Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2023

Hồi âm từ phương Nam

Hồi âm từ phương Nam

Trong lời nói đầu viết cho bản dịch tiếng Việt Tuyển tập truyện ngắn Trần Trường Khánh, tác giả chân thành bày tỏ ước vọng “đi tìm tri âm ở phương trời văn học khác”. Chợt nhớ ngày xưa Lưu Hiệp từng băn khoăn: “Tri âm thực khó thay! Âm thực khó tri mà người tri âm thực khó gặp. Gặp được tri âm là sự nghìn năm có một” (Văn tâm điêu long, thiên 48: Tri âm).
Tôi là một độc giả của Trần Trường Khánh, từ phương Nam xa xôi, quen thuộc với văn học Trung Quốc, nhưng có phần xa lạ với văn học trên lãnh thổ Đài Loan đầy sóng gió, lại càng chưa biết gì nhiều về tác phẩm của những nhà văn trên đảo Kim Môn có số phận gian nan khôn xiết. Không dám nhận là người tri âm, tôi chỉ thấy mình may mắn được thưởng thức tác phẩm này như thưởng thức “một hiện tượng, một bức tranh riêng biệt” (Hoàng Khắc Toàn) vừa lạ lẫm, vừa gần gũi để có thể ký thác vào đó một chút tâm trạng mình.
Những biến động lịch sử và xung đột ý thức hệ nửa cuối thế kỷ 20 đã đẩy Đài Loan và miền Nam nước tôi vào những tình thế hiểm nghèo. Những người đồng bào cùng trong một nước phải chia nhau ở hai bên chiến tuyến mà lằn ranh là một vùng biển (Đài Loan) hay một dòng sông (Bến Hải). Kim Môn (Đài Loan) và Bình Trị Thiên (Việt Nam) trở thành chảo lửa của chiến tranh. Một nơi là hàng cọc nhọn chống đổ bộ, một nơi là hàng rào điện tử McNamara, ranh giới lẽ ra là khu phi quân sự đó trở thành vùng tranh chấp quyết liệt nhất với bao máu xương đổ xuống.
Nhà văn Trần Trường Khánh đã chứng kiến hai lần khủng hoảng ở eo biển Đài Loan với những cuộc pháo kích, những trận hải chiến giữa hai bờ mà người dân Kim Môn phải chịu đựng. Nhưng cả sáu truyện ngắn trong tập này không nhằm miêu tả trực tiếp những biến cố ấy mà thể hiện những di chứng của thời kỳ thiết quân luật đã đè nặng lên đời sống của khoảng mười vạn dân Kim Môn trong hơn 36 năm ròng.
Dù thời nào, xứ nào thì nạn nhân trực tiếp của độc tài, quân phiệt cũng là những người dân lành vô tội. Những oan khiên vô cớ rơi xuống đầu người thợ hồ như A Thuận (Xe khách công cộng nhân dân). Những thân phận phụ nữ trôi dạt như Vương Mỹ Lệ , Hoàng Ngọc Tiêu trở thành món hàng chuyên tay bao kẻ võ biền thô bạo (Tạm biệt đảo Hải Nam, Tướng quân và Gạo Bồng Lai). Những góa phụ trung hậu như chị Thiêm Đinh bị viên chức địa phương bắt nạt, quấy rối và làm nhục (Tôn Rỗ).
Truyện Tạm biệt đảo Hải Nam dẫn ta đi qua những di tích và thắng cảnh thu hút tầm mắt mà không che giấu được vết thương trên cơ thể xã hội và cơ thể người phụ nữ chìm sâu trong bi kịch của nghề tiếp viên. Qua Vương Mỹ Lệ, độc giả Việt Nam bắt gặp hình ảnh hiện đại của Thúy Kiều (Đoạn trường tân thanh, Nguyễn Du), Tuyết (Đời mưa gió, Khái Hưng và Nhất Linh), Huyền (Làm đĩ, Vũ Trọng Phụng)… trong một xã hội tự xưng là văn minh. Mô-típ “gặp lại cố nhân” được Trần Trường Khánh thể hiện tự nhiên, chân thực, để lại dư vị đắng cay mà không rơi vào một happy-ending giả tạo.
 Theo thiển ý, truyện ngắn hay nhất trong tập này là Tướng quân và Gạo Bồng Lai. Mặc dù tác giả cẩn trọng rào đón rằng trong quân đội Quốc Dân Đảng có “hàng chục ngôi sao sáng lấp lánh với tên gọi tướng quân”, độc giả không tránh khỏi đặt câu hỏi rằng cái guồng máy thối nát nào đã sản sinh ra một Ngưu tướng quân đốn mạt như vậy? Với bút pháp trào phúng cay nghiệt, Trần Trường Khánh đã khắc họa sinh động chân dung và tính cách một “tướng quân” đồi bại, thô lỗ trong “dáng vẻ anh Trư”, trên đời chỉ nghiện hai món là uống rượu ngâm dái chó để tráng dương bổ thận, và hưởng lạc thú với Gạo Bồng Lai hàng tuần ở trà thất Am Tiền, đến mức “chẳng cần giữ gìn tinh lực để phản công đại lục” (!).
 Cảm hứng phê phán, đả kích trong tác phẩm Trần Trường Khánh không dừng lại đó. Đọc truyện Xe khách công cộng nhân dân, tôi liên tưởng đến tác phẩm của Franz Kafka, Aziz Nesin, Slawomir Mrozek, Bùi Ngọc Tấn, với những con người thuần phác, vô tội bị chụp mũ, bức cung, tra tấn một cách oan khuất chỉ vì một lý do vớ vẩn, tuy về sau có được minh oan, trả lại danh dự thì tâm hồn cũng đã tổn thương nghiêm trọng mà không thể oán trời trách người được nữa, đành tự an ủi mình “đã không may sinh nhầm thời đại”. Truyện ngắn này là một bản luận chứng đầy mỉa mai về tình trạng nhà cầm quyền có thể nhân danh những lý lẽ tốt đẹp như bảo vệ an ninh quốc gia để đẩy dân lành vào vòng tai họa ở “nơi không ánh mặt trời”.
Thế đó, những thiên truyện hiện thực của Trần Trường Khánh cho thấy bạo lực và sự vô đạo có thể bóp nghẹt cuộc sống của một vùng đất như thế nào. Nhân vật Trần, vốn là một nhà văn, từng thốt lên cay đắng: “Con người thật hiểm ác. Chẳng phải các người luôn mồm nói rằng phải cải cách cái xã hội bất lương này, phải kiến lập một xã hội hoàn hảo tốt đẹp, nhưng tại sao không cách nào xóa bỏ được ánh mắt của lợi danh và quyền lực?”.
Nhưng nghĩa vụ của một nhà văn, dù không thiếu khiêm tốn, đòi hỏi ông ta không được thỏa hiệp với nỗi sợ hãi và lòng yếm thế, nhất là khi ngòi bút được truyền cho sức mạnh tinh thần và những đức tính tốt đẹp mà những người dân giàu lương tri ở Kim Môn, tuy có lúc phải “ngậm miệng làm ngơ, mũ ni che tai” trước cường quyền để “tránh chuốc họa vào thân”, cuối cùng không để cho ai tước đoạt. Ở bên kia và bên đây, con người chân chính đều tin vào lẽ phải và điều thiện, tin rằng “ở hiền gặp lành, ác giả ác báo”, như tục ngữ đã nói. Dù đã rơi vào hầm lửa của một xã hội đầy cạm bẫy, người “thần nữ” vẫn không thôi nuôi khát vọng về nhân tính, tình yêu và cái đẹp: “Khi em đã rửa sạch đôi tay đầy bùn tanh, em sẽ rửa sạch những vết nhơ trong lòng em bằng chính đôi tay của mình; em muốn khi em trao cho anh, em là người trong sạch và hoàn mỹ, dù em đang ở chân trời góc biển nào đó…”.
Những người như chị Thiêm Đinh, Xuân Đào, Võng Yêu Tử đều coi trọng đạo lý dân gian, phong hóa làng quê và phẩm giá của người phụ nữ. Đó là sức mạnh khiến Thiêm Đinh trụ vững mà Tôn Rỗ dù mưu ma chước quỷ cũng không làm cho gục ngã. Đó là lẽ sống tự lập và tự trọng khiến Võng Yêu Tử, không oán trách số phận, thà lấy sức mình nuôi con, nuôi mẹ chứ không làm kẻ phụ tùy của người chồng gàn dỡ. Đó là phản ứng thật đáng trách nhưng cũng thật đáng thương của Xuân Đào, người đàn bà đầy chất sinh thực khí, đã chọn cái chết để rửa nỗi nhục của mình. Những người phụ nữ đó sản sinh từ thổ nhưỡng, khí hậu Kim Môn, đồng thời cũng là hình ảnh người phụ nữ Á Đông trọng nhân cách, mà trên đất nước Việt Nam thời nào cũng có.
Tác phẩm của Trần Trường Khánh cho thấy văn học ở một địa phương có thể vươn ra khỏi các bức tường để tìm thấy sự đồng cảm của người đọc qua sự hiệp thông với chủ nghĩa nhân đạo. Xin trân trọng cảm ơn tác giả và giáo sư Trần Ích Nguyên đã bắc cầu cho tác phẩm này đến với bạn đọc Việt Nam qua bản Việt ngữ do các dịch giả ở Trường Đại học Khoa học xã hội - nhân văn và Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện. Đối với riêng tôi, tập truyện này không chỉ mở ra cánh cửa nhận thức về một xứ sở lắm trầm luân như quê hương tôi, mà còn đem lại kinh nghiệm mỹ cảm về sức lôi cuốn của nghệ thuật ngôn từ, như cách nói của Chu Quang Tiềm, nhà mỹ học hiện đại Trung Hoa được tiếp nhận ở cả Đài Loan và Việt Nam.
12/11/2019
Zét Nguyễn
Nguồn: Trích Lời bạt tuyển tập Truyện ngắn Trần Trường Khánh, NXB Văn hóa - Văn nghệ, TP HCM, tháng 11-2019
Theo http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/
 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...