Nghiên cứu về tiểu thuyết Nhật Bản thế kỷ 17, Richard Lane nhận
thấy một đặc điểm: “Tiểu thuyết Nhật Bản không bao giờ tự mình hoàn toàn
thoát khỏi những nhân tố của văn học trung đại”. Nguyên nhân của hiện tượng
này là ở chỗ: người đọc Nhật Bản thời kỳ này vì bị “cắt rời khỏi dòng chảy của
văn học thế giới” nên đã không có khả năng để nhận ra sự mâu thuẫn của những yếu
tố hiện thực (những yếu tố mang trong nó tương lai của văn học) và những yếu tố
của văn học trung đại [1]. Cảm quan về văn học thế giới trong trường hợp này là
nhân tố đặc biệt quan trọng để thúc đẩy tiến trình văn học. Đây cũng chính là
điểm nhìn để chúng tôi nhận diện về vai trò của Phạm Quỳnh: không phải là người
duy nhất nhưng là đại diện tiêu biểu nhất - với những công trình lý luận, phê
bình văn học đa dạng và mang tính hệ thống của mình - đã đem đến cho văn học
giao thời Việt Nam một cảm quan về văn học thế giới [2] và vì thế có
vai trò to lớn trong tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX đến
1945.
1. Cảm quan về văn học thế giới trong văn học Việt xuất hiện
trước tiên từ đội ngũ những người sáng tác. Trong lời tựa cho truyện Thầy
Lazaro Phiền (1887) của Nguyễn Trọng Quản người ta thấy xuất hiện câu cách
ngôn của một nhà hiền triết cổ Hy Lạp. Chẳng những thế trong toàn bộ cuốn tiểu
thuyết mở đầu của văn xuôi hư cấu (fiction) Việt Nam này người ta thấy dấu ấn
của văn học phương Tây hiện diện không chỉ trong những gợi ý về đề tài mà cả
trong cách kết cấu (đặc biệt là nghệ thuật trần thuật), nghệ thuật xây dựng
nhân vật. Tuy nhiên, sự tiếp nhận của người đọc đương thời với cuốn tiểu thuyết
này là tương đối hờ hững. Nguyễn Văn Trung hoàn toàn có cơ sở khi lý giải hiện
tượng này từ phương diện của thói quen và thị hiếu tiếp nhận của người đọc miền
Nam cuối thế kỷ XIX [3]. Hai mươi năm sau, Trần Chánh Chiếu (lúc bấy giờ là chủ
bút báo Nông cổ mín đàm) chấp bút cho thể lệ cuộc thi tiểu thuyết lại nhắc
đến thể Roman theo cách dùng của người Lang Sa với đặc trưng “lấy từ tiếng
mình mà đặt ra một truyện tùy theo nhân vật phong tục trong xứ, dường như là
truyện có thật vậy” [4]. Ý định là thế nhưng quán tính của đời sống sáng
tác văn học vẫn thiên về những ảnh hưởng của tiểu thuyết thông tục Trung Quốc kết
hợp với mĩ học của truyện Nôm truyền thống. Không nói đâu xa, đặc điểm ấy vẫn
thấy rất rõ ngay trong chính tác phẩm của Trần Chánh Chiếu với tiểu thuyết Hoàng
Tố Anh hàm oan được viết ở thời điểm sau đó tròn 10 năm: 1916. Dù mở đầu
nhưng quan niệm về tiểu thuyết nói chung về văn học mới nói riêng ở miền Nam chỉ
dừng lại ở những nét chấm phá sơ khoáng như thế và sức tác động đến đời sống
văn học, như ta đã thấy, là tương đối mờ nhạt. Lý do: những quan niệm đó chưa
được “nâng cấp” để trở thành những phạm trù lí luận. Thực tế này là một phản chứng
giúp ta thấy được vai trò dẫn nhập cho hệ giá trị mới trong đời sống văn học của
lý luận và phê bình văn học. Thiếu nó cả người sáng tác cũng như người đọc
không có được sự tự giác trong hoạt động cách tân và tiếp nhận.
Ở miền Bắc, cảm quan về văn học thế giới xuất hiện muộn hơn.
Năm 1914, trong hai bài báo đăng cạnh nhau Xét tật mình và Tật
có thuốc trên Đông Dương tạp chí, Nguyễn Văn Vĩnh trong khi đả phá lối
văn truyền thống của người Việt mà ông gọi là “tật huyền hồ lý tưởng” đã
có một so sánh văn học khi nhắc đến văn chương Pháp với sự chú trọng tới “cách
bày tỏ các tính tình thực của người ta”. Từ đó ông chủ bút Đông Dương
tạp chí chủ trương “Vậy thì tôi tưởng ta muốn noi văn minh Thái -
tây, nên tập lấy lối tả tính tình, lối văn chương chân thật [5]” Cách phán xét
truyền thống cũng như một viễn kiến về phương thức cách tân văn học của Nguyễn
Văn Vĩnh như trên, rõ ràng, là không thể xuất hiện nếu thiếu đi một cảm quan về
văn học thế giới. Tuy nhiên, một cách khách quan, đấy mới chỉ là những so sánh
có tính chất khái luận chứ chưa được chiếu ứng một cách trực tiếp vào thực tiễn
đời sống sáng tác văn học Việt Nam lúc bấy giờ. “Lối văn chương chân thật” mà
Nguyễn Văn Vĩnh nêu ra trong bài báo của mình cũng chưa phải là một thuật ngữ
khoa học chặt chẽ, có nội hàm xác định. Nói cách khác, đó vẫn chưa phải là một
nhận xét của một nhà lý luận hay phê bình văn học với những luận điểm và khái
niệm công cụ được minh định một cách rạch ròi.
Những gì trình bày ở trên chính là văn cảnh cho sự xuất hiện
của Phạm Quỳnh và những công trình lý luận và phê bình của ông. Chỉ từ một văn
cảnh như thế mới giúp ta có được một nhận xét khách quan và tổng thể về vai trò
và vị trí văn học sử của lý luận và phê bình văn học của Phạm Quỳnh đối với đời
sống văn học giao thời và rộng hơn là văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ. Trong
trường hợp ngược lại, mọi khen chê dù tinh tế đến đâu cũng không khỏi có tính
chất cảm tính và không hiếm khi rơi vào những mâu thuẫn không dễ lý giải.
2. Văn học giao thời, nhìn chung, không phải là thời kỳ của
những kiệt tác, những đỉnh cao về nghệ thuật. Vai trò quan trọng nhất của giai
đoạn này trong tiến trình văn học là kiến tạo nên một bộ khung thể loại của nền
văn học mới: văn xuôi hư cấu (fiction) bao gồm truyện ngắn và tiểu
thuyết, thơ, kịch - một hệ thống thể loại có nguồn gốc phương Tây - để thay thế
hệ thống thể loại văn học truyền thống với văn thơ phú lục. Để những hệ thống thể
loại trên bén rễ trong văn học Việt, để những thể nghiệm trong sáng tác có được
một định hướng lâu dài và chiến lược thì điều quan trọng là phải hình thành một
quan niệm về thể loại không chỉ cho người cầm bút mà cả cho thị hiếu và kinh
nghiệm tiếp nhận của người đọc. Lí luận và phê bình văn học của Phạm Quỳnh đã
góp phần đáng kể trong việc đảm nhận vai trò lịch sử ấy.
2.1 Lâu nay, khi nhắc đến mối quan hệ giữa phong trào thơ
Mới và phê bình lý luận người ta lập tức nhớ đến Thi nhân Việt Nam.
Quả thật, ở vị trí người tổng kết và xác lập tính chất cổ điển của phong
trào thơ Mới không ai có thể so sánh được với Hoài Thanh - Hoài Chân.
Tuy nhiên cũng chính Hoài Thanh trong bài khái luận đã đi vào lịch sử văn học: Một
thời đại trong thi ca đã rất sòng phẳng khi viện dẫn Phạm Quỳnh như là người
đầu tiên “công kích” thơ Đường luật: “Người ta thường nói thơ là tiếng kêu
tự nhiên của con tâm. Người Tầu định luật nghiêm cho nghề làm thơ thực là muốn
chữa lại, sửa lại cái tiếng kêu ấy, cho nó hay hơn, trúng vần trúng điệu hơn,
nhưng cũng nhân đó mà làm mất cái giọng thiên nhiên đi vậy” [6]. Vai trò
tiên phong này của Phạm Quỳnh được nhận thấy rất rõ qua cách trình bày “lịch sử
vấn đề” của Hoài Thanh: mãi đến năm 1928 mới lại thấy sự công kích của Phan
Khôi về thơ Đường luật trên Đông Pháp thời báo; được tiếp tục với Trịnh
Đình Rư, năm 1929, trên Phụ nữ tân văn [7]. Và đến ngày 10 Mars 1932 mới là
sự xuất hiện của Phan Khôi với bài Tình già trên Phụ nữ tân văn -
sự kiện vẫn được xem là châm ngòi cho cuộc cách mạng thi ca với lời kết án thơ
Mới: “Thơ cốt chơn. Thơ cũ bị câu thúc quá nên mất chơn”[8]. Trong quan điểm
của Phan Khôi, dễ thấy là khẩu khí đanh thép và quyết liệt hơn nhưng ý tứ bên
trong thì không nghi ngờ gì nữa đã được xác lập từ Phạm Quỳnh trước đó 15 năm.
Luận điểm của Phạm Quỳnh mà Hoài Thanh trích dẫn trên được
rút từ bài báo mà nhan đề của nó đã cho thấy rất rõ cảm quan thế giới trong lí
luận và phê bình của Phạm Quỳnh: Thơ ta thơ tây, in trên tạp chí
Nam Phong số 5, 1917. Cái nhìn có tính chất “công kích” của Phạm Quỳnh với
thơ Đường chính là xuất phát từ sự đối sánh với thơ ca phương Tây. Cũng xuất
phát từ sự đối lập này mà Phạm Quỳnh nhận ra sự khác biệt căn bản giữa thơ Việt
và thơ Pháp: “Một bên thì vụ bề nhân công, một bên thì chuộng vẻ thiên
thú. Vụ bề nhân công thì chủ lấy cực kì tinh xảo, làm bài thơ như trạm một hòn
ngọc, uốn một cái cây, sửa một cái vườn cảnh, thế nào cho trong cái giới hạn hạn
nhất định, thêu nên bức gấm trăm hoa. Chuộng vẻ thiên thú thì nhà thơ tự coi
mình như cái phong cầm, tùy gió thổi mà lên tiếng:
Tiếng trong như hạc bay qua
Tiếng đục như suối mới sa nửa vời
lời thơ phải tùy theo lớp sóng trong lòng là khi dài khi ngắn,
khi thấp khi cao, không thể cầm giữ trong phạm vi nhất định.”[9] Cái tinh
thần tự do và chân thực của cảm xúc trong thơ phương Tây mà Phạm Quỳnh nhắc đến
ở đây cũng chính là tinh thần của thơ Mới mà Hoài Thanh nhắc đến
trong Thi nhân Việt Nam sau này. Hướng thơ Việt đến với những chuẩn mực
mới mẻ ấy chính là mục đích của Phạm Quỳnh - điều mà ông đã nói đến một cách trực
tiếp khi viết những dòng kết trong bài báo: “Ta cứ nên giữ cái lối “tranh
cảnh” của ta, nhưng cũng nên rộng cái khuôn nó ra một chút mà bắt chước lấy cái
vẻ thiên thú của người” [10]. Chưa phải là một khẩu hiệu cách mạng mà mới
chỉ là một giải pháp dung hòa cũ mới (điều này là phù hợp với thực tiễn văn học
những năm 1917) nhưng vẫn có thể thấy ở đây một định hướng cho sự biến đổi của
toàn bộ hệ thống thi pháp thơ Việt đầu thế kỷ. Tóm lại, nếu như nói đến mối
quan hệ giữa phê bình văn học và phong trào thơ Mới trước 1945 thì có
hai dấu mốc không thể bỏ qua trong đó cột mốc của sự tổng kết là Thi nhân
Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân còn cột mốc của sự mở đầu không ai
khác chính là Phạm Quỳnh.
2.2 So với thơ, việc giới thiệu kịch và nhất là tiểu thuyết
phương Tây được Phạm Quỳnh tiến hành một cách kỹ lưỡng và hệ thống hơn hẳn. Ở
đây người ta thấy song song hai hoạt động: biên khảo, lí luận, phê bình và dịch
thuật. Có một sự khác nhau khá căn bản trong dịch thuật của Nguyễn Văn Vĩnh và
Phạm Quỳnh. Nguyễn Văn Vĩnh dịch để giới thiệu với người đọc Việt Nam những thực
đơn mới nhưng ông để người đọc tự mình thưởng thức những món ăn mới lạ ấy. Hoạt
động dịch thuật của Phạm Quỳnh luôn gắn với phê bình, tổng kết về lý luận qua
đó giúp người đọc không chỉ làm quen mà còn thông hiểu được với những phạm trù
thẩm mỹ mới nảy sinh từ thực tiễn đời sống văn học nghệ thuật đương thời. Một
ví dụ: nhân sự kiện Hội Khai Trí Tiến Đức cho công diễn vở Người bệnh tưởng của
Moliere do Nguyễn Văn Vĩnh dịch (ngày 25-4-1920), Phạm Quỳnh viết bài tường thuật,
bình luận Một sự thí nghiệm đã nên công (số 34, tháng 4-1920) để tỏ sự tán thưởng.
Sự kiện này chắc chắn là nguyên nhân trực tiếp để ngay số tiếp theo ông dịch
bài giới thiệu về nghề diễn kịch ở Pháp, hý kịch của Moliere (số 35, tháng
5-1920). Tiếp đó là một loạt những dịch thuật: Le Cid của Corneille
(số 38-39, tháng 8 và 9-1920), Chàng ngốc hóa khôn vì tình của
Marivaux (số 45, tháng 2-1921), Phu nhân là người tiết kiệm của M.
Donnay (số 50, tháng 8-1921), Đạo đức như bà của M. Donnay (số 52,
tháng 10-1921), Tình duyên với lại tình cờ của Marivaux (số 55, tháng
1-1922), Horace của Corneille (số 73, tháng 7-1923). Xen giữa mạch dịch
thuật này là một bài biên khảo cực kì công phu giới thiệu các thể loại kịch
cùng những phạm trù thẩm mỹ trọng yếu nhất của kịch nghệ: Khảo về diễn kịch (số
51, tháng 9-1921). Các hoạt động phê bình - dịch thuật - khảo cứu, như thế,
đã được hình thành một cách rất lớp lang, hệ thống nhằm thiết lập một thói quen
thưởng thức và tiếp nhận một thể loại còn hoàn toàn mới lạ với đa số người Việt
đương thời.
Cũng như thế, Phạm Quỳnh khi viết những bài giới thiệu và dịch
thuật các truyện ngắn, tiểu thuyết của Vigny, Loti, Maupassant, Paul
Bourget..., cũng như khi phê bình về truyện ngắn của Phạm Duy Tốn, tiểu thuyết
của Đặng Trần Phất hay khi biên khảo Bàn về tiểu thuyết đều dụng tâm tạo ra mối
quan hệ qua lại, bổ trở nhằm xây dựng “một lối văn mới” cho văn xuôi hư cấu Việt
Nam. Cụm từ “một lối văn mới” mà chúng tôi nhắc đến ở đây chính là nhan đề bài
giới thiệu truyện ngắn Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn trên Nam Phong số 18,
tháng 12-1918. Nhan đề này xuất hiện ở Phạm Quỳnh không hề ngẫu nhiên. Nó, có lẽ,
ngầm hướng đến như một đối thoại với mục “Một lối văn Nôm” trước đó trên Đông
Dương tạp chí (1915) chuyên đăng những tản văn được viết theo lối biền ngẫu, tải
tử của Tản Đà. Quả thật, trong giới thuyết của Phạm Quỳnh, “lối văn mới” ở đây
chính là lối văn tả thực của phương Tây trong sự đối lập với lối văn “phảng phất”,
“phiếu diễu” của truyền thống. Một lần nữa ta thấy ở đây cảm quan về văn học thế
giới đã đóng vai trò quyết định trong việc đề xuất những luận điểm lý luận cũng
như hoạt động phê bình của Phạm Quỳnh.
2.3 Có hai đặc điểm nổi bật trong những công trình phê bình,
lí luận của Phạm Quỳnh khi hướng tới xác lập bộ khung thể loại mới theo chuẩn mực
của phương Tây.
2.3.1 Thứ nhất, ông ý thức rất rõ về vai trò của phạm
trù mà ông định danh là thuật: “Nghề nào cũng có thuật, mà cái thuật này là gồm
vô số những khóe tuy nhỏ mà rất cần” [11]. Thuật ở đây liên quan đến
phương diện lao động nghệ thuật, đến “kỹ thuật” trong từng lĩnh vực sáng tác.
Đây là vấn đề chẳng những người sáng tác cần biết trong bước đầu luyện nghề mà
người đọc cũng cần am hiểu để thưởng thức cái hay cái đẹp, cái công phu của vở
diễn, của tác phẩm nghệ thuật. Chính vì thế khi giới thiệu về kịch, Phạm Quỳnh
không chỉ nói đến nguồn gốc ra đời, vai trò xã hội của kịch mà ông còn đặc biệt
đi sâu vào những vấn đề mà theo cách nói ngày nay của chúng ta là “những đặc
trưng nghệ thuật” của kịch. Theo đó, Phạm Quỳnh nói đến ba phần cốt yếu khi soạn
kịch:
sáng ý (invention) với các khái niệm về “vai chính”, “vai phụ”;
về “luật tam duy nhất” với những gia giảm của luật này trong lịch sử kịch nghệ.
bố cục (disposition) với các khái niệm về hồi và cảnh; về những
yêu cầu trong từng phần giải đề - thắt nút - cởi nút; về đối thoại, độc thoại. Lập từ (elocution): viết bằng thơ hay văn xuôi [12].
Bên cạnh đó, ông cũng không quên định ra những khác biệt giữa bi
kịch (“sinh ra sự sợ hãi và thương xót”) và hài kịch (hướng tới
“những thói xấu tật nhỏ của người thường, bày ra cho buồn cười để mong chữa sửa
lại” [13]). Được viết vảo năm 1921, những vấn đề mà Phạm Quỳnh đưa ra về kịch
như trên, quả thực, đã đóng vai trò thực sự cần yếu cho hoạt động sáng tác và
thưởng thức kịch bởi trước đó chỉ một năm công chúng mới được chứng kiến vở kịch
đầu tiên được công diễn tại Hà Nội.
Tương tự, qua những bài phê bình, điểm sách, lược dịch có kèm
theo những bình luận và nhất là công trình Bàn về tiểu thuyết (1921)
người ta thấy Phạm Quỳnh giới thiệu về tiểu thuyết với một loạt những phương diện
mà ngày nay thường gọi là “thi pháp thể loại”:
tả và kể trong tiểu thuyết vấn đề hư cấu và logic trong dựng truyện kết cấu trong tiểu thuyết: mối quan hệ giữa người và việc
(hoàn cảnh) con người trong tiểu thuyết: “con người bình thường” bị chi
phối bởi ái tình - danh - lợi nghệ thuật phô diễn (ngày nay gọi là trần thuật) các loại tiểu thuyết [14].
Qua những bài viết như thế, bằng uy tín học thuật của mình,
Phạm Quỳnh đã góp phần quan trọng làm xuất hiện một loạt những khái niệm công cụ
mà thiếu nó ta không thể nói đến một khoa học văn chương theo nghĩa nghiêm ngặt
của từ này. Đây dĩ nhiên là những khái niệm được Phạm Quỳnh “nhập khẩu” từ văn
học Pháp và phương Tây nhưng điều quan trọng là ông đã tuyển chọn và giới thiệu
chúng một cách có hệ thống, bài bản - điều kiện tối quan trọng để qua đó có một
tác động ảnh hưởng đến thực tiễn đời sống văn học. Quả thật, phần lớn những
khái niệm như: “tả chân”, “tả thực”,“vai chính”, “vai phụ”, “giải đề - thắt
nút - cởi nút”, “đối thoại”, “độc thoại”, “tả”, “kể”, “kết cấu”, “đoản thiên tiểu
thuyết”, “trường thiên tiểu thuyết”... đều đã xuất hiện lần đầu tiên
trên tạp chí Nam Phong và có lẽ cũng đóng vai trò “khai sinh” lớp từ
vựng về lí luận và phê bình văn học. Không ít trong số chúng, như thực tế cho
thấy, đã chứng tỏ sự không thể thay thế của mình trong lĩnh vực khoa học này.
Nhìn gần hơn, ngay ở thời điểm đó, hiệu lực của hệ thống công
cụ này, một mặt, giúp Phạm Quỳnh có những bài điểm sách, phê bình đầy nhạy cảm
trước những cách tân nghệ thuật trong những sáng tác của Phạm Duy Tốn, Đặng Trần
Phất. Mặt khác, cũng chính ông, là người đầu tiên vận dụng những kĩ thuật và hệ
thống thuật ngữ lý luận phê bình văn học phương Tây vào trong hoạt động nghiên
cứu những tác phẩm văn học trong truyền thống mà chuyên khảo Truyện Kiều là
một minh chứng đầy sức nặng. Trong chuyên khảo viết năm 1919 này, Phạm Quỳnh đã
để lại một phương án làm việc mà tất cả những nhà nghiên cứu văn học chuyên
nghiệp Việt Nam sau này đều sẽ tiến hành: “Phải dùng phép phê bình khảo cứu
của văn học Thái Tây mới mong phát biểu được cái đặc sắc, bày tỏ được cái giá
trị của một nền tuyệt tác trong quốc văn An Nam ta” [15]. Ngay nay khi đọc
lại chuyên khảo này, người ta vẫn thấy nguyên vẹn giá trị của những phát hiện ở
Phạm Quỳnh khi ông so sánh Truyện Kiều của Nguyễn Du với nguyên gốc của
Thanh tâm tài nhân, của Dư Hoài để từ đó thấy được những cách tân và tài năng của
Nguyễn Du. Cách thức mà ông nghiên cứu về mối quan hệ giữa nhà văn với tác phẩm,
về cách tổ chức và sự đa dạng của lời văn trong truyện Kiều, về tâm lý của nhân
vật... cũng cho thấy một sự vận dụng nhuần nhị, tinh tế những phạm trù lý luận
và kỹ thuật phân tích của phương Tây. Không phải là không có những sơ khoáng tất
yếu trong học thuật nhưng đặt vào thời điểm năm 1919 chuyên khảo này thực sự là
một đột phá có giá trị mở đường. Lý luận và phê bình văn học phương Tây, như thế,
không chỉ giúp nhận diện, thúc đẩy những cách tân trong văn học đương đại mà
còn năng động hóa năng lực tiếp nhận đối với những kiệt tác của văn học truyền
thống.
2.3.2 Đặc điểm thứ hai: trong khi giới thiệu các thể loại
từ phương Tây có một luận điểm mà Phạm Quỳnh luôn đặc biệt nhấn mạnh: cái thực,
sự chân thực. Nội hàm của “thực” có những sắc thái khác nhau trong từng thể
loại. Với thơ, “thực” được hiểu là sự tự do của cảm xúc đối lập với những hạn định
ngặt nghèo của niêm luật. Với văn xuôi hư cấu, “thực” được hiểu là bút pháp
miêu tả với những chi tiết cảm tính nhằm tái hiện sự vật như thật đối lập với
bút pháp tả “thần” trong truyền thống; là việc hướng tới cái mà Phạm Quỳnh gọi
là “tính thông thường của loài người” nhằm phá vỡ tư duy phân loại trong miêu tả
con người với những cặp đối lập hiền - ngu/ trung - nịnh/ đấng, bậc - bình phàm
của văn học trung đại; là sự tôn trọng logic đời sống chứ không phải là những
chi tiết hoang đường của thế giới thần thánh, yêu ma [16]...
Khái niệm “phép tả thực” mà Phạm Quỳnh nói đến trong điều lệ cuộc thi thơ văn trên báo Nam Phong [17] chính là ứng với những nét nghĩa nói trên. Cũng chính vì lý do hướng văn học Việt đến phạm trù cái “thực” này mà Phạm Quỳnh đã đặc biệt quan tâm đến kịch bởi lẽ ông nhận thấy đặc trưng nối bật của thể loại này là ở chỗ: “diễn kịch cốt là phải mô phỏng cho như hệt như sự thực ở đời. Người ta xem diễn kịch sở dĩ có hứng thú là thấy việc bày ra hiển nhiên như thực; như vậy thời việc phải cho hợp với lẽ thường ở đời. Boileau là người làm luật cho các lối văn chương của nước Pháp thế kỷ 17, đã nói rằng: ‘Truyện kỳ khôi thế nào mà vô lý cũng không làm cho tôi có hứng thú được’”[18] .
Khái niệm “phép tả thực” mà Phạm Quỳnh nói đến trong điều lệ cuộc thi thơ văn trên báo Nam Phong [17] chính là ứng với những nét nghĩa nói trên. Cũng chính vì lý do hướng văn học Việt đến phạm trù cái “thực” này mà Phạm Quỳnh đã đặc biệt quan tâm đến kịch bởi lẽ ông nhận thấy đặc trưng nối bật của thể loại này là ở chỗ: “diễn kịch cốt là phải mô phỏng cho như hệt như sự thực ở đời. Người ta xem diễn kịch sở dĩ có hứng thú là thấy việc bày ra hiển nhiên như thực; như vậy thời việc phải cho hợp với lẽ thường ở đời. Boileau là người làm luật cho các lối văn chương của nước Pháp thế kỷ 17, đã nói rằng: ‘Truyện kỳ khôi thế nào mà vô lý cũng không làm cho tôi có hứng thú được’”[18] .
Quan niệm về “thực” với những nét nghĩa nội hàm như trên là kết
quả từ sự so sánh văn học Việt - Pháp, Đông - Tây nhằm kiến tạo một hệ giá trị
mới cho văn học Việt Nam, đưa nó thoát ra khỏi quỹ đạo của văn học trung đại.
Nói cách khác, “thực” là một phạm trù lý luận mà Phạm Quỳnh đã tạo ra qua đó biến
những giá trị mới mẻ của phương Tây trở thành một nhân tố kích hoạt nhằm đổi mới
hoạt động sáng tạo và tiếp nhận văn học ở Việt Nam. Đó thực sự là một tiếp nhận
chủ động và sáng tạo xuất phát từ những vấn đề nội tại của nền văn học dân tộc.
Chính vì thế, “thực” trong trước tác lý luận của Phạm Quỳnh dù được gợi ý từ
phương Tây nhưng không phải là sự sao chép đơn giản của một khái niệm có sẵn
nào đó. Trong một bài viết của mình, chúng tôi đã có dịp nhấn mạnh, ngay trong
lĩnh vực tiểu thuyết thì khái niệm “tả chân”, “tả thực” của Phạm Quỳnh cũng không
thể được đồng nhất với khái niệm chủ nghĩa hiện thực trong văn học phương
Tây [19], việc những thuật ngữ này vận hành trong đời sống văn học và tiếp
nhận ý nghĩa nội hàm của chủ nghĩa hiện thực chỉ xuất hiện ở giai đoạn 1932 trở
đi.
Có một vấn đề còn chưa thật sự nhất trí trong văn học sử: định
tính cho giai đoạn văn học giao thời. Phạm trù cái “thực” trong lí luận của Phạm
Quỳnh theo chúng tôi là một gợi ý sáng giá cho việc giải quyết dứt điểm vấn đề
trên. Cái thực, với những nội hàm như trên, là sự cấu trúc lại văn học Việt Nam
trên cơ sở đối thoại để vượt qua những đặc điểm truyền thống cố hữu. Vai trò của
nó là tạo lập một mặt bằng mới trong quan niệm nghệ thuật mở đường cho những kết
tinh ở giai đoạn sau. Và nếu hiểu như thế, lý luận và phê bình văn học của Phạm
Quỳnh đã đóng vai trò định hướng cho văn học Việt. Từ góc nhìn này ta nhận thấy
rất rõ sự nhạy cảm của Phạm Quỳnh với tiến trình văn học. Cần nhấn mạnh một thực
tế: những công trình biên khảo, lý luận, điểm sách và phê bình quan trọng nhất của
Phạm Quỳnh được viết chủ yếu từ năm 1917 đến 1921. Ở thời điểm ấy, nền văn học
mới còn ở giai đoạn phôi thai, trứng nước. Nhất là ở miền Bắc, nơi sẽ diễn ra
quá trình kết tinh của tiến trình hiện đại hóa văn học, những thành tựu mới
trong văn xuôi hư cấu mới chỉ đóng khung trong một vài đoản thiên tiểu thuyết của
Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn và cuốn tiểu thuyết xã hội đầu tiên của Đặng Trần
Phất: Cành hoa điểm tuyết; trong thơ là những phá cách của Tản Đà, Đoàn
Như Khuê và trong kịch mới chỉ là những thử nghiệm của Vũ Đình Long, Vi Huyền Đắc.
Việc đề xuất một hệ thống thể loại mới cũng như định tính nó trong phạm trù “thực”
ở Phạm Quỳnh không chỉ đồng hành mà còn đi trước thực tiễn văn học đương thời. Ở
vào thời điểm đó, không một tác phẩm văn học nào của các nhà văn Việt Nam có thể
đáp ứng được tất cả những tiêu chí mà Phạm Quỳnh đề xuất. Nhưng từ sau 1932 trở
đi, người ta mới thấy những gì Phạm Quỳnh chủ trương được hiện thực hóa trong đời
sống sáng tác văn học. Dù có sự đa dạng hóa ngày một sâu sắc nhưng cả dòng văn
học lãng mạn và văn học hiện thực cũng đều được xây dựng trên những nền tảng
chung của phạm trù của cái “thực” trong bút pháp, nghệ thuật phô diễn cũng như
quan niệm về con người. Nếu nói đến lý luận phê bình như một nhân tố tổ chức tiến
trình văn học thì trường hợp Phạm Quỳnh và văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ là một
minh chứng đầy sức nặng. Phạm Thế Ngũ, vì thế, đã xem Phạm Quỳnh là “đạo sư” của
nền văn học mới [20]. Dĩ nhiên, có nhiều nhân tố để tham dự vào sự hình thành
cũng như sự kết tinh của văn học mới mà lý luận và phê bình văn học của Phạm Quỳnh
trên Nam Phong chỉ là một tác nhân.
Nhưng đây lại là tác nhân đã xuất hiện ở một thời điểm nhạy cảm và then chốt nhất nên có thể không sợ sai khi nghĩ đến lý luận và phê bình văn học của Phạm Quỳnh như một sự khởi đầu, một sự kích hoạt đối với tiến trình văn học. Điều này giải thích vì sao dù thuộc về những phạm trù giá trị khác nhau (tùy theo cách đánh giá của từng thời, thậm chí là của từng nhà nghiên cứu) thì Phạm Quỳnh và những lý luận, phê bình văn học của ông luôn được nhắc tới trong mọi miêu tả về bức tranh văn học thời kỳ này.
Nhưng đây lại là tác nhân đã xuất hiện ở một thời điểm nhạy cảm và then chốt nhất nên có thể không sợ sai khi nghĩ đến lý luận và phê bình văn học của Phạm Quỳnh như một sự khởi đầu, một sự kích hoạt đối với tiến trình văn học. Điều này giải thích vì sao dù thuộc về những phạm trù giá trị khác nhau (tùy theo cách đánh giá của từng thời, thậm chí là của từng nhà nghiên cứu) thì Phạm Quỳnh và những lý luận, phê bình văn học của ông luôn được nhắc tới trong mọi miêu tả về bức tranh văn học thời kỳ này.
3. Ở trên chúng ta đã nói đến bộ khung thể loại của văn học mới
với văn xuôi hư cấu - thơ - kịch. Nhưng bộ khung hệ thống thể loại nay không chỉ
thu hẹp trong địa hạt sáng tác mà còn mở rộng sang một lĩnh vực mới: lý luận và
phê bình văn học. Những gì đã trình bày ở trên cho thấy ở lĩnh vực này, Phạm Quỳnh
chính là tác gia lý luận và phê bình quan trọng nhất của văn học giao thời, và
vì thế cũng là một trong những người mở đầu cho loại hình người viết lý luận và
phê bình trong tiến trình lịch sử văn học nước nhà. Sau ông, chỉ mãi đến 1929
ta mới thấy xuất hiện Phan Khôi, Trịnh Đình Rư nhưng những cây bút thực sự
chuyên sâu - chuyên nghiệp thì phải tính từ mốc 1931 với Thiếu Sơn và sau đó là
một loạt những gương mặt của Lê Thanh, Trương Tửu, Thái Phỉ, Hoài Thanh, Đặng
Thai Mai, Vũ Ngọc Phan... Đó là một thực tế mà độ lùi của thời gian đã giúp ta
có được sự điềm tĩnh cần thiết để có được một thức nhận và biện giải thật sự
khách quan.
Chú thích:
[1] Richard Lane, “The Beginnings of The Modern
Japanese Novel: Kana-zhoshi, 1600-1682” [Những khởi đầu của tiểu thuyết Nhật
Bản hiện đại:Kana-zoshi, 1600-1682], Harvard Journal of Asiatic Studies,
Vol.20, No 3/4 (Dec.,1957), 656-657
[2] Trong các công trình lý luận và phê bình của mình,
Phạm Quỳnh chủ yếu nói đến văn học Pháp và chừng mực nào đó là văn học phương
Tây. Tuy nhiên, từ thế kỷ XIX, lịch sử thế giới thực chất đã là lịch sử của
châu Âu mở rộng nên cảm quan về văn học phương Tây cũng đồng thời là cảm quan về
văn học thế giới. Và thực tế lịch sử đã chứng thực điều này: chính là học tập
và tiếp thu phương Tây mà văn học Việt Nam đã thoát khỏi quỹ đạo của văn học
vùng Đông Á với Trung Quốc là trung tâm để ra nhập bản đồ văn học thế giới.
[3] Nguyễn Văn Trung, “Các loại truyện viết bằng chữ Quốc ngữ vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX ở Việt Nam”, trong sách Văn xuôi Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX, tập 1, Cao Xuân Mỹ biên soạn, Nxb văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm nghiên cứu quốc học, 1999, tr: 689-690
[4] Như trên, 679
[5] Nguyễn Văn Vĩnh, “Xét tật mình” và “Tật có thuốc”, Đông Dương tạp chí, số 15, tr 4-6
[6] Hoài Thanh - Hoài Chân, “Một thời đại trong thi ca”, Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học - Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2000, tr: 15
[7] Như trên, tr: 16
[8] Như trên, tr: 17
[9] Phạm Quỳnh, “Thơ ta thơ tây”, Thượng chi văn tập, t1, Bộ quốc gia giáo dục, Sài Gòn, 1962, tr: 47-48
[10] Như trên, tr: 48
[11] Phạm Quỳnh, “Một sự thí nghiệm đã nên công”, Thượng chi văn tập, t.4, Bộ quốc gia giáo dục, Sài Gòn, 1962, tr 207
[12] Phạm Quỳnh, “Khảo về diễn kịch”, Thượng chi văn tập, t.5, Bộ quốc gia giáo dục, Sài Gòn, 1962, tr 59-72
[13] Như trên, tr 75-76
[14] Phạm Quỳnh, “Bàn về tiểu thuyết”, Thượng chi văn tập, t3, Edition Alexandre De Rhodes, HaNoi, không ghi năm xuất bản.
[3] Nguyễn Văn Trung, “Các loại truyện viết bằng chữ Quốc ngữ vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX ở Việt Nam”, trong sách Văn xuôi Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX, tập 1, Cao Xuân Mỹ biên soạn, Nxb văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm nghiên cứu quốc học, 1999, tr: 689-690
[4] Như trên, 679
[5] Nguyễn Văn Vĩnh, “Xét tật mình” và “Tật có thuốc”, Đông Dương tạp chí, số 15, tr 4-6
[6] Hoài Thanh - Hoài Chân, “Một thời đại trong thi ca”, Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học - Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2000, tr: 15
[7] Như trên, tr: 16
[8] Như trên, tr: 17
[9] Phạm Quỳnh, “Thơ ta thơ tây”, Thượng chi văn tập, t1, Bộ quốc gia giáo dục, Sài Gòn, 1962, tr: 47-48
[10] Như trên, tr: 48
[11] Phạm Quỳnh, “Một sự thí nghiệm đã nên công”, Thượng chi văn tập, t.4, Bộ quốc gia giáo dục, Sài Gòn, 1962, tr 207
[12] Phạm Quỳnh, “Khảo về diễn kịch”, Thượng chi văn tập, t.5, Bộ quốc gia giáo dục, Sài Gòn, 1962, tr 59-72
[13] Như trên, tr 75-76
[14] Phạm Quỳnh, “Bàn về tiểu thuyết”, Thượng chi văn tập, t3, Edition Alexandre De Rhodes, HaNoi, không ghi năm xuất bản.
[15] Phạm Quỳnh, “Truyện Kiều”, Thượng chi văn tập,
t3, Tlđd, tr 94
[16] Những phân tích, bình luận chi tiết về vấn đề này xin xem hai bài viết của chúng tôi: Trần Văn Toàn, “Quan niệm về tả thực trong tiểu thuyết giai đoạn giao thời”, Kỷ yếu Hội thảo Những nhà nghiên cứu Ngữ văn trẻ (lần thứ hai), Tạp chí khoa học ĐHSP Hà Nội xuất bản, HN, 2004, tr 112-117 và “Một số vấn đề lý thuyết tiếp nhận từ hoạt động dịch thuật đầu thế kỷ XX”, Văn học so sánh nghiên cứu và triển vọng, Trần Đình Sử và Lê Lưu Oanh (chủ biên), NXB ĐHSP 2005, tr 248-262
[17] Phạm Quỳnh, “Cuộc thi thơ văn của bản báo”, Nam Phong tạp chí, số 7, tháng 1-1918, tr 17
[18] Phạm Quỳnh, “Khảo về diễn kịch”, Tlđd, tr: 57
[19] Trần Văn Toàn, “Quan niệm về tả thực trong tiểu thuyết giai đoạn giao thời”, Tlđd, tr 117
[20] Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, q.3, Quốc học tùng thư, Sài Gòn, 1965, tr: 246, 323.
[16] Những phân tích, bình luận chi tiết về vấn đề này xin xem hai bài viết của chúng tôi: Trần Văn Toàn, “Quan niệm về tả thực trong tiểu thuyết giai đoạn giao thời”, Kỷ yếu Hội thảo Những nhà nghiên cứu Ngữ văn trẻ (lần thứ hai), Tạp chí khoa học ĐHSP Hà Nội xuất bản, HN, 2004, tr 112-117 và “Một số vấn đề lý thuyết tiếp nhận từ hoạt động dịch thuật đầu thế kỷ XX”, Văn học so sánh nghiên cứu và triển vọng, Trần Đình Sử và Lê Lưu Oanh (chủ biên), NXB ĐHSP 2005, tr 248-262
[17] Phạm Quỳnh, “Cuộc thi thơ văn của bản báo”, Nam Phong tạp chí, số 7, tháng 1-1918, tr 17
[18] Phạm Quỳnh, “Khảo về diễn kịch”, Tlđd, tr: 57
[19] Trần Văn Toàn, “Quan niệm về tả thực trong tiểu thuyết giai đoạn giao thời”, Tlđd, tr 117
[20] Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, q.3, Quốc học tùng thư, Sài Gòn, 1965, tr: 246, 323.
Đồng Xa, 23/5/2008
Trần Văn Toàn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét