Thứ Tư, 1 tháng 2, 2023

Truyện ngắn Đỗ Xuân Thu: Người gác cổng

Truyện ngắn Đỗ Xuân Thu:
Người gác cổng

Đài Tiếng nói Việt Nam trong chuyên mục Đọc truyện đêm khuya ngày 5-9-2015 đã dẫn: “Trong làng văn Đất Tổ hiện nay, Đỗ Xuân Thu là một cái tên nổi bật. Nổi bật không chỉ vì tác giả sở hữu nhiều tập sách, nhiều giải thưởng văn học các đề tài mà còn bởi lối viết truyện mang màu sắc dân dã, đậm hơi thở con người và vùng đất trung du Bắc bộ. Từng trang truyện ngắn “Người gác cổng” đã dựng lên chân dung, con người và tính cách của “lão Pha”, một người được giao nhiệm vụ bảo vệ cơ quan Hội Văn nghệ tỉnh. Những người tốt bụng, vì tập thể, không màng lợi ích cá nhân như lão quá hiếm hoi đương nhiên dễ bị coi là kẻ lạ đời, hâm hấp, thậm chí bị cho là làm màu. Với truyện ngắn này, tác giả Đỗ Xuân Thu đã khá thành công trong việc khiến mỗi chúng ta nhận ra rằng lòng tốt vô tư vẫn tồn tại và đơm hoa kết trái giữa bao thói đời đen bạc”.
Nhà thơ Đỗ Xuân Thu
Có lẽ người có thâm niên nhất ở cái cơ quan hội văn nghệ tỉnh này là lão Pha. Không biên chế, không chức vụ gì, lão cứ cặm cụi với cái chân bảo vệ quèn hết đời ông hội trưởng nọ đến đời bà hội trưởng kia. Số cán bộ cơ quan từ khi công tác cùng với lão đã lần lượt nghỉ hưu hết, thay vào đó là số nhân viên mới trẻ măng. Trước đây thì người ta “anh anh em em” với lão, còn bây giờ chỉ thấy “bác bác cháu cháu”, “bố bố con con” thôi. Ngay cả sếp mới cũng gọi bác xưng cháu nữa là. Thì lão đã “đầu sáu đít chơi vơi”, có ba chục năm làm bảo vệ ở đây rồi còn gì.
Bảo vệ cơ quan là cái chân hợp đồng công việc. Thích thì người ta để, không thích thì người ta thay, nhất là khi có sếp mới. Có sếp kỹ tính còn xem tuổi bảo vệ, tuổi lái xe có hợp với tuổi của mình hay không nữa cơ. Không hợp là thay liền. Thường thì sếp mới, lái xe mới, bảo vệ mới hoặc sếp chuyển thì lái xe cũng chuyển theo. Chỉ bảo vệ là không chuyển được, nếu không hợp là phải thay người khác. Ấy thế mà lão Pha, giữ chân bảo vệ cơ quan này từ năm lão mới hơn ba mươi tuổi cho tới tận bây giờ qua bốn đời thủ trưởng, lão vẫn tại vị. Chứng tỏ “uy tín nghề nghiệp” của lão cao. Khoan hãy bàn đến việc hợp hay không hợp mệnh lãnh đạo, chỉ riêng cái tính cẩn thận, căn cơ, chỉn chu và sạch sẽ của lão thì hiếm có người thứ hai của cái tỉnh này được như lão. Không phải đến cái tuổi U70 lão mới thế mà ngay từ lúc tuổi đang xoan anh Pha đã cần cù, chịu khó rồi.
Hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, Pha bổ sung vào đội quân thất nghiệp của xã. Ruộng đất người ta đã chia, giao hết theo định xuất rồi, Pha chỉ làm ké phần của những người trong gia đình. Cả nhà trông vào mấy sào ruộng, được mùa cũng chẳng đủ ăn chứ chưa nói đến thiên tai, lũ lụt, hạn hán, sâu bệnh. Pha phải làm thêm đủ thứ việc. Từ gánh gạch vào lò đến phu hồ phụ vữa, từ đào ao gánh đất đến sửa cống rãnh, làm cỏ vườn…hễ ai thuê việc gì là Pha lại nai lưng ra làm việc nấy. Vậy mà thiếu đói vẫn hoàn thiếu đói. Đang lúc túng bí như thế thì ông bác của Pha làm ở sở Văn hóa đã xin cho Pha cái chân bảo vệ của cơ quan hội văn nghệ tỉnh. Chết đuối vớ được cọc. Tuy chẳng oai oách gì nhưng thời buổi ấy (kể cả bây giờ cũng vậy) có việc làm ổn định là tốt rồi. Thế là Pha để vợ con ở quê, đi thoát ly công tác mãi tận trên tỉnh.
Thời gian đầu, dân làng Cổ Cò kháo nhau. Số cái thằng ấy may thật. Bác nó xin cho vào công tác ở hội văn nghệ tỉnh nha. Chẳng thấy anh ấy có năng khiếu gì sao lại vào được cái cơ quan ấy cơ chứ? Các bà không biết đấy thôi, chú này làm thơ hay lắm. Trông củ mỉ củ mì thế mà nghe đâu viết được tận tiểu tiết đấy. Sao lại tiếu tiết? Tiểu thuyết chứ? Ừ. Hình như thế. Dưng mà vào cái cơ quan ấy nghèo bỏ mẹ, toàn chữ với nghĩa, ăn gì! Còn hơn chán vạn là ở nhà bám đít con trâu nha. Móc ba ngày không một xu dính túi. Chả thế lại không à? Đang phu hồ xách vữa một bước trở thành người nhà nước, mà lại “nhà nước văn nghệ sỹ” nha. Tôi đố các vị được như nó đấy? Có mà mơ! Thôi thì đủ thứ chuyện, nhất là mỗi chủ nhật, Pha quần lượt áo là, bảnh bao về quê.
Nghe dân làng nói thế, bố mẹ, vợ con Pha khoái lắm. Chả gì, nhà mình cũng có người đi thoát ly. Công tác mãi tận trên tỉnh cơ mà. Họ giấu việc Pha làm hợp đồng bảo vệ. Ấy thế mà Pha về nghỉ chủ nhật, anh trút bỏ ngay bộ quần áo “văn nghệ sỹ”, lao ra đồng phụ việc cho vợ. Vốn tính ít nói nhưng nghe được những lời đồn đại về mình, cả những người hỏi thăm trực tiếp, Pha cũng phải bật lên thanh minh. Có gì đâu, em làm hợp đồng bảo vệ thôi. Văn thơ, công chức, cán bộ gì cái ngữ em. Đã nói vậy rồi mà vẫn có người còn cười cười vỗ vai. Chú cứ khiêm tốn. Bao giờ có tập sách nào ra nhớ cho anh xin một cuốn nha. Tuần sau về sang bá chơi, sửa giúp bá bài thơ vừa mới viết đấy… Pha chỉ còn biết nhăn nhở cười trừ.
Mới đó mà đã hơn ba chục năm. Bố mẹ lão giờ đã quy tiên hết cả. Con lão cũng đã phương trưởng. Lão đã có cháu nội, cháu ngoại. Và đương nhiên vợ lão đã thành bà. Bà Pha ở với vợ chồng anh con trưởng. Bà vẫn yên tâm tạo điều kiện để chồng đi công tác. Cả cái làng Cổ Cò này họ đã biết lão Pha là nhân viên bảo vệ hợp đồng. Biết thì đã sao? Lão còn khoái nữa ấy chứ. Ối thằng trẻ hơn nhăm nhe cái chân ấy mà không được đâu nhé. Quả thực, cũng mấy đận lão đã định xin nghỉ rồi nhưng tay thủ trưởng mới nhất định giữ lão ở lại giúp cho cái khoản bảo vệ. Uy tín vậy, lão về thế nào được. Với lại, lão quá quen việc, quá yêu nghề này rồi. Giờ mà về ăn không ngồi rồi thì lão chịu sao nổi. Thế nên lão cứ làm. Bao giờ cảm thấy yếu quá thì lão sẽ xin nghỉ sau.
Ở các cơ quan khác, bảo vệ là bảo vệ, tạp vụ là tạp vụ. Đằng này, ở hội văn nghệ, bảo vệ phải đảm nhiệm cả việc vệ sinh cơ quan nữa. Tức là vừa bảo vệ, vừa làm tạp vụ. Mặt khác, các cơ quan người ta, bảo vệ của họ có ba, bốn người thậm chí cả chục người. Như thế, việc phấn đấu lên tổ trưởng hay chí ít là tổ phó tổ bảo vệ còn có cơ. Đằng này, cơ quan lão Pha có mỗi lão làm bảo vệ thì có đến đời mục thất để lão có được cái chức vụ gì. Hồi trẻ lão cũng lăn tăn về mục này nhưng giờ thì lão không thèm để ý nữa. Lão chỉ nhăm nhăm vào việc giữ an toàn, vệ sinh sạch sẽ cơ quan. Lão nhất mực làm theo hợp đồng và bổn phận. Lão chí thú làm việc như công việc của nhà lão.
Phòng làm việc của lão ở ngay cổng cơ quan. Đương nhiên rồi. Bảo vệ chả ở đấy còn ở đâu nữa. Căn phòng này dở bốt gác, dở phòng ở. Nó như cái lò thúc mầm ở quê lão. Cũng tường xây hai mươi. Cũng mái bằng. Chỉ thiếu mỗi cái ống khói trên nóc. Bốn bề cao thấp rộng dài bằng nhau. Đúng là một khối lập phương vuông vức. Chỉ khác lò thúc mầm là ngoài cửa chính rộng tám mươi phân ra nó còn có một cửa sổ nữa. Trước kia, nhà bảo vệ chỉ là cái lán tranh tre nứa lá tạm bợ. Bây giờ, kiên cố đấy nhưng nóng phải biết. Chả thế mà, những đêm hè, lão Pha toàn phải phanh hết các cửa, bật cả quạt trần quạt cây mới chiến đấu được với cái ngột ngạt oi bức.
Căn phòng rộng chừng mười ba, mười bốn mét vuông. Trong đó, lão kê cái giường một, cái tủ cá nhân và bộ bàn ghế uống nước xinh xinh. Nấu nướng, ăn uống, xem ti vi, nghỉ ngơi, tiếp khách tất cả ở trong cái phòng ấy. Đó cũng là chỗ để cho Hiếu và Cường – hai lái xe cơ quan ngồi chờ điều động công tác. Trong lúc lão dọn dẹp chỗ nọ chỗ kia thì hai cậu này cứ nằm ườn ra giường của lão để xem vô tuyến. Tuy vậy, cả Hiếu và Cường đều biết ý không làm xê dịch đồ đạc trong phòng, không làm nhàu chăn gối của lão bao giờ. Lão Pha ngăn nắp lắm. Chăn màn gập vuông vức, miết thành nếp, các cạnh nét nèn nẹt như cái hộp để ngay ngắn ở đầu giường. Gối lúc nào cũng trắng tinh, thơm phức. Giày dép để lên giá. Đôi nào đi thì xếp song song hai cái liền nhau, mũi luôn hướng ra ngoài để ở dưới đất cách đúng một phần ba về phía cuối giường. Xê dịch một tí là lão biết ngay. Đã mấy lần Hiếu và Cường bị lão mắng cho vì cái tội tự ý xê dịch, làm lộn xộn phòng của lão. Những năm quân ngũ đã rèn cho lão cái nề nếp ấy. Điều lệnh nội vụ mà.
Nhiệm vụ của lão là ghi sổ, hướng dẫn khách đến cơ quan, là bảo vệ an toàn toàn bộ tài sản trong khuôn viên của hội. Cơ quan nhỏ, lại ít khách nên công việc không có gì phức tạp lắm. Người đến hội chủ yếu là mấy vị văn nghệ sỹ. Lâu năm rồi, lão Pha quen mặt biết tên hết nên lão chỉ còn việc nhắc nhở họ để xe đúng nơi quy định.
Lão Pha nghiện chè và nghiện thuốc. Thuốc lá, thuốc lào lão bắn tất. Vợ con lão thường xuyên gửi chè sao xuốt ở quê lên cho lão. Bởi thế, chè của lão rất ngon. Chính điều này đã hút cánh văn nghệ sỹ. Họ lấy phòng lão làm nơi chờ đợi, hút thuốc và tán gẫu. Lão bắn thuốc liên tục. Điếu nọ nối đuôi điếu kia. Vừa vứt mẩu thuốc lá, lão lại vớ cái điếu cày xoa xoa miệng nó. Điếu cày của lão thì thôi rồi. Vừa kiểu cách dáng dấp lại vừa kêu rong róc như tuýt còi. Nhìn lão rít thuốc lào, ai không biết hút cũng muốn hút, ai hút rồi thì lại thèm hút nữa. Điếu kêu, thuốc thơm, lão ngửa mặt lên giời khoan khoái thả từng vòng khói bay. Đôi mắt lão lờ đờ. Giữa phố mà có cảnh hút thuốc lào ấy kể cũng lạ. Ối người nhìn lão mà cái cục o ở cổ họng mình cứ chạy lên chạy xuống nuốt khan vì thèm.
Công việc hàng ngày của lão là vệ sinh cơ quan, quét tước sạch sẽ toàn bộ hành lang từ tầng ba xuống tầng một hai dãy nhà ba tầng, từ trong sân ra ngoài cổng, từ toa lét đến nhà bóng bàn… Cơ quan có cái sân khá rộng. Lão được phép thu tiền người ta gửi ô-tô qua đêm ở cái sân này để bù thêm vào hai triệu hợp đồng cho đủ bốn triệu một tháng cả thảy. Có tháng đủ, có tháng thiếu. San đi bù lại cũng gọi là tạm ổn.
Nguyên quét sạch cái sân gạch của cơ quan cũng mất đứt nửa tiếng rồi. Đã rộng, cái sân này lại có thêm cây mít, cây đại và mấy cây lộc vừng nữa. Lũ cây này mùa nào mùa nấy rụng hoa, buông lá đổ thêm việc cho lão. Có hôm, vừa quét sạch đằng trước, đằng sau đã thấy lá mít, hoa đại rụng kín cả sân. Một cơn gió to thì thôi rồi. Thế là lão lại phải quét lại. Tính lão sạch sẽ. Một cái lá, một chùm hoa ở sân cũng làm lão ngứa mắt. Chiều tối quét. Sáng sớm hôm sau lại quét. Như người ta chỉ cần nhặt số lá rụng là xong (vì sân quét chiều hôm trước vẫn sạch bóng) nhưng lão vẫn quét lại từ đầu. Có ông hội viên phóng xe máy vào cơ quan kéo theo một vệt bùn đỏ quạch, thế là lão cầm cái chổi đi theo lau luôn. Mấy bận lão quát ỏm tỏi Hiếu và Cường về cái tội rửa xe ô-tô để bùn đất đỏ loang lổ ra khắp sân mà không chịu phụt nước rửa. Lại có hôm, mấy nàng nhân viên vô tư ăn quà vứt rác ra hiên, lão lẳng lặng cầm cái chổi và cái gàu hót đi nhặt ngay giữa lúc các nàng đang đùa cười rinh rích ở phòng đọc. Trông thấy lão làm thế, các nàng tròn xoe mắt, xuỵt nhau từ sau không vứt rác lung tung nữa.
Không chỉ sân, hè sạch mà cả tay vịn cầu thang lúc nào cũng bóng loáng. Sáng lau, chiều lau. Giữa buổi lão lượn một vòng lấy ngón tay quệt vào tay vịn cầu thang. Hễ có bụi là lão lại kỳ cụi lau ngay. Bậc cầu thang cũng thế. Chỉ khổ cho lão những hôm trời mưa. Quét hất nước từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới. Lau rửa bùn đất bậc cầu thang. Chết nỗi, chỉ nguyên số nhân viên cơ quan đã lôi bao nhiêu là đất cát các nơi đến rồi chứ chưa nói đến khách khứa, hội viên. Mọi người bảo lão để cuối ngày lau cả thể nhưng lão không nghe. Lão bảo để bẩn trông chướng mắt lắm. Thế là hễ người vừa qua thì lão quét lau luôn. Mỗi ngày lão dành đến ba, bốn tiếng đồng hồ cho cái việc lau dọn này. Thôi thì thay tập thể dục. Sáng lượt, chiều lượt. Làm xong thì tắm. Tắm xong thì nghỉ, ăn cơm. Đêm lại dở thức, dở ngủ để canh gác cơ quan. May giời cho lão cái sức khỏe. Sáu lăm, sáu sáu tuổi rồi mà trông lão còn phong độ lắm. Những lúc lão diện bộ quần áo “đặc chủng” cho công tác bảo vệ trông lão oách lắm. Bộ này, ông hội trưởng trước đã mua ở BigC cho lão. Cơ quan gọi lão là đại úy Pha. Lão cười hề hề ra vẻ khoái lắm.
Ba nhăm năm làm bảo vệ, lão Pha dính một vụ nhớ đời. Đó là cái lần hội sửa nhà, kẻ trộm lẻn vào lấy mất bộ máy vi tính 386. Dạo đó, bộ vi tính này đắt lắm. Lão phải dành hơn năm làm không công để lấy tiền đền. Ai cũng thương lão nhưng ông hội trưởng thì kiên quyết làm theo hợp đồng. Mọi người đành lặng lẽ giúp ông đôi ba chục đỡ đần. Chuyện chỉ có thế mà có kẻ thêu dệt thành câu chuyện khá ly kỳ.
Người ta đồn lão tòm tem với cô phu hồ của cánh thợ xây đang xây công trình cơ quan. Cô ta trạc tuổi ba mươi, cao ráo, trắng trẻo. Phụ vữa suốt ngày, quần áo bảo hộ lao động lụng thụng, lại thêm khăn bịt kín mặt chỉ hở ra hai con mắt, nhìn cô ta như mụ phù thủy chổi. Ấy vậy mà, khi cởi khăn, thay bộ quần áo khác thì nước da trắng như trứng gà bóc của cô ta hiện ra rờ rỡ khiến ánh mắt ai đã nhìn rồi thì chẳng thể nhìn đi chỗ khác được. Lúc đó mới thấy sự hài hòa, hợp lý của dáng và da, của đôi mắt và khóe miệng, của mái tóc và eo lưng… Đã thế, ánh mắt của cô ta lúc thì đong đưa như cười, lúc lại thăm thẳm xa xôi buồn một cách vời vợi, ngơ ngác. Người đẹp như thế đi phụ hồ thật phí.
Cái đêm cơ quan bị mất trộm máy vi tính, có người bảo nhìn thấy lão Pha đang quặp cô này ở cái lán công trình. Hai người trần như nhộng quấn lấy nhau như rắn. Thì xa vắng vợ lâu ngày như thế, cái cô gái ấy lại ngon như thế, hoàn cảnh xô đẩy thế, lão Pha sa ngã là phải. Đồn đại vậy nhưng chẳng ai bắt được tận tay, day tận trán. Có khi cũng chỉ là câu chuyện tán láo của cánh thợ hồ cho vui miệng lúc đánh vữa, leo giàn giáo. Thấy lão Pha lành, họ gán ghép linh tinh rồi vẽ chuyện làm quà, tiếu lâm tí cho vui cũng nên. Lão Pha nghe thấy hết và không phản ứng gì. Lão chỉ buồn vì mất của, vì thương cô gái kia đẹp người vậy mà phải làm những công việc nặng nhọc không nên có đối với một phụ nữ.
Thực ra, lão Pha rất chung thủy với vợ. Mặc dù xa cách cả tuần, thậm chí có khi cả tháng mới lão mới được về nhà nhưng những ngày ở cơ quan cấm thấy lão léng phéng với ai bao giờ. Thời gian đầu, khi lão ở tuổi ba mươi, quả thực, vợ lão ngày ấy cũng lo lắm. Làm ở cơ quan văn nghệ, lây nhiễm tính mộng mơ, giao du toàn với văn nghệ sỹ biết đâu Pha cũng lãng đãng gió trăng thì sao? Ăn trắng, mặc trơn, cao ráo, đẹp trai thế, lo lắm. Thi thoảng vợ Pha cũng lên đột xuất kiểm tra chồng. Về sau, biết anh chí thú công việc, bản tính con người chất phác, cần cù, vợ Pha mới yên tâm. Giờ U70 rồi, có tháo khoán thì lão cũng chịu.
Lão Pha có biệt tài tẩm quất. Lão mà tầm quất cho ai thì thôi rồi. Làm một lần lại muốn làm mãi. “Vỗ mít”, “băm xương”, “chặt thịt”, “xẻo da”, “kiến bò”, “cò mổ”, “giật tóc”, “bẻ vai”…làm cho người được tầm quất phải rên lên vì sướng. Đi đâu xa về mà được lão tầm quất mát-xa cho thì tỉnh luôn. Bao mệt nhọc tan biến. Chả thế mà ông hội trưởng cũ tối nào cũng đến phòng bảo vệ nhờ lão tầm quất mát xa cho một lượt. Ông ấy nghiện cái món này. Đến cả hai cậu lái xe có khi còn giả vờ phải gió để “nhờ đại úy Pha” tầm quất cho nữa là.
“Bố quất cho con phát, con đau người quá”, Hiếu thường nhăn nhó nói với lão như thế. Mặc dù vừa quét dọn, tắm táp xong, lão cũng chẳng nề hà gì, lật úp Hiếu ra và tiến hành xoa xoa bóp bóp. Cu cậu nằm sấp rên ư ử chẳng biết vì bệnh hay vì sướng. Đến khi xong, Hiếu cười phá ra: “Con khỏi rồi. Cảm ơn bố nhé!” rồi vớ cái áo chạy biến đi. Lúc ấy lão Pha mới biết mình bị lừa nhưng lão cũng chỉ cười hề hề nói với theo: “Cha bố anh. Lần sau còn lâu nhé!”. Ấy vậy mà chỉ vài hôm, Hiếu lại lừ đà lừ đừ kêu phải gió để nhờ lão tầm quất. Lão định đuổi Hiếu đi nhưng sau đó lại nói: “Nào! Nằm sấp xuống đi!”. Lão lại vỗ, lại đập, lại xoa… Hiếu lại rên rỉ, lại hự hự…. Đến giữa chừng, lão Pha bảo: “Chủ nhật này mày trực thay cho tao cái nha”. Hiếu ngóc đầu ngoái lại: “Bố nhớ mẹ con à?”. “Nhớ gì mà nhớ. Ngần này tuổi rồi còn gì mà thương với nhớ. Tao có tí việc gia đình!”. “Bố cứ nói thế. Tuần này con cũng bận”. “Tao nói thật mà. Trực thay cho tao đi!”. “Bố nói thật lần nữa đi. Bố nhớ mẹ con à? Nói thật thì con sẽ trực cho”. “Ừ thì…thì nhớ. Trực nha!”. “Có thế chứ. Bố nói ngay từ đầu có phải hay hơn không. Được rồi. Con sẽ trực thay cho bố”. Hiếu biết thóp lão Pha thế nên hắn cứ “bố bố con con” với lão để thi thoảng gạ lão tầm quất cho. “Này! Tao bảo thật. Ít tuổi quất vừa thôi. Nó quen đấy. Không lợi đâu mày ạ!”. Mấy bận lão Pha nói với Hiếu như vậy. Thế mà Hiếu vẫn cứ oàm oạp ra đòi lão tầm quất.
Trực canh cổng cơ quan, ai đến có việc gì đều phải liên hệ với lão trước. Lão vào sổ đăng ký, báo cáo văn phòng bố trí đón tiếp. Đó là đối với khách lạ. Còn với hội viên thì vô tư. Phần vì lão nhẵn mặt, biết tên hết cả. Phần vì các vị ấy đến chỉ bàn chuyện văn chương chữ nghĩa, chẳng ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới nên cũng chẳng cần kiểm duyệt gắt gao lắm. Khách lạ thì cứ nguyên tắc mà làm. Tỉnh xuống, trung ương lên đều phải qua lão đã. Lão cho vào thì mới được vào.
Một lần, vợ sếp mới đến cơ quan, lão chặn xe lại và mời bà ta vào đăng ký sổ. Bà ta nói là vợ của sếp, nhà có việc gấp phải “ra gọi ông ấy về ngay” rồi mà lão vẫn cứ gióng một khăng khăng hỏi tên tuổi, quê quán, nghề nghiệp, nội dung gặp…để vào sổ. Bà này tức quá vì việc quá gấp cần gặp chồng ngay nên đã to tiếng với lão Pha. Đến lúc đó ông hội trưởng từ tầng ba chạy ra ban công ngó xuống. Thấy vợ mình đang khua chân múa tay, ông vội ba chân bốn cẳng chạy xuống. Sau khi nghe vợ nói điều gì đó, ông gọi Hiếu vội lái xe đưa ông về. Tưởng lão Pha sẽ bị “cạo” kiểm về vụ này trong phiên họp tháng của cơ quan nhưng không, lão được ông hội trưởng biểu dương về tinh thần cảnh giác phòng gian bảo mật của lão.
Lão Pha thật thà, chất phác, cả tin lại hiền lành, chịu khó. Lão hay bị Hiếu lái xe trêu đùa. Hai bác cháu như hai bố con. Hiếu láu cá, nghịch ngợm và sẵn lòng giúp lão Pha. Đặc biệt, hắn hay nhận trực thay lão Pha để tạo điều kiện cho lão Pha về nhà hoặc nghỉ đi đâu đó. Có lần, một bà khách kém lão Pha cỡ dăm tuổi đến đề nghị cơ quan thẩm định, chuẩn bị xuất bản tập thơ đầu tay. Khổ nỗi, ban thơ hôm đó đi vắng hết. Hiếu đang ngồi xem ti vi ở phòng bảo vệ thấy thế bảo bà ta ngồi chờ. Rồi khi thấy lão Pha từ nhà tầng đi ra, hắn bảo bác gặp ông kia sẽ giải quyết. Sau đó thì hắn luổn lên văn phòng ngồi tán gẫu với mấy em nhân viên. Bà khách níu lấy ông Pha trình bày nọ kia, dở cả tập thơ ra đọc. Bà đọc, rồi bà ngâm. Ngâm xong rồi bà năn nỉ: “Anh giúp biên tập sửa giùm em với. Cả đời em chỉ mong ra được tập thơ này thôi anh ạ!”. Lão Pha tròn mắt xua tay. Bà kia càng năn nỉ ỉ ôi. Trong khi đó, Hiếu và mấy cô nhân viên từ trong phòng nhìn ra chỉ biết lấy tay bụm miệng cười. Rõ khổ! Lão Pha có biết tí gì về thơ với phú đâu mà biên với chả tập. Tối đó, mặc cho Hiếu rền rĩ, nhăn nhở, lão Pha kiên quyết không tầm quất cho hắn nữa.
“Ối giời ơi! Ông Pha bị ô-tô đâm chết rồi!”. Cả cơ quan đang giờ làm việc buổi sáng thì nghe tiếng ai đó kêu gọi ngoài cổng. Mọi người nhớn nhác chạy ra thì đã thấy xúm đen xúm đỏ, chỉ chỉ trỏ trỏ ở phía đầu chiếc xe con. Ông hội trưởng len mọi người vào trong. Ông Pha nằm bất tỉnh ngay phía đầu ô-tô. Người ông đẫm máu. Bà bán bánh rán cổng cơ quan nói trong khi chưa hết run: “Thằng Nhủng câm chẳng biết đi đâu lơ ngơ qua đường thì cái ô-tô này chạy đến. Ông Pha băng từ bên kia sang đẩy thằng bé ngã ra rệ đường. May cho nó có ông Pha không thì nát bét rồi”. Lúc đó mọi người mới quay ra nhìn cu Nhủng. Mặt nó xanh mét đang đứng run như cầy sấy. Nó ngơ ngác chưa kịp hiểu chuyện gì vừa xảy ra. Hiếu và Cường cùng ông hội trưởng bế thốc lão Pha lên ô-tô cho đi bệnh viện. Rất may, lão chỉ bị gãy chân và xây sát.
Cơ quan phân công nhau túc trực bên lão Pha. Ông hội trưởng bảo khoan hãy báo cho người nhà kẻo gia đình lại lo rồi rối lên thì khổ. Lúc lão Pha tỉnh lại, nhìn dây rợ truyền lằng nhằng cùng cái chân nẹp cứng của mình và mọi người đứng xung quanh, đôi mắt lão ngơ ngác. Mãi sau hiểu ra, lão hỏi ngay: “Thằng Nhủng có sao không?”. Hiếu lắc đầu: “Không sao cả bố ạ”. Khuôn mặt lão dãn ra, im lặng. Chợt như nhớ ra điều gì, lão gọi Hiếu lại: “Tối nay mày trực cho bố nhé! À, cả tối mai tối mốt nữa. Khi nào bố khỏi, bố sẽ gác trở lại”. Hiếu nói to: “Bố cứ nghỉ đi, không phải lo chuyện đó. Con sẽ trực cho bố. Khi nào khỏe bố nhớ quất bù cho con là được”. Hiếu vừa nói vừa cười. Lão cũng cười: “Cha bố anh. Chỉ được cái thế là nhanh”. Mấy người thấy thế cùng cười theo. Ông chánh văn phòng động viên: “Bác cứ yên tâm điều trị. Chúng em đã bố trí Hiếu, Cường trực bảo vệ và cô Diệu Thu cùng chị em văn phòng vệ sinh cơ quan thay bác rồi!”.
Lão Pha khẽ gật đầu rồi nhắm mắt thiếp đi. “Thôi, để cho ông ấy ngủ. Thế là may lắm rồi!”. Ông chánh văn phòng nói với mọi người. Lát sau, người ta thấy lão khẽ nhếch mép cười. Hình như lão Pha đang bồng bềnh trong mơ.
ĐỖ XUÂN THU
 
27/6/2020
Nguyễn Lê Vân Khánh
Theo https://vanhocsaigon.com/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...