Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2023

Nguyễn Đức Sơn - Mộng đã chín ngoài xa vạn dặm

Nguyễn Đức Sơn - Mộng đã
chín ngoài xa vạn dặm

Không phải ngẫu nhiên mà người ta xếp Nguyễn Đức Sơn là một trong “tứ trụ” của thi ca (Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên), một trong ba “kỳ nhân” (Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn) của miền Nam Việt Nam trước 1975! Nếu đem xếp chồng hai hệ thống tam nhân – tứ trụ ấy lên nhau, ta sẽ thấy ở đó sự xuyên nhập đáng ngạc nhiên của triết học và thi ca, triết gia và thi sĩ! Mà, nói như M. Heidegger – triết gia người Đức có nhiều ảnh hưởng lên đời sống tinh thần, tư tưởng của các yếu nhân trong hệ thống tam tài – tứ trụ kia, chỉ có thi ca mới đứng ngang hàng cùng triết học.
Chân dung nhà thơ Nguyễn Đức Sơn 
Thực ra, thi ca chính là triết học trong nhịp điệu mộng mơ của chữ. Nguyễn Đức Sơn thuộc về cả hai hệ thống, và thơ là triết học của ông đã chín từ xa vạn dặm! Đọc Nguyễn Đức Sơn đừng bận lòng vào hình tướng – cái vẻ ngoài thế tục hay cuồng thảo, một linh hồn cụng đầu tới “vô cùng” thể hiện sự lãnh ngộ thấu đáo, tự nhiên nhi nhiên chính là chân tướng của Sao Trên Rừng (bút danh của Nguyễn Đức Sơn).
Trước 1975, Nguyễn Đức Sơn đã xuất bản một số tập thơ: Bọt nước, Hoa cô độc, Lời ru, Đêm nguyệt động, Vọng, Mộng du trên đỉnh mùa xuân, Tịnh khẩu, Du sỹ ca. Sau 1975, ông vẫn sống giữa đồi Phương Bối và giữ vẹn nguyên cốt cách tư tưởng – thi ca của mình. Tập thơ Chút lời mênh mông vừa xuất bản, đánh dấu sự trở lại của Nguyễn Đức Sơn trên bầu trời thi ca Việt Nam!
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến độc giả chùm thơ của ông!
Tập thơ Chút lời mênh mông
 
Giữa mùa nắng vàng 
Giữa mùa nắng vàng hiu hắt
Về đây đôi mắt dịu hiền
Về đây cả bàn tay đẹp
Đi tìm thăm xứ người em
Ngõ hẹp lối vào gác trọ
Chiều trưa nhạt nắng bên thềm
Bỗng dưng sao lòng se thắt
Vương vương đếm mấy nỗi niềm
Gặp nhau sao mà không nói
Tuổi hiền mà cũng lao đao
Ơ kia làm sao chị khóc
Tình em vẫn như dạo nào
Chị bảo rằng đây mưa nắng
Bốn mùa em có buồn không
Em cười làm sao cay đắng
Chị ơi lệ ở trong lòng
Chị hỏi rằng đây mưa nắng
Bốn mùa em không buồn sao
Đêm đêm sao nhiều sương trắng
Em như nằm thấy kiếp nào
Chị hỏi rằng đây hoang vắng
Biết rồi em có sầu vơi
Đêm đêm ai người tâm sự
Tha hồ mà đếm sao rơi
Mai mốt chị về phố cũ
Chị ơi thương chị làm sao
Vì em có mình chị đó
Làm sao lòng không nghẹn ngào
Mai mốt chị về phố cũ
Biết lòng ngày mai ra sao
Em ngại đất trời dâu bể
Lòng ta rồi cũng bể dâu.
 
Mai kia 
Mai kia tan biến hận thù
Giữa đêm sao chiếu mịt mù phương đông
Cha về ôm cả biển sông
Duỗi chân duỗi cẳng nằm không một đời
Cho con cha hứa một lời
Đuổi mây thiên cổ rong chơi tối ngày
Thu nào tóc bạc oà bay
Có con chỉ trỏ mới hay cái già
Cúi hôn trời đất đậm đà
Cha tan theo bóng trăng tà vạn niên
 
Mang mang
Mang mang trời đất tôi đi
Rừng im suối lạnh thiếu gì tịch liêu
Tôi về lắng cả buổi chiều
Nghe chim ăn trái rụng đều như kinh
Còn một mình hỏi một mình
Có chăng hồn với dáng hình là hai
Từng trưa nằm nghĩ đất dài
Phiêu phiêu nhẹ cái hình hài bay lên
Mù sương âm vọng tiếng huyền
Có con dơi lạ bay trên cõi đời
Sau xưa mắt đã ngợp rồi
Tôi nghe tôi chết giữa trời thinh không
 
Quê hương 
tháng bảy dì về đơm nhãn
nhớ mang ra ít giạ chiêm
ruộng xưa cò bay thẳng cánh
gặt hái vừa độ trăng liềm
mười mấy năm rồi dì nhỉ
lạc loài xa mãi cố hương
giờ đây ngồi mà suy nghĩ
lòng dạ ai người không thương
quê mình ai còn ai mất
đi rồi gươm súng mùa thu
khóc mãi từng đêm lưu lạc
nói ra thêm oán thêm thù
ngõ về làm sao ngài ngại
xe cộ có dễ dàng không
kháng chiến người đi chưa lại
lúa khô héo cả ruộng đồng
ông ngoại chắc già ghê lắm
mấy người dì nữa nhưng thôi
đất cằn quê hương nứt rạn
kể thêm đau lòng dì ơi
dù sao cũng là xứ sở
đói nghèo đừng lạt tình thương
mười năm không cúng không giỗ
dì về ấm lại khói hương
tháng bảy dì về đơm nhãn
nhớ mang ra ít giạ chiêm
ở đây làm gì có bán
thấy người ta ăn bắt thèm.
 
Mây trắng 
Mẹ chết từ thu lá rụng vàng
Con về đất cũ vấn khăn tang
Mẹ ơi con điếng người bên mộ
Trằn trọc đêm dài con khóc than

Hai cõi bao giờ được gặp nhau
Tóc xanh dù trắng đến bạc đầu
Làm sao quên được sao quên được
Mẹ ở đâu rồi trên bể dâu
 
Cái đau ngàn đời
Khuya dậy hỏi đàn con nheo nhóc
Ở đâu mà lốc thốc tới đây
Thằng nào thằng nấy ngây ngây
Ngó mông ra phía rừng cây mịt mùng
Đầu ta cụng phải Vô Cùng
Phút giây trời đất hãi hùng xiết bao!
Nhưng mà dẫu làm sao cũng sống
Cựa quậy hoài một đống bên nhau
Vợ nằm nước mắt chảy mau
Tự nhiên thấu được cái đau ngàn đời
Hỡi ai xương cốt rã rời
Nằm trong xa vắng trả lời ta đi.
Nửa đời chẳng hiểu gì tất cả
Vợ con rồi càng lạ lùng hơn
Chiêm bao lớp lớp chập chờn
Về đâu cỏ mộ xanh rờn chân mây…
1/3/1972
 
Ngàn sau 
Về đây say với trăng ngàn
Phiêu diêu hồn ngập giấc vàng đó em
Trăm năm bóng lửng qua thềm
Nhớ nhung gì buổi chiều êm biến rồi
Mai kia tắt lửa mặt trời
Chuyện linh hồn với luân hồi có không
Thái hư chừng sắp chuyển vòng
Đại dương tràn kéo núi đồng tan đi
Chúng ta chờ ước mong gì
Văn minh gửi cát bụi về mai sau..
 
Trăng và mộng
Thôi trăng
Đừng vào thăm ta
Mộng đã chín ngoài xa
Vạn dặm
 
Chút lời mênh mông 
Một mai cha chết đừng chôn
Ngại chưa xuất kịp chút hồn xót xa
Cái gì cha nói chưa ra
Biết đâu còn sót trong da máu này
Tuy nhiên đừng để lâu ngày
Đốt ngay lập tức là hay nhất đời
Con mang tro bụi xa vời
Gửi cho thiên địa chút lời mênh mông
(16/11/1970)
 
Cuối thu ở Phương Bối 
Trưa đứng một mình đợi ai lên
Đất trời đâu có dưới và trên
Đồi cao ổi sót rụng một trái
Dòi ăn một bên ta một bên
(Nguyễn Thanh Tâm tuyển chọn và giới thiệu)
(Theo Thơ Hiện Thời Plus)
 
6/7/2020
Mai Ngọc Phát
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Không gian văn hóa Tây Nguyên trong thơ Bùi Minh Vũ Trong thơ Bùi Minh Vũ, không gian văn hóa Tây Nguyên được định hình bằng những tên s...