Trong phong trào Thơ mới, “Xuân Diệu là người mới nhất, Hàn Mặc
Tử lạ nhất và Nguyễn Bính quê nhất” [1].
Cái chất quê, cái tình quê thiêng liêng đẹp đẽ ấy chính là hồn xưa đất nước,
điều đã làm nên tên tuổi Nguyễn Bính trong lịch sử thi ca dân tộc. Đó là nguyên
nhân sâu xa giúp cho thơ ông vừa có diện phủ sóng lớn, vừa có sức sống bền lâu
và luôn đạt kỷ lục về số lượng xuất bản.
Bằng những câu thơ trong lành, thánh thiện, thi nhân đã dẫn
người đọc trở về nơi làng quê yêu dấu, được ru lòng mình trong điệu hồn dân tộc,
để rồi được thụ hưởng những phút giây thật thanh tĩnh, dịu dàng:
Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
(Chân quê)
Được trở về với những năm tháng thần tiên tưởng đã một đi
không bao giờ quay lại:
Những buổi học về không có nón
Đội đầu chung một lá sen tơ
(Trường huyện)
Các tác phẩm thơ ca của ông phần lớn được dệt từ hương hoa đồng
nội: từ hương chanh, hương bưởi, hương trầu quế thơm nồng, từ sắc tầm xuân tím
biếc, từ biết bao trầm tích văn hoá của những làng quê Việt - nơi lưu giữ nhiều
nhất những mã văn hóa truyền thống ngàn đời. Tắm mình trong thứ ánh sáng thông
tuệ và minh triết dân gian đó, Nguyễn Bính đã có được những vần thơ mang vẻ đẹp
nguyên sơ, quyến rũ, những áng thơ lưu giữ biết bao vẻ đẹp của hồn xưa đất
nước.
Cùng thời Nguyễn Bính, Nguyễn Tuân cũng đặt cược cả đời mình
vào mục đích đi tìm cái dư âm, dư ảnh của một thời đã qua trong niềm hoài niệm
khôn nguôi. Nhưng nếu thi sĩ đồng quê Nguyễn Bính thiên về kiếm tìm vẻ đẹp dân
gian dung dị thì Nguyễn tiên sinh lại ráo riết đi săn lùng cái đẹp kiêu sa của
văn hoá bác học với những nét kỳ thú sang trọng mang đậm màu phú quý: nhâm nhi
chén trà sương buổi sớm, ngắm dò lan nở lúc trăng lên, thậm chí cả cái đẹp rờn
rợn của cảnh bữa tiệc máu hay chém treo ngành… Dĩ nhiên, đó là hai quan niệm
nghệ thuật khác nhau. Một bên là vẻ đẹp tươi mát đầy sức sống phồn thực của
nàng thôn nữ yếm thắm hoa đào, còn bên kia là vẻ khuê các của người con gái chốn
lầu son gác tía. Là văn hóa bản địa nên so với văn hóa bác học, văn hóa dân
gian mang đậm bản sắc dân tộc hơn, hồn xưa đất nước cũng được gửi gắm vào đó
sâu đậm hơn.
Đọc thơ trước 1945 của ông, ta không khỏi giật mình, ngưỡng mộ:
chỉ 3 năm, thi nhân đã dâng tặng cho đời 7 tập thơ tinh huyết: Lỡ bước
sang ngang (1940), Tâm hồn tôi (1940), Hương cố
nhân (1941), Một nghìn cửa sổ (1941), Người con gái ở lầu
hoa (1942), Mây Tần (1942), Mười hai bến nước (1942).
Trong đó, có nhiều bài đã trở thành những câu thơ trong trí nhớ. Chỉ thế, đã đủ
minh chứng cho bút lực phi thường, một tài năng độc đáo - một ẩn số đang cần
lời giải đáp.
Thực tế cho thấy, dù ít có nhiều có điều kiện học hành, nhưng
nhờ “Tiếp thu trọn vẹn tinh hoa của nền văn minh thôn dã, nền văn hóa xóm
làng" [2],
Nguyễn Bính đã nhanh chóng trở thành một nhà thơ nổi tiếng. Dẫu không thể phủ
nhận ảnh hưởng của văn hóa phương Tây nhưng có thể chắc chắn rằng, những giá trị
truyền thống mới là điều cốt yếu làm nên một Nguyễn Bính tài hoa. Cội nguồn dân
tộc đã nâng cánh cho ông, giúp ông dễ dàng băng mình bay lên hòa cùng nhân loại,
thăng hoa rồi xuất thần mà có được những câu thơ đẹp mang phong cách thời đại:
Đã thấy xuân về với gió đông
Với trên màu má gái chưa chồng
Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong
(Xuân về)
Vì khác với nhiều nhà thơ cùng trang lứa, Nguyễn Bính chỉ tập
trung tinh lực đi tìm chất thơ trong tâm hồn Việt, chỉ tiếp cận đối tượng từ điểm
nhìn văn hoá. Nhờ được thẩm thấu qua tâm hồn nhạy cảm, tinh tế của người thơ
Nguyễn Bính, hình ảnh cuộc sống nơi thôn dã quê kiểng được tinh lọc, chưng cất
rồi làm nên những bức danh hoạ về đề tài làng quê, mang đến cho bạn đọc
những thông điệp vĩnh cửu về tình yêu quê hương đất nước. Chú tâm đi tìm hồn
xưa đất nước - những giá trị thuần Việt trong quá khứ, nên ống kính của thi
nhân luôn hướng về phía làng quê (nếu có nói đến thị thành thì cũng chỉ với mục
đích đối sánh để thấy mặt trái của văn hoá thị thành mà thôi), nơi được coi là
một pháo đài bền vững, là mảnh đất lưu giữ nhiều “mã di truyền” văn hoá dân tộc.
Làng quê của Nguyễn Bính là làng quê văn hoá, những lối sống văn hóa, những con
người với những hành vi văn hoá. Đọc thơ Nguyễn Bính ta không bắt gặp những
nông dân chân lấm tay bùn mà chỉ thấy một cô gái e ấp trong khung cửi, anh lái
đò đa cảm với những giấc mơ trở thành quan Trạng, cô thiếu nữ ngây thơ đang mải
mê bắt bướm ngoài vườn, đôi bạn học trò chung đầu chiếc lá sen tơ ướp nhị hờ,
nàng sơn nữ hái mơ thơ thẩn trong rừng chiều êm ái, những cặp trai gái tương tư
hò hẹn nơi đầu đình lúc đỏ đèn, một cô dâu thẹn thùng nức nở trong ngày hạnh
phúc, người hàng xóm xinh đẹp với một mối tình mong manh vừa giăng tơ, một đôi
bạn bé con rủ nhau ra vườn nhặt bông bưởi chưng nước hoa rồi ngây thơ bôi lên
mái tóc… Thoảng gặp là một bậc từ mẫu phong lưu trong ngày Tết giữa sân gạch tường
hoa, trong ngày cưới cô con gái rượu, hay ngày chớm đông tay mẹ khéo léo luồn
chiếc mền bông chăm chút cho sự đủ đầy của cái tổ ấm gia đình rất đỗi nề nếp. Hầu
như tất cả được bao phủ trong một khí quyển của tình người rất đẹp: nhẹ và
thanh, không nhuốm màu vật chất vừa đủ để yêu thương, nhung nhớ, giận hờn. Đó
là những con người tinh hoa của cộng đồng làng xã, mang trong dòng máu những
giá trị văn hoá ngàn đời:
Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng
Mẹ già chưa bán chợ làng xa
(Mưa xuân)
Nhưng cuộc xâm thực dữ dội của văn hóa phương Tây đã khiến
khá nhiều giá trị truyền thống đẹp đẽ bị mai một, phôi pha, đã làm cho không ít
quốc bảo, quốc túy, quốc hồn có nguy cơ bị biến mất:
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều
(Chân quê)
Nhưng nặng lòng với những giá trị văn hóa truyền thống, Nguyễn
Bính vẫn gắng sức khổ công đãi cát tìm vàng “bòn mót lại những giá trị của một
nền văn hoá dân gian đang vơi cạn” [3].
Nguyễn Bính cứ một mình đăm đắm mong níu kéo lại cái đẹp trong quá khứ, những
mong gìn giữ cho muôn đời sau: “Van em em hãy giữ nguyên quê
mùa” (Chân quê).
Khát khao tìm lại được những cái đẹp đã bị đánh mất, giữa buổi
xô bồ, ông đưa con người về soi ngắm dưới một hệ hình quy chiếu cổ truyền.
Trong khi phái cấp tiến đang ráng sức cổ vũ cho lối sống mới gấp gáp vội vàng:
Hãy sát đôi đầu hãy kề đôi ngực
Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài
Những cánh tay hãy quấn riết đôi vai
Và dâng cả tình yêu lên sóng mắt…
(Vội vàng - Xuân Diệu)
Nguyễn Bính lại thống thiết tìm đến với những mối tình lãng mạn,
kín đáo, nghiêm túc, thuỷ chung theo kiểu dân gian:
Trăng tròn chỉ một đêm rằm
Tình yêu chỉ có một lần mà thôi
(Ca dao)
Nhưng trước cơn lốc phũ phàng của cuộc đời, những điều ông
nâng niu tôn thờ đều có nguy cơ bị băng hoại:
- Lòng em như quán bán hàng
Dừng chân cho khách qua đường mà thôi
- Lòng em như cái con thoi
Thay bao nhiêu suốt mà thoi vẫn lành
(Em với anh)
Thất vọng trong tình yêu, chán chường vì thời cuộc, ông trở lại
với cái tôi cô đơn mộng mị như một căn bệnh trầm kha của thời đại (Mal du
ciècle). Rồi chẳng ngại dấn thân vào chốn giang hồ để tìm lại quê hương: khi
ông lên Hà Nội, khi vào Huế, lúc đến tận Hà Tiên xa lắc... Nghệ thuật giãn cách
đã giúp Nguyễn Bính tìm lại được quê hương trong mộng tưởng. Từ sâu thẳm của
cõi tâm thức, qua nỗi da diết, khắc khoải của người xa xứ, quê hương hiện lên
trong ánh hào quang với những nét yêu kiều mới lạ. Chỉ còn lại những gì đẹp đẽ
thuộc về văn hóa: những hội hè đình đám, tết lễ, cưới hỏi, những điệu hát chèo
ngọt ngào duyên dáng, những đêm sáng trăng sáng cả vườn chè… Tiếng hát chèo được
ông nói đến nhiều nhất bởi hồn dân tộc thấm đẫm trong từng câu hát. Nam Định
quê ông chính là cái nôi đã sản sinh ra loại hình ca kịch truyền thống dân tộc
nhất và cũng dân gian nhất ấy. Những mã di truyền văn hoá vùng đã tuôn chảy
trong mỗi tế bào làm ông không những rất say mà còn đàn ngọt hát hay:
- Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Đặng đi qua ngõ
Mẹ bảo em rằng hát tối nay
- Hội chèo làng Đặng hát thâu đêm
Em mải tìm anh chả thiết xem…
(Mưa xuân)
Năm qua làng Thượng hát chèo
Giai làng lân cận dập dìu sang xem
Dưới góc nhìn văn hóa, Nguyễn Bính đã chọn lựa đưa vào thơ
mình những không gian văn hóa thấm đẫm hồn quê: vườn hoa, gốc đa bến nước,
sân đình, ngôi nhà dệt cửi với tiếng thoi đưa lách cách, mái lá gianh nghèo trải
bao mưa nắng. Ông đặc biệt quan tâm đến không gian văn hoá vườn - nơi hò hẹn để
chín nhớ mười thương, một khung cảnh lao động vừa nên thơ, vừa kín đáo khác với
lao động vất vả ngoài đồng nên dễ tạo chất xúc tác cho những mối tình giăng tơ
duyên lại bén duyên. Vườn xuất hiện trong thơ của thi nhân rất nhiều và đủ loại:
vườn cam, vườn chè, vườn hồng, vườn chanh, vườn chuối, vườn cau, vườn dâu… Và
trái tim còn mách bảo thi nhân những thứ vườn rất đỗi mơ hồ, gợi bao nhiêu là
nhung nhớ: vườn cổ tích, vườn Ngự uyển, vườn Thanh, vườn cũ, vườn hoang, vườn
ai, vườn tiên… trong cõi mơ xưa:
- Có phải ngày xưa vườn Ngự uyển
- Là đây hoa cỏ giống vườn tiên
- Vườn Thanh qua đấy năm xưa
- Bướm tiên khi đã lạc vào vườn hoang…
Nhiều nhất là vườn hoa, với bao nhiêu là hương sắc đồng
nội, mà hoa là biểu trưng cho cái đẹp. Nào là hoa chanh, hoa bưởi, hoa cau, hoa
ngâu, hoa cam, hoa cải, hoa gạo, hoa sen, hoa xoan, hoa lài, hoa lý, hoa mơ,
hoa mận, hoa hướng dương, hoa cúc, hoa bèo hoang dại và tím ngắt…
- Vườn ai thấp thoáng hoa đào nở
- Ra vườn nhặt những hoa cam rụng
- Xuân đến hoa mơ hoa mận nở
- Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
- Em đi từ độ hoa sen nở
- Sớm đào trưa lý đêm hồng phấn
- Hoa mai trắng xóa dưới chân đồi…
Và cơ man nào là bướm: nào bướm trắng, bướm vàng, bướm
nâu, bướm đen, bướm chúa… Những chú bướm xinh đẹp duyên dáng như những vị sứ giả
mang những lá bùa nhiệm mầu của tình yêu thả vào những trái tim tương tư, làm
cho người ta thêm nhung nhớ, giận hờn, say đắm:
Qua dậu tầm xuân thấy bướm nhiều
Bướm vàng vàng quá bướm yêu yêu
(Hết bướm vàng)
Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng
Thấy con bướm trắng thường sang bên này
(Người hàng xóm)
Em ạ ngày xưa vua nước bướm
Kén nhân tài mở điệp lang khoa
Vua không kén Trạng vua thề thế
Con bướm vàng tuyền đậu Thám hoa
Trong bức tranh văn hóa mà Nguyễn Bính vất vả kiếm tìm, người
ta không thấy thời gian ba chiều thông thường mà bắt gặp rất nhiều thời gian
văn hóa: là mùa xuân gắn liền với hội hè đình đám, là mùa thu mơ màng huyền ảo,
gợi tình cảm mơ mộng xa xăm, là ngày tết lễ cưới hỏi với pháo đỏ rượu nồng, là
những giấc mộng vàng triền miên không dứt… Thời gian luôn được tính bằng cách
tính duy cảm, theo chu kỳ, tuần hoàn, phương phưởng theo kiểu dân gian phương
Đông:
Láng giềng đã đỏ đèn đâu
Chờ em ăn dập miếng trầu em sang
Thời gian như có mặt khắp nơi: khi ẩn tàng trong sắc hoa,
trong vật dụng, trong ngôn ngữ, trong không gian, trong cuộc hẹn hò; khi quy tụ,
khi dồn nén ngưng đọng, khi toả sáng, lúc lê thê, khi vụt đi như một bóng
câu... Đó là điều khác nhau rất cơ bản giữa thơ Nguyễn Bính với những người
cùng trường phái như: Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân… “Một đằng là nghệ thuật
tĩnh mang tính chất không gian, một đằng là nghệ thuật động mang tính thời
gian. Sức trẻ của thơ Nguyễn Bính là ở sự thay đổi cả những cái dường như không
thay đổi”[4].
Nhờ thế mà thơ Nguyễn Bính bỗng trở nên mềm mại và có một khả năng diễn tả
không phải chỉ cảnh quê mà chủ yếu là tình quê sâu nặng.
Và trong cuộc hành hương đi tìm cái đẹp đã bị đánh mất, ông
đã tìm thấy biết bao giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc. Ánh sáng văn hoá,
như một cây đũa thần nhiệm mầu giúp Nguyễn Bính đánh thức người nông dân ở mỗi
chúng ta thức dậy, giúp thi nhân tìm thấy một “điều quý giá vô ngần: hồn
xưa đất nước” [5].
Chú thích:
[1] Nguyễn
Đăng Điệp: “Khối tình lỡ của người chân quê”. Tạp chí Văn học, số 5/1994,
tr. 29.
[2] Đỗ
Lai Thúy: Con mắt thơ. Nxb. Lao Động. H., 1992, tr. 99.
[3] Đỗ
Lai Thúy: Sđd., tr. 112.
[4] Đỗ
Lai Thúy: Sđd., tr. 111.
[5] Hoài
Thanh, Hoài Chân: Thi nhân Việt Nam. Nxb. Văn học, H., 1992, tr.334.
6.8.2018
Trần Thị Trâm
Trần Thị Trâm
Nguồn: Trăm năm Nguyễn Bính, Truyền thống & Hiện đại. Nhiều tác giả.
Hội thảo khoa học về Nguyễn Bính do Viện Văn học &
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét