Bàn về những bài học giáo dục trong kịch Lưu Quang Vũ không
còn là vấn đề mới, song lại là vấn đề không bao giờ cũ, bởi xã hội nào, phát
triển tới trình độ văn minh nào, cũng luôn trăn trở về nhân cách con người, về
những giá trị sống đẹp, về sự thành thực hay dối trá trong bản ngã mỗi người.
Lưu Quang Vũ đã có cuộc đối thoại về giáo dục học đường trong
kịch bản Mùa hạ cuối cùng một cách điềm tĩnh nhưng chân thành, nghiêm túc và riết
róng. Ở đó có sự nhắc nhở, có sự đòi hỏi về trách nhiệm của các thế hệ đối với
chính mình và đối với thế hệ khác.
Châu - nhân vật chính, vốn rất ngoan ngoãn, học giỏi, đã khiến
bạn bè ngơ ngác và những người lớn đau đầu khi một mực từ chối cơ hội được vượt
qua kỳ thi cuối cấp một cách nhẹ nhõm. Biết trước đề thi, Châu đã đề nghị nhà
trường tổ chức thi lại. Từ một học sinh ưu tú, Châu trở thành học sinh “cá biệt”
bởi mọi người cho rằng cậu bịa đặt, bôi nhọ danh dự nhà trường. Xoay quanh sự
việc ấy, Lưu Quang Vũ đặt ra nhiều tình huống đối thoại để đi đến giải quyết vấn
đề. Có lẽ đúng như lời ca sĩ dẫn chuyện trong vở kịch, “câu chuyện không chỉ
liên quan đến Châu, cũng không chỉ là chuyện riêng của lớp 10H, mà có lẽ nó
liên quan đến tất cả mọi người”(1).
Cuộc đối thoại của thế hệ trẻ
Các cô cậu học trò lớp 10H hoàn toàn bất ngờ trước phản ứng của
Châu khi cậu kiên quyết không tiếp tục làm bài vì đã biết đề thi từ hôm trước.
Chung sự bất ngờ, nhưng họ bày tỏ những ý kiến đánh giá không giống nhau. Đám học
sinh ham chơi như Hạnh “bít”, Đức “phệ” coi đó là hành động ngốc nghếch:
Hạnh “bít”: Bài khó quá, mình không làm được, còn Châu thì biết
trước đề, mà chẳng cho mình hay, ác quá!
Đức “phệ”: Ngốc ơi là ngốc! Đáng lẽ đã nắm được “tủ” trong
tay, cậu phải im đi mà làm! Số đỏ đến thế là cùng, lại đứng dậy phô ra.
Số khác cho rằng, “cậu ấy làm như vậy không phải là không có
lý”. Thời, người liên quan trực tiếp đến việc lộ đề thi đã chọn giải pháp im lặng.
Duy nhất Oanh - kiên nhẫn tin ở Châu.
Thế hệ Châu, lứa tuổi 17, 18, ở vào chặng đẹp nhất của cuộc đời
đã đủ nhận thức để chịu trách nhiệm về những việc mình làm. Họ đang tràn đầy mơ
mộng và cũng không thiếu những băn khoăn, nghi ngại trước mùa hạ cuối cùng, khi
họ sẽ từ giã mái trường, để bước vào “cuộc đời rộng lớn, cuộc đời sôi nổi”.
Trong số họ, có người tự tin: “Sợ quái gì! Tất cả tùy thuộc ở ta hết! Cần phải
biết nghệ thuật sống... Cuộc đời như canh bạc. May rủi cả thôi, nhưng mà... nếu
khôn khéo, ta sẽ biết cách thắng đậm”, có người đầy hy vọng: “Tại sao không có
quyền được hạnh phúc”, nhưng cũng có người thận trọng: “Tất cả đều không đơn giản”,
hoặc hoang mang: “Mình thấy sờ sợ”. Châu theo đuổi tín niệm tuyệt đối là niềm
tin vào sự thật, nhưng tín niệm ấy cùng lòng can đảm đôi lúc lại khiến Châu trở
nên lạc lõng. Đó cũng là trạng thái của xã hội hiện đại hôm nay, khi lòng tốt lại
dễ dàng bị hoài nghi, nhiều nghĩa cử đẹp lại bị coi là dại dột!
Đối thoại giữa các thế hệ
Có lẽ đây là cuộc đối thoại quyết liệt nhất trong vở kịch, dù
biểu hiện bề ngoài không quá căng thẳng, nặng nề. Lưu Quang Vũ đặt ra bốn điểm
nhìn khác nhau từ hai nhóm đại diện.
Nhóm thứ nhất: Các bậc phụ huynh (gồm bố Châu và mẹ Thời). Là
những ông bố bà mẹ cầu an cho con, họ muốn tránh mọi rắc rối, họ yêu cầu hoặc
van xin Châu thỏa hiệp với giả dối.
Bố Châu: Rõ khôn chửa! Mày biết thì mày cứ việc biết! Ai khiến
mày đứng dậy khoe nhặng lên, rồi lại đòi người ta hủy bỏ bài thi.
Châu: Con tin các thầy, con mới nói.
Bố Châu: Tin! To đầu mà dại! Đường quang không đi, đâm quàng
bụi rậm, vừa gây khó khăn cho nhà trường, vừa mua dây buộc mình!
Châu: Thế bố bảo con phải làm kẻ gian dối, lừa đảo à?...
Bố Châu: Con phải biết xã hội quanh ta không phải mọi điều đều
đã hoàn hảo cả. Việc lộ đề thi, nếu như là có lộ thật, thì cũng là một việc...
nói cho cùng... cũng rất dễ xảy ra, và cũng không phải là một việc gì to tát lắm...
Còn ối chuyện trầm trọng hơn mà người ta chưa dễ khắc phục ngay được! Ta biết
thế để biết cách xử sự cho uyển chuyển. Đằng này, cả lớp chỉ có mình con ra vẻ
ta đây là người trung thực, dũng cảm, thì thay đổi được gì?
Châu: Sao lại không thay đổi được gì ạ? Ít ra, con cũng tự thấy
mình trong sạch.
Mẹ Thời: Bác tin cháu, bác biết cháu là người đáng tin, bác
tin cháu!
Châu: Tin à? Bác tin cháu về cái gì?
Mẹ Thời: Tin là cháu sẽ không bao giờ nói ra sự thực!
Rõ ràng, Châu không tìm được tiếng nói chung với các bậc phụ
huynh. Cậu nôn nóng và dứt khoát với sự thật bao nhiêu thì bố cậu hờ hững bấy
nhiêu, và mẹ Thời lo sợ bấy nhiêu. Vấn đề được đặt ra ở đây không chỉ là sự
khác biệt về suy nghĩ giữa các thế hệ, mà sâu xa hơn là vấn đề giáo dục trong
gia đình. Thất vọng bởi thái độ hoàn toàn đối lập của người lớn, Châu tìm đến
chỗ dựa cuối cùng là thầy Hiển. Nhưng một chút băn khoăn từ người thầy mà Châu
tin tưởng, lại khiến Châu bàng hoàng: “Chẳng lẽ giữa những điều thầy đã dạy em
và thực tế việc đời lại có một khoảng cách xa đến thế?”.
Cuộc đối thoại ngắn ngủi giữa Châu và bố, sau đó giữa Châu và
mẹ Thời, một lần nữa, khiến chúng ta phải băn khoăn nhiều hơn về vai trò định
hướng của cha mẹ trong việc hình thành nhân cách con cái. Sự trưởng thành của mỗi
cá nhân không thể tách rời vai trò giáo dục của gia đình. Đó cũng là vấn đề nhức
nhối của xã hội đương đại, khi ngày càng có nhiều sự việc đau lòng mà nguyên
nhân là từ sự thờ ơ của cha mẹ với chính con em họ.
Nhóm thứ hai: Ban giám hiệu nhà trường. Câu chuyện của Châu
cũng cho thấy quan điểm và ứng xử khác nhau từ phía các thầy cô. Ít nhất có ba
cách xử lý đã được đưa ra.
Nóng vội, phiến diện và gay gắt là cách của thầy Tấn trên
cương vị thư ký hội đồng kỷ luật. Thầy cho rằng Châu có hành động và lời nói hết
sức xằng bậy, vô căn cứ, và Châu chỉ là một “cá nhân không đáng kể”, vì vậy cần
thi hành kỷ luật thích đáng để “bảo vệ uy tín và nền nếp kỷ luật của nhà trường”.
Hiệu phó nhà trường, thầy Trác lại tìm cách xoa dịu tình hình
bằng giải pháp dung hòa “ta cứ coi như không có chuyện gì xảy ra”, để “cốt làm
sao êm thấm vui vẻ được mọi sự, giữ được uy tín của trường. Trường ta đang phấn
đấu đạt danh hiệu xuất sắc toàn diện”.
Ngược lại với thầy Trác và thầy Tấn, thầy Hiển chủ nhiệm lớp
10H lại đòi hỏi “suy xét, cân nhắc, xác minh thận trọng”. Hiển nhìn nhận sự việc
từ góc độ một nhà giáo dục tư tưởng. Luôn trăn trở với những vấn đề đạo đức:
“Nhân cách là gì?”, “Có nên trung thực tuyệt đối trong mọi trường hợp không?”,
“Tác hại của thói giả dối và nịnh bợ”, anh tự đặt ra cho mình trách nhiệm: “Đối
với người giáo viên, khi chỉ một học sinh nghi ngờ sự chính trực ngay thẳng của
những người dạy dỗ mình thì đó là một điều nghiêm trọng”. Nhưng cũng có lúc,
chính Hiển, người truyền thụ niềm tin cho học trò, lại hoài nghi và dao động:
“Cuộc sống, cuộc sống... cũng có lúc, người ta cảm thấy mệt mỏi. Có lẽ... ta
nên hiểu: lẽ phải, nhân cách, lòng trung thực... chỉ là những khái niệm tương đối”.
Đây là cách “phản đề” thường thấy trong nghệ thuật kịch Lưu Quang Vũ. Các nhân
vật tự phản biện lại tín điều mà họ tôn thờ, phân vân giữa các lựa chọn, thỏa
hiệp hay đấu tranh đến cùng với cái xấu. Nhân vật thầy Hiển được Lưu Quang Vũ lựa
chọn như một kênh phát ngôn chính cho tư tưởng của vở kịch. Và Châu là một trường
hợp thực hành, có vai trò làm “phép thử” kiểm định lại tư tưởng đó.
Ở cảnh 12 của vở kịch, “thủ phạm” của “vụ án” lộ đề thi đã
“thú tội”, nhưng là lời thú tội nhằm bảo vệ cho sự an toàn của bản thân và giữ
gìn lợi ích về sau. Không chấp nhận một kết thúc theo kiểu “sao cho êm chuyện,
kẻo ồn ào lên”, Lưu Quang Vũ lựa chọn giải quyết xung đột bằng cách để người lớn
phải đứng ra nhận khuyết điểm: “Tôi đã luôn tự nghĩ mình là người trung thực.
Tôi chỉ hoặc là nói thật, hoặc im lặng. Nhưng bây giờ tôi đã hiểu: im lặng cũng
là dối trá, là tán thành sự dối trá”. Sự thật cuối cùng đã thuyết phục được những
người xung quanh. Cô giáo Thúy, từ chỗ lựa chọn “phải nhân nhượng cuộc sống” và
thu mình lại “mỗi chúng ta chẳng là gì hết...” đã cương quyết “ít ra cũng phải
có một lần em không nhân nhượng”. Cậu Thời cũng quyết định nói ra sự thật: “Cần
phải như thế, nếu như mẹ không muốn con là một kẻ hèn hạ. Lần đầu tiên trong đời,
con đã là người lớn...”. Rõ ràng, sự thật - có vị trí và sức mạnh của nó. Ở
đây, hoàn toàn không có chỗ cho thái độ nhân nhượng, thỏa hiệp với sự dối trá.
Lẽ phải, nhân cách, lòng trung thực... phải là những khái niệm tuyệt đối.
Lưu Quang Vũ đã cho các bạn trẻ thấy rằng, niềm tin không dễ
dàng đánh mất, bởi lẽ trong cuộc đời, còn rất nhiều điều, rất nhiều con người,
rất nhiều hành động đáng để ta tin cậy. Một người đàn ông xa lạ chưa từng gặp mặt
sẵn sàng cho Châu và Oanh mượn ô che mưa, dù Châu nghi ngại: “Tại sao bác lại
tin chắc rằng cháu sẽ đem trả?”. Câu trả lời cho sự nghi ngại đó là: “Ở tuổi
tôi, không tin vào các chú, thì coi như là hết rồi, hết tất cả”. Đó cũng là tâm
niệm của lớp người đi trước, đặt niềm tin vào thế hệ trẻ. Còn điều gì quan trọng
nữa khi chúng ta không còn niềm tin?
Từ câu chuyện của một cá nhân đơn lẻ, Lưu Quang Vũ đã chạm đến
các vấn đề chung, “kinh niên” của ngành giáo dục và của cả xã hội: đó là căn bệnh
thành tích, là sự né tránh trách nhiệm, là thái độ dung túng với sự giả dối, là
sự ngần ngại nói lên sự thật. Cho đến tận hôm nay, đó vẫn là những chứng tật phổ
biến, đến mức khi một cá nhân lên tiếng thì tiếng nói ấy bị cho là lạc loài. Vì
lẽ đó, Lưu Quang Vũ đã nhắc nhở: sống trong thời đại này, cần phải có một bộ thần
kinh thật vững chắc (lời bác sĩ tâm thần).
Châu như một phép thử cho tất cả những vấn đề nói trên. Phản ứng
quyết liệt cùng sự nồng nhiệt, chân thành, trong sáng ở Châu đã buộc những người
xung quanh phải nhìn nhận lại. Cuối cùng, số đông đã đứng về phía cậu, bởi họ hiểu
rằng, “cần phải làm tất cả cho cái tốt được chiến thắng, cần phải làm tất cả
cho sự tồn tại của những bông hoa, những bài hát, những ngôi sao...”. Và Châu,
trở về trong vòng tay bè bạn. Họ - những người tuổi trẻ đầu xanh sẽ tiếp tục phải
tìm đáp án cho câu hỏi: Chúng ta sẽ sống sao cho đúng, cho đẹp, cho hữu ích?
Lưu Quang Vũ một lần nữa gửi gắm suy nghĩ: Mỗi chúng ta phải tự tìm cho mình
cách xử sự đúng nhất, nghĩa là tác giả vẫn đòi hỏi và chờ đợi mỗi người tự chịu
trách nhiệm về cuộc sống của mình cũng như có thái độ nghiêm túc đối với các vấn
đề trong xã hội.
Với những vở kịch mang tính luận đề sâu sắc, Lưu Quang Vũ có
thể được coi là một nhà tư tưởng của thời đại anh. Không chỉ phản ánh các vấn đề
gây bức xúc trong xã hội, Lưu Quang Vũ luôn đặt các vấn đề đó trong mối quan hệ
biện chứng, giao vai trò phản biện cho các nhân vật. Các mệnh đề chứa đựng triết
lí nhân sinh lần lượt được Lưu Quang Vũ trình bày dưới hình thức các lớp kịch hấp
dẫn. Từ Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Ông không phải bố tôi, Lời thề thứ chín, đến
Mùa hạ cuối cùng, Tin ở hoa hồng, Điều không thể mất... Lưu Quang Vũ luôn kiên
trì theo đuổi mục tiêu vì con người, vì những điều tốt đẹp “không thể mất”
trong cuộc đời. Kịch của Lưu Quang Vũ vì thế, đã góp những tiếng nói quan trọng
trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, gây dựng lòng tin ở con
người, nhất là những người trẻ tuổi. Đó cũng là sứ mệnh của văn học nghệ thuật
mọi thời đại.
Chú thích:
1. Các trích dẫn trong bài dẫn theo kịch bản Mùa hạ cuối
cùng, Nxb Kim Đồng, Hà Nội, 1984.
30.12.2017
Lê Thị Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét