Hoàng Cầm: Một đời "Nhớ tiếc",
một đời "Níu xuân xanh"
Là nhà thơ được yêu mến bậc nhất trong đời sống thơ đương đại,
gần một năm sau khi lìa trần, Hoàng Cầm vẫn là một hồ sơ chưa được bạch hóa. Cả
về đời lẫn về thơ.
Về đời, tuy ông đã kể khá nhiều với người hâm mộ, với giới
truyền thông, nhưng tiếc thay phần lớn chỉ là những câu chuyện tình đã được thi
vị hóa và huyền thọai hóa trước tiên bởi chính người kể và khuyếch đại sau đó bởi
người nghe, trong khi phần quan trọng nhất trong văn nghiệp cùng những hệ lụy của
nó lại chưa có cơ hội trình ra ánh sáng. Về thơ, có thể nói ngoài những tác phẩm
tình ý rõ ràng như Đêm liên hoan, Bên kia sông Đuống…, thành tựu lớn nhất của
ông là Về Kinh Bắc chưa được hiểu và phân tích đến nơi, một phần do tính chất
mơ hồ, đa diện, đa nghĩa của một số bài quan trọng, mà chính tác giả cũng nói rằng
mình không minh định được, ông còn sẵn sàng khoác thêm một màn sương khói hư hư
thực thực bằng những câu chuyện kiểu như bài thơ ra đời từ tiếng ai văng vẳng
trong đêm…
Lại nữa, truyền thông nước ta góp phần lớn vào việc làm cho
công chúng cảm nhận Hoàng Cầm một cách phiến diện. Trong suốt hai thập niên trở
thành gương mặt văn học“ăn khách” bậc nhất, ông luôn xuất hiện như một khách
thơ tài hoa đa tình quanh quẩn với hai lọai tình: tình quê hương quan họ và
tình “chị – em” độc đáo, ông như bị chế biến thành món giải trí dễ dãi cho một
số đông tò mò hơn là thực sự thưởng thức văn chương.
Có lẽ đây là dịp để, sau những tràng vỗ tay ồn ào cũng như những
vòng hoa thương tiếc, cả sau khi những ân oán thời cuộc thường chi phối sự nhìn
nhận tác giả và tác phẩm đã lùi xa vừa đủ, ta có điều kiện lắng xuống, tịnh tâm
để nhận diện con người và thơ Hòang Cầm một cách thuần túy hơn.
Hoàng Cầm đa dạng hơn những gì công chúng quen nhìn thấy
Tôi chưa dám nói về kịch thơ, truyện thơ Hoàng Cầm, ở đó ngay
từ Kiều Loan, và sau đến Người con gái nước Tần, Trương Chi, tài năng của một
nhà soạn kịch sóng với tài năng của người nhuần nhụy ngôn ngữ thơ đảm bảo giá
trị cho những tác phẩm thuộc một thể loại sân khấu tiếc rằng vì hoàn cảnh lịch
sử đã không được nuôi dưỡng. Tôi tự hạn chế trong lĩnh vực THƠ viết hoa.
Điều đầu tiên tôi muốn nói, Hoàng Cầm đa dạng hơn những gì
công chúng quen nhìn thấy.
Ở nửa cuối cuộc đời, người ta dễ thấy ông, mà ông cũng thường
tự nhận, là con người dễ dãi, ủy mị, thậm chí nhu nhược, có gì đó nữ tính,“theo
dòng mẫu hệ”. Có thể trong sâu xa con người ông phần “âm” có sẵn đã nổi lên do hoàn
cảnh khốn cùng ông bị đẩy vào, trong hoàn cảnh ấy cái “âm”, cái “ẩn” có tác dụng
bảo toàn, che chở. Cũng nên lưu ý đến tính nữ ở những vai nam trong quan họ hay
chèo, một đặc trưng văn hóa dân gian đông bằng Bắc Bộ mà Hoàng Cầm thấm đẫm. Vì
thế người ta dễ quên đi gương mặt hùng của anh bộ đội Hoàng Cầm trong tấm ảnh
mũ nan áo trấn thủ chụp ngày mới giải phóng thủ đô, quên đi giọng ngâm thơ sang
sảng trên đài phát thanh của một Hoàng Cầm trong Đêm liên hoan “Đầu nhấp nhô
như sóng bể ngang tàng/ Ta muốn hét cho vỡ toang lồng ngực/ Vì say sưa tình
thân thiết vệ quốc đoàn”. Mê mải những “em mặc yếm thắm em thắt lụa hồng” bên
kia sông Đuống, ta bỏ qua những anh “bộ đội bên sông đã trở về/ Con bắt đầu xuất
kích/ Đồn giặc bắt đầu run trong sương/ Dao lóe giữa chợ/ Gậy lùa cuối thôn.”
Cũng như khi cùng tác giả trở về Kinh Bắc, bị ám ảnh quá nhiều vì cái lá Diêu
Bông, cỗ bài tam cúc chị chị-em em, người ta không mấy quan tâm đến tâm trạng
bi phẫn Trăng lên chém đầu ngọn gió, Cành si bưng chậu máu chát chao… Người ta
cũng tránh nhắc đến ông - người quyết định công bố Nhất định thắng và sau đó khẳng
khái bênh vực tác giả của nó (Con người Trần Dần).
Tất nhiên thơ Hoàng Cầm cũng đa dạng như con người ông.
Và thay đổi khá nhiều theo theo thời gian, hoàn cảnh. Không thể nhận ra tác giả
những lời thơ lãng mạn tuổi 20 “Những khoảng chiều buồn phơ phất lại/ Anh đàn
em hát níu xuân xanh” trong những giai đoạn kháng chiến, đầu hòa bình. Nhưng đến
những năm tháng của tuổi 70, 80 thì ta nhiều lúc bắt gặp ông trở lại nhạc điệu,
thi ảnh, và cả ngôn từ của thời “vớt mắt em về bến hoá sinh”. Vâng, ở cái tuổi
xưa nay hiếm, Hoàng Cầm vẫn chạy theo những mối tình đơn phương, ảo vọng, vẫn
“níu xuân xanh” với hết sinh lực (không còn bao nhiêu) và thi lực (vẫn tràn đầy).
Giữa hai đầu lãng mạn đầu đời và “níu lãng mạn” cuối đời, ta
có Hoàng Cầm thơ kháng chiến lượng không nhiều mà nổi đình đám chỉ cần với một
Bên kia sông Đuống. Một Hoàng Cầm thơ trữ tình phê phán sắc sảo và cay độc thói
quan liêu đạo đức giả: “Rúc đầu vào nách vợ/ Hút hít như chó con…Mắt thầy nhắm
nghiền lại/ Thầy đọc kinh giáo điều… Dao ngọc với gươm vàng/ Chém nát nhừ trận
gió…”, “Diễn văn cót két chân giường mới/ Gặm hết tình yêu hết ước mơ. Ta có cả
một Hoàng Cầm biết tụng ca anh hùng với những hình tượng sáng tạo “Anh đứng là
lưỡi cày/ Anh nằm là dòng mương/ Anh ngồi là cót thóc/ Anh đi là con đường”. Rất
ít người để ý đến một Hoàng Cầm mới lạ của tổ khúc thơ rock siêu thực – xuất biểu
có một không hai trong thơ Việt Nam (U gì, tặng khối u của Đặng Đình Hưng) đầy
bi phẫn kinh hoàng ác mộng: “Lỗ chỗ chín chậu nắng tóe mắt võng rách tụt cân
đai yên ngựa què kéo đen ngòm cỗ xe bánh vuông (không thấy mui) sa lầy bãi sông
thu bùn lũ ngược vẫy sen tàn (đi hoang ư) ngậm miệng nghỉm gió thốc lốc cung
rê-ma-giơ quắt nhức ba cạnh nhung gai lì ái ân gì dài thon mười búp lóa kim
cương trắng sữa đầu vú núi cao ngất lùm cỏ ngọt ước ao”… “lố nhố nhiều u gì sau
xe hình mắt lé mã tấu trùng trùng răng chuột mặt nạ người đẹp ngọt xớt thanh xà
nép lá bồ đề”.
Về KInh Bắc
Nhưng có thể nói, tác phẩm gắn chặt nhất với tên Hoàng Cầm
truyền lại cho hậu thế phải là Về Kinh Bắc. Hoàn cảnh ra đời tối ưu cho một kiệt
tác: tác giả bị dồn đẩy vào tâm thế chìm đắm hoàn toàn trong thế giới hoài niệm
với thơ là nơi bấu víu, là nguồn sống, là năng lượng giải thoát độc nhất (“cô
đơn là cứ phải toàn phần mới sinh năng lượng” – Đặng Đình Hưng); tác giả đang ở
độ chín tới của tuổi tác và tài năng.
Về Kinh Bắc là tổ khúc tám nhịp hồi quang một vùng
văn hóa lịch sử, trên nền ấy nổi lên nhịp Năm gửi gắm tâm sự của một đứa “Em”
(không) gửi tới “Chị”, người mà “Em” thầm yêu, cả tin, rồi vỡ mộng, nhưng chẳng
dám thốt ra lời gì hơn là nỗi lòng bơ vơ, ngậm ngùi, có chút hờn trách.
Hồi quang Kinh Bắc đầy màu sắc. Với những chớp lóe ấn tượng
thật gợi cảm trong nhịp Một, cũng là khúc dạo (prelude) của một đại tổ khúc, gồm
năm đêm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ – lướt nhanh một Kinh Bắc huyền tích (Néo Đông
Triều khép mở gió kỳ lân/ Chớp rạch dáng tiên vén xiêm xõa ngủ…), Kinh Bắc huê
tình non tơ (Chũm cau căng nứt mạch tằm/ Yếm may ba ngày mẹ vá lại… Gió ra hồng
da trinh nữ… ong bay vai áo tiểu thon mình), Kinh Bắc bi tráng (Chợt mê thét giữa
sân/ Nét mác chữ thiên toạc lưng trâu mộng), Kinh Bắc ma mị (Châu chấu ma vờn cổ
yếm xây…Trò chuyện gì ai đâu/, mồ tháng giêng mưa ướt sũng…), Kinh Bắc của những
sinh hoạt văn hóa dân gian giàu bản sắc (Hình nhân má điệp tóc mực tàu/ Mắt
nghiêng dựa liếp/ Mai nhảy vào đám lửa giỗ đầu… Kèn già lam ai tập thổi/ Gió mất
chồi xuân đay nghiến luỹ tre dầy… Đằm ca dao sáo diều chiều lịm tím lưng
trâu…).
Với lịch sử bi hùng được kể trong ba nhịp Hai, Ba, Bốn. Với chân dung những người con gái đa tình, đa truân trong nhịp Năm. Với phác họa những hội hè trong nhịp Sáu. Có thể nói Về Kinh Bắc cùng với truyện thơ Tiếng hát quan họ và nhiều bài thơ lẻ cuối đời cho thấy Hoàng Cầm là kết tinh vùng văn hóa nghìn năm Kinh Bắc, là thi sĩ của đất quan họ, chẳng khác thi sĩ Tây Ban Nha Federico Garcia Lorca với quê hương Andalusia qua những khúc cante hondo (trầm ca) và romance.
Với lịch sử bi hùng được kể trong ba nhịp Hai, Ba, Bốn. Với chân dung những người con gái đa tình, đa truân trong nhịp Năm. Với phác họa những hội hè trong nhịp Sáu. Có thể nói Về Kinh Bắc cùng với truyện thơ Tiếng hát quan họ và nhiều bài thơ lẻ cuối đời cho thấy Hoàng Cầm là kết tinh vùng văn hóa nghìn năm Kinh Bắc, là thi sĩ của đất quan họ, chẳng khác thi sĩ Tây Ban Nha Federico Garcia Lorca với quê hương Andalusia qua những khúc cante hondo (trầm ca) và romance.
Nhưng cũng phải nhận rằng, Về Kinh Bắc in đậm vào dư luận và
sống trong lòng công chúng phần nhiều ở chùm thơ đặc biệt trong nhịp Năm: bộ ba
Cây, Lá, Quả (Cây Tam cúc, lá Diêu bông, Quả vườn ổi), mở rộng là bộ bốn (Cây,
Lá, Quả, Cỏ – Cỏ Bồng thi). Không nói tới việc số phận đoạn trường của chùm thơ
này kéo theo số phận đoạn trường của tác giả đã góp phần không nhỏ làm cho
chúng nổi tiếng và được yêu mến, “đến hôm nay, thoát khỏi mọi vướng víu thời cuộc,
bộ ba cây-lá-quả vẫn cứ ngây ngây men erotic của những ẩn ức ấu thơ sực mùi ổ
rơm tóc ấm trộn với một liều lượng đắng cay của tuổi trẻ thất vọng đượm một nỗi
u ẩn thế sự, vẫn nguyên sức cám dỗ của thứ rượu lâu năm nhấp môi thì ngọt, nuốt
vào thì đắng, uống rồi thì chuếnh choáng ngậm ngùi.” (HH- Bài giới thiệu tập
thơ Mưa Thuận Thành, báo Lao Động 1991).
Ngoài chùm thơ trên, có Về với ta, một bài làm thanh cả nhịp
cuối, nhịp kết của tập thơ. Không nổi tiếng với công chúng rộng, nhưng bài thơ
được đánh giá cao trong giới bạn thơ của tác giả và cũng là một trong những bài
tâm đắc nhất của ông. Tôi nghĩ bài này chứa đựng những gì là Hoàng Cầm nhất.
Về mặt thi pháp, thực ra Về Kinh Bắc chưa tạo dựng một thi
pháp nhất quán rõ rệt như ở Trần Dần, Lê Đạt, nhưng nó rất riêng một lối thơ
Hoàng Cầm của thời kỳ này, cũng là lối thơ Hoàng Cầm nhất.
Trước tiên là một nhạc điệu Hoàng Cầm: dặt dìu, đón đưa, dan
díu, buông bắt. Có thể nhận ra tất cả hồn quan họ ngân nga trong ấy. Thứ nhạc
này khiến cho thơ tự do không vần của tác giả, trong khi theo sát diễn biến của
từng tâm trạng cụ thể, thậm chí còn du dương hơn lối thơ vần điệu (cuối đời tác
giả hay tự hát thơ của mình trong những cuộc gặp gỡ bỏ túi). Ta có thể gọi nó
là “điệu tâm hồn Hoàng Cầm”.
Rất rõ một lối tạo hình Hoàng Cầm: xen tả với gợi, xen ấn tượng,
biểu tượng với khắc hằn xuất biểu. Ở những bài thành công nhất, việc sử dụng biểu
tượng gửi gắm những tâm ý không nói ra được (có thể là “tàn dư” của thủ pháp
“biểu tượng hai mặt” thời Nhân Văn - Giai Phẩm nhưng đã từ tầng lý trí chìm xuống
tầng sâu tiềm thức, bộc phát, nên sức ám ảnh rất cao), kết với sức gợi và ám của
nhạc thơ, cho ta một Hoàng Cầm của thi pháp tượng trưng thời mới – tôi tạm gọi
là “tân tượng trưng”.
Hoàng Cầm cũng có một kiểu dắt dẫn tuyến thơ: Một cách mở đầu
hầu như bao giờ cũng tự phát từ sự mách bảo của tiềm thức, bản năng, không từ sự
lập ý (cho nên ông hay nói về tiếng người trong đêm đọc câu thơ mở đầu cho bài
thơ của mình), rồi phát triển bài thơ xen kể với tả, và cấu trúc bài thơ không
bao giờ thiếu kịch tính.
Ngôn ngữ thơ Hoàng Cầm tài hoa óng chuốt bay bướm nhưng vẫn tự
nhiên, tuy cũngcó những lúc hơi lạm phát vàng son song ít khi rơi xuống sáo
mòn.
Có một nét rất riêng Hoàng Cầm nữa: sự tạo dáng ký thác tâm
trạng trong các bài thơ. Ngay từ Bên kia sông Đuống, cái dáng nghiêng nghiêng của
con sông đã ám ảnh bao nhiêu người yêu thơ ông (có nhà nghiên cứu còn ngây thơ
thử đi đo độ nghiêng của sông Đuống thực!). Trong một lần chở xe đạp nhà thơ
trên phố dịp ông vào Sài Gòn lần đầu, tôi bỗng “phát hiện” cái thế nghiêng
nghiêng của con sông có lẽ là từ cái dáng nằm nghiêng nghiêng của chính tác giả
trong cai đêm trằn trọc nhớ về con sông quê sa vào tay giặc. Cái dáng này cũng
như tiên cảm sự chông chênh của đời ông! (Đứng không yên ổn, ngồi không vững
vàng – Kiều). Trong Về Kinh Bắc, ta gặp cái dáng bơ vơ Em đứng nhìn theo em gọi
đôi, lạc lõng Từ đấy em đi khắp sông khắp núi/ Gió quê vi vút gọi/ Diêu bông hời…
ới diêu bông, lủi thủi Lẽo đẽo em đi vườn mai sau/ Cúi nhặt chiều mưa dăm quả rụng,
bị du đưa như trong cơn mộng du Chị đưa em đến chốn này/ Cheo leo mỏm đá, chết
đứng không trói mà không đi… em vọng ai đâu mà hóa đá… kìa rau muống dại kín em
rồi…
Bao trùm tất cả, Về Kinh Bắc dựng lên một không khí, một
thế giới Hoàng Cầm. “Thế giới thơ Hoàng Cầm như một cõi mơ giữ nguyên những cái
không hề có thật, cái “lá diêu bông” là cái lá gì, “cầu bà Sấm bến cô Mưa” là ở
đâu, nhưng cứ ngỡ như là thật; có những chất liệu bình dị của vùng quê Kinh Bắc
một thời vừa đủ xa để nhớ tiếc, cỗ bài tam cúc đôi cá đòng đong… nhưng lại kết
thành hư ảo hàm chứa một cái gì bí ẩn. Hoàng Cầm thuộc nòi thi sĩ giao tiếp được
với người âm, biết cách gọi về những gì đã mất, đẩy cái trước mắt ra xa vời,
nên thơ anh ám ảnh như mộng triệu đòi được giải mã.” (HH - Bài giới thiệu tập
thơ Mưa Thuận Thành, báo Lao Động 1991). (Tác giả rất tâm đắc ý cuối này, ông lấy
nó khi viết Chân dung tự thú năm 1994: “Gọi chiều xưa trở lại/ Đẩy chiều nay về
xa/ Thường trò chuyện với ma/ Như với người đang sống”).
Về Kinh Bắc là tập thơ được Hoàng Cầm sáng tác trong
mùa Đông-Xuân 1959-1960 tại nhà riêng (43 Lý Quốc Sư Hà Nội), sau khi ông bị kỷ
luật vì vụ Nhân Văn - Giai Phẩm. Bản thảo sau đó được ông chép tặng một số rất
ít người quý mến mà số lượng ngày càng tăng dần, nhất là sau khi đất nước thống
nhất năm 1975. Tuy có tiếng xì xầm về những “ẩn ý” oán trách xã hội của một số
bài trong đó, nhất là bài Lá Diêu bông, nhưng chưa hề có nhận định hay kết luận
chính thức nào của các cơ quan hữu trách về tập thơ, cũng chưa hề có một quyết
định nào không cho phép lưu truyền nó. Nhưng đến khoảng cuối thập niên 1970 đầu
thập niên 1980, khi một số bài thơ do Hoàng Cầm chép tặng được truyền ra hải
ngoại, thì Về Kinh Bắc đã “thành vấn đề” đối với “các cơ quan chức năng”.
Năm 1982, một nhà văn người Việt từ Canada về xin nhà thơ
chép tặng toàn bộ tập thơ để mang đi. Cùng lúc đó, tình cờ tôi từ Sài Gòn ra,
cũng xin ông chép tặng để mang vào. Trong bối cảnh ấy vụ án Về Kinh Bắc ra đời
.
[...] Ông được “tạm tha” sau 16 tháng “giam cứu” (giam giữ để
điểu tra) - từ cuối tháng 8 năm 1982 đến cuối tháng 12 năm 1983.
Sau Đổi Mới, một số bài trong Về Kinh Bắc được công bố trong
vài tập thơ của Hoàng Cầm (Mưa Thuận Thành, Lá Diêu bông, Bên kia sông Đuống),
trong đó có những bài quan trọng nhất mà dăm năm trước đây còn bị coi là “phản
động”. Đến năm 1994 thì Về Kinh Bắc được xuất bản. Trong giải thưởng Nhà nước về
VHNT trao cho Hoàng Cầm năm 2007, tuy Về Kinh Bắc không được nêu danh, nhưng có
những tập thơ kể trên.
Hoàng Cầm hậu Về Kinh Bắc
Sau Về Kinh Bắc, thơ Hoàng Cầm không còn tập trung được sức mạnh
vào một tác phẩm lớn, không còn giữ được nhạc điệu rất riêng, nhưng thế giới
thơ Hoàng Cầm vẫn hiện diện một phần ở tâm trạng tải trên hàng trăm bài thơ lẻ.
Một tâm trạng tha thiết đòi yêu, níu yêu, không cam chịu, nhưng không giấu được
tiếng thở hắt phẫn chí, ngậm đắng, nuốt cay: Gió cấp ba thổi méo thân hình… Vào
tim dao khía bịa ra cười… Thứ thuốc mà ông mang tên càng già càng đắng.
Cuộc đời và thi nghiệp của Hoàng Cầm là một trường hợp điển
hình cho điều mà tôi coi là một trong những “bí quyết” thành công trong văn giới
Việt Nam đương đại. Đó là sự “nằm giữa”. Nằm giữa con người thi nhân và con người
chiến sĩ (dân tộc và dân chủ), con người Hoàng Cầm là một mẫu lý tưởng ngấm ngầm
cho một bộ phận trí thức văn nghệ sĩ.[...]. Nằm giữa lối sáng tác truyền thống
coi cảm hứng từ chính cuộc đời mình là động lực tự nhiên với ý thức về sự làm mới
bút pháp do ảnh hưởng của những người bạn mang tinh thần cách tân quyết liệt. Nằm
giữa một cái nôi văn hóa dân gian đậm đà tâm thức tập thể và một chân trời tự
do cá nhân hấp thụ từ văn minh phương Tây. Nằm giữa kể chuyện và giãi lòng. Nằm
giữa thực và mộng, lộ và ẩn, hình ảnh và biểu tượng, huyền thoại và chuyện thật,
văn chương và thế sự. Thơ Hoàng Cầm dễ lan truyền mà không bình dân, đáp ứng
tâm lý thưởng thức của công chúng trung lưu Việt Nam trong một hoàn cảnh xã hội
khá đặc biệt, khi văn nghệ đang chuyển mình từ công cụ chính trị trở lại là
chính nó; trong cảnh tranh tối tranh sáng, tiếng xì xào lắm khi còn mạnh hơn lời
bình chính thức.
Ngẫm lại một đời thơ ông, tôi thấy ngay từ thưở 20 đến khi về
cõi, ông như không thôi bị ám ảnh bởi cái nhu cầu nội tâm sâu xa đọng trong một
chữ NÍU.
Những khoảng chiều buồn phơ phất lại
Anh đàn em hát níu xuân xanh
Bao nhiêu tha thiết hàm chứa cái gì bất lực, tội nghiệp trong
câu thơ từ 70 năm cũ dự cảm một điều quý báu nhất sắp vuột khỏi tay.
Đời ông là cả một đời nhớ tiếc những cái đã mất ấy (“Đứng bên
này sông sao nhớ tiếc/ sao xót xa như rụng bàn tay”), mà ông chỉ hòng mong níu
lại bằng thơ. Níu xuân xanh. Níu một mối tình ảo,níu một thời trầu cay mà đỏ,
níu màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp… Và có lẽ, thơ Hoàng Cầm níu lòng ta
cũng vì thế.
Bán đảo Tân Phong, mùa trăng tháng 3/2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét