Thứ Tư, 1 tháng 2, 2023

Truyện ngắn Vũ Thị Thanh Hòa: Hương chè

Truyện ngắn Vũ Thị
Thanh Hòa: Hương chè

1. Gà vừa cất tiếng gáy le te, sáng còn chưa rõ mặt người Tần đã gánh được gánh rau cần ra bờ hồ. Ao rau cần trong vườn độ này rặt những cánh bèo tấm bám đầy thân rau. Phải làm sạch sẽ, nhặt sạch rễ mới mong hàng đắt khách. Lúi húi rũ rau, Tần vừa nhẩm tính số tiền sẽ bán được. Cộng thêm với lứa chè mới bán dạo trước nữa mới đủ tiền cho con nộp học. Người ta nuôi con học đại học tốn kém đã đành. Tần lo cho hai đứa học Tiểu họcvà Trung học mà cũng thấy vất vả thế. Bên kia bờ rào tiếng oang oang tru tréo phát ra từ nhà Thể:
– Ối giời, cái của nợ ở đâu mà lại tha lôi về đây thế này hử giời. Ông Thể đâu?!
– Chuyện gì mà sáng ra đã ầm ầm thế. Cô không sợ hàng xóm người ta cười cho à?
– Mặc kệ họ. Cười cái nhà ông ấy, tôi thì sợ gì. Ông xem ông đi hú hí với con nào rồi còn mang đồ của nó về đây. Đẹp mặt nhỉ.
– Vớ vẩn. Nếu có chuyện ấy thì dại gì tôi lại mang về nhà. Để lạy ông tôi ở bụi này à?
– Ông giỏi lắm. Lừa vợ dối con mà mặt cứ tỉnh bơ như không ấy. Đúng là đồ cáo già.
Nhà văn trẻ Vũ Thị Thanh Hòa
Thể định bước vào nhà làm nốt giấc dở dang vừa bị mụ vợ quấy rầy nhân có ngày Chủ nhật được nghỉ, nghe vợ nói thế sau cái ngáp rõ dài, gã ngẩn người: “Đâu, xem nào”. Nhìn cái áo xu chiêng mà vợ giơ lên, gã cười xòa “À, là thế này. Đêm qua tôi dậy đi vệ sinh, thấy cái áo này lấm lem ở góc sân tôi cho luôn vào máy giặt. Ô, thế không phải áo mẹ nó làm rơi à? Thế của ai vào đây nữa?”. “Có nhà ai như nhà ông không. Áo có phải của vợ không mà cũng không biết. Hay là đi ăn nằm với em nào rồi vơ áo của nó về, thỉnh thoảng hít hà hơi của nó cho đỡ nhớ?. Rõ là chỉ biết làm tội làm tình người khác”. Lài nhìn chồng, liếc xéo một cái làm Thể nhớ lại chuyện cày đêm tối qua. Thể đi tuần cùng cánh dân quân xã. Độ này mấy tay cờ bạc say sưa, người dân xì xầm nhiều, đội của Thể lên kế hoạch mật phục suốt tối mà rồi phải trắng tay trở về. Cái tụ điểm nằm trong nghi vấn cứ im ắng như tờ. Về đến nhà gà đã gáy sang canh. Lài đang say sưa ngủ. Gã bỗng dưng nổi hứng. Vần được một lúc mụ mới tỉnh hẳn. Tưởng mụ làu bàu khó chịu, nào ngờ từ lúc ấy mụ đâm ra hưởng ứng cuồng nhiệt.  Mệt rã rời. “Gớm thích bỏ xừ lại còn làm ra vẻ. Sau cái trận hôm qua, đằng này vẫn còn bị mệt đây này. Thèm ngủ chết đi được.” Thể cài lại cái cúc áo rồi đi vào giường. Lài đanh đá: “Đừng có mà lươn lẹo đấy!”.
Thể kéo tấm vỏ chăn trùm lên mặt định đánh một giấc nữa rồi sẽ dậy. Hôm nay ở nhà gã dự tính sẽ cưa hai cây vải cuối vườn. Chả hiểu sao đã phun thuốc thế mà vụ vừa rồi vải bị sâu và bọ xít hoành hành. Có chục năm mà cây đã cỗi, mấy tháng trước thu hoạch quả bé tí, thương lái đến thăm vườn chê, bỏ sang nhà khác ngay. Có tiếng chó sủa ran làm Thể mới sực nghĩ ra, cái vật thể lạ bỗng dưng rơi vào nhà Thể đêm qua chắc hẳn là bởi con Ki nhà nàng. Lần trước nó cũng tha sang đôi dép. Lần ấy, cái Thơm phải sang xin về. Lần này là cái xu chiêng. Đích thị là của chủ nó. Gã tủm tỉm cười. Cái cớ rất hợp tình hợp lý để cho gã sang bên đó chọc ghẹo cô hàng xóm vắng hơi chồng đây rồi.Nghĩ thế, gã thấy trong lòng rạo rực. Gã ngồi phắt dậy chạy ra sân. Dưới bếp Lài đang đun nồi cám lợn. Tìm mãi hóa ra chiếc áo đã bị mụ vợ vo tròn vứt vào bao rác. Gã cầm lấy chiếc áo lấy tay phủi phủi vài cái rồi bỏ trong cái túi ny long. Gã nhìn sang bên hàng xóm. Thằng Duy đang lúi húi bơm xe, chuẩn bị cặp sách đến trường. Giờ này chắc Tần đã ngồi chợ bán rau. Gã đi vào nhà mở cánh cửa tủ dúi vào tận góc trong cùng rồi lấp mấy cái quần đậy lên. Hôm nay gã chỉ mong cho nhanh đến 8 giờ. Tầm ấy, Tần đi chợ về.
2. Mãi hơn 9 giờ nhà Tần mới mở cổng. Cái cổng sắt đã han gỉ nên mỗi lần lạch cạch mở khóa đến hàng xóm cũng nghe thấy. Nhà Tần và nhà gã cách nhau một cái hồ to nhưng giáp vườn, mỗi nhà một lối ngõ. Nhà Tần có con Ki, nó trông nhà rất tốt nhưng tính nó đỏng đảnh chẳng hiểu nó giận dỗi gì với chủ mà thi thoảng lại tha đồ mang sang nhà hàng xóm vứt. Thể kéo vội mấy cành vải khô lôi ra một góc để phơi, định bụng chặt bó đun dần, đỡ được tạ than. Gã vất cái cưa, chạy về cầm theo chiếc áo, vạch rào sang vườn. Tần đang hái chè, thấy Thể thì ngạc nhiên:
– Tôi mang sang trả cho cô Tần cái này.
Gã nói vậy  nhưng tay vẫn giấu sau lưng dò ý tứ của Tần.
– Anh có mượn của tôi cái gì đâu mà trả nhỉ? Chả lẽ…
Gã tủm tỉm cười một cách khó hiểu rồi chằm chằm nhìn vào ngực Tần. Đôi gò bồng đảo tròn như hai quả bưởi làm căng cúc áo, phập phà phập phồng. Bất giác, Tần lùi lại, cảnh giác nhìn quanh tránh cái nhìn của gã, hắng giọng:
– Cái gì của tôi anh nói rõ ra đi. Tôi còn nhiều việc phải làm lắm.
– Cái này là của Tần phải không? Tôi đoán thế vì có lần tôi thấy Tần mặc nó. À, không, thấy trên dây phơi nhà Tần!
Tần nhìn chiếc áo con của mình trên tay gã đàn ông hàng xóm thì thoáng đỏ mặt ngượng ngùng:
– Sao anh lại có nó? Hay là anh…Anh…
Tần giật vội chiếc áo từ trong tay gã, vô tình tay chạm tay, gã nắm lấy tay Tần giọng dồn dập:
– Tần, Tần đẹp lắm. Đúng là gái hai con. Rõ mòn con mắt.
Tần nghe vậy hiểu ngay ý tứ của gã bèn quay ngoắt người bước thấp bước cao, đi như chạy, băng qua vườn chè. Lá chè cọ vào má làm gai gai người. Gần trưa, xóm vắng, nghe rõ cả tiếng chim lảnh lót chuyền cành gọi bạn. Giờ này vợ Thể chắc đang yên vị trong xưởng. Công ty ấy độ này nhiều việc, làm tăng ca hầu hết các ngày chủ nhật. Ngộ nhỡ gã giở trò. Tần chỉ còn cách chạy thục mạng ra ngõ mà la làng thôi. Những lời ong bướm ve vãn cùng cái nhìn soi mói của gã hàng xóm làm ngực Tần rát bỏng. Tần chạy vội về đến đầu hồi rồi thở dốc. Lưng thúng chè xanh mà Tần vừa hái vẫn nằm chỏng trơ ngoài vườn. Chiều nay Tần còn phải mang ra đám cưới nhà bà Lạng. Người ta đã đặt từ mấy hôm trước.
3. Quét sạch cái nền gạch dưới gốc xoài, Tần đổ thúng chè ra cặm cụi nhặt nhạnh những chiếc lá héo úa và già, tuốt sạch rồi bỏ đi. Hai thúng lá giờ chỉ còn đúng một thúng rưỡi. Cô bưng ra xe dựng sẵn rồi chằng buộc cẩn thận, đạp về hướng cuối làng. Đám cỗ người ta đang nhộn nhịp kẻ chặt người băm, chỗ phụ nữ túm tụm nhặt rau, vặt lông gà.
– Cô Tần mang lá chè xanh đến rồi à? Chè nhà cô là ngon nhất làng đấy. Đúng là có mát tay mới trồng được vườn chè tươi tốt thế.
– Dạ, vâng, cảm ơn các bác ạ. Nhà bác nào có công việc gì cứ gọi cháu một câu ạ.
– Người đâu mà rõ khéo, lại ưa nhìn nữa. Thế mà chẳng hiểu sao thằng Thuận lại ăn phải bùa mê thuốc lú để mà có vợ bé ở bên đó mới lạ chứ. Cái đứa con gái ấy người đã xấu thì chớ tính tình đành hanh đỏ mỏ. Chẳng ra gì!
– Bà gặp nó rồi hay sao  mà nói như đúng rồi thế. Nhỡ đâu chuyện không phải thế có phải là phá hoại hạnh phúc gia đình cô ấy à?- Một người hỏi lại.
– Thì thằng cháu nhà tôi cũng đi lao động bên đó chứ đâu. Còn lạ gì nữa.
Dù họ đã cố gắng nói nhỏ nhưng những tiếng xì xầm sau lưng cũng đủ để Tần nghe thấy. Thực ra Tần biết chuyện này từ mấy tháng trước. Trong làng trong xã cũng có tới dăm sáu người đi cùng đợt với chồng cô thế nên chuyện có kín thế nào rồi cũng đến tai Tần. Dạo ấy vì chán cảnh ruộng vườn, đồng bãi, chăn nuôi, làm quanh  năm suốt tháng không hết việc mà thu nhập cũng chẳng mấy dư giả gì. Thuận nằng nặc đòi bán trang trại mà hai vợ chồng đã bỏ khá nhiều công sức đầu tư gây dựng lên để có tiền đi học tiếng, làm thủ tục xuất khẩu lao động. Nhưng số tiền đó chưa đủ, phần còn lại phải vay ở ngân hàng. Chỉ độ năm đầu Thuận còn gửi về đều đặn để Tần mang ra ngân hàng trả lãi. Mới vơi chưa được nửa số nợ cũng là lúc những cuộc gọi vắng thưa dần. Tin nhắn gửi đi chẳng có lời hồi âm. Tần đã cảm thấy có chuyện chẳng lành. Nhiều đêm trằn trọc không ngủ, nước mắt vòng quanh, người gầy sọp hẳn đi. Bà mẹ chồng thẽ thọt an ủi: “Đàn ông xa vợ lâu ngày cần có người cơm nước giặt giũ cho thì thế thôi. Chứ nó bỏ mấy mẹ con mày làm sao được”!
Mải suy nghĩ đã đến khúc ngoặt từ lúc nào, quên xin đường làm xe đâm sầm vào một chiếc xe máy làm mặt mũi cô tối sầm lại.
– Chết thật, cô có làm sao không thế?
Tần vừa gượng dậy, chưa kịp đứng lên người đàn ông đã cúi xuống nâng chiếc xe, dựng chân chống cho Tần. Mặt sát mặt, đôi mắt nhìn cô hết sức ngỡ ngàng:
– Là Tần phải không? Em đi đâu mà như người mất hồn vậy?
Vẫn giọng nói trầm ấm như ngày xưa, gương mặt một thời đã làm cho Tần nhiều đêm thao thức. Những đêm trăng, bên vườn chè, họ vừa ngồi vừa thủ thỉ tâm tình. Ánh trăng hiền dịu chảy tràn trên phiến lá đổ mềm xuống mái tóc dài thơm mùi hương sả. Buổi tiễn Huân lên trường nhập học, Tần hái luôn cả nón chè xanh mang sang nhà Huân đun nước mời bạn bè, xóm láng. Nước chè thanh đượm cứ quyện mãi trong tim, đọng thành những giọt luyến lưu trong lòng chàng sinh viên trẻ trên giảng đường, trong những buổi chiều cuối tuần nơi ký túc xá giữa thành phố lạ xa. Đến năm thứ tư, bố Tần bỗng dưng kịch liệt phản đối, cấm cửa không cho Huân vào nhà, dứt khoát bắt Tần từ bỏ mối quan hệ chẳng đi đến đâu. Ngoài làng người ta rỉ tai nhau chuyện gia đình Huân đi nói khắp lượt làng xóm, bảo Huân sắp ra trường, có bằng đại học thì ít ra phải lấy người vợ được học hành tử tế hẳn hoi, ít gì cũng phải từ trung cấp, chứ không thể là gái làng suốt ngày quanh quẩn ruộng vườn. Tần lấy Thuận lúc bố đang ốm đau cần có người chăm sóc. Tần là con độc nhất. Ở rể nhà vợ thì không phải ai cũng làm được. Thế mà bắt đầu có chửa cu Duy cũng là lúc Thuận nằng nặc mua đất làm nhà ra ở riêng.
Huân mời Tần vào quán nước ven làng. “Anh Huân có lẽ lâu ngày mới về thăm quê phải không ạ?. “Ừ, anh cũng có về vào những dịp giỗ, Tết, rồi lại phải đi ngay. Mấy lần làng có hội mà không thấy Tần đi nhỉ?”. “Anh còn nhớ tới em? Ngày xưa làng có hội là thể nào anh cũng có mặt…”. “Có cả cố Tấm đi xem và cổ vũ, gánh nồi nước chè to đùng ngồi nơi cửa đình nữa chứ!” “Chuyện ngày xưa anh nhớ lâu thật. Chị và các cháu có khỏe không ạ?” “Bà xã anh mất được hơn năm rồi”. Tần lặng người. Ngay làng bên mà Tần cũng không nghe ai kể mà tỷ như họ có biết chắc cũng không muốn nói với Tần. Anh công tác và lấy vợ trên thành phố. Tần chỉ biết có vậy. “Ngày xưa… chúng ta đã suýt nữa nên vợ nên chồng. Thế mà…”. Huân chỉ nói lưng chừng có thế mà Tần nghe như câu chuyện cũ ngỡ chẳng bao giờ phôi pha. “Chị ấy học đại học chứ ạ? Không như em…”. Giọng Tần chùng xuống. “Kìa Tần, không bao giờ anh nghĩ thế!”. “Thật mà!”. “Bởi mỗi người một cách nghĩ, nếu không chuyện đã khác rồi. Năm ấy anh về Tết rất bất ngờ khi biết em lấy chồng đã được hơn tháng rồi.” “ Chuyện ngày xưa ấy mà, anh nhắc làm chi nữa”. Bỗng dưng Tần thấy nghèn nghẹn nơi cổ họng. “Em phải về thôi, muộn rồi…”. Tần về đến nhà thì trời đã nhập nhoạng. Đêm ấy hình ảnh của mười ba năm về trước lại hiện về như chỉ vừa hôm qua. Hương hoa chè thấm sâu quyện trong từng hạt tóc, chan chat mà cũng ngòn ngọt, đậm đà. Huân nhặt một bông đặt trong lòng bàn tay cô thì thầm: “Em là bông hoa chè của anh nhé?Cố gắng đợi anh học xong rồi cho bố mẹ mang trầu cau sang dạm hỏi. Có nghe không, cô gái vườn chè?” Ngày cưới Tần chẳng hiểu sao bà con họ hàng đều bảo hôm ấy nước chè nhà Tần có vị mùi đắng chat, chẳng giống mọi khi.
4. – “Công an xã tối qua vừa mật phục bắt được ổ cờ bạc, phạt mỗi người vài chục triệu, chị Tần đã nghe chưa?”.
“Những mấy chục triệu cơ à, nghĩ xót ruột nhỉ.”. Kéo được chiếc xe ba gác chở rau ra chợ mà cũng sái cả tay. Vừa bày hàng chưa nóng chỗ, bà Tươi hàng cá đã choe chóe. Mấy chị em bạn hàng mỗi người chêm một câu, lại thêm câu ra câu vào của vài người đi chợ sớm. “Tôi nghĩ cứ phải thế, mới trắng mắt ra cho chừa cái tội lười làm, ham mê đỏ đen, có bao nhiêu tiền vợ làm cật lực cũng nướng vào đỏ đen hết. Đêm chầu sòng bạc, ngày ngủ li bì. Vợ con được nhờ gì ở lũ đàn ông ấy? Dạng đàn ông như thế thật là vô tích sự”.  “Chuyện nhà người ta sao bà lại nóng nảy thế?” “Chú Tiến nhà dì Hà tôi chứ đâu. Mà lần này là công an huyện nhé. Chứ cái bọn dân quân xã mình, được bọn ngồi lê tống tiền cho chúng rồi là im bặt, bỏ qua ngay. Có khi lại là lính canh cho chúng cũng nên”. “Thật á? Tiền dân đóng góp được hưởng mà không làm tròn trách nhiệm. Thế thì còn gìn giữ trật tự an ninh làm sao được? Làm cho khối gia đình lụi bại. Nhà Linh- Tự chứ đâu. Vợ đi làm ô sin trên thành phố để gửi tiền về nuôi con ăn học, xây cửa nhà thế mà nướng vào sòng bạc hết. Hình như chồng cái Vân chả phải trốn vào Nam vì bọn xã hội đen đến đòi nợ sao? Thế mà các bố không rút kinh nghiệm làm bài học, chỉ tổ ham vui để vợ con khổ. Chỉ béo lão Thể thôi, lương phó công an xã nhằm nhò gì, lão giàu lên là nhờ làm thằng lính canh thôi, thấy động là báo, chẳng phải  mất mát gì”. “À, chỗ nào mà không dấm dúi cho lão thì lão vẫn cho quân bắt đấy nhé. Đừng tưởng”. “Thế sao hôm qua công an huyện lại bắt được. Kể ra họ cũng giỏi nhỉ?” Chị có thấy thi thoảng có người vào làng đi thu mua quạt điện, ti vi, máy tính hỏng không? Đấy chính là người của họ cải trang để theo dõi bọn cờ bạc chứ ai. Làng mình, họ nhẵn ngõ rồi ấy.”
Tần thừ người, chợt nhớ hôm trước Thể lân la đứng bên kia bờ rào buông lời tán tỉnh “Đợt này tôi cũng kiếm được ít lộc, mua cho Tần cái điện thoại SamSung để thi thoảng mình liên lạc cho tiện. Thằng Thuận thế mà bạc. Muốn bỏ vợ để đi theo gái Đài ở hẳn bên đó à? Đơn từ gửi về Tần cũng đã xong xuôi rồi còn gì. Tần buồn làm gì nữa. Chỉ cần em gật đầu…”. Chẳng hiểu lúc đó vì tủi thân hay vì câu nói của Thể đã chạm vào nỗi đau của Tần mà cô ôm mặt khóc rưng rức khiến Thể phát hoảng, định chạy sang dỗ dành đôi lời nhưng không hiểu sao gã lại lủi mất. À, thì ra lộc mà gã kiếm về là từ mánh này.
5. “Úi giời, cô Tần biết chuyện gì chưa, cả xóm người ta đang ầm lên đồn chuyện lão Thể kìa. Tẽn tò nhỉ, tuần trước công an huyện kiểm tra đột xuất mấy nhà nghỉ mới bắt quả tang lão trần trụi với gái mại dâm trong đó”. Tần đang ươm cây chè con mới chiết được trồng dặm dần thay chỗ đám cây già cỗi thì bà Hào đầu ngõ chạy vào đưa tin. Tần thoáng nhíu mày, có chút lờ lợ ở cổ họng rồi vẻ mặt trở lại bình thản rất nhanh như chẳng hề biết lão Thể trong câu chuyện động trời mà bà hàng xóm tất tả chạy đến vừa đưa tin sốt dẻo. Tưởng sẽ phải khiến Tần kêu lên vì kinh ngạc. Cái làng nhỏ chỉ hôm trước hôm sau là cả làng biết. “Chuyện làng xóm, chuyện thường ngày thôi cô ạ”. “Cô không ngạc nhiên á? Tôi rất lấy làm lạ vì mấy hôm nay không thấy lão ta sang bên nhà kéo nhờ điếu thuốc cày như mọi khi. Thế ra là chuyện ấy. Mụ Lài chắc phải gầm lên phải biết. Lão này tẩm ngẩm tầm ngầm mà ra trò nhỉ?”. Bỗng dưng Tần thấy gai gai người, rùng mình khi nhớ tới cặp mắt hau háu của gã.
Dạo này ở làng xảy ra đôi vụ trộm. Cu Duy chiều qua vừa đi học về cất được cái cặp đã vội chạy xuống bếp bô bô kể chuyện mất trộm nhà cái Lan, bạn cùng cùng lớp nó hôm qua. Thế nào mà mọi khi bố nó đi làm xa thì không sao, rình đúng hôm bố nó về thì kẻ trộm cũng ghé thăm nhà. Bộ chảo nồi đun bếp ga bố nó mới mua về làm quà sau nửa năm xa nhà theo công trình bỗng không cánh mà bay, có hơn chục con gà giò đêm trộm bắt đi mà không thấy một tiếng động, sáng ra chỉ còn thấy cái chuông mở toang hoác. Tự nhiên Tần rùng mình nghĩ đến cảnh 3 mẹ con, hễ mỗi lần ai đi vệ sinh vào ban đêm là một lần Tần phải thức dậy, nghe có tiếng động bên ngoài nơm nớp, hình dung đủ thứ chuyện. Bất giác Tần đưa tay quờ chiếc điện thoại. Tin nhắn Huân gửi từ 6 giờ trước, lúc này Tần mời lạch cạch nhắn trả lời: “Anh yên tâm, bọn trẻ rất quý mến anh. Sẽ  ấm áp hơn nếu chúng ta được về chung một mái nhà…” Tần  ngồi dậy nhìn hai đứa trẻ đang say giấc nồng. Cô cũng không ngờ cu Duy và cái Thơm lại quý chú Huân đến thế, dù chú cháu gặp nhau cũng chưa nhiều. Có lẽ bởi Huân sống tình cảm, lại rất biết cách gần gũi, chuyện trò và thật lòng với chúng. Chuyện chưa đâu vào đâu thế mà gã hàng xóm cũng đã đoán biết. Lúc Tần đang làm vườn thì Thể nói đổng sang tức tối, hằn học: “Ôi dào, tưởng gìn vàng giữ ngọc rồi nuôi con. Nào ngờ cũng chỉ là hạng hám hơi đàn ông. Đói khát cũng chẳng chịu được như ai”. Tần nóng mặt, chống cái cuốc đưa tay phe  phẩy nón mấy cái rồi nhìn thẳng vào mặt gã đáo để: “À, mà quên chưa hỏi anh, hôm nọ anh Thể lên thị trấn có mua được gì không thế?” Bị hỏi bất ngờ, gã ậm ừ lúng túng: “Cô nói lạ. Tôi, tôi có mua bán gì ở trên ấy chứ.” Tần chẳng bận tâm đến những lời của gã. Nghĩ đến Huân làm Tần có một cảm giác dịu ngọt, nhẹ nhàng và ấm áp. Những chuyện vặt vãnh bực mình cô đều cho qua, ngay cả những lời dị nghị dè bỉu từ bên nhà chồng.
Thức dậy buổi sớm, Tần bước dậy ra vườn. chưa bao giờ cô có cảm giác nhẹ nhàng êm ái như hôm nay. Những búp chè xanh biếc cứ rời rợi nõn nà trong ánh ban mai đang hầng lên ngát khu vườn. Sáng nay, Tần dậy thật sớm là lượt lại bộ quần áo đã chuẩn bị từ hôm trước. Chiếc áo hoa màu hồng có bèo nhún ở cổ và chiếc quần phăng màu đen. Mặc bộ này cái Thơm rối rít khen mẹ trông trắng trẻo và trẻ hơn hẳn. Chả biết nó nói có đúng không hay chỉ nịnh mẹ nhưng Tần thấy vui hẳn. Chỉ còn chưa đầy tiếng đồng hồ nữa là Huân sẽ xuống nhà để cùng Tần ra Ủy ban đăng ký. Dù đang bận việc nhưng Huân bảo xin nghỉ cả ngày để xong việc còn làm mâm cơm cho bọn trẻ đôi bên có dịp làm quen. Tần có cảm giác hồi hộp khó tả. Những ân cần quan tâm của Huân làm bùng cháy lên niềm khát khao hạnh phúc. Soi gương, Tần thấy mình đúng là vẫn còn xuân. Đã vất vả nhiều rồi, giờ mẹ phải được hạnh phúc chứ. Chính cu Duy đã nói với Tần câu này. Tần nhìn nó mỉm cười, thấy con mình đã biết suy nghĩ như người lớn. Tần nhìn ra ngõ sốt ruột.
Có tiếng điện thoại. Là số của bà nội bọn trẻ. Có chuyện gì vậy nhỉ. Bà biết hôm nay Tần đi đăng ký sao? Không thể nào! Vậy là chuyện gì? Ông nội chúng bị ốm chăng? Thế thì liên quan gì đến Tần nữa chứ? Nghe hay không nghe?. Việc hôm nay với Tần rất hệ trọng. Cô không thể vì bất kỳ một chuyện gì khác mà hoãn lại được. Lại một hồi chuông nữa đổ dồn. Có việc gì cũng phải đợi qua ngày hôm nay. Im lặng. Tự nhiên Tần linh cảm có điều gì đó. Thắc thỏm lạ lùng.
– Con đã biết chuyện thằng Thuận mới về tối qua chưa? Nó gầy rộc đi, hốc hác lắm. Nó bảo nó mất tất cả rồi, giờ chỉ còn có mấy mẹ con con. Đêm qua nó sang đến cổng nhưng lại quay về. Nó sợ con giận, không dám vào. Nó muốn gặp con và bọn trẻ để nói lời xin lỗi. Dù gì cũng là chữ nghĩa vợ chồng trước nay. Máu mủ ruột già, bọn trẻ cần có bố…
Tần lặng người. “Con thấy sao.? Có nghe thấy mẹ nói gì không?”. Chưa bao giờ Tần thấy bà mẹ chồng lại nhẹ nhàng với cô đến thế. Tần nhớ lại lần nhắn tin cuối cùng mà Thuận gửi cho Tần chỉ có câu cộc lốc, vô cảm đến rợn người: “Cô ký giùm tôi một chữ cho xong. Chuyện vợ chồng chúng ta chỉ được đến thế. Âu cũng là cái số. Cô cũng đừng nên níu kéo làm gì!”. Những ngày đó ở bên cô bồ trẻ, Thuận làm sao biết đã bao đêm cô phải tự lau nước mắt cho mình? Tiền nợ nần đến tháng Ngân hàng đưa giấy đến giục nợ. Tiền học hành của bọn trẻ, lúc cái Thơm nằm viện phải mổ thì ở bên trời kia Thuận đã làm gì, có lời nào hỏi han, động viên mẹ con cô. Ngày ấy, nếu không có Huân kịp thời sớm đưa con bé đi mổ ruột thừa, giúp mẹ con cô thanh toán viện phí, đi lại chăm sóc đã chắc gì con bé đã còn sống đến ngày hôm nay. Thế mà dạo đó ông bà nội và gia đình Thuận đã quay ngoắt 180 độ, không đoái hoài đến đứa cháu ruột rà của mình. Bao nhiêu lần cô gọi điện, nhắn tin mà không có một lời hồi âm của Thuận dù chỉ là một lần nghe máy.
Tiếng chó sủa ran phía cổng làm cái Thơm giật mình. Con bé từ trong nhà ngó ra, chưa kịp hỏi Tần nó đã nhanh nhẹn chạy ra mở cổng tự lúc nào: Nó đứng tần ngần đến vài phút, ngạc nhiên trước người khách rồi chạy đến bên Tần, giật áo mẹ:
– Bố về rồi kìa Mẹ! Sao mẹ không bảo bố vào nhà?. Anh Duy ơi, bố về!
Tần nhìn ra ngõ. Người đàn ông đeo cái túi ba lô đứng đó trân trân nhìn Tần, tay ôm lấy cái Thơm,vẫn chưa dám bước vào hẳn. Người đàn ông trong bộ dạng nhàu nhĩ, như lạ mà như quen. Tần nhìn anh ta. Trong cô thoáng hiện về giấc mơ có mùi hương chè sánh đượm. Bây giờ giấc mơ ấy chỉ còn trong nỗi nhớ. Xa lắc lơ…Lần đầu tiên trong đời Tần cảm thấy quanh mình có biết bao nhiêu ràng buộc vô hình. Hạnh phúc trong tầm tay nhưng đến được với nó, giữ gìn nó trong suốt cả cuộc đời đâu có giản đơn.
VŨ THỊ THANH HÒA
 
27/6/2020
Nguyễn Lê Vân Khánh
Theo https://vanhocsaigon.com/
 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...