Thứ Bảy, 22 tháng 4, 2023
Giấu vàng trong gió thu
Lịch sử thi ca hiện
đại ít có thi sĩ nào được như Bích Khê. Chỉ trong vòng 10 năm, dường như để bù
lại những gì thưa thớt của ngày tháng cũ, quê hương Quảng Ngãi đã tổ chức hai
cuộc hội thảo lớn, tập trung đông đảo các nhà thơ và học giả đương thời tụ hội
nhân kỷ niệm 90 năm và 100 năm ngày sinh. Bích Khê và Thơ Bích Khê như được chiếu
sáng từ mọi phía của quá khứ và hiện tại bằng sự mẫn cảm tinh tế của các nhà
thơ cũng như sự sâu sắc bất ngờ của các nhà lý luận. Vậy mà, khi gấp lại đời
thơ đoản mệnh ấy, nhìn vào khuôn mặt trẻ trung, đôi mắt thuần túy và tượng
trưng, đôi mắt mà chàng thi sĩ đã dành tới 248 câu thơ trong bài thơ Châu như
để tự nói về mình. Đôi mắt đẹp câm trong sắc tượng biến ra châu nguyên vẹn
cốt thiên đường, vẫn thấy hình như chàng đang muốn nói điều gì. Một điều đang
được chàng giấu kín trong những dòng thơ siêu thực mang hình dáng phương Tây mà
lại phả ra cái phong nhã cổ điển của thi ca phương Đông. Đôi mắt mở to. Đẹp và
thật buồn như thấp thoáng giữa những dòng Thu mê mải mà đa cảm mang tên gọi
Bích Khê. Đành xem lại Tinh Huyết, Tinh Hoa một vài lần nữa để ngẫm
ngợi mà vẫn mơ hồ chưa nhận được ra. Nghĩ vậy. Học theo cách làm Thi Thoại của
người xưa, tôi theo đợt gió mùa đầu tiên trong năm từ Bắc vào Nam mới khởi sự
trước đó hai ngày và dừng lại ở Thu Xà, quê hương Bích Khê để lan tỏa cái se lạnh
muôn năm không hiểu nổi của mùa Thu xứ Bắc. Dường như mùa Thu Hà Nội với bộ
xiêm y mờ ảo sương mù đi qua biển rộng vừa mới lên bờ vào được đến đây. Cái mảnh
đất mà hơn nửa thế kỷ trước Bích Khê đã gọi là làng cũ buồn thu quạnh,
thành phố ngưng mạch ấy mà giờ tưởng chừng nó vẫn cũ kỹ như xưa sau bao nắng
mưa và ly tán của cuộc đời này. Có khi còn cũ hơn ngày trước bởi hôm nay lê thê
gió lạnh từ biển thổi vào. Con đường ngắn Thu Xà hai bên những ngôi nhà gạch cũ
thấp nhỏ với dăm bảy hiệu tạp hóa theo kiểu bây giờ, xô lệch những khung cửa sổ
nhỏ vẫn mở nhìn ra đường từ dạo ấy chưa bao giờ khép lại. Không còn đâu dấu
tích của một thương cảng nhộn nhịp trên bến dưới thuyền. Thi sĩ Trần Dần có lần
viết: Ôi! những thành phố cố tình vắng vẻ… để khói hè. Với lịch sử của Thu
Xà, khi người Việt đầu tiên đến được đây theo đội quân của Hồ Hán Thương vào
năm 1402 có thể viết được rằng: Ôi! phố thị cố tình cũ kỹ… để tha hương.
Nhà thờ họ Lê Quang ở bên trái gần cuối con đường. Trong một ngõ nhỏ giữa vườn
cây vằng lặng. Đó là một kiểu kiến trúc theo lối cổ có hàng hiên ở trước. Chính
giữa bàn thờ tổ tiên phía trên có bức hoành phi đỏ viết 4 chữ nho vàng ẩm
thủy tư nguyên. Phía sát tường đầu đốc bên phải đặt bàn thờ có ảnh cha mẹ
Bích Khê và chị Ngọc Sương thời còn trẻ. Phía đốc nhà bên trái là bàn thờ Bích
Khê. Trên tường treo ảnh Bích Khê với đôi mắt nghĩ nhiều nhiều hơn là nhìn quen
thuộc. Trên bàn, đằng sau bát hương đặt pho tượng bán thân bằng đá đen tạc hình
Bích Khê trẻ trung thanh lịch. Tôi bảo anh em dâng lên bàn thờ một lẵng hoa hồng
và thắp ba nén hương trầm lầm dầm khấn không rõ bằng việc chắp nối đôi dòng thơ
Tinh Huyết. Khói hương trong nhà đã lên cao. Ngoài vườn, hoa Huỳnh Anh loài
thân gỗ mới trồng còn thấp nhỏ đã kịp bung ra những quả chuông vàng rực rỡ như
một sự tình cờ giữa chiều chợt mưa chợt nắng. Trong một vài góc nhỏ bụi hoa Oải
hương lắc rắc tím với mưa làm như Bích Khê chưa chịu chú ý đến chúng. Phía bên
phải khu vườn, người ta lấy đá xếp thành chiếc đàn tỳ bà nằm nghiêng từ phía bầu
đàn cao khoảng 5 mét thoai thoải đến phía dưới theo cần đàn mà các phím được xếp
bằng những bậc đá đều đặn. Tất cả làm thành hình quả lê bổ đôi. Ngay dưới bầu
đàn tỳ bà là thư viện Bích Khê, tạo nên cảm giác như nằm ẩn dưới đất. Trước lối
vào thư viện, một cây ngô đồng chắc cũng mới được trồng lá to đến ngọn. Đôi chiếc
đã rớm vàng. Chúng tôi nhờ người cháu họ gọi Bích Khê bằng ông đưa đi viếng mộ.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Tưởng chừng như
Tưởng chừng như (Nói với Gaston, 15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...
-
Vài nét về văn học Đông Nam Á Đặc điểm của văn học Đông Nam Á (ĐNA) Nói đến văn học Đông Nam Á là phải nói đến sức m...
-
Mùa thu nguồn cảm hứng lớn của thơ ca Việt Nam 1. Mùa thu Việt Nam nguồn cảm hứng trong nghệ thuật Mùa thu mùa của thi ca là m...
-
Thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi 1. Trong lịch sử văn học Việt Nam, cảm thức thiên nhiên của các thi nhân không phải là hiếm. Nhưng t...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét