Mấy hôm nay nghe râm ran đây đó chuyện về hai nhà thơ La Mai
Thi Gia (với tập “Thơ trắng”) và Lê Tuân (với tập “Nghi lễ của ánh sáng”) được
Hội Nhà văn TP.HCM tặng thưởng - trong giải thưởng Văn học 2017, với những ý kiến
trái chiều…
Từ đó, đã thôi thúc tôi tìm đến với tập thơ của chị La Mai
Thi Gia (rất tiếc tập thơ của anh Lê Tuân tôi chưa tìm ra). Tôi đã đọc, đọc thật
chậm. Còn bây giờ là điều tôi cảm nhận…
Tôi không đại diện cho ai và tất nhiên, sự cảm nhận này là của
riêng tôi. Chắc chắn rằng, với khả năng có hạn của mình, tôi chỉ viết những gì
mà mình cảm, mình hiểu bằng tấm chân tình của một người làm thơ với một người
làm thơ.
Dù là tập thơ đầu tay, nhưng “Thơ trắng” đã vượt qua cái khó
nhất mà chính tác giả đã tự-ra-đề cho mình: 55 bài thơ tình. Viết cho một chủ đề,
sẽ khó mà không rơi vào tình trạng anh-em-song-sinh, nghĩa là đâu đó ở bài này
thấp thoáng bóng hình của bài kia. Tuy nhiên, tôi dù cố “soi” vẫn không tìm thấy
điều đó.
Dù là tập thơ đầu tay, nhưng “Thơ trắng” đã luôn đủ sự hấp dẫn
để níu giữ người đọc. La Mai Thi Gia đã luôn biết cách thể hiện mỗi tác phẩm
đơn lẽ bằng một thể thơ phù hợp tương ứng. Có bài thật dài, nhưng đọc xong vẫn
thòm thèm; có bài ngắn, nhưng đọc xong liền thấy đủ.
Không sáo mòn, không “nhai lại” cách thể hiện ngay của chính
mình, chị luôn ý thức “làm mới” trong cách thể hiện:
“Ngủ mà như say
Gởi hồn trong mây
Gởi mình trong cát
Trả đời thân xác
Hồn nhiên
Bình yên”
Để rồi ngay sau đó chị đã mang người đọc đến với cảm xúc trào
dâng:
“Sống như điên
Thương như điên
Yêu như điên
Biển tình cuộn sóng
Vỗ bờ
Mênh mông
Em là dòng sông
Qua bao bờ bãi
Cạn rồi
vẫn sông”
(Nhan sắc còn say)
Từ ngữ trong “Thơ trắng” được tác giả chắt lọc đến độ tinh cần
thiết. Riêng “Nhan sắc còn say” của chị, chỉ từ “say” thôi mà có đến bao tầng
nghĩa. Đầu tiên là say trong giấc ngủ - giấc ngủ thật sâu, không mơ màng mộng mị:
“Rủ nhau về bãi hoang đây nằm soài xuống cát
Tưởng như là ngủ say”
Rồi kế đến, chẳng còn là say của giấc ngủ nữa, mà say của ngất
ngây men (rượu), men tình:
“Em say rồi
Em ngủ rồi
Để sau đó thông qua biện pháp tu từ so sánh, từ “say” của chị
hoàn toàn không liên quan đến những từ say ở trên. Cái say của sự thăng hoa được
kết nối từ sự mãn nguyện, đủ đầy:
“Chết mà như ngủ
Ngủ mà như say”
Và đoạn kết, tác giả còn sử dụng đến ba lần từ “say” trong một
khổ. Hiểu theo nghĩa nào cũng đắt:
“Em còn không
Hay say như chết
Chết mà như say
Phấn son tô điểm ngàn mây
Ðợi mai mưa xuống
Sắc hương dâng đầy
Chết rồi
Nhan sắc còn say”
(Nhan sắc còn say)
Sẽ không là thơ nếu chữ nghĩa không đủ sức lay động cảm
xúc người đọc, người nghe. Hoặc có thể đó là thơ nhưng chẳng đọng lại gì. Thi
Gia đã biết làm cho thơ mình… đọng lại trong “Nhan sắc tội tình”:
“Người đàn bà yêu
Sóng sánh mắt, sóng sánh môi
Từ cái nhìn si mê của người đàn ông
mà biết mình quyến rũ”
Chân dung của người đàn bà đang yêu ấy khác hẳn lúc… không
yêu (!). Mắt môi như biển sóng chao, dập dềnh cùng nhan sắc. Để rồi từ nhan sắc
ấy níu giữ ánh nhìn đã biến thành nỗi cuồng si trong mắt người tình. Ở đây, tôi
muốn nói đến kỹ năng sử dụng ngôn ngữ nhuần nhuyễn của chị - “sóng sánh mắt”,
“sóng sánh môi”, “đông vẫn chòng chành giữa phố”… đã gợi nên những hình ảnh thật
đẹp trong thơ.
“Thu đi xa lắc lơ rồi,
đông vẫn chòng chành giữa phố”
Để rồi, từ phút đó…
“Cái hơi lạnh chỉ đủ so vai cho đàn bà
bỏ mặc chiếc khăn choàng cũ
Vì biết ngoài kia có một vòng tay rất ấm…
đợi mình”
(Nhan sắc còn say)
Quắt quay đến nghẹt thở khi người-đàn-bà-trong-thơ của La Mai
Thi Gia dường như chẳng ngại ngần nói lên điều mình muốn với men tình ngất ngây
trong “Mình yêu nhau tình nhé”:
“Mình yêu nhau đi anh
Vũ trụ thơm và em thơm
Và gió mây thơm hùa nhau gợi tình khao khát”
Để tiếp theo là một thiên đường tình ái của đôi lứa được mở
ra, tràn đầy hạnh phúc:
“Cả một vùng trăng thơm ngào ngạt
Ú òa trong vầng ngực em rồi
Anh tìm gì trong mềm mại làn môi
Trong những ngón tay dịu dàng…
Say đêm
Say trăng
Mặc cho ai cứ mãi loanh quanh, e dè với chuyện ái ân bằng
câu chữ - bởi ngại ngần gạch đá thị phi, nhà thơ nữ này thì không vậy, chị nói
đúng điều mình muốn nói:
“Tình ơi tình trăng cũng đã vào mây
Và giờ này vũ trụ đã ngủ say
Mình yêu nhau tình nhé?”
(Mình yêu nhau tình nhé)
“Mình yêu nhau tình nhé” - cái chữ “tình” đã được đặt đúng chỗ
cần trong câu kết, cũng như trong tựa bài, làm cho thơ đã nguyên vẹn là thơ.
Cõi em”, “Cõi anh”, “Cõi chúng mình” - tác giả không hề tình
cờ một chút nào, khi xếp ba bài ấy lần lượt nối nhau; và cũng chẳng hề là vô
tình, khi cả ba bài ấy đều viết bằng thể lục bát.
Vậy nhà thơ đã viết gì về… chính mình trong “Cõi em”?
“Vào đi, lối ấy thiên đường
Ðể nghe cỏ hát lời thường ái ân
Ðừng như ong buớm xa gần
Mê theo lời gió còn ngân phía chiều”
Ngay khổ đầu, nhà thơ đã như một chủ vườn-địa-đàng hiếu khách
– sẵn sàng mở rộng cửa “vườn yêu” cho ai muốn (hay cho chính nỗi mong muốn của
mình) bước vào.
Bước vào “Cõi em” ấy mọi người sẽ gặp ngay tuyên ngôn của
tình yêu - tuyên ngôn nhân bản nhất trong mọi lẽ của cuộc sống nhân gian:
“Trộn tình ta trộn tình nhau
Trộn môi ta trộn ngọt ngào nụ hôn
Trộn thân xác trộn linh hồn
Dấu anh dã trộn vệt mòn em qua
Tìm thiên đường ở đâu xa
Sắc hoa rực rỡ ta bà cõi em”
(Cõi em)
Rất tự tin, quyết liệt, dữ dội; không giả bộ thùy mị, chẳng
làm bộ đoan trang - “Tìm thiên đường ở đâu xa”, ngay ở đây thôi, ở em…
Trong “Cõi anh” tác giả không viết chung chung về một chàng
trai tưởng tượng nào đó, mà tôi có cảm giác La Mai Thi Gia đã đo ni đóng giày
cho “nhân vật” của mình:
“Này là anh với cõi mơ
Này là em với hồn thơ ta bà
Cõi anh xanh muớt trăng già
Có con bướm quyện vào hoa mà tình”
Và bài thứ ba trong cụm lục bát “Cõi” đã không mơ hồ về chuyện
thầm yêu trộm nhớ nữa, mà đã khẳng định “cõi chúng mình” là:
“Non xanh giấu mặt suối hồng
Con ong giấu mặt vào trong nhụy vàng
Mưa anh ướt dẫm trăng nàng
Núi sông ướt giữa nồng nàn cơn say”
(Cõi chúng mình)
Tôi có tham một chút, khi tự-đóng-đinh sự quan tâm đến ba bài
lục bát ấy của nhà thơ. Mà cũng phải thôi, lục bát luôn làm ta say với sự cách
tân trong vô vàn lối mòn xưa cũ.
Ở một bài lục bát khác, tôi thấy lối gieo vần không hề khiên
cưỡng, ép vận… mà ít nhiều ở đâu đó, thể thơ này thường làm cho người sáng tác
dễ bị rơi vào cái-bẫy-vần, làm mất đi sự độc đáo vốn có của mình.
“Bờ xa xôi ấy mịt mùng
Bóng trăng loang lổ một vùng dại hoang
Tắm sao giữa chốn mây ngàn
Nghe khao khát dậy mà bàng hoàng đau”
(Tàn đêm thương nhớ bời bời)
Hay trong bài “Ngày tình”:
“Ngày tình em nhớ tình ơi
Nhớ hun hút gió, nhớ vời vợi mây
Nhớ xanh vầy giữa chốn này
Chàng và em với mệt nhoài cỏ hoa”
Để rồi phần kết với ba lần “Trời ơi” lặp lại, tác giả đã như
điểm huyệt cảm xúc của người đọc:
“Trời ơi đêm ấy trăng ngà
Trời ơi đêm ấy thiệt là…
Trời ơi!”
(Ngày tình)
Quen mà không lặp lại, mới nhưng không thoát ra khỏi sự du
dương của một thể thơ, mà từ bao đời đã rất thân quen của mọi người Việt từ thuở
nằm nôi. Lục bát của Thi Gia tôi thấy điều đó.
Tính nhân văn thể hiện rõ trong một bài thơ có tựa khá giống
với một bài phóng sự - “Đàn bà thợ xây”. Tôi dừng lại khá lâu ở tác phẩm này, bởi
nó chứa đựng cả một tấm lòng, một nỗi lòng trước một thực tế hiển nhiên cay
xót…
“Những người đàn bà thức dậy trước bình minh
Giặt giũ và phơi phóng
Trên dây phơi không có một chiếc váy mềm
được dệt bằng voan và ren đỏ
Cho một người đàn ông được cởi ra trong đêm”
Tôi chợt rưng rưng, khi tác giả đã không ngại ngần lách
ngòi-bút-thi-ca của mình vào thân phận của “Những người đàn bà thợ xây/ Giấu
mình trong lớp áo dày/ Tóc ủ vào khăn và những giọt mồ hôi ủ trong làn da sạm nắng/
khét mùi mưu sinh” với cách nhìn, cách cảm của một người làm thơ cho một thân
phận, cho những thân phận:
“Những người đàn bà thợ xây
Những người chồng theo những công trình
đi khắp nơi
Chiếc giường tầng trong lán trại chung
cũng là nơi ái ân của họ
Không một tiếng rên
Không một hơi thở mạnh
Sợ sỏi đá ngoài kia biết họ làm gì
Sợ những người đàn ông nằm bên
trở mình khao khát
Tưởng nhớ một thân hình mềm mại ở quê xa”
“Bóng hồng nhác thấy nẻo xa,
Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai.
Người quốc sắc kẻ thiên tài,
Tình trong như đã mặt ngoài còn e”
(Truyện Kiều - Nguyễn Du)
Tôi xin mượn bốn câu của đại thi hào Nguyễn Du trong Truyện
Kiều khi ông nói về Thúy Kiều và Kim Trọng để nói đến La Mai Thi Gia và “chàng
thơ” của chị. “Chàng thơ” ấy hẳn là nguồn thi hứng bất tận, để hôm nay tôi, các
anh chị, những người yêu thơ… có được một “Thơ trắng” để đọc, để cảm và chúc mừng
cho làng văn chúng ta có được một cây bút mới vững vàng trên thi đàn; dù có thể,
cái tên La Mai Thi Gia đã không còn xa lạ với nhiều người.
Tôi tin con đường thơ của La Mai Thi Gia sẽ thênh thang, cuộc
gặp gỡ giữa nữ thi sĩ với “chàng thơ” dù không là “người quốc sắc kẻ thiên tài”
thì mối lương duyên ấy dù có cố giấu thì cũng là “tình trong như đã mặt ngoài
còn e”.
Họ - cặp đôi đẹp của làng thơ!
Tôi nghĩ vậy.
Sài Gòn, 5.1.2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét