Người an nhiên trong
mạch thơ truyền thống
Đọc "Chiều trên sông Hàm Luông"
của Cao Quảng Văn
Nhà thơ Cao Quảng Văn là dân Văn Khoa Sài Gòn, xuất hiện
trong làng văn khá sớm, lặng lẽ mà có đến hơn nửa thế kỷ cầm bút, từ tốn và an
nhiên với phong cách nhẹ nhàng, ấm áp và bút pháp thơ truyền thống của mình.
Mảnh đất phóng khoáng của phương Nam, quê hương xứ Huế, cùng với những chân trời
rộng khác đã in dấu trong tập thơ mới nhất của anh: Chiều trên sông Hàm Luông,
lưu lại những bài thơ từ năm 1966 đến năm 2018.
Tuổi đôi mươi hồn thơ bừng nở sinh sắc và bồi hồi cùng nhịp sống. Có những bài
vang vang nhạc điệu một thời: "Đêm tan hoang muôn ngàn tấn bom/ Đêm kêu
oan những lời bi thương/ Đêm gục đầu thành đô muốn khóc/ Đêm bốc cháy lửa nhà
cuối thôn…" (Đêm nhiệm mầu tiếng hát đường xa, 1968). Có những lời âm âm nỗi
buồn làm người: “Nghìn năm triền đá xanh rêu/ Ngày xanh xao/ Lệ ứa chân chiều/
Bước mỏi ta về/ Cơn gió thoảng/ Nằm im nghe cát bụi tiêu điều” (Cũng bâng
khuâng gió lướt mặt đường, 1971).
Tuổi 40 chững lại những ghi nhận, một niềm vui từ hòa bình và gia đình: “Tình
yêu là năm, là tháng/ Ngọt bùi, cay đắng có nhau/ Tình yêu là …khi tóc bạc/ Vẫn
xanh giấc mộng ban đầu…” (Vẫn xanh giấc mộng). Nhiều bài thơ nhạc điệu mạnh,
nghe như những bài ca (Tìm nhau, Vào xuân, Sông ơi cứ chảy…): Nước cứ trôi/ qua
cầu/ lửng lơ/ Mây vẫn bay/ trên đầu- vu vơ/ Người bên nhau, mà không một lời!/
Một ngày…không còn Thơ trên đời?. Không còn lung linh- còn đâu mơ màng!/ Mai sớm,
trưa chiều/ rồi đêm dần sang…/ Một ngày đi qua/ Một ngày lại tới!/ Người bước
trên đường/ Không âm vang…(Hãy giữ giùm anh). “Chiều rơi mênh mông/ Người còn
xa xăm/ Chiều buông thanh u/ Nhịp trầm hư không (Một mình với chiều Đà Lạt).
Và sau đó là trầm tư, là tra vấn, là khắc khoải. Do sức nặng của năm tháng trên
vai hay bởi “những điều trông thấy”? Có thể là cả hai, nhưng dù thế nào, thơ
Cao Quảng Văn vẫn chưa bao giờ bị chìm trong đắng cay, nghiệt ngã.
Có những nỗi đau nén chịu, tự dỗ dành: “Tim ơi, đừng cay đắng/
Cho lệ rơi ngậm ngùi/ Một ngày không mây trắng/ Còn dài hơn một đời…” (Trời
không mây trắng). Có những nỗi buồn câm lặng, trong vô vọng, tự nhắc mình kiên
nhẫn: Trên chót vót đỉnh cao/ Chỉ còn lặng im (*)?/ Thăm thẳm hơn mọi nỗi buồn/
Là niềm vô vọng… /Ai đã sống như đã ngàn năm sống/ Với tin yêu rồi thất vọng
tràn bờ?/ Ngàn năm sau có gì còn lưu lại/ Hay chỉ niềm câm lặng trong thơ?..
(Câm lặng nỗi buồn).
Nhiều bài thơ trĩu nặng tự sự: (Bước mùa tôi, Vẫn mỗi ngày như thế, Bên sông
trôi, Những con đường không có lề, …). Chúng chất chứa nỗi niềm của người cầm
bút: Khi lạc quan: “Thơ sẽ hát bên người/ Khắp hang cùng ngõ vắng/ Ngày nước mắt
thôi rơi/ Thơ phập phồng hy vọng” (Trăng chiều); lúc khắc khoải, với những câu
hỏi lớn dành cho người cầm bút: “Nhà thơ ơi/ Người đứng nơi đâu/ Trong cuộc đời
này?/ Môi mím nụ- trầm tư/ Hay lặng thầm, nước mắt?/ Ngước nhìn trời/ Hay ngậm
ngùi cúi mặt?/ Hy vọng, đau buồn/ Người viết cho ai? (Thơ hỏi nhà thơ); và “mỏi
mòn: “Những câu thơ mỏng manh/ Như cũ mèm số phận/ Giọng ễnh ương mòn sương kêu
trời/ Những vì sao nhói xanh lận đận…” (Lãng du); rồi kháng cự: “Tôi không muốn/
Những ngày dài vô nghĩa!/ Những trang dư trong cuốn sổ cuộc đời…/ Những đêm
hoang vu/ Những ngày sương khói/ Tồn tại mỏi mòn/ Chờ đợi phút tàn hơi! (Có
phút giây nào).
Trong kho tàng thơ Việt đã có những bài thơ viết về mùa, về chiều, đã trở thành
kinh điển, không ai dám chạm vào, thế mà Cao Quảng Văn vẫn có khả năng chen vào
ký ức chúng ta bằng một bài long lanh trọn vẹn (Ai chờ ai mùa thu) hay một đôi
câu đẹp: “Mênh mang chiều chảy về đâu/ Ngày run bóng xế, bên cầu lá rơi/ Cánh
chim khuất nẻo xa rồi/ Người mang theo cả ngậm ngùi trời mây”… (Nhạt nắng bên cầu).
Đá và mây là cặp biểu tượng đối ngẫu trong thơ Cao Quảng Văn: một tĩnh, một động,
làm nên ám ảnh nơi những ai biết lắng mình với Tự nhiên.
Cao Quảng Văn làm thơ với một bút pháp tự nhiên, thuần phác. Hình như ông không
quan tâm nhiều đến việc cách tân kỹ thuật. Thế mạnh của thơ ông là nhạc điệu và
nhạc tính. Một vài bài thơ tự do hiếm hoi nơi đây, mang phong vị phương Đông:
Tuyệt mù một thoáng vàng bay, Nhớ Ức Trai…thường rời rạc, dở dang, chưa tròn ý.
Tôi không biết Cao Quảng Văn đã có bài thơ nào được phổ nhạc chưa? Nếu được bay
lên bằng đôi cánh của âm nhạc, chắc rằng thơ Cao Quảng Văn sẽ có dịp đến với
nhiều người hơn, sẽ in vào ký ức nhiều thế hệ hơn, nhất là trong cái thời rộn
rã của âm thanh, của các phương tiện nghe nhìn này.
Sài Gòn, 4/6/2019
Nguyễn Thị Thanh Xuân
Theo http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét