Chương trình đầu tư sáng tác văn học về đề tài người lính và
chiến tranh cách mạng của Bộ Quốc phòng, năm 2017 này “được mùa” trường ca.
Trong 9 tác phẩm được đầu tư sáng tác năm nay, trường ca chiếm gần một nửa với
4 tác phẩm gồm Ba mươi tháng tư của Nguyễn Minh Khiêm, Từ sông ra biển của Lê
Thanh My, Về nơi anh ở của Trần Thế Vinh và Câu hỏi trước dòng sông của Nguyễn
Quang Thiều.
Trong đó, có thể nói Câu hỏi trước dòng sông (NXB Lao động) của
Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều là một tập thơ “đặc biệt”.
Cái đặc biệt nằm ở chỗ nó gồm hai phần: Trường ca Những người lính của làng và
tổ khúc thơ Câu hỏi trước dòng sông, đều viết trực diện về người lính, một
trong những đề tài làm nên tên tuổi Nguyễn Quang Thiều trên văn đàn.
Những người lính của làng được Nguyễn Quang Thiều viết năm
1981 khi đất nước giải phóng được 6 năm. Giai đoạn 1975-1985, theo tôi là giai
đoạn vàng của trường ca. Mười năm, quãng thời gian vừa chưa quá xa nên các nhà
thơ vẫn ngất ngây trong men say tỏa ra từ vầng hào quang của chiến thắng, vừa
có độ lùi nhất định để họ nhìn lại quá khứ, ngẫm ngợi về chiến tranh. Xuất hiện
trong giai đoạn vàng ấy, Những người lính của làng mang đầy đủ những đặc trưng
của một trường ca viết về người lính. Đó là những uất nghẹn đau đớn trào dâng của
người lính khi thấy quê hương, người thân bị kẻ thù tàn phá: Nhà em đâu? Chỉ một
hố bom thù/ Những mảnh vải vẫn còn ngấm lửa/ Lửa chùng chình gặp máu bết chưa
khô/ Em ngã xuống em làm sao gọi được/ Gia đình em giặc giết hết rồi/ Chỉ còn lại
hố bom cháy khét/ Ngửa lên trời như một tiếng kêu (Người con gái trên sân ga);
là những xúc cảm tự hào về quân đội sinh ra từ nhân dân anh hùng, bách chiến
bách thắng: Những trận đánh rung trên đường phố/ Chúng tôi đi như núi chuyển/…/
Một đại đội bị thương/ Nhưng chúng tôi không thể nào dừng lại/ Chúng tôi đi hóa
cơn bão căm hờn/…/ Những đoàn quân như từng dòng máu đỏ/ Soi trên mặt đất/ Chảy
về nơi những vùng trời hấp hối đêm đêm/ Cho mong đợi nhân dân hồng lên sắc mặt
(Những mạch máu) và những chiêm nghiệm về chiến tranh.
Mỗi lần chiến tranh là một lần “Tổ quốc đứng dậy”, là nỗi đau lại thêm một lần hằn lên dáng mẹ, dáng chị, dáng em, hằn lên cánh chim non không còn tổ trong cánh rừng cháy khét lẹt mùi bom. Ước mơ về một nền hòa bình lâu dài luôn cháy bỏng trong tâm can người lính: Mãi mãi về sau dù trên mặt đất này/ Không súng đạn/ Không buồn đau quá khứ/ Gió vẫn thổi/ Và trăng vẫn sáng (Khúc tưởng niệm số 1). Ấn tượng đọng lại trong tôi về trường ca này là sự tinh tế của một hồn thơ nhạy cảm và giàu lòng trắc ẩn như cái cách Nguyễn Quang Thiều viết về sự ra đi của người lính, nhẹ tênh mà tạo nên hẫng hụt, xa xót đến dường nào: Chúng tôi chỉ nhớ rằng/ Sau trận đánh/ Tổng điểm số hàng quân/ Lặng lẽ ngắn dần (Cánh rừng bất tử).
Mỗi lần chiến tranh là một lần “Tổ quốc đứng dậy”, là nỗi đau lại thêm một lần hằn lên dáng mẹ, dáng chị, dáng em, hằn lên cánh chim non không còn tổ trong cánh rừng cháy khét lẹt mùi bom. Ước mơ về một nền hòa bình lâu dài luôn cháy bỏng trong tâm can người lính: Mãi mãi về sau dù trên mặt đất này/ Không súng đạn/ Không buồn đau quá khứ/ Gió vẫn thổi/ Và trăng vẫn sáng (Khúc tưởng niệm số 1). Ấn tượng đọng lại trong tôi về trường ca này là sự tinh tế của một hồn thơ nhạy cảm và giàu lòng trắc ẩn như cái cách Nguyễn Quang Thiều viết về sự ra đi của người lính, nhẹ tênh mà tạo nên hẫng hụt, xa xót đến dường nào: Chúng tôi chỉ nhớ rằng/ Sau trận đánh/ Tổng điểm số hàng quân/ Lặng lẽ ngắn dần (Cánh rừng bất tử).
Phần hai, tổ khúc Câu hỏi trước dòng sông thật sự là một bước
“lột xác đáng kinh ngạc” của Nguyễn Quang Thiều so với phần đầu. Biên độ đề tài
được mở rộng hơn. Sang đến tổ khúc này, chiến trường của người lính không chỉ
là miền Nam, đối tượng tác chiến không chỉ là lính Mỹ-ngụy mà còn trải rộng khắp
đất nước với nhiều kẻ thù khác nhau. Ở tổ khúc thơ này, Nguyễn Quang Thiều như
một người lính đi dọc dài đất nước, đến các chiến trường xưa, ngậm ngùi nhớ
thương đồng đội, ngẫm ngợi về chiến tranh, về đất nước, con người. Lên vùng Tây
Bắc, chứng kiến cảnh đồng bào dân tộc yên vui: Anh gặp em rồi, A Sinh ơi tháng
Giêng/ Trong hội bản Mèo váy xòe như hoa nở/ Quả còn ai tung cho lòng anh thêm
nhớ/ Điệu hát lúc qua lèn, lời hẹn giấu trong khăn (Tháng giêng và em). Ông thầm
cảm ơn những người lính biên phòng đã kiên trì, khôn khéo, dũng cảm chịu đựng
nhiều gian khổ hy sinh trong cuộc đấu tranh chống phỉ Fulro để mang lại bình
yên cho những bản làng: Các anh đi/ Mang trên vai bao mùa mây/ Bao mùa ve rừng
tải nắng/ Các anh đi tiếng hú dài vang vọng/ Tiếng hú gọi những người con/ Đã một
thời lầm lạc (Tiếng gọi). Đến biên giới Tây Nam, đau đớn bao nhiêu vì người bạn
thân hy sinh ở chiến trường Campuchia: Tôi đứng lặng nơi anh ngã xuống/ Đôi bờ
sông rực sắc phù sa/ Cây đang hát lời âm thầm của đất/ Đất đang hát lời chảy
rung của máu/ Máu của anh và của bao đồng đội/ Như mạch ngầm chảy trong đất Ăng
ko, thì Nguyễn Quang Thiều lại thấy ấm lòng bấy nhiêu khi chứng kiến trên đất
nước bạn hôm nay: Xe trâu chở cánh đồng vàng về sóc/ Vườn xoài thơm thả lũng lẵng
mặt trời/ Dòng Mê Kông ngờm ngợp cánh buồm trôi/ Mái chèo chở Biển hồ về cập bến/
Cá quẫy đuôi cong dáng mái chùa/ Lũ trẻ hát lời xanh đầy gió/ Thốt nốt lá xòe đầy
nắng những bàn tay(Ánh sáng).
Không chỉ về nội dung mà cả thể loại thơ cũng đa dạng hơn phần
trước. Nếu như Những người lính của làng chỉ có thơ tự do và lục bát thì ở tổ
khúc này thêm thơ ngũ ngôn, thơ văn xuôi. Song song với việc mở rộng về thể loại,
cảm xúc, tư duy thơ cũng biến đổi, đa thanh, đa giọng điệu hơn so với phần một.
Bên cạnh những tứ thơ truyền thống, mộc mạc, giản dị mà giàu hình ảnh, nhạc điệu
như câu hỏi nhức buốt lòng người dưới đây: Chị tái giá nên dòng sông thắt lại/
Đỡ mênh mang cho chị bớt lâu đò/…/ Em trở lại chiều nay trên bến cũ/ Hỏi sông
sâu một câu hỏi sóng òa/ Quê chồng mới mà sao cây chậm quả/ Sông vội vàng tránh
mặt chảy về xa (Câu hỏi trước dòng sông), tổ khúc này còn có những câu thơ đậm
chất tượng trưng. Hai câu thơ John Baca đã bóp cò hai mươi năm về trước/ Đạn vẫn
bay đến bây giờ (Cơn mê) quả đã khác đoạn thơ ở trên nhiều lắm. Từ hiện thực,
chiến tranh đã chuyển sang được nhìn nhận dưới lăng kính của cái ảo diệu, siêu
hình. Và đến khúc ca về những người mẹ với những câu thơ văn xuôi đậm chất huyền
ảo, huyễn hoặc như: Thời gian cứ lặng lẽ… lặng lẽ chảy ào vào chiếc bình gốm cổ
khổng lồ. Những người đàn bà góa bụa làng tôi như những con cào cào áo nâu cứ
khuất dần… khuất dần sau cỏ. Tôi như kẻ mắc bệnh tâm thần đứng khóc. Tôi khóc
vì những ví dụ đã vĩnh viễn ra đi (Những ví dụ) thì có thể nói Nguyễn Quang Thiều
đã tiến những bước vững chắc trên con đường làm mới thơ ca của mình và qua đó
làm mới thơ ca cách mạng.
Với tất cả những điều trên, Câu hỏi trước dòng sông thật sự
là một tập thơ viết về người lính hay, là khúc tráng ca về các chiến sĩ Việt
Nam anh hùng mà bình dị.
25.11.2017
Tâm Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét