Thứ Hai, 23 tháng 9, 2019

Không hề có thơ... trên mặt đất

Không hề có thơ... trên mặt đất
Văn chương không có quần chúng là mảng văn chương tự hoạn. 
Thơ, dĩ nhiên không bước ra khỏi quy luật trên. 
Cái gì đã làm người đọc hôm nay khựng lại trước triều thơ đương đại? 
Câu hỏi ném ra - Đông sa lửa lựu.
Thử đưa ra một mẫu chơi. Ghép thơ.
"Không tận trời xanh thơ thở trắng trời
Trăng BaVì sao đổi chữ thiên di
Em ở đây mà em ở đâu
Chiều Âu Lâu
Bóng chữ động chân cầu" (1)
Vũ trụ thơ, bao đời vẫn là vũ trụ của các con chữ. Người hòa giải được "các con chữ" là người có thơ hay! Hòa giải bạn đọc với bạn đọc. Bạn đọc với nhà thơ. Nhà thơ với nhà thơ. Nhà thơ với nhà phê bình. Nhà phê bình với nhà phê bình. Và cuối đường hầm, sâu kín, thâm tình: mình với chính mình. Không như cuộc đời, với thơ hòa giải chẳng o ép nhất thiết phải song phương! Bù lại, ước mơ hòa giải đòi hỏi nhà thơ không những chỉ có thần thông cất cánh bay lên, hay thần chú thần bác tuyên bố trời lùn đất cao, mà còn phải bát ngát tháo cũi sổ lồng. Sổ lồng sang sông:
"Hãy vứt mình đi như một cái bị rách".
Chớ nghĩ bị rách nên phải quẳng đi. Rách hay lành, cái bị vẫn là cái bị. Tác giả Bóng Chữ không kham thần thông. Ông cũng chả có cánh để cất. Thế thì ông chỉ còn lại cơ may duy nhất kia: rốt ráo vứt cái bị của mình. Cơ năng ấy cáng đáng nổi, kích thước nhân tính nhà thơ bềnh bồng cá côn, chim bằng. Thi nhân phơi phới bay lên. Áo quần chữ nghĩa ào ào rớt xuống. Âm từ giai điệu vang vọng xôn xao cả vách đá Hoa Sơn. Kẻ lạc rừng cúi nhặt từng con chữ, bóng chữ ngồi kết vàng lẵng thơ. Cái "mình" thoắt vứt đi, thơ thoắt hóa giải thi nhân. Bởi thi nhân đã tự hòa giải với cái "mình" trước đó. 
Những thú rong chơi, những trò diễn dịch, những cuộc ngụy biện văn chương bao giờ cũng yêu sách một trái tim trẻ, một hương môi nồng ấm đam mê, một tấm lòng ê hề rộng mở. Vòng nguyệt quế hay K.o là một chuyện khác. Cái trẻ, cái đam mê, cái ê hề rộng mở phải chăng là cách "quẳng bị đi". Thiện tai. Thiện tai. Nhà thơ cao đạo không còn cao mao. Kẻ diễn dịch cao bồi rời súng cao su. Người đọc (cao thâm) buông bỏ tính suy trước nghĩ sau. - Thơ thăng hoa từ đấy.

Bốn câu thơ treo làm tiêu đề, do thú chơi puzzle tháp ghép các con chữ trong những giờ phút mà kẻ hèn này cô đơn hạnh phúc nhất. Trò cắt, sắp xếp, đổi ngôi vị chơi thơ ấy bởi tác giả Bóng Chữ gây men: dù thơ ông chưa đọc được từ phải sang trái, từ dưới lên trên, từ góc chéo này sang góc chéo nọ, ít ra ông cũng hòa giải tôi với thơ vô ngôn chí. Thơ, hôm nay vẫn cứ đọc bằng ký ức, kiến thức cố định? Vẫn cứ nhất thiết bằng tai, mắt của thời Vang bóng, thời Cô Lựu, thời Tuấn đi Tây? Hay, 
Thơ hôm nay cần đọc với cái mình vứt đi, cái mình chưa biết đọc: bằng tai trong mắt, mắt trong tim và máy dò âm trong đầu. Một anh bạn đã có lần đá chân, nhắc khéo tôi: "Mở mắt thì nhìn thế quái 
nào được! Nhắm mắt lại... để thấy hương lửa ấm áp trong lòng" 
(2)  Tôi vội vàng làm theo. May tôi nhờ, rủi anh chịu. Khi nào chúng ta còn mở mắt, tỉnh táo lẫy Kiều thì khi ấy Nguyễn Du chưa 
chút bận tâm tái sinh. Không lý do gì bởi... quá quý yêu cụ nên các nhà thơ lớn hôm nay để mặc quần chúng quần thảo Kiều thêm 100 năm nữa! Mỗi bận chữ nghĩa diện áo xuân chơi đền Vũ Vu là mỗi lần thơ dời nhà, ăn tân gia. Độc giả, người bạn được mời lao đao, lắt lẻo lần tìm căn hộ mới mà tên đường không hề có trên bản đồ thành phố. 
"Chúng ta hãy làm thơ như chưa bao giờ làm thơ, và cứ tảng lờ như chưa bao giờ có thơ, đã từ lâu rồi, trên mặt đất" (3). Và biết đâu, giòng đời, cõi không tương xứng thơ hóa giải thành cõi tương xứng.
Thời nay đâu còn là thời của Ức Trai. 
Ăn bát phở phải canh giờ. Đọc thơ, làm thơ cần nịnh vợ. Dám hỏi mấy ai đã từng chi ra 60 giây để chơi puzzle với các con chữ. Ví như thừa 60 giây kia, sau khi vui vẻ đả thông bát phở, bình nhật chúng ta làm gì, nếu không là a tòng với que tăm truy lùng mảnh ngò gai ốm yếu kia, hay cọng mùi di tản nọ vướng vắt kẽ răng. 
(Ô là la!). Tôi không có ý ám chỉ thi ca người Kinh đi vào hẻm chột bởi cọng ngò gai Thái, mảnh mùi Việt Nam hay cục ớt đỏ? t ba chì đâu nhé. Cục mịch, ù lì tôi chỉ dám nghĩ:
Thơ - cõi bất toàn, bất tận.
Bất toàn. Thơ luân lưu khiếu nại cái mới. Mới trong cảm xúc. Mới trong cách nghĩ. Mới trong tình cưu mang, hạ sinh, dưỡng dục chữ nghĩa. Thưa nhanh : mới từ trong mới ra?!. 
Bất tận. Thơ liên tục mời mọc, nằn nì điều mới. Mới trong cách đọc. Mới trong cách nhìn. Mới trong vòng hội nhập, diễn dịch chữ nghĩa. Thưa rõ: mới từ ngoài mới vô. Ồ! Tuyên ngôn cấu trúc mới (?) trong thơ đương đại để chính mình làm quen với dạng thức thơ thế hệ III, hay di chúc cấu trúc thơ thế hệ I hầu trấn an lòng khi đi ray lên lớp học sinh, sinh viên? 
Di chúc hay tuyên ngôn, cả hai điều nhũ dưỡng thơ. Chút dị biệt: đàng này dựa lưng vào dĩ vãng vô vàn 
khăn nhỏ, đuôi gà cao/ tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng; đàng kia trên bờ Dịch thủy nhìn sóng cuộn, nước trôi và tương lai lục bình. 
Trước đây tôi không lần nghĩ nhà thơ là nỗi cô đơn điển hình. Nay, trước những khai quật, khám phá (phảng phất đôi phần phá phách) bỗng nhiên lòng bàng hoàng thương quá người thơ. Người thơ? - Cái nhóm người nhỏ bé bỏ làng, xa quê, tung mình đi khai hoang vỡ đất, tìm vàng, lấn biển. Lỡ không may họ nằm lại bên rừng mắm, rừng tràm, bãi sắn, bờ Seine, Hudson... Vong linh họ chỉ siêu độ khi cõi chữ nghĩa không còn lập lòe những Mã Giám Sinh; những tiên sinh, tiên chỉ; những cai huyện, cai vườn, chủ soái, chủ tiệm; những thẩm quyền, thẩm tra, thẩm phán; những thiên tử, thiên sứ, thiên lôi; những mũ sắt, mũ nồi, mũ cối... Tôi vẫn có thể thống kê tiếp nữa nếu bạn hiền chưa thấy mệt. Nhưng cái đáng "mệt" nhất vẫn là: đến với thơ bằng sự quá tỉnh táo.

 - "Và phải chăng
 thơ của những điều chưa biết
 mới thật gần
 với số phận (của chúng ta)? (4)
Ô hay, giờ đây, nơi này ngoài ưu tư "Tìm Hiểu Nghệ Thuật Thơ Việt Nam" (5) và "Nghĩ Về Thơ" (6) bạn làm mới thơ: "Thơ, v.v... và v.v...".(7) Bạn lại còn đùa nghịch với cả tựa đề (ở bên ngoài). Mà có gì khẩn trương đâu phải không bạn? Quên cái đọc kỹ, và cái biết đọc, bạn dặn lòng: Đọc cái "đọc thơ". Tôi yêu quá tâm nguyện trên của bạn. Người đọc thơ, số đông (kể cả đọc biếu, đọc mượn) luôn mách yêu nhà thơ, thơ phải thế này thế nọ thế kia (có nghĩa là nên nấu nướng theo "gu" quần chúng?). Cái thiết tha, thâm tình ấy của người đọc bởi do sự âu lo quá to đến hậu tự của thơ mà có. Về phía nhà thơ tưởng cũng chẳng nên tra cứu bản cầu chứng "Đọc cái đọc thơ" của quần chúng. Nhà thơ nên rà lại mình: cái bị ấy, ta đã vứt đi chưa? Con cóc là cậu ông Giời. Viết Giời để nhấn mạnh "cậu" đây là "bố". Quần chúng là cậu nhà thơ. Dĩ nhiên. Chẳng ai bắt nhà thơ làm thơ. Nếu có làm, nhớ đừng làm thơ... dở. Thế thôi.
Đường sang Tây trúc còn dài, thật dài. "Ngộ Không! Con ở đâu?"
Hương thắp gọi ba lần không đáp lửa. (8)
Với một khối lượng người đọc teo tép, lại thêm bệnh đọc nhảy dòng, chuyển kênh (đọc thơ tựa hồ xem tivi); với một tòa án thượng thẩm tứ mã ê a hát bài con cá vàng; với một đội ngũ nhà thơ có thực mới vực được đạo (vừa đi cày mưu sinh, vừa đi cấy thơ chùa, báo chùa) thi ca đương đại người Kinh rồi sẽ đi về đâu? 
Không kiễng chân, dài cổ téléscope giải Nobel văn học, cũng không gối quỳ, đầu cúi, lưỡi thè trước long sàn, văn chương người Kinh vẫn có quyền nhìn thẳng mặt trời. Mà mặt trời là mỗi giây mỗi mới, 
như mỗi ngày anh đổi một bàn tay. (9) 
Nhưng không hẳn thơ bao giờ cũng là anh chồng đáng yêu hay người tình điệu: bỏ sáo ngữ thơ lao mình vào ngổ ngữ! Thiệt thòi không nhỏ. Bởi: - 
"Chúng ta chưa sẵn sàng tâm thế để chào đón một nhà thơ lớn như một người phá hoại lớn". (10)
Năm 2000, 38 tháng nữa thôi, nhà thơ sẽ làm thơ rặt ròng bằng vi tính, liên mạng... Độc giả chịu phiền đăng ký ghi danh mua mã số thì vừa. Vũ trụ thơ, bao đời vẫn là những trận hóa giải long trời lở đất. Nhà thơ lớn, hoàng tử bé, không kiêu sa dép râu, không diện giầy saut : nơi đâu có sứ mạng, trách nhiệm, thẩm quyền, uy tín là nơi đó có thơ tử thủ, thơ cúc cung, thơ sáo sậu. Nhà thơ lớn Việt Nam - Hoàng tử bé - người còn lẩn trốn nơi nào? 
Cuộc săn bắt nhà thơ lớn cần phải ráo riết: để nàng xử nữ già có thể chiếu chăn vô tội vạ với thằng mười sáu. Chiếu chăn/ hòa giải/ Quẳng bị/ Quăng be. "J'ai du bon tabac dans ma tabatière..." Giai âm tươi vui, mượt mà xa xưa kia bỗng trở thành nhảm nhí, lè nhè. Cái gì đã xô bật gã sinh viên 20 tuổi vào vòng chơi nhiều bất trắc, kể từ giây phút chiếc Boeing xê ri bảy kia đặt cánh xuống phi trường Marignane Marseille, cách đây 30 năm?
đoạn trường: hai
chữ mình/ ta
Nhiễu nhương muôn
giọt
tâm tà tà
tâm.
Thơ tắt tịt hũ nút phải không bạn? 
Nếu viết theo ray, nó sẽ như sau:
Đoạn trường hai chữ mình, ta
Nhiễu nhương muôn giọt, tâm tà, tà tâm.
Đặng Tiến, bạn tôi, là một người tình điệu của thơ. Tài hoa và nội lực hòa giải "các con chữ" của huynh thuộc hàng thượng thừa. Không hiểu sao tôi có lần nghĩ, qua các bài của Đặng, Đặng "chỉ viết" cho một giới độc giả cùng lứa tuổi Đặng (nếu không cùng thế hệ, thì ít ra cũng cần cùng tần số nào đó). 
Trong những giờ phút sôi động, bấp bênh, những tháng năm nghiệt ngã nhất của chữ nghĩa, của thơ đương đại tôi mong huynh hóa giải những ngọn lửa kia. "Những ngọn lửa hồng, những ngọn lửa nồng. Ngọn lửa tình. Sáng và ấm". 
(11) 
Và bạn tôi sẽ là người tình già của nền thơ trẻ hôm nay. Một buổi mai, tôi bớt áy náy, tiếp tục ngồi uống trà, đọc thơ và làm thơ. Với một sinh thức bé yêu:
 phá chấp. 
Thơ hôm nay: không chỉ đứng nghe, ngồi nghe. Cũng không hẳn ngồi đọc, nằm đọc. 
Hôm nay, người đọc/ nghe thơ phải là người sẵn sàng "tâm thế" tái tạo một tác phẩm mới!.
Giờ bạn đọc còn vững tin vũ trụ thơ là vũ trụ của hòa hợp, hòa giải nữa không? Nếu may còn, xin bạn hiền bay nhanh ra các hàng sách người Kinh "hỏi giấy" các chủ tiệm:
- "Này, sao không nhận bán thơ người mình?!".
Ghi chú:
(1)Trích, ghép (có dụng ý) Bóng chữ - Thơ Lê Đạt. 
(2) Cao Huy Thuần 
(3) Khế Lêm 
(4) Phan Tấn Hải 
(5) Nguyễn Hưng Quốc 
(6) Nguyễn Hưng Quốc 
(7) Nguyễn Hưng Quốc 
(8) Lê Đạt 
(9) Trần Mộng Tú 
(10) Nguyễn Hưng Quốc 
(11) Đặng Tiến.

Mùa Toussaint 1996 
Huỳnh Mạnh Tiên
 Theo http://chimviet.free.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà văn, anh là ai

Nhà văn, anh là ai? Thy Nguyên tên thật là Phạm Thúy Nga. Chị là hội viên hội Nhà Văn Việt Nam, chị đã xuất bản các tác phẩm thơ như: “Sân...