Thứ Hai, 2 tháng 9, 2019

Còn có một nhà thơ, họa sĩ trong Nhất Linh

Còn có một nhà thơ, 
họa sĩ trong Nhất Linh
Chúng ta thường được biết Nhất Linh là một nhà văn với những tác phẩm nổi tiếng như Đoạn Tuyệt, Đôi Bạn, Gánh Hàng Hoa..., con chim đầu đàn của nhóm Tự Lực Văn Đoàn trong giai đoạn 1930-1945. Nhắc đến nhà văn Nhất Linh tôi không làm sao quên được bài văn Nhặt lá bàng trích trong tập Đôi bạn mà thế hệ tôi đã được học thời trung học đệ nhất cấp (từ lớp 6 tới lớp 9 bây giờ), nhiều người trong chúng ta yêu văn Nhất Linh đâu biết rằng trước khi trở thành nhà văn, Nhất Linh đã là nhà thơ, họa sĩ. Tình cờ đọc hai bài viết của Nguyễn Tường Thiết con trai út của Nhất Linh: Người thừa trong làng thơ ”Thi sĩ” Nhất Linh  và Hai vẻ đẹp của Nhất Linh, thì chúng ta mới biết thêm một khía cạnh mới về cuộc đời của ông: còn có một nhà thơ, họa sĩ trong con người Nhất Linh. Tôi xin được lược ghi, sắp xếp lại  những ý chính  hợp với chủ đề bài viết để chúng ta cùng tham khảo, tìm hiểu.
* 1- Nhất Linh biết làm thơ rất sớm, rất mê làm thơ và lòng mê thơ nầy đã theo ông đến tận cuối đời. Trong mấy trang hồi ký viết còn dang dở “Đời thi sĩ” viết năm 1959, lúc 10 tuổi phải rời Hà Nội về Cẩm Giàng, cậu thi sĩ nhỏ tuổi đã làm một bài thơ ngắn tả cảnh làng quê Cẩm Giàng:
Hai bên trắng nước chảy te te
Cầu ngang bắc lại tí tẻ te
Bầu giời ngõ trắng tròn xoe xoe
Chim kêu ríu rít cảnh buồn te.
Cậu bé Nguyễn Tường Tam khi làm bài thơ đó đâu ngờ rằng mình là người làm “Thơ mới” đầu tiên của nước Việt Nam phải đến gần hai mươi năm sau khi phong trào thơ mới ra đời, chàng thi sĩ nhỏ tuổi thời ấy mới nhận thức được điều đó.
Sau nầy vào thời kỳ báo Phong Hóa cổ động cho phong trào thơ mới Nhất Linh mới viết ít bài, như bài thơ mới “Cái vui ở đời” viết nam 1932:
Một buổi sáng mùa hạ
Công việc đã xong
Người nhàn nhã
Ngoài vườn nắng
Giải sen hoa lốm đốm trắng
Mấy gốc hoàng lan hương đưa ngát
Trên con đường mát
Ánh nắng như thêu hoa
Tiếng chim khuyên như sinh ca
Nóc nhà gạch đỏ tươi
Hôm nay mới thấy có cái vui
Sống ở đời
Bài thơ cuối trong đời làm báo của Nhất Linh là bài Dân Quê. Bài ấy làm cho báo Phong Hóa (đăng bài thơ ấy) suýt bị đóng cửa, ông bị mời ra ty kiểm duyệt và báo bán tăng thêm được hai nghìn số.
DÂN QUÊ
Cảnh thì cảnh bùn lầy và nước đọng
Dân thì nghèo vất vả làm quanh năm
Hết nắng thiêu lại gió rét căm căm
Vẫn nhem nhuốc vẫn thân trần như nhộng
Ngày ngày trên ruộng chân tay lấm
Đêm đêm về gian nhà tối tăm
Giường nan bẩn thỉu chiếu hôi hám
Bố cu, mẹ đĩ rúc vào nhau
Đàn trẻ trần truồng lăn ra đất
Đứa thì gầy còm, đứa bệnh tật
Cố sống cầm hơi chờ khi nhớn
Làm thân trâu cho trọn đời khốn nạn
Bọn đàn anh thời chúi đầu cắm cổ
Tranh nhau thủ lợn với phao câu
Theo lễ nghi quèn, nghĩ những chuyện đâu đâu
Riêng mình thú không biết rằng dân khổ
Năm 1953 Nhất Linh mới lại có dịp làm thơ, Nhưng lại làm thơ trong một hoàn cảnh khác, ở một không gian khác, thuộc một mảng đời khác. 
Trong hương trầm của đêm giao thừa năm Quý Tỵ, mắt ông như mờ đi vì thương cảm những người cũ đã khuất hoặc mất tích, đã viết những dòng sau đây kèm theo một bài thơ như một chúc thư gửi cho hậu thế:
“Những lúc ngoảnh về quá khứ, kiểm điểm công việc mình đã làm tôi thấy rõ ràng công việc tốt đẹp, lâu bền và có ích nhất của đời tôi là sự thành lập được Tự Lực Văn Ðoàn và công việc sáng tác. Nhưng Tự Lực Văn Ðoàn không thể để ngừng lại ở một số người cũ và đứng yên; người qua nhưng đoàn phải mới và tiến mãi...”
“Đã bẩy năm nay tôi mới lại có dịp làm thơ và thơ tôi vốn không hay nhưng lòng và ý thành thực là đủ rồi:
TỰ LỰC, vườn văn mới trội lên
Bỗng dưng thời thế đảo huyên thiên
Thương dăm lá cũ vèo rơi xuống
Mừng mấy mầm tươi vụt nhú lên
Mạch cũ, nhựa non rồn rập chảy
Vườn hoa xuân mới điểm tô thêm
NGƯỜI QUA, SÁCH HỌC, ĐỜI THAY ĐỔI
TỰ LỰC, DANH CHUNG, TIẾNG VẪN TRUYỀN
2 giờ sáng, mồng 1 tết năm Quý Tỵ”
Mùa hè năm 1958 Nhất Linh cho ra đời tờ nguyệt san Văn Hóa Ngày Nay. Nhiều bài thơ của ông xuất hiện trên các số báo đó, ví dụ như bài thơ nhớ Hoàng Đạo của ông đăng trên số báo Xuân Kỷ Hợi (1959):
Mắt mờ lệ nhớ người xưa
Mười năm thương nhớ bây giờ chưa nguôi
Trông hoa lại nhớ đến người,
Hoa xưa xuân cũ biết đời nào quên
Cảnh tiên còn gặp người tiên,
Đôi lòng muôn thuở còn nguyên vẹn lòng
7-1-59
Theo lời kể của Nguyễn Tường Thiết, buổi sáng ngày 7 tháng 7 năm 1963, khi hỏi thân phụ mình là Nhất Linh xem ông sẽ có thái độ thế nào trong buổi ra hầu tòa vào ngày hôm sau thì ông trả lời là sẽ chọn sự im lặng và chỉ vài giờ sau đó Nhất Linh uống độc dược tự vẫn. Ông đã chọn sự im lặng theo cung cách riêng của mình, cung cách của một nghệ sĩ, giống như một bài thơ mà Nhất Linh đã đăng trên số báo xuân tập 9 báo Văn Hóa Ngày Nay:
IM LẶNG
Chiều xuân, buổi thừa hương,
Trên sân rêu còn giãi chút ánh vàng
Ngày tàn, người, vật, dáng êm ả
Gió chiều êm êm động từng lá
Xa xa dẫy đồi nét nhịp nhàng
Con sông trắng... lửa thuyền chài... thấp thoáng trong sương
Ta ngồi nhìn ra, lặng ngắt
Để cái đẹp bao la của trời đất
Thu vào đôi con mắt
Lòng ta thảnh thơi
Như không muốn gì, không thương ai
Không buồn, không nhớ, không mong
Có cái thú bình tĩnh hư không
Như hạt muối trắng
Tan trong bát nước trong
Ông như hạt muối trắng tan trong bát nước trong, nhà thơ Nhất Linh đã thật sự thả mình vào miền tĩnh lặng mênh mông của cõi vĩnh hằng. 
* 2- Ít ai biết được trước khi đến với văn chương, Nhất Linh từng là sinh viên khóa đầu tiên của trường Mỹ Thuật Hà Nội. Bạn cùng lớp với ông có Lê Phổ, Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ,Mai Trung Thu, Lê Ang Phan…, những người mà sau nầy được xem là lớp họa sĩ tiền phong cho nền hội họa Việt Nam hiện đại.
Tháng 10 năm 2010 vừa qua một họa phẩm hiếm quí của Nhất Linh đã được bán đấu giá tại Hồng Kông. Sotheby’s nhà bán đấu giá nghệ phẩm danh tiếng cho biết lần đầu tiên một bức họa của Nguyễn Tường Tam được bày bán trên thị trường thế giới. Bức họa mang tên Cảnh Phố Chợ Đông Dương(Scène de Marché de rue Indochinois) vẽ trên vải lụa, khổ 20×36 IN, thực hiện trong khoảng năm 1926-1929, do một tư nhân bên Pháp đặt bán với giá khởi đầu 25,000-32,200 Mỹ kim.
Sotheby’s trang trọng giới thiệu bằng Anh ngữ tác giả Nguyễn Tường Tam và bức họa của ông mà Nguyễn Tường Thiết đã tạm dịch sang tiếng Việt  có những đoạn như sau:
Cảnh Phố Chợ Đông Dương đánh dấu lần đầu tiên một họa phẩm của Nguyễn Tường Tam xuất hiện trên thị trường quốc tế. Sinh năm 1905* tại Hải Dương (Bắc Việt) trong một gia đình nghèo Nguyễn Tường Tam khi còn rất nhỏ tuổi đã sớm mất cha, một vị thông phán. Mặc dù gặp nghịch cảnh khó khăn tất cả bẩy người con của gia đình Nguyễn Tường đã cố vươn lên để sau này trở thành những người nổi danh có những đóng góp đáng kể cho đất nước và cho nền văn hóa Việt Nam.
… Cảnh Phố Chợ Đông Dương với màu sắc ấm cúng và tinh tế, với đường nét duyên dáng trên vải lụa thanh tú đã thể hiện hết vẻ đẹp tuyệt vời của tranh lụa vốn là nét độc đáo của Trường Mỹ Thuật Hà Nội. Mô tả cảnh sinh hoạt rộn rịp của một ngôi chợ điển hình miền Nam bộ, với đàn bà và trẻ con làm chủ điểm, bức tranh cho thấy sự lưu tâm của người nghệ sĩ đối với đời sống xã hội, và có lẽ nó hé mở cho thấy tương lai của ông sau này là người rất nhậy cảm trước những biến chuyển về xã hội cũng như về văn hóa của đất nước ông.
… Để có thể trở thành một “nghệ sĩ tự do,” Nguyễn Tường Tam tiếp tục vẽ tranh lụa và mở vài cuộc triển lãm ở Hà Nội, Sài Gòn và Nam Vang. Không một ai biết chắc là hồi trẻ ông đã vẽ bao nhiêu bức tranh. Mặt khác những tiểu thuyết của ông được xem là có tính cách mạng và ông bị mật thám Pháp theo dõi kỹ.
… Sau năm 1929, Tam thôi vẽ và thành lập báo Phong Hóa ở Hà Nội, một tờ báo nổi tiếng và là cơ quan tiền phong cổ vũ cho sự đổi mới, đả phá những ý niệm cổ hủ thay bằng những tư tưởng tiến bộ, đưa đến sự tiến hoá về xã hội cũng như về giáo dục.
… Tam không những được xem là vị lãnh đạo trên địa hạt văn học nghệ thuật, ông còn là tiểu thuyết gia mới hàng đầu, đồng thời là một chính trị gia được nhiều người biết tới. Ít người biết ông là một họa sĩ bởi lẽ trải qua bao nhiêu biến cố và thời gian không còn bao nhiêu họa phẩm của ông sống sót. Một bức tranh với khổ khá lớn và được bảo tồn kỹ như bức tranh này, Cảnh Phố Chợ Đông Dương quả là họa phẩm cực hiếm, bởi vì không những không còn nhiều những tranh như thế tồn tại, mà còn bởi vì nó cung cấp thêm một cái nhìn quan trọng vào trong di sản của ông, một trong những người Việt Nam Mới tiền phong nổi danh. (Modern and Contemporary Southeast Asian Painting, Hong Kong 4 October 2010, trang 116)
Mặc dù sau năm 1929 Nhất Linh không sống về nghề vẽ như một họa sĩ chuyên nghiệp nhưng lòng mê say hội họa của ông vẫn theo ông cho đến cuối đời. Ông dùng tài vẽ của mình, theo từng giai đoạn, hoặc để làm báo, hoặc vẽ theo cảm hứng. Với báo Phong Hóa và Ngày Nay trước kia ông ký tên Ðông Sơn và sau này với Văn Hóa Ngày Nay ông ký tên Nhất Linh trên những bức vẽ. Phần lớn những tranh Nguyễn Tường Thiết còn giữ được của thân phụ mình là những bức mà Nhất Linh vẽ theo cảm hứng trải qua nhiều giai đoạn của đời ông.
Từ bức tranh Cúc Xưa vẽ ở Hồng Kông năm 1948,

bức Cathédrale de Bourges ở Paris năm 1954
cho đến bức Phong cảnh Ðà Lạt năm 1958…
Hoa Phong Lan của Nhất Linh (28/10/1957)
*3-TIN VUI
CÓ MỘT ĐỊA CHỈ DÀNH CHO NHẤT LINH VÀ NHÓM TỰ LỰC VĂN ĐOÀN: Vận động thành lập tủ sách "Tự Lực văn đoàn" ở Hội An (nguồn: tuoitreonline)
Thành phố Hội An đang triển khai dự án thành lập tủ sách "Tự lực văn đoàn" tại phố cổ Hội An.
Đây là dự án nhằm thu thập các tác phẩm của nhóm Tự Lực văn đoàn - tổ chức văn học đầu tiên được thành lập năm 1933 ở nước ta - gồm Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), Khái Hưng (Trần Khánh Giư), Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long), Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân), Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu), Thế Lữ (Nguyễn Thứ Lễ), Xuân Diệu, Trần Tiêu (em Khái Hưng)...
Để tủ sách ra đời, Hội An chủ động triển khai ở địa phương, đồng thời mở cuộc vận động các văn nghệ sĩ, nhà xuất bản, nhà sách, những người yêu sách, yêu Tự Lực văn đoàn và con cháu tộc Nguyễn Tường ủng hộ sách cũng như tài liệu liên quan về nhóm Tự Lực văn đoàn kể cả kinh phí mua các loại sách, tư liệu có liên quan.
Tủ sách sẽ được đặt tại không gian nhà thờ tộc Nguyễn Tường của anh em nhà họ Nguyễn Tường, đường Nguyễn Thị Minh Khai, khối Hoài Phô, phường Cẩm Phô, không xa chùa Cầu.
Theo ông Võ Phùng - giám đốc Trung tâm Văn hóa - thể thao Hội An, sau khi dự án được đưa vào sử dụng, nơi đây sẽ trở thành điểm tổ chức các hoạt động có liên quan đến "văn hóa đọc" và sự nghiệp văn chương của nhóm Tự Lực văn đoàn. Hội An cũng bố trí nơi đây thành điểm tham quan phục vụ du khách, các nhà nghiên cứu khi đến phố cổ.
* Nguyễn Tường Tam sinh ngày 25-7-1906 nhưng bởi muốn đủ tuổi để đi thi, ông đã làm lại giấy khai sinh tăng thêm một tuổi, do đấy trên giấy tờ ghi ngày sinh là 1-2-1905. (Chú thích của NTT).
Nguyễn An Bình
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mỏng phận người, mỏng dần niềm tin! “Những con số vô tri/ Những con số lạnh khô/ Cứ tăng hệ số nhân theo nhịp thời gian đánh đố/ Nhát roi ...