Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2023

Dấu lặng giữa mùa xuân

Dấu lặng giữa mùa xuân

Một ngày đầu năm, bầu trời vương gió lạ. Miên man chân bước quanh Thành Nội. Xứ Huế vào xuân vốn mang lại nhiều cung bậc cảm xúc cho bao người. Nhưng mùa xuân năm nay gieo vào tôi nhiều cảm xúc khó tả hơn bao giờ hết. Có lẽ là chúng ta đã và đang sống trong những tháng ngày dài của bóng đêm đại dịch nên trong tôi xuân vẫn còn chút gì đó trầm tư, sâu lắng những nỗi niềm đau đáu. Nó như một “dấu lặng”, một “nốt trầm” giữa mùa xuân của đất trời và ở trong lòng người. Bao trăn trở cứ sâu hơn trong mắt ai, cứ rộng thêm vắt trên từng phiến đá rong rêu, trên từng cánh mai mỏng vẫn còn rưng những “giọt sầu” nương náu. Đâu đó cánh thiên di chắc cũng buồn thương nỗi niềm về nơi cố xứ!
Đại Nội – Huế.
Một ngày đầu năm, có nàng mưa xuân đỏng đảnh lạc đường qua Kinh Thành Đại Nội. Phải chăng vì thương những phận người còn bao nghĩ suy chất chứa nên mưa cũng giăng mắc màu nhớ thương. Mưa bay lất phất từng sợi li ti, mìn mịn như tơ vương lòng. Mưa giăng về trên từng mái ngói phủ kín rong rêu. Mưa đậu trên lớp bụi thời gian để rồi quay về luyến tiếc những gì thuộc về quá khứ! Mưa lưu dấu trên lâu đài thành quách, trên từng phiến đá xanh và con người cũng u hoài về một miền sâu kín. Mưa xuân kèm với nét cổ kính trầm tích bởi lớp rêu phong cũ mèm, gợi nỗi niềm sâu lắng giữa chiều xuân. Miên man dẫn tâm hồn những người con xa xứ trở về cố hương.
Mưa nhung nhớ người thân đã xa, mưa vấn vương người ở lại. Mưa nhẹ nhàng đậu trên mắt môi ai cay xè. Mưa rơi xuống dòng Hương, mưa rắc rơi lên mấy nhịp Trường Tiền như lưu dấu một “dòng sông ai đã đặt tên để người đi nhớ Huế không quên. Xa con sông mang bao nỗi nhớ. Người ở lại tháng năm đợi chờ”. Mưa mùa xuân không làm ngập lối đi như mưa mùa hạ hay mưa mùa đông nhưng đủ làm ướt mềm những tâm hồn mang nỗi niềm tâm sự. Mưa chênh chếch, mưa thấu hiểu lòng người. Bên bờ Hương Giang, có những tâm hồn lặng nhìn dòng trôi, đời trôi, tháng năm trôi theo từng giọt tâm tư rơi xuống dòng sông rồi hoà tan lặng lẽ. Mỗi hạt mưa rơi như nỗi niềm của lòng người.
Chiều xuân, dạo bước đi qua những cung đường quen thuộc quanh Thành Nội. Những hạt mưa sa vào lòng người, bám trên vai áo, mưa nép vào lồng ngực bẽn lẽn như người con gái e ấp độ xuân thì. Chị gió khẽ quyện trong từng hạt mưa bay lành lạnh làm ướt đẫm mảnh tâm hồn với bao điều trăn trở, thương nhớ đầy vơi. Giữa ngày xuân mưa len lỏi tìm về từng kỉ niệm băng qua màu năm tháng chòng chành(tròng trành) cứ ngỡ đã bay xa. Tôi thèm muốn được như những ngày tháng trước đây khi chưa có dịch bệnh. Để có thể ôm chầm lấy người thân quen sau những ngày xa cách. Giữa người với người không bị ngăn cách bởi dây giăng. Dừng chân ngồi ở một quán cafe thả hồn ru theo lời ca nhạc Trịnh: “buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua”. Hay nhắm mắt thả lòng mình hít thở khí đất trời rồi nghe bản nhạc của mùa xuân ước vọng:
“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”
(Trích “Mùa xuân nho nhỏ” của nhà thơ Thanh Hải)
Một giọt mưa từ trên mái ngói thành cổ rơi xuống khẽ chạm vào thảm rêu xanh thật nhẹ êm. Mùa xuân ở Huế cũng làm cho lòng người thấm đượm bao điều có phải không?
Từng hạt mưa phùn quyện theo làn gió lành lạnh xoáy sâu vào từng nỗi nhớ của những người con xa xứ vì nhiều lí do không kịp về quê ăn tết, ở đâu đó có những góc khuất của những mảnh đời kém may mắn, tha hương đất lạ xứ người. Do dịch bệnh kéo dài cuộc sống tạm bợ bấp bênh họ chẳng thể nào mua nổi cho mình một tấm vé xe để về quê sum họp bên gia đình. Những mảnh đời ấy như một “dấu lặng” giữa không khí mừng xuân mới. Tôi nhói lòng khi nghe một người bạn gọi điện chúc năm mới và bảo:
– “Tết này hai mẹ con chị không về quê. Hơn một năm qua dịch bệnh chị không làm gì được, nên Tết này chị chẳng thể về quê. Hai mẹ con đón năm mới ở một căn nhà trọ chật hẹp… Chị nhớ nhà, nhớ quê hương lắm! Nhưng đành thôi!”
Và tôi biết được rằng có những người quê hương chỉ là trong nỗi nhớ vì họ cũng không có nhà để về. Giữa thế gian bao la rộng lớn này, biết đâu là nơi neo đậu bình yên cho những phận đời như thế sau những biến cố do covid để lại. Hoài Thương một cô gái tôi quen biết trong những chuyến thiện nguyện tại tâm dịch Sài Gòn khi tôi hỏi:
– “Tết năm nay em về quê được bao nhiêu ngày?”
 Mắt nhìn xa xăm rồi buông tiếng thở dài, Hoài Thương rưng rưng nói:
– “Em làm gì có nhà để về hả chị. Quê hương trong em giờ cũng mơ hồ lắm chị ơi. Nhà em là nhà của người ta hay đúng hơn là em không có nhà. Tết em vẫn ở nhà trọ. Nhà người chị à!”
Ngoài trời mưa vẫn rơi, những hạt mưa như rót thẳng vào tận cõi lòng, như nói hộ lòng người những niềm vui chưa vẹn. Bởi đâu đó vẫn còn có những gia đình, những người thân của chúng ta không được đón tết bởi dịch covid giăng dây chắn lối. Và ở quanh ta vẫn có những gia đình phải thấp thỏm, thậm chí chịu cảnh ly tan trong ngày tết đến bởi dịch bệnh đã mang người thân họ ra đi mãi mãi. Xuân đẹp nhưng xuân chưa trọn, người có hồ hởi nhưng vẫn chất chứa nỗi niềm canh cánh. Tất cả chỉ ở lưng chừng một nửa. Nên mới nói đôi khi niềm vui của người này nhưng lại là nỗi buồn của người kia. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Trong cái tươi mới của nàng xuân vẫn còn bao điều đã cũ nhưng mãi còn trăn trở chưa ngủ yên.
Huế về chiều càng trầm lắng, làn mưa bụi ri rỉ trong làn gió, mưa rắc lên từng chồi non biên biếc, những cánh hoàng mai đung đưa trong gió vẫn còn âm ẩm những “giọt trầm tư”, những cơn gió còn thoảng hơi sương mơn man trên mái tóc bồng. Phía bên kia đường, hình ảnh các anh chị lao công âm thầm làm sạch đường phố với những bộ quần áo màu lá xanh non, màu của hi vọng. Tôi chợt lóe lên niềm tin khi nghĩ về một ngày mai sẽ sáng hơn, ấm áp hơn.
Đêm xuân, Huế trầm mặc phủ mình dưới ánh đèn đường mờ ảo. Huế vào xuân trong đêm vẫn dịu dàng e ấp, đẹp như nàng thiếu nữ đôi má ửng hồng khép bờ mi gối trên tay khẽ đi vào giấc ngủ. Phố xá thưa dần bước chân người qua lại, tiếng xe cộ cũng thưa thớt. Thi thoảng tiếng nhạc Trịnh đâu đó vang vọng vào bầu trời đêm, tản vào không gian thì thầm trong gió xuân nồng vỗ về ru Huế Đô chìm vào giấc ngủ tình xuân.
Khi màn đêm buông xuống cũng là khoảng thời gian mà lòng người khơi vết những tâm tư, xoáy sâu những nỗi niềm sâu kín, lắng đọng lại bao điều. Cô liêu, tĩnh mịch! Là lúc tâm hồn con người lắng đọng hơn bao giờ hết. Tôi nhớ đến câu nói của một người bạn đang làm bác sĩ điều trị f0 nặng tại một bệnh viện ở Thành Phố Hồ Chí Minh:
“Ước gì giờ này được sum vầy nên  gia đình để ăn bữa cơm nóng thì hạnh phúc được biết bao. Đã lâu rồi mình không có được cảm giác đó. Mỗi sinh mệnh ở đây là một mùa xuân, một đời người bạn ạ. Mình phải cố gắng giữ những mùa xuân ấy…”
Là thế đó, chúng ta đã đi qua bóng đêm dài của đại dịch, giờ đây mùa xuân về cũng đang âm ỉ những nỗi niềm thương cảm. Những y bác sỹ nơi tuyến đầu khốc liệt. Họ đã lại sau lưng trách nhiệm với gia đình, từ bỏ mọi ước muốn cá nhân, lao vào “tâm bão” để cứu biết bao người giữa lằn ranh giới sinh tử. Trong số đó, có người đã ngã xuống cho nhiều người khác được hồi sinh. Từ ngày bùng dịch, họ không được gặp người thân. Về nhà luôn là nỗi khát khao, thôi thúc trong lồng ngực. Khi màn đêm buông xuống, khi nhà nhà chìm vào giấc ngủ họ vẫn cố hết mình làm những việc cao cả của những chiếc sĩ – những thiên thần áo trắng. Những gì mà họ làm đó gọi là TÌNH NGƯỜI. Xuân về là khi lòng người, vạn vật cỏ cây, thời gian hoà cùng nhịp điệu – chạm ngõ yêu thương…!
Cuộc chiến nào rồi cũng có những mất mát hi sinh. Như mùa xuân này, giữa đại dịch. Mai vàng vẫn óng ánh, sương vẫn lơ đãng ven dòng Hương. Nếu không có những chông chênh, xáo trộn trước bệnh dịch thì hằng ngày con người vẫn phải đối diện với biết bao ưu tư, trăn trở; vẫn bận lòng với những nỗi niềm có tên và không tên. Biết bao nhiêu câu chuyện của nhân viên ngành y tế, của những tình nguyện viên, của người dân làm hàng triệu con tim phải rơi nước mắt. Tình người tình đời, truyền thống tốt đẹp của đất nước, yêu thương chia sẽ cũng được phát huy trong những ngày dài đại dịch.
Những gì đã qua không thể nào thay đổi nên chúng ta cần thay đổi thái độ. Như trăng kia qua bao mùa xuân, hạ, thu, đông vẫn đúng hẹn sáng trong ngời ngợi đó thôi. Hãy giữ cho mình một tâm thế – một mùa xuân nhỏ bé êm đềm giữa nhân gian! Dẫu như thế nào thì cũng không thể ngăn cản được bước thời gian, không thể nào níu kéo những gì đã mất, xuân của đất trời vẫn về trên mọi nẻo. Lòng người cũng hứng khởi hơn khi mùa xuân đến và chúng ta cũng đang trong giai đoạn nước vào bình thường với đại dịch với những tuân thủ nhất định.
Hãy gói ghém lại ký ức đau buồn của ngày tháng qua để bắt đầu một mùa xuân mới của thiên nhiên, của lòng người. Hãy mở lòng hứng lấy những ánh xuân tươi, để biết trân quý những người bên cạnh mình, yêu hơi thở của cuộc đời. Một “nốt trầm” hay một “dấu lặng” không thể làm cho chúng ta thôi căn tràn nhựa sống, dòng máu trong lồng ngực vẫn chảy ấm nồng. Một năm mới bắt đầu từ một mùa xuân. Bên Thành Huế có cánh hoàng mai vương trên tóc ai, đậu trên vai áo của cô gái xuân thì. “Dấu lặng giữa mùa xuân” rồi cũng sẽ sáng bừng lên sức sống bởi niềm tin và ước vọng vào một ngày mai! Ước vọng vào một mùa xuân có những “nụ hoa mùa xuân” và “mầm non đầu tiên” đang hé nở… Trên bầu trời lá cờ đỏ trên cột cờ Đại Nội tung bay trong gió xuân phấp phới!
 
23/2/2022
Cỏ Ba Lá
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nếp xưa phong tục tiểu thuyết CHƯƠNG I Khoan lững thững bước vào lớp học. Cũng như mọi ngày ông đồ chưa tới, và lũ học trò lớn nhỏ c...