Từ trước tới nay đã có không ít định nghĩa về thơ nhưng xem
ra chưa có định nghĩa nào hoàn toàn thỏa mãn người đọc. Đơn giản là do nội hàm
khái niệm thơ vô cùng phong phú. Tùy từng thời đại, từng xu hướng, từng nhà thơ
mà hiểu thơ khác nhau, nhiều khi phủ định nhau.. Nếu A.Musset cho thơ là cảm
xúc với luận điểm nổi tiếng: “Hãy đập vào trái tim, thiên tài là ở đó!” thì
P.Valéry cho thơ là ngày hội tưng bừng của trí tuệ.
Thậm chí có khuynh hướng xem thơ thuộc lĩnh vực thần bí.
Platon cho rằng khi làm thơ thi sĩ bị thần linh chi phối. Lục Cơ (Trung Quốc)
đã lý giải về sự sinh thành của thơ là do sự rung động của Đạo.
Quan niệm chính thống về thơ của Nho giáo là “thi ngôn
chí” [Thiên “Thuấn điển” trong Kinh Thư]. Quan niệm này cũng đã thống trị hàng
ngàn năm thơ Trung đại Việt Nam. Phan Phu Tiên (đời Trần) đã viết trong lời tựa
“Việt âm thi tập tân san”: “Trong lòng có điều gì tất hình thành ở lời cho nên
thơ để nói chí vậy”[9, tr.239]. Trong thơ Trung Quốc cổ còn có quan niệm “thi
ngôn tình” xuất hiện từ thế kỷ III (đời Đông Tấn). Quan niệm thi ngôn tình đã ảnh
hưởng đến trào lưu nhân đạo chủ nghĩa trong thơ Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII
- nửa đầu thế kỷ XIX mà tiêu biểu là "Truyện Kiều" của Nguyễn
Du. Quan niệm “thi ngôn tình” gần với thuyết biểu hiện trong thơ phương Tây.
Theo đó, thơ là sự tuôn tràn, bột phát những tình cảm mãnh liệt.
Các nhà thơ phương Tây thời kỳ hiện đại có xu hướng xem thơ
là nghệ thuật ngôn từ. Làm thơ tức là làm cho ngôn ngữ trở thành tác phẩm nghệ
thuật.
Theo các nhà cấu trúc luận Pháp, thơ là một hệ thống ký hiệu.
Ý nghĩa của tác phẩm thơ tùy thuộc vào các quan hệ bên trong văn bản. Phê bình
mới Mỹ xem thơ là một hình thức ngôn ngữ có tính chất tự quy chiếu và tự đầy đủ
cho nó.
Còn có xu hướng định nghĩa thơ bằng cách đối lập với văn
xuôi. Chức năng ngữ học của văn xuôi là định danh và biểu đạt. Chức năng ngữ học
của thơ là khơi gợi trí tưởng tượng sáng tạo.
Ở Việt Nam trong mấy chục năm trở lại đây đã có nhiều người nỗ
lực định nghĩa thơ. Hà Minh Đức với công trình "Thơ và mấy vấn đề trong
thơ Việt Nam hiện đại" [2], Mã Giang Lân với công trình "Tìm hiểu
thơ" [5] đã tổng hợp nhiều ý kiến về thơ của các nhà nghiên cứu, nhà thơ Việt
Nam hiện đại rất thú vị. Đáng chú ý là trên Tạp chí Văn học số 1, (1991), Nhà
nghiên cứu Phan Ngọc đã có bài viết "Thơ là gì?". Trong bài viết này,
ông cho rằng định nghĩa thơ phải đáp ứng những yêu cầu sau:
“a, Có giá trị phổ quát, áp dụng cho mọi hiện tượng gọi là
thơ trên trái đất này, bất chấp mọi ngôn ngữ, thời gian, tập quán, trường
phái.
b, Mang tính hình thức giúp người ta nhận được ngay thơ, không cần phải có kinh nghiệm và hiểu biết nghệ thuật.
c, Giúp người ta nắm được thực chất của thơ để làm thơ, đọc thơ, giảng thơ có hiệu quả”.
b, Mang tính hình thức giúp người ta nhận được ngay thơ, không cần phải có kinh nghiệm và hiểu biết nghệ thuật.
c, Giúp người ta nắm được thực chất của thơ để làm thơ, đọc thơ, giảng thơ có hiệu quả”.
Tiếp theo, ông đã đưa ra định nghĩa về thơ của mình: “Thơ là
cách tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản để bắt người tiếp nhận phải nhớ, phải cảm
xúc và phải suy nghĩ do chính hình thức tổ chức ngôn ngữ này” [6].
Có thể thấy yêu cầu của Nhà nghiên cứu Phan Ngọc đối với một
định nghĩa thơ là quá cao và định nghĩa của ông cũng còn có chỗ để bàn. Thơ được
sáng tạo theo quy luật của cái đẹp. Nếu "hết sức quái đản thì đã ra ngoài
địa hạt thơ".
Chúng tôi chỉ mới dẫn ra một số ý kiến nhận diện thơ. Để có một
định nghĩa thơ được mọi người chấp nhận là một điều dường như bất khả. Chế Lan
Viên đã nói lên một tâm trạng rất thật: “Chả lẽ tôi hì hục làm thơ mấy chục năm
trời lại trả lời rằng thơ cũng khó định nghĩa như điện, như tình yêu ấy. Thế
thì điệu quá, làm bộ làm tịch quá. Nhưng thực ra tôi chưa hiểu hết thơ đâu. Tôi
cũng có định nghĩa nhiều lần đấy, nói hẳn hoi, viết hẳn hoi nhưng lần này định
nghĩa thì lần sau nắn lại. Chỗ này định nghĩa thì chỗ khác bổ sung. Vẫn còn
nghĩ tiếp…”[11, tr.96].
Mặc dù vậy, chúng tôi xin đưa ra thêm một định nghĩa thơ, góp
phần mình vào thi học:
"Thơ là loại hình nghệ thuật ngôn từ, sáng tạo theo các
nguyên lý: lạ hóa, có tính nhạc và sử dụng tối ưu các thủ pháp nghệ thuật nhằm
truyền đến người đọc những thông điệp trữ tình mới mẻ trong một giá trị thẩm mỹ
độc đáo."
Sau đây chúng tôi xin làm sáng tỏ định nghĩa này:
1. Thơ là nghệ thuật ngôn từ
Điều đầu tiên chúng tôi muốn nhấn mạnh trong định nghĩa của
mình: “Thơ là nghệ thuật ngôn từ”.
Nhiều nhà nghiên cứu đã trích dẫn các định nghĩa thơ từ
phương diện nội dung trữ tình. Ví dụ như: “Thơ là tiếng nói đồng ý, đồng tình,
tiếng nói đồng chí”… “Thơ là tiếng nói tri âm”… “Thơ là chuyện đồng điệu…” (Tố
Hữu) [3, tr.423]. Điều này dễ dẫn đến ngộ nhận rằng bản chất của thơ là ở nội
dung trữ tình, nghệ thuật chỉ là phương tiện để thể hiện nội dung. Một số quan
niệm thơ từ xưa tới nay đã củng cố cách hiểu đó. Ví dụ như quan niệm "Thi
ngôn chí" (Thơ để nói chí) của Nho giáo.
Thơ có thể gắn với chính trị, triết học, đạo đức …nhưng phải
biến tất cả thành như là vấn đề của cá nhân nhà thơ. Nghĩa là bài thơ phải xuất
phát từ bộ máy cảm quan độc đáo, không lặp lại của chính người làm thơ. Đỗ Phủ
từng trăn trở: “Ngữ bất kinh nhân tử bất hưu” (Lời thơ chưa làm cho người ta
kinh ngạc, thán phục, đến chết chưa thôi sửa chữa). Nhà thơ Xô viêt nổi tiếng
V.Maiacovsky thì tâm niệm:
"Chuyện cách mạng, chuyện đất nước vang lên
Hay chuyện chính của con tim tôi đó".
Hay chuyện chính của con tim tôi đó".
Đồng thời ông cũng đã nói lên lao động sáng tạo của nhà thơ
căng thẳng như thế nào:
"Phải tốn hàng nghìn cân quặng chữ
Để thu về một chữ mà thôi".
Để thu về một chữ mà thôi".
Điều đó có nghĩa là thông điệp mà nhà thơ gửi đến bạn đọc phải
có chất thơ trong nội dung trữ tình cũng như hình thức thể hiện. Thơ muốn mang
bất cứ sứ mệnh lớn lao nào thì trước hết phải là thơ đã.
2. Thơ được sáng tạo theo nguyên lý lạ hóa
Lạ hóa không chỉ là thủ pháp mà còn là nguyên lý căn bản của
thơ. Nhà thơ là người không chịu nhìn cuộc sống theo quan niệm của số đông, của
“lẽ phải thông thường” đã trở nên quen thuộc, sáo mòn. Đối tượng công phá thường
trực của thơ là sự rập khuôn, máy móc của tư duy, của cách cảm, cách nói mà con
người sa vào một cách tự động, nhiều khi không tự biết. Thơ phải gây được hiệu ứng
tâm lý ngạc nhiên, thú vị và khâm phục ở người tiếp nhận: ngạc nhiên ở khả năng
nhìn ra cái mới nơi thế giới quen thuộc, ngạc nhiên ở tài năng sáng tạo của nhà
thơ trong việc sử dụng ngôn từ và các thủ pháp nghệ thuật. Đã có hàng vạn câu
thơ về mùa thu nhưng thơ Bích Khê trong bài "Tỳ bà" vẫn ánh lên vẻ đẹp
mới lạ:
Ô! hay! buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! vàng rơi: thu mênh mông.
Vàng rơi! vàng rơi: thu mênh mông.
Sứ mệnh của thơ là sáng tạo cái mới. Thơ không chỉ bỏ qua cái
non yếu, cái lạc hậu mà còn bỏ qua cả cái đẹp, cái hay đã quen thuộc. Những người
làm thơ đều hiểu lao động sáng tạo căng thẳng như thế nào để tránh sự sáo mòn
trong cách cảm, cách nghĩ, cách thể hiện và ngôn ngữ thơ. Trong ý thức sáng tạo
nhà thơ chân chính luôn là người đi trước “tầm đón nhận” của công chúng bạn đọc
ít nhất “nửa vành bánh xe”. Mỗi tác phẩm thơ chân chính là một phát minh và là
một sự nới rộng đường biên thơ. Thơ không chỉ là câu chuyện tri âm: nói những
điều ai cũng cảm thấy thế nhưng không viết thành thơ được, nhà thơ là người nói
hộ, nói thay những điều đồng điệu ở bạn đọc. Thơ còn khám phá những điều chưa
biết, đặc biệt là những vùng mờ trong thế giới tinh thần của con người như vô
thức, tiềm thức, tâm linh. Đó là tinh thần sáng tạo của các trường phái thơ hiện
đại chủ nghĩa mà một thời nhân danh chủ nghĩa hiện thực không ít người đã ra sức
phủ nhận.
Với người làm thơ hồn nhiên, viết là để giải thoát suy tư, cảm
xúc và với bạn đọc bình thường thơ là một thế giới tinh thần để nhập cảm, để
tri âm. Nhưng nếu là nhà thơ chuyên nghiệp sẽ phải hiểu thơ còn là một công
trình nghệ thuật độc đáo, mới lạ về cách cảm, cách nghĩ, về nghệ thuật ngôn từ.
Đối tượng hướng tới của thơ hiện đại phải là bạn đọc hàng đầu. Mỗi bài thơ phải
là một tác phẩm nghệ thuật có tính sáng tạo, đem đến cho bạn đọc những điều mới
lạ.
Có thể thực tế sáng tác không theo kịp nhận thức lý luận,
nhưng khi đã ngộ ra nguyên lý của thơ là lạ hoá, nhà thơ sẽ không cho phép mình
viết những câu thường tình, đơn giản, lặp lại mình, lặp lại người khác. Nguy cơ
thường xuyên của thơ là sa vào sự thường tình, không gây nên một sự ngạc nhiên
thú vị nào.
3. Thơ phải có tính nhạc
Quan niệm thơ đã thay đổi rất nhiều theo thời gian nhưng có một
nguyên lý bất di bất dịch: thơ phải có tính nhạc. Tính nhạc không chỉ phân biệt
thơ với các loại hình nghệ thuật ngôn từ khác mà còn làm cho mỗi bài thơ là một
sinh thể nghệ thuật. Trong thơ cũ, tính nhạc rất khuôn mẫu. Lao động sáng tác của
nhà thơ gợi người ta nghĩ đến công việc soạn lời cho các làn điệu dân ca. Trong
thơ hiện đại mỗi bài thơ phải có tính nhạc riêng, độc đáo. Ở mỗi bài thơ hay ta
thấy lời thơ được linh cảm về nhạc của thi sĩ dẫn dắt, nhịp điệu vừa tự do, vừa
không vi phạm “luật pháp của âm thanh”, cuốn hút người đọc. Thậm chí nhạc có thể
đi trước ngữ nghĩa, ta chưa kịp hiểu đã cảm thấy hay như trong thơ tượng trưng.
Ví dụ tiêu biểu là tính nhạc của bài thơ "Màu thời gian" (Đoàn Phú Tứ).
Dù không hiểu, hoặc hiểu rất ít, nhưng do nhạc tính độc đáo, bài thơ dễ được bạn
đọc đồng tình xem là một trong những tác phẩm hay nhất của phong trào Thơ mới
(1932 - 1945).
Một số bài thơ hiện đại có thể cảm thấy hay mà không cần sự
hiểu. Nhưng để cảm được, bài thơ phải có tính nhạc độc đáo. Có một nguyên lý ai
cũng biết là nội dung nào, hình thức ấy. Mỗi bài thơ phải có một nhạc điệu
riêng. Hình thức thơ tự do không vần là rất thích hợp với việc tạo nên tính nhạc
độc đáo của từng bài thơ. Theo thống kê của chúng tôi “trong 1144 bài thơ của tuyển
tập Thơ Việt Nam 1975-2000 (Nxb Hội Nhà văn, 2001) có 645 bài (56%) được viết
theo thể thơ tự do” [1, tr.185]. Điều đó cho thấy thơ Việt Nam sau 1975 đang tiếp
tục tự do hóa để phù hợp với nhịp sống hiện đại.
Để tạo nhạc tính đặc biệt một số nhà thơ đã mô phỏng âm thanh
các hiện tượng đời sống bằng yếu tố ngữ âm. Trong bài" Noel II" Dương
Tường đã mô phỏng âm thanh tiếng chuông đêm Noel:
" Em về phố lặng
lòng đổ chuông
llềnh llềnh nước
lli
lluang
lloang llưng
lliêng llinh lluông lluông buông boong..."
lòng đổ chuông
llềnh llềnh nước
lli
lluang
lloang llưng
lliêng llinh lluông lluông buông boong..."
Bài thơ có thể gây ấn tượng cầu kỳ, nhưng là một thể nghiệm
đáng được quan tâm.
Một số người lại cho rằng thơ hiện đại không phải để ngâm mà
là để đọc, nhạc điệu thơ không còn mấy ý nghĩa. Họ làm thơ mà không quan tâm đến
tính nhạc. Lời đã khó hiểu, tính nhạc lại không có thì lấy gì để truyền cảm?
Đây là một trong những nguyên nhân làm cho thơ tự đánh mất độc giả.
4. Thơ sử dụng tối ưu các thủ pháp nghệ thuật
Thơ là một giá trị tổng hợp: Tư tưởng, tình cảm, đạo đức...
nhưng trước hết là tác phẩm nghệ thuật ngôn từ. Trường phái Hình thức Nga có phần
cực đoan khi cho nghệ thuật như là thủ pháp nhưng luận điểm ấy có tác dụng nhấn
mạnh bản chất nghệ thuật của thơ. Chất thơ thể hiện không chỉ ở nội dung trữ
tình mà còn ở chỗ nhà nghệ sĩ ngôn từ đã sáng tạo bằng các thủ pháp nào.
Trên con đường phát triển của mình thơ vừa tích luỹ các thủ
pháp nghệ thuật truyền thống, vừa không ngừng sáng tạo các thủ pháp mới. Với
phong trào Thơ mới (1932-1945) ngoài những thủ pháp nghệ thuật thơ truyền thống
như nhân hóa, so sánh, ẩn dụ… thơ Việt Nam đã sáng tạo thêm các thủ pháp mới
như: miêu tả khách thể thẩm mỹ một cách cụ thể, cảm tính (thơ “tả chân”), phức
hợp (tương hợp) cảm giác, đặt cạnh nhau những từ xa nhau về ngữ nghĩa…Từ đó đến
nay đã có thêm nhiều thủ pháp nghệ thuật hiện đại, đặc biệt là sự sáng tạo về
thi ảnh, biểu tượng và ngữ âm.
Tất cả kinh nghiệm sáng tạo của thi ca nhân loại cổ, kim,
đông, tây đều có ích nhưng điều quan trọng là phải sáng tạo nên những thủ pháp
nghệ thuật mới mẻ, mang dấu ấn riêng của từng thi sĩ. Tư duy thơ tương hợp gắn
với tên tuổi của nhà thơ tượng trưng Pháp Ch. Baudelaire. Hình thơ bậc thang gắn
với V. Maiacovsky…
Các nhà hình thức luận Nga đã vượt qua cách hiểu văn học gồm
hai mặt nội dung và hình thức. Họ đưa ra cặp phạm trù chất liệu và thủ pháp nghệ
thuật và quan niệm nghệ thuật như là thủ pháp. Cách hiểu này mở ra những chân
trời mênh mông cho sáng tạo thơ.
Điều cuối cùng cần nói trong định nghĩa của chúng tôi là thơ “nhằm truyền đến người đọc những thông điệp trữ tình mới mẻ trong một giá trị thẩm mỹ độc đáo”.
Điều cuối cùng cần nói trong định nghĩa của chúng tôi là thơ “nhằm truyền đến người đọc những thông điệp trữ tình mới mẻ trong một giá trị thẩm mỹ độc đáo”.
Trong thời kỳ hiện đại đã có những trường phái thơ ra sức triệt
tiêu ý nghĩa xã hội, chức năng giao tiếp của thơ. Sẽ sa vào cực đoan khi xem
thơ là lĩnh vực của hình thức thuần túy, khép kín. Thơ không thể vô nghĩa lý,
không có một thông điệp gì đến người nghe, người đọc. Thông điệp ấy có thể là một
cảm xúc, một tâm trạng, một suy nghĩ có tính triết luận, chính luận về cuộc sống
và con người có chất thơ. Thông điệp ấy có thể là một kinh nghiệm thẩm mỹ về cuộc
sống, con người và về bản thân ngôn ngữ. Vấn đề là những thông điệp trữ tình phải
thực sự mới mẻ. Bài thơ dân gian "Con cóc" là biếm họa điển hình cho
loại thơ dở, không có thông điệp gì đáng nói.
Vấn đề cần nhấn mạnh là những thông điệp trữ tình mới mẻ ấy
phải đến với người đọc trong một giá trị thẩm mỹ độc đáo. Mục đích sáng tác của
nhà thơ suy cho cùng là tạo ra những giá trị thẩm mỹ độc đáo. Người đọc tìm đến
thơ cũng là để thưởng thức các giá trị ấy. Thơ cần mới và hay. Mới lạ trong thơ
là để hay chứ không phải để mới lạ như một mục đích tự thân. Nhiều người làm
thơ hiện nay đang chạy theo cái lạ mà chưa vươn tới được cái hay. Điều rất khó
của thơ là phải hay theo một cách riêng, độc đáo, không lặp lại.
Ý kiến của Vũ Huy Vọng
Thơ là gì? Nếu nêu định nghĩa về thơ thì vô cùng... Riêng
theo cách diễn đạt, biểu đạt của nhà thơ Phạm Quốc Ca cũng là một ý, một cách để
chúng ta suy ngẫm... Với tôi xin góp một ý nhỏ nhưng mang tính phổ quát, đã là
thơ thì phải đạt được "Ba chữ T": Tình, tứ và từ. Nghĩa là một bài
thơ thì trước hết phải có tình (Tình đời, tình người...); kế đến là phải có tứ,
có nội dung sâu sắc... cuối cùng là ngôn ngữ thơ phải được chắt lọc, tinh khiết
thì mới là thơ hay. Có môt câu thơ rất hay từ lâu mãi ám ảnh tôi tới bây giờ:
"Lặn lội thân cò khi quãng vắng/ Eo xèo mặt nước buổi đò đông"
(Thương vợ - Tú Xương). Vì vậy, dù là thơ cũ nhưng theo ý tôi thì câu thơ này vẫn
là một trong những câu thơ hay nhất không chỉ của Việt Nam, mà là một trong những
câu thơ hay của toàn nhân loại.
Chú thích:
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phạm Quốc Ca, Mấy vấn đề về thơ Việt Nam 1975-2000, Nxb
Hội Nhà văn, Hà Nội, 2003.
2. Hà Minh Đức, Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974.
3. Tố Hữu, Xây dựng một nền văn nghệ lớn, xứng đáng với nhân dân ta, với thời đại ta, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội,1973.
4. Đông La, Biên độ của trí tưởng tượng, 420 tr, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1997.
5. Mã Giang Lân, Tìm hiểu thơ, 246 tr, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1997.
6. Phan Ngọc, Thơ là gì?, Tạp chí Văn học, số 1, Hà Nội, 1991.
7. Huỳnh Như Phương, Trường phái hình thức Nga, 208 tr, Nxb Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, 2007.
8. R.Jacobson, Questions de Poétique, Le Seuil, Paris, 1973.
9. Nguyễn Minh Tấn (Chủ biên), Từ trong di sản, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội, 1987.
10. Đặng Tiến, Thơ thi pháp và chân dung, 476 tr, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2009.
11. Chế Lan Viên, Bay theo đường dân tộc đang bay, Nxb Văn học giải phóng, 1976.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phạm Quốc Ca, Mấy vấn đề về thơ Việt Nam 1975-2000, Nxb
Hội Nhà văn, Hà Nội, 2003.
2. Hà Minh Đức, Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974.
3. Tố Hữu, Xây dựng một nền văn nghệ lớn, xứng đáng với nhân dân ta, với thời đại ta, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội,1973.
4. Đông La, Biên độ của trí tưởng tượng, 420 tr, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1997.
5. Mã Giang Lân, Tìm hiểu thơ, 246 tr, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1997.
6. Phan Ngọc, Thơ là gì?, Tạp chí Văn học, số 1, Hà Nội, 1991.
7. Huỳnh Như Phương, Trường phái hình thức Nga, 208 tr, Nxb Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, 2007.
8. R.Jacobson, Questions de Poétique, Le Seuil, Paris, 1973.
9. Nguyễn Minh Tấn (Chủ biên), Từ trong di sản, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội, 1987.
10. Đặng Tiến, Thơ thi pháp và chân dung, 476 tr, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2009.
11. Chế Lan Viên, Bay theo đường dân tộc đang bay, Nxb Văn học giải phóng, 1976.
Đà Lạt, tháng 10 năm 2010
Phạm Quốc Ca
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét