Kỷ niệm một trăm năm ngày sinh Nguyễn Bính cũng là dịp nghĩ
thêm về sáng tác của ông và những gì viết về ông. Có một câu hỏi mà mỗi lần đọc
lại thơ ông, tôi cứ băn khoăn mãi là không biết nên gọi ông là nhà thơ như thế
nào cho đúng. Hầu hết ý kiến bàn về Nguyễn Bính đều gắn thơ ông với chữ “quê”.
Đầu tiên có lẽ là Hoài Thanh. Trong Thi nhân Việt Nam,
Hoài Thanh nhiều lần nhắc đến Nguyễn Bính, có khi bình trực tiếp, dành hẳn cả một
mục 09 trang, có khi trong lúc so sánh với các nhà thơ khác hay luận về Thơ mới
nói chung, nhưng hầu như chỗ nào cũng nói đến chữ “quê”. Trong phần dành
riêng cho Nguyễn Bính, ông cho rằng: “Nguyễn Bính vẫn còn giữ được bản chất
nhà quê nhiều lắm”[1].
Còn khi kể ra các phong cách khác nhau trong phong trào Thơ mới, ông nói bên cạnh
các hồn thơ của Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Huy Thông, Nguyễn Nhược Pháp, Huy Cận, có
hồn thơ “quê mùa như Nguyễn Bính, kỳ dị như Chế Lan Viên… và thiết
tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu”[2]. Đặc
biệt, khi so sánh sáng tác của những nhà thơ lấy cảm hứng trong đồng quê xứ Bắc,
Hoài Thanh viết: “Nguyễn Bính nhà quê hơn cả nên chỉ sống
trong tình quê mà ít để ý đến cảnh quê. Anh Thơ không nhà quê một tí
nào. Anh Thơ là một người thành thị đi du ngoạn nên chỉ thấy cảnh quê. Bàng Bá
Lân gần Anh Thơ hơn gần Nguyễn Bính…”[3].
Cái “quê mùa” hay “nhà quê” ở đây có thể
hiểu được vì trong không gian thơ Nguyễn Bính tràn ngập những ngày hội làng, những
đám cưới thôn quê, những bờ tre, giếng nước, vườn dâu, con đò, những cảnh vật ở
nông thôn làng quê Bắc Bộ. Quan trọng hơn cái chất nhà quê hay quê mùa này có lẽ
đã toát lên, gây nhiều ấn tượng nhất nhờ điệu thơ lục bát đặc chất dân gian và
những câu thơ theo Hoài Thanh “có tính cách ca dao”, thậm chí có “những
bài giống hệt ca dao”[4].
Khó hiểu nhất là hai chữ “tình quê”.
Nhiều người cho rằng thơ Nguyễn Bính chứa đầy tình yêu quê
hương, trước hết là tình yêu làng quê, cảnh vật thôn quê và chính ở đây Nguyễn
Bính thường được so sánh với nhà thơ Nga nổi tiếng - Sergei Esenin, người tự gọi
mình: “Tôi là nhà thơ cuối cùng của làng quê” (Trần Đăng Khoa dịch). Có
người dịch câu thơ này là: “Tôi là nhà thơ cuối cùng của đồng quê” (Tạ
Phương dịch). Tôi không biết tiếng Nga nên không hiểu câu dịch nào sát hơn,
nhưng tôi thích câu dịch của Trần Đăng Khoa hơn và không biết chữ “đồng
quê” với S. Esenin ra sao, chứ với Nguyễn Bính thì có lẽ chưa đúng hẳn.
Trong một khảo sát thú vị về hình ảnh thôn quê trong thơ Nguyễn Bính, thống kê
của tác giả cho thấy hình ảnh có tần số xuất hiện cao nhất là vườn (26
lần), sau đó là làng 19 lần), còn đồng chỉ có 2 lần (trong
khi ở Anh Thơ là 11 và Đoàn Văn Cừ là 19 lần!)[5]. Đồng tuy
thuộc làng (“đồng làng”) nhưng không phải làng, còn vườn thì
nằm trong làng nên cũng có thể xem như làng. Làng trở
thành hình ảnh nổi bật nhất trong thơ Nguyễn Bính. Cũng như S. Esenin, Nguyễn
Bính chính là thi sĩ của làng quê.
Nhưng ở đây giữa S. Esenin và Nguyễn Bính cũng có chỗ khác
nhau. S. Esenin không chỉ là thi sĩ của làng quê mà còn là ca sĩ của làng
quê Nga. Ông không chỉ kể những câu chuyện ở làng quê, tả những cảnh vật làng
quê mà còn say đắm ngắm nhìn với tình yêu hồn nhiên, tha thiết:
Ôi, nước Nga thân thiết của tôi ơi
Nhà gỗ thông khoác áo choàng tượng Chúa…
Một màu xanh mát ngắm nhìn thuê thỏa
Một màu xanh tít tắp tận chân mây
Như một kẻ hành hương từ xa đến
Tôi ngắm nhìn mãi đồng ruộng của Người
Bên lối rào le te quanh thôn xóm
Những cây phong gầy guộc lá reo vui…
Thiên nhiên, làng quê trong thơ S. Esenin không chỉ có hình
dáng và màu sắc mà còn ngào ngạt mùi hương. Hương của rừng thông:
“Tôi chỉ muốn về làng quê trìu mến/ Cả đất trời thơm ngát nhựa rừng thông”
(Nguyễn Viết Thắng dịch); hương của cánh đồng lúa kiều mạch: “Tôi lại đau sau nỗi
buồn ấm áp/ Bởi gió đưa hương kiều mạch khắp đồng” (Thúy Toàn dịch).
Nhà thơ không chỉ ngắm nhìn hay chìm đắm trong mùi
hương của cây cỏ mà còn như muốn ôm chặt lấy tất cả, cái cổng
nhà, cây bạch dương… như những gì thân yêu nhất:
Người đẹp quá trắng ngời miền đất phẳng
Lạnh giá đầu mùa sưởi ấm máu tôi
Thật chỉ muốn ôm ngực trần mịn trắng
Của những cây bạch dương, ghì chặt mà thôi
(Thúy Toàn dịch)
S. Esenin yêu quê hương trong tất cả những gì rất cụ thể,
gần gũi, bình dị. Ông viết về những con chó, con bò, con mèo, những cây cầu gỗ,
cây dương tơ non và tất cả những thứ đó như quyện vào câu thơ ông: “Câu thơ tôi
buồn chất súc vật/ Như nhuộm bằng quả cây sồi” (Tế Hanh dịch). Đặc biệt là
về mẹ của mình, một hình ảnh mà chúng ta ít bắt gặp trong thơ Nguyễn Bính:
Có phải mẹ ơi, như người ta bảo
Mẹ dấu buồn lo, khổ mãi vì con
Có phải mẹ vẫn ra đường mỗi tối
Choàng trên vai chiếc áo cũ bông sờn
(Bằng Việt dịch)
Ông ý thức rất rõ với ông tình yêu quê hương mới là điều quan
trọng nhất:
Thơ - đâu phải là việc quá khó làm
Nhưng mạnh hơn, là tình với quê hương
(Một bài thơ - Xuân Diệu dịch)
Và ông nguyện làm ca sĩ hát về vẻ đẹp bình dị của làng
quê:
Người ta bảo, con một ngày sắp đến
Thành nhà thơ nổi tiếng của nước Nga
Con sẽ hát ngợi ca mẹ và khách
Cái bếp nhà ta, chú gà sống, nếp nhà
Và dòng sữa con bò vàng của mẹ
Sẽ chảy vào những khúc hát con ca
(Thúy Toàn dịch)
Nguyễn Bính và S. Esenin có nhiều điểm giống nhau: cả hai
cùng sinh ra ở nông thôn và cùng xa quê khi còn ít tuổi (S. Esenin rời quê lúc
14 tuổi, Nguyễn Bính lúc 13 tuổi), thơ ca cùng mang nặng nỗi buồn:“Đặc trưng
cho giọng thơ Esenin là một nỗi buồn sâu lắng” (I. Erenbua)[6],“Thơ
Bính buồn, thật buồn. Mỗi lời như một dòng lệ, ngay cả khi Bính không nói về
mình” (Tạ Tỵ)[7].
Cái giống nhau lớn nhất giữa hai nhà thơ là sự gắn bó với làng quê, với nơi
chôn rau cắt rốn. Nhưng nếu S. Esenin là ca sĩ của làng quê thì Nguyễn Bính là
thi si của “tình quê”.
Hoài Thanh đã rất có lý khi nhận xét rằng Nguyễn Bính khác
Anh Thơ và Bàng Bá Lân ở chỗ Nguyễn Bính “chỉ ưa sống trong tình quê mà ít
để ý đến cảnh quê” và ông cũng tỏ ra rất tinh khi dùng chữ “ưa sống” chứ
không phải là mang nặng hay tha thiết, bởi vì chữ mang nặng hay tha thiết tình
quê dễ làm người ta hiểu lầm “tình quê” ở đây là tình yêu tha thiết quê hương.
Chúng ta có thể hiểu ý Hoài Thanh rõ hơn khi đọc nhận xét của ông về thơ Bàng
Bá Lân. Ông viết: “Bàng Bá Lân cũng ít sống trong tình quê” nhưng hiểu cảnh
quê hơn Anh Thơ và “hiểu hơn vì mến hơn”. Dẫn một câu thơ Bàng Bá Lân
tả buổi sáng ở làng quê, Hoài Thanh cho rằng người viết tỏ ra “mến cảnh ấy
lắm”[8].
Yêu mến cảnh quê nhưng lại không phải là sống trong tình quê, vậy rõ ràng“tình quê” ở đây không phải là tình yêu quê hương, mà là một thứ tình cảm mang đậm chất quê, tình cảm của những người sống ở làng quê hay của người đã xa quê nhưng vẫn cảm xúc, vẫn yêu thương theo cái điệu của người ở quê, vẫn có cái tình với quê. Mến cảnh cũng là tình yêu làng quê, nhưng là tình yêu của người đứng xa nhìn. Sống trong tình quê là cái tình của người trong cuộc, dù đi xa vẫn mang nặng hồn quê. “Tình quê” trong thơ Nguyễn Bính vừa là đời sống tình cảm của những người dân quê, nhưng cũng là cái tình, là tình yêu, nỗi lòng mang đậm nét quê của chính nhà thơ.
Yêu mến cảnh quê nhưng lại không phải là sống trong tình quê, vậy rõ ràng“tình quê” ở đây không phải là tình yêu quê hương, mà là một thứ tình cảm mang đậm chất quê, tình cảm của những người sống ở làng quê hay của người đã xa quê nhưng vẫn cảm xúc, vẫn yêu thương theo cái điệu của người ở quê, vẫn có cái tình với quê. Mến cảnh cũng là tình yêu làng quê, nhưng là tình yêu của người đứng xa nhìn. Sống trong tình quê là cái tình của người trong cuộc, dù đi xa vẫn mang nặng hồn quê. “Tình quê” trong thơ Nguyễn Bính vừa là đời sống tình cảm của những người dân quê, nhưng cũng là cái tình, là tình yêu, nỗi lòng mang đậm nét quê của chính nhà thơ.
Quả thật thơ Nguyễn Bính ít tả cảnh. Hoài Thanh không liệt
Nguyễn Bính vào số các nhà thơ đồng quê có “lối thơ tả chân”[9].
Nguyễn Bính cũng có những bài thơ, đoạn thơ tả cảnh làng quê (Xuân về, Trời
trở gió, Thơ Xuân, Cuối tháng Ba, Qua nhà, Tơ trắng), nhưng nói chung không nhiều
và thiên về kể hơn tả. Thơ ông chủ yếu là tả tình, sống trong tình, sống
với tình nhiều hơn tả cảnh, sống với cảnh. Cách tả tình của ông cũng rất giống
ca dao và thơ cổ, mượn cảnh nói tình, nói cảnh để gợi tình (Trăng thanh nguyệt
rạng mái đình/ Chén son chưa cạn sao tình đã quên - Ca dao):
Hội làng mở giữa mùa thu
Giời cao gió cả giăng như ban ngày
Hội làng còn một đêm nay
Gặp em còn một lần này nữa thôi
(Đêm cuối cùng)
Tình quê trong thơ Nguyễn Bính rất đa dạng. Có cái tình của
người xa quê nhớ quê:
Quê tôi có gió bốn mùa
Có giăng giữa tháng, có chùa quanh năm…
(Quê tôi)
Có cái tình của người phụ nữ thôn quê trồng dâu nuôi tằm, chịu
thương chịu khó, chắt chiu từng cắc từng đồng, chỉ mong có ngày:
Chồng tôi cưỡi ngựa vinh quy
Hai bên có lính hầu đi dẹp đường…
(Thời trước)
Nhưng nhiều nhất vẫn là cái tình của những người con gái con
trai làng quê, thương nhau, chỉ “cách nhau cái giậu mùng tơi xanh rờn” hoặc
xa nữa thì cũng chỉ là người ở thôn Đông, người ở thôn Đoài, nhưng vẫn cảm thấy
như muôn vàn xa cách, để rồi buồn rồi trách rồi nhớ rồi thương, tràn ngập cả
hàng trăm dòng thơ:
Bảo rằng cách trở đò giang
Không sang là chẳng đường sang đã đành
Nhưng đây cách một đầu đình
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi…
(Tương tư)
Tình quê, tình yêu kiểu làng quê ấy không chỉ là tình yêu của
đôi nam nữ ở thôn quê mà cũng chính là những mối tình của Nguyễn Bính. Nhà thơ
mượn những mối tình quê để nói cái tình của mình. Dù đã xa quê từ thuở bé, chưa
chắc đã có một mối tình nào đến mức để thề thốt cùng nhau, nhưng cái ẩn ức về
những mối tình quê theo kiểu: “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông/ Một người
chín nhớ mười mong một người” vẫn ám ảnh, ăn sâu trong trái tim nhà thơ.
Thành ra dù đã nhiều năm “dan díu với kinh thành” và “Đem thân
đi với giang hồ”, Nguyễn Bính vẫn bộc lộ tình yêu của mình theo lối tình quê,
theo lối những đôi nam nữ làng quê yêu nhau. Tình yêu trong thơ Nguyễn Bính
mang một cái mã văn hóa làng quê. Mã văn hóa ấy không chỉ thể hiện trong cách sử
dụng những câu lục bát, trong “những bài giống hệt ca dao”[10], với
cách nói của ca dao (“Ai làm cả gió đắt cau”, “Cớ sao bên ấy chẳng sang bên
này”, “Nhà em có bốn quả đồi/ Có ba con suối, cách đôi cánh rừng”, “Mịt mù tăm
cá bóng chim/Chim bay dặm thẳm, cá tìm sóng khơi”…) hay trong sự xuất hiện dày
đặc của các biểu tượng về làng quê: thôn Đoài, thôn Đông, vườn dâu, ao cá, con
đò, bến sông, cây cau, giàn giầu, mái đình, hoa bưởi, hoa chanh… mà còn thể hiện
ngay trong cái điệu tình cảm của người đang yêu, cái cách mà người
con trai tỏ lòng với người con gái, cái cách mà người con gái gửi gắm tình yêu
của mình:
Nhà em có một giàn giầu
Nhà tôi có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào
Cái cách biểu lộ tình yêu ấy, cái điệu tình cảm mang đậm chất
quê ấy không phải là sự lựa chọn của nhà thơ, càng không phải là một thủ pháp
nghệ thuật. Nó là cái điệu tình cảm của chính tác giả. Ở đây có lẽ không
phải “Nguyễn Bính đã miêu tả được văn hóa của làng quê”[11] mà
là văn hóa làng quê đã hiện ra trong thơ ông do ông đã sống trong nó, sống với
nó, do ông “ưa sống trong tình quê” như Hoài Thanh nói.
Từ cái điệu tình cảm này cũng như từ toàn bộ cái mã văn hóa
làng quê chất đầy trong thơ Nguyễn Bính, toát lên một cái gì đó bao trùm lên
thơ ông. Đó là cái gì? Trong lời giới thiệu Tuyển tập thơ Nguyễn Bính, Tô
Hoài viết: “Trước sau và mãi mãi, Nguyễn Bính vốn là nhà thơ của tình quê,
chân quê, hồn quê”[12].
Có lẽ nói về Nguyễn Bính mà chỉ nói tình quê và chân quê, Tô Hoài cảm thấy
không đủ, nên ông mới thêm chữ hồn quê, và đúng là phải thêm chữ hồn quê thì mới
nói được hết đặc điểm của thơ Nguyễn Bính. Tình quê nằm trong câu thơ, hồn quê
nằm sau câu thơ, ẩn hiện, thấp thoáng trong những mối tình nơi thôn dã, mối
tình của người xa xứ nhớ quê, trong những hình ảnh làng quê đã trở thành biểu
tượng trong ca dao. Tình quê và hồn quê chính là nét đặc sắc của thơ Nguyễn
Bính.
Nhưng thiết nghĩ nếu chỉ mang tình quê và hồn quê, thơ Nguyễn
Bính chưa chắc đã có sức lôi cuốn và phổ biến rộng rãi, lâu dài như vậy. Trong
thơ Nguyễn Bính không chỉ có những bến đò, mà còn có những sân ga, không chỉ có
làng quê yên ả với vườn dâu, giàn giầu mà còn có Hà Nội 36 phố phường,
không chỉ có Cô lái đò, Cô hái mơ mà còn có Người con gái ở lầu
hoa. Nguyễn Bính không phải là anh nhà quê lạc vào phố mà là chàng trai đã nhiều
năm “dan díu với kinh thành”, “Đem thân đi với giang hồ”, thậm
chí có khi vì thất tình nên “phải tìm quên ở tiệm hút, lầu xanh”[13].
Chàng trai Nguyễn Bính là một kẻ “giang hồ” mang nặng hồn quê.
Nguyễn Bính không phải chỉ là nhà thơ chân quê mà còn là nhà
thơ lãng mạn, mang khá đầy đủ tinh thần Thơ mới. “Nguyễn Bính trước hết vẫn là
một nhà Thơ mới”[14].
Nhưng Thơ mới là một phong trào, là tên gọi chung, không phải ai cũng có được
“tinh thần Thơ mới”, cái mà theo Hoài Thanh còn “quan trọng hơn” hình
dáng câu thơ hay luật thơ, vần điệu. Tinh thần Thơ mới ấy “có thể gồm lại trong
hai chữ tôi và ta”, bộc lộ rõ nhất trong cảm hứng lãng mạn gắn với “chữ
tôi, với cái nghĩa tuyệt đối của nó”[15].
Thơ Nguyễn Bính quả thực đã chứa đầy “tinh thần Thơ mới” theo nghĩa ấy.
Trong thơ ông có rất nhiều câu gần với ca dao nói về tình yêu, nhưng nếu trong
ca dao chúng ta chỉ bắt gặp những câu:
Ai về ai ở mặc ai
Ta như dầu đượm thắp hoài năm canh….
Những lời mình nói với ta
Trăm cây cũng gãy, ngàn hoa cũng sầu
thì trong thơ Nguyễn Bính, cũng âm điệu ấy nhưng cách xưng hô
đã khác:
Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái giậu mùng tơi xanh rờn…
(Người hàng xóm)
Nhà em có một giàn giầu
Nhà tôi có một hàng cau liên phòng
(Tương tư)
Nàng mà làm dâu nhà tôi
Vườn dâu nó thẹn với đôi tay ngà…
(Nhà tôi)
Quan niệm cá nhân và chất lãng mạn trong thơ Nguyễn Bính
không chỉ thể hiện ở cách xưng “tôi” hay cách dùng chữ, đặt câu, mà cái chính
là nó nằm trong bản thân tình cảm của nhà thơ, trong cảm xúc yêu đương, trong cảm
hứng chung của sáng tác. Nổi lên tất cả trong những bài thơ của ông là nỗi buồn
và sự cô đơn:
Lạ quá! Làm sao tôi cứ buồn
Làm sao tôi cứ khổ luôn luôn
Làm sao tôi cứ tương tư mãi…
(Vâng)
Buồn thì thơ tình yêu nào cũng buồn. Ca dao về tình yêu nhiều
câu cũng rất buồn: “Ra về sương xuống đầy vai/ Ngoảnh nhì trở lại bóng ai tờ mờ”.
Nhưng cái buồn của ca dao trong trẻo, không mang màu sắc cô
đơn, lạnh lẽo, tuyệt vọng. Nguyễn Bính có những lúc đã xa hẳn với kiểu tình quê
mà gia nhập vào nỗi buồn kiểu Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử. Xuân Diệu
có Tương tư chiều, Hàn Mặc Tử có Trường tương tư, Nguyễn Bính cũng
có Tương tư. Dường như là minh họa cho nhận định của Hoài Thanh về tinh thần
cốt lõi của Thơ mới: “Mất bề rộng ta tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh”,
Nguyễn Bính tự nói về mình:
Tôi vào sâu quá và xa quá
Đường lụt sương mờ, lụt lá rơi…
(Diệu vợi)
Nguyễn Bính có rất nhiều bài thơ, câu thơ không mang hồn quê
mà mang đậm hồn Thơ mới, chứng tỏ ông đã vào rất sâu cái tôi, tình yêu và nỗi
buồn của mình: “Yêu yêu yêu mãi thế này/ Tôi như một kẻ sa lầy tình yêu…” (Lòng
yêu đương); “Nghe hồn anh chìm chìm/ Nghe buồn anh rộng rộng…” (Dối lòng);
“Sông lạnh khi nàng ra giũ lụa/ Vớt giùm trong nước lấy hồn tôi…” (Gửi cố
nhân).
Nguyễn Bính yêu nhưng lúc nào cũng cảm thấy cô đơn, hiu quạnh:
Hai người sống giữa cô đơn…
Cô đơn buồn lại thêm buồn…
(Người hàng xóm)
Cô đơn và tuyệt vọng của tình yêu dâng lên tột đỉnh trong nỗi
đau nhuốm màu tang tóc:
Người ta: pháo đỏ rượu hồng
Mà trên hồn chị: một vòng hoa tang…
(Lỡ bước sang ngang)
Thơ tình Nguyễn Bính nhiều câu có chữ “tang”: “Một buổi giời
đi đưa đám tang” (Diệu vợi), “Mau mà về chịu tang nàng đi thôi” (Người
hàng xóm), “Có một người đi giữa đám tang” (Hà Nội 36 phố phường), “Tôi thấy
quanh tôi và tất cả/ Kinh thành Hà Nội quấn khăn sô” (Viếng hồn trinh nữ).
Những câu thơ trên gợi nhớ đến nỗi sầu trong thơ Xuân Diệu,
Hàn Mặc Tử, Huy Cận:
Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng
(Đây mùa thu tới, Xuân Diệu)
Ai chết đó? Trục xoay và bánh đẩy
Xe tang đi về tận thế giới nào
(Nhạc sầu, Huy Cận)
Rõ ràng cái tình trong thơ Nguyễn Bính không phải chỉ là một
thứ tình quê mà còn là một cái tình lãng mạn mang đầy “tinh thần Thơ mới”,
một thứ lãng mạn tuy cùng được du nhập từ ngoài nhưng không Tây như Xuân Diệu,
Huy Cận, Lưu Trọng Lư mà lại mang đầy chất quê. Thơ Nguyễn Bính hấp dẫn, lôi cuốn
người ta phần nhiều chính là do sự kết hợp của hai tố chất ấy. Một mặt, nói như
Vũ Bằng: “Nguyễn Bính đã nhắm đúng vào một cái bịnh chung của đời người là cái
bịnh tương tư… Có thể nói tất cả văn thơ tiền chiến của Bính đều nhắm vào bịnh
đó và anh nổi bật cũng vì bịnh đó”[16].
Mặt khác, Nguyễn Bính thu hút người ta vì cái điệu quê, cái điệu vốn gần gũi với
hầu hết một công chúng mà dường như trong mỗi người “đều có một người nhà
quê” (Hoài Thanh). Hai tố chất này phối hợp với nhau gợi lên một tình cảm
buồn thương, nhiều khi lâm ly, tha thiết, giống như khi nghe một bản nhạc
bolero.
Ở Việt Nam nhạc bolero cũng có nhiều nét gần với thơ Nguyễn
Bính. Vốn là dòng nhạc trữ tình có nguồn gốc ở Tây Ban Nha, truyền sang Mỹ
Latin rồi nhập vào Việt Nam, bolero, theo các nhạc sĩ và các nhà nghiên cứu, đã
kết hợp với nhiều giai điệu của nhạc tài tử, với câu ca vọng cổ vốn cũng rất buồn
và du dương, tạo thành những bản nhạc trữ tình vừa lãng mạn, ướt át vừa đậm chất
quê. “Cái chất buồn của bolero vô tình rất gần với cái chất oán trong cải lương
cũng như dân ca Nam Bộ”[17].
Bản nhạc được xem là nhạc bolero đầu tiên là bài Duyên quê của Hoàng
Thi Thơ. Cũng không phải ngẫu nhiên mà trong số những bài bolero được cho là
hay nhất có khá nhiều bài phổ nhạc hoặc lấy ý từ thơ Nguyễn Bính (Cô hàng xóm,
Sang ngang…). Cũng giống như những bản bolero êm ái, trữ tình, Lỡ bước
sang ngang của Nguyễn Bính thường rất dễ “mua nước mắt” công chúng,
người đọc.
Cái chất buồn ấy là một phần cốt lõi tạo nên sự lôi cuốn của nhạc bolero và thơ Nguyễn Bính. “… cho đến bây giờ, người ta còn thương Nguyễn Bính, yêu thơ Nguyễn Bính chỉ là vì những câu thơ chứa chất một tấm lòng tương tư não nùng, lê thê có từ ngày xưa và sẽ còn tồn tại mãi đến ngày sau”[18]. Chất buồn có phần lâm li, ủy mị ấy đã góp phần làm cho thơ Nguyễn Bính cũng giống như nhạc bolero (Hãy xem các chương trình ca nhạc Thần tượng Bolero, Solo cùng Bolero, Tình Bolero… trên tivi!) có tính đại chúng rất rộng rãi: “Thơ của ông rất hay, được đại chúng biết nhiều nhất”[19]. Thậm chí có người còn xác quyết rằng: “Có thể nói sau Nguyễn Du, Nguyễn Bính là nhà thơ được mọi người học thuộc thơ ông nhiều nhất”[20].
Cái chất buồn ấy là một phần cốt lõi tạo nên sự lôi cuốn của nhạc bolero và thơ Nguyễn Bính. “… cho đến bây giờ, người ta còn thương Nguyễn Bính, yêu thơ Nguyễn Bính chỉ là vì những câu thơ chứa chất một tấm lòng tương tư não nùng, lê thê có từ ngày xưa và sẽ còn tồn tại mãi đến ngày sau”[18]. Chất buồn có phần lâm li, ủy mị ấy đã góp phần làm cho thơ Nguyễn Bính cũng giống như nhạc bolero (Hãy xem các chương trình ca nhạc Thần tượng Bolero, Solo cùng Bolero, Tình Bolero… trên tivi!) có tính đại chúng rất rộng rãi: “Thơ của ông rất hay, được đại chúng biết nhiều nhất”[19]. Thậm chí có người còn xác quyết rằng: “Có thể nói sau Nguyễn Du, Nguyễn Bính là nhà thơ được mọi người học thuộc thơ ông nhiều nhất”[20].
So sánh thơ Nguyễn Bính với nhạc bolero, nói về chất bolero của
thơ Nguyễn Bính không mang ý nói về chất lượng hay trình độ mà chỉ nhằm nêu lên
một đặc điểm cũng như giải thích vì sao thơ Nguyễn Bính được đông đảo người đọc
yêu thích như vậy. Còn nếu xét chung, thơ Nguyễn Bính có rất nhiều màu sắc,
cung bậc, vượt ra ngoài cả chất quê và chất bolero. Những bài thơ như Hoa
cỏ may:
Hồn anh như hoa cỏ may
Một chiều cả gió bám đầy áo em
hay Cánh buồm nâu:
Hôm nay dưới bến xuôi đò
Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau
Anh đi đấy, anh về đâu?
Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm…
không còn đơn giản chỉ mang màu sắc chân quê hay âm điệu
bolero mà còn có một cái gì đó rất mới mẻ, hiện đại. Đọc Nguyễn Bính người ta
thường nhớ nhiều đến những bài như Người hàng xóm, Chờ nhau, Chân
quê và nhất là Lỡ bước sang ngang. Nhưng Nguyễn Bính còn
có Mưa xuân, Một mình, Chuyến tàu đêm:
Một chuyến tàu đêm chạy rất mau
Những ánh đèn phai tựa trăng tà
Toa này toa khác nối liền toa
Chập chờn như một con giời lớn
Như một oan hồn hiển hiện ra…
(Chuyến tàu đêm)
Có nhà nghiên cứu cho rằng so với Lỡ bước sang
ngang và những bài thơ khác, “Chuyến tàu đêm đứng riêng một cõi. Chuyến
tàu đêm là một chuyến tàu siêu thực, là tác phẩm đặc biệt của Nguyễn Bính ra khỏi
quỹ đạo ngâm khúc và truyện Nôm”[21]. Mưa
xuân cũng vậy. Tuy cũng viết về một mối tình quê nhưng Mưa
xuân không có tính chất chân quê như Tương tư hay Người
hàng xóm và lại cũng không ướt đầm nước mắt như trong Lỡ bước sang
ngang. Thay vào những câu lục bát là những câu bảy chữ, thay vào bàn tay lau nước
mắt là những ngón tay ngà ngọc, gợi cảm: “Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh/
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em”; là bàn tay hứng từng giọt mưa xuân như “tai
nương nước giọt mái nhà” trong thơ Huy Cận:
Bốn bên hàng xóm đã lên đèn
Em ngửa bàn tay trước mái hiên
Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh
Thế nào anh ấy chả sang xem…
Mưa xuân không phải là một khúc ngâm hay lời tỏ
tình mà là một lời kể chuyện, một vở kịch diễn ra ngắn ngủi và kết thúc với những
câu thơ đẳng cấp, mang một âm sắc lạ:
Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay
Hoa xoan đã nát dưới chân giày
Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ
Mẹ bảo: “Mùa xuân đã cạn ngày”
Mưa xuân không phải là một bức tranh quê mà là một mối
tình quê, nhưng là tình quê không mang chất bolero, một thứ tình quê dịu dàng,
trong trẻo, có buồn nhưng tràn đầy yêu thương, hy vọng. Câu thơ Nguyễn Bính
nghe dễ dàng như nói, nhưng nói mà tinh thông, điêu luyện, có những câu như của
người làm thơ bậc thầy.
Nguyễn Bính là một tài thơ bẩm sinh. Với ông thơ vừa là nghiệp: “Mình
tôi trời bắt làm thi sĩ”, vừa là nghiệp chướng: “Mẹ hiền mất sớm, giời đày
làm thơ”. Đã là nghiệp thì không thể chối bỏ được và một khi “trời đã bắt
làm thi sĩ” thì khó mà làm được việc gì khác, có làm cũng khó thành công.
S. Esenin đã từng tâm sự về số phận mình tương tự:
Phàm những cuộc đời kỳ lạ
Đã được định đoạt từ lâu
Nếu tôi không thành nhà thơ
Hẳn tôi đã thành trộm cắp
(Tạ Phương dịch)
Nguyễn Bính bị “giời đày làm thơ” nên ông làm gì
khác cũng đều dở dang, thất bại. Dở dang, thất bại cả trong tình trường lẫn
tình đời. Nhưng bù lại, ông đã thành công trong thơ. Với những câu thơ lục bát
gần với ca dao, những bài thơ mang tình quê, hồn quê, thấm đậm chất trữ tình
bolero và những bài thơ chứa đầy “tinh thần Thơ mới”, những câu thơ tinh tế,
giàu cảm giác, bất ngờ, Nguyễn Bính trở thành một trong những nhà thơ được yêu
mến và đọc rộng rãi nhất, nhà thơ hàng đầu của phong trào Thơ mới, nhà thơ đặc
sắc của thi ca Việt Nam hiện đại.
Chú thích:
[1] Hoài
Thanh, Hoài Chân: Thi nhân Việt Nam (tái bản). Nxb. Văn học, H.,
1988.
[2] Hoài
Thanh, Hoài Chân: Sđd., tr.25.
[3] Hoài
Thanh, Hoài Chân: Sđd., tr.156.
[4] Hoài
Thanh, Hoài Chân: Sđd., tr.317.
[5] Hồ
Trọng Việt: Yếu tố văn hóa dân gian trong sáng tác của một số nhà thơ thuộc
phong trào Thơ mới. Luận văn Thạc sĩ, Đại học Sư phạm TP.HCM.
[6] I.
Erenbua: Exenhin (Vương Trí Nhàn dịch), Tạp chí Thơ, số 10/2015,
tr.96.
[7] Tạ
Tỵ: Mười khuôn mặt văn nghệ. Nam Chi xuất chi, SG., 1970, tr.126.
[8] Hoài
Thanh, Hoài Chân: Sđd., tr.156-157.
[9] Hoài
Thanh, Hoài Chân: Sđd., tr.27.
[10] Hoài
Thanh, Hoài Chân: Sđd., tr.317.
[11] Hà
Minh Đức: “Nguyễn Bính - thi sĩ của đồng quê”, trong Nhiều tác giả: Nguyễn
Bính - về tác gia và tác phẩm. Nxb. Giáo dục, H., 1998, tr.135.
[12] Tô
Hoài: “Lời giới thiệu”, trong Tuyển tập Nguyễn Bính. Nxb. Văn học, 1986,
tr.23.
[13] Anh
Thơ: Từ bến sông Thương. Nxb. Văn học, H., 1986, tr.103.
[14] Chu
Huy Sơn: Ba đỉnh cao Thơ mới (Xuân Diệu - Nguyễn Bính - Hàn Mặc Tử).
Nxb. Giáo dục, H., 2003.
[15] Hoài
Thanh, Hoài Chân: Sđd., tr.43, 44.
[16] Chu
Văn Sơn: Sđd.
[17] Trần
Minh Phi: “Nhạc Trịnh, Ngô Thụy Miên… thuộc dòng bolero (!)”, Người Lao động,
ngày 5/3/2018.
[18] Vũ
Bằng: “Nguyễn Bính, một thi sĩ suốt đời mắc bịnh tương tư”. Tạp chí Văn, số
189-1/11/1971, dẫn theo Trần Hoài Anh: “Nguyễn Bính trong sự tiếp nhận của lý
luận phê bình ở miền Nam trước 1975”, Tạp chí Sông Hương, số 313, 2015.
[19] Nguyễn
Tấn Long: Việt Nam thi nhân tiền chiến (Q. thượng). Sống mới Xuất bản,
SG., 1968, tr.304, dẫn theo Trần Hoài Anh: “Nguyễn Bính trong sự tiếp nhận của
lý luận phê bình ở miền Nam trước 1975”. Tạp chí Sông Hương, số 313, 2015.
[20] Thế
Phong: Lược sử văn nghệ Việt Nam tiền chiến 1930-1945. Nxb. Vàng Son, SG.,
1974, tr.258, dẫn theo Trần Hoài Anh: “Nguyễn Bính trong sự tiếp nhận của lý luận
phê bình ở miền Nam trước 1975”. Tạp chí Sông Hương, số 313, 2015.
[21] Thụy
Khuê: “Nguyễn Bính (1919 - 1966)”.
Nguồn: http://thuykhue.free.fr/.
Nguồn: http://thuykhue.free.fr/.
6.8.2018
Nguyễn Thị Kim Ngân
Nguyễn Thị Kim Ngân
Nguồn: Trăm năm Nguyễn Bính, Truyền thống & Hiện đại. Nhiều tác giả.
Hội thảo khoa học về Nguyễn Bính do Viện Văn học &
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét