Thứ Tư, 1 tháng 2, 2023

Nhân gian một cõi

Nhân gian một cõi

Bà cụ Thao nằm một chỗ đã sáu năm.
Sáu năm đủ cho thân hình cao lớn ngày xưa xọp thành khung xương, tay trái tòng teo, oặt oẹo, tay phải đơ dần, thân dưới bó chặt trong cái bỉm đại, mùa hè trùm qua cái xống đen, mùa đông giấu trong cái quần lụa hoa chân què thắt dải rút. Sáu năm ăn ngủ, di dầm một chỗ, trên cái giường nạch tre, cạnh bàn thờ, gian ngoài.
Sáu năm từ khi nằm liệt. Còn nếu tính từ khi bà bị rệt nửa người thì cũng ngót mười năm. Bà nhớ rõ, dạo ấy, bà kêu với thằng Cả: “Tao thấy cái tay tê tê”. Nó át đi: “Bà cứ khéo òn. Lúc nào bà chẳng kêu đau”. Ừ thì đúng là bà hay kêu thật. Hôm trước đau đầu thì hôm sau phải chuyển xuống đau chân, hôm sau nữa là đau lưng, đau gối. Nhưng nếu không kêu thì ngoài con vợ nó hỏi han rồi lại cắm mặt vào mấy sào ruộng bãi, vào mấy ao cá, vào tum vịt đẻ ngoài trại, nó nào còn nghĩ đến bà.
Nhà văn Nguyễn Hải Yến
Lần ấy, quả thực bà không òn nhưng thằng con quen nết cứ lờ đi vì biết nếu hỏi thêm kiểu gì bà cũng sụt sùi: “Ngày xưa tao gánh năm sào gặt mùa đi phay pháy chứ đâu như giờ”. Rồi hờ chồng, hờ mấy thằng con chết yểu, đòi đi theo cho đỡ khổ. Nhộn lên. Cho đến tận khi bát cơm trên tay bà rời ra, rơi choang trên nền gạch, cái mồm móm hóp xệch lên trên, thìa nước canh húp vào xuôi theo nếp mép giàn xuống cổ, chúng nó mới tam tinh tá hỏa gọi xe đưa bà đi bệnh viện. Nhìn lũ cháu gái cuống cuồng vơ vội mấy cái áo cánh, quần què, bịch dầu gió nhét vào cái bị cói vá gần chục mảnh bóng màu mồ hôi của bà, nhìn con mẹ Cả xớn xác phóng cái xe đạp tàng đi gọi người bán đôi lợn nhỡ mà bà hả hê: “Bà khỏe mạnh, chúng mày nhàn quen thói. Giờ bà thử ốm một trận cho chăm sóc xem sao”.
Nhưng đận ấy bà không ốm thử mà ốm thật. Hơn bảy chục năm trời, đấy là lần đầu tiên bà phải nằm bẹp trên cái giường sắt hoen rỉ của bệnh viện tỉnh già nửa tháng. Hơn bốn chục cây số dưới quê, thằng Cả nằm bệnh viện huyện, con vợ vừa chăm chồng, vừa cắm mặt vào gà, vịt, ao, đầm, thi thoảng mới nhảo lên. Trông nom bà dồn vào tay vợ chồng thằng Thứ. Cũng từ đận ấy, bà càng ghét thậm đứa con dâu thành phố. Rặt giống óng suốt. Nó cậy là bác sĩ, dạy bà như dạy con nó: “Bệnh của bà phải kiêng mỡ, kiêng trứng, không được ăn mặn”. Trần đời là cái giống nhà nó. Bà ốm, nó nấu cho bà ăn bữa nào là có ruốc bữa ấy. Cơm ruốc, cháo ruốc, bánh mì ruốc, canh cũng trần sì một món lá ngải rắc ruốc, nhạt đớ mồm. Chả bén gót cho con mẹ Cả, lôi thôi sồi sộc thế nhưng sáng nào trước khi ra đồng cũng ghé qua giường bà hỏi: “Hôm nay bu thích ăn gì?”. Cũng chỉ có nó thâm hiểm xúi giục thằng Thứ – thằng bé từ xưa vẫn ngoan ngoãn nghe lời bà – đùng đùng lật đầu giường bà nằm, lôi trong cái bị rách ra bọc thuốc tây to bằng quả bưởi Diễn, to nhỏ, tròn dài, đen, xanh đủ loại, quát vào mặt bà: “Bà có biết vì sao bà nằm liệt, càng chữa càng nặng không? Đây này! Thuốc đưa cho bà uống, bà vứt đi đây này. Bà có biết mấy trăm nghìn một viên thuốc này không. Bà bao nhiêu tuổi rồi mà còn sợ thuốc đắng? Bà uốn éo vừa thôi! Bà mà là thằng Tú nhà con, con quật cho nát đít ra rồi!”. Trần đời! Quá bà là con nó! Ừ thì tính bà vốn sợ thuốc. Thấy thuốc là thấy đắng. Bà dúi vào đấy, định lúc về quẳng xuống ao phi tang. Nào ngờ, con thành phố ấy phát hiện ra, húi chồng mắng bà. Bà thù nó đến tận bây giờ. Về thăm bà, quà to, quà nhỏ, chào từ ngoài cổng chào vào bà cứ ậm ờ, giả điếc, giả lẫn, không thèm tiếp.
Nhưng cũng từ bữa ấy, bà mới ngộ ra rằng ốm thì phải uống thuốc. Bệnh của bà lại càng phải uống nhiều. Thế là đến lượt bà phải giục chúng nó. Ngày nào không uống vài viên là bủn rủn, khó thở, tưởng chết đến nơi. Riết thành nghiện, cứ nuốt sống, chẳng cần nước. Cái bọc nilong đầu giường căng phồng lên đống vỏ hộp tích lại. Để ai vào, bà đưa ra khoe: “Bác xem, không có thuốc tôi chết non rồi”. Đứa nào đứa ấy cũng chăm chắm, lồi mắt ra nhìn đống vỏ hộp. Có đứa còn kêu lên kinh ngạc: “Sao bà lắm  B1 thế này!”
***
Có tiếng cổng lạch cạch, guốc gỗ lộc cộc, dõi cửa sắt rút qua then đánh “soạc” rồi cửa chính bị kéo bung ra. Bà cụ Thao hé mắt, nhập nhèm nhìn. Cái dáng đậm, lùn là con mẹ Út. Bà biết thừa nhưng vẫn giả vờ phều phào: “Đứa nào đấy?”. “Con đây. Bà cứ hay lẫn”. “Chị đi đâu?”. “Con đi thay giặt cho bà”.
Bà hỏi cho có chứ nhìn nó mồm đeo khẩu trang, tay lồng đôi găng cao su, quần xắn đến đầu gối là biết ngay nó vào thay rửa cho bà. Cái giống nhà nó sợ bẩn, sợ mùi. Giá như ngày xưa, bà bắc ghế chửi cho ủng mả. Nhưng giờ…
“Chết nỗi! Sao bà lại ướt lên đến tận gáy thế này! Xem nào! Biết ngay mà! Con đã bảo bà là không được dứt bỉm ra. Xé lung tung thế này, làm sao nước đái chả lên đến tận đầu. Chết thôi! Bà lại làm gì nữa đây?”. “Tôi có làm gì đâu!”. “Bà không làm gì mà tay lại dính đầy phân thế này!”. “Chị điêu toa vừa thôi! Tổ sư bố đứa nào bôi cứt vào tay bà!”.
Điệp khúc chửi đứa khốn nạn nào bắt đầu. Con mẹ Út quen tính, lẳng lặng gỡ cái áo mưa mỏng dính, chấm bi hồng treo sẵn ngoài hiên tròng vào người, rồi nửa nâng, nửa đỡ, nửa kéo bà vào phòng vệ sinh cơi ngay cạnh đấy, xả nước ào ào. Bà cụ Thao vẫn lầm bầm chửi. Bà chửi bé để còn giữ sức chửi dai. Bà chửi cái đứa âm hiểm nào. Rõ ràng, vừa hôm qua, bà còn cõng mẹ chồng bà rũ như xác chết từ đống Mả Mồ về, sau khi chứng kiến từ đầu đến cuối cảnh cụ Chánh – bố chồng bà run rẩy, trầy trật tự đào huyệt cho mình giữa đống đất bùn nhầy nhụa, trong cái rét ngằn ngặt mùng bốn tết đại hàn làm tím thâm từng mảng da thịt sau manh áo rách tả tơi. Rồi bị Đội Cang trói giật cánh khuỷu, lôi ra sát bờ huyệt, thay mặt các ông bà nông dân xám ngoét đang ngồi dúm vào một góc, đọc cáo trạng tố địa chủ cường hào, nã đủ ba phát súng lục thi hành án tử, đạp cụ ngã sấp mặt xuống lỗ huyệt vừa đào. Bà điên cuồng chồm qua người mẹ chồng chết ngất, bò lết đến bên bờ huyệt điên cuồng gọi: “Thầy ơi! Thầy ơi!”. Và thấy cụ Chánh trong những nỗ lực cuối cùng đã lật ngửa được người lên. Bùn và máu tràn vào, lấp gần kín đôi mắt vẫn mở trừng trừng, đôi môi thâm đen mấp máy nhưng rồi ngay lập tức bị một xẻng đất hắt ập xuống phủ kín. Bà rít lên sòng sọc lao về phía Đội Cang – kẻ vừa hất xẻng đất đầu tiên chôn cụ Chánh vẫn đang quằn quại. Bà không nhớ bà gào lên những gì, làm những gì, chỉ thấy cái mặt trâu dái của Đội Cang tái ngoét lại, tay đặt lên khẩu súng ở lưng quần, chân đi giật lùi, mồm lắp bắp: “Con này láo, dám chửi đội!”. Rồi ai đó kéo chân bà giật sấp xuống, dúi mặt vào đống đất bùn, thì thào: “Im! Nó bắn chết bây giờ!”.
Bà cụ Thao thành chủ gia đình từ hôm ấy, từ khi tỉnh dậy, lầm lũi cõng mẹ chồng oặt như xác chết về nhà trong bóng chiều nhập nhoạng, đặt xuống cái chõng tre mọt ngoài giại, quát thằng em út cố rặn, đái vào cái bát sành, ghè miệng cụ bà đổ vào. Quát lũ em đang bâu xung quanh, khóc như ri, thổi nùn rơm, châm cái chổi sể cháy đùng đùng. Rồi cụ Chánh bà cũng tỉnh dậy, thản nhiên, ráo hoảnh, vấn tóc cho gọn, lận từ thắt lưng ra đồng hào lẻ cuối cùng: “ Thằng Út ra quán cụ Rào mua thẻ hương thắp cho thầy mày. Thầy mày chết hơn bốn giờ chiều mùng bốn tết. Chết đói. Mẹ Cả ra vườn, moi trong ruột đống rơm, u giấu hai chĩnh gạo. Thổi hết cúng thầy rồi cho các em nó ăn. Thằng Thứ, đi theo u!”. “Đi đâu hả u?”. “Đi bắt gà thịt làm cơm cúng thầy”. “U ơi! Gà của đội.”. “Đội nào? Gà nhà mình nuôi. Đứa nào nhận xằng u giết nó!”. Cụ Chánh bắt cả ba con gà còn sót lại trong cả đàn gà trăm con đội nhận nhưng chưa kịp tẩu tán hết, vặn ngoéo cổ, quẳng ra sân.
Mùi hương lan theo chân mẹ Cả, không thơm mà phảng phất tanh. Hai người đàn bà chìm trong bóng tối gian thờ lập lòe đốm chân hương đỏ. “Ông ơi! Ông chết oan uổng quá! Ông sống khôn, thác thiêng phù hộ cho con cháu qua được đận này, phù hộ cho thằng Cả tìm thấy đường về. Sau này mẹ Cả nó thay tôi giỗ tết. Nó gọi thì ông về!”. Rồi quay sang con dâu: “Xuống dọn cơm cho các em nó ăn đỡ tội. Đói mấy ngày hôm nay rồi!”. Khi lũ em chồng lít nhít bằng đít bằng đầu quây quanh cái sàng ngả vội trên nền bếp, bà Thao mời vóng lên nhà: “U ơi! U xuống ăn cơm!”. Im lặng. Một luồng điện lạnh chạy dọc sống lưng xuyên lên gáy, bà nhào lên nhà trên. Tối om. Hương tanh phảng phất. Trong căn buồng chốt cửa, cụ Chánh thắt cổ chết bằng chính cái ruột tượng của mình. Chỉ tích tắc thôi mà không cứu kịp. Bà thay rửa cho mẹ chồng. Lau chùi sạch sẽ tất cả những dơ bẩn cụ Chánh trả nợ đời trong tiếng  lũ em chồng khóc như ri. Bố mẹ chồng chết cùng một ngày. Bà Thao thành chủ gia đình, gánh năm đứa em từ ấy.
***
Bà cụ Thao thành người ngoa ngôn cũng từ ngày ấy.
Ông cả Thao phiêu dạt mấy năm từ đận loạn, sửa sai xong mãi mới lần về, xung vào đội quân năm đứa em và sau này là ba đứa con giai giống má (sau khi bỏ hai đốt đầu và mụn chấy rận rốt lòng) đi nhẹ, nói khẽ, cười đúng lúc, nhường quyền to tiếng trong nhà cho người duy nhất là bà. Đứa nào lơ mơ, bà chửi cho ủng óc. Mà chửi có cữ – mỗi ngày  một lần. Chửi có giờ – đông sớm thì sáu giờ, hè muộn tầm bẩy giờ. Nắng cầm theo cái quạt mo nặng trịch, khâu viền bằng vải diềm bâu, mưa đội thêm cái nón mê vá dễ đến hàng chục mảnh, bắc cái ghế đẩu cạnh cổng, de mặt về phía nhà đội Cang mà chửi. Bà tích tội lũ em, lũ con từ bảnh mắt đến tối sờ, sắp lại thành bài, bao giờ mở đầu cũng bằng: “Cha vạn đời tổ mày…”. Tội trước bắt vào tội sau, nhịp nhàng, réo rắt, kết thúc một câu bao giờ cũng ngân dài như hát. Nếu không phải người trong cuộc bị chửi thì nghe cũng vui tai. Mà thực ra, lũ người trong cuộc bị chửi cũng quá quen, cứ lẳng lặng, bình thường mà làm việc. Đứa băm bèo cứ hục đầu vào mà băm, đứa sa rổ sề rau lợn cứ cắm mặt vào mà ngoáy để tra nồi cám bộng, đứa thắp cái đèn dây treo trên đầu giại, đừng có để trong nhà hút lũ thí thân. Ông Thao lạch cạch mâm bát để sẵn, chờ bà chửi xong là ăn cơm. Ai cũng biết bà mượn chuyện nhiều người để chửi một người. Chuyện thằng Cả lười, gánh phân trâu hôm nay không đầy giàn như hôm qua. Cái ngữ tinh ăn mù làm ấy chỉ có đi ăn mày. (Ấy là bà nói móc đời ông đội Cang phiêu dạt tận đâu, ăn mày về chợ Cuối). Chửi chú Út rút không đủ rạ, đang nấu cơm phải hùng hục chạy ra cây rơm vơ thêm, có ngày cháy bếp, cháy nhà ra đầu đường mà ở. (Bà móc đến đời bố đội Cang, dựng túp lều đầu Cầu Quán, chui ra chui vào, lưng chạm ngõng cửa). Chửi thằng Thứ nhà bà là thằng mõ, nhà hàng xóm chuyện gì cũng biết. (Nhà đội Cang là dân ngụ cư, truyền đời làm sái mõ). Mùng một tết bà còn chửi cả ông Thao chiều con, chiều em cho lắm, giấu bà may cho mỗi đứa một cái quần xanh chéo, một cái áo diềm bâu, hôm nay lôi ra mặc cả lũ. Chiều cho lắm vào rồi sau này đi làm cướp. Cướp của nhà người ta rồi cũng phải móc họng ra mà trả. (Ấy là bà móc đến đội Cang, tịch thu của nhà bà nào quang, nào gánh bát đĩa, đỉnh đồng, sau này lạy lục giả lại bà mà bà chưa thèm nhận). Lâu rồi thành lệ, tầm ấy không thấy tiếng bà, ông cụ Kiểm lại hỏi vóng qua hàng rào dâm bụt lơ thơ: “Bác Thao hôm nay đi đâu đới?”. Hay: “Mẹ Thao ốm à?”.
Ròng rã như thế dễ đến hơn 10 năm, rồi thưa dần. Phần vì lũ em đã lớn, đã đi bộ đội hết dù đứa nào cũng phải qua dăm bảy lần viết đơn (con cháu địa chủ phải xét kĩ). Phần vì chống Mỹ đang đến hồi gấp rút, ông Thao lại mất sớm, nhà neo người. Phần vì xã vào góp ý: “Bây giờ văn minh rồi ai lại chửi như hát hay như thế, còn gì là hình tượng bà mẹ hậu phương”. Và cũng bởi giời kia đất nọ, đội Cang đang khỏe mạnh bỗng lăn cổ ra chết sau khi nghe đủ chừng ấy năm những bài cạnh khóe, móc mả của bà, để lại mụ vợ lúc nào cũng héo rầu rầu như con sâu ruột và đứa con gái gầy toắt, mỏng như hình nhân thế mạng. Bớt chửi, bà bảo là bà nghe lời xã, nhưng thực ra, tháng đôi lần, thấy cái gì ngứa mắt, bà lại lôi bài: “Cha vạn đời tổ mày…”. thốc cho một trận cho bõ ghét.
***
Bây giờ bà ở với vợ chồng thằng Cả – cái thằng năm mười sáu tuổi, trong lệnh tổng động viên, trốn nhà đi bộ đội,  kéo theo thằng em hai năm sau cũng a dua, a tòng nửa đêm gỡ rào đi theo. Ơn giời, sau bảy lăm, chú cháu nó sớm muộn về đủ mặt, kể cả thằng Cả mười năm sau mới lần về mang theo mảnh đạn trong đầu, lúc điên, lúc tỉnh. Lúc tỉnh khôn như dí, ăn nói, chỉ đạo đâu ra đấy. Lúc điên, nửa đêm đông cắt thịt cũng ra giếng thơi dội nước ào ào, đập phá, chửi bới rồi bỏ đi. Chán lại lần về.
Năm đứa em, hai thằng con lần lượt một tay bà dựng vợ, cắt đất làm nhà. Đất cha ông tổ nghiệp, bà sống chết giữ lại, đứa nào có phần đứa ấy, không ở thì để làm vườn. Tuyệt không được bán. Nhờ giời trên dưới yên bề. chỉ trừ thằng Cả dền dứ, dằng dai, tai ngược chuyện vợ con. Giời xui đất khiến, nó hẹn hò với con gái đội Cang lúc nào mà bà không biết. Nếu biết bà đã thốc phách chửi cho tịt ngay từ đầu. Mười sáu tuổi, thằng Cả đi bộ đội rồi bặt tin gần 20 năm. Gần hai mươi năm ấy, biết bao lần bà hoặc nói thẳng vào mặt, hoặc bóng gió xa xôi rằng cái dạng gái ế xưng ế xỉa ấy trông thấy bà ở đâu thì tránh cho xa, đừng để bà gặp đâu xúi đấy. Đi gánh rạ thì đứt quang, tát nước mạ cũng lở bờ, thậm chí dỡ khoai cũng cuốc vào chân. Cái nhà vô phúc, có mỗi mụn con gái thì ế chồng. Ông giời có mắt đấy. Bởi thế cho nên, tuy nhà đội Cang ở ngay đầu ngõ nhưng cái cửa sổ song gỗ trổ ra ngoài đường bao giờ cũng đóng, gian nhà hai chái mốc thếch rêu xám lầm lũi hai bóng người. Lúc nào giáp mặt bà, mẹ con nhà ấy cũng chào: “Bà đi đâu đấy?”. “Bác đi chợ ạ?”….đủ vẻ nhưng chẳng bao giờ bà bắt nhời. Cái ngữ chúng mày không xứng.
Thế mà…
Thằng Cả về. Ồn ào một thời gian rồi yên ắng xuống, đủ để cả nhà, cả làng trên xóm dưới nhận ra nó nửa điên nửa tỉnh. Một thời gian nữa để biết nó là thương binh nặng, có người chăm sóc riêng ở một trại thương binh mãi trong miền Nam. Nhớ nhớ quên quên mà dám bỏ trại lần về quê cũ. Lúc tỉnh táo, nó đòi lấy vợ. Một sống một chết đòi lấy con gái đội Cang. Bà rít lên sòng sọc, chỉ tay vào mặt nó: “Bà cấm tiệt cái giống ấy. Có bà không có nó. Con gái làng này chưa chết hết”. “Chưa chết nhưng chỉ có cô ấy đợi con gần hai chục năm rồi!”. “Ai khiến nó đợi. Giờ ế lõ ra. Không bám vào mày thì chết già!”. “Bu đừng nói thế. Tội người ta!”. “Cha vạn đời tổ mày…Mày cấm bà được nói à?”. Bà cụ Thao vỗ hai tay vào đùi phành phạch, gào lên. Thằng Cả không nói nữa, im lặng lủi ra. Nhưng hôm sau, đúng mười hai giờ trưa, anh em, chú cháu nó về đủ mặt. Giời kia đất nọ. lần đầu tiên chúng nó về phe nhau làm phản bà. Thằng Út – cái thằng được bà cho ăn học tử tế nhất, làm kĩ sư trên thành phố còn nói: “U phong kiến vừa thôi. Ai làm sai người ấy chịu. Bác Cang chết lâu rồi,  u thù mãi làm gì cho già sớm. Mà u tính, anh Cả lớn tuổi, lại thần kinh nặng, có chị ấy lấy chứ đứa nào ngu nó lấy. Lúc tỉnh thế này, lúc điên ai chăm. U có sống được mãi không mà giữ giá làm nộm?”. Trần đời! Bà tức lộn máu mà mấy thằng chú nó còn hùa theo: “Đúng chị ạ. Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào. Ngăn cản chúng nó làm gì. Mang tiếng ác”. Làm phản thật rồi! Không coi ai ra gì thật rồi!  Bà lăn đùng ra cái chõng tre gào ầm lên. Bọn phản tặc lủi nhanh như trạch bởi chúng biết, lúc bà chửi là lúc bà minh mẫn, sáng suốt, còn khi bà khóc là đã rối trí lắm rồi.
Hôm sau, ai vào việc nấy. Đám cưới liền tay chưa đầy tuần đã xong xuôi, cũng là đám đầu tiên bà lấy cớ ốm, nằm lì trong buồng, kệ thây chú cháu nhà nó. Thử xem không có bà cứt có lộn lên đầu, người ta có chửi cho không?
***
Nhưng không có bà mọi việc vẫn đâu vào đấy. Đám cưới thằng Cả hóa ra lại to nhất nhà. Chú Út phục viên, làm văn hóa xã tha về bộ loa đài. Rạp bắc từ đầu ngõ nối sang nhà cô dâu, không chỉ lũ trẻ con rỗi việc mà cả bọn lớn nhồng nhồng rửng mỡ cũng nhao vào hát ông ổng mấy ngày. Không lấy cớ ốm thì bà đã nhao ra chửi cho tan rạp. Nước chè tươi nồi này ra, nồi kia vào. Kẹo bột, kẹo dồi mấy thím dâu tự nấu, đĩa nào đĩa ấy đầy có ngọn. “Cả nhà còn mỗi thằng Cả. Phải đàng hoàng!”. Chú lớn chỉ đạo. Anh em, con cháu răm rắp nghe theo. Cả xóm vui như hội. Nhờ giời mấy hôm cưới nó không lên cơn. Rước dâu về còn xung phong lên hát tặng quan viên hai họ: “Rất dài và rất xa. Là những ngày thương nhớ…”. Đúng đến chỗ: “Pháo anh lên đồi cao…” thì con cháu đi tiếp nước, vướng chân bật dây loa, tịt ngóp. Cười vỡ rạp. Bà nằm tận trong buồng cũng phải bật dậy: “Cha vạn đời tổ cái thằng điên!”. Nhưng rồi bà chợt tủi thân. Chú cháu nó quên bà rồi! Giá kể có đứa nào vào dìu, bà cũng miễn cưỡng mà ra. Đằng này cứ tớn lên vì cái con sâu ruột ấy. Để rồi xem  ở với bà được mấy bữa?
Nhưng rồi con mẹ Cả ở với bà đến giờ ngót ba mươi năm. Ba mươi năm cơm bưng nước rót, gọi dạ bảo vâng, cúc cung tận tụy phục vụ bà, phục vụ thằng chồng dở ngô dở ngọng, nuôi ba đứa con gái gầy nhẳng, khô quắt như mẹ và nhao nhác với hàng mẫu ruộng bãi ngoài triều. Cưới về hôm trước, chưa để bà chửi ngày nào, thằng Cả đã lên cơn. Mà đổn đời, ma xui quỷ khiến, không đập phá, không bỏ đi như trước,  chỉ lao vào đánh vợ như đánh kẻ thù bằng đủ mọi ngón đòn đặc công của nó. Ngày đầu, con vợ rúm vào một góc chịu đòn, hộc máu mồm, máu mũi. Bà lao vào, ăn nguyên một cái đạp của thằng con giai máu mủ đang lồng lên như con thú điên. Hôm sau, gượng dậy được, bà nhao ra sân, giật tung cái nón rách con mẹ Cả đang đội sùm sụp, che đi nửa khuôn mặt bầm tím mà gào lên: “Cha vạn đời tổ mày… Mày ăn bát cơm hay bát cứt vào mồm mà mày ngu thế! Nó đánh mày thì mày phải biết chạy đi chứ. Đứng đấy cho nó đánh vào chỗ hiểm, chết sặc gạch ra thì lại bảo nhà bà thất đức!”. Mẹ Cả khuỵu xuống. Hai bu con cùng khóc.
***
Sáu năm bà cụ Thao nằm liệt một tay mẹ Cả thay giặt, cháo cơm, không khiến đến ai. Chỉ lúc nào cùng lắm mới đến lân con mẹ Út cạnh nhà. Một năm chả mấy bận nhưng nó đã trữ sẵn đồ nghề găng tay, áo mưa, khẩu trang. Như hôm nay.
“Mẹ Cả đâu mà đến phiên chị?”. “Bác trai hôm qua lại lên cơn bà ạ! Bác Cả gái bị đánh gẫy xương sườn, phải nằm viện. Con thay giặt cho bà rồi đi làm. Bà không được rứt bỉm ra nữa!”. Nó nói một thôi dài như sợ bà hỏi lằng nhằng rồi lật nghiêng người bà buộc chặt cái dải rút ra sau lưng. Nó buộc thế để bà khỏi quài tay rút ra. Bà biết điều đó, đang định chửi đứa nào rứt ra chứ bà rứt làm gì. Nhưng rồi im lặng.
Mẹ Út khép cửa, nhà tối om chỉ còn vài vệt sáng lờ mờ qua khe gỗ nứt. Bà cụ Thao day mặt vào tường, nước mắt nhòe hết hai tròng đục. Thương con mẹ Cả thân tàn ma dại, mấy chục năm gánh bao trận đòn thù. “Ông giời ơi! Chẳng thà ông cứ để nó đập phá như ngày mới lên cơn. Ông cứ để nó lao đầu vào tường lõa máu như xưa còn đỡ xót. Cả Huy ơi! Mày ác quá. Mẹ nó làm gì nên tội. Phải trận này dễ chết. Gẫy xương chứ có phải thường…”. Bà đưa cánh tay chưa bị rệt lên lần cái bị khươm năm gối đầu giường. Bỗng rụng rời, lạnh toát sống lưng, rú lên ngằn ngặt: “Ối giời ơi! Nó giết tôi rồi!”.
Con mẹ Út vừa gài xong cánh cổng, nghe bà rú, giật sấp giật ngửa lao vào, giật bung cánh cửa: “Bà làm sao thế?”. “Ối giời ơi! Nó giết tôi rồi!”. “Ai giết? Làm sao mà giết?”. “Mất hết rồi!”. “Bà mất cái gì?”. “Tiền của tôi! Chúng nó cướp hết rồi!”.
Bà cụ Thao có tiền, ai cũng biết. Bà giấu ở đâu, ai cũng biết. Bà tích cóp tiền từ cái đận thằng Út bảo bà: “Con thay cho bà cái giường. Giờ không ai nằm chõng tre. Vào người ta cười chúng con”. “Đứa nào cười mặc bố nó. Tiền đâu ra mà thay!”. “Cái giường rẻ. Chỉ có năm nghìn thôi!”. Lâu lắm bà chẳng ra chợ mua bán gì, chẳng biết giá trị tiền thế nào. Năm nghìn mua được cái giường, chắc to lắm! “Phí tiền. Mày cho bu năm nghìn để dành. Tao nằm chõng quen rồi. Nằm giường đau lưng lắm!”. Đến lúc ấy mọi người mới biết bà thích tiền. Cái gì cũng quy ra năm nghìn. “Thôi! Tao dùng cái bị quen rồi. Đừng mua làn nhựa. Cho tao năm nghìn!”. “Mua dép mới làm gì. Có đi đến đâu. Đem hàn lại đôi cũ. Cho tao năm nghìn”. Quen tính, đứa nào về biếu quà cũng giao hẹn: “Bà phải ăn đi! Con biếu bà thêm năm nghìn”. Bao nhiêu năm nghìn bà tích cóp, giấu vào cái bị cói gối đầu giường. Nhiều vô số. Mấy hôm quên không bỏ ra đếm. Hôm nay sờ đến mất sạch rồi. “Ối giời cao đất thấp ơi!”.
Bà cụ Thao bỏ ăn hai bữa, nằm day mặt vào tường mà khóc. Cả nhà nháo nhác gọi nhau về đủ mặt. Mẹ Cả xanh rờn như tàu lá cũng được khiêng từ bệnh viện huyện về ngồi vòng trong, sau đó lần lượt kín các vòng ngoài. Bà cụ Thao vẫn hờ chồng, hờ mấy đứa con bỏ đốt, não ruột mặc cả nhà truy hỏi nhau quyết làm cho ra nhẽ. Mấy đứa cháu gái dúm vào một góc: “Chúng cháu không lấy. Bà lúc nào chả ôm cái bị khư khư. Vào nhà vệ sinh bà còn xách đi theo”. Mẹ Út ấm ức: “Em vừa vào thay cho bà thì bà kêu mất. Em lấy làm gì mấy đồng bạc lẻ”. Thằng Hai lật tung đống chăn gối, dòm cả xuống gậm giường: “Hay là rơi ở đâu?”. “Ối giời ơi! Ối cha mẹ ơi! Rơi làm sao được. Nó cướp của tôi rồi!”. “Đứa nào cướp?”. “Có hai thằng to lớn lắm xông vào đây hôm nọ”. “Con chịu bà!”. “Ối mẹ Cả ơi! Ối ông Cang ơi! Tôi chết đây! Mất hết rồi!”.
Nghe bà nhắc đến đội Cang, cả nhà lặng ngắt. Mấy đứa cháu lủi ra vòng ngoài.  Lại có chuyện rồi! Thằng Cả vừa qua cơn điên ngồi phịch xuống đất, vô tình duỗi chân, đá lăn cái bô sắt tráng men vẫn để cuối chân chõng. Cùng nghe đánh “xoảng” một cái là tiếng reo to: “Đây rồi bà ơi!” Lũ cháu lao vào hét ầm lên: “Bà ơi đây rồi!”. Bà cụ Thao chồm được nửa người dậy, rú lên: “Đây rồi! Tôi nhớ mà! Hôm hai thằng xông vào cướp, tôi giấu ở đây mà”. Từ cái bô, từng cuộn tiền nhỏ bằng ngón tay út, chẵn lẻ, cũ mới đều được quấn trong nịt lăn ra mặt chõng. Bà vồ lấy đống tiền thu gọn vào lòng rồi trỏ tay vào mặt thằng Cả rít lên: “Cha vạn đời tổ thằng hùm vồ! Nó làm gì mày mà mày đánh nó nên nỗi. Mày thất đức vừa thôi! Lần sau, biết sắp lên cơn, tự khóa cửa  buồng vào, chết một mình trong ấy thôi!”. Chửi xong thằng chồng bà quay sang con vợ đang ngồi lặng đi trên cái xe lăn, quờ quạng nắm lấy bàn tay toàn gân với đốt của nó: “Tiền này bu tích cóp từ lâu để dành cho mẹ mày đấy. Cầm hết mà ăn uống, thuốc thang. Khổ thân mày! Mày về làm dâu là về gánh tội, gánh nợ cho cái nhà này”. Rồi quay sang cả nhà:    “ Bà truyền đời báo danh cho cả nhà lớn nhỏ chúng mày,  không bao giờ được để thằng Cả đánh vợ như thế này nữa. Nếu không tao chết không nhắm mắt. Không biết ăn nói thế nào với người ta”.
Mấy đứa cháu gái khóc tu tu. Mẹ Cả gào lên: “Bu đừng gở chết bu ơi!”. Bà cụ Thao day mặt vào bức tường vôi phèn giấu nước mắt, lẩm bẩm: “Bà còn lâu mới chết. Cha vạn đời tổ chúng mày!”.
NGUYỄN HẢI YẾN
 
27/6/2020
Nguyễn Lê Vân Khánh
Theo https://vanhocsaigon.com/
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...