Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2023

Chân dung thủy ngân và từ trường thi ca lấp lánh

Chân dung thủy ngân
và từ trường thi ca lấp lánh

Cầm trên tay tập thơ có tiêu đề lạ Chân dung thủy ngân của Võ Tấn Cường, do Nhà Xuất bản Hội nhà văn xuất bản năm 2018, gợi tôi nghĩ đến biểu tượng ẩn dụ mà anh muốn thông điệp đến người đọc. Thủy ngân (nước bạc), một nguyên tố hóa học, là một kim loại nặng có ánh bạc, ở dạng lỏng với nhiệt độ thường, nó thu được chủ yếu bằng phương pháp khử khoáng chất chu sa, lại trở thành đối tượng thẩm mỹ của thơ và lại được nhà thơ nhân hóa thành chân dung – chân dung một người tình chập chờn, ẩn hiện, quyến rũ đó rồi lại nhạt nhòa trong chập chờn phù phép, mộng ảo, vời xa: “Em – giọt thủy ngân/ Mang hình hài trái tim/ Mang gương mặt diều hâu/ Biến ảo/ Phù phép/ Vỡ nụ cười chan nước mắt” (Chân dung thủy ngân).
Bề nổi của tập thơ là đề tài tình yêu với những cung bậc cảm xúc và hiện thực quan hệ bất ổn, mong manh, nhưng phía sau bề nổi ấy là những nghiệm sinh, triết lý về tình yêu và cuộc sống trong tính thường hằng của nó: thất vọng và hy vọng, tin yêu và ngờ vực, khát khao và đổ vỡ… mà nhà thơ là chủ thể phải đối diện, hoài nghi, tự vấn. Và cuối cùng, cũng phải tin vào tình yêu như những giọt nước mắt long lanh:
Ngày khô hạn niềm tin
Khát giọt mưa trong veo phía chân trời chớp giật
Ngày chia xa
Giọt nước mắt em ngọt mát hồn anh
Tin vào nước mắt
Sự thật long lanh.
(Tin vào nước mắt)
Những trạng thái lưỡng phân, vì vậy, luôn xuất hiện trong thơ Võ Tấn Cường như những ám ảnh nghệ thuật. Chỉ thông qua nghệ thuật, anh mới hóa giải chúng bằng tâm thế và tâm thức của người mơ mộng. Mà mơ mộng là biện pháp để anh hóa giải mọi vui buồn nhân thế. Đó cũng chính là những ẩn dụ thiêng mà chỉ trong giấc mơ nó mới hiện ra để xoa dịu hiện thực bi ai. Ở đó, Võ Tấn Cường đã giải mơ và thấy được sự tái sinh:
Triệu tiếng nấc hài nhi cơn mê sảng bầu vú
Tinh khiết sương mai trĩu oằn cánh hoa khao khát
Lễ hội ái ân bùng vỡ mạch suối nguồn
….
Đêm thiêng
Mê đắm cõi phúc lạc
Hoài thai hai linh hồn.
(Đêm thiêng)
Chỉ có cách mơ mộng đó, anh mới tìm lại được gương mặt ưu tư bản thể của mình và không ngừng khát khao hướng về đường chân trời của một bình minh rạng rỡ bằng cách tự mình phơi trải bản thể như những chú rùa con tự chui ra khỏi chiếc vỏ định mệnh của mình: 
Anh – người tình của bóng tối
Tự ủ mầm trái tim mình ngọn lửa mặt trời đêm
Như chú rùa con tự chui khỏi chiếc vỏ mê muội
Anh bơi về phía bình minh
Uống khao khát biển khơi.
(Người tình của bóng tối)
Có thể thấy trong thơ Võ Tấn Cường trùng điệp những phức cảm – phức cảm chia ly, tiếc nuối, mê sảng, hoang hoải, mơ hoang cả ở cõi trần và cõi Phật, buộc anh phải: “Thõng tay vào gió/ buông lơi cơn bão tình siêu cấp/ Hốt nhiên chiếc bóng Phật/ cứu rỗi giấc mơ còm cõi/ Thõng tay vào chợ/ bỏ rơi mặc cả ái tình lấm lem cát bụi/ Thảng thốt mùa nhặt cánh mai tàn/ tiếc nuối cõi vàng xưa” (Thõng tay vào gió). Phải chăng đó là cơ chế của tâm lý tự vệ mà anh muốn thông qua đó để tìm chỗ bám víu cho tâm hồn bất ổn của anh. Xem những trạng thái lưỡng phân trong thơ anh thì rõ: “Nam mô/ Thỉnh giọt chuông chùa/ Héo khô hoa sứ/ Khát mưa ái tình” (Thơ viết trên điện thoại). Vậy mà anh vẫn tìm thấy trong mặt phẳng bóng tối một lập thể nghi lễ thiêng: “Tang lễ trinh nữ đen/ Đám cưới góa phụ trắng/ Lập thể đêm bao la”. Bóng tối, nhiều khi chính là không gian và thời gian của sự cứu rỗi bằng hoang tưởng hiệu nghiệm nhất:
Anh – gã điên tình lạy bóng tối
Bế ma-nơ-canh xin nước thánh nhà thờ
(Ma-nơ-canh)
Vì vậy mà không nên hững hờ nhau bằng những lời hứa thủy chung vu vơ giả dối như lòng biển dối bờ bằng con sóng trắng xóa đó rồi tan thành bọt sóng: “Đừng giết mòn nhau/ bằng lời hứa thủy chung sóng bạc đầu/ Biển chiều cô đơn hồn anh chết khát” (Biển cô đơn).
Trong Chân dung thủy ngân, hình tượng đêm, bóng tối, chiêm bao, mưa… xuất hiện với tần suất cao. Tôi xem đây như là những cổ mẫu có nghĩa mà trong ám ảnh vô thức nhà thơ đã để cho ngòi bút tự tuôn trào. Điều này có logic của nó mà tiêu đề tập thơ đã cho ta thấy sự êm xuôi, lỏng và trôi chảy như những dòng nước bạc (thủy ngân), làm tái sinh những tàn phai, mơ phai, tình xa, tình nhớ để vỗ về những gì thánh thiện rồi sẽ lên ngôi: “Thánh thiện ơi! Trái tim anh xưng tội/ Thánh giá ngực rằm mắt dại khóc ăn năn” (Thánh thiện). Dẫu mưa có làm nhạt nhòa và để tang cho “khung trời khao khát nhớ’ thì tiếng gió và tiếng dế cũng sẽ đồng hiện dáng hình em cho anh được chiêm ngưỡng trong nhòa nhạt mưa giăng để được vỗ về trong khát nhớ:
Gió bới đào mồ kỷ niệm sâu lòng đất
Tạ tình mưa giun dế nỉ non tình
Mưa bịt tang trắng khung trời khao khát nhớ
Anh vén màn mưa đợi khô kiệt hình em.
(Màu mưa)
Vì vậy mà trong xa cách, người thơ vẫn mơ thấy mộng mị đong đầy:
Người về áo lụa mơ bay
Chiều đông hoang lạnh khói cay mắt buồn
Dỗ tình dài ngắn mưa tuôn
Nhớ nhau tê dại cõi hồn thơ bay
Người về áo lụa gió lay
Chiều đông hoang hoải đong đầy chiêm bao
Rũ tình đâu rũ hồn nhau
Cầu mai áo lụa qua cầu…xe duyên.
(Áo lụa mùa đông)
Dù có lúc nhà thơ hoảng sợ: “Tôi sợ đôi mắt trinh nguyên ngấm nọc độc/ Trái tim người hóa viên ngọc rắn” (Trái tim hình viên ngọc rắn), thì tin yêu thánh thiện vẫn hiện về phụng hiến như suối nguồn thơm mát mỗi ban mai cho hai tâm hồn tái sinh, phát sáng trong nhau từ hoang thẳm của sức sống hiến dâng:
Da thịt nở đóa mãn khai
Linh hồn cư trú lễ hội trắng
Em hiến dâng tinh khiết suối nguồn ban mai
Anh hiến dâng sức nóng mặt trời bất diệt
Xoa tan bóng tối muộn phiền
Tan chảy giá băng cô đơn
Ấp iu đôi tượng đá phát sáng
Hương ái tình tái sinh miền thinh lặng
(Dâng hiến)
Với một niềm tin thánh thiện như vậy nên hành trình khổ đau và hạnh phúc, tương ngộ và chia xa luôn chập chờn trong thơ Võ Tấn Cường: “Hành trình đi và về/ Ngơ ngác hai ngả đường: khổ đau và hạnh phúc” (Đám cưới), cho nên tương tư “đâu nỡ giết đời nhau”. Đó cũng chính là sự lưỡng phân có thật của tình yêu:
Tim tím ơi! Tương tư màu áo tím
Miền thơ tôi vô cảm không màu
Tím hoàng hôn nhuộm nỗi buồn chết lịm
Màu tím vô tình đâu nỡ giết đời nhau…
(Màu tím tương tư)
Dẫu có chết vì si dại ngu ngơ tình ái thì cũng phải được tắm hồn mình trong mộng mị hương hoa:
Anh mơ chết hồn rũ bóng dã quỳ vàng
Khao khát ngủ yên cõi hương hoa mộng mị
(Khao khát dã quỳ)
Để cho:
Hạt mưa phương anh màu nước mắt
Rơi phương em chín đỏ mong chờ
Nguyện cầu mưa ứ tràn nỗi nhớ
Nhạt màu mưa trôi dạt cơn đau.
(Màu mưa)
Cuối con đường tình, trong thơ Võ tấn Cường bao giờ cũng được an ủi, bởi trong xa cách, đâu đó vẫn còn ân huệ của cuộc đời dù có lúc anh thấy gió thổi, mây bay, có lúc nhạt nhòa, vô định: “Con tàu thời gian chở khẳm niềm đau/ Miền giá lạnh nửa đời em chờ anh ga cuối?/ Men rượu tình ai rót chung chiêng khoảng trời nhớ/ Trơ lạnh miền chờ anh gối sóng ôm sông…” (Thèm say). Cả những khi mất phương hướng:
Anh mất em mất cả dòng sông tình tự
Cầu chưa bắc xong ai nỡ phụ con đò?
Anh hóa sông chảy cạn khô thương nhớ
Phía chân trời sóng trắng hóa mây bay.
(Lạc mất dòng sông)
Cả những lúc bi đát như thế thì xin cũng “Đừng giết nhau/ bằng lời hứa thủy chung sóng bạc đầu/ Biển chiều cô đơn hồn anh chết khát” (Biển cô đơn).
Nhưng rồi như một quy luật, anh hiểu sau nỗi buồn là niềm vui, sau nhớ mong là sự trì hoãn của niềm tin như ngày và đêm nối tiếp nhau để làm nên bóng tối và ánh sáng, như anh và em để làm nên “hai nửa vầng trăng” tròn vẹn trong nhau:
Ngày mơ đêm
Đêm mơ ngày
Những giấc mơ trùng phức
Những giấc mơ đẻ hạt mầm ánh sáng
Chói lòa đôi mắt mù lòa.
(Những giấc mơ trùng phức)
Thất vọng chỉ dành cho kẻ buông xuôi, bất lực, không biết cứu vãn tình thế. Với Võ Tấn Cường, anh không bi lụy hóa tình thế, nhưng có lúc giống như anh chàng ngư phủ xưa trong ca dao ngồi câu cả bóng mình trên dòng sông thời gian để mong hiện hữu những gì đã mất, ít nhất là đồng hiện được miền ký ức tuổi thơ với tình yêu vu vơ lặng lẽ:
Ta ngồi câu bóng vu vơ
Thời gian bôi xóa vật vờ tình câm
……
Ta câu nghiêng ngả bóng chiều
Giật lên tơi tả cánh diều…ấu thơ.
(Câu bóng)
Đợi chờ là liệu pháp tâm lý, là phép thắng lợi tinh thần, dù nỗi buồn là tài sản vô giá trong ngôi nhà tâm hồn của mỗi một chủ thể hiện sinh, nó khắt nghiệt như định mệnh, nhưng có lúc, nhờ nó mà những hồng tươi sự sống lại tái sinh, đủ nhiệt như thủy ngân an ủi cho mỗi phận người:
Anh hiểu cuộc đời là nỗi buồn
treo lơ lửng hai đầu sự sống
Đâu là giới hạn cuối cùng của tình yêu?
Đâu là giới hạn cuối cùng của cái chết?
……
Dù một ngày có đến hay không anh vẫn mong đợi
Ngày của ước ao treo lơ lửng phía sương mù.
(Một ngày)
Thế là đã rõ, đi hết hành trình cô đơn, người thơ lại thấy mình giàu có, tin yêu hơn trong những giấc mơ thăm thẳm cõi tình. Tình yêu trong thơ Võ Tấn Cường, vì vậy, đứng về mặt tư duy huyền thoại, nó lại mang một cạnh khía long lanh tình sử.
***
Hơn 20 năm dấn thân vào nghiệp thi ca, Võ Tấn Cường hiểu rất rõ sự hệ lụy và khắc nghiệt của con chữ và hiện thực mà anh phải ba đào vượt qua để tồn tại như một nhà thơ thực thụ. Từ Cánh thời gian (2000) đến Gọi xanh (2004) để đến Chân dung thủy ngân (1018) là một hành trình anh luôn đối diện với chính mình, luôn «gọi xanh» bốn mùa để tâm hồn mình không tĩnh lặng trước sự trôi chảy và tốc độ chóng mặt trên đôi «cánh thời gian » mới mong nhận ra chân dung chính mình trong sự  tan lỏng và chảy như những giọt thủy ngân; mới mong có đủ sức bắt nhiệt từ hiện thực cuộc đời cũng đang không ngừng trôi chảy và biến hóa vô tận chung quanh mỗi phận người – những chủ thể nhỏ bé như những cây sậy, nhưng là cây sậy biết tư duy và mơ mộng như Pascal đã thực chứng.
Với ý nghĩa như thế, Chân dung thủy ngân của Võ Tấn Cường là bước khẳng định mới của anh trên hành trình nghệ thuật còn rộng dài phía trước đang song hành với hành trình tâm linh sự sống cũng mênh mông và u minh như chính thi ca vậy, nhưng nó có khả năng bắt sáng và bắt sóng để làm nên những từ trường thi ca lấp lánh lời giải đáp về những điều hằng cửu của tình yêu và cuộc sống.
Vỹ Dạ, đêm 30/6/2018
H.T.H
 
6/7/2020
Hồ Thế Hà
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...