Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2023

Ngôi sao ba cánh của văn chương Nam bộ

Ngôi sao ba cánh của
văn chương Nam bộ

Không gian nghệ thuật Nam bộ trong thời kỳ tiền Cách mạng tháng Tám, chói sáng những ngôi sao văn nghệ tỏa rực ánh hồng rạng rỡ khắp cả vùng trời ba miền. Đất Tây Đô phì nhiêu văn hiến, ngay từ những ngày đầu tổ tiên dày công khai hoang mở cõi, được coi là thị trấn cầm thi của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tại vùng Cần Thơ “gạo trắng nước trong” này từng xuất hiện những tài hoa nghệ thuật, đã đem trí tuệ, tài năng đóng góp hết mình cho sự nghiệp giải phóng nước nhà khỏi ách thống trị của ngoại bang. Đó là Lưu Hữu Phước và Mai Văn Bộ trong bộ ba “Hoàng – Mai – Lưu” (còn gọi là “Huỳnh Minh Siêng”), mỗi người mỗi vẻ độc đáo riêng nhưng đã trở thành một hợp thể đẹp tạo nên dấu ấn son sớm nổi tiếng cả nước trong môi trường văn hóa nghệ thuật cách mạng suốt cả hai thời kỳ đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc Việt Nam.
Huỳnh Văn Tiểng (1920-2009) gốc người Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh, vùng địa đạo nổi tiếng trong thời kỳ đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Huỳnh Văn Tiểng ngay từ thuở tuổi đôi mươi, đã hoạt động hăng say trong các phong trào học sinh, sinh viên yêu nước tại Sài Gòn bằng bài hát, ca kịch và truyền bá quốc ngữ. Khoảng thời gian năm 1944-1946. Huỳnh Văn Tiểng là Ủy viên Đảng Đoàn phong trào Thanh niên tiền phong tại Sài Gòn, đã tham gia giành chính quyền nơi đây trong Cách mạng tháng Tám. Ông từng là Ủy viên Ủy ban Nhân dân Nam bộ và là Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ (do Trần Văn Giàu làm chủ tịch), Đại biểu Quốc hội khóa 1, 2, 3, 4, 5 (1946-1975).
Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng.
Năm 1950-1954, Huỳnh Văn Tiểng là Chủ tịch Hội Nhà báo Nam bộ. Năm 1955-1975, ông làm Phó Tổng biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, Giám đốc Vô tuyến Truyền hình Trung ương, sau đó là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Việt Nam kiêm Giám đốc Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh và là Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết và Hữu nghị các dân tộc thành phố Hồ Chí Minh cho tới ngày nghỉ hưu.
Trong số sáng tác của nhóm Hoàng – Mai – Lưu, Huỳnh Văn Tiểng là người đã đặt lời cho những ca khúc Lên đàng, Giải phóng miền Nam… và những vở ca kịch Lê Linh, Đêm Côn Sơn. Và ông cũng là đồng tác giả với GS. Bùi Đức Tịnh trong Tuyển tập “Hoàng – Mai – Lưu”.
Với những đóng góp nổi trội cho đất nước, Huỳnh Văn Tiểng đã nhận danh hiệu, tôn vinh xứng đáng như Huân chương Độc lập hạng 2; Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng 1; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng 1; Huy chương Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc; Huy chương vì sự nghiệp Báo chí; Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.
Mai Văn Bộ (1918-2002) là người Thốt Nốt, quận trấn cách xa Cần Thơ 40 km về hướng Long Xuyên. Đến tuổi trưởng thành, Mai Văn Bộ kết duyên với con gái của Đốc học Phan Văn Nga, tỉnh Biên Hòa – Phan Thị Kỷ vốn là hoa khôi trường Áo Tím (Gia Long), Sài Gòn. Trong bộ tam sên nghệ thuật Hoàng (hay Huỳnh) – Mai – Lưu, Mai Văn Bộ là ngòi bút chủ lực, đảm trách phần viết lời với Lưu Hữu Phước các bài ca “Ải Chi Lăng”, “Bạch Đằng giang”, “Tiếng gọi thanh niên” (từ Sinh viên hành khúc – “La marche des étudiants”.
Mai Văn Bộ từng ở trong ban Chấp hành Tổng hội Sinh viên Đông Dương, và là trưởng ban Biên tập tờ báo Manôme của Tổng hội, phụ trách tuần báo Thanh Niên do Đảng lãnh đạo, và tờ báo Tiến của tổ chức Thanh niên Tiền phong. Năm 1945, Mai Văn Bộ ra chiến khu miền Đông, phụ trách tờ báo “Quyết Chiến”. Cùng Năm Châu, Trần Hữu Trang, Ba Vân và một nhóm nghệ sĩ yêu nước xây dựng gánh hát Năm Châu, cơ sở sân khấu đầu tiên của Việt Minh trong giới nghệ sĩ ở nội thành Sài Gòn. Phụ trách Đài Phát thanh Tiếng nói Nam bộ. Năm 1954, Mai Văn Bộ là thành viên của phái đoàn quân sự với Ủy ban Quốc tế giám sát đình chiến ở Sài Gòn. Năm 1973, tham gia trong phái đoàn VNDCCH ký hiệp định Paris về hòa bình tại Việt Nam. Sau ngày thống nhất đất nước, Mai Văn Bộ được bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam lần lượt tại Ý, Pháp. Bỉ, Hà Lan và Luxembourg. Là một trí thức, học giả Nam bộ, ông cũng đã chủ biên và viết nhiều tác phẩm giá trị  (1)
Danh hiệu, tôn vinh: Huân chương Độc lập hạng 2; Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng 1; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng 1; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Lưu Hữu Phước (1921-1989), có lúc ký với bút danh Huỳnh Minh Siêng, Long Hưng, Anh Lưu, Hồng Chí. Lưu Hữu Phước sinh ra tại Ô Môn, cách thành phố Cần Thơ 20 km theo quốc lộ hướng An Giang, tại khu vực nằm bên cạnh tuyến lửa Vòng Cung lịch sử một thời, Ô Môn là một vùng đất anh hùng, giàu truyền thống cách mạng, quê hương của những văn nghệ sĩ, nhà giáo yêu nước như Trần Kiết Tường (2), Châu Văn Liêm (3), Trần Thanh Giao (4)…
Thuở nhỏ, tại Cần Thơ, Lưu Hữu Phước vừa học chữ vừa theo học đàn kìm, về sau chơi được cả đàn mandoline, guitare và mày mò tự học lý thuyết âm nhạc. Năm 1940, Lưu Hữu Phước ra Bắc học ngành Y Dược, nổi tiếng rất sớm trong lĩnh vực âm nhạc và hoạt động mạnh mẽ trong phong trào sinh viên yêu nước tại Hà Nội. Nhiều bài hát khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần vùng dậy đấu tranh lần lượt ra đời: Tiếng gọi thanh niên, Lên đàng, Bạch Đằng Giang, Ải Chi Lăng, Hội nghị Diên Hồng… Năm 1945, Lưu Hữu Phước về lại Sài Gòn tham gia tổ chức Thanh niên Tiền phong, Mặt trận Việt Minh… luôn gắn chặt sinh mệnh mình với sự nghiệp phục vụ cách mạng và dân tộc. Về sau, ông trở thành nhạc sĩ, giáo sư, viện sĩ Hàn lâm nghệ thuật. Ông từng giữ qua các chức vụ cao quý: Chủ tịch Hội đồng Âm nhạc quốc gia, Phó Chủ tịch đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Lưu Hữu Phước là nhạc sĩ lớn sở hữu một khối lượng đồ sộ, đa dạng tác phẩm văn hóa nghệ thuật. Trên 35 bản tráng ca (5), hùng ca lịch sử, chính ca, lãnh tụ ca có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật như Thanh niên hành khúc, Lên đàng, Hồn tử sĩ, Giải phóng Miền Nam, Tình Bác sáng đời ta, Ca ngợi Hồ chủ tịch (lãnh tụ ca)…; 4 ca cảnh (trong đó nổi bật là tác phẩm “Hội nghị Diên Hồng”, 2 ca kịch và 1 kịch múa “Hái hoa dâng Bác”. Sau năm 1975, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã viết tiếp “Châu Văn Liêm hành khúc” cho học sinh ngôi trường cùng tên tại Tây Đô cùng hát với quốc ca trong lễ chào cờ vào sáng thứ hai mỗi tuần.
Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước.
Được coi là con chim đầu đàn trong hàng ngũ nhạc sĩ cách mạng tiền phong, có nhiều tác phẩm giá trị cao về nghệ thuật và tư tưởng, Lưu Hữu Phước đã nhận được những danh hiệu cao quý và sự tôn vinh xứng đáng. Nhiều huân chương, huy chương trong đó có: Huân chương Độc lập hạng 1 (1987); Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt I (1996). Tên của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước được đặt cho một công viên rộng lớn 20.055m2 tại Quận Ninh Kiều – Thành phố Cần Thơ; một trường Trung  học Phổ thông tại Quận Ô Môn -Thành phố Cần Thơ và một con phố ở Hà Nội nằm trong khu Đô thị Mỹ Đình II.
Vào khoảng năm 1935, Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ và Huỳnh Văn Tiểng rời quê nhà đến cùng học tại trường Pétrus Ký, Sài Gòn. Là những người trẻ tuổi, dạt dào sức sống và đồng thanh khí, họ có cơ duyên để kết thân nhau thành bộ ba Hoàng (hay Huỳnh) – Mai – Lưu và thành lập Câu lạc bộ học sinh (Scholar club) tại trường. Đây là đầu mối hội tụ những học sinh, sinh viên có tư tưởng tiến bộ. Với lòng yêu nước sục sôi thôi thúc, là linh hồn rực lửa và mũi chông sắc bén của nhóm, Lưu Hữu Phước sáng tác ngay trước tiên bài hát “La marche des étudiants” (Sinh viên hành khúc) vào năm 1939. Bài hát ra đời như đứa con đầu lòng mang máu thịt, hồn cốt và hơi thở của tác giả, phổ theo điệu Marche giục giã của nhịp quân hành. Lời ca bằng tiếng Pháp trong sáng, điêu luyện của Mai Văn Bộ, sau khi được thông qua nhóm, dùng làm bài hát chính thức cho Câu lạc bộ, nhằm mục đích kêu gọi thanh niên lên đường đuổi giặc ngoại xâm, giải phóng quê hương. Ta còn nhớ lại, vào thời bấy giờ, những gia đình khá giả ở Nam bộ thường cho con em ra Hà Nội học ngành Y-Dược, thuộc trường Đại học Đông Đương (L’Université de l’Indochine). Bộ ba Hoàng – Mai – Lưu tiếp tục “hành phương Bắc” để hiện thực hóa ước mơ theo lý tưởng cách mạng, do yêu cầu của tổ chức, trong gian khổ đấu tranh, mỗi người có phải công tác trong hoàn cảnh khác biệt, không gần gũi bên nhau nhưng lập trường chính trị, lý tưởng yêu nước đấu tranh vì đại nghĩa dân tộc của họ vẫn đinh ninh, nhất quán trước sau như một.
Từ trái sang: Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ.
Tóm lại, Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng là ba nghệ sĩ tiền phong trong nhóm Hoàng – Mai – Lưu, một hợp thể sáng như thủy tinh, đẹp màu ngọc bích, tiêu biểu cho trí thức sinh viên Nam bộ trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt trước Cách mạng tháng Tám. Suốt đời, bộ ba ấy đã đem hết tài năng, tâm huyết của mình phục vụ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc ở vai trò những chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa nghệ thuật như lời dạy của Hồ Chủ tịch kính yêu: “Văn hóa văn nghệ là một mặt trận. Anh chị em văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Hoàng – Mai – Lưu chói sáng, rạng rỡ như ngôi sao ba cánh trên khung trời nghệ thuật phương Nam. Tác phẩm văn nghệ của Hoàng – Mai – Lưu, dù thuộc thể loại nào cũng hàm chứa giá trị nghệ thuật và tính nhân văn. Vì đó là tinh huyết, là khí tiết của những nghệ sĩ tài hoa yêu nước – những viên ngọc bích sáng giá trong kho tàng văn hóa dân tộc, mang dấu ấn rõ nét chân dung của thanh niên trí thức Nam bộ trong một thời đấu tranh máu lửa của dân tộc.
N.T.T
(1)  Ngoài những ca khúc viết lời cho Lưu Hữu Phước, tác phẩm riêng hoặc chủ biên của Mai Văn Bộ gồm có Hà Nội-Paris: Hồi ký ngoại giao (1993); Lưu Hữu Phước – sự nghiệp âm nhạc (1998); Chúng tôi học làm ngoại giao với Bác Hồ (1999); Con đường vạn dặm của Hồ Chí Minh (2004)…
2) Trần Kiết Tường (1924-1999), nhạc sĩ yêu nước, tác giả ca khúc Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người, Con chim manh manh…
(3)  Châu Văn Liêm (1902-1930), nhà giáo yêu nước, là một trong 6 nhà cách mạng tham gia hội nghị thành lập đảng Cộng sản Đông Dương. Châu Văn Liêm được lấy tên đặt cho một trường THPT lớn nhất tại Cần Thơ.
(4)  Trần Thanh Giao (1932-2016), nhà văn Việt Nam, tác giả nhiều bút ký và tiểu thuyết: Áo trắng
(5)  Ca khúc chính của Lưu Hữu Phước: Lên đàng, Bạch Đằng giang, Hồn tử sĩ, Tiếng gọi thanh niên, Tiến về Sài Gòn, Giải phóng miền Nam, Ải Chi Lăng, Ca ngợi Hồ Chủ tịch (Lãnh tụ ca), Dưới cờ Đảng vẻ vang, Gieo ánh sáng, Giờ hành động, Hành khúc giải phóng, Hành khúc học sinh trường Châu Văn Liêm, Hội nghị Diên Hồng, Hờn sông Gianh (1944), Hương Giang dạ khúc, Khúc khải hoàn, Kinh Cầu nguyện, Lục quân Trần Quốc Tuấn, Lời ru chim Lạc, Non sông gấm vóc, Reo vang bình minh, Thanh niên 3 sẵn sàng, Tấm ảnh Bác Hồ, Tình Bác sáng đời ta (1969), Tuổi 20, Vui xuân, Xuống đường… Ca cảnh: Tục lụy (phổ theo Khái Hưng), Con thỏ ngọc, Diệt sói lang, Hội nghị Diên Hồng…; Ca kịch: Bông sen, Phá mưu bù nhìn…; Kịch múa: Hái hoa dâng Bác…
 
6/7/2020
Nguyễn Tấn Thành
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...