Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2023

Sự phù phiếm của thi ca

Sự phù phiếm của thi ca

Sự phù phiếm của thi ca giống như sự phù phiếm của không khí đối với sự sống của con người. Chỉ khi con người sống trong không gian ngột ngạt, tù túng mới nhận biết được giá trị của không khí và không gian thoáng đãng đối với sự sống và thế giới tâm hồn.
Nhà thơ Võ Tấn Cường 
Có một nhà thơ thuở sinh thời không xuất bản một tập thơ nào cả. Khi ông chết, bạn bè khắc lên bia mộ ông một bài thơ mà ông tâm huyết như một thông điệp gửi hậu thế và thế giới hư vô. Có một người cay đắng tự chiêm nghiệm về sự phù phiếm của thi ca.
Có một chàng thi sĩ thất tình. Người chàng yêu cắt đứt tình yêu với chàng để giữ mối quan hệ với một ông già cung phụng cho nàng nhu cầu vật chất. Chàng đau đớn nhận ra sự phù phiếm của thi ca.
Sự phù phiếm của thi ca giống như sự phù phiếm của không khí đối với sự sống của con người. Chỉ khi con người sống trong không gian ngột ngạt, tù túng mới nhận biết được giá trị của không khí và không gian thoáng đãng đối với sự sống và thế giới tâm hồn.
Điều trớ trêu là thi ca có thể nuôi dưỡng, làm phong phú tâm hồn nhưng lại không thể nuôi sống được xác thân con người. Giống như tình yêu có thể nuôi sống linh hồn nhưng lại thường gây đau đớn cho thể xác.
Thi ca bất lực trước cái chết nhưng lại có thể xoa dịu nỗi đau của con người trước sự ngắn ngủi, mong manh của kiếp người.
Thi ca tồn tại trong sự phù phiếm của chính nó trong mối tương quan với sự vật và cuộc sống. Thi ca giống như hương hoa của núi đồi của đất trời có thể trở nên phù phiếm giữa hương hoa ngạt ngào của nước hoa trong căn phòng xa hoa, lộng lẫy.
Thi sĩ thường chiêm cảm về sự  phù phiếm của thi ca trước nhu cầu tiêu dùng của con người thời hiện  đại. Việc chạy theo nhu cầu tiêu dùng khiến con người dễ trở thành nô lệ của hàng hóa và  đồ vật.
Thi ca chính là sự mộng tưởng về một thế giới đã mất và một thế giới ở tít mù phía tương lai. Thi sĩ giống như người gieo hạt giống niềm tin trên cánh đồng mộng mơ. Hạt giống sẽ nhỏ nhoi và vô nghĩa đối với một người đang đói khát. Bài thơ chỉ là xác chữ phù phiếm nếu hình tượng thi ca không được tái tạo, hồi sinh trong thế giới tâm linh của bạn đọc.
Người ta chỉ là một sinh vật sống nghèo nàn về tâm hồn nếu cuộc sống thiếu đi những điều nhỏ nhoi, phù phiếm như: một tiếng gọi yêu thương, một bàn tay ấm áp, một màn sương lãng đãng mơ hồ, một làn hương gợi nhớ một kỷ niệm xa xăm… Tôi yêu mến những sự phù phiếm nhỏ nhoi của sự vật và của thi ca. Tôi đang sống hết mình với trạng thái tình yêu của trái tim và tâm hồn tôi dành cho em và cái đẹp của cuộc đời. Trạng thái tình yêu là phù phiếm ư? Dù thế nào tôi cũng đã sống tận cùng trong trạng thái hạnh phúc và khổ đau. Giống như thi sĩ hạnh phúc và khổ đau trong chính quá trình sáng tạo. Ngẫm nghĩ về sự phù phiếm của thi ca lại càng thấy yêu những điều phù phiếm. Yêu để thêm nâng niu cái đẹp mong manh, dễ tan vỡ, để biết sống chân thành và mãnh liệt tận cùng trong kiếp người ngắn ngủi. Nghĩ về sự phù phiếm để nhận ra một điều giản dị: trước thế giới hư vô mọi thứ chẳng phải đều là phù phiếm hay sao?
V.T.C
 
6/7/2020
Võ Tấn Cường
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...