Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2023

Về nơi đất lạ người quen

Về nơi đất lạ người quen

Mới năm nào viết báo Xuân, tôi khoe mình sống ở Phú Nhuận gần nửa thế kỷ, nên bây giờ “Phú Nhuận đã thành quê”. Vậy mà năm nay cuộc sống lại đưa đẩy gia đình tôi rời xa Phú Nhuận, về với Gò Vấp - nơi đất lạ, người quen.
Chúng tôi chuyển nhà về Gò Vấp cuối tháng Tư, trước kỳ nghỉ lễ, sang tháng Năm thì quận này phát hiện ổ lây nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên trong cộng đồng. Cuối tháng đó, Gò Vấp bắt đầu bị giãn cách và suốt năm tháng liền tôi chỉ ra khỏi nhà hai lần để tiêm vaccine.
Thời sinh viên, vài lần bạn bè rủ đi Gò Vấp chơi, mới nghe địa danh Ngã Ba Chú Ía, Ngã Năm Chuồng Chó đã thấy e ngại. Sau này nghe nói Gò Vấp lượng mưa cao, đất trồng cây tươi tốt, ước ao mua một mảnh đất nhỏ ở đây để làm vườn khi về hưu, nhưng giá cao quá không với tới nổi. Bây giờ cơ duyên đến, mình trở thành cư dân Gò Vấp. Định bụng ổn định rồi sẽ đi thăm thầy giáo và mời bạn bè ở Gò Vấp lâu năm một bữa cà phê để ra mắt. Chưa làm được gì thì dịch bệnh hoành hành, chỉ kịp đến chào ủy ban phường 6 và làm vài thủ tục hành chính.
Dịch bệnh ở Gò Vấp và toàn thành phố căng thẳng từng ngày, mỗi sáng mỗi chiều đọc trên báo mạng toàn những tin không lành. Hàng quán đóng cửa, sáng chủ nhật chúng tôi thường ra ngồi uống cà phê ở ban công nhìn xuống con hẻm trước nhà dẫn ra công viên Gò Vấp vốn luôn đông người đi tập thể dục, đi chợ, đi làm, giờ trở nên vắng ngắt. Rồi chương trình cà phê cuối tuần cũng phải rút vào sau cánh cửa khi nhà đối diện phát hiện hai ca F0, bị giăng dây và xịt thuốc sát trùng hàng ngày. Con hẻm trở thành “vùng cam”, một rào chắn ở đầu hẻm ngăn cản mọi liên lạc với bên ngoài. Ba tuần sau, hai ca F0 khỏi bệnh, hẻm được phong tặng “vùng xanh”, nhưng việc bảo vệ cũng nghiêm ngặt như trước để cư dân không bị lây nhiễm.
Năm ngoái đọc Nhật ký của nhà văn Phương Phương về đại dịch ở Vũ Hán – Trung Quốc, cứ nghĩ đó là chuyện ở xa, giờ thì nó hiện ra sờ sờ vây bọc đời sống của mình. Từng giờ tiếng còi xe cấp cứu vọng vào từ đường lớn. Thân nhân của bạn bè, đồng nghiệp ra đi không người đưa tiễn, sắp hàng chờ trước khu hỏa táng. Rồi bạn bè có người phải nhập viện hay vào khu cách ly. Những ngày đó biết bao cuộc điện thoại và tin nhắn hỏi thăm, mỗi lần nghe tiếng chuông là một lần hồi hộp không biết tin lành hay tin dữ.
Ngẫm nghĩ, nếu không có công nghệ thông tin thì mọi liên lạc của con người thời đại dịch đã bị đứt gãy và hậu quả còn nặng nề hơn nữa. Internet cho mình câu tư vấn từ bạn bè, đồng nghiệp, từ các chuyên gia; nhiều ý kiến mâu thuẫn nhau nhưng biết chắt lọc cũng có cách ứng xử và giải pháp dự phòng. Xông mũi, xét nghiệm, tiêm vaccine, liên hệ bác sĩ, đặt mua online hàng thiết yếu… cách nào là tốt nhất. Chưa bao giờ mình đọc những bài phổ biến kiến thức y học kỹ như thời gian này, lòng thầm biết ơn những người thiện chí đưa ra những lời khuyên bổ ích cho cộng đồng.
Tuy nhiên, tiếp nhận cả một biển thông tin đến mức quá tải cũng có mặt trái của nó, như một sức nặng đè lên tâm thức, đôi khi cảm thấy mình bải hoải tưởng chừng kiệt sức. Có lúc tự dặn lòng hãy bớt đọc báo mạng, bớt nhận tin nhắn Zalo… nhưng cũng không dễ, vì làm sao dứt được những “dây thần kinh trần” kết nối mình với cuộc sống.
Những ngày chợ An Nhơn, siêu thị Bách Hóa Xanh đóng cửa, chuỗi cung ứng bị ngưng trệ, bà con, bạn bè, học trò ở Huế, Quảng Ngãi, Đà Lạt, Pleiku, Tuy Hòa, Vĩnh Long, TP. HCM… tìm cách gửi thực phẩm, rau quả tiếp tế. Về đây đất lạ, nhưng dần lại có người quen tận tình giúp đỡ. Chỉ cần nhắn tin, mấy cháu gái cùng xóm sẵn lòng mua giúp thịt cá, rau quả, thuốc tây đem đến tận nhà. Mỗi lần shipper chở hàng đến đầu hẻm thì các anh dân phòng tình nguyện xách đồ vào cho ông giáo. Trong ba tuần cao điểm của dịch bệnh, một nhà láng giềng vận động được ba xe tải chở đầy ắp gạo mì, thực phẩm, rau quả phát tặng cho bà con trong khu phố.
Suốt ngày giam chân trong nhà, lẩn quẩn với sách vở, ai cũng thấy tù túng. Nhớ trường, nhớ khoa, nhớ lớp. Cô Hiệu trưởng mấy tuần liền mang đồ đạc đến ăn ở ngay trong trường để lo việc cơ quan, thỉnh thoảng lại gửi cho hình ảnh chụp cảnh sân trường vắng lặng và thông điệp “vaccine tinh thần”. Rồi cũng nhờ Internet mà kết nối với đồng nghiệp, sinh viên để giảng bài, dự lễ khai giảng và lễ bảo vệ trực tuyến. Những niềm vui đó là liều thuốc giúp tìm lại sự cân bằng trong thời mọi thứ đều chao đảo.
Sau mấy ngày mưa, sáng nay trời tạnh ráo, nắng đã tươi trên những tàn cây trong hẻm. Người và xe đi dưới nắng mai. Mấy chú chim bồ câu đập cánh vui trên những mái nhà. Nhà không có vườn, nhưng sân thượng cũng đủ chỗ trồng hoa và rau, có giống cây còi cọc ở nhà cũ về đây bỗng nở hoa, cùng lứa rau thơm đầu tiên xanh tốt. Đã nghe vọng lên tiếng rao bánh mì, xôi khúc, bánh giò, tiếng gọi ra nhận thư, nhận báo. Đường bay đến phi trường sau những ngày im phăng phắc nay đã có những chuyến bay cất cánh và hạ cánh. Gò Vấp từng là tâm dịch nay đã thấy dấu hiệu hồi sinh.
Nhâm Dần đã đến, năm Tân Sửu tai ương, khốn khổ và mất mát này hãy đi qua nhanh. Người Sài Gòn chờ mong hết dịch như ngày xưa chờ hết chiến tranh. Bóng đen Covid-19 còn lởn vởn trên đời, nhưng cuộc sống chẳng thể dửng dưng với tín hiệu của hy vọng. Sang tháng Mười âm lịch, những người trồng hoa của Làng Hoa Gò Vấp – vốn đã thu hẹp nhanh chóng theo tốc độ đô thị hóa, nay chỉ còn lưu lại trong tên gọi một công viên, nơi diễn ra chợ hoa những ngày giáp Tết – lại tận dụng những khoảng đất trống ở địa phương hay sang thuê đất ở phường Thới An (quận 12) để ươm hạt gieo mầm chuẩn bị đón Tết sau một năm làm ăn thất bát vì ế ẩm. Đầu năm, cũng như trên những con đường, ngõ hẻm khắp thành phố này, trước cửa nhà cư dân Gò Vấp không thể thiếu những chậu hoa vạn thọ, hướng dương, cúc mâm xôi… như hình ảnh của niềm hy vọng về một năm mới an lành và may mắn.
 
23/2/2022
Huỳnh Như Phương
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
 
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Uống trà

Uống trà Một số người tìm sự bình an, sự tịnh tâm trong việc uống trà. Có thể vì vậy mà họ thường thuộc lứa tuổi đã cao, xế chiều. Thanh niê...