Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2023

Sức sống và vẻ đẹp văn hóa của vùng đất Nam bộ

Sức sống và vẻ đẹp văn hóa
của vùng đất Nam bộ

Chiều lộng gió, ngồi bên bờ sông Tiền, tôi chậm rãi đọc trường ca Những dòng sông mở đất (Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn, xuất bản năm 2017) của nhà thơ Lê Ái Siêm. Bên dòng sông Tiền, tôi hình dung những dòng sông vẫn đang tuôn chảy trên trang sách, hướng về biển cả bao la. Đọc Những dòng sông mở đất, tôi cảm nhận nhà thơ đã hóa thân thành dòng sông và cất lên khúc hát tự ru mình. Hình tượng những dòng sông được nhà thơ nhân cách hóa mang sức sống và vẻ đẹp văn hóa, tiêu biểu cho tính cách, tâm hồn con người và sự vật trong thiên nhiên của vùng đất Nam Bộ.
Hành trình sáng tác trường ca của nhà thơ Lê Ái Siêm đã hơn 10 năm. Ông bắt đầu sáng tác trường ca cấu trúc theo kiểu: tự sự – trữ tình (Hoa dại, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, xuất bản năm 2004). Sau đó, Lê Ái Siêm cấu trúc trường ca theo kiểu: tự sự – sử thi – trữ tình (Những dòng sông mở đất, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, xuất bản năm 2017). Sự thay đổi về hệ hình tư duy và cấu trúc trường ca thể hiện sự tìm kiếm, sáng tạo nhằm làm mới thể loại trường ca của nhà thơ Lê Ái Siêm.
Cảm hứng chủ đạo trong trường ca Những dòng sông mở đất bắt nguồn từ chất liệu lịch sử về quá trình khai phá vùng đất Nam Bộ và có sự đan xen, hòa quyện với văn hóa tâm linh, văn hóa dân gian Nam Bộ. Trường ca của Lê Ái Siêm viết về hành trình mở đất nhưng vẫn mang hơi thở và nhịp điệu của thời đại. Trường ca gồm 20 đoạn với hơn 140 trang sách khắc họa và tái hiện khúc ru của những dòng sông thuở mở đất; sự hưng phế của một nền văn hóa; sức sống sinh sôi của một vùng đất; những dòng sông thời kháng chiến; ngày đánh Mỹ; những ngày gian khó thời bình và những dòng sông phồn thực…
Hầu hết những đoạn thơ trong trường ca Những dòng sông mở đất đều viết bằng thể thơ tự do, chỉ duy nhất một đoạn (Tự hát) viết bằng thể thơ tự do xen lẫn 22 câu thơ lục bát:
“Nhỏ nhoi một chút đắp bồi
Mà nên cuối đất đầu trời, lạ chưa!”
Khắc họa về quá trình mở đất, khai phá vùng đất phương Nam, nhà thơ mô tả sự gặp gỡ, giao hòa giữa không gian mênh mông, bao la giữa đất và trời, giữa đất và nước thật kỳ diệu:
“Ta hát bài ca trăm dặm đất
Khi bước chân ta bảy dặm đi hài…”
“Tơ nguyệt chín tầng đưa ta gần lại
Một thiên đường đất và nước giao hoan.”
Chủ thể trữ tình khai phá, mở đất phương Nam chính là con người. Hình tượng con người mở đất xuyên suốt, bao trùm toàn bộ tác phẩm và có sự hòa quyện, cộng hưởng với hình tượng của những dòng sông, mang vẻ đẹp bi tráng và hào hùng:
“Máu, mồ hôi và đức tin cuộc sống
Đã làm nên thịnh vượng đất này.”
Con người, sự vật và thiên nhiên trong trường ca Những dòng sông mở đất được nhà thơ mô tả có sự sinh sôi, mang sức sống tiềm tàng, mãnh liệt. Từng câu thơ, đoạn thơ trong trường ca của Lê Ái Siêm có sự tạo hình về ngôn ngữ, chạm đến tâm linh của con người và sự bí ẩn của sự vật. Cảm hứng thẩm mỹ chủ đạo trong trường ca thể hiện sự phóng khoáng, bay bổng vốn là đặc trưng của tính cách và tâm hồn con người Nam Bộ.
“Những dòng sông tựa những con rồng
Cứ uốn lượn để về biển cả
Cứ uốn lượn để thành gò bãi
Thành bát ngát xanh một châu thổ đắp bồi”
“Người khai phá cũng thành người nghệ sĩ
Câu lý truyền đi cùng nhát cuốc đường cày
Cùng giọt mồ hôi rơi xuống đồng xuống bãi
Người khai phá cũng thành người anh hùng.”
Nhà thơ Lê Ái Siêm đã khắc họa sâu đậm hình tượng những dòng sông thầm lặng chảy cùng với sự thăng trầm và những khúc quanh của lịch sử vùng đất Nam bộ. Những dòng sông không chỉ mở đất mà còn sáng tạo nên “huyền thoại” trong lịch sử của một vùng đất.
Ôi đất “Chín Rồng” huyền thoại lung linh
Đất chín dòng sông ca hát
Chín dòng sông chảy từ niềm khao khát
Về đây bát ngát với trời
Về đây bao la với biển
Về đây phồn thực với người
Về đây vui buồn châu thổ
Về đây…”
Kết cấu của trường ca Những dòng sông mở đất diễn biến theo dòng chảy của thời gian theo chiều tuyến tính từ quá khứ, hiện tại đến tương lai nhưng vẫn tạo được sự phá cách về ý tứ, ngôn từ, gây bất ngờ đối với người đọc. Sức hấp dẫn của trường ca Những dòng sông mở đất chính là ở chỗ Lê Ái Siêm đã tạo ra những biến tấu, tạo nên sự biến ảo của hình tượng nghệ thuật, tạo cho người đọc sự liên tưởng thú vị, hấp dẫn. Tuy nhiên, lẫn giữa những câu thơ mang tính tạo hình, biểu cảm và đa nghĩa, trường ca Những dòng sông mở đất vẫn còn những câu thơ ở dạng quặng-chữ, chưa có sự tinh luyện, chưa tạo được vẻ đẹp hài hòa giữa ý tứ và ngôn từ.
Trải qua hơn 20 năm các tác phẩm trường ca xuất hiện “nở rộ” và được sự quan tâm của đông đảo người đọc, những năm đầu thế kỷ 21 cho đến nay, trường ca ít được các nhà thơ đầu tư sáng tác. Nhà thơ Lê Ái Siêm như một người độc hành, lặng lẽ trên con đường sáng tạo thể loại trường ca. Ông như con ong cần mẫn hút mật ngọt của đời để đem đến cho văn học một mùa hoa trái ngọt ngào.
 
6/7/2020
Lê Ái Siêm
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...