Thứ Hai, 2 tháng 9, 2019

Nốt nhạc lạ trên thi đàn văn học

Nốt nhạc lạ trên thi đàn văn học
Những ngày cuối năm, giữa bộn bề công việc, tôi nhận được một món quà bất ngờ từ người bạn đã quen lâu năm: Cuốn sách “Chuyện tình Cố đô” của Nguyễn Tử Chương - Tác phẩm và dư luận của Nhà xuất bản Lao động. Tên cuốn sách hơi dài nhưng nó phản ánh được hết những nội dung truyền tải bên trong nên những ngày đầu đông buốt giá, tôi nhâm nhi cốc trà sen, thưởng thức từng trang sách, mở lòng để đến với thi ca và nhận thấy đây quả là một nốt nhạc lạ trên thi đàn văn học Ninh Bình.
Cuốn sách được bố cục 3 phần khá hợp lý: Phần 1 là Tác giả, có 2 bài viết: Nguyễn Tử Chương - Chân dung tự họa và bài “Một thoáng về Nguyễn Tử Chương”. Phần 2 là “Chuyện tình Cố đô” - Tác phẩm và dư luận gồm những bình luận, phân tích đa chiều về tác phẩm “Chuyện tình Cố đô” cũng như những cộng hưởng âm điệu từ bài thơ này. Phần 3 là Cố đô trong tôi gồm những bài thơ tuyển chọn của Nguyễn Tử Chương về quê hương, con người Ninh Bình. 3 phần tách biệt riêng rẽ nhưng lại có sự liên kết, giao thoa tạo nên một cuốn sách hoàn chỉnh về nội dung và hình thức. Nốt nhạc lạ mà tôi nhắc đến ở đây trước tiên chính là cái bố cục này, không phải theo kiểu quy nạp hay diễn dịch mà có phần theo kiểu tùy hứng. Nhưng tùy hứng lại rất logic. Con người Nguyễn Tử Chương như thế ở phần 1 thì mới có bài thơ và những bình luận phân tích trái chiều ở phần 2. Và sự cộng hưởng âm điệu ở cuối phần 2 là nốt nhạc đệm rất khéo léo cho sự xuất hiện một chùm thơ ở phần 3.
Sở dĩ tôi nói đây là một nốt nhạc lạ là ở chỗ từ trước đến giờ tôi toàn đọc những cuốn sách xuôi chiều, không mấy tranh cãi nhưng ở cuốn sách này tôi thấy có sự phản hồi, tranh luận rất nhiều mà không phải tác giả nào cũng dám chấp nhận điều đó để đưa vào trong cùng một chỉnh thể.
Ngay như ở phần 1, tác giả, tôi không muốn nói nhiều về Nguyễn Tử Chương bởi tên anh đã gắn liền với dòng họ Nguyễn Tử nổi tiếng. Cái tôi muốn nói là mâu thuẫn tự tại trong con người anh mà anh dám “công khai” với dư luận. Đó là chăm chỉ và lười biếng, hiện đại và hoài cổ, nguyên tắc và cảm tính, tư duy logic và tâm hồn lãng đãng, tự do và ràng buộc, khiêm tốn và kiêu kỳ. 
Chính vì thế mà anh vừa là doanh nhân vừa là nhà thơ, ở vị trí nào anh cũng tâm huyết và trọn vẹn nghĩa tình với nó. Nốt nhạc lạ ngân lên từ chính trong tâm hồn nhà thơ với những cung bậc đa chiều, thậm chí trái chiều nhưng vẫn hòa chung một nhịp để tạo nên những tác phẩm ấn tượng, để lại nhiều dư vị sâu sắc. Nốt nhạc lạ ở đây còn đến chính từ bài thơ “Chuyện tình Cố đô”. Tôi không muốn phân tích hay bình luận thêm về bài thơ này vì trong phần 2 đã có nhiều bài viết sâu sắc, thẳng thắn về giá trị nội dung và nghệ thuật của nó. Cái tôi thấy lạ là lần đầu tiên đưa những ý kiến trái chiều, khen có, chê có vào cùng một cuốn sách để người đọc sách tự cảm nhận, tự đưa ra cho mình kết luận riêng, nhận định riêng. Đó cũng là một cách làm hay, để khơi gợi những tư duy, những cách cảm mới từ một tác phẩm cũ. Tôi nhận thấy trong bài thơ “Chuyện tình Cố đô” cũng có những mâu thuẫn như chính con người tác giả. Người ta tranh luận nhau nó là “kim” hay “cổ”, là thật hay ảo, sâu lắng hay dạt dào, là nốt giáng hay nốt thăng…
Đọc phần 2, tác phẩm và dư luận tôi có cảm giác như mình đang được ngồi bàn tròn, cùng với những thi nhân mặc khách của Nguyễn Tử Chương để đàm đạo về “Chuyện tình Cố đô”, để mỗi người nhâm nhi một ngụm trà nóng, suy nghĩ liên tưởng riêng rồi “điểm huyệt” cho trúng những cái hay cái dở, những cái được và chưa được của bài thơ.
Còn tác giả, chăm chú lắng nghe và cùng hòa làm một với những cảm xúc dạt dào như được tiếp nối từ hàng ngàn thế kỷ trong bài thơ để rồi tiếp tục “cháy” cùng nghệ thuật. Cách bố cục cuốn sách này khá lạ, không hẳn là sự tập hợp của những bài viết, những bình luận phân tích mà nó bố cục theo kiểu vòng tròn xoáy để làm nổi bật tác phẩm “Chuyện tình Cố đô”, một tứ thư mới, lạ, mang đậm chất Ninh Bình. Nốt nhạc lạ trong cuốn sách này phải kể đến sự cộng hưởng âm điệu “Chuyện tình Cố đô” trong sáng tác của của những người bạn của Nguyễn Tử Chương như Quý Phương, Hàn Thi, Trần Xuân Đạt… Nói một cách dễ hiểu là “Chuyện tình Cố đô” đã tạo được sự tương tác lớn, là niềm cảm hứng cho những sáng tác khác. Đây không phải là điều mà một bài thơ nào cũng có thể có.
Từ “Chuyện tình Cố đô”, Nguyễn Tử Chương cũng giới thiệu trong cuốn sách chùm thơ về con người, quê hương Ninh Bình do anh sáng tác. Người ta có thể nhận thấy sự thăng hoa cảm xúc trong những sáng tác này, lúc thì dịu êm, lúc thì ồn ào, lúc thì sâu lắng, lúc thì khát khao mãnh liệt với nhiều tứ thơ, thể thơ khá đa dạng, tạo nên một bức tranh nghệ thuật đa sắc.
Đọc cuốn sách này, tôi không thể vội bởi từng trang một là một góc nhìn, một khía cạnh khác nhau nên phải thấm từng giọt mới hiểu được những miền thăng hoa cảm xúc. Lần đầu tiên tôi tiếp cận một cách làm văn học mới, một cách thể hiện mới nhưng không mấy bất ngờ mà thấy thú vị bởi đây là cuốn sách thể hiện sự tương tác cao, phù hợp với thời đại 4.0.
Quỳnh Thu
Theo http://baoninhbinh.org.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mái tóc người vợ HỘI LÀNG MẤT VUI Thuở ấy, giặc Minh đang xâm chiếm nước ta. Ở một vùng khuất nẻo, hội vật làng Liễu đang vào ngày c...