Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2023

Tháng Giêng là tháng ăn chơi

Tháng Giêng là tháng ăn chơi

Thế hệ chúng tôi sinh ra và lớn lên khi tục lệ tháng Giêng nghỉ ngơi, vui chơi, hội hè sau một năm lao động cực nhọc chỉ còn tồn tại trong kí ức của các cụ hoặc trong bài ca dao:
Tháng Giêng là tháng ăn chơi
Tháng Hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà
Tháng Ba thì đậu đã già
Ta đi ta hái về nhà phơi khô
Tháng Tư đi tậu trâu bò
Để ta sắm sửa làm mùa tháng Năm
Sáng ngày đêm lúa ra ngâm
Bao giờ mọc mầm ta sẽ vớt ra
Gánh đi ta ném ruộng ta,
Đến khi lên mạ thì ta nhổ về
Sắp tiền mượn kẻ cấy thuê,
Cấy xong rồi mới trở về nghỉ ngơi
Cỏ lúa dọn đã sạch rồi
Nước ruộng vơi mười còn độ một, hai
Ruộng thấp đóng một gàu giai,
Ruộng cao thì phải đóng hai gàu sòng
Chờ cho lúa có đòng đòng
Bây giờ ta sẽ trả công cho người
Bao giờ cho đến tháng mười
Ta đem liềm hái ra ngoài ruộng ta
Gặt hái ta đem về nhà
Phơi khô quạt sạch ấy là xong công.
Sau ba ngày tết, từ mồng Ba, kẻng hợp tác đã vang lên gọi bà con ra đồng cào cỏ, cày vỡ đất vừa nhổ mạ, chuẩn bị trồng đậu, trồng khoai. Nghĩ cũng lạ, làm đến giáp tết (khoảng 26, 27 tháng Chạp) và ra quân từ mồng Ba, mồng Bốn tháng Giêng nhưng đến mùa ăn chia, mỗi công (10 điểm) chỉ được vài lạng lúa. Nông dân đói quanh năm. Đến mùa giáp hạt không có khoai sắn để ăn.
Dù hồi đó còn nhỏ, nhưng tôi vẫn nhớ cảnh làm ăn hợp tác xã. Mỗi xã có Ban quản trị, người đứng đầu là Chủ nhiệm hợp tác xã. Giúp việc cho Chủ nhiệm là hai Phó Chủ nhiệm, 5-7 ủy viên ban quản trị và Kế toán trưởng. Mỗi hợp tác xã chia ra nhiều đội sản xuất. Đội thường phân theo xóm (nay gọi là thôn), có đội trưởng, đội phó và thư ký. Hàng ngày, đội trưởng, đội phó khảo sát ruộng đồng, lên lịch công việc. Khoảng 5 giờ chiều, đội phó dùng loa bằng mo cau báo công việc ngày hôm sau. Khoảng 7 giờ, đánh kẻng hoặc trống, xã viên tụ tập ở nhà kho hoặc sân phơi lúa, sau đó “hành quân” đến nơi làm việc. Khoảng 8 giờ bắt đầu công việc (mùa hè có thể sớm hơn). Vừa làm vừa nói chuyện rất rôm rả, vui nhộn. Hơn 9 giờ, nghỉ giải lao. Các ông bà đi vào xóm hút thuốc lào, uống chè xanh. Thanh niên ngồi trong bóng râm trò chuyện. Sau 30 phút thuốc nước, cả đội trở lại công việc. Khoảng 10 giờ, khi ông mặt trời bắt đầu chói chang, ra về. Trước khi giải tán, đứng lại bình bầu công điểm. Thường người lớn (lao động chính) 10 điểm, trẻ em (gọi là tham gia) 7-8 điểm.
Buổi chiều, khoảng 2 giờ kẻng báo đi làm. Đến hơn 3 giờ, nghỉ giải lao, ngoài thuốc lào, chè xanh còn có ăn nửa buổi (thường khoai lang, sắn hoặc mít luộc) của một nhà nào đó được phân công ở nhà chuẩn bị (người chuẩn bị này luân phiên và cũng được tính công như lao động chính hôm đó). Khoảng 4 giờ rưỡi ngừng công việc và bình bầu công điểm như buổi sáng.
Trừ thời gian đi về, hút thuốc, uống nước, ăn nửa bữa, mỗi ngày làm việc khoảng 3 giờ, được tính 20 điểm. Do đó, số điểm rất nhiều nhưng sản lượng lại ít. Vì vậy, mỗi công vài lạng lúa chưa khô sạch là vậy!
Lũ trẻ chúng tôi, ra tết ngoài thời gian đi học còn phải chăn bò, nuôi bèo hoa dâu và tham gia các công việc nhẹ như cào cỏ lúa, cuốc cỏ khoai, sắn, nhặt phân… cho đội sản suất. Mỗi nhà được hợp tác xã giao cho một con bò. Hàng ngày, sau các buổi cày bừa, lũ trẻ dắt ra đồng chăn. Mỗi đứa dắt một con ăn theo đường nhỏ giữa cánh đồng. Mùa đông cỏ xấu, bò thỉnh thoảng quờ lúa ăn. Nếu chăn không cẩn thận sẽ bị bảo vệ bắt bò, phạt điểm; về nhà bị cha mẹ phạt roi lằn mông.
Chăn bò, thích nhất là sau vụ gặt hoặc vào mùa hè. Lúc đó, bò thả ra giữa đồng tha hồ đá bóng, thả diều. Ruộng mạ vừa nhổ, ruộng lúa khô nước vừa giặt nhanh chóng trở thành sân bóng của chúng tôi. Đá trong kho hợp tác là bóng bưởi. Quả bưởi non đem đập cho mềm, sau đó đá. Đá một hồi bưởi vỡ ra, lại hái quả khác làm bóng. Nhưng khi đá ngoài ruộng, bóng bưởi không lăn nên phải mua bóng nhựa, bóng da. Chúng tôi góp tiền mua bóng. Vỏ đứt lấy dây dù may lại. Ruột (vát xi) lủng, lấy nhựa vá xe đạp vá lại. Cứ thế, đá cho đến lúc không vá được nữa mới thôi. Vá nhiều nên quả bóng cứ méo dần, sút không chính xác như khi mới.
Khoảng hơn 10 tuổi, tôi bắt đầu làm quen với bóng. Đầu tiên, các ông cỡ 50 tuổi đá chung với lũ trẻ hơn 10 tuổi. Các ông này, trước 1945, con nhà giàu, đã có bằng Đít lôm, Tú tài, nói được tiếng Pháp. Do đó, các ông đã truyền cho chúng tôi những thuật ngữ tiếng Pháp trong bóng đá như tét, óc rơ, manh,… Đá bóng nhưng cũng chẳng có trọng tài, chẳng qui định thời gian. Mệt hay trưa, tối thì nghỉ.
Tháng Giêng cứ trôi chầm chậm trong đói rét, gió bấc, mưa phùn và công việc nhà nông. Thỉnh thoảng, nghe tiếng thở dài của mẹ. Hồi đó, tôi không biết vì sao mẹ ngán ngẩm tháng Giêng nhưng lớn lên tôi mới hiểu. Bao dành dụm đã ăn hết trong dịp tết, nay bồ lúa đã vơi, bao tượng đựng tiền đã cạn. Tháng Giêng dài, ăn mấy cũng không no, lấy gì mà chu cấp cho mấy đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn?
 
23/2/2022
Nguyễn Công Thanh
Nguồn: Vanvn
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tuổi chớm thu

Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … sợi thu và...