Thứ Hai, 2 tháng 9, 2019

Nhà thơ Marina Tsvetaeva, hơi thở Nga trong tâm hồn xa xứ

Nhà thơ Marina Tsvetaeva, 
hơi thở Nga trong tâm hồn xa xứ
Marina Tsvetaeva, "hồn thơ cô độc" của thế kỷ Bạc trong thơ Nga, là một giọng thơ nữ đặc biệt, thậm chí còn được Joseph Brodsky - nhà cách tân thi ca tầm cỡ, thi sĩ Nga đoạt giải Nobel năm 1987, xem là nhà Nga lớn nhất thế kỷ XX. 49 tuổi lúc qua đời, trải qua trập trùng sóng gió thật khó hình dung là có thể xảy tới với một đời người, có lẽ bà là nữ sĩ có số phận bi thảm vào loại bậc nhất của nước Nga tính từ quá khứ cho đến tận bây giờ.
I. Từ cuộc đời sóng gió...
Marina Tsvetaeva sinh ngày 26 tháng 9 năm 1892 trong gia đình có cha là nhà nghiên cứu nghệ thuật, người sáng lập và giám đốc Bảo tàng mỹ thuật, mẹ là một phụ nữ có tài năng âm nhạc bẩm sinh hiếm thấy. Cùng với em gái, bà lớn lên trong thế giới của nghệ thuật, của sách vở, âm nhạc, của những mộng mơ, lớn lên, như bà thừa nhận sau này, "bên ngoài" thời cuộc.
Tsvetaeva có thơ in từ năm 16 tuổi. Trước cách mạng bà xuất bản ba tập gồm "Album chiều" (1910), "Cây đèn huyền diệu" (1912) và "Hai cuốn sách" (1913). Trong những năm 20 bà cho in hai tập thơ nữa cùng mang tên "Dặm dài", trong đó tập hợp các bài thơ viết trong khoảng thời gian từ 1914-1921. Ngay từ thuở ban đầu làm thơ, Tsvetaeva đã không thích dùng từ "nữ sĩ" để chỉ bản thân mình; bà gọi mình là "nhà thơ Marina Tsvetaeva".
Năm 19 tuổi Tsvetaeva gặp người bạn đời tương lai, Sergei Efron, trẻ hơn bà một tuổi, để rồi cùng (hay vì?) người đàn ông ấy, bà đã đi trọn cuộc đời bi thảm ngắn ngủi của mình. Efron nhập ngũ từ trước cách mạng, đứng trong hàng ngũ Bạch vệ, tham gia nội chiến và cùng tàn quân chống cách mạng chạy ra nước ngoài. Hơn ba năm bặt tin chồng cũng là quãng thời gian khổ ải đến cùng cực của Tsvetaeva ở Moskva để nuôi con (đứa bé thứ hai của bà sau đó chết đói trong cô nhi viện).
Năm 1921 Tsvetaeva bắt liên lạc được với chồng đang lưu vong Berlin. Gia đình đoàn tụ và cùng chuyển sang Tiệp Khắc. Sống ba năm tại đó, đến năm 1925 cả gia đình bốn người (bà có thêm với chồng một con trai nữa) chuyển tới Pháp, 13 năm rưỡi, cho đến ngày trở lại nước Nga. Efron không phải kiểu đàn ông có thể bao bọc, che chở và chu cấp cho gia đình, do vậy mọi gánh nặng cơm áo đổ về phía Tsvetaeva. Bà vẫn viết, thậm chí viết rất nhiều, nhưng sau tập "Sau nước Nga" ra mắt năm 1928, không một bài thơ, trường ca, tác phẩm văn xuôi... nào của bà được in thành sách nữa. Quá nhiều khác biệt với giới Nga kiều tư sản, Tsvetaeva không có cơ hội thậm chí để kiếm những đồng nhuận bút ít ỏi nuôi gia đình. Tình thế càng trở nên bi đát khi chồng bà, và tiếp theo là cả con gái bà, dính líu tới một loạt các âm mưu chính trị nên buộc phải rời Pháp trở về Nga năm 1938. Tsvetaeva cùng con trai, một lần nữa, chia sẻ số phận chung với họ, cũng quay trở về. Chồng con bà sau đó bị bắt, rồi bặt tin. Chiến tranh bùng nổ. Cuộc sống thiếu thốn trở nên chật vật đến tận cùng. Ngày 31 tháng 8 năm 1941 bà tìm đến cái chết để chấm dứt cuộc đời đầy sóng gió mà cho đến phút cuối bà vẫn luôn cứng cỏi ngẩng cao đầu bước nốt. Nhà thơ ra đi - thơ của bà ở lại. Lời tiên tri xưa kia của Tsvetaeva về mình đến nay có lẽ cũng thành hiện thực - "thời thơ tôi sẽ tới".
II. ... đến những vần thơ "nổi loạn"
Đặc trưng thi pháp thơ của Tsvetaeva là ở chỗ nó gần như loại bỏ sự khác biệt giữa con người thực của bà ở ngoài đời và nhân vật trữ tình mà không gian nghệ thuật của văn bản xoay quanh. Tính chất nhật kí, sắc thái tâm tình hiển hiện của những điều được nói, ngữ điệu sám hối, thú nhận, - những thủ pháp ưa thích đó của Svetaeva được hầu hết các nhà nghiên cứu chỉ ra. "Tsvetaeva là nhà thơ hết mực chân thành, có khi là chân thành nhất trong lịch sử thơ Nga" (Brodsky). Sự chân thành đó cũng có nghĩa là văn bản, với tư cách là kết quả của sáng tạo, được bà tri nhận như là sự tiếp nối tự nhiên của cuộc sống ngoài đời. Bà đấu tranh cho sự chân thành tột mực của thi ca, vì thế, bất cứ cái "tôi" nào trong thơ, theo bà, cũng phải toàn quyền đại diện cho cái "tôi" tiểu sử, với các tâm trạng, xúc cảm và thế giới quan toàn vẹn của nó. Chính vì thế, trong phần lớn các nghiên cứu về Tsvetaeva, việc phân tích sáng tác thường không tránh khỏi cái nhìn từ đời tư và bối cảnh số phận bà. "Thơ Tsvetaeva... luôn luôn khởi phát từ một sự kiện có thực nào đó, từ một sự kiện mà quả thực cô ấy đã trải qua" (V. Briusov).
Tsvetaeva cũng xác định trong lời tựa cho tập "Hai cuốn sách": "Thơ tôi - là nhật kí, thơ tôi - là thơ của những cái tên riêng. Hãy ghi lại từng khoảnh khắc, từng cử chỉ, từng hơi thở... Không có gì là không quan trọng! Hãy nói về căn phòng của mình: nó cao hay thấp, có bao nhiêu cửa sổ, rèm cửa thế nào, có thảm ở đó hay không, có hoa trong phòng không - tất cả những cái đó sẽ là phần thân xác của tâm hồn nghèo nàm của bạn để lại trong thế giới rộng lớn này". Tsvetaeva đã thực hiện chương trình này đến cùng mà không sợ người khác cười mình.
M.Tsvetaeva sống ở thời kì mà nước Nga trải qua những chấn động dữ dội không chỉ trong đời sống chính trị, mà trong cả dòng chảy văn chương. Nhiều trào lưu mới xuất hiện như chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa vị lai, chủ nghĩa đỉnh cao... M. Tsvetaeva không gia nhập trào lưu nào cả. Tính cách của bà, trong đời thực cũng như trong văn học, được các nhà nghiên cứu cho là "khác dị" với mọi thứ xung quanh. Vô cùng cô độc và không giống với bất cứ ai - đó chính là Marina Tsvetaeva. "Thi sĩ mà càng tài, thì nỗi cô đơn càng đáng sợ" - có lẽ chiêm nghiệm J.Brodsky không sai, nếu vận nó vào số phận bi kịch của nữ sĩ cả đời không một phút bình yên này. Vả lại chính bà cũng đã tự chọn cho mình cái thế đứng đó khi tuyên bố với một cảm quan lãng mạn điển hình: "Một mình giữa tất cả - vì tất cả - đối đầu tất cả" (Îäíà èç âñåơ - çà âñåơ - ïđị̂èâó âñåơ).
Mẹ bà - Maria Alechsandrovna - một nghệ sĩ piano tài danh- tuy mất sớm nhưng cũng kịp truyền lại niềm yêu nghệ thuật cho các con mình, tới mức nữ sĩ tương lai khi hồi tưởng về mẹ đã thốt lên: "Sau một người mẹ như thế tôi chỉ còn một cách: là trở thành nhà thơ". Tsvetaeva viết thơ từ năm lên sáu, những bài thơ sau này được đưa vào hai tập "Album chiều" và "Cây đèn huyền diệu". Ban đầu, bà mang vào thơ tất cả chất thơ mà bà cảm nhận được từ cuộc sống xung quanh (sinh hoạt gia đình, những cuốn sách đã đọc, những giờ học, giờ chơi...); thơ viết được ghi ngày, đúng theo tinh thần nhật kí.
Lớn hơn một chút, mục đích thi vị hóa cuộc sống thường ngày trong thơ của Tsvetaeva vẫn không thay đổi, duy chỉ bản thân cái cuộc sống được đem làm đối tượng để thi vị hóa đó là trở nên khác trước: thế giới của tuổi thơ tự nó đã sẵn mộng mơ, mọi thứ ở đó đều có thể vào thơ; còn thế giới mới, thế giới của người lớn bị bủa vây bởi nhiều lo toan thù nghịch, vì thế chỉ những gì chọn lọc mới đi được vào thơ. Thơ Tsvetaeva lúc này tuy vẫn còn thô mộc, nhưng đã hé lộ bản sắc khác thường của nó: tự tin, quyết liệt chống chọi với đời trong cuộc đấu mà bà mặc nhiên thừa nhận (khắp nơi là sói, mà mình lại là cừu - "Chỉ là một cô bé" - 1909-1910)
Nhận thức sớm sủa về sự đối lập giữa nhà thơ và "cả thế giới còn lại", bà thường sử dụng thủ pháp yêu thích là tương phản. Năm 1910, 18 tuổi, bà đã tự xác định trò chơi giữa mình và thế giới: bà chấp nhận dấn thân vào con đường chông gai, mạo hiểm, và tìm ở đó sự tất yếu tồn tại của mình. 
Trong bài thơ "Ý chí hoang dã", Tsvetaeva thách thức với thế giới (Tôi lao đi - cái chết tựa lông hồng/ Tôi mỉm cười - trong tay dây thòng lọng), tách mình ra khỏi nó và hài lòng với thế đứng tôi và thế giới, chứ không phải tôi trong thế giới.
Lời nguyện cầu được bà cất lên vào ngày sinh nhật lần thứ 17 (26/9/1909) là một trong nhiều hồi chuông đánh động về hồn thơ nổi loạn, mãnh liệt sau này. Chưa biết điều gì đang đợi mình trong cuộc đời người lớn, Svetaeva đã mong một điều chẳng giống ai - mong mình được chết. Muốn ngay lập tức được là tất cả hay chẳng là ai, muốn một mình mình đối đầu thế giới - tinh thần này có lẽ Tsvetaeva kế thừa từ Lermontov, nhà thơ được bà xếp vào dạng "trữ tình thuần túy" giống như mình. Bà muốn ôm trọn cả thế giới trong tay mình, muốn ngay lập tức được nếm trải các mùi vị cuộc sống và các cảm xúc của sinh tồn - nếu không được vậy, bà xin mình được chết:
Số phận mình Tsvetaeva dường như đã nhìn thấy trước - viết về cái chết từ khi còn trẻ, và tiên cảm ấy không đánh lừa bà. Như một nhà phê bình đã nói: "còn là ít khi nói rằng cuộc đời ít chiều chuộng Marina Svetaeva, - thực ra nó đã truy đuổi bà với một sự nhẫn tâm hiếm thấy", mặc dù ban đầu không điều gì cho thấy trước cái kết cục bi thảm mà bà phải chịu. Để đi tới đó, bà sẽ phải lấy hết can đảm và lòng kiên định, bởi ngoài những bi kịch cuộc đời bà sẽ còn gặp nhiều bi kịch trong sáng tác.
Ngay từ trẻ, bà đã tự tin về số phận của thơ mình, dự cảm sớm về con đường chông gai tìm người đọc của chúng - và thật ngạc nhiên, cả dự liệu này của bà cũng đúng:
Những dòng thơ về tuổi xanh và cái chết
- Những dòng thơ không ai buồn đọc! -
Phủ bụi nằm vương trong các cửa hàng
(Chẳng ai muốn mua, chẳng ai buồn hỏi đến!)
Những dòng thơ tựa như rượu quý,
Một ngày nào đó sẽ toả hương.
(1913)
Thời gian tiểu sử của Tsvetaeva và thời gian lịch sử của nước Nga luôn ở trạng thái lệch pha. Cuộc đời bà phải chứng kiến tận ba cuộc chiến tranh. Như những kì thủ say sưa, bà và thế kỉ XX chơi những ván bài khác nhau. Năm 1912 bà cưới S.Efron, lần lượt sinh 2 cô con gái - chiến tranh thế giới thứ nhất, rồi nội chiến, giáng đòn li tán vào cảnh điền viên gia đình. Con trai của bà sinh năm 1925, thế hệ ấy lại bị đem thế mạng trong chiến tranh thế giới thứ 2. Điều tương tự cũng diễn ra đối với sáng tác của bà. Năm 1922 bà rời nước Nga khi chưa được nhiều người biết. Gần như ngay sau đó, ở Nga, tập thơ "Dặm dài" được in, và tên tuổi bà trở nên nổi tiếng, trong khi ấy, ở nơi xa xứ, bà lại không thể tìm được chỗ đứng cho mình giữa cộng đồng tư sản lưu vong. Hai hệ thống thời gian và kịch bản cuộc đời này nếu khớp nhịp được với nhau thì có thể số phận bà đã khác.
M.Tsvetaeva rời nước Nga năm 1922, có nghĩa là nằm trong "làn sóng" di cư thứ nhất của trí thức Nga sau cách mạng tháng 10. Tuy Svetaeva không thực sự thấu hiểu và chia sẻ thực tại cách mạng bão táp ở Nga khi đó như Bloc hay Maiakovsky, song sự ra đi của bà vẫn giống hành trình của người đàn bà đang yêu đến với nửa kia của mình hơn là cuộc trốn chạy mang động cơ chính trị như của nhiều người bỏ nước Nga mà đi thời đó. Chưa tròn 30 tuổi khi xa nước Nga, song do sống vào giai đoạn dông tố, nên Tsvetaeva đã "kịp" để lại đó những trải nghiệm cuộc đời và những mất mát khó bù đắp nổi, mà đau đớn nhất là cái chết của đứa con gái thứ hai. Nước Nga bà để lại sau lưng đau thương và gian khó đến cùng cực ở cái thời mà như bà nói: "Không có tiền, tất cả những gì có thể bán - đã bán, những gì có thể đốt - đã đốt, để không bị chết cóng".
Bài thơ sau là nỗi bàng hoàng của người mẹ trẻ khi mất đứa con gái thứ 2:
Hai tay tôi, nhẹ đặt
Trên đầu bé hài nhi!
Mỗi tay trên một bé
Ban tặng hai mái đầu.
Cả hai tay - nắm chặt -
Giận dữ - được chừng nào! -
Trong tối giằng đứa lớn -
Đứa nhỏ không chở che.
Hai tay - nhè nhẹ vuốt
Mái đầu nhỏ bù xù.
Hai tay - bỗng một chiếc
Qua đêm trở nên thừa.
Tươi sáng - trên cổ mảnh
Bồ công anh trên cọng con!
Tôi vẫn chưa thể hiểu,
Con tôi dưới đất vùi.
(1919)
Bài thơ là một ví dụ cho thấy đặc điểm dễ nhận biết nhất của thơ Tsvetaeva - đó là cấu trúc nhịp điệu. Marina Tsvetaeva là một trong những nhà thơ đa dạng về nhịp điệu nhất. Nhịp điệu trong thơ bà phong phú, hào phóng. Thơ của bà nhiều khi ngập ngừng, trúc trắc, đầy những tăng tốc hay ngừng nghỉ bất ngờ (những yếu tố của thơ tự do). Nhịp thơ như vậy luôn giữ người đọc ở trạng thái căng thẳng: nếu như 4 dòng thơ đầu tiên - là thắt nút, kể về hai cô con gái của bà, thì khổ thứ 2- đó là lời kể về cuộc tranh đấu giành lấy đứa con đầu, khổ thứ 3 - cao trào: con gái út qua đời, khổ cuối cùng - kết cục: mong gọi sự chia sẻ với mình. Trong quá trình câu chuyện đi tới cao trào, ngữ điệu của bài thơ cũng thay đổi: từ chậm rãi đến kêu van, sau cùng là đau khổ, bất lực, buồn rầu. Vần điệu của Tsvetaeva là phương thức chính xác nhất xây dựng hình tượng nghệ thuật. Bà sử dụng "kiểu vần mới", như Briusov có lần đã gọi. Kiểu vần này không bắt vần chính xác, với những dịch chuyển khác nhau trong cách phân bố và tính chất của các âm bắt vần. Để đạt lấy sự súc tích tối đa và sắc thái biểu cảm của lời thơ, Svetaeva đã "hy sinh", vứt bỏ cả động từ (câu thơ là sự kết nối của các danh từ)- một thủ pháp xuất hiện với tần suất khá lớn trong thơ bà. Nhịp thơ, nhờ thế mà như hối hả hơn, cú pháp lời thơ bị xé rách đáp lại thực tế bi kịch của số phận. Một đặc điểm nổi bật nữa là sự có mặt của nhiều dấu gạch ngang. Mỗi gạch ngang biểu thị một lần thay đổi nhịp điệu.
Nước Nga ở đêm trước cuộc Cách mạng - Tsvetaeva, theo trực giác của mình, đã dự cảm thấy cơn lốc xoáy của đất nước. Những bài thơ giai đoạn này được đưa vào tập "Dặm dài" (I và II). Khác với Bloc hay Maiacovsky, bà không nhìn ra và không hiểu tất cả ý nghĩa của cơn giông tố đang tới gần, nhưng trong thơ bà đã xuất hiện nhiều hình ảnh và motip chưa từng bắt gặp trước đây. Tsvetaeva vốn nhạy bén về âm thanh đã phân biệt được chất giọng khác nhau của vô số các con đường dẫn về nơi tận cùng thế giới, nhưng đều bị đứt đoạn như nhau trong vực thẳm chiến tranh đen tối và chết choc. Với bà, từ ngày ấy "thế giới bắt đầu trong bóng tối du cư..."
Tsvetaeva rời nước Nga năm 1922, mục đích căn bản của cuộc ra đi là để đến với chồng. Hai năm đầu sống ở nước ngoài, đầu tiên ở Berlin, sau đó ở Prague, là quãng thời gian bội thu hiếm hoi của Svetaeva. Nhiều bài thơ hay nhất đến nay được đưa vào sách giáo khoa đã được viết trong chính những năm 1922-1923 này. Có vẻ như sẽ hoàn toàn hợp logic nếu chính Marina Tsvetaeva trở thành một trong những nhân vật chói sáng của văn học Nga hải ngoại bên cạnh những tên tuổi lừng danh như I.Bunin và Meredzkovsky, Khodasevich và Nabokov. Song, điều đó đã không xảy ra.
Berlin thời kì đó tràn ngập Nga kiều, số lượng theo các nguồn khác nhau có thể từ 100 đến 300 ngàn người. Cuộc sống văn học sôi sục. Giới trí thức mang theo mình sang đất bạn cái "Tổ quốc xách tay" (từ dùng của Heine) - đó là tiếng mẹ đẻ. Nhiều tạp chí, báo Nga ra đời, các nhà xuất bản cũng hoạt động rầm rộ. Hơn hai tháng ở Berlin Tsvetaeva không thiết lập được quan hệ với một nhóm Nga kiều nào. Bà thấy mình xa lạ, thơ của bà không được đón nhận, những cách tân của bà bị cho là chơi "trộ".
Trong thời kỳ ở hải ngoại, sáng tác thơ ca của Tsvetaeva trở nên hiện đại hơn, mang một vài đường nét của chủ nghĩa vị lai, mà điểm rõ rệt nhất là sự tự do của câu chữ. Đây là một trong những đóng góp của chủ nghĩa vị lai vào việc hiện đại hóa hình thức thơ ca giai đoạn đầu thế kỷ XX, đoạn tuyệt với thi ca truyền thống. Sự tiệm cận với thi pháp của chủ nghĩa vị lai ở Tsvetaeva cũng chỉ dừng lại ở đó. Trong thơ của bà ta không bắt gặp những so sánh hay liên tưởng tùy hứng kiểu như Đám mây mặc quần của Maiacovsky, hay tệ hơn là những phát ngôn lập dị, cực đoan, phi thẩm mỹ của Kruchenikh như Bài thơ thuốc mỡ [6]. Thơ Tsvetaeva về căn bản thể hiện cảm quan lãng mạn chủ nghĩa khá rõ. Những liên tưởng xuất hiện trong thơ bà, dù có táo bạo đi chăng nữa, vẫn đảm bảo tính "có nghĩa" của nội dung biểu đạt.
Trong tiểu luận "Nhà thơ nói về phê bình" chính bà đã viết: "Sáng tạo - đó là sự kế thừa và tiệm tiến. Tôi ở năm 1915 cắt nghĩa về mình ở năm 1925. Niên biểu - đó là chìa khóa để thấu hiểu. - Tại sao thơ chị lại khác nhau như thế? - Bởi vì năm tháng khác nhau". Thời kì này Tsvetaeva viết tập thơ lớn là "Cây rừng" dành tặng một người bạn là Anna Teskova, bên cạnh đó là "Trường ca Núi" và "Trường ca Kết thúc".
Vào đầu những năm 30, trước Tsvetaeva đặt ra một vấn đề cấp thiết, đó là nhìn nhận bản thân không chỉ như một cá thể mà là một Nhà thơ, Người sáng tạo. Thi ca giờ đây được bà gắn chặt với bổn phận và nghĩa vụ. Với hai tiểu luận "Nhà thơ và thời đại" và "Nhà thơ với lịch sử và nhà thơ không có lịch sử" Tsvetaeva đã xác lập những nguyên tắc nền tảng trong thi pháp của mình.
Năm 1934 Tsvetaeva công bố "Nhà thơ với lịch sử và nhà thơ không có lịch sử" - một trong những bài báo cương lĩnh của mình. Ở đó, Tsvetaeva chia tất cả các nghệ sĩ ngôn từ thành hai dạng.
Dạng thứ nhất là những nhà thơ "mũi tên", có nghĩa là những nhà thơ của ý nghĩ và sự phát triển, những nhà thơ phản ánh sự thay đổi của thế giới và họ cũng thay đổi cùng với sự chuyển động của thời đại - đó là "nhà thơ với lịch sử". "Nhà thơ với lịch sử là nhà thơ của các chủ đề. Chúng ta luôn biết họ viết về cái gì, mà nếu như có không biết đi chăng nữa, thì cũng vẫn nhận ra họ đi về đâu sau khi họ hoàn tất chặng đường của mình (họ có cái đích của mình)... Nhà thơ với lịch sử trước hết là nhà thơ của ý chí,... họ vứt bỏ tất cả những gì không nằm trên đường "mũi tên" của họ". Tsvetaeva xếp Pushkin vào dạng này.
Dạng thứ hai là những "nhà trữ tình thuần túy", là nhà thơ của cảm xúc, của "vòng tròn" - đó là nhà thơ "không có lịch sử". Bà xếp mình và nhiều nhà thơ cùng thời mà bà yêu quý như Anna Akhmatova, Mandelshtam, Pasternak vào dạng này. Một trong những đặc điểm của "nhà thơ của vòng tròn"- đó là đắm chìm một cách trữ tình vào chính mình, từ đó dẫn tới cách li với cả cuộc sống thực tại. Những nhà trữ tình chân chính tự khép kín mình, vì thế mà "không phát triển": "Trữ tình thuần túy sống bằng cảm xúc. Luôn luôn là cảm xúc - chỉ một mình cảm xúc. Cảm xúc không có sự phát triển, nó không có logic. Nó không trước sau như một. Chúng được ban cho ta ngay tức thì, tất cả, tất cả những cảm xúc mà một lúc nào đó ta sẽ phải trải qua; tựa như ngọn đuốc, từ lúc sinh ra đã được đặt vào lồng ngực". Nhà thơ không có lịch sử không có ao ước rõ rệt về mục đích. Bản thân họ cũng không biết rằng cơn lốc trữ tình sẽ mang gì đến cho mình. Nhà trữ tình không có gì để nắm lấy: không có bộ khung cốt truyện, không có thời gian biểu bắt buộc ngồi sau bàn làm việc. Nhà thơ không có lịch sử đến với thế giới không phải để nhận biết, mà là để nói. Nói cái mà họ đã biết, tất cả những gì họ biết (nếu nó có nhiều), và nói duy nhất một điều họ biết (nếu nó chỉ có một). Họ đến với thế giới để cho mọi người biết về mình. Thơ và số phận của họ luôn là một thể thống nhất. Suy nghĩ là mũi tên, còn cảm xúc là vòng tròn. Đó là bản chất của những nhà trữ tình thuần túy. Và nếu một lúc nào đó ta cảm thấy họ phát triển hay biến đổi, thì đó không phải là họ đã thay đổi mà chỉ là kho tàng ngôn ngữ của họ mà thôi.
Chiều sâu của cảm xúc và sức mạnh của sáng tạo đã cho phép Tsvetaeva trong cả cuộc đời - mà đối với bà vốn rất đặc trưng cảm quan lãng mạn về sự thống nhất của cuộc đời và sáng tác - khai thác cảm hứng thi ca từ tâm hồn bất tận, khó lường nhưng cũng vĩnh hằng như biển cả của mình. Nói cách khác, từ khi sinh ra cho tới chết, từ những dòng thơ đầu tiên cho đến hơi thở cuối cùng, bà vẫn là "nhà trữ tình thuần túy", nếu dùng cách định nghĩa của chính bà.
Một trong những nét cơ bản của "nhà trữ tình thuần túy" này là sáng tạo cá nhân, thậm chí coi mình là trung tâm. Chủ nghĩa cá nhân và tự kỉ trung tâm trong trường hợp của bà không đồng nghĩa với vị kỉ, mà biểu hiện ở cảm giác thường trực về sự dị biệt của bản thân mình và người khác.
Trong thơ Tsvetaeva những năm lưu vong sự đối kháng với thế giới và chủ nghĩa cá nhân mang tính cương lĩnh của bà có được sự luận giải cụ thể: ở vào thời đại của thử thách và cám dỗ, nhà thơ thấy mình là một trong những người còn giữ được con đường thẳng của danh dự và lòng dũng cảm, sự chân thành và lòng kiên trung: "Một vài người, không bị uốn cong, - Phải trả giá cuộc đời, sao đắt thế" (1922). Bi kịch mất nước trong thơ ca hải ngoại của Tsvetaeva biến thành trạng thái đối lập giữa bản thân bà - một người Nga - với tất cả những gì không có chất Nga nên vì thế mà xa lạ. Cái "tôi" cá thể ở đây trở thành một bộ phận của cái "chúng ta" mang chất Nga duy nhất, được nhận biết qua "những trái tim lớn không thước nào đo được". Trong "cái chúng ta" này hiện ra sự phong phú của "cái tôi" Tsvetaeva, mà với nó "Paris của các người" thật nhàm tẻ và xấu xí khi đứng cạnh ký ức nước Nga:
Nước Nga của tôi, ôi nước Nga,
Bạn đang cháy, cớ sao sáng vậy?
(Que đóm, 1931).
"Bất kỳ nhà thơ nào về bản chất đều là kiều dân, thậm chí là ở nước Nga, - M.Tsvetaeva viết trong bài báo "Nhà thơ và thời đại", - Kiều dân của Thiên giới và thiên đường trần gian của tự nhiên. Ở nhà thơ - ở tất cả những người làm nghệ thuật - nhưng hơn cả là ở nhà thơ- luôn có dấu ấn đặc biệt của sự thiếu thích nghi, theo đó thậm chí trong nhà của chính họ, bạn cũng sẽ vẫn nhận ra đâu là nhà thơ".
Toàn bộ thơ trữ tình của Svetaeva thực chất là thứ trữ tình của cuộc đời lưu vong nội tại khỏi thế giới, khỏi cuộc sống, khỏi bản thân. Thế kỷ XX với nhiều tai ương bà không thấy thích hợp với mình, bà bị cuốn hút bởi thời lãng mạn trong quá khứ, giống như khi sống lưu vong - bà lại nhớ về nước Nga trước Cách mạng:
Nhà cao đến tận sao, bầu trời thấp xuống
Mặt đất trong khói nồng càng thấy gần hơn.
Ở Paris hân hoan và rộng lớn
Mà sao tôi vẫn thế - một nỗi buồn.
Những đường phố trong buổi chiều tấp nập
Đã tắt rồi tia nắng cuối hoàng hôn.
Khắp mọi nẻo chỉ những đôi uyên ương
Run rẩy những bờ môi, cả gan từng đôi mắt.
Tôi ở đây một mình. Lên cây dẻ
Ngả mái đầu, bỗng thấy ngọt ngào sao!
Câu thơ của Rostand trong tim nức nở
Ở Mạc Tư Khoa không biết thế nào.
Paris về đêm thấy xót thương và xa lạ
Lòng chỉ vui cơn mê sảng ngày qua!
Về với nỗi buồn, tôi đi về nhà
Dịu dàng quá bức chân dung ai đó.
Ở nhà có ánh mắt ai buồn bã
Có một hình nghiêng âu yếm trên tường.
Người chịu cực hình* và Rostand
Và cả Sara - đều đi vào giấc ngủ!
Ở Paris rộng lớn và hân hoan
Tôi mơ về cỏ hoa và mây trắng
Tiếng cười xa hơn, gần hơn chiếc bóng
Và một nỗi đau sâu thẳm trong lòng
(Ở Paris, Thúy Hằng dịch)
Có một điểm đáng chú ý là thái độ của Tsvetaeva với phạm trù thời gian. Trong bài thơ "Lời khen cho thời gian" (1923) bà có khẳng định, rằng "tôi sinh ra bên ngoài/ Thời cuộc!" - thời của bà đã "lừa dối" bà, "đo đạc" bà, "hạ thấp" bà, nhà thơ "không theo kịp" thời cuộc. Thời đại của bà đã không cần đến bà. Bà bị gạch khỏi danh sách "những người sống"... như nhiều nhà thơ khác trong thế kỷ Bạc của văn chương nước Nga. Trong bài báo "Nhà thơ và thờiđại", bà từng ước: "Giá như giữa nhà thơ và dân chúng đừng có nhà chính trị", "ở nước Nga, cũng như ở thảo nguyên hay trên biển, có thể nói thỏa thuê, miễn là ta được cho phép nói". Tsvetaeva chưa bao giờ thấy mình được thỏa sức vùng vẫy cùng thời đại, "thời đại của tâm hồn" bà luôn luôn là những năm tháng đã qua và không trở lại. Ở hải ngoại, nước Nga trước Cách mạng đối với bà trở thành không những là tổ quốc thân yêu đã đánh mất, mà còn là "thời đại của tâm hồn".
Nghèo đói và bị ghẻ lạnh, Tsvetaeva sống gần như cô độc trong cộng đồng tư sản Nga kiều ở nước ngoài, bởi những gì bà viết không phải là những gì họ muốn, nhất là khi chủ đề liên quan tới nước Nga. Dù thế nào Tsvetaeva vẫn luôn giữ mình là nhà thơ hoàn toàn độc lập, không chịu sự áp đặt, trung thực với mình và chân thành trong xúc cảm. Nước Nga đối với bà là để nhớ, chứ không phải để căm thù. Bi kịch lớn nhất như chính bà diễn tả - đó là: "Độc giả của tôi ở lại nước Nga, nơi thơ tôi... không tới được", "Ở đây không cần tôi, còn về đó thì tôi không thể". Nỗi nhớ nước Nga trở thành nỗi đau trong trái tim bà. Mười hai năm từ ngày rời nước Nga, nếm trải đủ cay đắng nơi xứ người, năm 1934, bà viết bài thơ nổi tiếng Buồn nhớ quê nhà, nơi bà một mực phủ nhận tình yêu trong khi thực chất vẫn hết lòng nuôi dưỡng nó.
Buồn nhớ quê nhà! Đã từ lâu
Là trò ồn ã bị phơi bày!
Tất thảy với tôi nào khác gì đâu -
Ở đâu cũng hoàn toàn đơn lẻ
Sống, cặp kè chiếc bao đi chợ
Chân bước lê đường nào dẫn về nhà
Vào nhà rồi mà cũng chẳng nhận ra
Nhà mình, ngỡ nhà thương hay trại lính.
Đối với tôi, có khác gì đâu
Bị cầm tù sư tử đứng xù lông
Xù với ai, giờ đằng nào chẳng thế
Bị hắt hủi khỏi giới người, thì người đâu chả vậy
Ắt phải thu mình vào trong nỗi đơn côi.
Như con gấu Kamchatka thiếu tuyết
Nơi không thuận hòa (tôi đâu có thiết!)
Chốn phải hạ mình - thấy chẳng khác nhau.
Chẳng nao lòng khi nghe tiếng quê hương
Cái tiếng gọi của dòng sữa mẹ.
Tôi thờ ơ, dù có ai gặp đó
Thấy mình đây, mà đâu hiểu được mình!
(Người độc giả, kẻ ngốn hàng tấn báo
Kẻ ngồi lê đôi mách chuyện tầm phào...)
Họ là người của thế kỷ hai mươi
Còn tôi - thuộc về muôn thế kỷ!
Chết lặng người, cứng đờ như súc gỗ,
Bị bỏ bên lối đi giữa hàng cây
Tất thảy, tất cả với tôi, đều vậy
Và có lẽ hơn hết thảy đó là -
Những gì thân yêu đã có từ xưa
Mọi dấu tích nơi tôi, những ước vọng
Những tháng ngày giờ trút đi sạch bách
Hồn tôi xưa - giờ đâu đó lang thang
Chốn quê tôi không bảo vệ được tôi
Nên đến cả điệp viên tinh tường nhất
Suốt dọc, ngang - hồn tôi xẻ nát
Cũng chẳng tìm ra một dấu vết nào!
Nhà xa lạ, thánh đường vắng ngắt,
Tất cả - như nhau, tất thảy - một khối chung.
Nhưng nếu ở bên đường - cây vẫn mọc
Nhất lại là - một bụi thanh lương trà...
Nỗi niềm xa xứ chua chát của Tsvetaeva không ở đâu được bộc lộ đậm đặc như ở bài thơ này. Lời thơ phũ phàng, nhưng vị cay, chất đắng đọng ở từng câu chữ khiến ta chợt nghĩ: liệu xúc cảm thật của nhà thơ/ nhân vật có phải như những gì hiện trên bề mặt?
Bài thơ mở đầu bằng một tuyên bố "gây sốc", một khẳng định cực đoan theo đúng phong cách của Tsvetaeva, nôm na có thể hiểu là: Buồn nhớ quê nhà ư? Làm gì có! thứ tình cảm đó cũ lắm rồi! Hai dấu chấm than cho thấy, rõ ràng, lời tuyên bố được nói với ngữ điệu biểu cảm sắc nét. Brodsky nhận xét, cực đoan thường là điểm bắt đầu các bài thơ của Svetaeva, cực đoan đối với bà không hẳn là điểm kết của cái được nhận thức ra, mà đúng hơn là điểm khởi đầu cho điều chưa nhận biết [1]. Hành trình đi tìm điều đó là hành trình Tsvetaeva khám phá chính mình. Cũng như vậy, ở đây, bà vội vàng phủ nhận tình cảm với quê hương - vì sao? và có thật là như vậy? - đó là ẩn số của lòng bà.
Thơ của Tsvetaeva được nhận biết qua âm vang đặc biệt, qua nhịp điệu không trộn lẫn và ngữ điệu không giống ai. Thế giới mở ra với bà không phải trong màu sắc mà trong âm thanh. Trong thơ bà không có dấu vết của sự yên ả, thanh bình. Bà là dông tố cuộn lên trong những chuyển động điên cuồng. Thơ Tsvetaeva phá vỡ không thương tiếc dòng chảy của những nhịp điệu quen thuộc đối với thính giác, phá hủy giai điệu bằng phẳng, êm ái của ngôn từ thi ca. Tsvetaeva nói rằng bà không tin vào những vần thơ trôi chảy. Bà biết cách xé nhỏ dòng thơ thành những phần tử nhỏ, thành các từ, thậm chí các vần, quăng chúng trong câu thơ theo những mục đích ý nghĩa khác nhau.
Sức mạnh của thơ Tsvetaeva không nằm ở những hình ảnh thị giác, mà ở dòng chảy mê đắm của các nhịp điệu biến đổi liên tục, lôi kéo, cuốn hút - một nhà thơ đã nói như thế về đặc điểm thơ Svetaeva. Khác với những nghệ sĩ cùng thời, bà đã thay đổi căn bản thái độ đối với ngôn từ và thế giới vật thể trong thơ. Vật thể trong thơ bà tồn tại không như một sự đã rồi về mặt thời gian, mà như độ dài của nhịp điệu. Vốn từ thơ ca của bà đưa lại không nhiều những cái có thể giúp cắt nghĩa tài năng của nữ sĩ, mà thơ của bà đích thực là một "thể nghiệm tuyệt diệu kết nối ngôn từ thông qua nhịp điệu".
Các câu thơ trong bài thơ trên không được hiệp vần đều đặn (ở mỗi khổ, câu 1-3 bắt vần với nhau, trong khi câu 2-4 thì không), một câu thơ hoàn chỉnh thường xuyên bị "bẻ gẫy" một cách không thương tiếc thành những từ tách biệt, vắt từ khổ này qua khổ khác, phá vỡ cấu trúc cú pháp (khổ 1 vắt sang khổ 2 bằng ý thơ cuối cùng, tương tự như thế với khổ 3-4, 5-6 và 7-8), khiến nhịp điệu thơ hoàn toàn mất đi sự uyển chuyển, êm đềm - đây cũng là một trong những điểm dễ nhận biết nhất của thơ Svetaeva, xuất hiện ngay từ những bài năm 1918 -1920 (chỉ có hai tập thơ đầu tiên là "Album chiều" và "Cây đèn huyền diệu" của bà là ít nhiều còn mang dáng vẻ cổ điển). Điểm kết của dòng thơ không phải là điểm kết của câu thơ, và đến lượt mình, câu thơ cũng không thể trọn vẹn nằm trong khổ, mà phải tràn sang khổ khác... - đọc Tsvetaeva đòi hỏi phải tập trung, hơn thế, phải biết lắng nghe âm thanh của nó:
Thơ Tsvetaeva mang tính nhạc (đặc tính này bà thừa hưởng từ người mẹ) nhưng không theo hướng du dương, êm ái, mà ngược lại, nhịp thơ như bị xô đẩy, nôn náo theo từng đợt cao trào cảm xúc, nó tái hiện lại tâm trạng vò xé, bất an và mâu thuẫn của bà. Ở bài thơ này, nhịp thơ hoàn toàn không bình thản, nó lúc nhanh, lúc chậm, lúc dồn dập, vội vã, lúc lại ngưng, ngắt, trùng xuống, tái dựng lại vô số cung bậc cảm xúc mà nhà thơ/nhân vật đang trải qua khi nói về Tổ quốc: buồn tủi, giận hờn, bất cần, tiếc nuối,... và hơn hết thảy là nỗi chua xót, cay đắng cho tình trạng không chốn dung thân. 7 dấu chấm than trong toàn bài cho thấy tính biểu cảm cao của lời độc thoại: cho dù nhà thơ/nhân vật đã nhận thức sâu sắc và rõ ràng về tình trạng của mình, song vẫn không thể bình tĩnh mà nói về nó, vẫn xúc động mỗi lần chạm tới vết thương lòng. 10 khổ thơ có tới 17 dấu gạch ngang khiến mạch thơ liên tục bị ngắt nhịp. Gạch ngang là loại dấu câu ưa dùng của Tsvetaeva. Brodsky nói, khó tìm được nhà thơ nào biết cách sử dụng một cách điệu nghệ lối ngắt nhịp và vắt dòng như Tsvetaeva, và quan trọng là điều này không phải là sự tìm kiếm kỹ thuật đơn thuần mà là sản phẩm tự nhiên của chủ đề mà bà đang nói tới.
Trong tiếng Nga, gạch ngang là dấu câu có khả năng diễn tả nhiều nghĩa nhất, nó đại diện cho mọi khiếm diện, và vì thế nó hàm ý về cái được biểu đạt nhiều hơn cái biểu đạt. Trong Buồn nhớ quê nhà, mỗi gạch ngang tạo một nhịp ngắt, ở đâu có gạch ngang, ở đó có điều nhà thơ muốn nhấn mạnh.
Trạng thái ly khai đầy bi kịch, nỗi cay đắng bị ruồng bỏ, không mái nhà, không gì thân thuộc... được nhà thơ/nhân vật thể hiện qua 7 lần lặp lại trong bài cùng một ý thơ: "đối với tôi, sống ở đâu cũng thế mà thôi, vì ở đâu tôi cũng lẻ loi, không ai thấu hiểu". Gần như cả đời mình, Tsvetaeva đã sống trong cô độc, bất kể ở đâu. Khi còn ở Moskva những năm cách mạng, vì là vợ một sĩ quan bạch vệ, nên Tsvetaeva khó sát cánh bên tất cả mọi người, bà luôn thấy mình là người có lỗi. Đến khi ra nước ngoài, những nhận thức khách quan của bà về nước Nga mới, nước Nga Xô viết, lại một lần nữa tách bà ra khỏi tầng lớp tư sản lưu vong ở đó. Buồn nhớ quê nhà là lời tổng kết đắng cay của cuộc đời, là những thổ lộ đậm màu sắc hiện sinh: bà tự ý thức về mình trong thì hiện tại - Ở đây và bây giờ. Để làm được điều này cần có lòng can đảm. Bà ví mình như "sư tử bị giam cầm" (thì ở đâu cũng vậy), như "gấu Camchatca sống màkhông có tuyết" (thì có sống yên lành, hay sống phải hạ mình cũng có khác gì đâu). Điều cốt lõi đã mất - đó là mối liên hệ với quê hương - thì mọi thứ còn lại nào còn ý nghĩa gì? Nhà không có, niềm tin đánh mất (Nhà xa lạ, thánh đườngvắng ngắt), chỉ còn lại một con đường - dựa vào chính bản thân mình. Chủ nghĩa lãng mạn mới không định hình ở Nga như một trào lưu, nhưng trong sáng tác của Svetaeva ta có thể thấy đường nét của thế giới quan lãng mạn - đó là nỗi cô đơn của cái "tôi" trong thế giới và sự tự tin vào vị thế đặc biệt của cái tôi đó (Họ là người của thế kỷ hai mươi/ Còn tôi - thuộc về muôn thế kỷ!).
38 dòng thơ là lời độc thoại phủ nhận nỗi nhớ quê hương, nhưng tất cả đều bị lật ngược bởi hai dòng thơ cuối: Nhưng nếu ở bên đường - cây vẫn mọc/ Nhất lại là - một bụi thanh lương trà... Chính vì Tổ quốc luôn ở trong tim nên mới có lời tâm sự đắng cay về số phận không chốn đi về. Chính vì nhà thơ/ nhân vật quá nặng lòng về Tổ quốc, nên bằng mọi ngôn từ mới cố chứng minh rằng mình không yêu nó. Dấu ba chấm đặt cuối bài thơ có ý nghĩa trút bỏ toàn bộ tấm lá chắn mà nhân vật dựng lên cốt để giấu đi tấm lòng thật của mình. Cây thanh lương trà còn làm bà xao xuyến, có nghĩa là bà vẫn còn gắn bó với quê hương.
Thanh lương trà là hình tượng xuất hiện nhiều trong thơ Svetaeva, bà coi đó là biểu tượng cho số phận đời bà.
Chùm thanh lương thắm đỏ
Rực lửa thanh lương trà.
Rụng rơi những chiếc lá.
Ngày đó tôi sinh ra.
Cả hàng trăm cây chuông
Hàng trăm chuông tranh cãi.
Hôm ấy ngày thứ bảy:
Là ngày hội Thánh Giăng.
Cho đến tận hôm nay
Tôi vẫn thèm được cắn
Chùm thanh lương cay đắng
Nóng bỏng thanh lương trà.
Thanh lương trà và lá rụng mùa thu đối với Tsvetaeva mang nhiều ý nghĩa hơn là những hiện tượng tự nhiên. Bà sinh ra vào mùa thanh lương trà chín (26/9/1892), hoa đỏ thắm, nhưng lá bắt đầu rơi. Tsvetaeva lấy đó làm ngôi sao chiếu mệnh của mình, cuộc đời bà rồi cũng đắng cay như loài cây ấy.
Thanh lương trà không chỉ tượng trưng cho số phận của riêng bà. Đối với Tsvetaeva, nó tượng trưng cho cả số phận nước Nga:
Thanh lương trà
Bị chặt
Còn tươi.
Thanh lương trà -
Số phận
Đắng cay.
Thanh lương trà -
Bạc đầu
Rủ xuống.
Thanh lương trà!
Số phận
Nước Nga.
12 dòng thơ - 12 từ (trong nguyên bản), mỗi từ ít hay nhiều đều gắn với nhau bởi liên kết thanh âm, cũng có nghĩa là liên kết ngữ nghĩa. Cả bài thơ là một thể duy nhất và bền chặt.
Không gì đau đớn hơn chủ đề nước Nga, nhưng cũng không gì vững bền hơn sự gắn bó với văn hóa tinh thần dân tộc. Nước Nga, Số phận, Thanh lương trà - ba khái niệm có cùng chung nghĩa. Một bụi thanh lương trà nơi xa xứ, hơn hết thảy, đưa Tsvetaeva trở về với nỗi nhớ quê nhà. Có lần bà nói với A.Teskova - một người bạn Tiệp của mình: "Tổ quốc không phải là lãnh thổ theo quy ước, mà là sự bất biến của ký ức và huyết thống. Không ở nước Nga, quên mất nước Nga - điều này chỉ xảy ra với những ai tư duy nước Nga tách biệt với mình. Còn với ai có nước Nga bên trong mình thì sẽ chỉ mất nước Nga khi cuộc đời mình mất".
Ý nghĩa cuộc đời của Tsvetaeva không chỉ ở thi ca mà ở cả niềm mong mỏi được sống vì những người thân. Một khi chồng đã ở nước Nga, bà còn gì ở nước ngoài nữa mà không trở về. Năm 1939 Marina Tsvetaeva trở về Tổ quốc. Nhưng nước Nga đã khác với ngày xưa, nó khắc nghiệt với tất cả những ai từng sống ở nước ngoài, cho dù họ đã hồi hương. Chồng và con gái bà bị bắt, sau đó chồng bị giết. Khi Pasternak biết về sự trở về của bà, ông nói: "Cô ấy trở về vô ích, không hợp thời, - sau đó ông nghĩ và nói thêm - nhưng biết khi nào mới là hợp thời trong cái thời đại chết yểu này?". Quá chật vật trong cuộc mưu sinh, tuyệt vọng và cô độc, ngày 31 tháng 8 năm 1941 Svetaeva đã treo cổ tự vẫn. Chốn quê tôi không bảo vệ được tôi - lời bà nói trong bài thơ Buồn nhớ quê nhà hoá ra là lời định mệnh. Xa nước Nga, bà không sống nổi vì nhớ nó; trở về nước Nga - bà cũng không thể sống. Nếu số phận bắt bà phải chết, Tsvetaeva đã chọn chết trên chốn quê mình.
"Một phụ nữ vĩ đại, có khi là vĩ đại nhất trong số tất cả những người phụ nữ từng sống trên trần gian, với nỗi phẫn nộ tuyệt vọng, đã nức nở:
Nhà xa lạ, thánh đường vắng ngắt...
Tên người phụ nữ đó là Marina Tsvetaeva" - vài chục năm sau cái chết của bà, Evgheni Evtusenco đã viết như vậy, đoán định ra bi kịch căn bản của đời bà - bi kịch của sự cô đơn và cảm giác về sự không cần thiết của mình...
Ghi chú:
[1] Khi được trao giải Nobel, Brodsky đã nói, cần trao giải này không phải cho tôi mà cho bốn nhà thơ vĩ đại khác là Akhmatova, Pasternak, Mandelshtam và Tsvetaeva. Trong số bốn người thì M.Tsvetaeva là người gần gũi nhất với ông về tâm hồn. Họ hiểu nhau dù không sống cùng thời: Brodsky sinh năm 1940, một năm sau thì Tsvetaeva mất. Không rõ vì sao ông rất ít nói về thơ Akhmatova hay Mandelshtam, nhưng về Tsvetaeva ông viết và nói khá nhiều, dành riêng cho bà vài bài tiểu luận lớn.
Nguyễn Thị Thu Thủy
Nguồn: Tạp chí Thơ
Theo http://vanvn.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chúng tôi là chó 1.  Dĩ nhiên bạn không phải là chó. Tôi xin lặp lại: “Tôi là chó!”. Từ “chó” nhạy cảm với bạn ư? “Chó” thì xấu sao? ...