Thứ Tư, 1 tháng 2, 2023

Truyện ngắn Trần Quỳnh Nga: Chốn quê

Truyện ngắn Trần
Quỳnh Nga: Chốn quê

Chiếc xe khách chồm lên một lúc rồi khựng lại ở đầu làng. Trời trưa oi ả quá. Con đường đất đỏ phủ một lớp bụi mù trông như bột phấn hồng nằm là là mặt đất. Rặng tre đứng yên quây tròn thành một cụm bóng đổ xuống mặt đất chỗ Nhiên vừa xuống. Thế là sau bao nhiêu năm nghe tiếng quê nhà bây giờ Nhiên mới được về quê mình một cách đường đường chính chính là máu mủ của ba, là con cháu của họ Trần Văn ở cái làng Yên Phú này. Trước đây, một phần vì thất lạc tin tức của mẹ, một phần vì khi hi sinh ba chưa có gia đình nên họ hàng không hề biết đến sự có mặt của Nhiên. Chỉ khi đồng đội cũ của ba tìm đến, chú Hai mới vội vội vàng vàng quay quả đi tìm mẹ con Nhiên. Chuyện cũng chỉ mới mấy năm trở lại đây thôi.
Chuyện của ba và mẹ cũng giống như rất nhiều những chuyện trong chiến tranh. Gặp gỡ, hẹn thề rồi thất lạc. Nhưng câu chuyện của mẹ thật lạ kì, Nhiên nghe mãi không biết chán. Mỗi lần nghe đều gợi cho Nhiên về một sự màu nhiệm gần như tuyệt đối. Một đức tin gần như trọn vẹn của một mối tình vĩnh cửu rằng ba và mẹ sinh ra là để cho nhau. Mà chiến tranh chỉ là cái cớ để cho họ được gặp nhau như là định mệnh.
Nhà văn Trần Quỳnh Nga
Nhiên nhớ mãi đêm trăng đó. Đêm trăng huyền diệu đó không giống bất cứ một đêm trăng nào Nhiên đã gặp trong đời. Ánh trăng nhẹ như bông, xanh như nụ cúc trà vừa bung nõn, mẹ kể lại lần gặp ba đầu tiên. Không biết từ lúc nào, Nhiên như hóa thân vào câu chuyện của mẹ. Lúc đó đơn vị ba vừa qua được bến phà sông thì bị đánh bom. Ba bị thương, mất nhiều máu, nằm vắt người qua một vũng nước bên bụi lau lách um tùm đang ngun ngún cháy. Lửa bén nhanh lắm. Tiếng người tải thương chạy huỳnh huỵch, tiếng rên rỉ vì đau đớn của người bị thương mà ba thì không thể kêu lên được. Chỉ nghe tiếng của một cô gái nói lanh lảnh:
– Đơn vị đồng chí có bao nhiêu người ở lại tuyến sau?
– 13
– Đây mới 12 đồng chí, anh cho đội tải thương đưa thương binh về trạm quân y trước đi, tôi phải ở lại tìm cho được một đồng chí nữa đang ở quanh đây thôi.
– Nhưng như thế rất nguy hiểm – giọng một người nữa gấp gáp.
– Đó là lệnh.
Rồi tất cả chìm vào một sự im lặng đáng sợ. Bầu trời không tiếng súng. Ánh sáng mờ đục dày sương của đêm trăng tháng ba nhỏ giọt trên má ba lành lạnh. Nóng và rét. Cơn đau nhói từ vết thương dội lên đến đỉnh đầu làm ba trào nước mắt. Ba nghĩ đến cái chết. Cái chết đang len lỏi từ bụng, len lỏi trong khắp mạch máu rồi chèn ở cổ họng khản đặc. Khát. Ba mấp máy đôi môi nứt nẻ tìm chút sương lạnh nhưng bất lực. Ba nhắm mắt chờ đợi cái chết đang đến gần như những vòng lân tinh nhảy nhót trước mắt cho đến khi ba nghe tiếng gọi “dậy thôi anh ơi!”. Ba chỉ nghe được thế rồi ngất đi.
Những ngày sau đó, mẹ thay băng, bón cháo, mẹ tập đi cho ba cho đến ngày ba trở lại đơn vị. Mẹ có thai Nhiên, mẹ bị kỉ luật. Hôm đứng trước hội đồng kỷ luật mẹ im lặng không nói một lời. Chiều hôm đó, mẹ lặng lẽ cùng Nhiên về quê, về lại vùng biển bãi ngang nghèo cho đến hôm nay.
Vậy mà ba đã không trở lại. Giấy báo tử gửi về địa phương trước khi mẹ nhận được thư ba. Trong thư ba viết cho mẹ có đoạn thế này “… cho con của ba! Ba mong là có con trên đời biết bao! Con là niềm vui, là chứng nhân tình yêu của ba với mẹ. Con đã là động lực của ba trong những ngày chiến đấu cuối cùng này. Đất nước ta sẽ độc lập. Hòa bình ba sẽ về với mẹ con con, chúng ta sẽ về quê con nhé!…”.
*Đang nghĩ mông lung bỗng một tiếng nói bật lên ghê rợn, kèm theo với tiếng nói ấy lưng cô bị gí bởi một vật cứng, ngay mạng sườn làm Nhiên giật mình:- Put the gun down! Put the gun down! Put the gun down!Tiếng thét xé lên như thế, rất rõ. Nhiên không kịp phản xạ đứng yên như phỗng rồi ngã xoài ra đất. Trước mặt cô, người đàn ông đang cầm một cây gậy lăm lăm như cầm khẩu súng chuẩn bị bóp cò từ từ bước lại. Khuôn mặt dúm dó của anh ta nhếch lên, giật giật giơ cây gậy như sắp đánh vào Nhiên. – Đừng làm thế, không được làm thế!Một tiếng hét nữa thét lên. Cô chưa kịp định thần lại thì đã thấy một người đàn ông ngồi sụp ngay trước mặt hốt hoảng:- Nhiên! Nhiên! Chú Hai đây con.Mọi chuyện chỉ diễn ra trong một tích tắc rồi biến mất. Nhiên muốn nói mà không mở lời được, tựa lưng vào vai chú Hai rồi lịm dần đi.
***
Quê hương đón Nhiên một cách đầy bất ngờ làm Nhiên chới với. Đường xa mệt nhoài khiến Nhiên nằm mãi đến khi tỉnh dậy, trời đã sang đêm lâu rồi. Đêm sơn cước lặng thinh. Khí nóng tỏa ra từ lá cây thơm nồng. Trời bức ngốt ngát. Đâu đó có tiếng người la hét, tiếng cho sủa vóng lên từng hồi rồi rơi tõm vào đêm sâu. Nhiên vừa trở dậy đã thấy chú Hai ngồi bên. Chú Hai xách chiếc điếu cày ra sân lặng lẽ châm đóm. Ngọn lửa bùng lên trên tay chú nhảy nhót. Chú rít một hơi dài, ngửa mặt nhả khói vào đêm đen rồi khà lên một tiếng sảng khoái giống như bao mệt mỏi ưu phiền cứ thế theo khói mà bay thoát ra ngoài được vậy. Nhìn chú, lòng Nhiên nghĩ đến ba. Gần 40 năm trôi qua, Nhiên vẫn mơ ước được nhìn thấy ba còn sống. Nếu còn sống chắc ba cũng sẽ giống chú Hai, chắc cũng sẽ hút thuốc lào, cũng sẽ nhả khói một cách sảng khoái như thế. Lúc đó, nếu còn nhỏ, Nhiên sẽ nhảy lên, chụm tay bắt lấy đám khói thuốc lào đang bay trên tóc ba rồi he hé mở ra cho nó bay ra giống như đèn thần vậy. Và nếu lớn hơn nữa, Nhiên sẽ tự tay nhồi thuốc cho ba, sẽ chụm hai tay lại đánh lửa một cách nhẹ nhàng, để ngọn lửa cháy yên trong tay rồi mới se sẽ ghé lại mồi thuốc vừa nhồi vào trong nỏ điếu. Thuốc bén lửa, ba sẽ bập bập môi, rít hơi rồi nhả khói. Trong lúc khoan khoái đó chắc ba sẽ nói rằng: “Con gái ba đã đến tuổi lấy chồng rồi đây!”, và lúc đó Nhiên sẽ thích thú nhưng lại ngượng cười: “con sẽ không lấy ai hết, sẽ không đi đâu hết, sẽ ở vậy với ba mẹ trên đất này!” hoặc giả lúc ấy Nhiên sẽ nói: “ba mà đuổi con đi như thế, con sẽ đi lấy chồng xa thật xa cho ba mẹ chiều chiều nhớ con mà khóc”. Lúc ấy chắc ba sẽ lại cười xòa “tôi mà thèm nhớ cô!”. Chắc ba sẽ nói như vậy.
Nhưng chuyện xẩy ra ban chiều cứ đang xen vào trong ý nghĩ của mình khiến Nhiên thấp thỏm nghĩ. Dẫu biết đó là một người điên, mà người điên thì làm sao kiểm soát được hành vi của mình. Nhưng không hiểu sao trong lòng Nhiên lại có cảm giác xót xa cho họ đến thế.
–  Cháu mệt lắm à? – Chú Hai ngồi bên ân cần trao cốc nước cho Nhiên hỏi – Thời tiết giao mùa thường bức bối như thế đó cháu.
– Dạ, ngủ được tí nên cháu cũng đỡ nhiều rồi- Nhiên vừa đón cốc nước từ chú vừa hỏi – chuyện người đàn ông ban chiều, mà sao chú ấy ra nông nỗi đó hả chú?
Câu hỏi của Nhiên làm chú Hai lặng im mất một lúc, đoạn chú trả lời kiểu nước đôi:
– Đi bộ đội. Bị thương. Mất trí nhớ. Đơn vị gửi giấy báo tử về nhà, nào ngờ mấy mươi năm sau lại đột ngột trở về như thế. Rõ khổ. Bình thường khi tỉnh thì thẳng thớm, nghiêm chỉnh lắm. Vậy mà không chịu tỉnh hẳn đi. Bệnh tình chi thật lạ. Cứ mỗi khi trở trời trái gió cái đầu lại như nổ tung không chịu đựng nổi. Cứ hú hét, cứ vật vã. Trói rồi lại thả, như thế, quanh năm rồi. Cha mẹ thì chết cả rồi, anh em có thương thì cũng chỉ chăm sóc cháo lao qua ngày thôi chứ không thể suốt ngày chạy theo hò hét với. Đành thế!
Đành thế! Giọng chú Hai nói lên nghe như đã bất lực rồi. Chú Hai nói thế rồi lại thở dài. Chú nói giống như chính chú chứ không phải người điên kia bị căn bệnh quái ác đó hành hạ, hay chính chú cũng bị một nỗi khổ tâm day dứt nào đó hành hạ không yên được. Còn Nhiên, đến bây giờ vẫn còn nghe văng vẳng câu “Put the gun down!” Tiếng nói nghe sắc lắm, đanh lắm. Tiếng nói đã từng khiến kẻ thù kinh sợ đó bây giờ trở thành trò chơi cho đám trẻ con vùng quê. Người lính đó trước đây đã anh dũng xung phong lên đường nhập ngũ để rồi có ngờ đâu có ngày trở về không nhận ra được chính mình. Cái tàn bạo của chiến tranh chính là ở chỗ đó, nó biến con người không còn là người được nữa. Nói như chú Hai thôi “Đành thế! Ai muốn đâu. Rồi cũng xong một kiếp con người!”.
Hai chú cháu ngồi im lặng một lúc lâu. Bao nhiêu chuyện chất chứa trong lòng về ba, về quê ba Nhiên định hỏi mà rồi như có ai bít miệng lại không nói được. Trong mông lung đằng đẵng đó khiến Nhiên nhớ lại trận sốt hồi bảy tuổi. Đó là lần đầu tiên trong đời Nhiên nằm mơ thấy ba. Nhiên mình đi lạc đến bến sông nào lạ lắm. Bờ sông sáng đó phủ đầy sương mờ ảo ảnh. Không thấy bờ bên kia, giữa dòng chỉ có một chiếc thuyền chở đầy một khoang cúc trắng đang trôi về phía Nhiên. Những bông cúc vừa mới cắt, sương còn treo trên hoa. Thích quá! Nhiên thốt lên khe khẽ rồi nhón chân định bước xuống thuyền thì nghe tiếng gọi. Nhiên quay lại. Ba đứng trước mặt làm Nhiên sững sờ. Đó là lần đầu tiên trong đời Nhiên mơ thấy ba. Ba mặc bộ quân phục đã cũ sờn, đội cái mũ tai bèo, khoác ba lô con cóc. Trong chiếc ba lô đó dắt một con búp bê. Con búp bê có chiếc váy bằng vải ren màu hồng phấn trông như một cành lay ơn. Ba ngồi thụp xuống và Nhiên cứ thế quay lại, chạy như một cơn lốc đến ôm chầm lấy ba. Ba nâng Nhiên lên nhẹ như một cánh diều vậy.
***
Trăng cứ như ngọn đèn sắp hết dầu tự nhiên sáng bừng lên chiếu xuống vườn nhà. Con ngõ dài hun hút chợt trắng lên như một con đường trăng dẫn đến chỗ Nhiên ngồi. Đêm đẹp quá! Nhiên thốt lên trong lòng như vậy rồi ngước lên định nói chuyện với chú Hai nhưng thoáng giật mình. Trời ơi! Trong ánh trăng hao khô vàng rực đó, không phải là chú Hai, mà là ba Nhiên. Ánh mắt đó, nụ cười đó  rõ rành Nhiên đã gặp trong những giấc mơ sau mỗi  lần Nhiên hỏi mẹ:
– Mẹ ơi, ba con đẹp trai như hoàng tử hả mẹ?
– Đúng rồi! ba con đẹp lắm. Tóc ba xoăn như tóc Nhiên bây chừ nè, mũi ba thẳng như mũi Nhiên nè, và mắt ba to, sáng và trong như mắt Nhiên vậy.
Và tiếng cười khanh khách của con bé, Nhiên nhớ mãi đến sau này.
***
Khi chú Hai đến tìm mẹ, Nhiên đang học ở nước ngoài. Hôm đó, mẹ gọi điện cười mà như khóc. Tiếng mẹ nấc lên thảng thốt, còn Nhiên lặng thinh. Đã bao nhiêu năm trôi qua, dẫu họ hàng không ai đến tìm thì mẹ con Nhiên vẫn dò là tin tức, đồng đội của ba để đi tìm hài cốt của ba. Nhưng vô vọng. “Bố cháu hi sinh tại biên giới tây nam năm 79”, mẹ nói câu đó trong khi nhà trai đến xin hỏi cưới Nhiên mới đó mà cũng đã 10 năm qua rồi. Trông mẹ lúc đó như một con chim nhỏ tội nghiệp đã bay qua được bao nhiêu bão giông, bây giờ đứng giữa trong xanh đất trời lại như không thể trụ vững được nữa. Giọng mẹ nghe chông chênh quá, xa xót quá, dù một đời mẹ đã tự hào một mình nuôi Nhiên lớn lên ăn học thành người. Câu nói đó làm Nhiên như day dứt .Con người ta, càng bé càng hồn nhiên và vô ưu, càng lớn lên lại càng lo lắng, bất an đến lạ. Không thể so sánh được sự im lặng của hai người đàn bà nó thành ra cái gì khi ngay cả trong nhịp thở cũng không còn chỗ cho mọi sự rung động dù là nhỏ nhất. Nó yên lặng như bầu trời sau bão, thẳng đứng và cô đơn như hẳn những cái cây, ngọn cỏ tội nghiệp kia vẫn biết mình còn sống sót nhưng chưa hết bàng hoàng. Giờ đây, Nhiên đã trưởng thành rồi, đã phần nào hiểu hết những nỗi cô đơn đắng đót mà cuộc đời này đã có rồi mà sao mỗi lần nghĩ đến mẹ, Nhiên lại thấy mình bé nhỏ đến thế. Mẹ Nhiên, người đàn bà đã sống một cuộc đời tưởng rằng lặng lẽ, cam chịu mà không hề cam chịu. Bà cứ như một cái cây an nhiên giữa trời đất, xòe tán che chở cho Nhiên hết thảy mọi điều bất trắc.
Vậy mà bà cứ dùng dằng không muốn cho Nhiên về nhận quê hương là cớ làm sao? Câu hỏi đó cứ ám ảnh Nhiên khi mẹ cứ nói mãi câu Nhiên biết cách đây đã gần 40 năm “ ba đã hi sinh!”. Câu nói đó đã không còn làm Nhiên xúc động như hồi bé nữa bởi giờ nó đã là niềm tự hào, nó là chỗ dựa, là cơ hội, là bùa hộ mệnh cho Nhiên trong công việc. Nhiên định nói với mẹ rằng: “chẳng lẽ mẹ không hiểu việc Nhiên trở về quê lần này là Nhiên muốn biết nơi ba đã sinh ra như thế nào, ba đã sống cuộc đời đẹp đẽ đầy lý tưởng ra sao trước khi ba ra trận. Chẳng lẽ mẹ quên trong bức thư gửi mẹ, ba vẫn muốn ngày độc lập được cùng mẹ và Nhiên về lại quê hương” nhưng khi thấy mẹ ngồi lặng lẽ trước hiên nhà, Nhiên lại nghẹn lòng không nói được. Tóc mẹ đã bạc lắm rồi, phủ trắng cả một bờ vai gầy làm tim Nhiên buốt nhói.
***
Khuya lắm rồi. Trời lặng thinh không một cơn gió. Nhiên nằm yên không ngủ. Bên buồng trong Chú Hai hơi tí lại trở mình, chú nói chuyện nho nhỏ với mự, Nhiên không nghe rõ. Chỉ thấy tiếng mự hết thở dài lại chắt lưỡi mệt mỏi. Được một lúc, nghe giọng chú nói trong điện thoại: “Em đau lòng lắm…”, rồi chú nấc lên, im lặng. Hình như đầu giây bên kia cũng đang nói thật dài. Rồi chú lại nói: “Đừng làm như thế tổn thương nó…” rồi lại khóc rức lên. Chú Hai nói rồi lặng lẽ xách đèn pin đi ra khỏi nhà. Tiếng chó sủa rạo lên một lúc rồi chìm sâu vào đêm đen thẫm.
Không biết xui khiến thế nào, Nhiên đi theo chú Hai. Chú Hai ra đến tận cuối làng rồi dừng lại ở ngôi nhà nhỏ lớp bằng lá cọ đang mở toang cánh cửa. Ánh sáng vàng vọt từ ngôi nhà nhỏ hắt ra cả một góc sân mờ mờ. Trong ánh sáng tối mờ đó, dáng một người đàn ông đang đút cháo cho một người đang nằm trên giường. Giọng họ nói rù rì nghe như tiếng ong bay làm Nhiên sững sờ như lạc vào một mê trận nào đó không tưởng tượng nổi. Giọng người đàn ông khàn đặc và méo dệch rướn người cầm tay chú Hai khóc rưng rức “ thôi, mình cũng chẳng sống được mấy hơi nữa rồi, cứ để mình ra đi cho thanh thản, cứ để như mình đã chết”  Nhiên chỉ nghe được thế rồi lại lặng lẽ đi. Con đường mòn dẫn lên triền đê ngoằn nghoèo như một con rắn trắng lanh lợi trườn giữa hai bên bờ cỏ. Nhiên dẫm lên cỏ, thấy đau. Đám cỏ may chà xót cả chân mới khiến Nhiên nhận ra mình đã quên không mang dày khi vội vã bước theo chú Hai không hề ý thức. Nhiên ngồi thụp xuống vệ cỏ, nước mắt bắt đầu trào ra rồi dàn dụa chảy xuống mặt. Trong ánh nhìn long lanh đó, Nhiên thấy quê mình. Thấy dòng sông dềnh dàng nước, thấy đám lục bình trôi vô định trên sông và thấy cả sự xa lạ giống như mình không thuộc về nơi đó, không bao giờ thuộc về nơi đó.
***
– Chú Hai ơi! Con đi rồi, chú có tin gì của ba con thì báo cho con nha chú? Nhiên không nhìn vào mắt chú khóc nấc lên trước khi đi.
– Ừ, cũng khó lòng lắm con.
Chú Hai nói rồi vào nhà trong. Điệu bộ của chú có điều gì đó trĩu nặng nghẹn ngào. Không biết chú định nói gì với Nhiên hay trong lòng chú cũng như Nhiên đây rối bời những điều nghĩ được mà không nói được. Hoài nghi quá! Băn khoăn quá! Sốt ruột quá! Mà sao lòng lại trống troảng và cô đơn thế này…
Ngày Nhiên đến trời đẹp lắm. Trong ánh nắng sớm mai, quê hương hiện ra rất đỗi thanh bình. Nhìn hàng cây, con thuyền, bờ đê vừa xa lạ vừa gần gũi đã làm Nhiên trào dâng một cảm xúc khó tả. Vậy mà giờ đây quê hương đan dần khuất xa. Nhiên đi như trốn chạy mà không hiểu mình đang nghĩ gì được nữa. Nhiên giờ như con chim đang bay một mình giữa trời giông gió bấc. Những cơn gió lạnh thổi tới tấp đập vào đôi cánh yếu đuổi đang rướn sức bay qua tâm bão nhưng không thể. Kiệt sức rồi, con chim bắt đầu rơi xuống một vùng đất ẩm. Nước mưa chảy tràn lên cơ thể, ngấm vào đám lông vũ một cách từ từ. Nhiên thấy đau. Cơn đau cuộn lên từ bụng rồi lan ra cả cơ thể khiến Nhiên bủn rủn. Cô ngồi tựa vào thành xe lặng lẽ khóc. Khóc như có ai đó cầm dao mà chích vào cơ thể mình một cách đau đớn mà không tìm ra cho mình được một lí do nào mà giải thích được.
Con chim non từ từ nhắm mắt.
Ngoài đồng cỏ, người điên đang vừa chạy vừa hét: “Put the gun down! ê ê ê ê!…”.
TRẦN QUỲNH NGA
 
27/6/2020
Nguyễn Lê Vân Khánh
Theo https://vanhocsaigon.com/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...