Thứ Tư, 1 tháng 2, 2023

Gió lên thả ngọn đèn trời

Gió lên thả ngọn đèn trời

Một giờ chiều, nắng bắt đầu chéo thẻ, hé cửa lách, hơi nóng tạt vào mặt như hất xẻng than hồng, lão Hớn Móm sập vội cánh chớp, rụt đầu vào: “Nắng hầy! Ra bây giờ bằng nướng người!”. “Thì ai bắt thầy đi bây giờ. Con đã bảo thầy chờ tị nữa, tạnh nắng, nhà con ở bên ấy về chở thầy sang. Đằng nào việc cũng đã thế rồi. Nhà mình vừa về. Bác ấy đã ổn. Thầy nghỉ ngơi đi đã. Sang ngay, chẳng giải quyết được gì, càng thêm rối”. Đứa con dâu lão bụng chửa vượt mặt, ngồi ôm lấy cái quạt trong buồng nói vọng ra. “Thôi tao đi! Ở nhà sốt ruột lắm!”. “Thế con với thầy cùng đi!”. “Bụng dạ mày dư thế mà quật tao xuống đường à! Ở nhà! Tao đi một chốc xem thế nào. Cái nón của tao ở đâu rồi?”. “Hôm nọ, con mèo cào nát, con đem nhóm bếp rồi!”. “Thế giờ tao đi bằng gì?”. “Thầy lấy tạm cái ô của cái Tí. Nhưng hôm qua nó đánh nhau với mấy đứa con trai, gẫy hết nan rồi. Hay thầy lấy áo chống nắng của con?”. “Thôi! Đưa ô đây!”.
Lão Hớn Móm giương trên đầu cái tàn ô Kitty hồng rúm ró, xỏ đôi dép tổ ong ngả vàng buộc sợi dây dứa đỏ ở chỗ rách, lạch xạch rút then cổng sắt, đội nắng lần sang nhà thằng lớn. Đã bảo từ đầu, không thèm nghe, giờ mới nên nông nỗi. Trình độ bổ túc, vừa học vừa làm, chẳng được mấy hột chữ mà cũng đua đòi, chạy chọt lên làm trưởng ban Văn hóa xã, lên Phó Chủ tịch. Lão đã bảo nó, làm thằng loong toong điếu đóm thôi, giông không đến mặt, sấm không đến đầu, chẳng trên đụng dưới chạm. Mày dốt lòi tói như thế ham hố làm gì. Nó gạt đi: “Thầy lạc hậu vừa thôi! Con chạy chức này rồi lên dần dần. Mấy năm nữa kiểu gì con cũng làm Chủ tịch xã. Làm lãnh đạo, thế mới bõ”. Lạy giời! Cái ngữ nó lãnh đạo ai? Lãnh đạo cái tổ cú nhà nó với một con vợ nông dân đặc và hai thằng con nhầng nhầng cũng đã rụng trơ tóc thóp. Nói dại, nhỡ may nó lên làm Chủ tịch thật thì trên dưới lộn rồng rồng. Lão đẻ ra nó mà cũng không ưa nổi tính nó, vừa ngu lâu, vừa kiểu cách quan dạng lại bủn xỉn, chẳng ra cái giống gì. Có tinh không có tướng. Giờ trắng mắt ra chửa! Nếu không vì cây dây quấn lão đã mặc xác kệ thây, đâu phải sấp ngửa lao đi giữa nắng như thế này. Rõ sướng không biết đường. Giá cứ như ngày xưa…
***
Nhà văn Nguyễn Hải Yến
Gọi là ngày xưa cho nó lâu, đỡ tiếc chứ thực ra cũng chỉ cách có dăm năm. Ngày ấy, vợ chồng Thanh Thưởng còn ở mảnh đất cuối làng- đất lão Hớn Móm mua: “Tao cho vợ chồng mày miếng đất, ít vạn gạch, mấy tấn xi. Đi vay mượn thêm anh trên em dưới, tiết kiệm làm cái nhà. Ở riêng thì tự mà liệu. Khéo bảo nhau thì ấm, chịu khó làm thì no”. Ngày ấy, đồng đất còn bình yên, vợ chồng con cái Thanh Thưởng còn nhà quê rặt một mớ. Vợ loanh quanh với ba sào ruộng cấy, một sào ruộng màu giáp ngõ. Chồng sáng chiều hai buổi nhảo qua phòng truyền thanh xã cho có, rồi quay về yên phận với lợn với gà. Vợ rau cỏ lúa má đằng vợ, con học hành đằng con, không cởi trần, bận chẽn quần cộc lao vào bèo rong cám bã thì lấy cái gì đổ vào bốn cái tàu há mồm. Hồi ấy có quần xắn áo túm, tóc rối đầu bù một tí nhưng ngày cũng đủ nồi hai tay bưng. Tiền không nhiều nhưng lúc nào cũng có dăm ba triệu giắt trên cái hốc đục ngậm đầu xà ngang giáp tường, cần gì cũng không đến nỗi chạy long tóc gáy. Hai thằng con không thông minh sáng láng như người nhưng kẽo kẹt cò cưa mỗi năm cũng lên một lớp, dền dứ kiểu gì cũng phải cho học hết cấp ba rồi đi làm công nhân. Ở nhà quê thuận một bề như thế là phúc, cần gì mơ hơn!
Nhưng đấy là lão Hớn Móm nghĩ chứ Thanh Thưởng không nghĩ thế. Nhất là từ khi trưởng ban Văn hóa xã Sinh Gù chuẩn bị dọn cái đống đồ hôi như chuồng lợn của gã gọn vào để sang năm về nghỉ chế độ. “Thế chú định làm thằng loong toong cho chúng nó sai vặt mãi à? Từng này tuổi đầu rồi, không liệu trước, vài hôm nữa có đứa chưa ráo máu đầu về thay tôi, chú lại đi hầu mọt kiếp”. “Thế bác bảo em phải làm sao?”. “Phải chạy chứ làm sao. Phải biết đầu tư mới ăn trên ngồi trốc, gọi có người dạ, bảo có đứa vâng. Mà đầu tư lúc này là hợp nhất, tôi nói giúp cho”. “May quá! Thảo nào đầu năm đi lễ đền Bia, thầy phán số em có tay sai tay ngai. Có khi vận vào lúc này! Vậy trăm sự nhờ bác dẫn lối đưa đường, em xin nghe!”.
Con đường đầu tiên trưởng ban Sinh Gù chỉ dẫn thẳng ra chuồng lợn nhà Thanh Thưởng. Đôi lợn tạ vừa hợp lứa bán. Một con quy thành bữa tiệc ở nhà hàng “Sông quê” – nhà hàng nằm cạnh con sông Đào – một nhánh của công trình thủy nông Bắc – Hưng – Hải ngày xưa, nước quanh năm quánh như nhựa đường, bốc mùi thum thủm, nhưng bù lại có dàn tiếp viên dẫu chân dài vừa hay không dài cũng đều  mặc váy ngắn đến ngang đùi, trên bó dưới xòe, mỗi bước đi lại lượn phồng lên như sóng sông ngày trở gió, trông rõ thích mắt. Còn con kia quy thành ba phong bì đưa Chủ tịch, Phó Chủ tịch, trưởng ban Sinh Gù kèm lời nhắn nhủ: “Xin các bác giúp em!”. Và đường đi lối lại được vạch ngay trên bàn tiệc: “May chửa! Bên Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện vừa mở lớp Trung cấp Văn hóa. Ba năm mới có một lần, lại mở đúng dịp này. Thiên thời nhá! Đất quê mình, lãnh đạo dân mình là địa lợi. Chúng tôi ủng hộ chú, vợ chú ủng hộ chú là nhân hòa. Chú rồi lên như diều gặp lốc. Lúc ấy đừng quên chúng tôi!”. “Các bác cứ nói thế! Em nào dám!”. “Ngày mai chú lên chỗ tôi, chúng tôi hướng dẫn viết đơn, làm hồ sơ đi học. Mà phải thay đổi cách ăn mặc đi! Trông chúng tôi đây này!”.
Thế là đôi dép tổ ong bị đá lộn vào góc hè đầy cứt chuột nhường chỗ cho đôi giày da. “Anh trông, bóng chưa? Soi được cả râu ruồi nhá! Em biếu anh thêm hộp xi xịn, đánh chục đôi cũng không hết”. “Một đôi hai trăm rưởi, chục đôi mất đứt con lợn tạ”- Thanh Thưởng tụt đôi dép tổ ong, ngồi xuống ghế cho con bé nhân viên thử giày cho, nghe nó ngoen ngoẻn nói mà buốt thon thót. “Anh ơi! Thắt lưng da cá sấu xịn, shop em vừa nhập. Anh mở hàng hộ em lấy may!”. “Anh ơi! Bao da cài thắt lưng, đựng điện thoại!”. Hắn làm quái gì có điện thoại nhưng chẳng lẽ lại bảo nó thế. “Ừ! Cho anh một cái!”. “Anh ơi! Áo phông dai nhưng rão, không sang. Em Hà! Đưa anh sang bên kia chọn sơ mi, quần Tây. Dáng anh đẹp, có cơ có múi, mặc Âu, bọn diễn viên Hàn quốc chạy long đầu gối, đứt quai dép cũng không theo kịp”. Con bé chủ shop vừa vuốt dọc cánh tay Thanh Thưởng, vừa liếc thôi miên, vừa giục nhân viên, không đi không được. “Nhưng hôm nay anh không mang sẵn tiền”. “Anh là khách Vip, hôm nào đi họp tiện đường rẽ qua em, không tiện thì thôi. Được phục vụ anh là vinh dự của chúng em rồi!”. Thế là ngót đôi lợn nhỡ, đôi gà cựa, sắm thêm quyển sổ bìa cứng gáy lò xo với cái cặp da để đi học là hết xoẳn.
***
Nhoáng cái thế mà đã là chuyện ngày xưa. Trưởng ban Thanh Thưởng giờ chỉ còn thiếu một bước rún nữa là lên bám rễ ở ghế Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã. Năm năm làm trưởng ban Văn hóa – thực ra Văn hóa xã chỉ một mình hắn phụ trách nhưng mọi người cứ kêu trưởng ban, gọi quen mồm, nghe quen tai, oai chẳng buồn chữa – cả nhà Thanh Thưởng từ vợ đến chồng, từ con đến bố, một cọng lông cũng không còn giống nhà Thanh Thưởng quê một mớ ngày xưa. Nhà cũ, vườn cũ rộng rênh nhưng cuối xóm đổi sang ngang miếng đất mặt phố làng, bán gom thêm cả cái ao giáp đồng chuyên thả bèo tây, rau muống lợn. Lão Hớn Móm bảo nó: “Mày xem đổi chác thế nào chứ tao tiếc quá! Mấy sào ao vườn đổi lấy ba mét đất. Rồi hít bụi mà sống?”. Nó cười xì ra đằng mũi: “Thầy cứ năm xu một xèng như thế bao giờ có tiền đồng chứ đừng nói tiền trăm. Chẳng mấy khi gặp dịp vớ thằng ngu đổi phố vào làng. Phải tỉnh. Con người ta hơn nhau ở cái đầu thầy ạ!”. Lão định bảo nó hơn nhau cái đầu thì mày đi thi cấp ba đã chẳng hai môn ba điểm, đã chẳng học trường Bổ túc xây trên nền Trại Lợn ngày xưa. Nhưng lại thôi. Đất vườn cho nó rồi, bán mua đổi chác là quyền của nó, sau này sướng khổ hưởng cả. Lão can không được đành chống mắt nhìn xem cái đầu nó hơn người khác ở chỗ nào.
***
Thế là phố làng mọc lên quán cà phê “Chiều tím”.
Bám dọc mặt đường, quán trà đá, vối đá, chanh đá, nước ngọt có ga đá chả thiếu giống nhưng cà phê đèn mờ nhấp nháy đỏ xanh lẫn lộn, từ ngoài đường bước vào, chưa quen, phải lần từng bước như lạc vào hang tiên thì mới chỉ có duy nhất nhà Thanh Thưởng. Trấn giữ hai bên cửa là hai em nhân viên tóc vàng môi đỏ, váy áo đồng phục ngắn trên cộc dưới, xoắn xuýt cầm tay khách dẫn vào tận ghế ngồi. Từ chíp chíp, choai choai đến nhầng nhầng, cưng cứng khách nào cũng xưng em, ngọt nhủn cả người, bảo sao chả đông khách. Vợ chồng Thanh Thưởng một bước lên ông bà chủ. Vợ hắn chuyển hệ từ quần bùng áo rão sang váy liền đầm rời, xòe ra bó vào tùy theo mốt từng mùa nhưng mỗi năm ngắn thêm một tí. Từ chỗ lòi thòi gần chấm gót mà vẫn kêu cứ thồng thỗng như không mặc gì, rồi co đến bắp chân, lên qua gối, trên gối và cuối cùng chốt hạ ở ngang đùi. Chỉ có dáng ngồi dạng háng như đi cắt cỏ bờ, đi nhổ mạ ruộng cạn là bảo mỏi mồm vẫn chưa bỏ được. Muốn thoát xác nhà quê còn phải học nhiều! Còn Thanh Thưởng bây giờ thò nửa bước chân ra ngoài, bất kể nắng hay mưa, dù giữa trưa hay nửa đêm về sáng cũng đều phải dận giầy da, áo sơ mi đóng thùng trong quần Tây săng li túi chéo. Là trưởng ban Văn hóa, dù bận đến đâu cũng phải ăn mặc cho ra người có văn hóa. Họp hành cả ngày, giao lưu suốt tối không thể úi xùi như cái thời quần cộc chân chì, đầu xù mắt toét ngày xưa.
***
Đấy là nguyên tắc của Thanh Thưởng.
Dù bận đến đâu cũng phải ăn mặc cho ra người có văn hóa.
Và thêm một điều nữa.
Dù bận đến đâu, giao lưu chỗ nào thì Thanh Thưởng cũng về nhà trước mười giờ tối. Bao nhiêu năm rồi đều thế. Rõ chuẩn mực của đạo đức để người khác soi vào.
Đã thành nếp, dù đông thế nào thì tầm ấy quán cũng đã vãn người. Vợ hắn chốt khách, áng tiền rồi giao quầy cho thằng con lớn, cầm sổ, cắp ví lên phòng riêng. Thanh Thưởng bám liền theo gót. Vợ trước chồng sau, nhạc dìu dặt đưa chân trên nền chớp tắt tím vàng xanh đỏ, dưới con mắt ngưỡng mộ của mấy đôi khách muộn nghĩ về một chuyện tình lãng mạn không thể đổi thay theo thời gian. Khi cửa phòng sập lại, kín như bưng, Thanh Thưởng đá giầy và đôi tất bốc mùi khăm khẳm vào góc phòng, vợ hắn ngồi giạng chân trên giường, vén váy lên tận cạp, xòe sổ, bày máy tính trước mặt: “Hôm nay bán ba mươi cốc cà phê sữa đá, mười li đen đá, bốn bịch rưỡi hướng dương, hai chục bim bim, năm sữa chua”. Thanh Thưởng chúi đầu ghi chép, bấm máy tính lạch xạch, lẩm bẩm: “Vị chi là…vị chi là…” rồi ngẩng lên: “Sao camera hôm qua đếm được bốn chục khách mà số bán ra không khớp?”. “Một lũ học sinh vào gọi năm cốc sữa chua, chia nhau mỗi đứa vài thìa, còn đâu xin nước lọc. Ăn gì mà tính cả vào đấy? Đây không thèm điêu!”. “Thôi được rồi! Để xem lại. Hôm nay được hai triệu rưỡi. Cưa đôi. Vị chi là…”. “Đôi là đôi thế nào! Ông ăn người vừa chứ! Khôn thế đến bao giờ mới chết? Còn tiền xăng xe đi lấy hàng ai chi? Mà phải tính tròn năm bịch hướng dương. Con ông ăn hết nửa bịch. Không tin mở máy mà xem! Mà ông đừng giả vờ! Hôm nay là ngày nộp tiền ăn, tiền điện, tiền nước của ông, tiền học cho con. Chỉ ấp giật vào lòng. Không nhắc cứ lờ đi”. “Nhưng tao ăn ở nhà bữa có bữa không. Hay cuối tháng tính cho chính xác?”. “Tùy! Nhưng tiền học phải nộp ngay! Hai triệu”. “Cái gì? Giết người à? Học gì hai triệu?”. “Con ông học lớp bẩy mà năm cộng với mười còn phải bấm máy tính. Không cho đi học thêm, không quà cáp cho cô, lên lớp chín tốt nghiệp bằng niềm tin? Lại còn đòi đỗ cấp ba công lập! Đây còn chưa tính tiền điện thoại gọi cho cô cho thầy mỏi mồm xin đi học. Mãi người ta mới nhận cho. Nhiều với chả ít. Bố nào con ấy. Dốt lòi xích chó còn tinh tướng!”.
Nhìn con vợ đít ở dưới đất mồm cất lên giời, xì từng tiếng qua kẽ răng xít chặt, Thanh Thưởng lộn tiết lên đầu, muốn đập một phát cho dẹp cái mặt băm không lỗ bổ không chầy của nó xuống. Nhưng tĩnh trí, lại thôi. Đánh nhau bây giờ nó nổi cơn thần kinh, đóng cửa quán một ngày là mất toi triệu bạc. Bao nhiêu việc cần đến tiền, sĩ diện ai cho? “Ừ thì này! Hai triệu. Còn tiền kia cuối tháng chốt cho chính xác”. “Nhưng nếu ông không ăn cơm nhà phải gọi trước. Không gọi, nấu rồi vẫn tính là ăn”. Xong việc, con vợ hắn khép chân, đứng dậy, kéo váy về chỗ cũ, mở cửa dóng dả vọng xuống: “Con Hoa đâu! Xem khách khứa thế nào! Dọn dẹp đi!”.
***
Mới thế mà đã dăm năm…
Dạo này, càng gần đến ngày bầu cử Hội đồng Nhân dân xã, Thanh Thưởng càng bận tợn. Có lần gặp lão Hớn Móm ở ngoài đường, giáp mặt mà nó không nhận ra, lúc suýt đâm sầm vào lão mới giật mình nhấc mặt khỏi cái màn hình điện thoại: “Thầy đi đâu mà loăng quăng giữa đường thế này?”. “Anh còn nhận ra tôi cơ à? Dễ thường nửa năm nay anh không gặp tôi đấy nhỉ?”. “ Con bận quá, thầy thông cảm!”. Lão định bảo nó công to việc lớn gì, bận chạy chọt thì có nhưng thôi. Chỉ dặn nó làm gì thì làm, vợ tối mắt vào tiền nong hàng quán, chồng tớn đít quẩng chân như chó chạy ngoài đồng, hai đứa trẻ con thả lã như gà, suốt ngày tụ tập Đồng Mơ, Đống Dứa. Đứa nào hẳn hoi nó còn bận học, ra chỗ bờ bụi gò đống ấy làm gì. Cái thói ba tuổi ranh mà xe máy phóng vù vù, mặt vác lên giời, gái ôm sau lưng thì có bữa… Chiều cho lắm vào, hỏng người. Nhưng nó bảo lão rằng giờ chúng nó thế, thầy lạc hậu rồi! Đừng nói nhiều nó ghét. Mà thầy về đi! Con còn có việc. Mấy hôm nữa rảnh con về!
***
Rồi mấy chục lần cái mấy hôm cũng không thấy tăm hơi mặt nó, sốt ruột, lão đành phải lần ra. Lần cuối cùng, cách đây gần tuần, cũng như mọi lần, chỉ gặp con dâu ngồi canh quán. Nhưng dạo này nghe chừng càng ế khách. Nó bảo: “Thầy uống cà phê con pha?”. “Cà phê nhà mày toàn đậu rang, tao lạ gì”. “Hay ông ăn cốc sữa chua đá?”. “Đá đấm gì. Cho tao cốc nước trắng! Hai đứa trẻ con đâu, bọn nhân viên đâu mà quán hàng xơ xác như miếu hoang ngày bão thế này?”. “Con cho nghỉ hết rồi thầy ạ. Mật ít, ruồi nhiều. Thấy mình đỏ xung quanh tưởng chín, chúng nó cũng đua đả theo. Nhà nào cũng bán thì bán cho ai? Con gọ gạy một mình thôi. Hai đứa nhà con cả ngày mất mặt, tối mới lần về. Nhưng còn hơn thằng bố. Hai tuần nay còn giở thói bận chuẩn bị bầu cử không về, chỉ gọi điện hỏi bán được bao nhiều tiền. Con chán lắm rồi! Xưa nông dân, áo dính cứt gà, quần bôi phân lợn, ăn bữa nay lo bữa mai thì còn chồng còn vợ, còn mẹ còn con, giờ có chức có tiền thì tứ tán mỗi người mỗi ngả, chẳng ai bảo được ai. Đi thì yên, về đến nhà là hằm hè chửi bới. Kêu cái mặt con hãm tài, khách mới không thèm vào. Nhà thế, đất thế, quán thế mà còn không làm được thì cút xéo cho đứa khác nó làm. Cứ giáp mặt hai đứa bé là chửi. Bảo chúng mày mất dạy giống con mẹ mày. Con hỏi thầy con mất dạy là vì ai? Ngày xưa đông khách nhiều tiền thì ngọt nhạt. Bây giờ ế rạc ế dài là ra mặt thật ngay, còn lòng thòng với con bé văn thư xã dưới nửa năm nay rồi nên giở quẻ. Con biết hết nhưng mặc xác. Cứ về ở với nhau xem chịu được mấy nả! Làm bên văn hóa xã mà cứ như giám đốc Sở. Nói thì oai ra dáng nhưng động đến cộng trừ là vồ lấy máy tính chứ đừng nói nhân chia. Con tính rồi thầy ạ! Không thể thế này mãi được. Thằng lớn nhà con kệ thân tự nó lo. Con phải lo cho con với thằng út”. “Thế mày lo thế nào?”. “Con định liệu cả rồi. Thầy thương con thương cháu con biết nhưng đến nước này con phải tính thôi!”. Nó cứ ngồi thẫn mặt ra lẩm bẩm, đến tận lúc lão Hớn Móm đứng lên bảo: “Tao về!” lần thứ ba mới giật mình tỉnh lại. Cái nhà này loạn thật rồi, hỏng hết rồi! Lão phải bảo thằng út gọi ngay anh về, họp gia đình, bàn bạc xem sao!
***
Nhưng lão Hớn chưa kịp gọi thì đã xảy ra cơ sự.
Số là Thanh Thưởng đi nghỉ mát mấy hôm với khối ngành dọc cơ quan cấp xã. Biết có cả em Hương nên hắn đăng kí ngay từ đầu. Ba ngày tay trong tay, ăn cùng ăn, ngủ cùng ngủ, cùng chụm đầu uống chung li nước dừa, cùng ngửa mặt ngắm bình minh lên, gối đầu lên đùi nhau ngắm hoàng hôn xuống Thanh Thưởng thấy mình trẻ ra vài chục tuổi, quên hẳn việc mải đi vứt cả điện thoại với ví ở nhà. Điện thoại của hắn cài mật khẩu, có tài thánh mới mở nổi. Ví chỉ có chứng minh thư với cái thẻ ngân hàng, muốn rút tiền cũng phải có mật khẩu. Thách đứa nào ăn được của hắn một đồng! Cũng may hắn giắt đủ tiền để mua sắm cho em trọn vẹn.
Người ta hơn nhau là ở cái đầu. Thanh Thưởng đã tính trọn đường đi nước bước để tách khỏi con vợ già một cách ngoạn mục, nuột đâu vào đấy, chỉ chờ thời cơ. Hắn sẽ bảo em Hương điều bạn bè đến quán rồi thanh toán cùng một lúc, nhộm nhoạm, hắn sẽ dúi cái bút và tờ giấy in đặc những chữ vào tay con vợ hắn: “Em kí vào đây cái!”. Vợ hắn sẽ hỏi: “Kí cái gì?”.  “Đơn xin làm cống thoát nước trước cửa nhà. Có gì mà phải xem! Kí nhanh còn đem nộp. Phải yêu cầu làm ngay chứ không úng suốt ngày thế này thì chết!”. Con vợ vừa ngu vừa hấc lờ không biết rằng đã kí vào tờ đơn xin Ủy quyền chuyển nhượng toàn bộ tài sản cho hắn. Có tờ giấy ấy rồi hắn sẽ gặp luật sư, tư vấn cách chuyển tài sản ấy sang tên em Hương. Sau này cưới em rồi làm thủ tục chuyển lại cho hắn là xong. Con vợ hắn bị lừa quả này, tay không ra khỏi nhà, chỉ còn nước sặc máu lên mà chết!
***
Nhưng quán cà phê “Chiều tím” hôm nay đóng cửa. Trông cái khóa chống trộm lù lù một đống mà hắn nổi cơn điên. Tổ sư bố con nhà quê thần kinh! Đã bảo là ế cũng phải mở cửa. Ít nhất cũng kiếm được đôi trăm. Đóng cửa thì lấy cứt chó đổ vào mồm.
Ơn giời! Điện thoại và ví của hắn vẫn để nguyên trên đầu giường ngủ, chỉ sập nguồn vì hết pin. Đang định tắm gội nghỉ ngơi thì một lũ ở đâu lù lù kéo vào, tối sầm cả mắt. “Quán nhà anh hôm nay đóng cửa. Các chú thông cảm!”. Một thằng cao dong dỏng, nghe ra dáng trùm sò lễ phép: “Thưa chú! Chúng con không uống cà phê!”. “Thế các chú có việc gì?”. “Chúng con đến đòi nợ!”. “Nợ gì? Ai nợ?”. “Mời chú xem!”. Nó một điều chú, hai điều con, ngọt lạnh cả người bày ra trước mặt Thanh Thưởng một tờ giấy viết tay: “Con trai chú cắm sổ đỏ ngôi nhà này lấy năm trăm triệu, hẹn chiều nay trả nên đúng hẹn chúng con đến đòi”. Thanh Thưởng nhảy dựng lên, lao về phía két. Sổ đỏ hắn cất trong này cơ mà! “Chú đừng tìm nữa! Sổ đỏ ông chủ con cầm rồi! Đây là bản photo. Chú xem đi! Chính xác chưa?”. Cầm cuốn sổ đỏ photo thành đen xì trên tay, Thanh Thưởng vật xuống ghế. Cả cái nhà cắm được năm trăm triệu! Thằng ôn con về đây hắn giết nó rồi đi tù! “Bây giờ chú cho con xin tiền kẻo muộn!”. “Tôi không trả! Ai vay người ấy trả!”. “Nhưng thưa chú, giấy nợ ghi rõ ngày trả và người trả là chú đây rồi! Chú chưa có ngay bọn con cho khất lại. Nhưng mỗi ngày khất lại, ngoài tiền lãi con xin cộng thêm một ngón tay của chú!”. Nó ngừng cười, cầm bàn tay Thanh Thưởng tách ngón trỏ riêng ra: “Chúng mày! Ra đằng sau kiếm cái thớt vào đây!”. Thanh Thưởng rú lên: “Được rồi! Được rồi! Tôi trả! Nhưng tôi phải ra ngân hàng rút tiền, mai các anh quay lại mới có”. “Được rồi! Sáng mai chúng con quay lại sớm! Cảm ơn chú đã hợp tác!”. Nó cúi gập người chào theo kiểu Hàn Quốc. Bọn đàn em chào theo một loạt y như trong phim rồi thong thả quay ra, rồ máy cút thẳng.
Thanh Thưởng lau mồ hôi ướt đẫm, vồ lấy ví, móc chứng minh thư và tấm thẻ ngân hàng. May tài khoản của hắn còn hơn chín trăm triệu. Hắn mới rút ra năm mươi triệu giắt lưng để đi chơi với người đẹp. Đành lấy ra giải quyết vụ này rồi cho thằng oe con một trận sau.
Ngân hàng ngoài Thị trấn cửa kính kín mít, điều hòa chạy ro ro mà Thanh Thưởng vẫn toát mồ hôi hột. Giá kể như hôm khác hắn đã tán hươu tán vượn dưới bể trên rừng với mấy em nhân viên áo dài xanh, dáng mướt như ngọc. Nhưng hôm nay còn có lòng nào! “Anh rút tiền ạ? Rút bao nhiêu hả anh?”. “Rút năm trăm triệu!”. Con bé nhân viên lạch cạch một hồi rồi ngẩng lên: “Anh ơi! Tài khoản của anh còn có năm mươi nghìn, rút làm sao được ạ?”. Thanh Thưởng nhủn cả người, không chồm lên được nữa: “Cô xem lại đi! Tôi có hơn chín trăm triệu cơ mà?”. “Anh ơi! Chuyển khoản hết rồi anh ạ!”. “Cô nói thế nào? Tôi rút bao giờ?”. “Anh không rút mà chuyển khoản ba lần. Chuyển qua ngân hàng điện tử cho tài khoản số…, cùng ngân hàng, mang tên Trần Thị Thanh. Lần thứ nhất, tối ngày mười hai tháng bảy, cách đây ba ngày, lúc 18h 30 phút, nhập mật khẩu bốn lần mới chính xác. Lần thứ hai là một giờ sáng ngày mười ba tháng bảy. Lần thứ ba một giờ sáng hôm nay. Mỗi lần chuyển ba trăm triệu. Tổng cộng chín trăm triệu. Còn lại năm mươi nghìn. Nội dung giao dịch đều là: “Tặng vợ yêu!”. Mỗi lần giao dịch thành công, máy tính đều báo về điện thoại của anh rồi ạ! Đây em xin gửi anh bản in nội dung giao dịch!”.
Thanh Thưởng ngồi sụp một đống trên ghế chờ ngân hàng, tưởng giơ tay không nổi để móc điện thoại trong túi ra nghe. Số lạ? “Alo! Anh Thanh hả?”. Nhận ra tiếng vợ, hắn ngồi dựng dậy: “Em à? Em ở đâu về nhà đi!”. “Cảm ơn anh đã quan tâm! Mẹ con tôi ở xa, bảo về cũng khó. Tôi gửi anh đơn li hôn đã kí trong ngăn kéo quầy. Anh cũng đừng thắc mắc vì sao tôi biết mật khẩu điện thoại, mật khẩu ngân hàng điện tử của anh. Anh học hành như thế nên chỉ xoay quanh từ một đến chín, số nhà, ngày sinh là ra. Riêng mật khẩu ngân hàng thì hơi khó, phải nhập đến tên con bồ anh mới đúng. Anh bạc tình bạc nghĩa trước, đừng trách ai. Thằng lớn thân nó nó lo. Tôi cùng thằng bé phải đi tìm đường sống khác. Anh lấy con Hương về mà xây dựng lại cơ ngơi. Bảo tôi gửi lời cảm ơn nó vì nhờ nó gọi, anh mới vội đi, quên cả điện thoại ở nhà. Mấy hôm nữa anh làm to rồi còn gì, tôi xin chúc mừng anh trước!”.
Thanh Thưởng lả người đi, thấy nền gạch hoa lộn lên đầu, trần nhà cắm xuống chân, rồi gục xuống nhưng vẫn còn nghe được loáng thoáng tiếng đứa nào quen quen: “Ối giời ơi bác Thanh Thưởng! Bác làm sao thế này? Các anh các chị ơi! Cứu bác em với! Bác ơi! Cháu đây! Cái Hĩm đây! Bác tỉnh lại đi! Bác đừng chết bác Thưởng ơi!”, vẫn còn thấy con Hĩm nhà Sáng Tươi xốc nách mình lên cho ngồi dựa vào tường, lật nón quạt lấy quạt để vào mặt hắn, vẫn còn nghĩ được rằng ừ thà chết còn hơn. Nhưng hắn chỉ choáng thôi chứ có làm sao đâu mà chết được, còn túm tay cái Hĩm kéo lại khi nó nhao ra bảo về gọi người nhà: “Thôi không phải gọi ai đâu!”.
***
Lão Hớn Móm vẫn cắm đầu đi trong nắng. Mồ hôi chảy vào mắt cay nhòe như khóc đến nỗi suýt đâm sầm vào gốc duối cổ thụ đầu ngõ rẽ lên phố. Cành không gai mà quạc vào cái tàn ô kéo giật lại, nhắc lão nhớ ra, ngày xưa, cũng ở chỗ này, vào một đêm ba mươi Tết, ba bố con dẫn nhau đi thả đèn trời. Thằng nhớn nhanh nhảu châm đóm. Lửa bùng lên rừng rực. Gió bấc hun hút giật cái quầng đèn khỏi tay nó, nhoáng cái đã đẩy lên cao rồi hút mắt trong đêm thăm thẳm, để lại ba bố con đứng nhìn nhau, tiếc không nói nên lời.
Thằng nhớn nhà lão, mấy chục năm sau, phải chăng cũng đang thả ngọn đèn trời?
NGUYỄN HẢI YẾN
 
27/6/2020
Nguyễn Lê Vân Khánh
Theo https://vanhocsaigon.com/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...