm nữa, ngồi tựa lưng vào tường, mặt hướng sang giường mình mà đôi mắt thất thần nhìn đi đâu đó.
– Mỹ, có điện thoại này!
Cô y tá đứng trước giường, giơ cái điện thoại ra trước mặt một lúc lâu mình  mới hiểu. Liếc qua màn hình chiếc điện thoại quen thuộc, thấy tên chồng, tự dưng mình thấy bực dọc:
– Không nghe, không nghe!
Cô y tá mang điện thoại ra cửa. Cô ta đang nghe điện thoại của lão Chiến, sao cô ta lại cười nhỉ? Hình như người phụ nữ nào nói chuyện với lão Chiến cũng cười. Có mỗi mình là không. Vậy thì đúng là mình bị bệnh rồi còn gì.
– Sao vào viện mà không nói với chồng con? – cô y tá bỏ điện thoại của mình vào túi áo bờ lu. Phụ nữ răng đều trắng tăm tắp, miệng cười tươi thế kia là sướng lắm đây.
– Sao cô nói dối chồng đi nước ngoài? Sao vào viện mà không nói với chồng con?
– Viết thư để lại rồi mà – mình ôm tay cô y tá cười chống chế. Mình rất sợ bị tiêm.
– Ngồi yên đấy – cô y tá gạt tay tôi ra, ấn tôi ngồi xuống giường – Việc này tôi phải đi báo cáo lãnh đạo.
Lại đi báo cáo lãnh đạo. Sao chuyện gì cũng phải báo cáo lãnh đạo nhỉ. Người nhớn rồi mà việc gì cũng phải đi hớt cấp trên.
– Bộ răng sứ của con y tá dễ phải gần trăm củ – ngáo ộp ghé sát mặt mình thì thầm, hóa ra từ nãy vẫn theo dõi từng tí
– Đấy là răng sứ á? Tao cứ tưởng răng thật. Thảo nào đẹp thế!
– Xùy, đồ nhà quê. Nhìn vậy mà cũng không biết. Này, anh Thành đã dẫn tao đến phòng khám định làm răng cho tao rồi mà tao sợ đau quá lại thôi.
– Thật á? Hàm răng của mày mà làm phải mất cả tỉ bạc ấy nhỉ
Mình phì cười. Mặt ngáo ộp ngây ra. Cái mặt chảy xệ ra nom rất buồn cười. Ngồi ngây một lát, ngáo ộp giơ ngón tay chỉ vào mặt  mình rồi co chân nằm úp mặt vào tường, thở dài thườn thượt.
– Mỹ! Ra có người nhà gặp!
– Nói khoác, làm đếch gì có ai. Ở nhà, chỉ có tớ đi tìm mọi người chứ chả bao giờ có ai tìm tớ!
Cô y tá nhất quyết dắt tay mình lôi ra khỏi phòng. Bàn tay cô ta dấp dính mồ hôi. “Khiếp, tay gì mà ướt thế! Lại còn cái quần màu cháo lòng nhàu nhĩ. Cởi ra tôi giặt tẩy cho, đàn bà con gái gì mà cẩu thả”
Ơ, “đàn bà con gái gì mà cẩu thả”, câu này của ai nhỉ, mình nghe quen lắm. Có phải của bà nội cu Bin không nhỉ. Chính xác, bà nội Bin lúc nào cũng chê mình, hết chậm chạp đến cẩu thả, lười biếng. Cứ nhìn thấy mặt mình đâu là bà lại bảo “đàn bà con gái”. Buồn cười thật, bà cũng là đàn bà mà.
– Mỹ, em bị làm sao thế? Sao em lại vào viện này?
Thằng cha Chiến ghé mặt sát vào mình. Tiên sư, lại mùi thuốc lá nồng nặc, mùi rượu trộn lẫn mùi nước hoa, thứ mùi đặc trưng bước ra từ phòng karaoke đây mà. Cứ ngửi thấy mùi trên người hắn là mình đã muốn ọe, mình không muốn nói chuyện rồi.
– Bệnh tình nhà tôi như thế nào vậy bác sĩ?
Đấy, biết ngay là hỏi vợ lấy vì vậy thôi. Anh ta chưa bao giờ quan tâm những điều mình nói. Đấy, lại vào phòng y tá khép cửa lại rồi. Y như cái lần hắn chui vào phòng con Sáng, hắn khen con Sáng ngực to mông nở.
Thôi, kiềm chế nhé, không ghen. Mẹ mình dặn rồi “xấu chàng hổ ai”, chuyện vỡ lở, mình lại bị chê trách chắc phải thế nào chồng mới bồ bịch chứ.
Rách chuyện bỏ mẹ.
Vườn hoa của bệnh viện vậy mà cũng nhiều hoa đẹp ra phết. Nhưng tự dưng giữa vườn có một bức tường chắn ngang lơ lửng. Hơi cao nhưng cũng trèo qua được. Đứng thử ở chỗ cao nhất này xem cảm giác thế nào. Lâu lắm rồi không được leo trèo. Ngày bé mình là cao thủ leo trèo, mẹ ca cẩm suốt ngày “có phúc đẻ con hay lội, có tội đẻ con hay trèo”. Chẳng cây cao nào trong làng mình không thử sức. Thế mà lâu lắm rồi không được nếm cảm giác đứng trên đỉnh cao chót vót, chon von, nghe gió vi vút bên tai, lá cây lào xào kể chuyện.
– Mỹ, xuống đi!
Tiếng cô y tá thì thào. Cô ta giơ hai tay như đòi bế trẻ con.
– Ha ha ha, mát lắm, sướng lắm! Lên đây Thảo ơi!
– Xuống ngay!
Ông bác sĩ càu cạu, quát. Ừ thì xuống, làm gì mà căng!
Mà cái thằng cha Chiến sao nay lại không quát nhỉ. Mặt tái mét, cái mặt nhẵn thín chỉ tái mét khi bị lãnh đạo bắt quả tang làm điều gì đó.
– Em ơi! Làm sao lại nên nông nỗi này.
Lão Chiến chạy theo cun cút. Diễn sâu ghê! Mình quắc mắt, ờ phải quắc mắt lên thì may ra lão mới sợ
– Thôi đi! Đi về!
Cả ba người họ trố mắt nhìn mình. Trên lan can, ngáo ộp đang ngồi vắt vẻo và ôm bụng cười như nắc nẻ. Bác sĩ mũi tẹt nói gì đó, lão Chiến tần ngần một lúc rồi quay ra phía cổng. Yên tâm mà về thôi, viện phí mình đã nộp hết rồi nhá. Lão chỉ cuống lên khi phải lo tiền thôi, tiền với lão quan trọng hơn hết mọi thứ. Mấy đứa xí xớn cứ tưởng moi được tiền của hắn, sau một thời gian đi lại, méo mặt vì bị hắn bòn mót tiền, cay đắng mà rút lui không hề dám kêu ca. À, thế mà có một lần, có một con nhắn tin cho mình “ Chồng chị moi tiền của tôi, nếu chị không thu xếp để trả, tôi sẽ công khai hình ảnh chồng chị trên trang facebook của trường con chị”. Lần đó, mình phải trả mất toi tháng lương mà lại còn bị lão ấy chửi là ngu si, mới bị bọn đểu dọa cho tí mà đã phọt cả cứt non.
Bây giờ, mình đi vắng rồi, lão tha hồ mà hát lượn. Ờ, sang chảnh lắm, ô tô, quần áo là lượt, nước hoa thơm phức, giọng lưỡi ngọt ngào, ngày xưa mình chả chết vì cái giọng lưỡi đó còn gì
– Thằng Chiến! – Ngáo ộp lẩm bẩm
– Biết nó à?
– Bạn thằng Thành đấy.
Bỏ mẹ, thế này thì bao nhiêu bí mật của nhà mình, ngáo ộp biết hết. Trong nhà có hũ mắm thối, phải tìm cách mà đậy nó lại, người ngoài biết, cảm thông thì ít, đàm tiếu thì nhiều. Tiền thằng Chiến moi của đám con gái đi cùng nó lại đem nướng hết vào lô đề, nhưng cái đứa con gái đó bảo là nó mua thuốc men cho mình đấy. Mình lạ gì cái bài than nghèo kể khổ của thằng Chiến, nó chả moi hết cả tiền tiết kiệm dưỡng già của bố mẹ mình đấy thôi.
– Mỹ! Có điện thoại này!
Lại điện thoại, điện gì mà điện nhiều thế. Bên kia, tiếng khóc chu chéo của thằng cu em vì con chị chiếm mất máy tính. Mình có nên can thiệp không nhỉ! Mà mình có can thiệp cũng chẳng tác dụng gì, mình bất lực từ lâu rồi với bọn trẻ. Sao bọn chúng càng lớn càng giống bố đến kinh ngạc như thế. Hình như những ám ảnh về tính cách ấy đã khiến mình lai tạo nguyên xi như vậy
– Thôi đi!
Mình ném điện thoại xuống nền rồi. Cái điện thoại mình mua cách đây năm năm, bằng gần một tháng lương giờ vỡ tan màn hình rồi. Đã thế, chả cần. Mình co cẳng đá, điện thoại bay vèo ra giữa vườn hoa
– Khóc à?
Ngáo ộp ghé mặt sát bên, mặt hớn hở như sắp sửa có thú vui mới.
– Khóc đéo gì. Con cái, kệ mẹ con cái.
Ngáo ộp thở dài:
– Con tao giờ ghét mẹ, chả đứa nào hỏi han một tiếng.
Ngáo ộp nằm thõng thượt trên giường. Người dài, mềm mại như một con cá khoai. Lúc đi cũng uốn éo như con cá, chả bù cho mình, khô khỏng như một con cá khô. ‘Ôm mày như ôm bó củi, chẳng có hứng gì cả”, thằng Chiến nói thế ngay sau ngày cưới một tuần.
– Thằng Chiến có bồ không?
Ngáo ộp giơ tay áo lên quệt vội nước mắt
– Chúng nó cùng một giuộc, ăn rau sạch rồi khoét cả tiền.
– Ha ha ha – đồng loạt hai bà ngoài cửa cười to – Ngu chưa các con, chết vì đàn ông.
– Còn các bà, chết vì con đấy, cười đéo gì
Hai bà câm bặt, chả biết vì thái độ sừng sộ của ngáo ộp hay vì cái điều nó vừa nhắc đến.
Tiếng rên la oai oái của đứa con gái trong cơn hứng tình dội vào tai làm mình không thể nào ngủ được. Mẹ, cái thằng Chiến này, nửa đêm vẫn cắm mặt vào điện thoại xem phim sex. Mình vùi đầu vào sâu trong chăn vẫn nghe rõ mồn một tiếng rên rỉ.
– Có im đi cho tao ngủ không?
Mình bật dậy. Hóa ra là ngáo ộp đang xem phim sex thật. Làm sao nó giấu được cái điện thoại mà nửa đêm lôi ra xem trộm thế nhỉ. Thấy mình ngồi nhìn sang chòng chọc, nó cười ngượng nghịu, bàn tay đang mân mê trên bầu vú vội vàng rụt lại.
– Tao nhớ thằng Thành. Thằng Thành hay hôn ngực thích lắm.
– Chồng mày đâu?
– Cưới xong nó đi biền biệt. Nó vớ được tao với thằng Thành, nó bắt li dị.
Ngáo ộp lại tu tu khóc. Mình bịt mồm nó mà nó vẫn khóc. Mình phải quát “Con Thảo đến” nó mới thôi. Lại nằm quay mặt vào tường, tay tự xoa lấy ngực, miệng rên ư ử.
Mình mất ngủ từ lúc đó.
Hai bà ngoài cửa thì ngáy to quá.
Có lẽ phải đi ra ngoài cho tỉnh táo. Nhưng bên ngoài yên ắng quá. Mình rất sợ sự vắng lặng này. Ánh đèn cao áp giữa sân dội xuống luồng sáng vàng ệch. Cây bồ đề in những vệt tối sẫm trên nền gạch lát. Sao ở sân bệnh viện lại có cây bồ đề, ai cần giác ngộ ở chốn này.
Ý nghĩ có vẻ hơi xấc xược nhưng nó còn nằm trong đầu mình, đố ai biết được. Mà hình như lâu nay đức Phật đi vắng, mình niệm tên Người suốt những đêm dài mất ngủ mà chẳng thấy linh ứng. Mình vẫn không ngủ được, vẫn trằn trọc vì tiếng rên rỉ từ căn phòng đóng kín của chồng và cảm giác trống rỗng khi thấy cơ thể không có một chút đòi hỏi nào của bản năng tính dục.
Hơi thở nóng rẫy từ phía sau gáy, bàn tay mềm oặt đã lần mò xuống bụng. Trời ơi, con quỷ cái! Ngáo ộp dậy và đến đứng sau mình từ lúc nào êm như một con báo. Nó ôm chặt cứng từ đằng sau và trong lúc mình cố tình giãy giụa thì hai cánh tay vừa mềm vừa dẻo như hai sợi dây thừng thít chặt lấy ngang eo, đôi bàn tay xòe rộng vồ vập quờ quạng khắp người mình từ trên ngực xuống bắp đùi
– Đồ chết tiệt, buông tao ra!
Mình hét đến câu thứ năm thì hai bà già mới bò dậy. Một bà chậm chạp đến công tắc bật điện, một bà cầm cái gối trắng đi đến, từ từ đập vào lưng con thú đang điên cuồng dục vọng.
Mình chưa hoàn hồn thì hai bà đã lăn quay ra ngủ. Ngáo ộp lại ôm gối khóc tấm tức, thỉnh thoảng lại lé mắt nhìn mình. Và thế là lại một đêm mất ngủ. Mình chỉ sợ lúc mình ngủ con ranh lại đến ôm mình, sợ  y như những lần va chạm với lão Chiến.
– Đêm qua có chuyện gì thế?
Y tá Thảo hôm nay không đi dép lê, đi giày cao gót. Đấy, con người ta đến chỗ làm việc là phải nghiêm túc chỉn chu thế. Nhưng bộ quần áo thì vẫn quá nhàu nhĩ.
– Mỹ nay chuyển phòng khác nhé!
Y tá Thảo lườm ngáo ộp đang trồng cây chuối trên giường:
– Hay cho Bích chuyển phòng nhé!
Đang có vẻ lãng đãng vậy mà nghe nói thế, ngáo ộp vội vàng hạ người xuống, chạy vội lại kéo tay cô y tá:
– Xin Thảo, Bích biết lỗi rồi. Thảo đừng bắt Bích chuyển đi. Sang phòng khác buồn lắm. Bích không muốn chuyển nhà.
“Bích không muốn chuyển nhà”, ngáo ộp cứ lặp đi lặp lại câu đó suốt buổi sáng. Đến mức hai bà già phải quát lên “ngu không biết giữ thì mất, kêu gì!” “ Hu hu, giờ nó sắp cưới vợ, chúng nó ở trong nhà mình, ngủ trên giường của mình”
Khóc nốt câu rồi ngáo ộp im bặt. Lại đóng cửa nhà tắm và loay hoay làm cái gì đó rất lâu mới mở cửa ra.
– Mẹ bố con đĩ hỗng, trai gái lắm vào rồi phát rồ phát dại!
Bà giường bên trái nguýt vào tận mặt ngáo ộp. Bà này có mái tóc trắng xóa dù mặt có vẻ chưa già lắm. Gương mặt hơi dữ tợn với hai vệt dài quanh mép.
– Nào có được mấy tí. Trốn chui trốn lủi, nhục như con chó! Ngáo ộp xị mặt – Bà đi rình con dâu bà biết rồi còn gì!
Bà già tóc trắng phá lên cười khanh khách. Ngáo ộp ghé sát tai mình thì thào:
– Con mẹ này dã man lắm, thuê người quyến rũ con dâu rồi bắt quả tang. Ép con trai bỏ vợ vì vợ nó không sinh được con đấy. Thằng con lấy con vợ mới, có con mà cuối cùng lại đếch phải con ruột. Ha ha ha
“Bốp”, một cái tát rất kêu. Ái chà, lao vào nhau rồi. Một già, một trẻ quần nhau trên nền nhà. Bà già vậy mà khỏe khiếp, nằm đè lên được cả con ngáo ộp. Ngáo ộp kêu oai oái, vừa kêu vừa cười sặc sụa, gương mặt méo xệch. Bà già giường bên phải lao xuống đất, đứng ngó một lúc rồi cũng cười lên sằng sặc. Mình nhòm vào chỗ tay bà ta chỉ: bà tóc trắng ngồi đè lên ngang bụng dưới ngáo ộp, một tay túm mớ tóc hung hung của nó giật mạnh, một tay ra sức bóp bộ ngực thây lẩy của con kia. Bất ngờ, từ trong túi áo của bà già rơi ra một nắm tiền lẻ. Bà bên phải lao tới, chộp nhanh, mắt nhìn vào nắm tiền trên tay, mắt sáng nhảo.
– Hế, hế, hế. Tiền đây rồi! Tiền đây rồi!
Bà tóc trắng thấy thế, bỏ mục tiêu đang quay đơ trên đất, vùng đứng dậy, giật lại nắm tiền. Bà kia nhìn theo, gào lên:
– Tiền của tao, trả lại cho tao!
– Tiền của bà, bọn cầm đồ thu hết rồi! Đến chỗ chúng nó mà đòi nhá
Nghe nhắc đến cầm đồ, bà kia sững lại, một lúc ôm mặt khóc dấm dứt.
– Đấy, bán hết nhà hết đất, trả cho bọn vay nợ lãi mà vẫn chưa đủ. Nhà thì mất, con trai thì bọn nó cũng xử đẹp rồi!
Bà tóc trắng ném vào mặt mình mấy câu, mắt trợn ngược lên, cứ như mình là kẻ tội đồ. Bà kia ngồi khóc chán rồi kẹo kẹo đến sát chỗ mình nói nhỏ:
– Còn tiền không, cho tôi vay một ít.
Thế là lại một đêm nữa mình mất ngủ. Mình thấy thèm giấc mơ chui qua đáy ao dạo trước. Mình thèm cảm giác rơi không trọng lượng. Dang tay ra và bay như một con chim, từ trên sân thượng của tòa nhà hiệu bộ. Đám trẻ đứng dưới sẽ vỗ tay cổ vũ. Mình sẽ vỗ cánh bay lên cho đến khi hai cánh mỏi nhừ
– Thế là rơi xuống “huỵch” một cái!
– Cái gì rơi hả Mỹ?
– À không, chẳng có gì rơi cả!
Mình phải nói dối. Cái ông bác sĩ mũi tẹt luôn khiến mình muốn nói dối. Mà nửa đêm, ông ta ra đây làm gì nhỉ!
– Thôi vào giường ngủ đi nào! Lấy hai viên thuốc trong túi áo kia ra uống đi rồi sẽ ngủ được.
Cái ông này, sao mà tinh thế. Mình lén bỏ vào túi áo rồi mà vẫn biết. Mình sợ uống thuốc cực kì vì mình không nuốt được, mà mỗi lần nhai lại chỉ muốn nôn.
– Bẻ nhỏ ra thế này, uống từng ngụm nước nhỏ. Nuốt ực nào!
Ơ đấy, mình nuốt được rồi. Siêu thật!
Thế là mình ngủ, ngủ một giấc rất say. Mình đã mơ thấy mình biến thành một con bướm trắng. Hai cánh bay chấp chới, và trong lúc bay lên, nhìn thấy mấy người bệnh cùng phòng đang há hốc mồm ngủ, mình lại ước mình cứ là con bướm trắng xinh đẹp kiều diễm này, lượn lờ bay khắp nơi. Mình không thích giống họ nữa. Thật đấy!.
13/7/2021
Mai Thị Hồng Quế
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Yêu nước trước hết là yêu tiếng mẹ đẻ Năm 1917, tạp chí Nam Phong đăng bài Văn Quốc ngữ và một số bài liên quan của nhà báo Phạm Quỳnh h...