Thứ Tư, 1 tháng 2, 2023

Truyện ngắn của Đỗ Xuân Thu: Cà phê lỗ

Truyện ngắn của Đỗ
Xuân Thu: Cà phê lỗ

Lời tác giả: Chương trình Đọc truyện đêm khuya Đài Tiếng nói Việt Nam ngày 23-4-2015 đọc truyện ngắn này và nhận xét: “Những tưởng chuyện “đầu mày cuối mắt” của Diệu Thu và Hoàn sẽ dẫn tới một kết cục không mấy tốt đẹp vì nàng đang có một gia đình êm ấm. Thế nhưng tất cả đã bất ngờ thay đổi.Với lối viết nhẹ nhàng, có ý thức trong việc bố trí lớp lang, diễn biến truyện tạo được cảm giác tự nhiên và mặc dù chưa hẳn là sáng tác thật sự nổi bật nhưng tác giả thêm một lần nữa cho chúng ta thấy rõ hơn ranh giới mong manh trong tình cảm mỗi con người mà nếu không thật sự tỉnh táo, sáng suốt, ai cũng có thể bị những phút giây “say nắng” cám dỗ, cuốn đi”.
Nhà văn Đỗ Xuân Thu
Đầu giờ làm việc buổi sáng, mọi người trong đoàn nghệ thuật Chèo thường tụ tập tại phòng của Diệu Thu. Phòng cô ở tầng trệt, sát cầu thang của ngôi nhà ba tầng. Hôm nào cũng thế, các cô gái nửa nghệ sỹ, nửa viên chức, tuổi từ hai mươi, ba mươi bao giờ cũng cứ phải “chào buổi sáng” bằng một ly cà phê với nhau tại phòng này rồi mới về phòng của mình hoặc đến hội trường để tập hát. Chiều qua còn “í a í i” với nhau thế mà mới qua một đêm đã có bao nhiêu chuyện giữa các nàng. Từ chuyện chồng con đến chuyện chó mèo. Từ chuyện son phấn, quần áo đến chuyện chạy sô đêm qua, chuyện lỡ diễn tuần trước. Rồi chuyện chợ búa, hành tỏi, chuyện đàn ông, đàn ang. Cả chuyện “phây búc”, những chuyện giời ơi đất hỡi trên mạng nữa chứ. Thôi thì đủ thứ chuyện trên đời được các nàng ríu rít với nhau cả nửa tiếng đồng hồ. Đến khi ông trưởng đoàn gọi ơi ới ở phòng tập cả bọn mới giải tán cho buổi tập mới “í ì i”.
Hơn hai chục người trong đoàn Chèo thì có quá nửa là nữ. Trong số nữ đó thì có gần chục cô còn trẻ, tuổi sàn sàn hai lăm, hai sáu. Đây là số diễn viên mới được tuyển vào đang hừng hực khí thế. Cô nào cô ấy đều trẻ đẹp, hát hay, múa dẻo. Chết nỗi, thời buổi truyền hình, băng đĩa, nhạc pop rap, hip hop quay cuồng, ca ra ô kê khắp chốn khắp nơi, nghệ thuật hát dân gian chạy hụt hơi mà vẫn bị lạc lõng. Đoàn Chèo mấy phen suýt bị giải tán, bị sáp nhập vào các đoàn nghệ thuật khác. Một số người tìm đường xin chuyển công tác. Số diễn viên gạo cội vì lòng yêu nghề nên cố kiết bám giữ lấy đoàn. Thế rồi, chủ trương “giữ gìn bản sắc dân tộc” trong xây dựng văn hóa, cấp trên đã đầu tư xây dựng mới ngôi nhà ba tầng cho đoàn Chèo và tuyển thêm diễn viên mới. Các nàng hay cà phê buổi sáng này nằm trong số đó.
Phải nói rằng từ ngày đoàn Chèo có ngôi nhà ba tầng, chín gian khang trang mọc lên không khí ở đây thay đổi hẳn. Tầng trên cùng là phòng làm việc của bộ phận hành chính. Tầng hai là hội trường sân khấu có tường cách âm dành để đoàn luyện tập vở mới, tiết mục mới. Tầng trệt dành một gian làm phòng văn thư, một gian để lối cầu thang đi lên các tầng trên. Bảy gian còn lại là hội trường. Hội trường quay đốc mở cửa ra đường tiện cho việc họp hành, gặp gỡ, đối ngoại. Mặt sau hội trường giáp nhà dân. Mặt trước hội trường là sân đoàn nhưng không mở cửa. Các nhà thiết kế bảo rằng làm như vậy để tiện cho việc họp hành, tránh mọi người tụ tập trong sân của đoàn ảnh hưởng đến hội nghị. Các nghệ sỹ nhà ta là chúa hay túm năm tụm ba trong lúc lãnh đạo đang trên bục diễn thuyết. Không thể như thế được. Cho nên phải làm hội trường theo kiểu ấy.
Diệu Thu giữ chân văn thư của đoàn, là chủ nhân của phòng số một tầng trệt này. Khách đến đoàn muốn gặp lãnh đạo hoặc ai đó trong đoàn đều phải qua sân cơ quan rồi qua phòng nàng gặp nàng trước khi đặt chân bước lên bậc đầu tiên của cầu thang. Thì đến cả ông trưởng đoàn, bà phó đoàn cũng đều vậy cơ mà. Vị trí của Diệu Thu quan trọng lắm. Nàng vừa là bộ mặt của đoàn vừa đảm bảo an ninh cho đoàn. Chả thế mà ối cô đến dự tuyển đều bị loại ngay từ vòng đầu. Người thì được dáng, được da nhưng lại bị hỏng ở khâu phỏng vấn. Người được khâu phỏng vấn thì ngoại hình lại hơi bị kém. Diệu Thu được tất cả. Trẻ đẹp, duyên dáng, nói năng nhỏ nhẹ. Đặc biệt khuôn mặt khả ái của nàng luôn nở nụ cười thường trực rất hấp dẫn. Tuy chẳng biết tí gì về chèo nhưng bù lại  Diệu Thu lại có năng khiếu về vi tính, văn thư, đúng thứ đoàn đang cần. Thế là nàng vượt qua các đối thủ trở thành nhân viên văn thư. Từ đó trở đi, mọi người ngoài đoàn đều gọi nàng là nghệ sỹ. Nàng đã hút hồn bao người, kể cả giới nữ. Ai cũng ngơ ngẩn trước sắc đẹp của nàng. Đã trẻ đẹp xinh xắn rồi giờ thêm danh nghệ sỹ nữa bảo sao mà không hấp dẫn cơ chứ.
Thiết kế phòng làm hội trường nhưng đoàn nghệ thuật Chèo này có cái gì mà họp. Bộ máy chân rết cơ sở không. Gặp gỡ khách hàng lại càng không. Họp đoàn thì đã có hội trường sân khấu tầng hai rồi. Ông trưởng đoàn bèn nghĩ cách “bung ra” làm kinh tế, cho thuê lấy thêm tiền nuôi đoàn. Và thế là Nhất quán cà phê ra đời. Chủ quán là tay Hoàn tuổi đã ngoài bốn mươi, tóc rậm râu dài rất nghệ sỹ. Hắn là cây bóng bàn cự phách của tỉnh. Cà phê hắn pha thì thôi rồi, uống một lần lại muốn uống nhiều lần nữa. Khối kẻ nghiện cà phê cũng từ quán của hắn. Các cô diễn viên của đoàn Chèo này cũng vậy. Biết uống rồi nghiện cà phê cũng từ ngày Hoàn thuê phòng mở quán ở đây. Nghiệp hát lại nghiện cà phê mới chết chứ. Hôm nào không có ly cà phê là hôm đó ngái ngủ, hát khê cả giọng.
Những ngày đầu, các cô uống cà phê trong quán của Hoàn. Sau rồi thấy bất tiện. Ai lại trong giờ hành chính mà diễn viên đoàn vẫn cứ tụ tập nhau ở quán. Có người còn hát í a nữa chứ, nhất là Thanh Loan thập lục và Thu Thủy chơi trống. Hai người này ở chỗ nào thì chỗ đó như chợ vỡ. Các nàng bước lên tầng gõ giày cao gót kêu cong cóc. Có hôm, họ cố tình trêu Diệu Thu bằng cách gõ gót giày thật mạnh lên bậc cầu thang. Từng tiếng côm cốp như rơi vào đầu nàng, xoáy vào óc, nhức hết cả đầu, đến nỗi sếp ở phòng trên phải quát xuống hai nàng mới nhẹ chân đi một chút.
Để tránh cho việc tụ tập ở quán, các nàng bèn tụ tập ở phòng văn thư của Diệu Thu. Sẵn di động, vừa ngồi tán gẫu vừa a-lô cho anh Hoàn. Thanh Loan nâu đá. Thu Thủy đen nóng. Thu Nguyệt sữa chua. Bích Liên ca cao. Diệu Thu và Quỳnh Hoa nâu nóng. Bà phó đoàn nghiện nặng toàn chơi cú đúp hai ly đen đá không đường. Chỉ mươi phút sau, nhân viên Nhất quán đã bê chiếc khay trên đó đủ các thứ theo yêu cầu. Thế nhưng cách này cũng có cái bất tiện là bưng bê hơi vòng vèo và xa. Lại nữa đi trước cổng, diễu qua sân đoàn, trong giờ hành chính rất không văn hóa. Thế nên, chủ quán Hoàn có sáng kiển đục một cái lỗ xuyên qua bức tường chân cầu thang thông vào đoàn, ngay phòng của Diệu Thu. Cần gì cứ gọi và chuyển qua cái lỗ ấy là được. Cà phê lỗ ra đời từ đó. Phòng Diệu Thu đông vui từ đó.
Sớm nay, Diệu Thu diện bộ váy đỏ, đầu đội mũ bê-rê dạ đỏ. Dẫu mùa đông diện váy dài song đôi chân thon dài của nàng vẫn thấp thoáng trong làn váy đỏ. Chẳng biết vô tình hay cố ý mà cặp chân ấy vẫn cứ phô ra trắng ngần, cứ mơn mởn hun hút mãi lên, khiến bao kẻ nhìn theo ngơ ngẩn tưởng tượng ra đủ thứ. Quàng chiếc khăn hoa lụa Vạn Phúc, khoác hờ túi xắc Prada màu kem sữa chính hiệu bên vai trông nàng càng sành điệu. Dạo này nàng kinh doanh hàng mỹ phẩm và quần áo thời trang. Bán hàng trên mạng. Bán cho người quen. Công việc văn thư đã nhàn rồi, ở cái đoàn nghệ thuật này có nhiều công văn giấy tờ gì đâu nên lại càng nhàn hơn. Nhàn thì phải tính. Thêm đồng ra đồng vào. Các chị trong đoàn người thì chạy xô hát văn ở đền, người thì nhận dựng vở cho đội văn nghệ ở xã. Người đi dạy thêm hát xoan. Thậm chí có người còn đi hầu đồng cho mấy bà cầu cúng mãi tận trên mạn ngược. Chỉ có Diệu Thu là không có chuyên môn về đàn hát. Nàng đành kiếm việc bán hàng này. Ấy vậy mà lại được. Vừa có thu nhập, vừa được thử mốt, dùng mỹ phẩm đầu tiên. Nàng đẹp hẳn lên. Chị em đoàn Chèo toàn những người cần làm đẹp, thấy nàng thế đua nhau mua. Rồi lan ra ngoài. Rồi đắt hàng. Nàng vui lắm.
Diệu Thu vừa mở cửa phòng, Thanh Loan đã ào tới. Nó xuýt xoa trầm trồ. Trời, kiếm đâu bộ này đẹp thế? Trông ngon quá. Đắt không hở mày? Nó xoay Diệu Thu đằng trước đằng sau rồi trợn tròn mắt ngắm nghía. Lát sau, Dung trống đến. Rồi cái Nguyệt, cái Hoa. Cả bọn xúm vào ngắm Diệu Thu. Bộ mới hả? Sành điệu đấy. Khao đê. Diệu Thu ngúng nguẩy: “Khao gì? Các chị khao thì có. Hôm qua mười bốn, các chị đi hát chầu văn, nhảy đồng ở đền được bao nhiêu là lộc chẳng khao lại bắt em khao”. Nàng bắt đúng mạch Thanh Loan và Thu Thủy. Quỳnh Hoa nói theo nàng: “Phải đấy. Cái Loan khao đi. Lộc đền chùa không tán là không ổn đâu”. Thu Nguyệt cũng chêm vào: “Tất cả chúng mày đều phải khao. Để tao gọi anh Hoàn”. Thế là Nguyệt bấm máy. Một lát sau, từng ly cà phê, từng cốc nước hoa quả được tuồn qua lỗ sang. Cả bọn chuyền tay nhau xì xụp uống. Chuyện vẫn nở như pháo rang. Cả mấy cặp mắt vẫn chăm chăm nhìn Diệu Thu. Nàng đỏ ngời nổi trội lên giữa cả bọn. Cứ ồn ào thế cho đến khi ông trưởng đoàn gọi ơi ới ở tầng hai cả bọn mới giải tán cho buổi tập mới.
Giữa buổi sáng. Quán vắng. Văn thư ít việc. Chủ quán Hoàn nháy máy điện thoại cho Diệu Thu. Nhận được ám hiệu, Diệu Thu chạy ra chờ ở lỗ đón ly chanh leo thơm phức từ tay Hoàn. Sáng nào cũng thế, đầu giờ thì nâu nóng, giữa buổi Hoàn lại mời nàng ly chanh leo. Tranh thủ nắm cổ tay trắng trẻo mềm mại của nàng, Hoàn thì thầm. Nàng giữ ly nước sợ đổ, ứ ừ sợ sệt. Hai người cứ thế giằng co nhau khá lâu.
Diệu Thu phát hiện ra Hoàn thích mình từ hôm nàng bắt gặp ánh mắt của Hoàn đắm đuối ngắm trộm nàng qua cái lỗ bán cà phê này. Nàng cũng cảm thấy thinh thích khi có người để ý. Rất nhiều người ngắm trộm nàng nhưng sao nàng lại thích Hoàn mới lạ. Hoàn giỏi bóng bàn, ga lăng, điển trai, rất nghệ sỹ. Cứ hết giờ chiều, mặc cho quán đông khách, Hoàn diện quần sooc trắng, giày thể thao trắng, cầm vợt sang đoàn chơi bóng bàn. Nàng ngắm Hoàn tiu, ve, cắt đập không chán mắt. Có lúc nàng còn suýt reo lên một mình trong phòng để tán thưởng cổ vũ cho một cú tiu bóng rất điệu nghệ của Hoàn. Cơ thể Hoàn cuồn cuộn, săn chắc, rất nam tính. Tưởng anh bặm trợn với bộ râu quai nón nhưng tiếp xúc thì mới thấy anh hiền khô. Biết Hoàn đã qua một đời vợ, hiện đang sống độc thân, Diệu Thu cứ cảm thấy tồi tội và thương cho Hoàn. Khổ thế. Nàng cũng nhiễm cái máu đa cảm của những người nghệ sỹ.
Quả thật, đường vợ con của Hoàn khá lận đận. Xong nghĩa vụ quân sự trở về Hoàn cưới vợ. Vợ anh là cô bạn cùng lớp ở thôn dưới. Cưới vợ năm trước, năm sau vợ chồng anh sinh con. Con gái đầu lòng đúng là hơn cả “ruộng sâu trâu nái”. Ở quê, nghề nghiệp không có, ruộng đất không đủ cho vợ chồng anh cày cấy. Anh phải đi làm phu hồ cho một cánh thợ xây của làng. Ai thuê làm việc gì anh đều làm tất. Vợ anh nhiều bữa cũng phải xách vôi vữa, phụ hồ như anh. Xoay đủ nghề, làm đủ việc, nhà có ba người với hai lao động chính mà quanh năm vẫn túng thiếu. Thế rồi, có đợt xuất khẩu, vợ Hoàn đã sang Đài Loan làm ô-sin. Ngỡ tưởng vài năm, hết hợp đồng thì về, nào ngờ vợ anh đi biệt luôn từ bấy đến giờ. Vài năm đầu còn gửi tiền về cho chồng con, sau rồi cũng tịnh luôn. Dò hỏi mãi, Hoàn mới biết vợ anh đã theo và làm vợ một doanh nhân Đài Loan giàu có. Mất vợ, một nách nuôi con, Hoàn đâm ra thù hận phụ nữ. Khi con được hơn mười tuổi, anh lên phố bổ sung vào chợ người. Dần dần có chút vốn liếng, Hoàn thuê nhà bán cà phê. Nhất quán cà phê này anh đứng chủ và gọi người nhà ở quê lên phụ giúp. Ngỡ tưởng chẳng bao giờ đoái hoài đến phụ nữ nữa, nào ngờ ở cái đoàn Chèo này, từ ngày có cái lỗ bán cà phê này, anh lại phải lòng Diệu Thu. Mà Diệu Thu lại có chồng con rồi mới khổ chứ. Đúng là duyên nợ. Tự nhiên lại quàng vào bụi rậm.
Còn Diệu Thu, nàng có một gia đình khá hạnh phúc. Chồng nàng là kỹ sư công tác ở cơ quan nghiên cứu khoa học. Lấy chồng năm hai mươi tuổi, năm sau nàng sinh con gái. Bây giờ, con gái nàng đã học lớp mẫu giáo năm tuổi. Nàng rảnh rang hơn. Tiếng là ở chung với bố mẹ chồng nhưng vợ chồng nàng khá tự do. Họ ở chung nhưng ăn riêng. Bố mẹ chồng nàng bảo như thế cho tiện, tuổi già ăn cần đúng giờ, không chờ vợ chồng nàng được. Chồng nàng thì còn đỡ, chứ nàng mà theo đoàn diễn thì giờ giấc linh tinh lắm. Con gái nàng được ông bà cưng chiều, hầu như ăn uống đều do ông bà chăm sóc. Thế nên nàng càng được rảnh rang hơn.
Diệu Thu không chê chồng một điểm gì ngoại trừ một điều cực kỳ tế nhị, khó nói. Ấy là chuyện chăn gối. Không biết có phải vì nghề nghiệp hay không mà bao giờ cũng thế, chồng nàng yêu nàng toàn vào một giờ nhất định trong đêm. Đúng mười giờ năm phút đêm. Dù có đi công tác xa sau cả tháng trời về cũng vẫn lặp lại thời điểm ấy, trên chiếc giường hạnh phúc ấy. Không “tăng ca, vượt chuyến”, không địa điểm nào khác. Mỗi cuộc yêu chỉ chừng dăm phút. Đánh nhanh rút gọn. Xong việc, chồng nàng quay ra ngủ như chưa hề có nàng ở bên. Giời ạ! Sao lại thế cơ chứ? Nàng ấm ức, trằn trọc vì chưa tới bến. Nhìn thân thể ẻo lả của chồng, nàng vừa bực lại vừa thương. Nghe các chị trong đoàn tán gẫu chuyện chăn gối mà thèm. Nhiều đêm, Diệu Thu thao thức, dở tỉnh dở mê về những câu chuyện buông tuồng, táo tợn, đầy chất hoang dã của Thanh Loan và Thu Thủy. Rồi bất chợt, nàng lại nhớ tới cơ thể cường tráng của Hoàn khi chiều chơi bóng bàn và ánh mắt si mê của anh qua cái lỗ cà phê mỗi sáng khi nhàn rỗi. Đáng tuổi cha chú rồi nhưng mà sao nàng lại cứ tơ vương về chú ấy, anh ấy cơ chứ.
Chuyện tình cảm giữa nàng với Hoàn lúc đầu chỉ là chuyện cà phê, cà pháo qua cái lỗ. Rồi lân la để ý nhau. Có hôm, chiều muộn, đoàn về hết rồi, Diệu Thu vẫn còn nấn ná ở lại. Tiếng là đánh máy, photo văn bản nhưng thực chất là nàng ngồi ngắm Hoàn chơi bóng bàn. Lại có hôm, không có người chơi bóng bàn thì Hoàn vào phòng của nàng tán gẫu. Chuyện nọ xọ chuyện kia, hai người đầu mày cuối mắt với nhau. Hoàn cứ để tác phong thể thao như thế đứng nói dăm ba câu chuyện với nàng. Cơ thể cuồn cuộn, bắp thịt săn chắc cùng với bộ râu quai nón, cái nhìn hun hút của Hoàn vào ngực, vào khắp cơ thể nàng khiến nàng lúng túng. Bối rối, mặt nàng đỏ lựng. Nàng khẽ cúi xuống, ngúng nguẩy quay mặt đi. Tim nàng đập thình thịch. Càng thế nàng càng rực rỡ. Đúng lúc nàng lúng túng nhất thì Hoàn chào về. Sực tỉnh, nàng nhìn theo Hoàn ngác ngơ. Một lúc sau, đang chuẩn bị khép cửa phòng về thì Hoàn gọi thầm qua cái lỗ và một ly chanh leo xuất hiện. Lại đón lấy. Lại dùng dằng nắm cổ tay nhau. Cái lỗ vừa là cửa mở, vừa là ranh giới ngăn cách giữa hai người.
Cứ thế, Hoàn để lại ấn tượng cùng những ẩn ức trong lòng Diệu Thu. Đêm nào cũng thế, cứ sau mười giờ năm phút là nàng lại trằn trọc nghĩ về Hoàn. Cổ tay nàng như còn hơi ấm của Hoàn. Cái nắm tay rất chặt ấy như bóp nghẹt tim nàng. Giá mà… Giá như… Giời ạ! Sao lại thế được cơ chứ? Bao câu hỏi xoáy trong đầu nàng. Rồi nàng thiếp đi lúc nào không biết.
Đang loay hoay photo văn bản thì Diệu Thu bị ôm chặt ngang lưng từ phía sau. Hai cánh tay như hai gọng kìm kẹp chặt lấy nàng. Nàng bị bế thốc lên, dồn về sau cánh tủ tài liệu. Diệu Thu đang định kêu lên thì người ấy xoay nàng lại. Mặt nàng sát mặt người ấy. Nàng nhận ra Hoàn. Anh ta hổn hển, gấp gáp, hùng hục. Những chiếc cúc áo nàng bật tung ra. Khuôn ngực trắng ngần, nõn nà, ngồn ngộn của nàng bị ngấu nghiến bởi đôi môi của chàng cầu thủ. Bộ râu quai nón của anh ta chà lên da thịt nàng khiến nàng nhồn nhột, thích thú. Diệu Thu vòng tay ra phía sau ôm chặt cơ thể cường tráng của Hoàn. Nàng bị ép chặt cứng vào tường, ngay phía sau chiệc tủ. Bỗng, đánh rầm một cái, bó tài liệu trên nóc tủ rơi trúng ngay đầu nàng. Nàng ú ớ. Nàng kêu lên.
Cái gì thế? Sao vậy em? Nàng nghe tiếng người hỏi dồn dập. Bàn tay người ấy lần khắp cơ thể nàng. Có làm sao không em? Mê ngủ à? Đến lúc đó, nàng sực tỉnh. Thì ra nàng mê thật. Chồng nàng đang ngồi cạnh lo lắng. Diệu Thu bối rối. Em mơ thấy có người đuổi theo em anh ạ. Chạy cuống cẳng rồi ngã xuống ao. Kinh khủng quá. Nàng nói với chồng. Chống nàng an ủi rồi kéo nàng xuống ngủ tiếp. Mươi phút sau thì chồng nàng đã ngáy khò khò. Còn nàng thì thao láo trân trân nhìn vào khoảng không trong đêm và nhớ lại giấc mơ vừa nãy. Thật tiếc! Giá mà…
Thanh Loan nhảy chân sáo hát điệu lới lơ ào vào phòng Diệu Thu. Thu Thủy theo sau. Ngồi chưa ấm chỗ thì cả hai giục Diệu Thu gọi cà phê. Diệu Thu mặt buồn như đưa đám. “Thế hai chị chưa biết gì à? Anh Hoàn nghỉ bán cà phê cả tuần nay rồi!”. “Thế hả? Anh ấy đi đâu?”. “Em không biết. Cả tuần nay quán đóng cửa. Không có cà phê mấy hôm mà các chị trong đoàn đang ngơ ngác hết cả kia kìa”. “Lạ thật! Chúng tao đi diễn ở huyện có tuần về mà mày để anh Hoàn đi đâu?”. Diệu Thu giật mình. Nàng chống chế: “Em có quản lý anh ấy đâu mà biết”. Vừa lúc đó thì ông đoàn trưởng đến. Ông này chuyên đóng vai vua quan. Trên sân khấu, ông nhập vai oách lắm. Ấy vậy mà có hôm sau giờ diễn, người ta thấy “vua” đang ngồi xì xụp bát mì tôm ở quán. Diệu Thu gặp, nhìn ông cười cười. “Vua” thanh minh: “Đói quá! Tối chửa kịp ăn gì”.
Một số diễn viên khác đến muộn thấy phòng Diệu Thu đông cũng tụ tập luôn ở đó. Họ xi xao hỏi ông về Hoàn, nhất là mấy người vừa đi diễn xa về. Ông thủng thẳng: “Xin thanh lý hợp đồng, chuyển đi rồi!”. “Thanh lý hợp đồng?”. “Làm không được hả sếp?”. “Có mắc mớ gì không ạ?”. Trưởng đoàn thủng thẳng: “Được. Nhưng mà hắn bảo phải về quê lo việc họ”. “Giời ạ! Tiếc thế cơ chứ”. “Thế là từ nay không được uống cà phê anh Hoàn rồi!”. “Thì uống chỗ khác”. “Thì cho người khác thuê”. “Nhưng mà cà phê anh ấy ngon”. “Đặc biệt đấy!”. “Làm sao có được ly cà phê bây giờ?”…
Mọi người xi xao, mỗi người mỗi ý. Nghe ông trưởng đoàn nói, Diệu Thu thẫn thờ. Nàng bị choáng. Tai nàng ù lên. Mặt nàng ngơ ngác. Đôi mắt nàng nhìn xa xăm rồi lại nhìn xoáy vào cái lỗ ở bức tường chân cầu thang. Cái lỗ đen ngòm như hố mắt, trống không, vô hồn. Nó nhìn lại nàng cũng ngơ ngác, như hỏi xoáy. Sao đi mà không nói với người ta một câu cơ chứ?
Chiều về, bố chồng nàng hỏi: “Cơ quan con có chú Hoàn thuê bán cà phê à?”. Diệu Thu giật mình đáp: “Vâng. Bố ạ. Bố biết chú ấy?”. “Biết rõ đấy con ạ. Hôm nọ, gặp mặt đơn vị cũ, bố mới biết đấy chứ. Lúc ấy, chú Hoàn cũng mới biết bố là bố chồng của con. Chả là hồi trong quân ngũ, bố đã cứu sống chú ấy trong một trận đánh. Lâu ngày không gặp. Gặp lại rồi chú ấy cứ nhắc mãi về chuyện đó. Toàn nói chuyện ơn nghĩa thôi. Chú ấy tốt lắm, liên tục là chiến sĩ quyết thắng của đơn vị đấy. Thế mà đường vợ con nghe chú ấy kể thì buồn thật. Đúng là người ta có số cả. Bố có mời chú ấy đến nhà chơi mà chưa thấy chú ấy đến. Hôm nào, con rủ chú ấy đến thăm nhà ta nhé!”. “Vâng ạ!”. Diệu Thu đáp lại theo phản xạ một cách vô thức. Nàng không kịp nghĩ là Hoàn đã chuyển đi.
Đêm ấy, Diệu Thu lại trằn trọc. Nàng nghĩ tới Hoàn và câu chuyện của bố chồng nàng chiều nay. Thật hú vía. May mà… Chỉ vì… Không! Mình phải tâm sự với chồng về chuyện chăn gối mới được. Vợ chồng với nhau mà. Sao lại khó nói và giữ ý chuyện đó cơ chứ? Suýt nữa vì cái sự tế nhị ấy mà nàng sa chân. Có lẽ Hoàn cũng thế. Anh ấy đủ tỉnh táo để làm cuộc chạy trốn chăng?
Trong đêm, nàng chợt nhìn thấy cái lỗ trên bức tường chân cầu thang của đoàn. Nó trống rỗng, đen ngòm, như độc nhãn và cũng đang nhìn xoáy vào nàng. Mùi cà phê thơm lừng quyến rũ. Diệu Thu xoay người, chủ động quàng tay ôm chồng. Nàng quấn lấy chồng, vội vàng, háo hức. Nàng rót vào tai chồng điều nàng ẩn ức bấy lâu nay. Nàng bồng bềnh trôi trong đêm. Hình như có cả hương vị cà phê, chanh leo đang ướp cho cuộc tình của nàng nữa thì phải!
ĐỖ XUÂN THU
 
27/6/2020
Nguyễn Lê Vân Khánh
Theo https://vanhocsaigon.com/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...