Thứ Tư, 1 tháng 2, 2023

Ký ức chiến tranh

 Ký ức chiến tranh

1. Nửa đêm. Bà nội rón rén bước xuống giường. Tiếng dép va vào nền xi măng lẹp xẹp. Tiếng ho khục khặc. Giọng thảng thốt: “Út! Út ơi! dậy! dậy! tháo huy chương…”. Tôi tiếc nuối giấc mơ tuyệt đẹp, đưa tay dụi mắt, nửa nằm, nửa ngồi, rên rẩm: “Người ta đi soi lươn, soi ếch đấy. Hòa bình lâu rồi mà nội cứ quên”. Bà nội lừng khừng: “Vậy à? Hòa bình rồi hử? Sao thằng Ba, con Năm, thằng Sáu chưa về? Hòa bình… Hòa bình…” – Bà nội lẩm bẩm.
Hòa bình đã bốn mươi năm rồi. Thi thoảng nửa đêm nghe tiếng chó sủa, bà nội tôi bật dậy quáng quàng, lập cập bê những tấm bằng huân, huy chương của các cô, chú tôi đem giấu vội vào hốc nhà vì sợ quân lính vào bắt bớ.
Nhà văn Trần Quốc Cưỡng
Đừng nói chi bà nội lẩn thẩn vì tuổi tác. Tôi đây, mấy năm sau ngày giải phóng, đêm nằm nghe tiếng chó sủa còn giật mình kinh hãi. Tiếng chó sủa của thời chiến như nổ bom chùm. Thoạt đầu phát ra từ xóm dưới, xoáy sang xóm giữa, inh ỏi lên xóm trên. Ném vào không gian u tịch thứ thanh âm rờn rợn, đay nghiến, gào réo nghe bải hoải chân tay. Khi lũ chó cả xóm, cả làng đồng thanh tương ứng cũng là lúc tiếng mìn, tiếng súng nổ chát chúa, đinh tai. Đường quê tôi trước năm 1975 là những con đường mới sẩm tối đã dày đặt mìn Claymore, mìn jip. Trên cánh đồng lúa chín vàng lỗ chỗ những hố đạn M79 sâu hoắm. Cảnh thương vong vì chiến tranh diễn ra hằng ngày đánh mất tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng của tôi và lũ bạn cùng trang lứa.
Bà nội tôi có năm người con. Hơn một nửa trong số đó lần lượt lên đường tham gia cách mạng. Ông nội mất sớm. Cha tôi ốm đau dặt dẹo. Chú Ba Cỏn đứng mũi chịu sào. Chuyện cúng kính, mồ mả ông bà, ruộng nương… bà nội đều trông cậy hết vào chú. Mỗi lần chú Ba cày bừa, tôi thường xách giỏ tre theo sau luống cày, rõng bừa bắt cua, bắt ốc. Đất ruộng bắt đầu rã rữa, láng lẫy cũng là lúc lũ cua bò lổm ngổm. Chú ba hết dí, thá chỉ huy con Cộ và con Mẫm cổ bị quàng vào gọng bừa, lại ca vọng cổ: “… Trời ơi! Bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn, nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu… Hà! Bạn tình ơi đừng hoài công mòn mỏi đợi chờ…”. Ca chưa trọn câu vọng cổ, chú Ba chuyển sang hát nhạc: “Chiến sỹ ta dầm mưa dãi nắng, mưa rét run người nắng sẫm màu da. Tấm vải ta làm ra mảnh áo, là chiến sỹ quyết tâm diệt thù…”. Tôi nghe chú Ba hát riết rồi thuộc làu, vô tư hát cho lũ trẻ hàng xóm nghe. Lũ trẻ mục đồng truyền nhau hát vang vang khi ngồi trên lưng bò, lúc chơi trò đánh trổng… Cho đến một hôm, gã lính xây dựng nông thôn nghe thấy. Gã mua kẹo, gọi chúng tôi lại chia đều, thủ thỉ: “Các cháu hát chiến sỹ ta dầm mưa dãi nắng hay đấy! Thế ai tập hát cho các cháu?”. Bọn trẻ đổ dồn nhìn tôi, nhao nhao: “Thằng Út. Thằng Út đấy chú! Chúng cháu nghe nó hát rồi hát theo”. Tôi kịp nhìn ánh mắt của gã lính áo đen sáng lên. Gã đặt bàn tay lên vai tôi, giọng ngọt như mía lùi: “Út cho chú biết ai dạy cháu hát nhé! Chú thưởng cháu năm đồng!” Đồng bạc hình răng cưa có bông lúa ở chính giữa hiện lên trong đầu tôi đầy hấp lực. Năm đồng bạc cắc mua được vô số kẹo. Tôi định nói, tự dưng hình ảnh chú Ba trùm mền mở đài nghe nhạc, nghe tin tức khiến tôi lo lắng, nói trớ đi: “Dạ! Cháu nghe thằng Cò hát đấy ạ!”. Gã lính áo đen không bỏ lỡ cơ hội: “Cháu đưa chú gặp thằng Cò được không?”. Bọn trẻ lại nhao nhao: “Năm ngoái thằng Cò lội bơi qua sông chết đuối rồi chú ơi!”. Tôi không thành thật. Ấy thế, gã lính áo đen vẫn dúi vào tay tôi năm đồng mới cứng.
Về nhà, chú Ba nghe tôi kể đầu đuôi câu chuyện, liền ôm tôi hôn chùn chụt lên má, lên trán, giọng run run: “Cháu của chú giỏi quá! Cháu mà khai ra thì chú chết chắc. Từ đây cháu không được hát theo chú nữa nhé. Đấy là bài hát của quân giải phóng”. Sau này tôi mới hiểu chú Ba hát bài hát của một nhạc sỹ cách mạng sáng tác từ trên chiến khu và càng hiểu vì sao mỗi lần nghe nhạc, chú Ba phải trùm mền.
Chẳng mấy khi được chú Ba khen, tôi thích lắm. Nghĩ lại chuyện đổ oan cho thằng Cò, tôi bứt rứt thế nào ấy. Chú Ba thấy tôi đang vui, vẻ mặt chợt ỉu xìu thì vỗ về: “Cháu có chuyện gì buồn à?”. Tôi bối rối: “Biết thằng Cò có thông cảm cho cháu không?”. Chú Ba xoa đầu, an ủi: “Chiều nay chú cháu mình ra bờ sông đốt cho Cò nén nhang. Chắc nó không giận cháu đâu”.
Thằng Cò, con dì Hai ở xóm dưới là bạn thân của tôi. Nó cao lêu đêu, giọng nói chang chảng. Trong các trò chơi đánh đáo, đánh trổng, kéo co, chạy thi, bơi trải đều vượt trội lũ trẻ hàng xóm. Một lần tắm sông, nó bơi ra giữa dòng định vớt một khúc củi khô, không may đuối nước. Chúng tôi chỉ còn biết kêu gào. Những người đốt rạ trên đồng chạy đến nơi, thằng Cò đã chìm mất dạng. Người ta phải dùng lưới trủ rà kéo khắp dòng sông, hôm sau mới vớt được xác.
Chú Ba lấy thẻ nhang ra bật lửa đốt, trao cho tôi mấy cây. Vẻ mặt chú như tối hẳn: “Cháu xin lỗi Cò đi. Người khuất mặt cũng nghe được chúng ta nói”. Tôi cầm nhang, đứng thẳng, đầu hơi cúi, nghe cổ họng nghèn nghẹn. Chú Ba giục: “Cháu nghĩ gì nói nấy, đừng ngại”. Chú Ba đưa nén nhang lên ngang mày, hướng ra mặt sông thì thào khấn vái. Tôi thấy hối hận, thấy thương Cò vô cùng: “Bạn đừng giận mình nghen Cò… cực chẳng đã mình…”. Mắt tôi ngấn nước. Chú Ba lạy xong cắm nhang xuống bờ sông, quay sang phía tôi: “Chú cháu mình ngồi nán lại với Cò cho có bạn. Nhang cháy đều tức là Cò đã vui lòng tha chứ cho cháu”.
Từ dạo ấy, chú Ba không còn hát “Bài ca may áo”. Những lúc cày ruộng xong, chú bước lên ngồi bên gốc đa giữa đồng bươi móc cái gì đó trong hốc cây. Hoặc trước lúc về nhà, chú Ba vào trong đám mía đầy bí ẩn. Gã lính áo đen và một vài người lạ thi thoảng đi ngang qua nhà tôi nhìn vào bằng cái nhìn lấm lét. Theo lời của lũ trẻ, kẻ đã cho tôi năm đồng bạc cắc vẫn còn lân la tìm hiểu ai dạy cho chúng tôi bài hát “Bài ca may áo”. Có hôm, bọn cảnh sát chặn đường kiểm tra thẻ căn cước chú tôi. Chúng biết chú tôi làm giấy tờ khai nhỏ tuổi để trốn lính. Ngặt là giấy trắng mực đen, đóng con dấu đỏ đành rành, không thể làm khó dễ. Để chú tôi có được thẻ căn cước nhỏ tuổi, bà nội đã không ngần ngại bán gần mẫu ruộng ở vùng Rộc Quéo.
Làng trên, xóm dưới ai cũng quý chú tôi sống hào phóng, thẳng ngay, hay giúp đỡ người nghèo. Các cô thôn nữ thì khỏi nói, họ thể hiện sự ngưỡng mộ chú Ba ra mặt. Trong số những người đẹp xóm Lẫm, có cô Thể tóc dài, da trắng, mắt bồ câu được chú tôi để ý từ lâu. Tôi là cánh chim xanh đưa thư cho hai người. Bà nội hối thúc chú Ba lấy vợ. Chú cười buồn: “Thời buổi chiến tranh cưới nhau sợ làm khổ người ta”. Bà nội thuyết phục không được, nhờ cha tôi to nhỏ không xong. Đùng một cái, chú Ba mất tích. Bọn mật vụ mặt đằng đằng sát khí ào đến nhà tôi lục tung mọi thứ từ trong ra ngoài. Sau đó, tôi nghe người hàng xóm kể lại, bọn mật vụ đào bới gốc đa giữa đồng. Chúng tìm tài liệu. Chúng phát hiện chú tôi lập “hòm thư chết” ở gốc đa để liên lạc với cộng sản. Rằng chú tôi là cộng sản nằm vùng. Buồn cười là khi chúng biết được sự việc thì chú Ba đã cao bay xa chạy lên mật khu mất rồi.
Tội nghiệp cô Thể một lòng một dạ chờ đợi chú Ba, chờ đợi ngày hòa bình để cùng chú Ba nên duyên chồng vợ. Đau đớn thay, năm 1969 trong một lần về làng xây dựng cơ sở bí mật, chú Ba bị địch phục kích hy sinh.
Chú Sáu Cần trầm tĩnh, hiền lành là thế, nghe tin chú Ba Cỏn hy sinh, khóc liền mấy ngày rồi lên đường tòng quân trả thù anh, đền nợ nước trong một đêm mưa tầm tã. Lần này bọn mật vụ không đến nhà tôi lùng sục. Chúng bắt bà nội tôi đưa về trụ sở xã giam giữ, khảo tra cả tuần, không khai thác được điều gì mới gọi cha tôi đến đưa về.
Chú Ba hy sinh. Chú Sáu thoát ly. Con thuyền gia đình, cha tôi phải cầm lái. Mẹ càng bận bịu hơn việc đồng áng. Nếu không nhờ cô Năm chăm sóc bà nội, phụ giúp việc nhà, có lẽ mẹ không cáng đáng nổi phận làm dâu.
2.
Hồi đó, ở xóm dưới có một thanh niên nhà giàu, đẹp trai, lịch thiệp và có năng khiếu điêu khắc. Người ấy tên là Lâm. Chú Lâm chưa từng học qua lớp điêu khắc nào, bỗng dưng làm cho mọi người đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Chú mua sắt về làm cốt, lấy đất thịt đắp thành tượng thiếu nữ trong sân vườn. Làm mái che tượng bằng rạ có dáng hình cột nấm. Mọi người lần lượt đến xem tượng thiếu nữ mặc áo dài đứng nghiêng nghiêng, một tay vuốt tóc, một tay đặt trên ngực thật duyên dáng và sống động. Người ta xem tượng, mỗi người có một cách cảm nhận khác nhau. Khổ nỗi nhiều người quả quyết rằng chú Lâm nặn tượng cô Tuyết (cô Năm tôi). Mỗi lần ra đường, người ta chọc ghẹo cô Năm điều này thứ nọ. Cô Năm không đủ can đảm đến nhà chú Lâm xem tượng. Cô nhờ tôi đi xem với lời hứa chắc như đinh đóng cột: “Út đi xem tượng về cho cô biết pho tượng ấy có giống cô không, cô sẽ đúc bánh bò cho cháu ăn thả giàn”. Nghe nói tới bánh bò nóng, tôi nhảy cẫng lên reo hò: “Cô Năm nói nhớ giữ lời với Út nghe. Con đi ngay đây”. Trong xóm, tôi chạy bộ chỉ thua thằng Cò. Tôi chạy chân đất, hai bàn tay nắm lại đưa về phía trước. Tay phải vặn vặn như vặn tay ga xe máy, miệng rú lên uỹn!… uỹn!… Tay trái thi thoảng bóp còi miệng toe!… toe!… Đấy là những lúc gặp mấy ông già, bà già, cô gái đi bộ trên đường. Người ta giật mình, phát hiện ra tôi, mắng mỏ: “Cái thằng Út Đực xe với cộ!” hoặc là “Đồ vịt đực làm ồn ào xóm làng!”… Nói gì kệ họ. Tôi vô ga, tăng tốc chạy một mạch tới trước ngõ nhà chú Lâm cho “tắt máy”, rón rén vào sân. Chú Lâm vừa thấy tôi đã kêu toáng lên: “Út! Cháu vào đây chơi với chú”. Tôi thấy người nhẹ hõm. Từ lâu tôi biết chú Lâm quý mến tôi qua cử chỉ, lời nói ấm áp (khi ấy tôi chưa đủ khôn để hiểu rằng chú Lâm quý tôi còn vì một lý do khác nữa). Khu vườn nhà chú Lâm rộng mát, trồng nhiều cam, bưởi… Tôi chằm chằm nhìn pho tượng một hồi, rồi “nổ máy”, rồ ga chạy bay ra đường, quên béng chào chú Lâm.
Cô Năm ngồi thêu đan, mắt chong ra ngõ. Tôi vừa thấy cô, liền bật cười toe toét: “Giống y chang cô ơi!”. Cô Năm dừng tay nhìn tôi không chớp: “Xạo! Cô bằng xương bằng thịt, còn tượng bằng đất, bằng cát giống thế nào được”. Tôi đổ quạu: “Cô hổng tin Út thì xuống dưới đấy mà coi!”. Cô Năm biết tôi nói thật. Mặt cô chợt ửng hồng, nở nụ cười thật dễ thương: “Cô giỡn với con, chứ cô không tin Út thì còn tin ai!”. Tôi dúi đầu vào ngực cô, õng ẽo: “Cô nhớ đúc bánh bò nha!”. Cô Năm cười rạng ngời: “Chó con tham ăn đừng lo. Cô chuẩn bị các thứ rồi”.
Khác với chú Ba Cỏn, cô Năm Tuyết rất kín đáo trong chuyện yêu đương. Chuyện chú Lâm nặn tượng cô Năm để tỏ tình thật lãng mạn làm cô xúc động. Biết vậy, cô Năm vẫn giận chú. Tình cờ tôi nghe cuộc đối thoại của hai người ở dưới bếp: “Anh có biết người ta đùa cợt em như thế nào khi xem tượng không?”… “Anh biết lỗi rồi. Đừng giận anh nữa nhé!”…
Hôm trước gia đình chú Lâm đi dạm ngõ cô Năm. Hôm sau xe jeep chở mật vụ và cảnh sát dã chiến áp tới nhà tìm bắt cô Năm. Thật lạ lùng. Bữa đó, tôi cứ ngỡ cô Năm đi cấy khuya. Cô Năm nhận lời cầu hôn của chú Lâm, vậy mà…
Bà nội, cha mẹ tôi, chú Lâm đều không biết cô Năm làm cơ sở cách mạng. Tôi ăn chưa no lo chưa tới làm sao biết được việc làm của người lớn. Mạng lưới an ninh dày đặt không bủa vây được cô tôi. Chúng tức tối, điên cuồng lại bắt bà nội, lại thất bại chua cay.
Chú Lâm nghe tôi đổi cách xưng hô, gọi chú bằng dượng Năm từ lúc dạm ngõ, mỗi lần gặp tôi, dượng ôm vào lòng: “Chắc Út thương nhớ cô Năm nhiều lắm hả?”. Tôi nhìn dượng Năm, gật đầu, không nói. Nước mắt đẫm bờ mi. Dượng Năm quay mặt đi. Tôi biết dượng vô cùng đau khổ khi xa cách cô Năm.
Đêm đêm tiếng súng vọng về. Bà nội cựa mình thao thức. Cha tôi đốt thuốc lá liền tay. Mẹ thắc thỏm mỗi lần nghe chó sủa. Tôi co quắp, hãi hùng vì tiếng gió rít ngoài cửa sổ. Đêm đen. Ngày dật dờ. Không khí chiến tranh bao trùm tang tóc. Chiều. Từ ba giờ. Nhà nhà vội vàng cơm nước. Vội vàng mang va ly, gióng thúng, gạo thóc, xoong nồi ra thềm. Khóa cửa. Và tiếng súng nổ. Tiếng kêu gào. Tức thì trên đường làng dòng người hớt hải chạy chung với trâu bò, xe cộ. Tôi lóng cóng chạy theo mẹ đang gồng gánh. Cha chở bà nội bằng xe đạp. Vô số những buổi chiều tiếng súng, tiếng kêu la, tiếng chân người lặp đi, lặp lại đáng sợ và nhàm chán, đau thương và vô vị.
Rồi một sáng. Buổi sáng mà suốt cuộc đời tôi không thể nào quên. Mọi người láng giềng tụ tập, xầm xì trước ngõ nhà tôi. Cô Bốn Luyến (người em kề chú Ba Cỏn) mắt đỏ hoe, tất tả xộc vào sân, kéo mẹ vào nhà thì thầm. Gương mặt mẹ tái nhợt, quày quả ra vườn tìm cha. Mẹ khóc. Cha bấn loạn. Tôi nôn nao. Khi cha mẹ chấp chới bước ra ngõ cùng cô Bốn, tôi vùng chạy theo. Mẹ tức tưởi: “Con ở nhà chăm sóc nội. Không được ra đường!”. Tích tắc, thằng Ngự áo thun, quần đùi tồng ngồng tạt vào nhà tôi, ghé tai nói nhỏ: “Cô Năm mày bị lính bắn chết ngoài sông!”. Tôi điếng người, quên béng lời mẹ dặn, tốc hộc chạy thẳng ra sông. Đồng trơ gốc rạ. Những gié lúa nhỏ nhoi, non nớt nhú lên hứng lấy sương mai sau cơn mưa phá hậu. Những bờ ruộng bị sạt lở sau mùa gặt làm bàn chân tôi chậm lại. Bên bờ sông cạnh lũy tre một nhóm người ngơ ngác. Cách đấy không xa là bọn lính đi đi, lại lại bên xác người nằm sóng soãi. Chúng có vẻ đắc ý, cười nói hể hả.
Tôi nghẹt thở, xăm xăm tiến về phía bọn lính. Ngay khi ấy có một bàn tay chộp lấy bờ vai tôi giữ chặt: “Út bình tĩnh. Cháu đến đó bọn lính sẽ bắt đưa đi”. Tôi ngoái đầu nhìn ra phía sau, nấc lên: “Dượng Năm ơi! Có phải cô Năm…?”. Dượng Năm gật đầu, nhìn tôi, đôi mắt như có lửa.
Đợi bọn lính rút lui. Xế chiều. Cha mẹ tôi, cô Bốn, dượng Năm và một số cụ già trong xóm âm thầm mai táng cô tôi bên gò đất soi ven sông không cờ, không trống, không dám khóc lớn tiếng. Bàn thờ cô Năm ở nhà dưới không dám đặt di ảnh.
Cô Năm hy sinh chưa tròn tháng. Dượng Năm và một số trai làng bí mật lên chiến khu.
3.
Đến cuối năm 1975 bà nội tôi mới biết chú Sáu Cần hy sinh ở Quảng Trị. Nỗi đau đã vón thành cục trong trái tim nhân hậu của bà. Nội không còn nước mắt để khóc con. Cha tôi và cô Bốn là chỗ dựa của nội. Tôi là niềm vui thắp sáng mỗi lần nội suy tư, buồn bã. Chỉ có dượng Năm là lành lặn trở về sau cuộc chiến tàn khốc. Bộ quân phục màu cỏ úa. Hàm thiếu tá. Mũ cối đính sao vàng lấp lánh. Vóc dáng cao ráo, săn chắc. Màu da phong trần. Đôi mắt sáng quắc, ần ậng niềm tin. Dượng Năm là hiện thân của một người lính giải phóng phảng phất chút nghệ sỹ tài hoa. Nhà tôi là điểm dừng chân đầu tiên của dượng sau bao năm dài xa quê hương. Nội đứng nhìn trân trối. Tôi ngờ ngợ. Chao ôi! Khi người đàn ông nở nụ cười là tôi ào tới. Tôi chưa bao giờ quên nụ cười biết nói của dượng: “Nội ơi! Dượng Năm về… r…ồ.ồ…i…!!!”. Bà nội chồm tới ôm chầm dượng Năm. Tiếng khóc của nội khô khốc. Nước mắt của nội như những viên thủy tinh: “Con về đây, còn con Tuyết…”. Dượng Năm cắn chặt vành môi rớm máu: “Mẹ! Con nhớ mẹ… Con mãi mãi là con rể mẹ…”. Dưới đáy chiếc ba lô bạc phếch của dượng Năm là ảnh chân dung khắc gỗ. Cô Năm hiện ra thời con gái xinh đẹp và thùy mị. Tôi nhói lòng nhớ lại ngày trước cô Năm hy sinh, gia đình tôi không dám thờ di ảnh.
Sau này dượng Năm còn nặn tượng bán thân của cô Năm và những đồng đội thân yêu của dượng đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước chưa tìm được hài cốt. Dượng xây một gian phòng thờ đồng đội. Tượng cô Năm đặt đối diện với cửa chính. Có lẽ dượng Năm muốn mỗi ngày thức dậy dượng nhìn thấy hình ảnh của người mà mình yêu thương, nhung nhớ.
TRẦN QUỐC CƯỠNG
 
27/6/2020
Nguyễn Lê Vân Khánh
Theo https://vanhocsaigon.com/
 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...