Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2019

Chuyện đời, chuyện nghề

Chuyện đời, chuyện nghề
Một cuốn sách thật sự hấp dẫn về con người và văn hóa nơi cực Nam của tổ quốc. Mong nó đến được với nhiều bạn đọc, chí ít thì nó cũng rất hữu ích cho những nhà khảo cứu văn hóa.
VÕ ĐẮC DANH HÒA TAN MÌNH VÀO THỜI ĐẠI
LÀM NÊN NGÒI BÚT PHƯƠNG NAM
(Viết về cuốn “Chuyện đời, chuyện nghề”. Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2019)
Đọc cuốn tự sự của Võ Đắc Doanh, một cây bút sinh trưởng nơi Đất Mũi Cà Mau nơi tận cùng tổ quốc mà tôi đã có dịp đi tua du lịch mấy ngày, trong đầu tôi bỗng nổi lên một ý nghĩa: cây bút phương Nam, nơi lõng bõng nước, nơi sơn cùng thủy tận của đất nước, mênh mông, nghèo nàn, lạc hậu… tôi bỗng nhớ đến loại hình âm nhạc dân dã “đàn ca tài tử” miền Nam… Tóm lại trong đầu tôi chỉ gợn lên một mặt phẳng bình bình như đất đai dân dã của miền Tây Nam Bộ, từ đó khó mà nhô lên một đỉnh thi sơn?!
Tôi cứ đọc và bỗng giật mình, tôi rất khoái trí và tâm đắc ý tưởng của nhà văn Tạ Duy Anh, người nổi tiếng ngay bước chân đầu tiên khi bước vào văn học với truyện ngắn “Bước qua lời nguyền” đã nói: “Là nhà văn dường như phải có tên gọi nào đó tương xứng với thân phận cầm bút của mình, cây bút nào nếu tên xoàng quá thì khó mà trở thành nhà văn lớn”. Tôi liền nhìn lại cái tên của tác giả cuốn tự sự “Chuyện đời, chuyện nghề”. Cái tên Võ Đắc Danh thật là có ý nghĩa, không biết đó là tên cha mẹ chọn, tác giả chọn tên bút danh hay là số phận chọn?! Nhưng đó là cái tên thật khít với tác giả: người họ Võ mà thủ đắc Danh?!.
Văn phong của tác giả rất nhiều ngôn ngữ dân dã của Nam Bộ. Người Nam Bộ có ưu thế về ngôn ngữ ư? Không! Tôi không cho là như vậy, nhưng cái chính là: tác giả đã tiến hành một điều căn bản nhất thuộc về mỹ học, đó là: Chân Thiện Mỹ. Tác giả sinh trưởng ở đâu, thì nói và viết ngôn ngữ ở đấy, trên cả mức đó, tác giả là người muốn làm giầu cho ngôn ngữ của quê hương mình. Văn học chính là bức chân dung cũng như tâm tưởng của dân tộc và thời đại, và chính Võ Đắc Danh đã cố làm điều đó một cách xứng đáng nhất. Đọc tác giả, người ta thấy cách sống, cách mưu sinh, cách sinh hoạt, cách nghĩ của người dân Nam Bộ, nơi chỗ nào cũng mênh mông nước và gió cũng như những nỗi buồn vô định không xác định nổi những đường viền?!
Võ Đắc Danh viết trong vai trò một người sinh ra và lớn lên nơi đất Mũi, một người làm chứng, một người mang bổn phận làm thư ký hiếm hoi nơi vùng đất giầu sản vật nhưng nghèo truyền thống chữ nghĩa… Nhưng điều quan trọng nhất, là anh viết trong vai trò người LÀM CHỨNG! làm chứng không chỉ cho xóm làng và xã hội, mà làm chứng ngay tại gia đình mình như một hạt nhân đầu tiên mở ra xã hội. Khi Chúa Jesus từ trời xuống thế nhập thể làm người, Ngài cũng đã nói về xứ mệnh cao cả nhất của thánh thần lẫn con người là: “Ta đến để làm chứng cho sự thật!”
Các nhà mỹ học cho rằng: cái gì chân thật vừa hấp dẫn vừa mang giá trị nhất. Từ cái Chân, người ta mới có thể làm nên cái Thiện, rồi sau đó mới là cái Đẹp (tức Mỹ). Võ Đắc Danh sinh trưởng trong nhà một cán bộ kháng chiến, mẹ là Người mẹ Việt Nam anh hùng, cha mẹ đánh bạn với bà Hồng Châu vợ thi sí nổi tiếng Nguyễn Bính, bản thân thì truân chuyên chữ nghĩa từ bé, học vẽ, học văn giỏi nhất trường, học nghề nhiếp ảnh, rồi vừa xin vào tòa soạn báo, viết thử bài đầu tiên đã được nhận liền…
Võ Đắc Danh viết rất thành thật về các chuyện của mình, từ lời mẹ dặn: “Học càng cao càng tốt. Chiến tranh kéo dài như vậy, biết tới chừng nào mới yên. Mầy phải học, mai mốt tới tuổi lính, có đi theo con đường của ba mầy thì người ta sẽ cho làm việc ở văn phòng, không phải cầm súng xông ra lằn tên mũi đạn”.
Và về cậu Bảy, em trai út của mẹ, theo kháng chiến không chịu nổi khổ sở bỏ về, đi lính Cộng Hòa cũng bỏ về, rồi bỏ tiền cho người khác đi lính hộ để mình làm “lính kiểng”…
Trôi theo cuốn sách của Võ Đắc Danh, từ gia đình, đến yêu đương, rồi vụ va chạm “án” văn chương báo chí với nhà thơ gạo cội Trần Mạnh Hảo, bị thu cả thẻ nhà báo… tôi mới phát hiện ra một điều rất hệ trọng của tác giả. Tác giả viết sách tự sự, cũng gọi là bút ký, hay hồi ký, thường phải là những người có danh phận lớn như tổng thống hay tướng tá, hoặc những nhân vật nổi danh chấn động thiên hạ, đằng này, Võ Đắc Danh chỉ là anh nhà báo ở phương Nam lạc hậu xa lắc xa lơ, thì có gì để viết hồi ký về đời và nghề của mình nhỉ? Nhưng tại sao anh ta viết lại hay, có duyên, và hấp dẫn thế? Viết thế thì khác nào chỉ tự sướng?! Nhưng tôi đã khám phá ra: Võ Đắc Danh viết vậy mà chúng ta vẫn đọc vì anh đồng hóa mình vào miền đất quê hương, đồng hóa vào thời đại của mình, anh không chỉ là nhân chứng mà anh còn là đồng hành, đồng nhân, đồng bào với tất cả những gì cùng và với quê hương! Anh vừa là hạt nhân, vừa là bản chân, cũng như bản lai diện mục văn hóa của mảnh đất phương Nam cũng như thời đại mà anh đã và đang sống. Võ Đắc Danh đã làm chứng cho sự thật của quê nhà cả sự kiện, thổ nhưỡng, cũng như bản thể con người và văn hóa của vùng đất phương Nam mà rất ít người có thể thay thế được anh nơi vùng đất đó.
Một cuốn sách thật sự hấp dẫn về con người và văn hóa nơi cực Nam của tổ quốc. Mong nó đến được với nhiều bạn đọc, chí ít thì nó cũng rất hữu ích cho những nhà khảo cứu văn hóa.
9/9/2019
Nguyễn Hoàng Đức
Theo http://sachvan.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết ở lại với Sài Gòn, nghĩ về hạnh phúc sớm mai! Tôi mua vé máy bay về Nha Trang ăn tết đúng vào ngày số ca mắc COVID-19 ở TP.HCM lên m...