Nguyễn Vũ Tiềm - Một
hành trình văn học đáng nhớ
Trên hành trình văn học của mình nơi cõi thế, lúc 8h15 ngày
14/1/2022, ở tuổi 82, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm chia tay với bạn đọc ở cột mốc tiểu
thuyết Người tài hoa khờ dại của mình, để lại 24 tác phẩm đã phát
hành và tiểu thuyết Bùi Giáng thiên tài tự hủy đang nằm chờ in…
1. Trên báo Văn Nghệ TP.HCM ngày 1/1/1993, nhà thơ Nguyên Vũ
Tiềm đưa ý kiến “Có nên bắt đầu một mỹ tục mới”, ông viết: “Từ
ngày nhà nước xóa bỏ bao cấp, hầu hết các tác giả, các nhà văn, nhà thơ muốn in
tác phẩm của mình đều phải bằng tiền riêng […]. Cầm quyển sách đẹp, sách hay lại
có bút tích của tác giả ghi tặng mình thật quý biết bao. Nhiều bạn trân trọng,
nâng niu coi như báu vật trong bảo tàng gia đình. Nhưng giá như người được tặng
sách, sau khi đặt lên giá sách liền nghĩ đến một mỹ tục giống như khi nhận tấm
thiệp báo hỷ đi dự tiệc cưới, tiệc sinh nhật người bạn, kiếm cái phong bì nhỏ bỏ
vào đấy ít nhất là số tiền tương đương giá trị cuốn sách rồi đưa tới chúc mừng
tác giả, một việc làm vừa đẹp, vừa gói ghém trong ấy nhiều ý nghĩa”.
Đề nghị rồi chính ông lặng lẽ thực hiện. Khi tôi tặng nhà thơ
Nguyễn Vũ Tiềm cuốn sách nhỏ Sở thú mười hai con giáp (NXB Kim Đồng
1994) giá ghi trên bìa 4 chỉ 1.200đ, ông gửi lại phong bao chúc mừng đựng 5.000đ.
Tôi còn giữ thư chúc mừng viết tay và tờ tiền ấy. Trên cuốn sổ giữ tờ giấy bạc
ngân hàng ấy, tôi ghi rõ ngày một mỹ tục được thực hiện: 14/4/1995.
Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm (1940 – 2022).
2. Là người sáng lập và điều hành tạp chí Tài hoa trẻ (Bộ
Giáo dục & Đào tạo), nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm tổ chức thành công nhiều cuộc
thi, cuộc bình chọn văn thơ trên tạp chí này, để tạo điểm nhấn văn học, tăng sức
thu hút bạn đọc, qua đấy phát hiện tác phẩm và tác giả cho đời sống văn học thời
tin học, cần nhanh nhạy, chắt lọc, sắc sảo.
Cuộc thi sáng tác tổ chức năm 1997 – 1998 thu được 1.256 truyện
ngắn mini. Khi một truyện ngắn chỉ còn được viết với 1.000 âm tiết thì thói
quen, ề à lối văn kể chuyện kéo dài theo thời gian, lạm dụng trữ tình ngoại đề,
được thay bằng cài đặt, kết nối chi tiết, khắc tạc, chứ không sao chép hiện thực,
để thể hiện chủ để.
Cùng với 15.813 bài tứ tuyệt – 4 dòng – các tác phẩm truyện
và thơ dự thi như những bức ảnh “chứng minh thư” 3×4 ghi lại chân dung cuộc sống
từ rất nhiều góc độ, với chiều sâu tâm tưởng mà bạn đọc tự phát hiện như một đồng
tác giả. Những cuộc thi sáng tác và bình chọn văn học liên tục trong hơn 1.000
số Tài hoa trẻ đã khẳng định tên tuổi các nhà văn quen thuộc Định Hải, Vân
Long, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Phan Hách, Đồng Đức Bốn, Trần Ninh Hồ, Đặng Hấn…và
phát hiện những cây bút mới Lê Thiếu Nhơn, Trần Hoàng Nhân, Nguyễn Thị Ánh Huỳnh…
3. Không chỉ tạo ra hoạt động cho đời sống văn chương chung,
góp phần làm mới văn học, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm còn tích cực thay đổi cách viết
để làm mới trang viết của chính mình. Trong ngày thơ Việt Nam tổ chức ở TP.HCM
năm 2003 nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm mạnh dạn lên diễn đàn để chính thức công bố một
cách viết mới của mình – những bài ngắn vô đề, chỉ đánh số thứ tự. Đã không nhốt
mình vào một tiêu đề, tinh thần phá cách của Nguyễn Vũ Tiềm còn thể hiện ở chỗ
dù ngắn, thơ ông cũng không tự trói buộc chỉ bằng 4 dòng như tứ tuyệt kiểu
Trung Quốc hay 3 dòng theo lối haiku Nhật Bản, ông để ngòi bút tự tìm số đo loại
thể, tự “đo giầy” cho chính nó.
Không quá câu nệ khuôn thước văn bản và vần luật, thơ tự
nhiên hơn, có khả năng xuyên qua hình hài, thấu tới tinh túy, để thi đề bớt được
xác chữ giúp thần thái của những ý tưởng tới nhanh được với bạn đọc. Trong những
bài vô đề nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm trình bày trong đêm thơ, người ta nghe thấy
các chữ “cầu chì”, “máy giặt”, “thang máy”, “sinh sản vô tính”…
Ông đồ thế kỷ 21, người biết viết thư pháp chữ Nho bằng bút
lông Nguyễn Vũ Tiềm cố gắng cài đặt cho thơ một “phông chữ” mới, hiện đại. Những
bài thơ trình làng trong đêm thơ ấy sau được in thành tập Hoài nghi và hy
vọng (NXB Hội Nhà văn 2004). Trong tập, có thơ 1 dòng, nhưng là hợp lưu Phật
pháp và đời sống: “Nụ hôn màu nhiệm đừng nghĩ mặn hay chay” (Bài số 10);
thơ 2 dòng, 13 âm tiết nhưng vẫn kịp chơi chữ, phản biện và gây bất ngờ, ở từ kết
bài: “Nàng Tô Thị mong chồng hóa đá/ Đá cũng đủ màu da” (Bài số 12);
có thơ lục bát, vẽ ra được khúc khửu, khấp khểnh, khó khăn một đường đời: “Bước
đi học chỉ một năm/ Bước dừng học đến rụng răng chưa thành” (Bài số 17);
có thơ 4 dòng, hệt thơ xưa, một tứ tuyệt cổ điển, cấu tứ theo cách hóa giải
trói buộc cách ngăn không gian vô định bằng tình người rất cụ thể của một vùng
đất: “Sợi rơm vàng buộc gió/ Lá sen gói sóng hồ/ Nắng đa tình Bến Nghé/ Phải
lòng hương cốm thu” (Bài số 9).
Tiểu luận “Đi tìm mật mã thơ” của Nguyễn Vũ Tiềm.
4. Ngoài tiểu luận học thuật Đi tìm mật mã thơ (NXB
Hội Nhà văn, 2006) ngoài sách công cụ tra cứu – từ điển dẫn chứng Nghìn
câu thơ tài hoa Việt Nam (4 lần tái bản, dày 1.300 trang với chừng 6.000
câu thơ hay, xếp theo chủ điểm của 1.300 tác giả) nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm còn viết
tiểu thuyết – ký sự nhân vật Người tài hoa khờ dại (NXB Hội Nhà văn,
2020) hình tượng hóa chuyện đời, chuyện lao động nghệ thuật của một thi sĩ có
tên trong danh dách hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Đấy là một cách mời gọi, lôi
kéo bạn đọc thờ ơ với văn học cầm lên tay sách văn học, giúp họ nắm bắt lịch sử
văn học nước nhà, không qua những nhận đinh khoa học mà qua hình tượng văn học.
Có thể ví loại tiểu thuyết người thật việc thật này như là cách làm
“livestream” văn học của nhà văn lão thành Nguyễn Vũ Tiềm.
Ông viết trong lời nói đầu: “Tiểu thuyết Người tài hoa
khờ dại dựa trên những sự việc có thật diễn ra tại tòa soạn tạp chí Tài hoa trẻ…
mấy năm cuối thế kỷ 20 và vài năm đầu thế kỷ 21. Khi viết tôi hoàn toàn tôn trọng
sự thật…”. Nhưng đấy vẫn là tiểu thuyết như tác giả xác quyết ngoài bìa
sách. Và trong 336 trang chuyện kể, người viết đưa vào đầy đủ các yếu tố nghệ
thuật gây hấp hẫn mà các tiểu thuyến cần có, những mâu thuẫn do hiểu lầm, một
chuyện tình nối kết các chương, các miêu tả rất chi tiết về săn đuổi, trả thù
gây đổ máu, các kiếm tìm lạc thú ái tình…
Những hấp dẫn kia đưa bạn đọc tới gặp nhà thơ Hữu Thỉnh khi
ông tới làm việc với tòa soạn, gặp nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha khi ông kể
chuyện Hải Phòng, gặp nhà thơ Trần Nhuận Minh, khi ông giúp tác giả tiểu thuyết
vẽ chân dung nhân vật chính (Trúc Sơn) bằng thơ ở trang 24: “Bạn làm nghề
áp tải/ Đường bộ và đường sông/ Thỉnh thoảng lại gặp cướp/ Còn trộm thì… mênh
mông// Đất nước có một thời/ Kẻ gian nhiều như nấm/ Không ngờ một nhà thơ/ Lại
sống bằng nắm đấm// Đã từng cho một “chưởng”/ Những thằng đến “mổ” hàng/ Cũng từng
bị nó đánh/ Thuốc xoa vài ba thang…”.
Trên hành trình văn học của mình nơi cõi thế, lúc 8h15 ngày
14/1/2022, ở tuổi 82, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm chia tay với bạn đọc ở cột mốc tiểu
thuyết Người tài hoa khờ dại này, bước qua “Ngưỡng cửa của thế giới
chưa biết” (tên một chuyên mục mà ông phụ trách ở tạp chí Thế giới mới) đi mãi
vào hư vô. Theo lời gọi từ cao xanh, ông đi, còn để lại tiểu thuyết Bùi
Giáng thiên tài tự hủy đang nằm chờ in với một trích đoạn, đầy hấp dẫn,
đưa ra bìa 4:
“Bùi Giáng và Trịnh Công Sơn đôi bạn thân thiết. Họ đều là
thiên tài, nhưng một thiên tài tự huy và một thiên tài tự hủy. Trịnh Công Sơn
huy hoàng thì đã rõ, còn Bùi Giảng vì sao lại tự hủy? Hay cái gì đã tác động và
hủy hoại sự nghiệp của ông? Bùi Giáng có khát vọng lớn là ‘Khai sáng nhân văn’,
thực hiện ‘tư tưởng lớn vượt thời đại’ và ông đã nỗ lực không mệt mỏi: viết
sách, viết báo, làm thơ nhưng… đã 2 lần vô bệnh viện Thần kinh Biên Hòa. Bi kịch
và mâu thuẫn lớn dồn vào một con người gầy gò nhỏ bé!”.
Người viết bài nôn nóng đón đọc sách mới của nhà thơ Nguyễn
Vũ Tiềm!
Theo Trần Quốc Toàn/Vanvn
23/2/2022
Nguyễn Công Thanh
Nguồn: Vanvn
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét