Thứ Năm, 5 tháng 9, 2019

Dòng sông không trở lại

Dòng sông không trở lại
Hoàng hôn xuống thấp để lại vạt ráng đỏ, pha ít ráng vàng úa ở cuối chân trời làm cho cảnh chiều thêm tê tái quan san. Đính ngồi một mình bên bờ sông sau lưng nhà; con sông đầu nguồn, chảy siết, nước xoáy và tuôn ào ạt như đuổi bắt ai hay vội vã trôi nhanh kịp về với biển mẹ. Lòng Đính khi nào cũng chất chứa một nỗi buồn, mấy ai hiểu thấu tâm can người phương xa. Đính ít nói, ít giao du hay bày tỏ tâm sự, nụ cười không tươi mỗi khi gặp ai; vì thế quan hệ với bà con xóm giềng trở nên thờ ơ, lạnh nhạt, có thể là bản chất tự nhiên của con người. Dần dà bà con hàng xóm cảm thông tánh khí của Đính.
Nhưng may cho Đính, ngày xuôi Nam là một quyết định dứt khoát cho đời Đính. Bỏ hết; đi thôi! Đính cho đây là hình phạt đau đớn nhất đời; Đính nhớ ngày ra Bắc, những lúc đi đốn củi phải hứng chịu cơn mưa rừng, lạnh và tê buốt, những khi bị ’đì’có lúc khô người không có nổi một củ khoai hà lót bụng, tất thảy đều vượt qua, bởi quá nhớ thương ’người vợ bé nhỏ miền quê’. Đính thấy cái tình người nhỏ nhen, hèn mọn không còn là nhân nghĩa. Biết thế Đính cố quên nhưng ký ức không buông tha, bắt Đính nhớ, không phải Đính nhớ để tiếc nuối mà nhớ cảnh đời, cảnh người trong sâu thẳm tâm hồn. Đính tha thứ những gì xẩy ra trong đời nhưng quên thì không thể quên được. Đó là nỗi tuyệt vọng của chọn lựa, bởi Đính biết chọn lựa nào cũng tàn nhẫn cả, nhưng ít ra cũng có một chút hoài vọng, cái hoài vọng của Đính trở nên hư không dù ở một đất trời như ở đây. Giờ đây Đính cư ngụ ở vùng đất hẻo lánh nầy là một chọn lựa đơn sơ và bình yên cho cuộc đời .
Những gì của ngày hôm qua giờ đây quá xa vời, không còn thực tế. Đính nhận ra được sau 9 năm chạy theo lý tưởng và từ ngày đó cho tới khi vô Nam tất cả đã biến đổi, biến đổi luôn cả xác và hồn. Những lúc ngồi một mình bên sông Đính đau nhói con tim vì đời không đãi ngộ Đính như lời hứa mà bạc đãi thì có.Thật oái ăm. Cha Đính chết cũng vì lý tưởng đó. Rồi có ngày Đính cũng chết như cha. Ở quê nhà người ta cho Đính là thằng điên; tóc tai bù rối, áo quần tơi tả, hình hài xác xơ, miệng mồm thường lẩm nhẩm như kẻ mất hồn. Nhưng kệ đời; vì đời chỉ nghe nhưng chưa thấy. Đính mỉm cười như nhận tội.
Đính lên xe về miền xa, tránh cái thứ phồn vinh giả tạo, càng nhìn Đính càng cay con mắt. Cho nên Đính đi là trốn cái chuyện đời thị phi, phức tạp. Vô định! thân lập thân, nương vào ai, nhờ vào ai. Cứ đem cái thân mòn ra mà kiếm ăn. Làm cái gì được là làm để có miếng cơm. Khổ một đời, khổ một thời thì đâu còn ngại gì lao với nhọc: giữ bò, nuôi heo, ăn cơm thừa cá cặn còn hơn con ở đợ. May sống sót để còn gặp người tình cũ. Thục Sâm học sư phạm có một chút gì là lạ trong Sâm. Hợp tính khí Đính, họ chưa hẹn nhưng đã thầm hẹn; thế rồi Đính ra đi như ’nghĩa vụ’... trở về thì Sâm đã có chồng, vợ của một ủy viên. Đính không dám ’lạng’ ngang vì sợ lên lớp, làm việc. Đính ngậm đắng và cứ coi như trời không đãi ngộ. Thời thế, thế phải thời Đính mua hai chữ bình yên.
Ngày vô Nam, Đính chỉ mang theo ba tấm hình làm kỷ vật, gói gắm cẩn thận coi như thánh kinh; hình cha mẹ già và tấm hình mãn khoá ra trường. Nghe vọng trong đầu: ‘gia tài của mẹ để lại cho con’ Đính muốn trào máu họng nhưng chận kịp...
- Nghe anh như bị gió. Thiếu nữ ngồi cạnh bên nói .
Đính chẳng trả lời, xe vẫn lắc lư. -Về đâu đêm nay? Ngủ chợ. Đính tự nhủ lòng. Xe chạy mãi cho đến khi tới bến. Đính ngơ ngát như nai tơ lạc rừng, người và vật xa lạ, Đính không dám nhìn ai một cách cẩn thận để đánh giá chánh hay tà. Sợ lắm! nhớ cái ngày lên sơn cước giữ bò, giữ heo, những thứ đó nhập tâm không dám tin vì tất cả một phường lừa dối. Khiếp! biến Đính như kẻ mất hồn là thế, mất nhiều thứ trong đời; ngày trở về ‘anh bước lê trên quảng đường đê’ mà không thấy nụ cười âu yếm của mẹ ra đón con về. Thì ra mẹ Đính chết vì mỏi mòn trông đợi. Thục Sâm đâu còn ‘là lạ’ như xưa. Bà con thân tình thương Đính, nhưng đâu dám tỏ vì Đính còn phải ‘trình làng’ hằng tuần cho nên thương Đính thương trong bụng, cười với Đính bằng mắt hơn bằng miệng. Ngao ngán cuộc đời. Nhưng giờ đây Đính mới thấm thiá; có ai bắt bớ đâu mà Đính ngán. Cái đó do Đính tự nguyện, Đính chọn, chớ có ai đẩy Đính vào con đường đó đâu. Đính biết. Khốn!
- Anh rửa tay vào ăn cơm. Bông nói.
Đính nhìn đống củi bửa mà cảm thấy phấn khởi trong lòng; giúp vợ, có việc để làm như thế cũng đủ khuây khoả ở vùng đất mới hoang vu nầy. Đuổi mắt nhìn theo Bông mà thương người vợ hiền, chất phát, thật thà, ăn ngay nói thật, cũng vì cái thật tình mà bị đời lường gạt thê thảm chả trả ơn, trả nghĩa, nhưng may thay Bông gần kề với Đính mà học được những bài học để đời. Nhớ cái hôm ngồi xe đò xuôi Lục Tỉnh không có Bông ‘nghe bệnh’ thì Đính đi đong đời ma. Cái gì cũng do cái nhân duyên. Giữ bò, đốn củi miền cao cũng là cái mệnh. Đính biết! xưa mấy ông thầy mù thường nói: ‘tướng bất cập số, số bất cập đức’ Đính không biết có ứng dụng đúng không? Thế mà đời vẫn không ngán mấy câu thần chú đó; ngược lại còn huy hoàng hơn xưa nhiều lắm. Ngộ thiệt! Trong thâm tâm Đính thường nghĩ như thế. Nhưng đó chỉ là lời nói ‘đầu tiên’ của mấy ông thầy mù. Đời này cái gì cũng trở nên ngụy ngôn, ngụy ngữ chả có gì là thật cả. Điêu ngoa vô cùng!
Đính cứ hoài cố cảnh đời, ôn tích cũ, ngẫm lịch sử ông cha để lại mà đâu có đời thuở nào như đời thuở này ‘bầu ơi thương lấy bí cùng tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn’ hay‘gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau’câu ca dao, tục ngữ nó trở thành huyền thoại ru con ngủ, nhưng khi con lớn lên câu ca đạo lý đó không còn đi vào đời; mà đó chỉ là lời ru, dỗ dành. Đính cảm thấy bị ru ngủ như thuở nằm nôi. Đính lớn lên trong tình huống hỗn mang của cái cảnh ‘trời nắng chang chang người trói người’  và ‘cá đớp cá’. Đính rùng mình, đứng dậy, phủi tay đi vào trong. Trên ván gỗ, ngồi cạnh vợ, Đính cảm thấy lòng mình trong sạch trong bữa ăn cơm sắn, rau dưa chơn chất, bát ngát hạnh phúc.
Đứng trước một kỳ quan văn minh hiện đại của thành phố đầy đặc người và xe, huyên náo trong tiếng còi, ào ạt như thác đổ, rền vang những tiếng u oe bên hè phố. Cảnh người và vật hoà vào nhau thành tấu khúc ‘rock n roll’, chạy vòng vo quanh cái bùng binh như bánh luân hồi, những cái bất ngờ làm vui mắt du khách, họ cười như thấy thằng hề trong gánh xiếc. Gần 10 năm sống ở quê, nay Đính lên thành phố cảnh tượng lạ mắt vui tai làm cho Đính choáng ngợp. Khác nhiều lắm, khác hẳn hoi, mất chất, biến dạng, vừa bảo thủ vừa tự hào, đẻ ra vô số mỹ ngữ nào là đổi mới tư duy, kinh tế thị trường, khách hàng là thượng đế, hiện đại, văn minh… Ôi không biết bao nhiêu điều để nói, để tung hô, để ngợi ca  cho hòn ngọc viễn đông một thời sắc son... hay tại cố hữu, chủ quan đã in sâu vào trăm thế kỷ qua mà nay thành hình như thế? Có thể nó trở thành truyền thống khó gọt rửa. Khó! Khó lắm. Dẫu có tu nghìn kiếp. Chất đó tẩy không sạch đâu. Đính biết.  
- Đứng nhìn gì thế? Thấy đẹp không? Cao ốc tráng lệ đó. Mua vé đi! Bé vé số nói.
- Không nhìn gì hết. Chỉ nhìn ngọn tháp cao tầng treo lá cờ hoa bay phất phới. Đính nói.
Đính nhìn đứa trẻ bán vé số mà thương, như mình thương mình. Mọi người đều có một hoàn cảnh để làm người, em bé có hoàn cảnh của em bé. Vậy Đính buồn chi. Tất cả đều khổ chỉ có cao ốc không khổ vì có người tắm rửa để được trong bóng. Sướng được làm cao ốc đứng giữa trời. Nhà cửa sinh ra được chăm sóc chu đáo. Đính sinh ra để chịu tội.
Lưu lại một ngày. Hôm sau đính về với Bông nơi tận cùng đất nước để chống gió.
Đính ngồi một mình, tay cầm cái bằng khen ‘anh hùng chịu đựng’ mân mê mà ứa nước mắt, lặng lẽ bên bờ sông mang tên: ‘Dòng Sông Không Trở Lại’. Cuối chân trời đã nhuộm tối. Trong căn nhà lá, dưới ngọn đèn Bông ngồi sảy gạo cho buổi chợ sáng mai.
VÕ CÔNG LIÊM (ca.ab. tết Qúy Tỵ 2/2013).
* Những chữ trong ngoặc đơn lấy từ thơ Cao Bá Quát và từ nhạc PD, TCS với một số ca dao, tục ngữ Việt Nam.
* Nhân vật và thời tính trong truyện xây dựng qua hư cấu. Trùng hợp ngoài ý của kẻ viết.
* Tựa đề cảm hứng qua phim truyện: ‘River of No Return’ của đạo diễn Otto Preminger. Marilyn Monroe và Robert Mitchum thủ diễn. 21th Century. Production 1954.
TRANH VẼ: ‘Thiếu nữ và Trăng/ Moon and Girl’ Khổ 12’x16’ trên giấy bìa. Acrylics+ Black coal power. VCL.
vcl# 422013.
    Võ Công Liêm
Theo https://www.vanchuongviet.org/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôtem sói - Chiếc gương đạo sĩ

Tôtem sói - Chiếc gương đạo sĩ Trong Hồng lâu mộng có chuyện cái gương một vị đạo sĩ tặng cho nhân vật Giả Tường. Anh ta đưa gương lên soi...