Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2023

Bệnh đồng phục

Bệnh đồng phục

Có một câu hỏi đôi khi khiến tôi thấy mơ hồ: Tôi điên hay người khác điên? (Albert Einstein)
Đã bao giờ bạn tự hỏi bản thân câu hỏi đó chưa? Đó là khi bạn đang cố sức bảo vệ quan điểm của mình dù nó là đúng, mọi người thì đang ra sức phủ định điều đó. Liệu bạn đúng hay người khác đúng? Bạn sai hay người khác sai? Nếu bạn đã rơi vào tình huống đó thì xin thưa: bạn đã rơi vào bệnh đồng phục.
Vậy bệnh đồng phục là gì? Trước hết chúng ta hãy chiết tự thành bệnh và đồng phục. Bệnh là quá trình hoạt động không bình thường của cơ thể sinh vật từ nguyên nhân khởi thuỷ đến hậu quả cuối cùng. Bệnh có thể gặp ở người, động vật hay thực vật. Còn đồng phục là các loại quần, áo giống nhau và được mặc bởi các thành viên của một tổ chức khi tham gia các hoạt động trong tổ chức đó theo quy định, nội quy của tổ chức. Bệnh đồng phục mà chúng ta đang nói đến ở đây là hiện tượng áp đặt suy nghĩ, chính kiến của một người lên tập thể hay ngược lại. Đó là căn bệnh giống nhau về tương tưởng, quan điểm.
Dù đây là căn bệnh không có trong từ điển y học nhưng nó là căn bệnh đáng sợ nhất hiện nay. Bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần của cả một xã hội Việt Nam hiện nay. Nó tàn phá các thế hệ ở mọi lứa tuổi. Càng nguy hiểm hơn khi chúng ta không hề cảm nhận được triệu chứng của nó. Khi chúng ta biết được mình dính phải thì nó đã đến thời kì cuối. Nó ẩn sâu vào bên trong mỗi người trong xã hội của chúng ta. Âm thầm nhưng đáng sợ nhất!
Hãy cùng tìm hiểu những biểu hiện của căn bệnh này nhé. Trong một cuộc thảo luận, khi 99,99% người đồng tình với ý kiến A, có một người lại nói rằng B, ấy thế người ấy bị tất cả mọi người không hài lòng. Hay khi trong cuộc họp Quốc hội, một đại biểu từng đặt câu hỏi: nếu người dân đưa ra quan điểm không đồng tình với Nhà nước thì có bị quy chụp là phản động, có tư tưởng lệch lạc hay không. Căn bệnh này chúng ta còn bắt gặp trong việc quản lí nhà nước, khi lãnh đạo nói như thế này thì liệu điều đó có sai đi nữa thì cấp dưới nào dám mạnh mẽ đứng dậy phản bác? Không chỉ dừng ở đời sống xã hội, bệnh đồng phục còn lan sang cả đời sống mạng, mạng xã hội. Khi một cuộc tranh cãi nổ ra, ai cũng ra sức bảo vệ quan điểm của mình và không quên chê bai, hạ thấp người khác. Chúng ta đang ra sức để khiến mọi người phải giống chúng ta, họ không được phép khác mình?!
Nguyên nhân của căn bệnh này có từ xa xưa. Đất nước ta trải qua hai cuộc trường kì kháng chiến trong thế kỉ 20. Để giành thắng lợi, những người tham gia kháng chiến phải cùng có chung lí tưởng. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến từ đồng chí. Nhưng sự chung lí tưởng, quan điểm chỉ thích hợp trong thời chiến. Đất nước đã bước sang thời kì mới, cần phải có sự thay đổi để thực sự phát triển toàn diện.
Sự tồn đọng của bệnh đồng phục đã tàn phá thế hệ trẻ Việt Nam sâu sắc. Mà ảnh hưởng lớn nhất có thể kể đến là trong giáo dục. Người lớn dạy trẻ một đằng nhưng lại cho chúng thấy một thực tế khác xa: chúng ta dạy chúng sống phải sáng tạo, nhưng chính chúng ta là những người cấm chúng không được sáng tạo. Nghe có vẻ vô lí, không đúng với bản chất của giáo dục. Nhưng xin thưa, thế thì khi làm văn một đứa trẻ đang viết điều chúng nghĩ hay chúng đang viết điều thầy cô nghĩ? Thầy cô luôn bắt chúng tả một gia đình hạnh phúc, mẹ thì lo cho bữa cơm gia đình, bố thì dạy các con học bài mỗi tối. Lạ quá! Cả 100% bài làm văn của cả một lớp đều có gia đình chuẩn mực như thế. Dần dần, môn Văn đang vẽ ra một thế giới cao đẹp khác xa thực tế mà trẻ em thấy. Chúng ta, những người lớn mang bệnh đồng phục dạy trẻ em nói dối! Quả thực rất đau đớn.
Chúng ta luôn miệng nói rằng: con người phải được tự do, phải sống thật với bản thân mình. Ấy thế mà khi một người sống thật với chính mình thì ngay lập tức bị lên án là khác người, khác đời, thích làm màu! Đó là một nghịch lí. Chúng ta xây dựng một thế giới tự do ảo. Ra sức kêu gọi tự do nhưng căn bệnh đồng phục thì khiến chúng ta càng ngày càng ra sức áp đặt mọi người hơn. Căn bệnh này còn dẫn đến sự phán xét người khác vô căn cứ. Vì anh khác tôi nên tôi không thích anh. Đơn giản hơn như trong âm nhạc hiện nay chúng ta dễ dàng bắt gặp hiện tượng fan của ca sĩ này chê bai, chỉ trích ca sĩ khác để bảo vệ thần tượng của mình. Hay khi chúng ta nhìn thấy một người xăm trổ thì ngay lập tức lánh xa vì Tôi không xăm nên tôi bài trừ những người xăm mình. Lạ thế? Phải chăng chúng ta là số một, là chuẩn mực mà mọi người phải tuân theo. Không! Không bao giờ lí lẽ đó là đúng.
Xã hội sẽ đi về đâu khi tất cả mọi người đều giống nhau. Thế giới chỉ toàn một màu đen hoặc trắng. Một thế giới tràn ngập của những con người nghĩ giống nhau, làm giống nhau. Trông giống như một thế giới của những con rô bốt không cảm xúc. Lặp đi lặp lại nhưng một cỗ máy thì còn gì là cuộc sống hả bạn?
Phải chữa ngay bệnh đồng phục. Muốn thế thì phải xác định được căn bệnh đã đi đến giai đoạn nào? Phải có phác đồ điều trị lâu dài. Không nên làm ngơ trước nó, bởi nó sẽ trở nên chai lì. Chúng ta phải biết lắng nghe và tôn trọng người khác, dù họ có nói sai đi chăng nữa. Nếu muốn mình được tự do, hãy cho người khác sự tự do và họ sẽ đem đến sự tự do cho mình. Đừng nói, mà hãy lắng nghe mà soi xét.
25/12/2015
Đặng Trần Hoàng Thông
Theo http://vanchuong.com.vn/
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Ở trung ương cũng có những tay văn nghệ rất “địa phương” và ngược lại Để giúp các nhà văn và bạn đọc có cái nhìn sâu rộng hơn bức tranh ...