Thứ Hai, 13 tháng 2, 2023

"Biển về bên sông" - Tập truyện ký nhiều ám ảnh

"Biển về bên sông"
Tập truyện ký nhiều ám ảnh

(Đọc “Biển về bên sông” – Tập truyện ký của Cao Thanh Mai – NXB Hội nhà văn , 2018).

Cao Thanh Mai – nguyên Thượng tá, giáo viên Văn trường Quân sự QK9, đã nghỉ hưu, hội viên Hội Nhà văn Cần Thơ, rất đam mê văn chương, đã có nhiều truyện, ký đăng báo, tạp chí Trung ương và địa phương. Chị đã đoạt giải Tư với tác phẩm đầu tay “Trầu không xanh lá” (Giải thưởng viết về Nông nghiệp, Nông thôn, Nông dân Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Hội nhà văn Việt Nam tổ chức năm 2015). Năm 2018, chị cho ra mắt tiếp hai tập truyện ký “Chim cánh cụt biết bay” (NXB Văn học, 2018) và tập “Biển về bên sông” (NXB Hội nhà văn – 2018). Năm 2021, Cao Thanh Mai lại xuất bản tiếp tập truyện ngắn “Về miền xa lắc” (NXB Quân đội nhân dân). Có thể nói trong 5 năm mà xuất bản được 4 tập truyện như vậy quả là bút lực rất dồi dào. Tập nào cũng chững chạc và để lại được dấu ấn trong lòng bạn đọc.
Nhà văn Cao Thanh Mai.
Với sáu truyện ngắn và hai mươi lăm bài ký, Cao Thanh Mai đã đề cập đến nhiều đề tài xoay quanh số phận những con người trong cuộc sống đời thường. Nhân vật đa phần là những phụ nữ, những em bé bất hạnh ở nhiều miền quê hay phố thị. Con người, cảnh vật trong truyện được hiển hiện dưới ngòi bút rất sống động qua cách kể, cách tả, cách phân tích tâm lý nhân vật và cách dẫn truyện rất tự nhiên như cuộc sống vốn có nhưng được chon lọc và nâng lên tầm khái quát.
Truyện “Biển về bên sông” có thể xem là tiêu biểu cho bút pháp của tác giả. Chị đã khéo vận dụng các thủ pháp nghệ thuật, như cách đặt tên truyện, tên nhân vật mang tính biểu trưng. Biển là tên nhân vật và Biển cũng là đại dương. Biển về bên Sông. Sông là nguồn cội là quê hương để nước chảy ra biển. Mẹ của Biển tên là Giang (sông), ba của Biển là Hải (biển). Nhà văn Ilia Eren bua (người Nga) đã viết: “Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào đại trường giang Vonga. Con sông Vonga đi ra biển. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”. Từ lòng yêu sông yêu biển tác giả nâng lên tình yêu quê hương đất nước, tình yêu con người. Các nhân vật trẻ con của miền sông nước như thằng Te, thằng Xe, thằng Tèo, thằng Biển nô đùa, nhảy nhót, bơi lội trên dòng sông thật hồn nhiên, đáng yêu.
“Biển về bên sông” – Tập truyện ký của Cao Thanh Mai.
Cuộc sống buộc Biển phải xa bà, xa bạn để ra phố chợ sống với mẹ trong gian nhà trọ chật hẹp tăm tối. Tác giả đã vẽ nên bức tranh tình người nơi phố thị thật đáng cảnh giác và nhạt nhẽo với nạn trộm cắp, lừa lọc, gái điếm… Và cuối cùng Biển đã gặp được ba nó là Hải, sau mười mấy năm xa cách mà lâu nay chịu tiếng “không cha”. Nhưng mẹ Giang có chấp nhận ba hay không, câu chuyện còn bỏ lững: “Xin lỗi, anh nhầm rồi. Tôi chưa từng quen anh”. Còn Hải thì vẽ ra một cảnh đẹp có hậu: “Biển ơi, con sẽ là bờ vai cho mẹ con tựa vào. Lúc nào nhớ con sông quê con hãy chạy về tắm gội cho sạch bụi trần. Ở đó con sẽ thấy yên ả, thanh bình, khi những kỷ niệm của tuổi thơ ùa về, con sẽ hiểu mỗi người đều có cội nguồn, nếu ta không chê nó thì nó sẽ là bến bờ neo đậu hồn ta… Ngày nào đó ba sẽ đưa con thăm lại nơi con được sinh ra bên bờ biển xanh thẳm trải dài cát trắng. Từ sông quê ra biển lớn là cả một quá trình dài phải đánh đổi nhiều thứ”. Và kết thúc truyện theo lối bỏ ngõ (bỏ lửng) để người đọc tiếp tục “đồng sáng tạo” tìm ra ẩn số cho cuộc tình này giữa Giang và Hải.
Cao Thanh Mai rất chú ý đến cách bố cục truyện mang tính hiện đại, khác với bố cục truyền thống có các sự kiện, sự việc bố trí theo trật tự thời gian, theo tuyến nhân vật đối lập: thiện-ác, đẹp-xấu, cao-thấp… Truyện đi từ lung khởi, dẫn dắt đến đỉnh điểm, xung đột và thường kết thúc có hậu. Thi pháp hiện đại mở rộng biên độ cho người sáng tác tự do lựa chọn thời gian, tuyến nhân vật, có thể đảo lộn nhưng phải theo một tư duy logic hợp lý. Với cách miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật tác giả luôn tạo được những tình huống bất ngờ, có xung đột, kịch tính, miêu tả khi trực tiếp, khi gián tiếp dùng ngoại cảnh, hoặc nhân vật khác nhận xét để nói hộ, điều này chị tỏ ra rất vững vàng trong bút pháp.
Những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống hôm nay đều có mặt trong truyện như: viết về sự hy sinh thầm lặng của người phụ nữ trong cuộc chiến mà ít người biết đến, những vết thương lòng khó giám định. Chỉ có những người trong hoàn cảnh ấy mới cảm thấy hết sự hy sinh cao đẹp và thầm lặng của người phụ nữ, nhất là những phụ nữ nông thôn chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh.
Ở phần “Ký” mà chị gọi là “Tạp bút”, tôi rất ấn tượng với bài “Đi tìm quê cho ba”. Tác giả để lại trong lòng người đọc nhiều xúc động. Chị là người con hiếu thảo và có một quyết tâm cao là phải tìm bằng được quê cha đất tổ ở Nam Định mà người cha già đã gần 80 tuổi vẫn chưa biết quê. Ba chị là một chiến sĩ cách mạng tù Côn Đảo, còn má mất sớm. Con tìm về quê nội của ba với quảng đường hàng ngàn cây số, bao vất vả, gian lao, dò tìm tung tích, đường xá như người mò kim đáy biển. Ý nguyện của con như có sự linh ứng, sự mách bảo của tổ tiên, của những người cùng dòng họ trợ giúp. Và ước mơ ấy đã biến thành hiện thực. Chị ngậm ngùi kể lại: “Ba tôi là đứa con cha Bắc mẹ Nam, lại mồ côi mẹ từ bé thiếu thốn tình cảm của người thân, nên mọi yêu thương ba dồn hết cho con, cho cháu. Ba là một chiến sĩ cách mạng từng là người tù giữa địa ngục trần gian nơi Côn Đảo. Tôi biết trong thâm tâm ba nghĩ gì và tôi thực hiện chuyến đi này. Cha mẹ không từ con. Quê hương luôn dang rộng vòng tay chào đón những người con xa xứ tìm về. Tôi đã giúp ba tìm về nơi ba muốn đến”. Ở bài ký này tác giả vận dụng thủ pháp: nghe, kể, nhìn, cảm đan xen, không một chút hư cấu. Cái tình chân thành là “điểm sáng” thẩm mỹ, là điểm nhấn trong bài ký. Những gì chị nghe, thấy, và cảm nhận, được sàng lọc chi tiết đưa vào bài viết, chứ không phải là một bản ghi chép chỉ kể lại lịch trình địa lý đi từ Nam ra Bắc như một bài báo đơn thuần.
Với tập truyện ký “Biển về bên sông” chị đã cho người đọc thấy được nhiều cảnh đời, có lúc như “Cái cơi đựng trầu” không biết “Lá rụng về đâu” mà “Vì đâu nên nỗi”. Có khi lại thấy “Nước mắt quanh mi” và khi “Ngoảnh lại là người dưng”. Những thân phận người mưu sinh, người áo rách, những phận bạc, những ước mơ mong manh… Và những lời của má nói với con, những “Tiếng gọi ân tình” “Chạm tới tim mình” đều rưng rưng một nỗi niềm nhung nhớ theo con chữ đến với trái tim. Đặc biệt hai lá thư ở cuối tập sách “Thư cho em” như những lời gan ruột chắt ra từ những trăn trở, với những niềm vui và nỗi đau được viết sau chuyến đi thực tế Sóc Trăng và An Giang gửi cho người em đất Bắc.
Ở truyện ngắn nào, bài ký nào của Cao Thanh Mai ta cũng thấy ánh lên vẻ đẹp nhân sinh cao cả qua giọng kể nhỏ nhẹ rất có duyên của người con gái mang hai dòng máu Nam – Bắc này. Tác phẩm góp phần thôi thúc ta phải làm gì để sống tốt hơn, phải đẩy lùi cái ác, cái xấu như những thứ rác rưởi đang lấn vào cuộc sống chúng ta. Cho dù, như chị nói “Sống play rất khó”.
Đọc “Biển về bên sông” ta bị ám ảnh bởi truyện của chị viết về mảnh đất và con người nhiều vùng miền, đặc biệt là con người Nam Bộ rất sống động. Văn mạch, ngôn từ khá chuẩn mực, vì bản thân tác giả là một giáo viên Văn đam mê văn chương từ nhỏ. Giọng văn trong trẻo cuốn hút, thỏ thẻ ngọt ngào như “nước dừa xiêm” của người con gái Nam Bộ thật dễ thương. Ở mỗi truyện ký là một “lát cắt” của cuộc sống đương đại. Hình ảnh con người và thiên nhiên trong truyện mang đậm hồn cốt miệt vườn Nam Bộ đậm sắc thái dân tộc, đã tạo được dư ba cho người đọc. Tôi vẫn tin đường văn của Cao Thanh Mai sẽ còn tiến xa hơn nữa ở những tác phẩm tiếp theo.
 
14/1/2020
Lê Xuân Bột
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...