Thứ Tư, 1 tháng 2, 2023

Truyện ngắn Bùi Thị Thu Hằng: Mắt của biển

Truyện ngắn Bùi Thị
Thu Hằng: Mắt của biển

Chuyến xe cuối cùng trong ngày, bước xuống trong buổi hoàng hôn mặn mòi bụi bặm. Tôi xách túi lững thững đi dọc theo con đường nghiêng ra biển, lô xô những biệt thự màu trắng ngói đỏ. Tờ giấy nhỏ trực cuốn theo gió, lật đật giẫy khỏi tay tôi và một số nhà lạ. Ngôi nhà vượt trội kiêu căng trước cái vóc gày gò mệt lả của tôi.
Nhà văn Bùi Thu Hằng
Vòng tay dì gày khô và ấm áp, những ngón tay dài gày không giống tay mẹ. Ngón tay mẹ trắng và ấm nóng. Dì đưa cho tôi cốc nước một cách run rảy, tôi né tránh những câu hỏi và cái nhìn của dì, chỉ im lặng nhìn biển, những ngọn đèn rực rỡ – một đường cong của núi hằn lên nền trời ẩm ướt ngoài vịnh, sự ngai ngái xoa dịu một cái gì đấy không rõ ràng nặng trĩu trong tôi.
Những ngày mới, tự tìm thấy nỗi cô đơn lì lợm, tôi thu mình lại giữa cái chốn nhộn nhịp này, mùa hè đi trước thành một chu kỳ đổi thay, chẳng gì có thể bền bỉ – đôi khi cả nỗi buồn…Tôi lang thang ra bãi biển, cố ý trở về nhà muộn – bàn chân phồng rộp vì những mảnh vỏ sò cùng ý nghĩa sẽ  được tráng một chút nước ngọt rồi gặp dì. Một niềm thích thú lẻ loi và tủi thân khiến tôi gai người.
Tôi bước lên cầu thang, không phải dì – một người nào đó đứng chắn lối, tay cầm chùm chìa khoá và đung đưa khiến nó kêu xoang xoảng, đôi mắt chê trách nhìn tôi. Tôi bình thản định cầm chùm chìa khoá, anh cau mày “Đáng lẽ giờ này là để ăn cơm chứ không phải đi chơi về muộn rồi muốn làm gì thì làm”. Tôi mỉm cười. Đấy là màn nguỵ trang, như một thứ áo giáp chống đỡ lại những trò đùa của bất cứ ai. Thoáng một cái nhìn mềm lại “Thôi lên đi, để anh mở cửa cho”. Đấy là ngày đầu tiên chúng tôi quen nhau.
Dì tin anh – tôi cảm thấy thích dì bằng những ý nghĩ rất trẻ con như thế. Mọi thứ ở đây đã quen với bàn tay anh. Đôi khi thấy dì nhìn anh – ánh mắt của người mẹ tin cậy và hãnh diện một cách tội nghiệp. Còn anh lặng lẽ nhìn tôi, ánh mắt sâu như con đường vắng khó hiểu.
Những buổi sáng tôi và anh ra biển, bình minh mờ ảo ngọt ngào, những cánh buồm ngái ngủ trốn ra vịnh. Nơi xa kia, những dãy núi tựa như tiếng thở dài, những câu chuyện anh kể như những mảnh san hô kết lại làm tôi đau nhói, rồi chìm nghỉm trong mơ hồ.
“Còn em?” – Anh hỏi tôi nhiều lần như thế. Còn tôi? Giá như anh nghĩ rằng tôi không biết kể chuyện thì hay và tốt biết mấy. Còn tôi? Ý nghĩ ấy như chạy trốn vào biển. Nỗi nhớ Hải Dương bỗng cồn lên ám lấy tôi. Thành phố mang tên biển mà không có biển, giờ thì mẹ cũng bỏ nó để vào phương Nam rồi. Mẹ có nghĩ rằng mình đã để lại nơi đó một cái gì đó rất hiện hữu? Mùa hè đến, những cành phượng đỏ nặng nề cùng lời chào tạm biệt của những người bạn háo hức với những miền quê. Một mình tôi có bao điều định nói với dì, vậy mà tôi chỉ thổn thức một cách vô nghĩa, bần thần nghe giọt nước mắt chảy xuống. “Dì đón con nhé” “Không cần đâu dì ạ” Tôi trả lời yếu ớt và nghĩ đến đôi mắt dì như cánh cửa nâu mở ra đón tôi. Tôi khép cửa ngôi nhà, ngôi nhà chẳng có ai ngoài con chó con. Tôi ấn nhẹ ngón tay lên mũi nó, mắt nó ngóng lên, nó liếm mép luyến tiếc nhìn ra đường.
Tôi lại nhìn anh, dì nhìn chúng tôi cười. Dì mơ màng và lơ là khi ai đó hỏi chuyện chồng con, cười tảng lờ “Dì sống một mình quen rồi, con ở lại nhé, con thấy thế nào?” Tôi không trả lời dì.
Đôi khi, chỉ là đôi khi tôi có ý nghĩ không trở về, nghĩ tới anh là sự dịu nhẹ làm vơi đi nỗi mặc cảm trong tôi. Tôi là con bé được nuôi lớn bằng thiếu vắng. Những người bạn trai với tôi thật thờ ơ. Họ chẳng nhận được gì ở một con bé có khuôn mặt cau có như vậy. Những đứa bạn gái của tôi rực rỡ đến hồn nhiên, chưa lúc nào biết buồn. Anh hất khỏi vai tôi một gánh nặng, ném đi nỗi u ám trong mắt tôi. Tôi như đứa trẻ thiếu thốn được đền bù, ánh mắt che chở của anh như cái nôi ôm ấp tâm hồn tôi.
Anh hay kể về công việc đưa khách thuê tàu thăm vịnh anh nói sẽ có một ngày đưa tôi ra biển, ngắm những hòn đảo và lênh đênh trên một khối thạch bích tưởng như xắn thành từng miếng được ấy. Anh nhìn tôi thật lâu, mái tóc bị gió hất ngược ra đằng sau với cái nhìn cứng cỏi dịu dàng.
“Em có bảo giờ thấy mắt biển không, nó đang nhìn em đấy” Tôi soi mình vào ánh mắt nhìn ấy, tự nghi ngờ cái vẻ ngốc nghếch của mình. Tôi đi một mình xuống bãi biển, mũi đất nhô ra như một con đường tự nhiên dẫn xuống biển. Một chiếc canô xanh có rám ván đang bắc vào bờ, ánh điện và những tiếng cười vui vẻ làm tôi háo hức. Hai người đàn ông như đi thăng bằng trên tấm ván cùng hai người phụ nữ lóng ngóng bước theo. Họ nghịch mưa như những đứa trẻ không lo nghĩ, một cái gì xa lạ lướt qua tim tôi. Người cuối cùng bước xuống. Anh! Vóc dáng cao vững và rạng rỡ, anh đi giữa họ và đang giải thích nhiều hơn là truyền cảm với họ. Trong anh như đã có cuộc sống ấy từ lâu mà thời gian quá ngắn cho tôi lãnh nhận. Nỗi hờn giận như tảng đá vĩnh cửu bám riết lấy tôi.
Lại có khách nghỉ! Dì nói, khuôn mặt dửng dưng rồi cầm phích nước đi lên tầng. Hai người đàn ông ngoại quốc mặc bộ đồ đi biển. Họ nhìn tôi thật lâu rồi dừng lại. Một người bước về phía tôi và nói bằng một thứ tiếng pha trộn, tôi cố bình thản trong ánh nhìn giễu cợt. Bất chợt, cả hai phá lên cười vì tin chắc rằng tôi không hiểu họ nói gì. Một làn sóng mạnh ép chặt lấy tôi, tôi kịp ghìm lại và chờ anh đến cứu. Không có điều gì cả – trong ánh mắt của anh, anh quay lại – sau lời nói của anh, họ không cười nữa, họ biết rằng tôi hiểu những gì họ nói. Trong đầu tôi nhói lên bóng hai cô gái chiều nay. Tôi lao đi để lại phía sau tiếng gọi của anh.
Tôi ngã vào lòng dì, để lại tiếng nấc ghìm sau cái vỗ về của dì. Một thoáng nhìn vô ích trong mắt dì và vẻ chấp nhận không ngỡ ngàng. Tôi tự hỏi mình. Liệu từ giờ, tôi có cần những lời vỗ về ấy không.
“Con nhận được điện của mẹ!” Tôi cố gắng lấy lại vẻ bình thản cố hữu trên khuôn mặt lì lợm “Thế cơ đấy – mẹ có nhắn cho dì về việc này không?” “Không, mẹ chỉ bảo con về” Tôi tránh cái nhìn dò hỏi của dì, cảm nhận sâu xa trong cái lần đầu nói dối dì. Như thân cây non bị một vết khía cứ rỉ nhựa mãi rồi vón lại rắn đanh trên lớp vỏ. Tôi trả lời dì và ngạc nhiên về những gì mình có thể làm. “Mẹ không thể ở nhà một mình được vì mẹ rất cần con, dì ạ” Tôi nóng mặt vì sự kiêu hãnh giả dối ấy, tự nhủ với mình: “Bây giờ mẹ vẫn ở phương Nam và chắc không phải chỉ một mình”!. Dì nghe, im lặng. Tôi sắp lại túi, những bộ quần áo với những sắc màu buồn nhợt nhạt. Dì ấn vào đó một bọc mực khô mằn mặn. Tôi nghĩ tới chuyến xe sáng mai, thành phố chưa ngủ dậy – biển cũng vậy”
***
Nhiều đêm trong giấc ngủ, tôi thấy biển – trôi đi trong cái mơ hồ tan loãng của sóng, mơ về một ngày đi biển với anh – lướt trên khối thạch bích tưởng có thể xắt ra được thành từng miếng ngon lành ấy. “Đừng giận anh nếu em hiểu thế nào là hai tiếng tha lỗi, chẳng có gì giấu nổi trong đôi mắt trẻ. Quê anh ở tận một nơi xa, cũng là biển mà nghèo, những đứa em của anh không biết chữ và đợi anh về mang theo sự thay đổi cuộc sống cho chúng. Nếu em biết rằng trên con đường tìm kiếm sự đổi thay, anh đã đánh mất bản thân mình để lao theo một ảo vọng dù biết rằng…” Tôi giở đi giở lại những lời của anh, gặm nhấm chúng trong một nỗi băn khoăn buồn bã. Một sự trách móc bền vững cột chặt tôi, né tránh ánh mắt anh – ánh mắt màu xanh như mắt biển. Đã bao giờ tôi thực sự hiểu anh chưa? Những ngày tháng qua, thỉnh thoảng có người ra Bắc lại nhận được thư và quà  của mẹ. Một người họ hàng ra, mang cho tôi một cái áo rét màu đỏ của mẹ và nói cho tôi biết rằng: Mẹ sắp lấy chồng. Tôi xếp chiếc áo vào đáy hòm, mùa đông về và có thể tôi tự tìm thấy nỗi cô đơn và thú vị trong sự thay đổi của đất trời chăng?
Đêm ấy tôi lại mơ về biển, đôi mắt biển đưa chiếc tàu có anh và tôi cùng dì và mẹ lướt trên khối thạch bích vô tận. Tôi tự nhủ, mình chẳng quên nổi cái gì ở nơi đó, chẳng thể quên được nỗi nhớ chập chờn trong cơn mơ và cái vẻ khẩn cầu dịu dàng cuốn tôi và tất cả chìm vào đôi mắt ấy.
BÙI THU HẰNG
 
27/6/2020
Nguyễn Lê Vân Khánh
Theo https://vanhocsaigon.com/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...